PHAN TRANG HY
 
Người Hay là Những Cơn Mơ Mạo Danh

                                    CHƯƠNG 7
 

Mụ Ba ú ớ. Tiếng ú ớ khi bị đàn kiến bu quanh trên thân thể mụ. Mụ bị đàn kiến đốt. Chỉ có sự nhức nhối đến tận tim, nhức nhối lan cả óc. Mụ ngất lịm trong chất độc của lũ kiến. Mụ bị đàn kiến tha đi. Như con mồi bất lực trước hàng vạn, hàng chục vạn con kiến đỏ rực, mụ chỉ còn cách quằn quại, rồi sau đó, mụ thấy hồn mụ như trốn khỏi hiện tại mà trở về với quá khứ. Những hồi ức lại hiện lên trong tâm trí mụ. Không biết có phải lúc tuyệt vọng, người ta thường nghĩ về quá khứ để tìm lại những bình an giờ không còn nữa hay không. Hay tìm về quá khứ để mà thấy rằng một thời họ đã tồn tại, một thời họ chẳng thua ai. Mụ thấy cái quá khứ huy hoàng như hiện ra. Những ngày xưa đẹp đẽ lại hiện về trong ký ức mụ. Rớt như bằng xương bằng thịt, đẹp dịu dàng trước mắt mụ. Con Rớt ngọc ngà của mụ đang làm nũng với mụ, đang làm nhỏ với mụ.
 Mụ đâu quên được Con Rớt độ tuổi trăng rằm tuyệt diệu. Mụ đâu quên được niềm hãnh diện của mụ. Sự sung sướng tuyệt đỉnh của mụ khi Rớt ở tuổi mười lăm, mười sáu. Rớt là con của mụ, cục vàng của mụ. Rớt là tương lai của mụ. Nhiều thằng con trai đã thập thò trước cửa nhà mụ. Đứa nào, đứa nấy đều muốn làm rể mụ. Nhưng con Rớt nhà mụ đang độ lớn, không lẽ gả chồng cho nó sớm. Mụ cũng phải giữ nó lại để mà nhìn ngắm nó chứ. Dễ gì mụ gả nó nhanh. Phải xứng đáng đồng tiền bát gạo chứ!
Mỗi lần mụ gánh bánh bèo đi bán, bọn con trai đều nhìn mụ, đối xử với mụ như đối xử với mẹ của chúng. Bọn chúng gọi mụ bằng má. Thế mới sướng chứ! Có một đứa con gái mà bọn con trai, đàn ông đều muốn làm con của mụ. Chúng lễ độ không thể chịu được. Những khi ăn bánh xong, chúng đều tìm cách biếu thêm tiền cho mụ. Chúng lấy lòng mụ. Đứa nào cũng tỏ ra biết điều với mụ. Chúng như thật thà, hoặc giả bộ thật thà trước mụ. Mụ nhớ như in, một hôm đang ngồi chờ khách, bên tai mụ có tiếng ồm ồm:
- Thưa má, bán cho con ít chén bánh bèo đi!
Mụ ngẩng đầu lên nhìn khách. Ồ! Tên Bạc! Tên Bạc cũng xưng con, xưng má với mụ. Ô hay! Lạ chưa từng thấy. Mụ hỏi tên Bạc với vẻ nghi ngại:
- Ông mà cũng ăn bánh bèo ư?
Tên Bạc cười hì hì lấy lòng:
- Đói thì phải ăn chứ má!
Mụ háy dài một tiếng, rồi nói:
- Ông thèm gì thứ bánh này?
Bạc xuống giọng than:
- Má nghi oan cho con rồi.
Mụ cười nhạt:
- Oan cho ông ư? Ông không nhớ sao? Ông nhớ lại chuyện ông đã làm đi!
Bạc cúi mặt, rồi nói nhỏ như biết lỗi:
- Tha cho con đi má! Con cố quên rồi mà.
- Quên? – Mụ cười - Tôi thì tôi nhớ rất rõ.
Mụ nhìn Bạc. Mụ như thấy lại chuyện đã qua. Hôm ấy khoảng một giờ chiều, sau khi chuẩn bị xong, mụ gánh bánh đi bán. Như mọi lần, mụ cất tiếng rao: “Ai ăn bánh bèo không?... Bèo không?...”
Tiếng rao ngân dài, trở thành âm thanh quen thuộc.
Mụ gánh bánh đi ngang qua nhà Bạc. Nhìn ngôi nhà là biết ngay gia chủ. Đây là ngôi nhà đẹp nhất vùng. Và chủ của nó cũng là người có tiếng giàu có nhất vùng. Thức ngon vật lạ Bạc đều đưa vào miệng cả. Bữa hôm đó, Bạc đã no đến nỗi ngất ngư. No đến buồn ngủ. Đang chập chờn khi cơn buồn ngủ kéo đến, thì tiếng rao bánh bèo đã đánh thức Bạc dậy. Tiếng rao bán đã quấy hắn, làm cho hắn mất giấc ngủ trưa.
Hắn ta bực mình. Đang nằm trên chiếc ghế bố, hắn ngồi dậy, chạy thẳng ra cổng, chẳng nói chẳng rằng, chặn đầu mụ Ba lại. Mụ Ba tưởng hắn thèm bánh bèo, bèn hỏi:
- Ông ăn chứ?
- Ăn nè! – Vừa nói hắn vừa đá vào gánh bánh bèo. Nước mắm, nhân văng tung tóe. Từng chiếc bánh lăn trên đất. Mụ Ba hoảng hốt. Sau đó, trấn tĩnh lại, mụ bắt đầu chửi bới:
- Đồ chết bằm! Đồ... Đồ dốc tướng!... Mày tưởng mày giàu có rồi muốn làm gì thì làm à? Mày có đền bánh bèo cho tau không?
Bạc tức tối:
- Mụ im mồm mụ đi! Suốt ngày cứ lải nhải “bánh bèo bánh bèo”. Không có bánh bèo của mụ thì có ai chết đói đâu.
Mụ Ba xắn tay áo nói:
- Tau bán bánh bèo chứ có bán mả cha mày đâu mà mày không cho tau bán.
Bạc cũng không vừa, hắn la to lên:
- Mụ ăn nói thế hở? Mụ tưởng ai cũng để cho mụ chửi chắc. Thằng Bạc này không để cho mụ ăn nói thế đâu.
Mụ thách thức:
- Mày muốn làm gì tau thì làm! Làm đi! Tau đố mày đó! Mày có đền bánh bèo cho tau không? – Vừa nói mụ vừa xắn quần lên. Rồi, mụ bức tóc mụ. Mụ vỗ đành đạch vào mông, vào ngực, vào háng mụ:
- Bà con làng nước ơi! Tôi có làm gì nó đâu mà nó đạp đổ gánh bánh bèo của tôi! – Mụ đấm ngực mụ - Mày có đền bánh bèo cho bà không? Có đền không hở trời?
Mụ chạy sát lại người Bạc. Hắn ta vừa lùi vừa giơ tay muốn ngăn mụ. Nhưng mụ cứ xấn tới. Không còn cách nào khác, cuộc ẩu đả đã xảy ra...
Nghe mụ nhắc lại chuyện cũ, bưng chén bánh bèo trên tay, Bạc đấu dịu với mụ:
- Má giận con hoài sao má?
Không nhìn Bạc, mụ nói:
- Ai dám giận ông.
Bạc nài nỉ:
- Con xin má mà!
Một lát sau, thấy mụ Ba không nhắc lại chuyện cũ, Bạc lấy làm yên tâm. Hắn muốn lấy lòng mụ, vừa ăn Bạc vừa khen:
-  Ngon, ngon thật!
Mụ Ba ngạc nhiên:       
- Ông mà cũng khen ngon?
Bạc thấy giọng mụ Ba không khó chịu, bèn nói nịnh:
- Bánh má bán ngon nhất xứ này. Tiếng đồn “Bánh bèo bà Ba” ai mà không biết.
Cái thói đời nghe nịnh thì sướng rêm người. Mụ Ba nở to lỗ mũi, hí hửng ra mặt. Nhưng mụ giả đò chẳng để ý đến lời của Bạc. Nhìn Bạc ăn, mụ nói:
- Bấy lâu nay, mấy khi ông ăn. Sao bây giờ ông lại thích ăn?
Vừa nhai, Bạc vừa nói:
- Dạ, tiếng đồn mà má. Với lại ăn để biết ngon đến đâu.
Mụ Ba hỏi:
- Ông cảm thấy ngon như thế nào?
- Ngon! – Vừa húp tí nước mắm cay cay, Bạc vừa nói – Ngon thật! Bánh này ngon số dách má à. Chắc cô Rớt phụ giúp má làm?
Mụ cười, nói:
- Ừ! Nó chỉ nhìn thôi, chứ có phụ giúp gì đâu.
Bạc chép miệng:
- Chỉ nhìn thôi mà bánh lại ngon. Lạ thật! – Hắn sực tỉnh nói to – Bánh ngon thật!
Kể từ đó, biết mụ có Rớt đẹp, nên Bạc tìm cách gần mụ để có dịp lấy lòng mụ. Dẫu bánh bèo là thứ ăn chơi, thế nhưng, ngày nào cũng như ngày nào, Bạc đều ăn bánh bèo của mụ Ba thế cơm. Dần dần, Bạc thân thiết với mụ. Lâu lâu, Bạc mua ít thước vải, ít quà biếu mụ. Không biết có phải những thứ quà đã cảm hóa được tình cảm của mụ đối với hắn hay không, nhưng kể từ đó, mụ lại thân thiện với Bạc. Thấy chiều hướng có thay đổi, thấy có vẻ thuận tiện, Bạc tìm cách nói chuyện với mụ Ba để tìm hiểu Rớt. Bạc dạn miệng, bạo mồm lắm. Cho nên, chẳng cần úp mở gì cả, Bạc đã đặt thẳng vấn đề là muốn làm rể mụ. Nghe Bạc nói thế, mụ chỉ cười. Đâu phải mình Bạc muốn làm rể mụ. Có khối thằng cũng nói như Bạc, cũng muốn làm rể mụ. Dại gì trả lời lúc này. Mụ cũng tính đi tính lại là chẳng nên nhận lời một ai cả. Trong lòng, mụ muốn chọn thằng rể sao cho xứng với nhan sắc có một không hai của con gái mụ.
Ngày lại ngày đều có kẻ cầu hôn, hoặc úp hoặc mở. Ban đầu, mụ khoái bao tử lắm. Nhưng nghe đi nghe lại cũng những lời ấy, mụ bắt đầu nhàm chán. Mụ phải tính thiệt hơn trong việc chọn rể chớ. Người ta thường nói có con gái lớn trong nhà như có bom nổ chậm. Riêng mụ thì thấy khác. Có đứa con gái đẹp trong nhà chẳng khác gì có một hủ vàng. Phải biết cách làm số vàng ấy sao cho nó càng ngày càng sinh lợi. Giá sắc đẹp càng ngày càng tăng. Có thế thiên hạ mới tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp: từ người đẹp làng xã đến người đẹp công sở, từ người đẹp đồng nội đến người đẹp thị thành, từ người đẹp áo dài đến người đẹp áo tắm... Ai ai cũng quý sắc đẹp. Sắc đẹp trở thành thứ hàng hóa có giá trị. Người ta tung hô sắc đẹp. Sắc đẹp có thể trở thành sự từ thiện, trở thành cứu cánh. Là đàn bà, mụ biết rất rõ giá trị của sắc đẹp. Cho nên mụ tính đi tính lại là không thể dễ dàng với bọn đàn ông. Dễ dàng thì bọn họ cho Rớt là của hôi sao. Với sắc đẹp ấy, mụ không lo lắng gì về đường chồng con của Rớt. Vì thế, mụ mặc cả với những tên đàn ông đến cầu hôn Rớt.
Biết được mụ có tính thích chiều chuộng - mà đã là đàn bà thường thích ưa chiều chuộng – nên Bạc tìm cách lấy lòng mụ:
- Má nè! Má về ở luôn nhà con đi má!
Mụ Ba cười, trả lời:
- Thế tau bỏ con Rớt cho ai?
Bạc cười tấn công:
- Thôi thì cho em về ở luôn với con.
Mụ Ba ngẫm nghĩ, nói nửa giỡn nửa thật:
- Mày nói sao dễ vậy. Nó là ngọc, là ngà đấy. Phải rước nó chu đáo, cho đẹp mày, đẹp mặt chứ!
Bạc nuốt nước bọt, xoa xoa bàn tay, cười nói:
- Dạ, con muốn lắm. Chỉ sợ má không cho phép.
Mụ quay mặt, giấu nụ cười đắc ý:
- Cũng dễ thôi. Nhưng nhớ có người coi nó như cành vàng lá ngọc đấy?
Bạc cười xởi lởi:
- Dạ con biết điều đó. Thế má cho con định ngày ăn hỏi được không má?
Im lặng một lát, mụ nói như thể chẳng cần:
- Đâu dễ thế! Cưới hỏi có tới những sáu lễ kia.
Bạc ngạc nhiên hỏi:
  - Sao nhiều thế?
        Mụ kể một hơi rõ to, rồi nói:
- Đúng là sáu lễ.
Sau đó mụ nói một hồi. Đại khái nếu Bạc tiếc vàng thì mụ cũng chẳng cần. Có khối thằng nhòm ngó sắc đẹp của Rớt, chứ đâu chỉ mình Bạc. Ngẫm đi ngẫm lại, Bạc thấy mụ nói cũng có lý. Dẫu tiếc vàng, nhưng không thể không cần cái sắc đẹp mê hồn của Rớt. Cuối cùng, Bạc đặt cọc sáu chỉ vàng cho mụ Ba, gọi là tiền cược Rớt sẽ là vợ tương lai của hắn ta. Mụ Ba hài lòng lắm. Nhưng mụ chưa chấp nhận ngày ăn hỏi. Tự nhiên mụ có sáu chỉ vàng nhờ sắc đẹp của Rớt.
Từ đó, mụ cưng Rớt như cưng trứng. Mụ không cho Rớt làm thứ gì cả. Mụ bắt Rớt suốt ngày ngồi trước gương, chỉ có việc trang điểm và nhìn ngắm sắc đẹp. Mụ mua son phấn về, bắt Rớt điểm tô sao cho xứng là cô tiên Rớt. Chưa hết, mụ bắt Rớt đến các viện uốn tóc, làm những kiểu tóc hợp thời. Móng tay, móng chân của Rớt lúc thì tô màu đỏ, lúc thì tô màu tím, lúc thì tô màu đen... Ôi thôi đủ màu đủ sắc trên các móng của Rớt!
Mỗi lần đi bán về, khi mụ đặt gánh bánh bèo ở nhà dưới thì Rớt mới rời chiếc gương ra đón mụ.
- Mẹ! Mẹ xem con có đẹp không?
Đứng nhìn ngắm Rớt một hồi lâu, mụ sướng cả người. Mụ gật gật cái đầu ra chiều thích thú:
- Đẹp! Đẹp lắm! Con của mẹ đẹp lắm!
Nói xong, vẫn chưa hết sướng, mụ đứng lặng giờ lâu chiêm ngưỡng sắc đẹp của Rớt. Đến khi mỏi cả mắt, mụ mới nói:
- Thôi, con cứ nhìn ngắm, trang điểm gương mặt con đi! Để mẹ đi lo cơm nước.
Rớt làm nũng:
- Mẹ để đó con nấu!
Mụ nguýt yêu Rớt:
- Con nấu cơm làm gì. Cứ để đó cho mẹ. Cứ lo sắc đẹp đi! Nó có giá hơn vàng bạc đó con ạ.
Rớt như thể ngây thơ, hỏi:
- Hơn cả vàng bạc?
Mụ Ba gật đầu:
- Hơn cả vàng bạc là đương nhiên. Nó đẻ ra cả ngọc ngà châu báu nữa đó!
Rớt để hai tay trước bụng, ẹo qua ẹo lại:
- Thật không mẹ?
Mụ Ba cười:
- Cái con này! Mày không tin mẹ mày sao? Chỉ cần lo sắc đẹp là có vàng, có bạc thôi, con ạ! Con cứ lo sắc đẹp thì mẹ mới được nhờ.
Rớt vân vê cái áo, lộ cả cái eo trắng nõn trắng nà, cười:
- Sao con cảm thấy kỳ kỳ mẹ ạ.
Mụ Ba dứt khoát nói:
- Mẹ buộc con phải chăm lo sắc đẹp!
Rớt tự tin:
- Bộ mẹ cho con không đẹp sao? Cần gì phải chăm sắc đẹp.
Mụ Ba ra mặt giận:
- Cái con này! Dù có sắc đẹp, nhưng không chăm thì cái đẹp cũng chẳng có giá đâu. Phải chăm mới có vàng, có bạc con à!
Thấy Rớt vẫn trố mắt nhìn miệng mụ nói, mụ liền giảng giải tiếp:

- Đương nhiên là thế rồi. Ai không muốn nhìn cái đẹp. Nhất là bọn đàn ông! Bọn họ háo sắc lắm. Chỉ cần mình đẹp là bọn họ bu quanh để nịnh, lấy lòng đủ thứ. Có khi họ chết mê chết mệt với mình.Rớt vẫn vân vê tà áo, cúi mặt nói:
- Nhưng con cảm thấy kỳ sao ấy!Mụ nhỏ giọng từ tốn như dồn vào đó lời tâm huyết của mụ:
- Con phải biết, sắc đẹp là vũ khí lợi hại của đàn bà. Phải dùng nó để làm bọn đàn ông chết mê chết mệt– ngừng giây lát, mụ Ba tiếp lời – Con không muốn sướng sao?Rớt cười:
- Sao mẹ nói thế? Sướng ai lại không muốn.
Mụ Ba khuyên:
- Muốn sướng thì phải đẹp. Con phải thực hiện đúng như lời mẹ dạy, nghe chưa?
Rớt bỏ tay khỏi vạt áo, cúi đầu:
- Dạ! Con nghe lời mẹ.
Rớt lại ngồi trước gương. Mụ Ba nhìn Rớt hài lòng. Nó nghe lời mụ là mụ có thể hái ra hàng khối vàng là vàng. Muôn đời nay, sắc đẹp luôn có giá. Sắc đẹp có thể cứu con người, sắc đẹp có thể đem lại bao điều tốt đẹp với con người. Đàn bà dù không được đẹp, nhưng họ biết rất rõ giá trị của sắc đẹp. Và mụ cũng thế. Mụ biết rất rõ sắc đẹp của Rớt có thể cứu mụ, có thể đem lại điều sung sướng cho mụ. Sắc đẹp của Rớt sẽ là bạc, là vàng của mụ. Quả thật vậy! Nghĩ tới đó, mụ sướng rêm cả người. Mụ thấy vàng đang chảy vào túi mụ. Mụ thấy vàng từ từ chọn túi mụ mà vào. Trước tiên là thằng Bạc tự dưng đưa mụ sáu chỉ... Còn... sẽ còn vô số vàng tiếp tục chảy vào túi mụ. Mụ tất bật lo cơm nước cho Rớt. Mụ cứ khen Rớt đẹp, đẹp đến nỗi đẻ ra vàng. Bọn đàn ông sẽ chết vì nó. Bọn đàn ông sẽ điêu đứng... Ôi!... Bọn đàn ông... Mụ thốt không ra lời. Trong tâm trí mụ, hình ảnh hai thằng đàn ông đã từng ăn nằm với mụ hiện ra. Chúng hiện ra khi mụ đang nấu cơm, chập chờn theo ngọn lửa. Mụ nấu cơm mà nhìn rõ mặt hai thằng người... Bọn chúng đấy ư? Chúng chỉ biết có đàn bà. Chúng chập chờn trong óc mụ. Quỷ quái cho chúng!
Cũng trong ánh lửa... Thi hiện lên. Đầu tóc rối, bời bời. Tóc anh ta đang hóa trắng. Từng sợi rụng dần, may mà chưa rụng hết, không thì anh ta hóa thành sư mất. Tóc anh chỉ còn lơ thơ làm bạn với gương mặt đăm chiêu như mọi khi. Mắt đượm buồn, và những giọt nước mắt trào ra như thể anh khóc cho số phận con người. Anh đọc thơ, những vần thơ tỏ tình với mùa xuân, với người đẹp. Rồi lời thơ như than, như khóc cho kiếp người. Mụ Ba nghe lời thơ của Thi reo trong lửa...
Và kìa, trong ánh lửa... Thằng điên hiện lên. Mụ thấy nó trần truồng. Nó nhảy múa theo tiếng reo của lửa. Nó huơ tay, huơ chân theo ánh lửa, miệng hát những điệu ca ngô nghê. Và rồi, trong cái miệng ấy, một cái lưỡi trườn ra đớp không khí. Cũng cái miệng ấy hiện lên nụ cười ngây dại. Nó cười nụ cười thuở man khai...
Và trong ánh lửa, mụ Ba thấy rõ gương mặt của thằng Bạc. Gương mặt của nó ánh lên sắc vàng. Gương mặt như được dát vàng, hợm hĩnh. Cả người nó là vàng trong lửa. Quả vậy!... Nó đã đem vàng để thử mụ. Mụ đã hài lòng. Và mụ đã đem Rớt nhử nó... Nó cũng hả lòng...
Ngọn lửa ẩn hiện gương mặt của những thằng người và dần dần hóa thành đàn kiến. Chúng đang hành hạ mụ. Chúng sôi lên, trào lên, ùn ùn cắn xé Rớt và cắn xé mụ. Người mụ đỏ như ngọn lửa. Đàn kiến bu đầy người mụ, đốt cháy từng thớ thịt, đang thiêu dần mụ. Chính đàn kiến trong người Rớt đã hành hạ mụ. Mụ nghe Rớt nói với giọng trân tráo:
- Nè! Tôi báo cho bà biết: Bà đừng lợi dụng sắc đẹp của tôi. Đừng lợi dụng người khác để làm ra tiền, bà biết không?
Mụ mở mắt nhìn Rớt ở giường bên. Không phải là Rớt của mụ. Chỉ có con quỷ cái Rớt với đôi mắt rực lửa, đang nhìn chằm chằm, hành hạ mụ.
 
                                    CHƯƠNG 8
 
Dưới mắt Rớt, hàng trăm tên đàn ông, hàng vạn tên đàn ông đang nhìn ngắm cô. Tất cả gương mặt của họ đều ánh lên nỗi khao khát muốn làm chủ cô. Mắt họ như ngây, như cuồng si trước vẻ đẹp của cô.
 Ôi! Đây là gương mặt của Rớt. Gương mặt mà bấy lâu nay cô khao khát - gương mặt của công chúa Rớt. Đúng là gương mặt của công chúa. Mọi đàn ông như khờ dại, đờ đẫn trước sắc đẹp của công chúa Rớt. Tất cả bọn họ không còn tự chủ được con tim. Như những fan hâm mộ đang cỗ vũ thần tượng của họ trên sân khấu, chỉ có tiếng la, tiếng tung hô của bọn đàn ông trước sắc đẹp của nàng công chúa Rớt có một không hai trên thế gian này.
Bên tai cô vọng lên những lời như sôcôla Mỹ, như rượu nho Pháp:      
- Ôi, sao nàng đẹp mê hồn vậy?
- Trời ơi! Nàng đã cướp mất hồn ta rồi!
- Nàng là vị thần sắc đẹp!
- Trời ơi, ước gì nàng để ý đến ta!
- Ta yêu nàng mất! Ta sẽ chết vì nàng.
Và bọn họ cố gắng làm thơ ca ngợi sắc đẹp của Rớt. Họ cố gắng soạn nhạc hát về sắc đẹp của Rớt. Họ tỏ tình với Rớt qua những vần thơ, lời ca của văn nghệ. Họ mong Rớt rủ lòng thương yêu họ. Nhưng Rớt chỉ nhìn họ với con mắt dửng dưng.
Ở trong lòng Rớt trổi lên lòng nghi ngại họ, nghi ngại bọn đàn ông hiếu sắc đã cố tỏ tình. Cô có lạ gì bọn đàn ông khốn khổ ấy. Họ yêu đấy! Rồi họ ghét đấy! Thứ bọn đàn ông chỉ biết có sắc đẹp thì có còn chung tình với người nào đó khi gương mặt của người ấy không còn đẹp.
Rớt thầm nghĩ, nếu cô xấu thì chắc gì bọn đàn ông ấy tung hô sắc đẹp của cô. Cô đã thấm nỗi đau ê chề khi mang gương mặt quỷ. Cô trách bọn họ ư? Mà trách sao được khi lòng người mong muốn cái đẹp, hướng đến cái tuyệt mỹ của tạo hóa dành cho con người. Cô xấu, chắc bọn họ tránh cô như tránh một thứ dịch bệnh. Cô đẹp, với sắc đẹp của nàng công chúa thì bọn họ bu quanh như đàn kiến bu quanh con mồi. Đương nhiên là thế. Họ bu quanh để chiêm ngưỡng, tâng bốc cô. Không lẽ cô trách họ?
Sắc đẹp của cô đã hớp hồn họ. Họ cần có chút nụ cười của cô. Họ cần một chút ánh mắt của cô, dù cô có nhìn hay không nhìn họ. Chỉ cần có thế là họ như ngây dại, vì nghĩ rằng cô ngó ở đâu đó cũng là như ngó họ, như dành tình cảm cho riêng họ.
Cô cũng thấy thích sự tâng bốc, nhất là sự tâng bốc của đàn ông. Cô cảm thấy những lời tâng bốc ấy hay hay. Nó như liều thuốc làm cô dịu bớt cơn đau mà bấy lâu nay cô phải mang trong gương mặt của quỷ. Cô giả đò không thích. Nhưng sự thật là cô thích những lời tán tụng của họ. Dù là công chúa, cô cũng có trái tim của một con người, nhất là trái tim của đàn bà, con gái. Đẹp! Rất thích! Nó là tiêu chuẩn số một, không những đàn bà, con gái thích mà cả bọn đàn ông đều thích. Đàn bà làm đẹp cũng cốt để cho đàn ông ngắm. Rớt sung sướng khi bọn đàn ông khen cô đẹp. Nhiều tên đàn ông đều muốn lấy Rớt. Điều đó làm cô phân vân, lo âu. Liệu cô sẽ lấy ai làm chồng. Và người chồng ấy sẽ như thế nào, sẽ sống thế nào với cô cho trọn cuộc đời. Lúc cô xấu, liệu hắn ta có còn yêu cô nữa không?
Hay họ thích ngôi vị phò mã mà tâng bốc cô. Ngôi vị ấy dành cho tên đàn ông nào trong số họ.
Không biết bọn họ thích ngôi vị phò mã hay là thích con Rớt của bà Ba bán bánh bèo? Nếu Rớt kế tục nghề của mụ Ba thì ai tâng bốc Rớt? Bọn họ sẽ đối xử với cô như thế nào? Hay chỉ là lời ca tụng suông về sắc đẹp mà không dám hy sinh vì sắc đẹp ấy?
Ôi! Bọn đàn ông! Bọn người chỉ biết có địa vị, công danh và sắc đẹp. Bọn chỉ biết rượu chè và của lạ! Bọn đàn ông ấy mà! Chúng là cái thớ gì ở cuộc đời này, mà khiến đàn bà con gái có lúc phải khốn đốn, chết đứng, chết ngồi. Không lẽ tất cả bọn đàn ông đều như vậy? Rớt không tin điều ấy như cô không tin rằng mình là con quỷ Rớt. Cô tin mình đẹp và niềm tin của cô đã biến cô thành công chúa Rớt. Cô cũng tin rằng sẽ có một người đàn ông nào đó đến với mình bằng tình người. Không vụ lợi gì cả.
Thấy mọi người bu quanh tâng bốc, Rớt khó chịu. Cô khoát tay xua bọn họ:
- Các người hãy đi đi! Xin các người đừng quấy rầy ta!
Cả bọn cúi đầu. Một con mắt nhìn xuống đất, một con mắt he hé nhìn vào gương mặt Rớt, nói:
- Thưa công chúa! Chúng tôi ngưỡng mộ công chúa nên chúng tôi mới đến đây. Xin công chúa đừng xua đuổi.
Rớt cười nhạt:
- Ngưỡng mộ ta! Ta là cái gì ở cuộc đời mà các ngươi ngưỡng mộ?
Dù Rớt cười không thiện cảm, nhưng bọn đàn ông, riêng từng người nghĩ, là cái cười ấy dành cho ai đấy chứ không phải là mình. Do vậy, họ vẫn tin rằng Rớt đang để ý đến họ, nên họ đồng thanh lên tiếng:
- Chính sắc đẹp của công chúa đã cuốn hút chúng tôi đến. Chính công chúa đã mê hoặc chúng tôi. Công chúa hiểu điều đó chứ?
Rớt cười hỏi:
- Công chúa mà có sức mạnh thế à?
Mắt vẫn nhìn xuống đất một con, nhìn Rớt một con, bọn họ nói trong mê cuồng:
- Không phải công chúa có sức mạnh. Mà chính sắc đẹp và địa vị của công chúa tạo nên sức mạnh. Xin công chúa chọn người trong chúng tôi làm chồng.
Rớt hỏi:
- Chồng ư? Để làm gì? Các người có yêu ta đâu!
Từ lồng ngực của bọn họ phát ra âm thanh của bầy đàn:
- Rất yêu! Chúng tôi rất yêu công chúa.
- Yêu ta ư? – Rớt ngạc nhiên trước lời nói của bọn họ.
Chưa bao giờ Rớt được nghe tiếng yêu từ đàn ông. Nhiều lần Rớt khao khát, thèm ai đó nói tiếng yêu thương với mình. Nhưng có ai thèm nói chuyện với cô – người con gái mang mặt quỷ. Chỉ đến bây giờ, Rớt mới nghe được tiếng yêu thốt ra từ cửa miệng của bọn đàn ông. Họ đang nói tiếng yêu với Rớt – cô công chúa đang hớp hồn họ. Rớt thầm nghĩ, họ yêu Rớt, nhưng tình yêu ấy có thật sự vững không? Rớt cũng không hiểu nổi. Cô đang tự dằn vặt với chính mình. Trong khi cô phân vân, không biết bọn họ có thật lòng yêu không thì tất cả bọn đàn ông đều cất tiếng nói một lượt: “Xin nàng hãy chọn tôi làm chồng!”. Rớt nhìn quanh, thấy hai tên đàn ông trong số bọn họ vẫn im lặng. Đó chính là Thi, tên của thằng đàn ông làm thơ tặng nàng khi nàng ở độ tuổi mười lăm, mười sáu. Và kẻ kia, chính là thằng điên thường chạy tồng ngồng ngoài đường - cái thằng điên chỉ biết cười, cái nụ cười ngây dại.
Đặc biệt tên Bạc, tên giàu có nhất ở vùng, tên đã dám bỏ một lần sáu chỉ vàng để lót đường cầu hôn khi cô mới lớn, thấy Rớt là công chúa, hắn sung sướng ra mặt, y như cô là vợ chưa cưới của hắn ta. Hắn huyênh hoang nói với mọi người chung quanh:
- Các người hãy xê ra! Chính tau là người đầu tiên dạm ngỏ công chúa. Các người có nghe tau nói không?
Bọn đàn ông đáp lại:
- Láo khoét! Mày là thứ gì mà dám nói như vậy? Chúng ông đập vỡ sọ mày bây giờ!
Bạc hùng hồn, tiếp tục nói:
- Tau là thứ gì à? Các người cứ tỏ tình với công chúa Rớt đi! Cứ tỏ tình đi! Tau thách đó! Cứ tỏ tình cho mỏi miệng đi. Cứ tỏ tình cho khô cuống họng đi! Các người biết không? Nàng là của tau. Tau bỏ vàng ra, tau chắc chắn sẽ chung sống với nàng. Tau sẽ bỏ thật nhiều, nhiều ơi là nhiều vàng để cưới nàng. Tau sẽ là phò mã cho thiên hạ biết tay.
Tiếng la ó:
- Đồ rởm! Đồ chỉ thị có vàng!
Bạc vỗ ngực, nói:
- Tau có tiền, có vàng thì tau cứ khoe. Ai làm gì tau nào?
Một tên đàn ông ở gần Bạc, lên tiếng:

-Thưa công chúa! Công chúa có yêu tên Bạc này không? Nghe thấy thế, Rớt cười nói:
- Yêu? Hắn là cái thá gì mà ta phải yêu? Không đời nào ta yêu nó! Đã là công chúa thì ta thiếu gì tiền bạc mà phải lệ thuộc hắn.
Nhiều tiếng la, nhiều âm thanh chửi Bạc:
- Đó! Mày có nghe rõ không hở Bạc? Công chúa chẳng cần tiền, cần vàng của mày đâu.
- Mày hãy cút xéo đi! Công chúa không phải của riêng mày.
- Hãy cút đi! Đừng mơ tưởng tới công chúa nữa!
- Mày chỉ có vàng có bạc, chứ mày có đẹp trai đâu. Đừng hòng công chúa để ý đến mày.
- Mày có học thức đâu mà công chúa thương yêu mày!
Bạc ngạc nhiên hết sức. Chưa bao giờ hắn bị một vố cay như vậy. Nhiều lần, trăm lần như một, hắn chỉ cần bỏ ra ít tiền là bọn con gái bu theo hắn như điếu đổ. Miệng lưỡi bọn con gái ngọt xớt với Bạc. Chúng nằm trong vòng tay của Bạc. Vừa đút thịt, vừa nâng ly cho Bạc uống. Bạc vừa ăn, vừa uống, vừa cười, vừa hôn, vừa thọc lét bọn chúng. Bọn chúng chỉ biết có anh Bạc là số dách. Chỉ có anh Bạc là chơi đúng điệu. Còn lúc này đây, khi đối diện với công chúa Rớt, Bạc thấy mình bị đá một vố thật đau. Mà cũng đáng cho cái đời thị tiền, thị của. Là công chúa, nàng đâu cần những thứ ấy. Bạc vừa nghĩ vừa lo làm sao chiếm được tấm thân ngà ngọc ấy. Bạc lục soát cả bộ óc, nhưng trống rỗng... Bạc lục đi lục lại, chỉ thấy những đồng tiền, những chỉ vàng, những miếng vàng lá... Không thêm được một chút thông minh trong việc này! Chỉ thấy tiền, thấy vàng thì làm sao thông sáng trong tình yêu. Bạc muốn đánh đổi tất cả để có chút thông minh, để tán tỉnh Rớt, để được gần tấm thân kiều diễm ấy. Nhưng làm sao đây?
Bạc bức đầu, vò tóc, nhưng hắn ta vẫn không làm cho Rớt động lòng.
Bọn đàn ông mừng rỡ vì đã đánh được địch thủ là Bạc. Bọn họ đang mừng reo thắng lợi. Thấy bọn người như si cuồng, như bầy người động cỡn, trong lòng Rớt dâng một nỗi nghi hoặc về bọn đàn ông. Rớt thầm nghĩ: “Được! Ta sẽ thử bọn họ mới được”.
Một căn phòng được dựng lên, đúng là căn phòng của bậc trâm anh.
Bọn người vui mừng. Họ sẽ vào để công chúa coi mắt và để ngắm công chúa Rớt.
Từng tên đàn ông được vào diện kiến công chúa Rớt cho thỏa lòng mơ ước của họ. Gương mặt người nào người nấy đều khác lạ hơn ngày thường.
Từng người vào... Từng người ra... Từng người vào... Từng người ra... Cứ thế...
Thi cũng được vào. Mắt chàng cứ đăm chiêu khi bước ra khỏi phòng.
Thằng điên cũng được vào. Bước ra, nó chỉ cười. Và cười khan khi mọi người hỏi về sắc đẹp của Rớt.
Bạc cũng vào. Hắn ta ôm đầu khi bước ra khỏi phòng. Mặt tái mét, không còn giọt máu. Khi mọi người hỏi về sắc đẹp của Rớt, hắn chỉ đáp một câu gọn lỏn:
- Quỷ cái!
Và từ lồng ngực của bọn đàn ông – trừ Thi và thằng điên - thốt lên:
- Quỷ cái!
Nghe hai tiếng “quỷ cái”, Rớt thấy rõ bộ mặt thật của bọn đàn ông. Cô căm tức họ. Họ đã xúc phạm cô thì cô phải trả thù cho họ biết tay.
Lệnh của công chúa Rớt được thi hành. Một thứ lệnh thật oái oăm cho đàn ông.
Ôi! Khi công chúa trả thù, thì phải biết! Chỉ có hai người được tha là Thi và thằng điên. Còn tất cả đều bị trị tội. Dương vật của bọn họ bị cắt sát xương mu, bỏ vào lò đốt.
Những khúc gân nở bung trong lửa, sau đó nghe xèo xèo như khúc dồi bị nướng. Bị lửa thiêu dữ dội, từng khúc hóa thành tro. Nhìn của quý rụi dần, bọn đàn ông than tiếc. Tiếng khóc than tiếc của đời nghe thảm thê, não nề.
Thi đăm chiêu tìm tứ thơ...
Thằng điên ngô nghê cười...
Ôi, cơn mơ mạo danh, cơn mơ ai cũng từng mơ thấy.
 
                    CHƯƠNG 9
 
Đàn kiến ùn ùn kéo đến nhà Thi. Chúng vây quanh anh. Thi hoảng sợ, không biết mình có phạm tội gì không mà bị kiến bao quanh như vậy. Anh la to:
- Tôi có tội tình gì mà các ngươi đến bu quanh như vậy?
Nghe anh lên tiếng, đàn kiến cười ngất. Chúng kết thành cái miệng cười đỏ như thuốc nhuộm nấu sôi. Chúng đồng thanh lên tiếng trấn an:
- Chúng tôi đến đưa nhà thơ đến với một người thèm nghe thơ.
Anh ngạc nhiên hết sức. Dễ gì đời này còn có kẻ thích thơ, chứ nói gì đến chuyện thèm nghe thơ. Quả là lạ? Suốt cả đời làm thơ, đây là lần đầu tiên anh được biết có kẻ thèm thơ. Lòng anh vui vui. Không vui sao được khi trên trần gian này còn có kẻ cần thơ. Nhiều lần làm xong bài thơ, đọc cho ai đó nghe, nhưng nào có ai để ý chứ nói gì đến chuyện thèm. Lần này, được đi đọc thơ chắc là vui lắm, sướng lắm. Không chờ đàn kiến nói thêm, anh đề nghị:
- Hãy cho tôi đi gặp người thèm thơ đi!
- Được thôi!
Nói xong, đàn kiến kết thành chiếc võng đưa Thi đi. Chúng khiêng anh như khiêng một ông hoàng của nghệ thuật. Anh nằm yên, ngửa mặt lên trời, nhìn các vì sao di động. Bọn kiến đưa anh đến gặp Rớt. Ngạc nhiên, anh hỏi:
- Sao lại đưa tôi đến đây? Đây là người thèm thơ tôi?
Đàn kiến cười, dỗ ngọt Thi:
- Đúng vậy. Chỉ có Rớt mới thèm thơ. Dễ gì có người thèm thơ như Rớt. Chắc nhà thơ biết ai là kẻ thèm thơ?
- Dĩ nhiên là tôi biết. Nhưng, không lẽ người như Rớt mà lại thèm thơ sao?
- Đúng là cô ấy thèm thơ hơn bất cứ ai trên đời này. Chỉ có người khổ đau tột cùng mới cần thơ như cần thứ linh dược để cứu rỗi mình. Rớt thèm làm người, nên thèm thơ là chuyện thường. May mà có kẻ thèm được làm người, nên mới thèm thơ. Hãy đọc cho cô ấy thưởng thức đi!
Thi ngẫm lời bọn kiến có chỗ đúng. Anh thấy thơ của mình còn có chỗ để đọc là vui rồi. Còn có người nghe thơ, đó là điều hạnh phúc với Thi. Anh cất tiếng đọc. Lời thơ của anh kết tụ lời của nhân gian, kết tụ lời của cõi ta bà, kết tụ bởi âm hưởng từ cõi xa xăm, từ lời chân thật. Lời thơ như tiếng khóc, tiếng cười, như cả linh hồn thương đau, nguyện cầu an bình cho cả thế gian...
Rớt nghe Thi đọc những bài thơ ca ngợi cô tiên, những lời thơ ca ngợi thân hình quỷ. Rớt nghe, nhưng cô không hiểu hết những ẩn dụ về cô. Cô chỉ cười nụ cười của quỷ trên gương mặt của tiên mang hình hài công chúa. Thấy Rớt chăm chú lắng nghe, Thi sung sướng ra mặt:
- Tôi làm thơ nhiều lắm cô ạ! Làm để ca ngợi con người. Có người anh – người anh văn nghệ - trên cõi đời này đã khuyên tôi phải cầm bút sao cho xứng với con người của mình, xứng với cái tâm của mình. Có thể bây giờ, cô không thích thơ tôi, nhưng rồi cô sẽ thích.
- Tôi thích nghe anh đọc mà. Nhưng, nhìn anh dở hơi thật! – Rớt e dè hỏi Thi – Anh không sợ tôi sao?
Ngạc nhiên, Thi nói:
- Sợ cô! Việc gì tôi phải sợ cô?
Chỉ vào gương mặt của chính mình, Rớt nói:
- Tôi là quỷ! Anh không sợ quỷ sao?
Thi cười an ủi Rớt và như để an ủi cả chính mình:
- Sợ quỷ ư? Tôi sợ cô ư? Cô có hại tôi đâu mà tôi phải sợ.
Đưa tay chỉ lên trời, Rớt hỏi:
- Thế tôi là tiên, anh có sợ không?
Thi cũng cười:
- Tôi cũng chẳng sợ đâu. Tiên với quỷ cũng là cô. Tôi chỉ thương cô thôi. Thương như thương một con người phải có mặt ở trần gian này. Tôi chỉ tội nghiệp cho con người thôi. Như tội nghiệp cho chính tôi chẳng hạn.
Rớt gật đầu, nói nhỏ:
- Ồ! Thế thì anh tốt quá!
Thi nói giọng thành thật:
- Tôi tốt ư? Cô không nghĩ rằng trên đời này còn có nhiều người tốt hơn tôi nữa kia. Chứ có riêng mình tôi đâu.
Rớt lắc đầu, mỉm nụ cười như mỉa:
- Tôi không tin. Anh không thấy bọn đàn ông bị cắt của quý kia không. Chúng đâu có tốt với tôi.
Giọng trầm hẳn xuống, Thi chép miệng, nói:
- Cô nghĩ thế là tội cho họ. Họ cũng là người, chắc có điểm nào đó tốt mà cô chưa thấy thôi.
Vẫn nụ cười lộ vẻ khó chịu, Rớt nói:
- Tốt mà chỉ muốn chiếm đoạt lấy công chúa Rớt? Tôi vẫn chưa tin là họ tốt.
Thi lạc cả giọng như thể rằng anh đuối lý:
- Không tin là tuỳ cô. Nhưng đối với tôi, họ chưa phải là người xấu. Họ chỉ có cái tội là...
- Thôi! Anh đừng nói về họ nữa. – Ngừng một lát, Rớt nói tiếp - Anh tốt thật. Ước gì có nhiều người tốt như anh.
Thấy Rớt bớt cau có, Thi cười an ủi Rớt:
- Cô cứ tin là còn nhiều người tốt hơn cả tôi! Tôi tin ai cũng tốt, ai cũng thương yêu nhau thì khổ đau sẽ bớt ở thế gian này.
Rớt ngạc nhiên:
- Thế gian sẽ không còn khổ đau! Hay nhỉ! Ai nói với anh điều đó?
Nghe Rớt như muốn nghe chuyện, Thi nói với giọng tự hào:
- Anh tôi.
Rớt lại hỏi:
- Anh ấy là ai? Sao anh ấy nói điều tốt vậy?
Thi cười vui, giọng đầy sự tự tin:
- Anh ấy tên là Nhân. Anh ấy là nhà thơ.
Rớt nghiêng đầu, nhướng đôi mắt, giọng ngạc nhiên:
- Cũng là nhà thơ như anh?
Với vẻ tự hào, Thi khẳng định:
- Đúng! Anh ấy cũng là nhà thơ như tôi. Các nhà thơ thường thông cảm nhau lắm, hiểu nhau lắm. Họ nói về họ cũng là nói về người khác. Ở họ có nỗi đam mê công việc. Khát khao thế giới an bình, thế giới đại đồng.
Rớt hỏi:
- Chính anh Nhân nói điều ấy?
Thi vui vì có kẻ muốn hiểu mình, muốn hiểu về các nhà thơ:
- Vâng! Chính anh Nhân đã nói và nhiều nhà thơ khác cũng nói như vậy.
Rớt chắp tay trước ngực lộ vẻ sung sướng:
- Ôi! Thế thì tuyệt diệu quá! Chẳng cần tiên, chẳng cần quỷ cũng có thể sống cuộc sống tuyệt đẹp, phải không anh?
Thi nói trong niềm sung sướng:
- Đúng! Con người thương yêu nhau, thế giới sẽ đại đồng. Không cần chủ thuyết; không còn sự ganh ghét; không còn sự tị hiềm, nghi kỵ; không còn xảo trá, ích kỷ.
Rớt chỉ vào mặt Thi cười:
- Anh đúng là con người lạ lùng.
Thi gật đầu, nói:
- Cô cũng vậy. Cô cũng là con người.
Rớt cười nói tiếp lời Thi:
- Tôi nghe nói các nhà thơ như anh là những kẻ lập dị.
Thi ngạc nhiên:
- Tôi?
Rớt chỉ vào gương mặt ửng hồng của Thi, vào đôi mắt sáng vui của Thi, nói:
- Đúng là anh, chứ còn ai vô đây nữa! Không có việc gì làm mất sự tự do của anh.
Thi nói:
- Tôi có xâm phạm sự tự do của ai đâu. Tôi có tranh giành tự do của ai đâu. Tôi không xâm phạm, tôi không tranh giành với người khác, tất nhiên tôi có tự do.
Rớt ngước nhìn trời, rồi nhìn đất, lại nhìn xung quanh, hỏi:
- Mọi người đều như anh thì thế giới sẽ ra sao nhỉ?
Ngập ngừng một lát, Thi mới lên tiếng:
- Tôi cũng chẳng biết thế giới sẽ ra sao. Nhưng tôi nghĩ khổ đau do con người tạo ra, sung sướng cũng do con người tạo ra. Mà tự tạo ra thì còn oán trách ai mới được chứ?
Rớt thảng thốt:
- Tôi... Gương mặt tôi biến từ sung sướng ra khổ đau, nào tôi có tạo ra đâu. Ai? Ai bắt tôi phải chịu như thế. Anh hãy trả lời đi!
Thi im lặng nhìn Rớt. Gương mặt Rớt dần dần biến đổi. Chưa kịp trả lời, anh bị Rớt nắm lấy cổ áo. Anh ú ớ. Trong khi đó, với đôi mắt giận dữ, Rớt gầm lên:
- Hay chính anh đã tạo ra cho tôi?
Thi dần lấy lại bình tĩnh:
- Không phải tôi. Không ai tạo ra cả. Có lẽ chính là sự tình cờ, ngẫu nhiên chăng? Và từ đó, con người cứ bám vào đó để phân biệt sướng khổ.
Rớt bớt giận, nhìn Thi, cười mỉa:
- Anh thật dở hơi. Suốt ngày mơ mơ mộng mộng, suốt ngày cứ tình cờ, ngẫu nhiên. Tôi chẳng thèm nói chuyện với anh đâu.
Thi cũng cười:
- Ấy... ấy... Tôi nói là nói vậy. Làm sao tôi biết hết được cuộc đời này. Có lẽ đó là số phận. Nhiều người cũng cho là thế đấy.
Rớt hỏi:
- Nhưng số phận là cái gì?
Thi chỉ vào người Rớt, rồi chỉ vào mình, nói:
- Là như tôi, như cô đấy.
Rớt trố mắt ngạc nhiên:
- Ồ, hay nhỉ?
Thấy Rớt hết giận, Thi lên tiếng như từng trải chuyện đời:
- Vâng! Số phận con người có cái hay của nó. Nhiều tôn giáo đều nói về chuyện này. Tất cả đều quan tâm đến số phận của con người. Bởi con người biết đau khổ, buồn vui. Nói chung là có cả thất tình, lục dục nên con người có số phận. Và mỗi người có cái riêng của mỗi người, và đó chính là số phận của họ.
Nghe Thi diễn thuyết một hồi, Rớt lên tiếng:
- Anh đừng nói dông dài. Tôi chỉ cần anh cho biết anh nghĩ gì về số phận của tôi?
Thi nhíu mắt một lát, rồi gật gật cái đầu ra điều đắc ý:
- Số phận của ai, người ấy hiểu. Làm sao tôi hiểu trọn số phận của cô. Cô có hiểu số phận của tôi không?
Nghe Thi trả lời như vậy, Rớt nhăn mặt cười:
- Tôi... Tôi chịu anh. Anh cứ làm thơ cho anh, cho tôi, cho mọi người đi! Có lẽ số phận anh chỉ có làm thơ. Tôi chẳng cần anh thương hại tôi đâu. Anh cứ nhìn tôi thì rõ.
Thi đưa mắt nhìn. Con quỷ Rớt trước mắt anh. Những vần thơ về quỷ trào ra trước mắt anh. Anh cũng chẳng biết vì sao nó trào dâng như vậy. Con quỷ Rớt nhìn anh chằm chằm, song anh không sợ. Anh cảm thấy bình thản một cách lạ lùng. Trán anh nhíu lên những nếp suy tư. Anh chẳng thấy gương mặt Rớt đẹp hay xấu. Trước mắt anh là con người, con người thèm khát được làm người. Anh cất tiếng đọc những vần thơ về Rớt...
Rớt vẫn ngồi trước anh. Mặt cô đúng là mặt quỷ. Tội của cô đó sao? Ai không có tội trên cõi đời này? Dẫu một người cũng không? Ở Thi cảm nhận về Thánh Linh, về cõi niết bàn. Tất cả cũng là sự cảm nhận. Ai không có tội? Ai lên cõi niết bàn? Đối với Thi, anh chỉ biết, có tình thương yêu lẫn nhau, mới có thể biến con người thành Con Người. Có thể ngày nào đó, các quỷ ở địa ngục sẽ thành Thánh Thần ở cõi niết bàn. Ngày đó là ngày nào?
Rớt lên tiếng hỏi:
- Anh không sợ tôi? Thế mà đàn ông đều sợ tôi, anh biết không? Họ sợ con quỷ này mà!
- Xin cô đừng nói thế! – Thi đáp lại – Chẳng có ai toàn mỹ đâu. Cô tưởng ai cũng đẹp à? Mấy ai đẹp cả dáng vẻ lẫn tâm hồn.
- Nhưng ai cũng ghét gương mặt tôi. Tôi có tội tình gì đâu. Anh hãy giúp tôi được đẹp đi!
- Tôi chẳng giúp gì cho cô được đâu.
Giọng Rớt đầy hờn trách:
- Anh là thằng đàn ông vô tích sự.
Thi cười gượng, nói như mếu:
- Nhiều người cũng nói như thế. Có lẽ, dưới con mắt họ, tôi chẳng làm được việc gì đem lợi về vật chất, tiền của. Không làm ra tiền thì coi như hỏng ở cõi đời này.
Nghe Thi sắp khóc, đến lượt Rớt an ủi lại :
- Anh cũng tội nghiệp đấy chứ! Tôi cứ tưởng mình tôi khổ. Ai dè anh cũng khổ vì thích làm thơ.
Dù giọng Thi chùng xuống, nhưng Rớt vẫn nghe như đó là tiếng nói của thơ:
- Cũng chẳng khổ. Mà cũng chẳng sướng. Được làm người thì sướng khổ có ích gì với cuộc đời đích thực. Toàn là sướng ư? Chỉ là sự mơ ước mù sa. Toàn khổ ư? Chỉ là sự tự đày đọa trong cõi sa mù. Được làm người là hạnh phúc lắm rồi. Cần gì phải tranh chấp cái khổ cái sướng.
- Anh nói toàn chuyện đâu đâu! Ôi! Tôi cũng là người, sao tôi khổ thế? – Rớt ôm mặt – Tôi được làm người, phải không anh? Tại sao chúng nó cấm tôi làm người?
Thi vỗ vào ngực, hình như những người làm thơ đôi lúc làm anh hùng bất đắc dĩ:
- Kẻ nào cấm cô được làm người. Cô cứ làm người. Cô có quyền làm người.
Khi đó đàn kiến lại ùn ùn trào dậy như lửa cuộn. Rớt chỉ đàn kiến la to:
- Chúng nó kìa! Chúng nó cấm tôi làm người đấy! Chính lũ kiến, anh thấy không? Chúng nó cấm tôi làm người.
Nhìn lũ kiến đang biến hóa Thi lên tiếng:
- Lũ kiến! Ôi! Chúng nó tàn ác với cô thế sao?
Rớt co mình, cong người, ôm đầu:
- Vâng! Chính chúng đấy. Anh hãy đuổi chúng ra khỏi đây đi. Tôi sợ lắm.
Thi đuổi bọn kiến. Nhưng lũ kiến lại khiêng Thi cao chạy xa bay khỏi Rớt. Chỉ còn lại một mình, Rớt khóc. Khóc ướt đẫm những bản thảo của Thi còn sót lại.
Đàn kiến cứ đi về. Chúng đông như cát đỏ. Chúng khiêng một thằng người, nhưng đó không phải là Thi. Đàn kiến hỏi Rớt:
- Rớt! Mày có biết ai đây không?
Rớt nhìn kỹ. Đúng là thằng điên, thằng điên mà Rớt thường gặp.
Thằng điên nhổm dậy, nhìn Rớt, cười. Nó nhe hàm răng cười. Áo quần trên người nó cũng cười với Rớt. Kể cả chân tay, đầu tóc nó cũng cười... Nó cười theo điêụ ca hằng ngày:
- Ôi! Người buồn; ta vui. Người ta là giòng sông, là biển; còn ta là thuyền, là lá. Người ta tụng kinh Di đà về nước Chúa; ta tụng kinh Quan âm ở chốn trần ai... Ai cũng như ta thì mấy ai ở đời này là kẻ sướng? Ai cũng như ta thì mấy ai cười trong biển khổ? Ngày Phật giáng sinh, ta đã cười trong cõi nhân gian. Ngày Chúa bị đóng đinh trên thập tự, nước mắt ta hòa nước mắt chúng sinh. Người đời cho Phật, Chúa là hai, nhưng ta cho là một. Chúa sinh Phật. Phật sinh Chúa. Và con người sinh cả Phật, cả Chúa. Ai là người thì nên tin Chúa, Phật cùng ngôi... Hì hì... Chúa Phật cùng ngôi... Con người cùng ngôi Chúa Phật... Hì hì...
Rớt không chịu nổi bài ca của thằng điên, nói:
- Sao anh cười điệu ca ấy?
Cũng chỉ nụ cười man khai, ngô nghê. Và đột nhiên, thằng điên bật khóc. Rớt lại hỏi:
- Anh cũng biết khóc à?
Thằng điên lại cười. Rồi khóc. Rồi im bặt. Mắt nó nhìn cõi xa xăm nào đó, rồi cất tiếng nói lớn:
- Kìa! Cô thấy không? Đàn kiến kìa! Chúng đang kéo quân từ địa ngục đến niết bàn và từ niết bàn đến địa ngục. Chúng đang khiêng các linh hồn. Cô có nghe các linh hồn than khóc không? Cô có nghe các linh hồn cười hạnh phúc không?
Rớt lắc đầu, mắt mở to nhìn theo ngón tay thằng điên.
- Ở đâu? Tôi chẳng nghe gì cả!
Thằng điên lại nhảy tưng tửng, hát điệu nhạc điên:
- Ôi! Các linh hồn đang bị đày đọa từ cõi địa ngục. Chúng đang than khóc, nghiến răng trong hỏa ngục... Ôi! Tội cho chúng quá!... Chúng bị xiềng xích đời đời ở địa ngục... Và kìa! Các linh hồn đang chúc tụng vị đế vương ở trời cao bằng những bài ca vinh hiển của Chúa Phật... Cô... Cô thấy không? Các linh hồn chia làm hai phe đấy. Chúng chia phe đánh nhau đấy.
Rớt dỏng tai nghe. Cô chỉ nghe tiếng lạo xạo của lũ kiến. Chỉ có tiếng của côn trùng đang ám ảnh Rớt. Cô đáp:
- Tôi có nghe thấy gì đâu ngoài âm thanh của lũ kiến.
Thằng điên nói như đồng nhập:
- Cô không thấy sao? Tội nghiệp cho cô khi cô không được thấy các linh hồn chia làm hai phe đánh nhau. Cô có thích đánh nhau không?
Nghe thằng điên nói lại chuyện đánh nhau, Rớt thấy sợ. Không lẽ trên cõi đời này người ta thích chuyện đánh nhau? Mà đánh nhau để được ích lợi gì chứ? Đánh nhau từ đời này sang đời khác để được cái gì, Rớt cũng chẳng biết. Cô chỉ biết, nếu đánh nhau thì ai cũng bị đau, bị thương tích, nếu nặng hơn là có thể chết người. Nghĩ đến chuyện có người chết, Rớt la lên:
- Ôi! Tôi sợ đánh nhau lắm!
Giọng thằng điên như một triết gia:
- Thế mà con người bày trò đánh nhau để vui đấy.
Rớt hoảng sợ, thốt:
- Thật thế sao?
Vẫn giọng điệu của một triết gia, nhưng lời lẽ của thằng điên có hơi hướm của người chết:
- Thật! Thật như đàn kiến kéo quân từ địa ngục đến niết bàn và từ niết bàn đến địa ngục. Kìa, đàn kiến di động như con người đang di động. Kẻ thì kéo đến địa ngục. Kẻ thì kéo đến niết bàn. Còn cô, còn tôi sẽ đi về đâu, đố cô biết được?
Nghe giọng của thằng điên có vẻ ma ám, Rớt nói:
- Anh làm tôi sợ quá!
Chỉ im lặng...
Giờ thằng điên không lên tiếng. Chỉ nghe tiếng của đàn kiến hòa với tiếng gió. Như tiếng vọng ở chốn xa xôi nào đó, cuốn hút những mơ mộng, những trăn trở, Rớt không biết mình phải làm gì. Một lát sau, cô lên tiếng:
 - Anh sẽ đi về đâu?
Thằng điên cười, nụ cười mang dáng dấp nụ cười của đứa trẻ bị bệnh đao:
- Tôi không biết. Vì tôi có sợ gì đàn kiến đâu. Cô không thấy chúng khiêng bỏ tôi ở giữa cõi trần sao? Có thể tôi ở lưng chừng giữa niết bàn - địa ngục. Mặc chúng làm gì thì làm.
- Anh đã vậy. Còn tôi, tôi...? Tôi sẽ đến niết bàn hay địa ngục?
- Tôi không biết.
- Anh không biết thật ư? Anh nhìn gương mặt tôi, anh đoán giúp tôi sẽ đi về đâu đi!
Gương mặt con quỷ Rớt. Đúng là gương mặt con quỷ Rớt hiện ra. Gương mặt khao khát được làm người hiện ra, gương mặt đau đớn ê chề của con quỷ trinh trắng hiện ra.
- Có lẽ tôi xuống địa ngục, phải không anh?
- Không đâu! Gương mặt của cô có gì đáng nói. Cô phải lên niết bàn. Đúng là cô sẽ được lên cõi trời.
- Anh nói dối.
Và Rớt đã khóc. Cô đưa tay đấm vào ngực thằng điên. Nó chỉ cười nụ cười sơ khai.
- Anh cười trên thân phận tôi?
Thằng điên cũng cười.
- Anh ghét tôi sao?
Thằng điên tiếp tục cười.
Quỷ cho thằng điên. Chắc nó bị quỷ thần ám vào người nên nói những chuyện như là có người ở thế giới bên kia. Nó nói chuyện niết bàn, địa ngục. Việc gì cũng cười. Đời đối với nó chỉ đáng giá có một nụ cười. Mà nụ cười điên, mới ngộ chứ. Nghĩ cũng tội cho nó thật. Suốt đời nó chỉ biết cười. Không cười, có lẽ nó đã chết từ lâu rồi.
Thằng điên tiếp tục cười hát bài ca muôn thuở:
- Hỡi các linh hồn ở niết bàn, ở địa ngục! Các người sao phân ra làm hai vậy? Các người sao tự tách ra làm hai vậy? Ngày phán xét, Phật sẽ ra đời. Quỷ dữ ở niết bàn sống sung sướng, phè phỡn bấy lâu nay sẽ bị nghiến răng đời đời. Thiên Thần bị đọa đày nơi địa ngục sẽ hát ca mừng Thiên Chúa. Hỡi các linh hồn! Các người hãy chọn đi! Hoặc các người làm Thiên Thần, hoặc các người làm quỷ dữ, hoặc các người làm con người.
Điệp khúc của thằng điên chơi vơi, chơi vơi. Nó như những bài thơ Thi đọc ru Rớt ngủ. Giấc ngủ của cô bồng bềnh như thể đàn kiến kéo cô ném trên mặt sông. Bóng thằng điên, kể cả bóng Thi nhòa trước mắt Rớt. Chỉ có con sóng của giòng sông bồng bềnh, dập dìu đưa cô đến nơi vô định.
Ôi, cơn mơ mạo danh, cơn mơ ai cũng từng mơ thấy.
Đàn kiến lại cắn xé cơ thể cô. Cô rùng mình. Cô lo sợ thân phận làm người...
 


  Trở lại chuyên mục của : Phan Trang Hy