PHAN ANH


      SÍN CHẢI THƯƠNG NHỚ
                                    
          Tiết trời mùa thu ở Sa Pa thật đẹp. Trời se se lạnh, tỏa nắng vàng ươm như rót mật. Chỉ có điều cái tiết trời này ở đây khá đỏng đảnh. Nắng đấy rồi lại mưa ngay giống như Đà Lạt. Nhưng cũng thực thú vị, cái tiết trời thất thường của xứ “ôn đới” này lại là một thứ đặc sản, dễ khiến cho người ta gần nhau hơn khi tay trong tay dạo phố với “tròn xoe chiếc ô trên đầu” hay dạt vào một quán hàng nào đó trên phố để được bên nhau trong ly cafe tỏa hương dịu nhẹ, cùng thả hồn trong những điệu nhạc du dương. Nhưng đến Sa Pa chỉ để có vậy thôi thì chưa đủ. Đấy chỉ là ngắm nhìn cái phần xác ồn ào của phố núi du lịch mà ta cũng có thể thấy được ở đó đây, chẳng riêng gì Sa Pa mới có. Đúng thế, ở Sa Pa ngoài cái phần “xác” ấy ra, vẫn còn nguyên đó một Sa Pa lặng lẽ trong sương mây, đang lưu cất phần “hồn” trên những bản làng thơ mộng, nguyên sơ bên triền núi, sườn đồi để gây thương nhớ. Trong nơi ấy có Sín Chải, cách trung tâm phố núi không xa.
Nằm dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, từ trung tâm thị xã Sa Pa đi về phía Bắc khoảng chừng năm cây số, Sín Chải được xem như một trong những bản làng hiếm hoi còn giữ được nhiều nét thô mộc, hoang sơ của tộc người H’Mông đen giữa lung linh, ồn ào của phố thị du lịch nổi tiếng nơi cực Bắc. Ẩn sâu trong chốn thâm u của vùng núi rừng được coi như nóc nhà của Đông Dương với bốn bề đá núi cao ngất ngưởng quanh năm chờn vờn mây phủ, sương buông có một Sín Chải thoáng đãng, thô mộc, giản dị, lầm lụi, lặng lẽ, âm thầm bên những thửa ruộng bậc thang đẹp đến mê mẩn bởi những sắc cảnh liên tục thay đổi theo mùa. Khi thì vàng rực, óng ả, kiêu sa trong mỗi mùa lúa chín làm nao lòng biết bao người qua; níu kéo, khiến cho biết bao bàn chân phải dừng lại, chậm bước và hẹn ngày trở lại. Lúc lại tỏa sáng lấp lánh mặt nước trong veo vào mùa nước đổ giống như tấm gương phản chiếu muôn ngàn tia chiếu của ánh mặt trời, lộng lẫy, rực rỡ tựa thiên đường; cũng có khi in soi dáng núi, mây trời xanh trong làm thành một bức tranh thủy mặc dẫn dụ du khách đến quên đường về.
          Sín chải là thế! Cũng như bao bản làng khác của cái thị xã du lịch vùng cao cực Bắc, con đường đến Sín Chải nếu không được trải nhựa thì cũng đa phần được kiên cố hóa bằng bê tông. Xem ra, hình như chỉ có con đường dẫn vào bản (đường chính liên bản rộng chừng hơn hai mét, đường trong bản ước chừng rộng chỉ một mét) là nét hiện đại duy nhất còn hầu như tất cả các mọi thứ từ lối mòn ngổn ngang sỏi đá dưới chân núi quanh năm ẩm ướt bởi nước từ các mó tràn ra hay những con đường gập ghềnh, quanh co đất sỏi lở loét bên các triền đồi cho đến nhà cửa, cảnh vật và cuộc sống sinh hoạt ở nơi đây cơ bản vẫn còn giữ được nguyên vẹn với những đường nét dung dị, mộc mạc, chân sơ. Có lẽ chính cái nét hoang sơ, thô ráp này lại là một thứ men say khiến cho những ai đã từng đến một lần rồi nhưng vẫn muốn có một ngày sớm được quay trở lại để ngắm nhìn, hòa mình vào nhịp sống nhẹ nhàng, chậm rãi, trong lành của con người cùng cảnh vật của núi rừng Sín Chải.
Khác với Cát Cát, bản kề bên, nằm ở ngay đầu con đường đi vào Sín Chải, lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt bởi những sắc màu, thanh âm của một bản có nghề về làm du lịch cộng đồng với không ít cảnh quan đã được cắt tỉa theo kiểu “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” để lôi cuốn du khách, Sín Chải là một không gian còn giữ được khá nguyên vẹn những nét nguyên sơ, chân chất cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người H’Mông trong cái thanh tĩnh, an lành nhưng không kém phần thơ mộng của núi rừng Tây Bắc với những nếp nhà hai trái lợp bằng mái gỗ pơmu, trải qua mưa nắng bị vênh cong cùng rêu phong xòe ra như vành nón thấp lùn với những bó củi xếp quanh mình bên tường rào đá xám đen. Hay còn đó những rãnh nước trong veo xẻ ngang dọc trong vườn, bên chân bờ rào, tràn xuống những thửa ruộng bên nhà với đàn ngan, đàn vịt đang rỉa lông rỉa cánh; những chú lợn nhỏ bé bụng võng sát đất lông như dựng ngược đang ủn ỉn dụi mõm trên những ruộng rau; những đàn gà đang chiêm chiếp gọi nhau cào cào bới bới bên những rãnh nước hay trên những bụi bờ; những đứa trẻ mặt mày lem luốc đang túm tụm hồn nhiên chơi đùa bên khe nước trong văn vắt, lổng cổng đá trên lối mòn nơi chân núi. Và, có cả cái mùi nồng nồng của đất, của nước ... đang bốc lên hòa trong mây trời gió thoảng.
 Cuộc sống ở Sín Chải vốn thuần nông, mỗi năm chỉ có một vụ lúa trông chờ vào sự mưa thuận gió hòa của đất trời. Ngoài ra, để đảm bảo cho sự sinh tồn, người dân Sín Chải còn phải lam lũ trồng thêm thảo quả trên triền núi thoai thoải hay nuôi thêm con trâu con ngựa. Cuộc sống vốn khép kín nên đa phần phụ nữ ở Sín Chải vào lúc nông nhàn còn thêu thùa may vá, trồng lanh dệt vải để đảm đương cái mặc cho tất cả mọi người. Cũng bởi cái lối sống tự cung tự cấp ấy nên Sín Chải còn nghèo khó. Nhưng cũng vì thế mà Sín Chải chưa bị du lịch hóa như những bản làng lân cận, vẫn còn giữ được nguyên vẹn sự hoang sơ, mộc mạc như những gì vốn có. Cho nên Sín Chải rất thanh bình, không hề có sự ồn ào náo nhiệt. Trong bản không có cảnh bán hàng dong, không có trẻ xin tiền hay chèo kéo khách mua hàng ... Có lẽ do vậy, đến Sa Pa, ai đó thích khám phá phong cảnh hoang sơ của bản làng hay tìm về cuộc sống của đồng bào người H’Mông đen một cách nguyên bản nhất đều được người ta chỉ vào Sín Chải.
Hình như Sín Chải cũng “kén” khách. Người đến Sín Chải đa phần là khách nước ngoài. Người Việt cũng có đến nhưng ít, chỉ những ai muốn tìm về một Sa Pa của cái thời đã xa. Một Sa Pa với những bản làng bồng bềnh trong mây trắng với những nếp nhà mái gỗ mang đậm nét rêu phong của núi rừng Tây Bắc nhấp nhô bên những triền đồi hay chênh vênh bên các vách núi. Sa Pa ấy không còn ở trung tâm phố huyện. Sa Pa ấy chỉ còn có thể thấy được ở những bản làng chưa bị du lịch hóa. Sín Chải là vậy. Đến Sín Chải bây giờ ta còn như thấy được ít nhiều những nét hoang sơ của cảnh vật. Và không chỉ có vậy, ta thấy cả những “hoang sơ” thuần phác đầy thương yêu của con người. Ai đó cứ thử lang thang vào trong các xóm nhỏ nơi chân núi, sườn đồi mà xem, để tận hưởng những sắc màu cuộc sống nơi vùng cao cực Bắc hẳn sẽ nhận ra và yêu thương những cái hồn hậu, giản dị, chân chất của con người Sín Chải. Những con người ít nói, chỉ lặng lẽ nhìn, lầm lụi làm và suốt ngày chỉ loanh quanh bên những rào đá, trên những triền núi chân trần cõng củi ... Thấy lũ trẻ đáng thương và cũng đáng yêu vô cùng. Líu lo, đùa vui trong mong manh, xộc xệch áo quần, chân đất lấm lem bên khe nước gập ghềnh đá của xóm nhỏ hiu hiu gió núi trong tiết trời cuối thu đầu đông se se lạnh. Chúng hồn nhiên như cây cỏ ở Sín Chải, âm thầm lớn lên vạm vỡ trên đất đá gian khó của núi rừng Hoàng Liên.
Một sớm mùa thu, bước chân cao thấp trên con đường nhấp nhấp nhô nhô của Sín Chải, miên man trong những nghĩ suy về con người và mảnh đất nơi này lòng không khỏi thầm mơ ước sao cho có một Sín Chải phát triển hơn bây giờ nhưng vẫn giữ được tất cả những gì nguyên vẹn của hồn nhiên, yên lành, thơ mộng. Để chúng ta vẫn còn đó một Sa Pa lặng lẽ như thủa ban sơ ngày đêm gây thương nhớ.  


  Trở lại chuyên mục của : Phan Anh