PHAN ANH


TẢN MẠN DƯỚI NON TẢN
                             
          Sau đợt rét đậm kéo dài của những ngày mùa đông, chúng tôi về Ba Vì làm công tác thi học sinh giỏi. Nhân dịp chiều rỗi rãi, có nắng ấm xua tan tiết trời u ám, anh em chúng tôi rủ nhau về K9 - Đá Chông thăm khu di tích Bác Hồ và ngắm dòng Đà Giang uốn lượn dưới chân non Tản. Cái nắng cuối mùa hiếm hoi của xứ mây trắng chiều nay vàng lung linh như rót mật, duyên dáng xuyên qua tán lá của rừng cây rậm rạp; phản chiếu lóng lánh trên mặt nước hồ bao la tạo nên một cảm giác ấm áp, thoáng đãng khiến cho hồn người trở nên nhẹ nhõm, sảng khoái. Dấu tích của những ngọn đá nhọn như những cây chông, cây mác lởm chởm trên mặt đất vẫn còn đó, ẩn mình giữa rừng xanh bên dòng sông Đà biêng biếc đang thong thả buông mình về phía ngã ba Hạc để hòa vào sông Cái tiếp tục góp phù sa một cách cần mẫn mà bồi đắp thêm cho châu thổ sông Hồng theo dặm dài của hành trình mấy nghìn năm không ngừng không nghỉ khiến cho ai nấy quên đi nơi đây từng là vùng chiến địa sinh tử của hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh bởi không gian đất trời và cảnh vật nhẹ nhàng, thanh bình, đẹp đẽ, trong lành quá.
Núi Ba Vì ở về phía Tây thủ đô Hà Nội, còn gọi là núi Tản Viên (Tản là cái tán, Viên là tròn). Sở dĩ người ta gọi như vậy vì núi có ba ngọn, đỉnh núi thắt cổ bồng trông như cái tán khổng lồ dựng giữ trời cao lồng lộng làm trấn sơn cho cả nước. Trên non Tản có đền Thượng hay còn gọi là Chính cung thần điện thờ Thánh Tản Viên, một nhân vật huyền thoại mở đầu cho công cuộc dựng nước của người Việt. Tương truyền đền được làm từ thời An Dương Vương và được xây cất với một quy mô lớn vào thời vua Lý Nhân Tông. Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi có ghi lại rằng: “Vua Lý Nhân Tông sai thợ làm đền thờ trên đỉnh núi cao nhất có đến 20 tầng lầu”. Tương truyền đền này rất thiêng. Chính vì thế  năm 1836 vua Minh Mạng khi đúc Cửu Đỉnh (để thể hiện uy thế và sự bền vững của nhà Nguyễn) đã sai người chạm hình non Tản vào Thuần Đỉnh cùng với cửa Cần Giờ và sông Thạch Hãn. Rồi đến đời Tự Đức, năm 1850, nhà Nguyễn đã liệt Tản Viên Sơn vào hàng linh sơn của đất nước, được ghi chép cẩn thận vào trong Tự điển để tổ chức tế lễ hàng năm.
Tương truyền hồi thế kỷ thứ IX, thời Bắc thuộc, Cao Biền một viên quan kiêm nghề phù thủy được vua Đường Ý Tông (Trung Quốc) cử làm Tiết độ sứ đưa sang cai trị cai trị Giao Chỉ. Hắn nhận ra núi Ba Vì là đầu rồng có thân chạy tới phương Nam (tức là dãy Trường Sơn). Nhằm triệt hạ nhân tài nước ta Cao Biền đã cho đào một trăm cái giếng dưới chân núi để trấm yểm, triệt phá long mạch. Tuy nhiên Ba Vì vượng khí nên một trăm cái giếng đó cứ đào gần xong thì lại bị sập xuống lấp kín yếu huyệt của trời đất. Cuối cùng, Cao Biền đành than: chỗ này thần linh rất thiêng, ta không trừ được, tất có ngày ta phải cuốn gói về nước thôi.
          Đá Chông chính là vùng chân núi Ba Vì hay còn gọi là non Tản, ngọn núi tổ của nước ta như Nguyễn Trãi đã từng nói trong “Dư địa chí”. Núi ấy đã chặn đứng dòng chảy của sông Đà hung dữ, làm cho con sông bất tuân quy luật của hướng chảy thông thường, phải chuyển mình quay ngoặt lên phía Bắc. Bởi vậy thi tướng Nguyễn Quang Bích khi ngang dòng sông đã viết: “Chúng thuỷ giai Đông tẩu, Đà giang độc Bắc lưu” (mọi sông chảy về phía Đông, riêng sông Đà chảy ngược về phía Bắc). Núi Ba Vì được coi “thiên sơn trụ” của nước Nam, trong “Thiên Hưng trấn phú” Nguyễn Bá Thông (đời Trần) viết rằng: “Núi Tản Viên chống trời cõi Bắc”. Núi ấy là nơi Đức thánh Tản ngự trị và từ bao đời nay là thần điện của người Việt. Giống như người Hy Lạp cổ đại tự hào về núi Olympus là nơi ngự trị của thần Zớt thì non Tản cũng là niềm tự hào của người Việt cổ, nơi ngự trị của Thánh Tản Viên. Chẳng thế trong tứ bất tử của người Việt thì Sơn Thánh Tản Viên là người đứng đầu. Cũng chính bởi điều này mà thước của người Việt cũng có sự khác biệt khi tính chiều cao của non Tản: “Nhất cao là núi Ba Vì / Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn” (trong thực tế, Tam Đảo cao hơn Ba Vì, núi Ba Vì cao 1.296m và núi Tam Đảo cao 1.581m). Câu ca dao tưởng như phi lý mà lại hợp lý. Điều này chẳng có gì lạ bởi người ta đã dùng cái hợp lý của tâm linh để làm thước đo nhằm hết lời ngợi ca, tự hào về ngọn núi thiêng của mình nên cái phi lý kia chỉ là cái cớ ngoại cảnh để sinh tình mà thôi.
          Đứng từ đập nước Hồ Suối Hai nhìn non Tản sừng sững in bóng xuống mặt nước hồ bao la cùng trập trùng núi đồi vấn vương mây trắng trong dáng hoàng hôn đang từ từ khép lại ta thấy xứ Đoài hiện lên hùng vĩ, thanh bình và thơ mộng. Bất giác trong tâm tưởng thấy vang lên tiếng cồng “Pồng pêng pêng, pồng pêng pồng, pồng pêng pêng, pồng pêng pồng…” lúc trầm lúc bổng, khi nhanh khi chậm trong đêm mênh mông dưới ánh trăng mờ ảo hay bên ánh lửa bập bùng giữa núi đồi thảo nguyên bao la của những sơn nữ hai bên sườn núi trong áo pắn, váy đen, đầu đội khăn trắng, cổ đeo vòng bạc ....  Cứ thế, miên man trong miền tâm tưởng để lại gọi về trong ta “Đẻ đất đẻ nước” với cái cảnh rộn ràng của nam thanh nữ tú giữa ngày hội mùa xuân: “Con trai đi trước khiêng trống. Con gái đi sau xách cồng. Đến Mường đánh lên hồi trống cái. Cồng bảy cồng mười lên tiếng cho giòn. Cồng cái cồng con kêu cho rộn”... Và cứ thế ... “xứ Đoài xa vắng” hiện về trong nhạt nhòa “khói chiều mênh mông, sông Đà buông nắng” ...
Non Tản vượng khí, linh thiêng. Có người còn bảo: “đỉnh Everest cao 8.800m trên dãy Hymalaya có một đường gân núi cổ sinh uốn lượn, theo biên giới Ấn Độ và Tây Tạng, qua cao nguyên Vân Nam của Trung Quốc, đến đỉnh Fanxipan của dãy Hoàng Liên Sơn nước ta cao 3.341m, mạch núi cổ đi đến vùng Lâm Thao, Phú Thọ thì “lặn xuống” và qua con sông Đà uốn lượn, gân núi cổ sinh lại “mọc lên” đỉnh Ba Vì cao hơn 1.227m. Gân núi này uốn lượn theo hình một con Rồng khổng lồ, đuôi xòe ra ở đồng bằng Bắc Bộ”. Có lẽ vậy mà nhà sử học Lê Văn Lan bảo rằng: “dựa trên ngôn ngữ hiện đại nhưng mượn những giá trị tâm linh, tinh thần của quá khứ, chúng ta phát hiện ra được một đường long mạch thần đạo. Và đường thần đạo đó về phía Tây, nối được từ Ba Vì sang Hy Mã Lạp Sơn (nóc nhà của thế giới). Và từ đường thần đạo đó, thăng hoa lên với những giá trị và năng lượng vô tận, căng sang phía Đông, kéo dài đổ xuống đồng bằng, tiến ra biển. Thế là từ Ba Vì, kéo một đường trong tưởng tưởng nhưng lại thấy hiện hình trên không gian địa lý, những nếp gấp, những vùng trũng, sinh năng lượng, sinh tài lộc, sinh phú quý, linh thiêng, ẩn chứa những giá trị văn minh và là những điểm tựa an toàn thời hiện đại” (theo sunshinehomes.vn). Vốn không rành phong thủy nhưng tôi tin những điều tiền nhân truyền lại. Trong chiều huyền ảo, giữa mênh mông sương khói buổi chiều hôm, non nước Ba Vì hiên lên thật thơ và mộng khiến lòng người không khỏi đắm say.  
Đá Chông, nơi Thủy Tinh “năm năm báo oán đời đời đánh ghen” với những trận giao tranh dữ dội bởi một người con gái năm xưa ấy cũng đã sớm lọt vào tầm mắt của Bác Hồ khi người đi thị sát sư đoàn 308 diễn tập trên sông Đà. Vùng đất nằm trên độ cao 250 m so với mực nước biển; với địa hình có đủ núi, rừng, sông, suối nên thơ lại được Bác lựa chọn làm nơi thứ hai (sau Ba Đình) để người cùng Bộ Chính trị  làm việc và nghỉ ngơi trong suốt một thời gian dài từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước cho đến khi người qua đời. Và sau khi Bác đi xa, Đá Chông lại được lựa chọn làm nơi lưu giữ, bảo quản thi hài của người cho đến khi Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ba Đình được khánh thành. Có lẽ đây cũng là duyên kỳ ngộ của non Tản.


  Trở lại chuyên mục của : Phan Anh