PHÙNG QUANG THUẬN


THANH MINH Ở BẠC LIÊU

Cuối năm về chạp mộ
Tần ngần nơi nghĩa trang
Mộ song thân, hiền nội
Hàng hàng trên cỏ hoang…”
       P.Q.T.

Tiết Thanh minh có từ thời Xuân Thu ở Trung Quốc, tiết này diễn ra vào tháng Ba hàng năm. Thanh minh rơi vào một ngày nhất định, theo Nông lịch quy định sau tiết Đông chí 100 ngày hoặc sau Lập xuân 45 ngày là bắt đầu tiết Thanh minh.
Tiết Thanh minh kéo dài gần 20 ngày gồm Thanh minh thượng - Thanh minh trung và Thanh minh hạ, mỗi phân kỳ kéo dài gần một tuần lễ. Theo Dương lịch thì tiết Thanh minh khởi đầu từ ngày 4 hay ngày 5 tháng 4 và kết thúc vào ngày 20 hay 21 tháng 4 hàng năm.
Trong tiết Thanh minh bao gồm ba nội dung, hai lễ và một hội, gồm lễ Hàn thực (03 tháng Ba âm lịch) tưởng niệm Giới Tử Thôi, lễ Thanh minh tảo mộ gia tiên và hội Đạp thanh (du xuân trên cỏ non). Vì ngày Hàn thực[1] và ngày Thanh minh đôi khi trùng nhau nên để phù hợp với cuộc sống của đa số dân chúng qua một thời gian dài người ta đã gộp hai lễ và một hội trong cùng một ngày gọi là ngày Thanh minh.
Ở Bạc Liêu mỗi năm vào mùa gió lồng trung tháng Ba âm lịch, gió chướng hết và gió nam chưa tới, biển êm, trời nắng nóng, ruộng khô, đất nứt nẻ. Đây cũng là mùa nông nhàn của miền Tây Nam Bộ, thời điểm này cũng là lúc Tết Thanh minh diễn ra.
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu lục bát mà dường như ai cũng thuộc:
Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ hội là Đạp thanh”.
Tuy nhiên hội Đạp thanh là đi chơi trên cỏ non, chỉ có ở Trung Quốc và những vùng có thời tiết bốn mùa. Vào tháng Ba âm lịch, mùa xuân, khi trời ấm áp cây cỏ đâm chồi nảy lộc, hoa lê nở trắng mới có hội Đạp thanh.
Ở Bạc Liêu chỉ có hai mùa mưa nắng, tháng Ba âm lịch trời nắng nóng, những cánh đồng khô trơ gốc rạ và cỏ khô vàng úa, thuận tiện để mọi người ra đồng, ra nghĩa trang tảo mộ và khi đó gặp gỡ thân nhân, tổ chức ăn nhậu, thăm viếng sau một năm đi làm ăn xa nhà, ít gặp nhau.
Như vậy, với Bạc Liêu, hai câu thơ trên có thể nói lại là:
Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ hội là đoàn viên”.
Bạc Liêu là một vùng đất mới thuộc Trấn Di xưa, với ba sắc dân Việt - Hoa - Khmer cùng sống chung. Mỗi dân tộc đều giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa của mình. Qua nhiều đời, nhiều thế hệ chung sống, gả cưới với nhau nên các nền văn hóa của từng dân tộc đã hòa trộn vào nhau, chắt lọc thành một thứ văn hóa mới phù hợp với tất cả mọi người.
Tiết Thanh minh ở Bạc Liêu là một phần tinh hoa đặc sắc của nền văn hóa mới này.
Một người Bạc Liêu có thể mang trong người cả ba dòng máu Việt, Miên, Tàu và do vậy khi cúng Thanh minh họ phải đi tất cả các nơi có mộ phần người thân của họ. Họ đi tảo mộ ở nghĩa địa người Việt, mộ trong đất nhà, nhị tỳ Tiều Châu, nhị tỳ Quảng Đông, nghĩa trang các tôn giáo, nghĩa trang liệt sĩ hoặc vào chùa Miên dán giấy và cúng tháp, nơi lưu giữ tro cốt tổ tiên (vì người Khmer theo tục hỏa táng). Tất nhiên khi đi cúng nơi nào thì phải theo phong tục tập quán nơi đó.
Vào dịp Thanh minh, chung quy vẫn là sửa chữa mồ mả, quét rửa mộ phần, dán giấy ngũ sắc lên mộ, tô lại chữ trên bia. Lễ vật thì thường chọn các phẩm vật sẵn có tại địa phương như hương, đăng trà, quả, bánh trái và giấy vàng bạc. Đồ cúng mặn thường có heo, gà vịt quay, bánh bao, bánh mì… để khi cúng xong thì mọi người cùng nhau ăn uống tại mộ với ý nghĩa đây là một buổi ăn chung của người sống và người đã mất, giữa con cháu với tổ tiên trong một niềm tin là gia đình trường tồn và linh hồn bất diệt. Có những gia đình giàu ngày trước còn giăng lều ngoài mộ và mang cả máy phát điện ra giăng đèn sáng rực, ăn nhậu ca hát nhảy múa từ chiều đến gần giữa đêm mới về…
Những hoạt động của người sống làm cho các nghĩa trang trong ngày Thanh minh thật nhộn nhịp, tấp nập, vui vẻ và sinh động. Tất cả những ngôi mộ kể cả những ngôi mộ vô chủ hay con cháu chưa kịp đến cúng đều được dán giấy ngũ sắc và nghi ngút khói hương trông thật xúc động và ấm lòng. Đúng với tinh thần nghĩa tình của người lưu dân biệt xứ...
“Thêm một đôi đũa, thêm một cây nhang có tốn gì đâu, ai mà trong dòng họ của mình không có những mồ xiêu, mả lạng…”
Những con đường dẫn tới các nghĩa địa, nhị tỳ trong ngày Thanh minh thường kẹt xe vào giờ cao điểm đến nỗi cảnh sát giao thông phải luôn có mặt để điều phối. Đây cũng là một điều chỉ thấy ở Bạc Liêu.
Hoạt động trong Tết Thanh minh ở Bạc Liêu nhìn chung là như vậy, ba dân tộc đều cúng. Mọi người đều đi tảo mộ, cúng mộ và tìm cách ăn uống ở mộ với người đã mất sau đó là đi thăm nhau. Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều giữ cái riêng và mỗi nghĩa trang đều có cái vi tế của mình mà chỉ những thành viên trong đó mới hiểu được. Ví dụ người Việt thì cúng mỗi ngôi mộ một phần lễ vật khác nhau, món nào đã cúng thì không được cúng lại nữa, vì tin rằng người chết đã ăn các phẩm vật đó. Người Hoa lại cùng một mâm lễ vật có thể mang cúng tất cả các ngôi mộ khác nhau vì họ nghĩ rằng lễ vật chỉ là để bày tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến người đã mất mà thôi.
Tuy nhiên hiện nay việc cúng bái cũng không còn cứng nhắc nữa mà tùy theo hoàn cảnh của từng nhà. Mọi người tôn trọng nhau không phê phán sự chọn lựa của người khác.
Ở một vài nghĩa địa như nhị tỳ Quảng Đông vẫn còn lưu giữ nét xưa trong hình thức cúng mộ ngày Thanh minh theo trình tự sau:
Trước tiên tất cả mọi người đem lễ vật đến cúng miếu Thổ địa, sau đó vào nhà hội (tổ đường) cúng huyền tổ, tiên tổ và các tiền nhân lập ra nghĩa địa này.
Tiếp theo là cúng mộ Đại Bá Công (người đầu tiên được chôn ở đây và được xem như là thần hoàng của nghĩa địa).
Kế đến cùng nhau cúng Hợp-Tán-Mộ, là ngôi mộ tập thể quy tập tất cả những ngôi mộ không có người thân đến cúng liên tục trên 10 năm.
Sau đó ra cúng Bạch Cốt Táng Địa (khu đất chôn tất cả các hủ cốt từ các nơi khác cải táng về đây).
Cuối cùng là cúng Tiểu Anh Linh Táng Địa (khu chôn cất thai nhi và các trẻ sơ sinh yểu tử).

Sau thủ tục cúng tập thể ở các nơi trên thì các gia đình trở về cúng phần mộ gia tiên của mình, tất cả các con cháu thắp nhang bái lạy phần mộ tổ tiên sau đó chia nhau đi thắp nhang cho các ngôi mộ lân cận cũng như cho các ngôi mộ của những người quen biết và bạn hữu, láng giềng của ông bà cha mẹ mình khi sinh thời, đang nằm trong cùng nghĩa trang này.
Phong tục này hơi mất công nhưng vui và có ý nghĩa riêng của nó, mục đích giáo dục hậu nhân biết nguồn cội của mình, biết tinh thần xã hội và trách nhiệm với cộng đồng.
Tổ tiên tôi là người Minh Hương đến xứ Bạc Liêu sinh sống và kết hôn với người Việt đã nhiều đời. Hiện nay tôi và gia đình sống ở Sài Gòn nhưng hàng năm đến ngày Thanh minh, chúng tôi đều trở về Bạc Liêu để cúng mộ ở cả ba nghĩa địa Việt, Quảng và Tiều rồi sau đó đi thăm người thân và bạn hữu. Những ngày Thanh minh đối với chúng tôi là những ngày Tết, những ngày thật vui và hạnh phúc vì được trở về cố xứ.
Khi đi cúng Thanh minh ở nghĩa địa, tôi cảm thấy được sự liên thông thiêng liêng giữa đất và người, giữa những người đã mất và những người còn sống, giữa những người đang sống với nhau…, và nghĩa địa ngày ấy như một ngôi làng lớn đang mở hội với những giấy ngũ sắc dán trên mộ giống như có nhiều bàn tay của người thân quen đang vẫy chào nhau.
Khói nhang, tro tiền, giấy vàng bạc bay trong gió, mọi người hoan hỷ chào nhau, trầm ấm nhìn nhau…
Chúng ta rồi tất cả cũng sẽ ra đây, không còn phân biệt sang hèn, thành công hay thất bại, tất cả rồi ai cũng sẽ như ai, nằm san sát bên nhau nghe nắng mưa đi về…
Có ai đó đã nói: “Nếu vùng đất nào có một ngôi mộ của người thân mình và có một người mình yêu thương đang sống thì nơi đó chính là quê hương của mình”.
Bạc Liêu nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung là một vùng đất mới có nền văn hóa hỗn dung của nhiều dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Pháp, Ấn Độ, Chăm. Nhưng trong đó người Việt, người Hoa và người Khmer là chiếm đa số và tồn tại bền vững đến ngày nay.
Và ba dân tộc này đều gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của riêng mình về việc thăm viếng, sửa chữa mộ phần, và tri ơn tổ tiên.
Người Việt vẫn trân trọng gìn giữ truyền thống lễ Chạp mả[2] vào cuối tháng Chạp, cúng mộ tổ tiên trước khi về nhà vui Tết.
Người Khmer do phong tục truyền thống là hỏa thiêu người chết, tro cốt đưa vào tháp gởi trong chùa. Vào lễ hội Sen Dolta[3] tháng 10 hàng năm mọi gia đình đều đến chùa thăm viếng, sơn phết lại và dán giấy cúng tháp lần thứ hai trong năm, sau ngày cúng tháp vào ngày Thanh minh tháng Ba.
Người Hoa ở Bạc Liêu với đa số là người Triều Châu và một phần rất ít là người Quảng Đông, Phúc Kiến và Hải Nam. Nhưng ở Bạc Liêu chỉ có hai nhị tỳ của người Hoa, cái lớn nhất là của người Triều Châu và cái nhỏ là của người Quảng Đông.
Tuy nhiên tới thời điểm hiện nay con cháu của người Hoa ở Bạc Liêu gần như đã trở thành người Việt, họ chỉ còn lưu giữ chút ít văn hóa của ông bà xưa gọi là bảo tồn nguồn cội của mình. Việc tảo mộ tổ tiên của họ một năm hai lần vào mùa xuân, vào mùa thu gọi là Xuân Thu nhị tế.
Mùa xuân là tiết Thanh minh, mùa thu là tiết Trùng dương[4] còn gọi là ngày Trùng cửu, tức là ngày mùng 9 tháng Chín âm lịch.
Vậy người Bạc Liêu đi tảo mộ tổ tiên một năm hai lần và vẫn giữ truyền thống này tới tận ngày nay, mà ít người ở các vùng miền khác biết rõ điều này.
 
Tạm kết
Ba dân tộc Việt, Hoa và Khmer ở Bạc Liêu đã sống hòa thuận với nhau từ nhiều đời. Họ cùng khai hoang, cùng làm ăn sinh sống bên nhau, cùng chia sẻ hoạn nạn trong bao lần binh biến, cùng làm sui gia với nhau… nên họ hiểu biết rất rõ về nhau. Họ thường dặn dò con cháu của mình: “Nếu con muốn người khác tôn trọng và chấp nhận văn hóa của mình thì con phải tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt trong văn hóa của người khác”.



  1. Hàn thực là ngày ăn đồ lạnh để tưởng niệm Giới Tử Thôi, một nghĩa sĩ đã phò Tấn Văn Công trong lúc lưu vong. Lúc ấy vua Tấn Văn Công lâm trọng bệnh lại không có thức ăn bổ dưỡng, Giới Tử Thôi đã cắt thịt bắp tay của mình nấu cho vua ăn để mau hết bệnh.
Sau nhiều năm lưu vong cơ cực, vua Tấn trở về nước phục hồi vương vị. Khi qua sông ông truyền lệnh vứt bỏ tất cả các đồ đạc và vật dụng cũ xuống sông. Giới Tử Thôi nghĩ rằng nhà vua xem nhẹ vật cũ thì có thể xem nhẹ người cũ. Sau khi hộ tống vua về kinh thành xong ông đã lặng lẽ bỏ về quê ở núi Điền Sơn để phụng dưỡng mẹ già.
Khi Tấn Văn Công ban thưởng chức tước cho mọi người thì không thấy Giới Tử Thôi, hỏi ra mới biết ông đã bỏ đi nên vua nổi giận cho rằng Giới Tử Thôi khi quân. Vua ra lệnh cho quan binh đi bắt ông về luận tội. Khi quan binh đến núi Điền Sơn, Giới Tử Thôi dẫn mẹ chạy trốn vào rừng vì không muốn gặp lại vua và trở lại quan trường. Vua Tấn càng giận hơn, ra lệnh trong ba ngày nếu không ra trình diện thì sẽ đốt rừng. Giới Tử Thôi sợ liên lụy đến mẹ già nên hỏi mẹ có muốn con ra nhận bổng lộc của vua không. Bà bảo rằng, mẹ già rồi, cha con không còn, mẹ sống vì con thôi, mẹ không tham sống, tham danh lợi để làm mất danh tiết của con, nên mẹ vui theo quyết định của con.
Hết thời hạn ba ngày, quan binh châm lửa đốt rừng. Sau đó họ tìm thấy hai mẹ con Giới Tử Thôi ôm nhau chết cháy dưới một gốc cây.
Sự việc kết thúc thật đau lòng, vua tôi cùng gian khổ và thủy chung với nhau trong một thời gian dài hoạn nạn, tới khi vinh hoa phú quý thì mỗi người chỉ vì cái tôi của mình quá lớn mà trở thành oan nghiệt.
Vua Tấn rất ân hận và đau buồn nên truyền lệnh cả nước tôn thờ Giới Tử Thôi và kiêng đốt lửa trong ba ngày, từ mùng 3 tháng Ba đến mùng 5 tháng Ba âm lịch (ngày mất của Giới Tử Thôi).
Về sau dân gian gọi ba ngày này là ngày Hàn thực và trong ba ngày này một số người cũng không ăn đồ quay, đồ nướng.
  1. Lễ Chạp mả là lễ tảo mộ của người Việt. Vào cuối tháng Chạp, người Việt đi thăm và sửa sang lại mồ mả gia tiên. Vì sửa mả vào tháng Chạp nên gọi là Chạp mả. Mỗi gia đình tùy chọn cho mình một ngày thống nhất để cùng đi. Đây là đạo lý cao đẹp mà người Việt gìn giữ từ ngàn xưa đến giờ, mang ý nghĩa sâu sắc là lo cho ông bà ăn Tết trước, còn con cháu ăn Tết sau.
  1. Lễ hội Sen Dolta còn được gọi là lễ cúng ông bà của người Khmer Nam Bộ, ý nghĩa gần giống như lễ Vu lan (xá tội vong nhân) của người Việt. Lễ được tổ chức vào ngày 15 tháng 10 nhằm tưởng nhớ công ơn ông bà cha mẹ, người thân đã khuất và cầu phước cho những người còn sống, tạo nên sự gắn bó giữa bạn bè, người thân và cộng đồng.
  1. Tiết Trùng dương còn gọi là Trùng cửu nhằm ngày mùng 9 tháng Chín âm lịch. Người Hoa cho rằng số 9 là số lớn nhất, là số cực dương nên Trùng cửu còn gọi là Trùng dương. Theo văn hóa Trung Quốc, tiết Trùng cửu hay tiết Trùng dương còn gọi là tết người già. Sau ngày Trùng cửu là bắt đầu vào mùa đông. Trong ngày này mọi người cùng nhau lên núi tảo mộ (bên Trung Quốc mộ được an táng trên núi hoặc trên đất cao, nơi đất thấp để làm ruộng vì vậy tiếng Quảng Đông gọi đi cúng mộ Thanh minh là đi lạy núi).
Có nhiều điển tích giải thích phong tục này:
Trong Tục Tề hài ký có chép, đời hậu Hán (25 - 258), Hoàn Cảnh người huyện Nhữ Nam theo học đạo với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo với Cảnh, ngày mùng 9 tháng Chín tới đây gia đình của ngươi sẽ gặp tai nạn, tới ngày đó ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ đựng hột thù du, uống rượu hoa cúc đến tối mới về nhà may ra tránh khỏi tai họa.
Hoàn Cảnh vâng theo lời thầy, quả nhiên khi trở về thấy heo gà chó đều bị dịch mà chết hết.
Vì tích đó nên sau này khi đến ngày mùng 9 tháng Chín âm lịch người người đều tạm bỏ nhà lên núi một ngày để lánh nạn, tiện thể cúng mộ và uống rượu hoa cúc.
Một giả thuyết khác, sách Phong thổ ký chép: “Cuối đời nhà Hạ (2205 - 1818 TCN), vua Kiệt dâm bạo tàn ác, thượng đế muốn răn đe nên giáng một trận thủy tai ngập hết nhà cửa, người chết đầy sông vào ngày mùng 9 tháng Chín. Vì vậy mỗi năm đến ngày này dân chúng lo sợ, dẫn cả gia đình mang thực phẩm lên núi cao lánh nạn. Và còn nhiều truyền thuyết khác nữa…
Hiện nay ở Quảng Đông (Trung Quốc) vào ngày Trùng cửu, nhiều người đem gia đình lên núi cao ở trọn ngày, dâng những món ngon để tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ, đồng thời cúng mộ (nếu trên núi không có mộ thì cúng tổ tiên), uống rượu hoa cúc tới tối mới trở về nhà.
Do tục lệ này mà người Hoa đến Bạc Liêu tiếp tục lưu giữ và biến ngày lên cao lánh nạn và ngày hiếu kính người già thành ngày đi viếng mộ lần thứ hai trong năm gọi là Xuân Thu nhị tế.

  Trở lại chuyên mục của : Phùng Quang Thuận