PHAN ANH


Một Thoáng HƯƠNG GIANG
                       
          Dù “đã đôi lần đến với Huế mộng mơ” nhưng để có được một đêm la cà, ngó nghiêng thả hồn theo “dòng nước buồn thiu” trên sóng nước Hương Giang ở đất cố đô thì đây là lần đầu. Có lẽ, để hiểu về cái con sông rất mực trữ tình, lãng mạn và nghệ sĩ này mà chỉ có một đêm thì e là chưa đủ. Quả thực, một đêm với dòng Hương trên đất Huế thời gian là quá ít nhưng cái chút thoáng ấy đã kịp để lại trong ta một ấn tượng khó quên về cái gọi là Huế mộng Huế mơ. Cái đêm thả hồn trên bóng nước Hương Giang ấy đã giúp ta ngộ ra được khá nhiều điều về cái chậm, cái buồn đầy chất thơ, khó lẫn của chốn thần kinh sông Hương núi Ngự êm đềm, dịu dàng và cổ kính. Để rồi sau cái đêm ấy lòng ta không khỏi vấn vương, đi về mà vẫn cứ “nhớ, nhớ mãi không quên” nơi chốn “trăng nước mộng mơ”.
          Sông Hương quả là đẹp. Nó đúng là hồn cốt của cái vùng đất đế đô này. Đứng bên “đường phượng bay” vẫn còn đang chín màu hoa đỏ, lặng lẽ ngắm nhìn dòng nước biếc xanh đang lững lờ buông trôi về phía cửa biển Thuận An, tôi cứ tự hỏi nếu một ngày nào đó Huế không còn dòng Hương thì vùng đất ngàn thơ này sẽ ra sao nhỉ? Thú thật, sẽ không thể hình dung được. Khi ấy tôi lại thoáng nghĩ tới câu thơ của Huy Tập để làm lời giải đáp cho cái câu hỏi ngớ ngẩn vừa tự nghĩ của mình: “Nếu như chẳng có dòng Hương/ Câu thơ xứ Huế đánh rơi giữa chừng”.
Biết bao đời nay Huế vẫn thế, trầm mặc ôm Hương Giang cùng đôi bờ bát ngát cây xanh cùng những đền đài thành quách đang thỏa sức in hình trên mặt nước lung linh sóng gợn vào lòng để làm thành một miền cổ thi khiến cho các mặc khách tao nhân trên khắp mọi miền đều phải lòng mê mẩn. Mải mê ngắm nhìn sông nước mây trời thành Huế cùng cây cầu Trường Tiền uốn cong từng nhịp vắt ngang dòng sông tựa như chiếc lược ngà trên mái tóc của nàng cung nga buông hờ mà nhà thơ Nguyễn Bính đã nói hôm nào, tôi chợt nghĩ về cái nơi khởi nguồn và những núi đồi mà con nước lững lờ kia đã phải đi qua để ngẫm về một đời sông cùng cái qui luật thăng trầm. Nghĩ đến như thế, lòng mới ngộ ra rằng, hoa ra dòng chảy êm đềm như thảm lụa có được ở nơi hạ nguồn trước mắt mình kia chính là kết quả của những cuộc vật lộn đầy cam go của con nước trên những thác ghềnh của hai nguồn Hữu Trạch và Tả Trạch ở tít mãi phía Đông Trường Sơn xa xôi. Trên thượng nguồn Hữu Trạch, ở độ cao 900 m, sông phải vượt qua 55 thác nước lớn nhỏ. Còn ở đầu nguồn Tả Trạch, trên độ cao 600 m sông vượt ít hơn, chỉ 14 ghềnh thác. Thế đấy, từ những vùng núi đá hoa cương sông Hương như một cô gái “Digan” đầy hoang dã, cuồn cuộn vượt thác băng ghềnh, uốn mình đi qua bạt ngàn rừng già của đại ngàn rồi lần men theo dưới những chân núi, chân đồi trùng trùng điệp điệp để sau cùng êm ả đi vào thành Huế một cách mộng mơ như một cô gái dịu dàng e lệ trong cái dáng điệu “con sông dùng dằng con sông không chảy” với đủ những sắc màu theo các cung bậc của thời gian “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Cuối cùng, sau khi ngang qua kinh thành Huế, sông Hương hợp lưu cùng với sông Bồ ở Ngã Ba Sình để dồn nước vào phá Tam Giang và cùng đổ ra cửa biển Thuận An, kết thúc một hành trình tìm ra biển lớn không ngừng không nghỉ. Chẳng biết có phải sau một chặng dài vật vộn với thác ghềnh vách đá, đến Huế sông mệt mỏi buông xuôi nên dòng nước có vẻ như uể oải, biếng lười, mệt mỏi mà trôi đi một cách chậm chạp, lờ lững để rồi cho Huế một dòng sồng đầy thi vị, mộng mơ... Thế mới hay, chẳng có ngọt lành nào mà chẳng phải trải đắng cay, chẳng có êm đềm nào mà không phải đi qua những thác ghềnh, giông tố.
Đêm, sông Hương lung linh huyền diệu. Cầu Trường Tiền rực rỡ trong các sắc màu xanh, vàng, tím, đỏ của ánh đèn điện như sao sa soi bóng xuống dòng Hương thơ mộng hoà cùng ánh sáng bập bùng mờ ảo của hàng trăm ngọn nến trong những hoa đăng bồng bềnh trên mặt nước. Từng du thuyền đầu rồng vàng rực nổ máy nhổ neo rời bến ngược con nước ra giữa dòng sông hoà trong tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng nhị, tiếng sanh tiền, tiếng sanh loan … nỉ non, réo rắt. Thuyền ra đến giữa sông thì tắt máy thả trôi trên mặt nước. Không gian yên tĩnh vốn có của Hương Giang được trở lại trong các làn điệu của ca Huế. Và như thế, đêm ca Huế bắt đầu. Tiếng ca nhi cất lên ngọt ngào giữa bốn bề yên ắng của đêm tối bủa vây trên mặt nước lung linh hoa đèn càng làm cho cảm giác thưởng thức ca Huế trong lòng du khách được lắng đọng, thấm sâu. Từng thanh âm, lời ca nhả buông theo những làn điệu khi nam ai nam bằng, lúc thì tương tư khúc hay hành vân hoặc tứ đại cảnh … Tất cả cứ nỉ non, mềm mại, uyển chuyển, du dương, trầm bổng, khoan thai mà thấm đẫm chất trữ tình với đủ đầy các sắc màu hỉ nộ ái ố thấm dần vào lòng người khiến cho hồn ta bỗng trở nên nhẹ nhàng, thanh thản như thể đang được neo đậu giữa nơi chốn bình an cùng bao nỗi vui sầu nhân thế.
          Bên dòng Hương Giang, giữa lòng thôn Vỹ, trên đường Nguyễn Sinh Cung, Vỹ Dạ Xưa quán là một không gian hoài niệm tuyệt vời cho những người yêu Huế. Đất giai nhân vốn từng vang bóng một thời với những “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền” nay không hổ danh với tiếng đồn là nơi lưu giữ hồn cốt phong cách Huế. Những ngôi nhà rường với tòa ngang dãy dọc theo lối cổ xưa của đất Huế được sắp xếp theo lối chữ công lọt vào giữa bốn bề cây xanh, non bộ, thác nước cùng cây cầu bắc qua dòng suối nhỏ dễ gợi nên trong lòng người đến nỗi nhớ bâng khuâng về một thủa xưa nào đó của Huế giữa bốn bề phố thị đang ngày một ồn ào huyên náo ngoài kia.
          Thật đáng khen cho chủ nhân của Vỹ Dạ Xưa, có lẽ phải yêu Huế lắm thì người ta mới làm nên một không gian trầm cổ có một không hai giữa đất đế đô này như vậy. Chắc nặng lòng với Huế nên trong không gian ấy hầu như mọi vật từ kiến trúc nhà cửa, sân vườn cho đến cái bàn, chiếc ghế, bộ chén chỗ nào vật nào cũng theo lối cổ, mang đậm chất Huế. Đến Vỹ Dạ Xưa khách không chỉ được ngắm xem những bộ sưu tập đồ cổ với đủ các loại bình, lọ, bát, đĩa, ấm chén, tủ, kỷ, đôn, kệ … mà còn được thưởng thức nhạc Trịnh cùng với những chén trà cung đình rất đặc biệt. Không biết chủ nhân của quán có phải là một tín đồ của Trịnh hay không mà không gian của quán như thể lúc nào cũng đắm chìm trong những tình khúc bất hủ của ông. Lạ thay, cái cách cho du khách thưởng thức nhạc Trịnh ở đây cũng rất Huế. Có nghĩa là volume chỉ vặn cho lượng âm thanh tới mức vừa đủ nghe. Có lẽ không gian ấy và thanh âm ấy dễ làm cho những người không phải ở Huế đến đây cũng phải lặng im để mà thưởng thức ẩm thực cũng như là phải tĩnh tâm để lắng nghe nhạc Trịnh. Chẳng ai bảo ai, quán đông người mà cứ thanh bình, tĩnh lặng, nhẹ nhàng đến lạ kỳ theo đúng chất Huế. Không biết do vô tình hay hữu ý, lắng nghe nhạc Trịnh nơi đây tôi mới ngộ ra, từng thanh âm đang nhẹ nhàng, êm đềm vang lên thánh thót qua những chiếc loa kia cũng đầy chất Huế, từ cái giai điệu chậm chạm, buồn vương cho đến những hình ảnh ca từ đều hằn in bóng dáng của Huế. Nào là “ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi”, “Em đi về chiều mưa ướt áo, đường phượng bay mù quên lối về”, “chiều một mình qua phố âm thầm nhớ tên em” cho đến “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”, “nhìn những mùa thu đi em nghe sầu lên trong nắng”, “lùa nắng cho buồn vào tóc em”… Thì ra, Huế đã ở trong sâu thẳm hồn Trịnh từ rất lâu rồi nên dù có ở nơi nao thì mưa, nắng kia vẫn là mưa, nắng của đất Huế ngàn thương, những nỗi buồn kia vẫn là cái buồn cố hữu của xứ Huế mộng mơ mà chẳng thể lẫn vào bất kỳ vùng đất nào cho được.
          Sẽ là thiếu sót khi nói về Vỹ Dạ Xưa mà không kể về chén trà cung đình trứ danh thiên hạ. Vỹ Dạ Xưa có đủ từ cơm niêu, canh rau, cá kho, đậu phụ cho đến cafe, sinh tố, rượu, bia; phục vụ từ một khách cho đến cả hội nghị hoặc tổ chức sự kiện nhưng ấn tượng nhất, làm nên thương hiệu của quán có lẽ vẫn là những chén trà cung đình. Trà quán nơi đây không giống trà đạo của người Nhật mà giống với cách uống trà thanh nhiệt, giải độc và dưỡng bổ của quí tộc người Hoa. Mỗi chén trà cung đình ở đây dễ có đến trên hai mươi vị thập cẩm được bào chế từ các vị thảo dược như linh chi, kỳ tử, thục, táo tàu, hoài sơn, đẳng sâm, khổ qua, nho quả, atiso … Tất cả đều được bốc theo một phương thức bí truyền rồi sao vàng hạ thổ theo các quy luật âm dương. Những vị thảo dược ấy khi dùng được hãm trong nước nóng. Thưởng thức trà cung đình ở đây đậm nhạt, thanh ngọt tùy theo khẩu vị của mỗi người. Người thích thanh chịu được đắng thì hãm nước nóng cùng chút ít đường phèn; kẻ ưa ngọt thì cho nhiều đường hơn cho bớt đắng. Tất cả dù cho nhiều đường hay ít đường thì khi thưởng trà mọi người đều được ăn kèm một chiếc bánh đậu đen nhân dừa rất bùi và dịu ngọt. Cứ thế, từ tốn, chậm rãi thưởng trà trong một không gian xanh mát thánh thót nhạc Trịnh ta sẽ mặc sức được thả hồn mơ mộng, phiêu ru như thể trong chốn bồng lai. Khi dùng trà hết nước thứ nhất, sang nước thứ hai ta sẽ thấy được rõ cái vị thanh khiết, ngọt ngào, thơm thảo của cỏ cây hoa lá. Cái dư vị ấy của trà ngấm dần và lan tỏa mãi nơi cuống họng, kể cả khi ta đã đứng dậy ra về mà vẫn còn cứ ngọt thơm. Quả thực thưởng trà cung đình trong đêm thanh, bên dòng Hương thơ mộng ta thấy mình như thể đang được sống hòa mình vào giữa thiên nhiên cây cỏ, cùng trời mây sông nước của xứ Huế. Những phút giây như thế ta thấy mình như có cái cảm giác đang được ung dung nhàn tản một cách cũng rất mực rất thanh tao. Dù chỉ một lần đến quán nhưng ta cũng sẽ nhận ra cái nét ẩm thực cầu kỳ quí phái và đầy tinh tế của cung đình xưa, của chủ nhân Vỹ Dạ Quán. Và đó có lẽ cũng là dịp, ít nhất là một lần trong đời, ta được thưởng thức cái vị thơm ngon của  ẩm thực nhất dạ đế vương nơi chốn hoàng cung một thủa.
 Một thoáng Hương Giang, ta như thể đang thấy mọi đền đài, thành quách đều nghiêng ngả trong cái nét dịu dàng và tiếng nói ngọt ngào dễ thương của người con gái Huế. Một đêm với sông Hương như thế lòng nào sao chẳng luyến nhớ để rồi khi cất bước trở về ta cũng sẽ thấy hồn mình tựa như Thu Bồn trong cái cảm giác: “Xin chào Huế một lần anh đến/ Để ngàn lần anh nhớ trong mơ”.
 


  Trở lại chuyên mục của : Phan Anh