PHAN TRANG HY

Dáng Xưa Tôi Tìm


Tháng 4 năm ấy, tôi bước những bước dớn dác tìm em ở bến xe. Nghe thằng bạn nói, em ở đâu đó gần bến xe.

Tôi tìm em khắp chốn. Những bước chân rã rời, tôi tìm đường, tìm cư xá. Kia rồi! Nhà của em ở kia. Mái lợp tôn xi-măng, xinh xắn. Tôi mường tượng ở đó có đôi mắt sáng của em. Ở đó có nụ cười của em. Tôi như thấy em “lười lĩnh” - từ mà em thường dùng - ôm chiếc gối, nằm nghe những bản tình ca. Tôi mường tượng buổi chiều, em ngồi đọc sách, nắng dịu nhẹ. Con mèo tam thể hiền dụi đầu vào chân em. Em bâng quơ hát bài Tuổi đá buồn của Trịnh. Và những lúc vui, em hát bên những chiếc bánh ngọt mới làm thơm lừng. Em vẫn thế, vẫn đi suốt cuộc đời áo trắng trong tôi.

Tôi quẩn quanh ở bến xe hằng tuần, chỉ mong tìm được em như lời thằng bạn kể. Nhưng chẳng thấy bóng dáng em đâu. Chỉ nắng, bụi mù.

Nhớ thuở học trò, tôi cũng thường tìm em trong mơ ước. Mơ ước đã giúp tôi lớn; mơ ước đã giúp tôi không thành người xấu. Hồi còn học ở Đông Giang, nghe em rủ các bạn đi Non Nước, thế là, tôi cũng tìm cách đi, dù em chẳng hề quan tâm tới tôi. Tôi nhớ ngày ấy, người đông vô kể. Giữa dòng người, tôi mong được gặp em, gặp để chứng tỏ rằng, tôi có thể đến cùng em, như thể rằng Non Nước là nơi tôi được gặp em. Nhưng, vẫn người là người, em đâu chẳng thấy. Tôi đến động Huyền Không. Tôi tìm đường Lên Trời. Tôi hòa vào dòng người trẩy hội. Em vẫn xa hút. Thấy người ta khắc tên của nhau trên những vách đá. Tôi cũng bắt chước, tôi đã khắc tên của tôi, của em lên vách đá như minh chứng rằng tôi đã yêu em - dù là yêu chưa dám ngỏ.

Rồi ngày cũng tàn. Người lại vắng. Tôi vẫn đứng dưới chân núi Ngũ Hành đợi em.

Và rồi, tôi đợi, đợi cái ngày tôi thổ lộ lời nói yêu em vì tôi nghĩ rằng mình đã đủ tự tin mà thổ lộ. Giữa tháng 3-1975, tôi viết thư cho em. Tôi biết không còn thời gian cho bức thư viết vội khi cuộc chiến gần đến ngày kết thúc. Thư tôi gửi qua đường bưu điện. Tôi cầu trời cho em nhận được thư tôi. Thư tôi chẳng thể nào đến được em, tôi biết vậy. Chỉ buồn vì đến giờ em vẫn chưa hiểu được tình tôi. Không biết bây giờ bức thư ấy có ai cất giùm tôi không ? Riêng tôi, bức thư ấy trong lòng tôi vẫn vẹn nguyên như mối tình không trọn vẹn. Và tôi vẫn cứ tìm em...

Thi thoảng, tôi có đi ngang qua con đường có nhà em ở. Vẫn cư xá đó, nhưng giờ có người khác ở. Tôi tự nhắc mình: Một thời ở đó có em. Một thời trong tôi sống dậy. Biết em thích nhạc tiền chiến, tôi cũng bắt chước thích theo. Biết em thích làm thơ, tôi cũng tập tành làm thi sĩ. Tôi tự nhủ lòng là phải học để khỏi hổ thẹn với em. Làm sao tôi quên được cái dáng “mai cốt cách, tuyết tinh thần” của em cùng đôi mắt trong, tròn xoe với lông mày thanh tú. Ai cũng khen em có đôi mắt sáng và hiền.

Cả tháng 4 năm ấy, tôi bồn chồn tự hỏi, em ở đâu?

Vẫn những ngày tháng 4, những ngày nắng bắt đầu mọng đỏ ở quê mình, tôi mơ thấy em cười trong ngày hội ngộ. Bản nhạc ngày xưa, một thời em hát và tôi đã hát theo. Tôi như tìm lại tuổi thư sinh.

Giờ, em ở xứ người, tôi biết vậy. Biết để mà yên tâm rằng em vẫn còn trên đời này. Vẫn cùng tôi sống dưới vòm trời này. Vẫn nhớ về mái trường Đông Giang nửa phố nửa quê ngày ấy.

Tôi vẫn còn thầm gọi tên em, gọi trong tiềm thức. Trong tôi, dáng em ngày xưa vẫn tinh khôi, vẫn mộng đẹp. Tôi vẫn thấy em như thời áo trắng. Vẫn còn mãi trong tôi những gì đẹp nhất về em. Và cuộc hành trình trên cõi đời này tôi mãi tìm em.
  Trở lại chuyên mục của : Phan Trang Hy