PHAN TRANG HY
ĐẠO CA CỦA PHẠM DUY
10 bài Đạo Ca, theo tôi, là sự đồng cảm, tương tri, tương ngộ giữa nhạc sĩ Phạm Duy và tu sĩ Phạm Thiên Thư. Chỉ có tâm hồn “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” mới có sự ứng hiệp như vậy. Sự ứng hiệp ấy đã tạo nên 1 chương khúc Đạo Ca cho âm nhạc Việt.
Trước hết, trong “Pháp Thân” (Đạo Ca 1) là hình ảnh em và anh trong vô lượng kiếp. (Nếu) Em là (làm) kiếp chim, kiếp lá, kiếp hoa, kiếp gió, kiếp ao, chữ biếc; (thì) anh làm (là) cội băng mai, mưa tháng bảy, giọt sương sa, chim chích chòe, chim bói cá, thiền sư buồn mong hóa thân làm mực. Để rồi, cả anh và em hẹn:
“Mai sau chờ nhau nhé, đầu thai vào kiếp hoa
Chốn mây mờ phiêu bạt, chờ đợi... chim hót ca.
A ha, ta tuy hai mà một! A ha, ta tuy một mà hai!
A ha, ta tuy hai mà một! A ha, ta tuy một mà hai!”
Trong “Đại Nguyện” (Đạo Ca 2) là hình ảnh muôn loài tương thân tương, tương ái. Đó là sương cùng hoa quấn quýt như hai kẻ yêu nhau: “Muôn loài như sương rơi, xin làm hoa trắng đỡ/ Hoa yêu sương chẳng rời, hoa yêu sương tuyệt vời”. Đó cũng là: “Muôn loài như hoa thắm, xin làm một ánh dương/ Cây cỏ mừng ánh nắng, tiếng chim hót dị thường”… Muôn loài như một cùng cất tiếng hát ca ước nguyện lớn: “Thương người như thương thân!/ Thương người như thương mình!/ Thương người như thương thân!/ Thương người như thương mình!/ Thương người như thương thân!”
Đạo Ca 3 có tên là “Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng” (Ảo Hóa) như câu chuyện tình của Chàng Dũng Sĩ tìm dấu người yêu: “Một chàng dũng sĩ trên thớt ngựa vàng rong ruổi sa trường/ Một chàng dũng sĩ trên thớt ngựa vàng rong suốt thời gian / Một chàng dũng sĩ đôi mắt u buồn như ánh trăng vàng/ Lòng chàng nung nấu một mối u sầu tìm dấu người yêu”. Chàng tìm khắp chốn, khắp cõi mà chẳng thấy bóng người. Một hôm chàng cùng ngựa qua sông. Và rồi: “Ngựa vàng đã hóa thân, hóa thân là người yêu muôn thuở/ Ngựa vàng đã hóa thân, hóa thân là người vẫn hằng mơ/ Rồi chàng dũng sĩ, đôi mắt sáng ngời như ánh mặt trời/ Cùng người yêu quý đi suốt cuộc đời, tình ái nở hoa/ Viên thành đạo ca cho đời ca hát!”
Còn trong “Quán Thế Âm” (Hóa Thân / Đạo Ca 4) là câu chuyện về bà mẹ đi tìm con “trên đỉnh đồi lan trắng”, “trong động hang lan vàng”, “bên bờ sông lam tím”, “trong thung lũng cỏ hoang”. Cả 4 mùa Mẹ lang thang tìm con từ thời còn là thiếu phụ đến khi già tóc trắng. Rồi một hôm Mẹ hóa thân: “Tim Mẹ thành ra trùng dương, máu Mẹ thành sông thành nước/ Ôi đời trầm luân, Mẹ thương, chiếu ánh sáng từ quang/ Bây giờ Mẹ đã thành mơ, hơi Mẹ hoá thành hơi gió/ Bốn mùa ngồi nghe mọi nơi, tiếng Mẹ ru bồi hồi/ Xưa là Mẹ đi tìm con, tiếng Mẹ ru buồn khắp chốn/ Bây giờ hiện thân Mẹ chung, tiếng Mẹ hát ru dịu dàng”.
Trong “Một Cành Mai” (Đạo Ca 5), thế giới hiện ra là một thế giới đầy nước mắt: “Em bé khóc đòi cha, như mẹ khóc đòi con/ Người chồng khóc người vợ, người yêu khóc người yêu/ Nước mắt vẫn đầy vơi, sinh tử vẫn còn đây/ Ðời này qua đời nọ, tử sinh vẫn còn kia”. Quả là "Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển" (Khế Kinh). Nước mắt ấy là bởi sinh tử, hận thù, mê muội. Chỉ khi nào con người nguyện dâng, tự nhìn lại chính mình trong kiếp nhân sinh thì “đau buồn sẽ đổi thay”, “thoát khỏi nỗi tử sinh” như “Cành mai đã rụng rơi, rơi rụng xuống cuộc đời/ Một cành mai rụng rời, làn hương vẫn chẳng phai”. Hình ảnh cành mai như rực sáng, như ánh hào quang xua tan thế giới hận thù đầy nước mắt, mê muội: “Người không riêng của ai, nhân loại vẫn của người/ Ðặt mình trong dòng đời, tử sinh cũng là vui/ Một cành mai, mai mãi, mãi mãi/ Một cành mai, mai mãi, mãi mãi/ Mãi mãi...”. Nghe Đạo Ca 5, tôi nghĩ ở đây có sự đồng điệu giữa những tâm hồn ngộ lẽ sinh tử ở đời, tôi lại nhớ và thấy hình ảnh Mãn Giác Thiền Sư dặn đệ tử: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (“Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai”, Ngô Tất Tố dịch).
Còn trong “Lời Ru, Bú Mớm, Nâng Niu” (Đạo Ca 6) là lời của tình yêu thương vô bờ bến của Mẹ cho con “yêu tiếng dịu dàng”, “ơn mãi tình nồng”, “mến Nhạc và Thơ”, “không oán thù người”... Tôi như thấy trước mắt tôi là hình ảnh mẹ tôi, là hình ảnh của tỷ tỷ bà mẹ, là hình ảnh Đức Mẹ Maria, là Quán Thế Âm bồ tát hóa thành Thượng Đế hát ru:
“Con ơi! Mẹ là Thượng Ðế, cho con tâm lý nguyên sơ
Câu ru và dòng sữa quý, cho con nguyên lý diệu vời
Ru con rằng: Ðời muôn lối, như mây kết hợp, rồi tan
Thân con là Trời cao vói, tim con là cõi địa đàng
Ù ơ Mẹ ru con biết:
Yêu thương như câu đầu lòng
Nghìn năm còn đây thắm thiết
Câu ru mạch máu Ðông Phương”.
Còn “Qua Suối Mây Hồng” (Vô Ngôn / Đạo Ca 7) dựa trên truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh. Cuộc chiến giữa Thần Núi với Thủy Vương ở đây, chỉ là cuộc chiến “thầm lặng”, “vô ngôn”. Và kết thúc trong “thầm lặng”, “vô ngôn”:
“Một sớm, hoa rụng nhài
Mỵ Nương và Thần Núi
Làn suối mây lưng trời
Đưa về nơi mãi mãi
Còn lại siêu hùng ca
Thiên Thư không cần chữ
Sáo Thần không cần lỗ
Vi vu trong lòng người
Một khúc ca giục người
Vượt muôn trùng ảo huyễn
Về chốn không lụy phiền
Suối mây này dẫn đến”...
“Giọt Chuông Cam Lộ” (Đạo Ca 8) là tiếng chuông, là tiếng đại hồng chung “ngọt lành, thơm mát” từng giọt, từng giọt xua tan bóng đêm, “đón đưa ánh trời”, đem tỉnh thức cho nhân thế, đem hân hoan đến muôn loài, đem an bình đến nhân loại:
“Tiếng chuông lẫy lừng cho cội đá mừng
Xóm thôn tưng bừng, chim chóc xôn xao
Tiếng chuông lên núi, làm trái mật say
Xuống trên luống cầy, cho đòng lúa trổ
Tiếng chuông Cam Lộ cho biển trầm tư
Cho đời người hết ưu tư”...
Trong “Giọt Sương Cam Lộ”, ta còn bắt gặp hình ảnh “Một nụ mai nở giữa cơn gió rừng/ Thiền Sư lững thững xuống non, chống gậy/ Lòng tay nắm lấy tiết Ðông giá lạnh/ Giọt mưa lóng lánh, lắng trên gậy vàng/ Gậy Thiền đưa xuống không gian vô tận/ Gậy Thiền đưa xuống thế gian cõi thường/ Thời gian mãi mãi, tiếng chuông sáng ngời”. Quả là hình ảnh đẹp. Hình ảnh ngời ngời mà ấm áp; mờ ảo mà gần gũi; lồng lộng mà dịu dàng bởi “Thiền Sư xuống núi, cứu nguy cho đời/ Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông vang”.
Còn khi nghe “Chắp Tay Hoa” (Quy Y / Đạo Ca 9), tôi như thấy tôi, thấy mọi người đang chắp tay nguyện cầu, tôn vinh giá trị vĩnh hằng của thế giới. Tôi như thấy Phạm Duy, Phạm Thiên Thư, cùng tôi và anh em, bè bạn, cùng người thân, cùng nhân loại chắp tay lạy Người, lạy Trời, lạy Đất, lạy Nước, lạy tất cả cái thế giới huyền diệu này, bởi “Đâu không là Phật? Đâu chẳng là Trời?”. Nghe để rồi thấy rằng muôn vật, muôn loài như bông hoa cỏ, hạt bụi rơi, suối xuôi non, mây lên ngàn, hoặc sông, hoặc nguyệt… cũng chỉ là ở tại tâm giữa trần ai luân hồi vọng tưởng. Và thấy rằng “Chắp Tay Hoa” là:
“Chắp tay lạy Người, xin cho nụ cười
Chắp tay lạy Trời, cho đám mưa rơi
Chắp tay lạy Đất, cho mầm cây tươi
Chắp tay lạy Nước, cho mát cõi đời
Chắp tay lạy Người, chắp tay lạy Trời
Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi
Lạy mãi không thôi!
Lạy mãi không thôi!”
Bài cuối của chương khúc Đạo Ca là “Tâm Xuân” (Tam Giáo Đồng Nguyên / Đạo Ca 10). Nghe Đạo Ca này, tôi liên tưởng đến những dự ngôn về một thời kỳ đẹp đầy ơn phước của Tạo Hóa - thời kỳ Thánh Đức, thời kỳ Long Hoa Hội, thời kỳ Di Lạc hiển minh, thời kỳ Chúa tái lâm… Tôi chưa thấy tương lai như dự ngôn của các tôn giáo, nhưng tôi tin rằng, chính Tam Giáo (Phật, Nho, Lão) cũng như các tôn giáo khác đều cùng nguồn cội. Nguồn cội ấy là Tâm Xuân của mỗi người trong thế giới ta bà đầy biến động này. Chính Tâm Xuân đem lại sự yên bình, an vui, độ lượng, bao dung, đạo hạnh dù lòng người luôn nghĩ suy, trăn trở
“Mùa Xuân có không? Hay là cõi Tâm?
Mùa Xuân có không? Hay là cõi không?
Về nguồn về cội! Về nguồn về cội!
Ðể rồi vươn tới, với lòng mênh mông”...
10 bài “Đạo Ca”, theo tôi là sự hiệp thông của Phạm Thiên Thư, Phạm Duy cùng muôn vật, muôn loài; là sự hướng thiện đến Đại Ngã vô cùng. Đó cũng là những gì trong con người Phạm Duy có chứa cái Siêu ngã - siêu Tôi (The Superego) muốn hòa cùng Đại Ngã. Thật là quý khi âm nhạc Việt có chương khúc như vậy.
Tháng 02 / 2020