PHAN NAM
Bếp Lửa Của Em
Truyện ngắn
Bếp Lửa Của Em
Truyện ngắn
1. Ngày hôm ấy tôi quyết định đi thăm một người bạn ở một vùng núi xa xôi. Người bạn của tôi lúc bấy giờ đương nhiệm chức chủ tịch hội nông dân xã. Từ Đà Nẵng vào đây quãng đường khá xa đồi núi gập ghềnh nên tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Sau khi ăn tối xong tôi vội vàng quay về nhà nghỉ ở thị trấn huyện. Người mệt lử nên hầu như tôi không muốn làm gì, kể cả check mail hay lướt facebook. Thế nhưng tôi không tài nào chợp mắt được khi trong tâm trí tôi luôn ẩn hiện nụ cười thơ ngây của những đứa trẻ vùng cao, khuôn mặt đen cháy vẫn còn lấm lem bùn đất mà tôi bắt gặp hồi chiều. Tôi không tài nào nhắm mắt được nên đi tản bộ quanh các ngôi làng vào ban đêm. Phải nói là trời tối ngập ngụa đôi chân, xung quang là những gian bếp bập bùng ánh lửa. Thỉnh thoảng tôi nghe có tiếng hú ở sâu trong thung lũng vọng ra rợn người, rồi tiếng cú kêu văng vẳng khắp xung quanh. Khi nhận ra mình đã đi khá xa tôi có ý định quay về thì ngay lúc đó trước mắt tôi hiện ra một ngôi nhà lụp xụp với ánh đèn hiu hắt. Tôi lặng lẽ bước vào và có tiếng đọc rất nhẹ nhàng vang lên: “Trường của em be bé/ Nằm lặng giữa rừng cây/ Cô giáo em tre trẻ/ Dạy em hát rất hay…”. Trước mắt tôi là hai em nhỏ đang học bài trước ngọn đèn dầu, tôi không gọi vì không muốn phá vỡ không gian khi em học bài nhưng có vẻ như có một em đã thấy tôi. Bất chợt một đứa bé quay ra mỉm cười:
- Xin chào cô, mời cô vào nhà xơi nước.
Tôi chưa kịp nói gì thì đứa bé kia cầm tay kéo tôi vào nhà. Nói là nhà nhưng chỉ được lợp bằng mấy tấm tôn tạm bợ, xung quanh được bao bọc bằng những tấm ván mỏng. Tôi đặc biệt thích gian bếp ở giữa nhà, nơi chỉ có vỏn vẹn hai cái nồi và một cái ấm nước. Khi tôi lặng lẽ ngồi bên bếp lửa thì đứa bé nhẹ nhàng rót ly nước chè xanh mời tôi uống. Đặt ly nước xuống tôi hỏi:
- Hai em tên gì?
- Em tên A Bin, còn nó tên A Dũng.
- Ba mẹ hai em đâu sao mà để các em côi cút vậy?
- Dạ, đây là nhà trọ ba mẹ dựng lên để bọn em đi học. Vì nhà em ở xa quá nên mỗi tuần em mới về nhà một lần. Lúc ấy chúng em mang gạo và một ít tiền lên đây để dùng trong một tuần.
- Vậy trường của các em ở đâu?
- Đó là một điểm trường làng cách nơi đây chừng mười phút đi bộ, có ba lớp học. Cô giáo cũng ở lại bên gian nhà của giáo viên mà dân làng dựng lên ạ.
Nói xong A Bin lôi ra trong bếp một củ sắn lùi mời tôi ăn. Phải nói hơn mấy mươi năm rồi tôi mới được thưởng thức hương vị quê nhà đã đi theo tôi suốt cả thời ấu thơ. Nhìn hai đứa nhỏ cầm sắn gỡ ăn mà lòng tôi thấy nghẹn ngào quá. Ở ngôi trường nơi hoang vắng thiếu thốn đủ thứ mà các em hằng ngày vẫn bám trụ để học lấy con chữ. Thực sự tôi khâm phục nghị lực vượt khó của những đứa trẻ sinh ra nơi rừng sâu nước độc. Khuôn mặt nhem nhuốc khi ăn sắn lùi mà em vẫn rạng rỡ nụ cười thơ ngây, ánh mắt hồn nhiên lạ thường. Tôi lấy vội chiếc khăn tay trao cho hai đứa lau mặt. Bỗng đứa trẻ reo lên:
- Mặt cô dính lọ nghẹ đen sì rồi kìa!
Nói xong hai đứa trẻ bật cười ngang ngửa mà lòng tôi nghe rộn ràng một niềm vui tự sâu trong tâm hồn. Ánh lửa vẫn bập bùng trong gian bếp nuôi dưỡng những bạn nhỏ nương tựa với nhau để cùng nhau học tập. Nhìn hòn than đỏ hồng mà lòng tôi không khỏi xốn xang. Có cơn gió nào lùa qua khung của vụt tắt niềm tin bé nhỏ, vụt tắt ánh sáng bé nhỏ của ngọn đèn dầu. Và trong lòng tôi loé lên một tia sáng…
2. Khi tôi vừa đặt chân về nhà nghỉ tôi lại nhận được một cuộc gọi của người bạn bảo qua dự tiệc. Mặc dầu rất mệt mỏi vì vừa đi bộ mấy cây số ngắm nhìn bản làng vào đêm đen nhưng tôi vẫn phải đi. Trước mặt tôi lúc này giống như một thiên đường khi ánh sáng loáng hết cả đôi mắt, bàn tiệc khá đầy đủ các món ăn thịnh soạn. Tôi đang thắc mắc không biết đây là tiệc gì thì người bạn bảo:
- Xin chào người đẹp, xin cảm ơn đã không quản ngại đường sá xa xôi đếm nơi khỉ ho cò gáy ni thăm người bạn như tôi. Tôi lấy lòng vinh dự nên cố tình tổ chức buổi tiệc này tiếp đón chị, tổng giám đốc của công ty nữ trang vàn bạc đá quý hàng đầu thành phố Đà Nẵng…
Tôi khá đau đầu và chóng mặt khi nghe những lời nói chói tai ấy. Lấy lí do là đi đường mệt, tôi về vội mà trong lòng vẫn chưa hết bàng hoàng. Tối hôm ấy tôi trằn trọc mãi mà không thể nào ngủ được. Tôi nghĩ đến hai đứa nhỏ quay quắt với gian bếp hiu hắt trong bản làng xa xôi. Mặc dầu thiếu thốn nghèo khó nhưng các em lại luôn luôn lạc quan và nở nụ cười trên môi. Hình ảnh cứ ám ảnh trong tôi mãi chẳng xa rời. Có lẽ tôi cần hành động ngay bây giờ, không nên chần chừ lâu hơn nữa.
Buổi sáng trên vùng núi cao, tiếng gà gáy đánh thức những giấc mơ trong đêm. Mặt trời ló dạng đằng sau mấy dãy núi chập chùng màn sương sớm. Phía đằng trước mấy nhành hoa phong lan thi nhau khoe sắc. Đoá hồng, đoá trắng, đoá tím lấp lánh đón chào ánh ban mai. Ngoài đường từng tốp người phụ nữ địu con lên rẫy nói cười rộn vang cả khoảng không gian con đường trung tâm huyện. Thỉnh thoảng mấy chiếc xe trâu, xe bò nối đuôi nhau đi mất hút vào trong làng. Thấp thoáng trong ngôi nhà sàn, những đứa trẻ bắt chấy cho nhau trên bậc thềm của cầu thang… Thế nhưng trong lòng tôi vẫn không khỏi ray rứt, ở đây đẹp thật nhưng tôi không muốn ở lại nữa. Tôi quyết định quay về mà không cần báo trước. Khi hành lý đã được dọn xong tôi vội vàng lên xe quay về. Khi xe vừa lăn bánh bỗng có giọng nói từ đằng sau vang vọng tới:
- Cô ơi, cô chờ chút, bọn cháu muốn trao cho cô cái này…
Dừng xe lại tôi không thể nào ngờ tới hai đứa trẻ tôi gặp hồi tối lại ra tận đây để tiễn biệt tôi. Mở cửa xe bước ra tôi vút tóc hai đứa nhỏ rồi nói tôi hứa với chúng là sẽ quay trở lại. A Bin nhanh chóng lấy ra trong gùi một gói sắn luộc mà em và người bạn đã chuẩn bị từ sáng sớm. Cầm mấy củ sắn nóng hổi trong tay mà lòng tôi không khỏi nghẹn ngào xúc động. Tôi ôm hai đứa nhỏ mà rưng rưng rưng nước mắt, cầu mong an bình sẽ đến với các em ở vùng đồi xúi xa xôi tăm tối này.
3. Một năm trôi qua sau cuộc gặp gỡ định mệnh ấy tôi quyết định đóng góp một khoản kinh phí xây trường cho các em có điều kiện học tập được tốt hơn. Ngày tôi quay lại nơi này cảnh vật dường như không có gì thay đổi, có chăng là lòng người rạng rỡ chờ đón những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong cuộc đời này. Một vài ánh sáng loang lổ chiếu xiên qua ngọn cây làm ánh mắt trẻ thơ rạng rỡ lạ thường. Nụ cười của các em như suối nguồn không ngừng chảy, bồi đắp lòng yêu thương vỡ tung nơi đầu thác rồi lắng sâu nơi hạ nguồn. Tôi vẫn rảo bước dưới những chồi xanh non mơn mởn của đám cỏ dại mọc ven đường dẫn đến ngôi nhà trong đêm lần đầu tiên tôi gặp hai đứa bé. Vẫn ánh lửa bập bùng soi rọi lòng người một niềm tin bất diệt chốn hoang vu giữa đại ngàn núi rừng. Gian bếp le lói một sức mạnh phi thường giúp những đứa trẻ vùng cao vững đôi chân đến trường. Tôi lặng lẽ nhìn ánh lửa rực sáng chợt vút cao hoà trong tiếng chiêng linh thiêng vang vọng…
Ngôi trường mới cũng dần hoàn thiện trong sự chờ đợi háo hức của cô thầy và các em học sinh nơi đây. Trường được thết kế giống như những ngôi nhà sàn truyền thống được sơn màu gỗ, hai bên là khu nội trú dành cho nam và nữ. Hai thằng bé A Bin và A Dũng chuyển đến chỗ ở mới với niềm vui bất tận mà tôi có thể cảm nhận được một phần nào. Thấy hai đứa nó xếp vở vào bàn học mới mà trong tim tôi dâng lên niềm vui không thể nói thành lời. Dẫu chỉ là một việc làm nhỏ nhoi nhưng có lẽ đã đánh thức núi rừng sau bao năm dài ngủ quên. Tôi tự nhủ phần đời còn lại mình sẽ đi làm tình nguyện. Bên trong bếp lửa đã được thắp sáng ở khu nhà mới và tôi tin ngọn lửa ấy sẽ không bao giờ vụt tắt.