PHAN NAM



Vị Ngọt Quê Hương
Tùy Bút
 
 Những người Quảng xa quê chắc hẳn không ai có thể quên được hương vị quê nhà đã gắn sâu vào nỗi nhớ. Có thể nói đất Quảng Nam rất phong phú về ẩm thực với các loại bánh trái làm nức lòng du khách bốn phương có thể kể đến bánh tráng, bánh ít lá gai, bánh tổ, bánh ghẹ... Riêng tôi, bát đường đen là món quà quê vô giá làm ấm lòng người con xa xứ. Thực sự hiếm có nơi nào trên đất nước ta có đặc sản độc nhất vô nhị như bát đường đen. Đây là một loại đường được chế biến từ mía có màu đen hoặc vàng nâu có hình thù giống cái bát người dân quê tôi thường gọi là tán đường. Bánh đường đen có hình tròn, mặt trên bằng phẳng, mặt dưới hình vòng cung, màu đen sậm. Các bánh đường đen thường được gói trong rơm rạ, hai bánh úp mặt vào nhau và đựng trong những giỏ lớn để dễ dàng vận chuyển. Bánh đường rất cứng nên phải dùng dao phay chặt ra từng miếng nhỏ. Từng mảnh từng mảnh đường tưởng chừng rời rạc nhưng lại in sâu trong tiềm thức của tôi.
 
Chợ quê xứ Quảng được đặc trưng bởi những gian hàng nhỏ của những người bán hàng thường đã đến tuổi thất thập. Đây là vẻ đẹp tự bao đời nay của chợ truyền thống với các mặt hàng dân dã như trầu cau, hành tỏi, một vài loại bánh trái vườn và đặt ngay chính giữa gian hàng là những bát đường được chăm chút rất cẩn thận. Khi nhớ về quê hình ảnh bát đường như in sâu trong kí ức, mỗi lần như thế tôi thường điện về nhà như để thỏa nỗi lòng: “Mẹ ơi, mẹ gửi ra cho con cặp đường, con thèm quá!”. Tôi rất thích ăn “sống”, cầm từng mảnh nhỏ của đường đen mút từ từ để cảm nhận vị ngọt ngào của quê hương thấm sâu trong từng thớ thịt, một hương vị đậm đà thật khó quên trong đời. Đặc biệt bát đường đen dùng để nấu chè thì tuyệt ngon.  Tôi chợt nhớ đến câu ca ngày xưa mẹ ru hời đã ăn sâu vào tiềm thức tự lúc nào: “Thương em từ lúc nằm nôi/ Em nằm em khóc anh chia đôi cục đường/ Bây giờ em có người thương/ Em đem trả lại cục đường cho anh”. Thuở nhỏ tôi thường xuyên được ăn món chè mẹ nấu. Mỗi độ tết đến xuân về, mẹ thường mua một cặp đường để nấu chè đặt lên bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ về cha ông, nguồn cội. Nguyên liệu để nấu chè cũng rất đơn giản: một tán đường đen, lon đậu, lon nếp, một ít bột năng và có thể thêm vào bắp non đã được chà xát. Sau đó vài giờ sẽ có một nồi chè thơm lừng hương nếp hòa quyện với bắp non và đậu. Tôi thích nhất là khi ăn chè lúc còn nóng hổi khi đó sẽ cảm nhận được hết vị ngọt ngào của đường, vị “ngọt” của quê hương đất tổ.
 
 Dẫu có đi xa đến phương trời nào đi chăng nữa thì ảnh bát đường đen là món quà tuyệt vời từ xứ sở, từ những con người chân đất đầy chất phác, lam lũ. Đất Quảng đặc biệt là vậy, từ những món quà giản dị nhưng lại vô cùng ấm áp, thấm đẫm tình người. Bát đường đen xứ Quảng đã đi sâu vào trong đời sống và tâm thức của người dân nơi đây. Nó đã từng là một “món ăn” và là một “gia vị” không thể thiếu trong kho tàng ẩm thực người Quảng xưa. Ngày nay, các loại đường khác như đường cát, đường phèn, đường phổi đã thay thế bánh đường đen nhưng trong tâm thức của tôi vị ngọt của bát đường đen đã thấm sâu vào máu thịt của vị “ngọt” quê hương.

  Trở lại chuyên mục của : Phan Nam