PHÙNG QUANG THUẬN


Tình Chim

Chim thiên di về trong gió chướng
Bãi lầy xa gốc nhãn trơ già
Có phải bao hồn người khai phá
Trở về ăn Tết với quê hương.
  P.Q.T.
         
I
Ngã tư Quốc Tế là tên gọi quen miệng của những người trẻ tuổi, người lớn tuổi thì gọi là ngã tư Miễu Tiên Sư, còn người già thì gọi là ngã tư Thành Garde[1].
Gọi như vậy vì đây là ngã tư quan trọng nhất, vị trí mặt tiền của thị xã Bạc Liêu, là thông lộ duy nhất đi vào trung tâm Bạc Liêu và các nơi khác như Giá Rai, Cà Mau, Vĩnh Châu hay ra biển.
Ngày trước, bến xe đò Bạc Liêu còn nằm ở khoảng đất rộng trước khách sạn Bạc Liêu bây giờ. Xe đò từ Sài Gòn, Cần Thơ, Sóc Trăng xuống Bạc Liêu chỉ có con đường độc đạo là quốc lộ 4 từ xóm Trà Văn qua phi trường Bạc Liêu, qua cầu Hứng Gió ngang vườn Đốc Đăng rồi vô Bạc Liêu. Bên trái con đường dẫn này là một con kinh nhỏ cặp sát mé lộ, bên kia bờ kinh thấp thoáng sau những bụi dừa nước và hàng cây mắm đen mọc hoang là cánh đồng lúa rộng lớn. Con kinh trời sanh này cặp theo lộ, vô tới miễu Ông Lò thì quẹo trái vô xóm Lò Heo rồi lại quẹo mặt vào kinh Cả Phượng đổ ra sông Bạc Liêu.
Ngã tư Quốc tế là ngã tư đầu tiên trên đoạn đường này, bên tay mặt là miễu Tiên Sư, bên tay trái cặp bờ kinh nhỏ là miễu Ông Lò, đối diện miễu Tiên Sư là thành Garde, đối diện thành Garde là một dãy quán cà phê gọi chung là cà phê ngã tư Quốc Tế.

Trước miễu Tiên Sư phía tay mặt là đường Hòa Bình dẫn vào đường Pasteur (sau đổi thành Nguyễn Thái Học, rồi Võ Thị Sáu), hai bên là hai hàng cây còng cổ thụ rợp bóng mát. Đây là đường duy nhất để đi Giá Rai, Hộ Phòng, Cà Mau.
Từ ngã tư Quốc Tế đi thẳng tới chân cầu Quay là đại lộ Độc Lập, con đường chính của Bạc Liêu, hai bên đường còn sót lại vài cây me già. Có lẽ đây là dấu tích còn lại từ ngày thành lập tỉnh. Trên đường Độc Lập có dinh Ông Chánh (dinh tỉnh trưởng), nhà máy nước với cái Château d’eau[2] và hai cây chà là bụng cao ngất, biểu trưng của tỉnh. Ngang dinh Ông Chánh là hội canh nông, nhà bưu điện, tòa hành chánh và kho bạc.
Vì là vị trí giao thông quan trọng và thuận lợi như vậy nên người ta thường ra dãy quán cà phê này để ngắm người qua lại và hóng, tám đủ thứ chuyện trên đời.
 
II
Mùa mưa 1977, ông Bảy Dê và thầy giáo Còn sáng nào cũng ra ngồi đây. Thầy giáo Còn quê ở Núi Tượng, An Giang, ra Cần Thơ học giáo sinh sư phạm, mới ra trường thì giải phóng, thầy theo bạn về Bạc Liêu. Giờ thầy dạy tạm ở Trường bổ túc văn hóa. Ông Bảy Dê là con trai thứ của một tiểu điền chủ, có khoảng trên một ngàn mẫu ruộng. Ông lớn hơn thầy giáo Còn khoảng ba mươi tuổi.
Qua các thời kỳ Pháp, Nhật, Việt Minh, vua Bảo Đại, Đệ nhị Cộng hòa, gia sản ông chẳng còn lại gì ngoài một căn nhà ngói ba gian cũ với một bộ lư rễ tre đặt trên cái tủ thờ cẩn ốc xà cừ hình ngũ tử vinh quy và vài cây kiểng cổ xơ xác ngoài sân, không ai quan tâm trong thời buổi này.
Anh chị của ông, hai người đi du học ở Pháp không trở về, ba người còn lại sống ở Sài Gòn, năm 75 đi ra nước ngoài theo làn sóng người di tản. Vợ ông và đứa con gái duy nhất cũng theo anh chị của ông đi luôn. Ông chọn ở lại để giữ nhà hương hỏa. Với lại ông cũng không ưa gì Pháp hay Mỹ.
Thật ra tên khai sinh của ông không phải là Dê, Dê chỉ là tên gọi ở nhà do ba ông đặt theo tiếng Pháp cho dễ nhớ, vì ông sinh vào tháng 7 (tiếng Pháp là Juillet, gọi gọn là Dê). Ông Bảy Dê còn một người em trai út tên là Tám Me, anh này cưới vợ người gốc Tiều Châu và theo bên vợ mua bán ngoài chợ. Chú Tám Me sinh vào tháng 5 (tiếng Pháp là Mai), là người hiền lành, nghiêm nghị.
Ông Bảy Dê là người hào phóng, yêu thiên nhiên, thích văn chương học thuật, ông tánh phù suy, lánh xa người quyền thế, gần người nghèo. Thuở nhỏ ông cũng đi học nhưng không đỗ đạt, kiểu ông như vậy nên khó làm công cho ai được, đành phải bất đắc chí ở nhà đọc sách, uống trà, uống rượu… riết rồi cũng hư. Ông cũng là con nhà giàu nhưng hết thời, chỉ có chút tiền truất hữu từ việc đền bồi đất ruộng của cha ông để lại, một quý ba tháng một lần, tới ngân khố lãnh. Các anh chị em của ông nhường phần của họ lại cho ông lo hương hỏa và lo cho con gái đi học. Vợ ông lên Sài Gòn đi làm, để vừa coi con vừa có tiền tiêu xài. Số ông là như vậy, nhìn bề ngoài thấy có mọi thứ nhưng sự thật là không có gì cả, vợ con cũng không…
Giải phóng vô, tiền truất hữu không còn, vợ con, anh chị em đi nước ngoài chưa biết sẽ định cư nơi nào và tương lai sẽ ra sao. Chú Út Me muốn bán căn nhà hương hỏa để chia tiền theo bên vợ đăng ký đi bán chính thức, chương trình của nhà nước dành cho Hoa kiều. Số tiền cần nộp lớn quá mà nhà cửa thời này thì rẻ mạt nên ông Bảy Dê tính trong bụng, nếu bán được nhà thì ông sẽ đưa hết cho người em út đủ tiền đi. Ông chỉ chừa lại một ít để ra ngoài mé biển mua đất cất nhà làm ruộng sống. Chuyện này coi như để chứng tỏ tấm lòng của ông đối với anh em. Em ông không lên tiếng thì ông cũng sẵn sàng hi sinh mà không cần nghĩ tới bản thân mình.
Ông Bảy Dê là người như vậy, con nhà giàu mà không có tiền, có học mà không có bằng cấp, đẹp trai, thủy chung mà vợ không thương. Tốt, phóng khoáng với bạn nhưng bạn không quý trọng. Dành hết tiền ăn của mình cho con đi học nhưng con cũng không hài lòng vì nó so sánh còn thua bạn bè. Cuộc đời của ông mắc kẹt giữa cuộc nhân sinh như vậy không ai hay biết.
Giải phóng, mọi thứ đảo lộn, anh em, vợ con ông đi hết. Thật sự ông cũng thấy nhẹ nhàng trong lòng.
Giờ chỉ còn bán căn nhà hương hỏa này đưa hết cho chú Út Me nữa là xong, ông sẽ thong dong sống theo ý thích của mình.
Ông Bảy Dê và thầy giáo Còn quen nhau từ đầu mùa mưa 1977 ở dãy quán cà phê cóc ngã tư Quốc Tế này, qua cái cúi chào lễ phép của thầy Còn và cái gật đầu khiêm tốn của ông già tóc muối tiêu tên Bảy Dê. Họ thân nhau vì tính tình, cả hai đều chân thành, khiêm tốn và hai người đều phù suy, trượng nghĩa khinh tài. Họ thành đôi bạn vong niên và sau đó là mê nhau vì cả hai người đều thích văn chương, mê học thuật và cùng yêu quý thiên nhiên.
 
III
Hai người, một già một trẻ, thường ra đây ngồi để nghe cái loa phát thanh nói về tình hình quân Khmer Đỏ tấn công qua biên giới, bắn phá làng xóm người Việt.
Hai mươi năm, chiến tranh vừa chấm dứt, những người con, những người bạn tản lạc khắp nơi còn chưa kịp về lại quê nhà. Các dòng họ còn chưa đếm được ai còn, ai mất, vậy mà một cuộc chiến tranh khác lại tiếp tục xảy ra.
Ông Bảy Dê chép miệng thở dài nói với thầy giáo Còn khi thấy một người đàn ông gánh hai chùm cò, vạc ra ràng đi qua trước mặt.
- Mấy con chim non đẹp và tội nghiệp làm sao!
Rồi ông nói tiếp:
- Người còn chưa yên thì mấy con cò vạc ở ngoài vườn chim này làm sao yên được.
Tình hình rối ren nên vườn chim không có người quản lý. Người ta tự do vô vườn chim bắt chim về ăn, ăn không hết đem ra chợ bán. Những con chim lớn khỏe mạnh thoát được bay đi nơi khác. Tội nghiệp những con chim mái đang ấp trứng và nuôi con nhỏ. Bản năng làm mẹ khiến chúng ở lại chịu chết.
Đám chim con chưa đủ lông và đám chim chưa biết bay còn sống bị bắt cột thành chùm với những con đã chết, đem ra chợ bán.
Mấy con chim ra ràng đói khát thòng cái cổ dài ra khỏi chùm xác chim, hả miệng, le lưỡi, cổ họng nhảy liên tục. Chúng mở lớn đôi mắt hiền lành, ngơ ngác và cam chịu nhìn ông Bảy Dê và thầy giáo Còn.
Ông Bảy Dê ngập ngừng nói với thầy giáo Còn:
- Mình hùn tiền mua mấy con chim còn sống về thả đi nha thầy?
Thầy Còn sáng mắt lên, trả lời mau:
- Dạ con cũng tính nói chú như vậy. Mình cứu mạng tụi nó làm phước, cũng góp phần bảo tồn giống chim luôn.
Hai người vét hết túi mua mấy con chim còn sống, còn có thể cứu được.
Người bán chim mở dây, giao cho họ hết số chim ra ràng còn mạnh. Có lẽ ông này cũng cảm thấy bất nhẫn với công việc bắt chim non của mình, nên ông vừa bán, vừa cho, không so đo câu nệ.
Ông ta còn than thở:
- Biết sao bây giờ, nghèo quá cũng phải kiếm gạo, nuôi vợ con.
Người bán chim thấy có người cứu mấy con chim non ông cũng cảm thấy nhẹ lòng.
Ông Bảy Dê và thầy Còn mau mắn xách đùm chim về nhà, quên cả trả tiền cà phê nên bị chủ quán kêu lại, ông đành xin chủ quán cho thiếu chịu, mai trả. Ông chủ quán miễn cưỡng gật đầu, ông thầm nghĩ: “Gặp chuyện tốt ai cũng phải làm thôi, miễn là đừng cho vợ biết, khỏi bị bả cằn nhằn”.
Ông Bảy Dê và thầy Còn chặt cây nhỏ xung quanh nhà, hì hục làm một cái chuồng ở sân sau. Cái chuồng mỗi cạnh hai mét và cao hai mét rưỡi. Không đủ cây, ông Bảy Dê tháo bộ vạt giường ông đang ngủ lấy nẹp làm thanh chuồng.
Ông nói thầy Còn đóng thưa thôi, cho chim non khỏi chui lọt, chim non chưa bay giỏi, ra ngoài sẽ bị mèo ăn; đóng dày quá thì mình không đủ nẹp ván.
- Kệ lo cứu tụi nó trước! Mai mốt tui cạy ván vách buồng làm lại vạt giường có sao đâu.
Ông hể hả nói, thầy Còn cười giòn tan.
Cái chuồng chim hoàn tất ngay trong bữa đó. Ở góc chuồng hai người làm một cái hồ nước nhỏ bằng đất sét để thả cá nhỏ và ốc cho chim ăn, phần sàn còn lại để rau cỏ cho tụi nó ăn và đứng chơi, phía trên gác nhiều cây ngang cho chim đậu.
- Cái chuồng như vậy thích hợp với đám cò, diệc, vạc này rồi.
Ông Bảy Dê cao hứng nói một hơi dài:
- Giờ chỉ còn lo cái ăn cho tụi nó, để tối nay tui ra chợ mượn mấy người bạn thân chút ít tiền mua đồ cho chim ăn. Tụi nó đủ lông đủ cánh, mình thả tụi nó đi mới an toàn.
- Tui kêu bán cái nhà này rồi! Anh em đều biết nên chắc cũng dễ mượn tiền. Tui cũng tính nếu bán nhà chưa được thì tui sẽ bán cái tủ thờ cẩn ốc, chỉ chừa lại bộ lư thờ ông bà thôi. Ở nhà lá ngoài ruộng cũng không đem cái tủ thờ này ra được. Bộ lư thì gởi đỡ vô chùa một thời gian.
- Chú là Bồ Tát của mấy con chim này rồi…
- Có gì đâu thầy giáo, cả đời tui làm không được chuyện lớn thì giờ làm chuyện nhỏ thôi.
- Ông cha tui để lại bao nhiêu điền sản cũng bán hết mà có cứu được ai đâu. Con cháu có khi còn không cứu được nữa. Giờ tui bán tủ thờ, thuận tay cứu được mấy con chim này cũng đáng mừng rồi. Tụi nó mỗi con cũng có một mạng sống mà! Biết bao nhiêu con thoi thóp, chỉ cần cho ăn no đủ và bảo vệ vài bữa nửa tháng là tụi nó bay đi tự túc sống được rồi.
Từ bữa đó ông Bảy Dê và thầy giáo Còn bắt đầu kế hoạch cứu chim.
* * *
Thầy giáo Còn đi dạy bổ túc văn hóa chưa có lương, chỉ có chế độ gạo và nhu yếu phẩm, nhưng má thầy có cho thầy hai chỉ vàng phòng thân trong khi chờ được nhận chính thức. Thầy Còn nói nếu cần thì bán vàng đi để cứu chim. Thầy chỉ cần đủ tiền xe để về xứ là được rồi.
Tuy không có tiền bạc sự nghiệp gì nhưng ông Bảy Dê cũng là người có uy tín và được bạn bè thương. Với lại dù sao ông cũng đang rao bán căn nhà hương hỏa nên số tiền mượn được cũng kha khá, đủ cho kế hoạch. Ngày nào ông cũng mua được vài con chim non thoi thóp trên đòn gánh của người săn chim lúc trời hừng sáng.
Ông Bảy Dê và thầy Còn thỏa thuận với nhau, trước đây hai người uống một ly cà phê sữa đá, một ly cà phê đen với một gói thuốc Hoa Mai. Giờ chỉ kêu một ly cà phê đen, một ly trà đá và bốn điếu thuốc, tiết kiệm tiền để mua chim.
Việc cho chim ăn thì thầy Còn đi mua cua cá, tép vụn hay bữa nào không đi dạy thì ra ruộng bắt ốc lác, ốc đắng… Mùa mưa ốc nhiều, đi một buổi cũng bắt được một bao đầy.
Việc mua chim thì như thường lệ, hai người ngồi quán cà phê ngã tư Quốc Tế, chờ người bán chim đi qua, lựa con nào có thể cứu được thì trả tiền mua về.
Mùa này giông nam nhiều, mỗi lần mưa giông là chim ra ràng rớt xuống đất nhiều. Chúng chưa biết bay nên không thể trở lên ổ và cha mẹ chúng cũng không thể cứu chúng được.
Không phải ngày nào ông bán chim cũng gánh chim đi chợ. Một tuần trung bình ông ra chợ hai đến ba lần và mỗi lần ông Bảy Dê mua được vài con non còn mạnh.
Cũng không phải ông bán chim không thương mấy con chim nhỏ này nhưng ông không đủ khả năng nuôi chúng, đành phải mang ra chợ bán, biết đâu chúng còn có cơ hội sống sót nếu được người từ tâm mua về nuôi. Đôi lúc gánh chúng trên vai, trên đường ra chợ, nhìn mấy con chim thoi thóp thở, ông cũng động lòng nhưng ông không thể thả chén cơm của các con ông bay đi được!
Khi ông gặp được thầy giáo Còn và ông Bảy Dê mua chim, ông biết hai người này mua để cứu chúng, ông mừng lắm và cũng hơi xấu hổ vì việc săn bắt của mình nên ông bán rẻ cho ông Bảy Dê, có khi ông còn cho không nữa. Có lần ông cố ý để dành một con giang sen chừng bảy ký, bị gãy chưn, tặng cho ông Bảy Dê và thầy Còn làm thịt nhậu chơi nhưng ông Bảy Dê không nhận.
- Tui hồi trước có nhậu thịt chim, bây giờ thì thôi luôn rồi. Nuôi nó riết sanh cảm tình, không thể vừa cứu vừa giết được.
Ông Bảy Dê thiệt tình nói như vậy. Lời nói này làm động lòng người bán chim, ông này xin kết nghĩa anh em với ông Bảy Dê và ông cho biết mình tên Năm Đước, dân biển Nhà Mát.
Đi mua cá chừng một tuần thì thầy Còn dẫn một anh thợ chài đen thui với một giỏ cá tép vụn về. Anh này tự giới thiệu mình thứ ba, làm nghề chài cá tép nên mọi người gọi là Ba Chài, nhà anh ở trong thị xã. Sáng anh ra biển chài ở bờ biển và vườn chim, chiều về chợ bán, mua gạo nuôi một vợ hai con. Thầy Còn đi mua cá kết giao với anh Ba Chài vì biết anh cũng là người có ăn học, gặp thời cuộc phải lam lũ vậy thôi.
Trong mùa mưa năm đó, nhóm cứu chim có được bốn thành viên, ông Bảy Dê, Năm Đước, Ba Chài và thầy Còn. Ông Bảy Dê bán nhà, mượn tiền mua chim, thầy Còn chăm sóc chim, anh Năm Đước bán chim giá rẻ, anh Ba Chài cũng bán rẻ cua cá vụn để góp sức nuôi chim.
Bốn người lặng lẽ phối hợp làm việc với nhau hết mùa mưa năm đó, bọn họ cũng cứu được gần ba trăm con chim non nhiều loại từ vườn chim Bạc Liêu.
 
IV
Sáng nào ra uống cà phê, thầy Còn cũng ngóng nghe tin tức chiến sự vùng biên giới Tây Nam vì quê thầy ở xã Ba Chúc, núi Tượng, An Giang, sát biên giới Campuchia thuộc khu vực Pol Pot đang quấy phá.
Cuối năm đó, Pol Pot tiếp tục tấn công biên giới Long An, Đồng Tháp và Tây Ninh.
Hoa kiều chợ Bạc Liêu bàn tán chuyện nhà nước cho đi bán chính thức.
Thầy giáo Còn lo lắng ra mặt, héo cả ruột gan, quê của thầy bị quân Pol Pot đánh. May nhờ mấy con chim xinh đẹp này mà thầy và ông Bảy Dê cũng được vui gượng...
Hai người đều biết rõ mấy con chim non mới đưa vô chuồng, tuy còn yếu ớt nhưng chỉ cần một tuần đến mười ngày là chúng đủ lông đủ cánh sẽ bay đi và tự sống được.
Có một bữa, thầy Còn chợt hỏi:
- Tất cả mấy con chim này đều từ vườn chim tới phải không chú Bảy? Chú Bảy có vô vườn chim chưa?
Ông Bảy Dê ngó thầy giáo Còn bằng con mắt ngạc nhiên. Ông nghĩ, đáng lẽ thầy Còn phải hỏi câu này từ lâu rồi mới phải. Ông Bảy Dê chậm rãi trả lời:
- Đây là một câu hỏi hay! Vườn chim Bạc Liêu có từ cả trăm năm trước, khi đó vườn chim còn là một vạt rừng ngập mặn, là một bãi lầy hoang vu chưa có người ở.
Bãi biển Bạc Liêu là một vùng đất mới từ cửa Mỹ Thanh tới cửa Gành Hào, do hải lưu khu vực Biển Đông cùng với sóng gió bão tố đẩy phù sa sông Cửu Long dạt vào bờ, bồi đắp thành.
Mỗi năm tùy vị trí có chỗ bồi ra thêm năm mươi thước, có chỗ bồi ra cả trăm thước, chỗ bồi nhiều, chỗ bồi ít, chỗ thì có cát vàng, chỗ lại cát đen, chỗ nhiều đất đỏ, chỗ nhiều đất sét. Có chỗ vài năm lở sau đó lại bồi, tùy vào lượng nước từ nguồn sông Cửu Long và từ sức nước của dòng hải lưu.
Khi nghĩ tới vùng đất bồi ở bờ biển Bạc Liêu, ta phải đặt mình vào quá khứ mới hình dung ra diện mạo của bờ biển này.
- Thí dụ như bây giờ tui với thầy thấy bờ biển ở ngay chưn đê xóm Nhà Mát, nước lớn sóng ầm ầm vỗ vô chưn cột nhà sàn của người dân, tượng Phật Bà nằm sát mé nước ròng, trước mặt Phật Bà là biển mênh mông phải không?
Ông Bảy Dê ngừng một chút rồi nói tiếp:
- Nhưng ông cố, ông sơ của tui lại thấy bờ biển ngay Giồng Nhãn. Ông sờ, ông sẩm của tui lại thấy bờ biển ở ngay vườn chim. Còn thời “Gia Long tẩu quốc” chắc mấy ổng lại thấy bờ biển Bạc Liêu ở ngay xóm nhà bác Sáu Lầu bên kia cầu Quay.
- Có khi tới con cháu mình sau này lại thấy tượng Phật Bà cách bờ biển vài cây số hay nhiều hơn nữa. Hoặc cũng có thể tất cả sẽ ngập hết và chìm mất trong lòng Biển Đông, chuyện trời đất mà.
Bởi vậy những người từ xa tới hoặc những người trẻ tuổi ở đây hỏi: “Vườn chim có từ lúc nào và ai quản lý?”, “Ở đó có các loài chim gì, loài cây gì?”, làm sao trả lời được. Vì lúc đó vườn chim còn là biển hay chỉ là một bãi lầy ngập nước mặn.
Chưa có vườn chim, chưa có đất thì lấy gì có cây, có chim mà quản lý.
Thầy giáo Còn trợn mắt đầy ngạc nhiên:
- Trời! Chuyện ly kỳ vậy hả chú Bảy? Nghe chú nói con mới thấy được sự lạ kỳ và hấp dẫn của vùng đất này.
Thầy Còn hào hứng hỏi tiếp:
- Mà sao người ta không làm các cột mốc, các bia đá đặt ở vị trí dễ thấy trên đường ra biển, ghi rõ là theo sự nghiên cứu… Năm 1700 bờ biển Bạc Liêu ở vị trí này, lúc đó có cái này, con này sống… Năm 1800 bờ biển Bạc Liêu ở vị trí này… Năm 1900 lúc thành lập tỉnh Bạc Liêu thì bờ biển ở vị trí này… và sau đó… năm 1920, 1940, 1960, 1975… để những người sau hình dung ra và hiểu được.
- Ý kiến của thầy hay đó! Nhưng bây giờ rối ren quá, chính quyền chưa làm gì được, để từ từ… Nước chảy một ngày một tới mà. Như ngày xưa ông bà mình đi chưn không trên đường mòn, cha mẹ mình đi guốc, đi dép trên đường đất đỏ không có tên, rồi đời mình và con cháu mang giày đi trên đường trải nhựa, có bảng tên đường đàng hoàng vậy mà…
Thầy giáo Còn thích thú trước sự hiểu biết rộng rãi của ông Bảy Dê, thầy hỏi tiếp:
- Vậy ông Bảy có biết trong vườn chim có những loài chim thú gì và những loài cây gì sống ở đó không?
Ông Bảy Dê cười sảng khoái đọc lớn:
- “Le le, vịt nước, bồng bồng,
Con cua, con ghẹm, con còng, sáu con”.
- Nói chung là đủ thứ cây và đủ thứ con của vùng nước mặn bờ biển.
- Chim thì có hai loại: chim địa phương như các loại cò trắng, cò ma, cò ráng, cò lửa, cò lép, cò quắm đen, cò quắm trắng.
- Diệc cũng nhiều loại như diệc mốc, diệc xám, điên điển, còng cọc… Còn loài chim di trú không biết từ đâu bay tới đây. Có nhiều giống như giang sen, chàng bè, le le, vịt nước, bồng bồng… mùa mưa tháng 5, tháng 6 tới tháng 10 là chúng tụ tập về nhiều.
- Le le, bồng bồng tới mùa, bay về vô số. Chiều chiều tụi nó bay từng bầy qua bờ đê như là một đám giông, dân đi giăng lưới bắt chim phải cúi nằm sát đất để núp, tụi nó bay trúng vô đầu là bị thương liền đó. Có lần tui thấy bầy bồng bồng bay qua, vướng cọng dây kẽm giăng giữa hai cây sào tre làm trụ lưới, có mấy con đứt đầu rớt xuống đất.
- Trời! Ghê quá! Vậy là tụi nó phải bay lẹ lắm mới bị dây kẽm cắt đứt đầu!
- Ừ! Lẹ lắm! Tụi nó về nhiều vô số, buổi chiều bay rợp trời. Chim di trú có mấy loài như giang sen, sếu đầu đỏ… từ phương bắc bay về trốn cái lạnh. Những loài chim di trú khác như bồng bồng, le le, vịt nước, chàng bè… thì từ Biển Hồ hay Đồng Tháp thiếu đồ ăn nên tụi nó bay về đây nương náu qua mùa rồi lại đi.
- Còn các loài chồn, chuột, rắn rít thì chỗ nào có hơi chim, có tiếng chim là tới ngay. Mồi ngon của tụi nó mà. Nhưng chim cũng khôn lắm, nó chỉ làm ổ hay ngủ trên những chòm cây vùng ngập nước, nên tụi chồn, chuột, rắn rít không có chỗ làm ổ, làm hang gần chim được.
- Chồn thì chỉ có các loài chồn nhỏ như chồn đèn, chồn heo, chồn mướp, loại lớn như chồn cáo cọc, chồn cáo ngựa thì không có trong vườn chim.
- Rắn cũng chỉ có vài loại như rắn hổ đất, hổ mang, hổ ngựa, rắn lục, rắn trun... Chúng làm hang ở phía gò cao, xa chỗ chim ngủ, tới mùa tháng 4, tháng 5 là chúng bỏ hang đi bắt cặp và làm hang mới nên vào mùa này đi soi cá ban đêm thì phải coi chừng. Mà đất gò cũng là chỗ chồn đèn với chuột cống nhum làm hang, hai loài này kỵ nhau.
- Ếch, nhái, cua, cá, tép, lươn, lịch thì ê hề dưới các mương nước, lung nước dưới chưn rừng ở vườn chim. Chúng từ ngoài sông, ngoài biển theo dòng nước vô đây. Mà con chim ngủ ở đâu thì trong cứt chim có nhiều loại trứng cua, tôm cá chưa tiêu hóa hết rớt xuống nước cũng sinh sôi nảy nở.
- Cây cối thì có cây chà là, cây lâm vồ, tra bồ đề và tra nhớt là nhiều nhứt. Cây giá, cây cóc, cây quao cũng có một mớ.
- Còn các loại mắm, đước, vẹt dà thì không còn. Vì đất vườn chim bây giờ xa biển quá rồi, đất hết ngập mặn và gần thuộc nên mắm, đước, vẹt không phát triển nữa.
Thầy giáo Còn há miệng nghe ông Bảy Dê say sưa nói. Cả hai người đều có chung một sở thích là thích thiên nhiên và chung một tình yêu dành cho những cánh chim hoang dã.
- Bữa nào hai chú cháu mình đi vườn chim chơi một chuyến nghe chú Bảy!
Nghe thầy giáo Còn rủ, ông Bảy Dê mau mắn trả lời:
- Ừ! Có năm cây số chớ mấy! Từ chợ Bạc Liêu mình đi ra biển thẳng một đường là tới. Vườn chim nằm bên tay mặt, quẹo qua cầu vô một đỗi là tới, bề ngang vườn chừng một cây số, còn bề sâu chừng ba cây số. Chính giữa là khu rừng chà là, chỗ nhiều cây tra cao là khu chim ngủ và làm ổ, kế tiếp là khu kiếm ăn của chim kéo dài ra tới mé biển. Vùng này không có nhà cửa.
* * *
Ông Bảy Dê và thầy giáo Còn cho mấy con chim trong chuồng ăn buổi chiều, trong đầu hai người mơ màng nghĩ tới khu vườn chim mênh mông với những cánh chim lượn trên trời cao và những bầy chim nhốn nháo giành chỗ ngủ trên tán rừng chiều yên ả.
Hai người chìm đắm trong suy nghĩ đó, những hình ảnh bềnh bồng của một thiên đường chim thanh bình, xinh đẹp tới nỗi quên luôn không thấy hai con cò lép từ trong chuồng chui qua chấn song tre ra ngoài, tới mổ cá tép trong thau cá trên tay của mình.
Hai con cò này lúc mới đem về còn mập chưa chui lọt qua song vách được. Ông Bảy Dê và thầy Còn nuôi nhốt nó được hơn một tuần, giờ ốm nhom chui lọt chấn song tre ra ngoài luôn.
- Khỏi mất công mở cửa, con nào chui được ra cứ chui và biết bay rồi thì cứ bay đi, khỏi phải tốn công mình đem ra rừng thả.
Ông Bảy Dê nói chắc như vậy.
 
V
Năm nay có quá nhiều thay đổi, mới đó mà đã gần Tết Đinh Tỵ. Tính từ tháng Sáu tới tháng Chạp, ông Bảy Dê, anh Ba Chài, Năm Đước và thầy Còn cũng cứu được khoảng hơn ba trăm con chim biển, đa số là cò, diệc, vạc và điên điển.
Số chim mua được thông thường tính từ ngày về chuồng tới ngày biết bay và thả đi khoảng một tuần tới mười ngày.
Trung bình mỗi ngày ông Bảy Dê mua được bốn hoặc năm con chim non thì số chim cộng dồn trong chuồng ước chừng khoảng năm chục con. Vì vậy thầy Còn và ông Bảy Dê phải làm thêm một cái chuồng mới lớn hơn mới đủ chỗ cho chúng ở. Mỗi ngày chúng được cho ăn ba lần, sáng sớm, giữa trưa và năm giờ chiều. Ông Bảy Dê và thầy Còn tất bật với việc cho ăn, quét dọn và chăm sóc riêng những con yếu hoặc bị thương do những con lớn hơn mổ, đánh giành ăn, giành chỗ ngủ, chỗ đứng. Chúng thật ồn ào và phiền phức nhưng ông Bảy Dê và thầy Còn lại thấy vui.
- Thiệt là tụi khờ, không có đầu óc, khổ như vậy rồi còn không biết thương nhau, chia sẻ, nương dựa với nhau để sống mà lại còn ỷ mạnh ăn hiếp kẻ yếu nữa.
Ông Bảy Dê thường cằn nhằn như vậy khi ông thấy mấy con chim lớn giành ăn, mổ đầu, lấn vai đám chim nhỏ hơn.
Mỗi ngày thầy Còn với ông Bảy Dê dọn rửa chuồng sau buổi ăn trưa của chim. Ông Bảy cố ý không đóng cửa chuồng khi quét dọn để mấy con chim đã biết bay nhân lúc cửa mở lẽn ra ngoài bay luôn, khỏi mất công đem đi thả. Đúng như ông nghĩ, cũng có những con lén bay vèo đi khi thấy cửa vừa mở.
Thiệt tức cười, chúng không biết ông Bảy Dê mời chúng bay đi mà chúng tưởng là chúng giỏi, là chúng khôn lanh, vượt được ngục, tự cứu mình.
Mỗi lần như vậy ông Bảy Dê bật cười khoái chí:
- Chà thằng này, chắc mầy tưởng mầy giỏi hơn tao nên trốn được há!
Cũng có những con thật phiền phức, mạnh khỏe bay được rồi nhưng không chịu đi, cứ ăn no rồi trốn luôn vô góc chuồng chờ bữa sau ăn tiếp.
À…! Mày khôn há. Mày đủ lông đủ cánh, đủ sức bay đi kiếm ăn rồi mà không chịu đi hả… Muốn ở lại mỗi ngày tao bưng cơm tới miệng mầy à! Không có khôn đâu con. Bây giờ mầy làm biếng, ỷ lại vào người khác, ngày mai mầy ra đồng, ra rừng tự kiếm ăn nuôi thân, mầy sẽ gian nan đó con ơi!
* * *
Đám vạc là loài ăn đêm, bản tính chúng thích yên tĩnh và nhút nhát. Vì vậy khi đủ lông cánh biết bay thì chỉ cần ông mở cửa vào buổi tối là lập tức chúng bay mất.
Mấy con điên điển và bọn cò ốc, cò nhạn cũng vậy, hé cửa ra là chúng đi luôn không từ giã.
Vậy cũng khỏe cho cả đôi bên.
Đám cò trắng hơi ba phải, có những con ra khỏi cửa chuồng thì bay luôn. Có những con ra khỏi chuồng rồi đi loanh quanh trong nhà, trong vườn quan sát cảnh vật kiếm cái gì đó ăn thêm… thơ thẩn vài giờ rồi lại mau mau đi vô chuồng khi thấy ông Bảy Dê mở cửa chuồng cho ăn. Cũng có anh chị cò trắng từ biệt ông đi hai ba ngày rồi bỗng dưng trở lại, đứng trên nóc nhà buồn bã nhìn lại cái chuồng, nơi nó đã tạm trú những ngày khó khăn đầu đời của nó. Những con tình cảm quyến luyến như kiểu này thì thầy giáo Còn chỉ còn cách bắt lại và đem ra gần vườn chim thả.
Chỉ có đám cò nhỏ như cò ma, cò ráng, cò lửa thì thích quanh quẩn ngoài chuồng để được nuôi ăn. Chúng nhỏ và lép xẹp nên chui ra chui vô chuồng dễ dàng không cần mở cửa. Với lại ở ngoài thoải mái, yên tĩnh hơn, không bị đám cò lớn ăn hiếp.
Có một con thiệt tức cười, đó là con cò lép, ốm nhom. Hồi tháng 9, ông Năm Đước đã nhờ ông Bảy Dê nuôi nó dùm vì ổng lỡ làm gãy cánh nó. Ông Năm Đước đưa nó cho ông và tặng thêm hai con điên điển để bù vào công chăm sóc. Ông Bảy Dê nhận nuôi không phải vì được cho hai con điên điển mà vì ông nhìn thấy trong đôi mắt của con cò lép này có cái gì đó rất lạ, nó không hung hăng, hoang dã hay sợ hãi như mấy con khác. Khi tiếp xúc với ánh mắt của ông, nó có thần thái như một kiếm khách đối diện với nhát kiếm sinh tử… hay như một nhà hiền triết bình thản nhìn nghịch cảnh của kiếp người không chút oán giận hoặc như con dê chiến đấu cả đêm với một con sói, đến gần sáng, khi kiệt sức nó nhìn con sói, nhìn bầu trời và chấp nhận cái chết một cách bình thản...
Ông Bảy Dê nuôi riêng nó trong một cái lồng tự chế bằng hai cái rổ lớn úp lại. Ông dành cho nó một chế độ chăm sóc đặc biệt, luôn ở trong tầm quan sát của ông. Nó ăn cơm chung với ông và ngủ gần ông. Một thời gian lâu sau, cánh con cò bình phục. Nó đứng giương cổ cao, dang rộng đôi cánh, khởi đầu quạt nhẹ sau đó mạnh hơn tới hổng chưn lên khỏi mặt đất rồi thôi… Kỳ lạ là nó không chịu bay, chắc nó sợ bị gãy cánh tiếp hay nó nghĩ, giờ đây kỹ năng bay cũng không cần thiết nữa. Nó thấy đi bộ lẻo đẻo theo ông Bảy Dê cũng kịp và cũng vui rồi, khỏi cần bay!
Ông Bảy Dê rất thích nó. Ông thích nói chuyện với nó.
- Sao mầy không bay đi, bay về chỗ của mầy, theo nòi giống của mầy sống cho vui vẻ, theo tao làm chi? Bộ mầy tưởng tao là má mầy hả!?
Rồi ông cười hạnh phúc.
Mấy con cò ráng, cò lửa, cò lép khác ở một thời gian nữa rồi cũng lần lượt bay đi. Chỉ có con cò gãy cánh này là ở lại với ông.
Tết Đinh Tỵ vào khoảng tháng 2 năm 1978, mùa chim non đã hết hẳn từ trong Tết, mấy con chim cuối cùng trong chuồng cũng đã bay đi hoặc đã được thầy Còn đem ra ngoài vườn chim thả hết. Chuồng cứu chim giờ trống rỗng và sạch sẽ để chờ cho mùa tới. Có lẽ vào khoảng tháng 5 đầu sa mưa lại có chim về vườn làm ổ, lao xao giành ăn, giành cành cây làm ổ đẻ trứng, ấp nở nhiều con rồi lo không xuể. Giông nam tới, đám nhỏ lại rớt xuống đất, lại bị cha mẹ chúng bỏ rơi. Con nào may mắn, con nào mạnh khỏe thì sống sót. Con nào yếu ớt, kém may mắn thì chết, bị rắn, chồn, chuột ăn. Một số rất nhỏ thì may mắn vô trại chim mồ côi của ông.
Nhưng có lẽ năm nay bán nhà đưa tiền cho em trai ông là Tám Me xong chắc ông cũng không còn tiền mua mạng của chúng và mua thức ăn cho chim nữa.
Ông Bảy Dê buồn bã, vạn sự tùy duyên thôi, ông nghĩ vậy.
 
VI
Sau Tết có rất nhiều người lạ tới Bạc Liêu. Họ đi ngang ngã tư Quốc Tế, trước dãy quán cà phê ông Bảy Dê và thầy Còn ngồi. Nhìn cách họ ăn mặc lạ mắt ông Bảy và thầy Còn đoán mò, mấy người này đội nón cối, lớn tuổi mặc áo quần thùng thình, chắc dân đi tập kết dẫn vợ con về quê hương. Mấy anh chị mặc quần xì gà, quần ống voi… áo sơ mi ôm sát là dân Sài Gòn. Còn mấy anh mặc áo sơ mi rộng, quần tây đen kiểu thập niên 60, vẻ mặt buồn bã đi qua quán cà phê, mắt ngó lên trời, chắc là mấy anh quân nhân miền Nam trở về quê làm ruộng.
Mấy ông bà người Hoa thường đi chung từng nhóm và xí xô xí xào dễ nhận biết, họ xuống đây làm gì mà nhiều như vậy?
Và nhiều người khác nữa, những anh du kích bận áo ni lông dầu, có thêu xanh đỏ trên miệng túi, quần bó, ống túm, đầu đội nón tai bèo và đi cẳng không. Mấy chị du kích hay nông dân vùng sâu mặc áo bà ba màu hồng, nhấn ben ngực căng, eo bó sát, quần ni lông đen, đầu đội nón lá quai xanh, quai hường.
Thật nhiều người lạ đi qua ngã tư Quốc Tế, họ tất bật, mỗi người một kiểu quần áo, một vẻ mặt nói lên phần nào hoàn cảnh của mình.
Đầu năm đó trên đường Độc Lập và chợ Bạc Liêu thiệt náo nhiệt. Có một người từ Đà Lạt trở về kể lại là thành phố Đà Lạt bây giờ vắng vẻ hắt hiu, thưa thớt người.
* * *
Loa phát thanh liên tục báo tin quân Khmer Đỏ tấn công qua biên giới Việt Nam. Tình hình chiến tranh biên giới rất căng thẳng.
Lửa chiến tranh chưa nguội, bây giờ lại chiến tranh! Những người lính vừa qua một cuộc chiến sinh tử may mắn sống sót về lại quê hương chưa kịp cưới vợ, dựng nhà, lại phải chuẩn bị lên đường. Mấy đứa nhỏ mới lớn lên, tưởng đã thoát khỏi cảnh bom đạn, giờ bắt đầu khám sức khỏe để vào quân trường…
Một buổi sáng anh Ba Chài bỗng dưng xuất hiện ở quán cà phê ngã tư Quốc Tế. Hôm nay anh ăn mặt đàng hoàng, nhìn cũng ra vẻ dân thị xã chính cống. Ông Bảy Dê và thầy giáo Còn nhìn Ba Chài ngạc nhiên vì anh có bộ dạng mới.
Vừa gặp hai người Ba Chài nói liền:
- Nghỉ chài luôn rồi! Ngoài biển mới lập nông trường. Họ đang ủi đất lấy ranh gần vườn chim, từ mương số 6 tới mương số 12. Bên trong thì sát ranh đất Giồng Me và ấp Cây Gừa, bên ngoài thì ra sát bờ biển.
- Hết chỗ chài rồi!
Mọi người im lặng một lúc, thầy giáo Còn hỏi anh Ba Chài:
- Giờ anh tính làm gì sống?
Tui đang xin vô trại đóng ghe làm. Bây giờ có nhiều người đóng ghe đánh cá, có cả người Tàu Chợ Lớn xuống đây đưa tiền cho dân địa phương đóng ghe. Nghe đâu ở Sài Gòn người Hoa đăng ký đóng tàu đi Trung Quốc nhiều lắm. Kệ, đi đâu là chuyện của họ, mình làm cu li kiếm tiền nuôi vợ con thôi.
- Hèn gì mấy nay tui thấy có nhiều người Hoa ở chợ Bạc Liêu, tưởng họ về đây muốn hồi hương mua đất làm ruộng, nào hay là muốn mua ghe đăng ký xuất cảnh chớ!
Câu chuyện dừng lại ở đó, mỗi người đều mang tâm trạng nặng nề, hoang mang, không biết ngày mai chuyện gì sẽ tới.
Mấy bữa sau Năm Đước có chuyện gì đó đi ngang quán cà phê, anh ghé vô quán, ông Bảy Dê và thầy Còn không có việc gì làm, vẫn ngồi đây từ sáng đến trưa mới về. Thầy Còn cũng chưa được nhận đi dạy chính thức, thầy chỉ dạy vài lớp bổ túc văn hóa vào buổi tối, vài ngày trong một tuần.
Năm Đước buồn bã thông báo, chim mất bãi kiếm ăn lại bị dân nông trường và mấy tay thợ chài ngoài chợ vô vùng lõi, chài cá bắt chim nên chim đã bỏ đi gần hết rồi. Đâu có ai bảo vệ chim, dân đói quá thì đi kiếm ăn thôi, làm ác cũng phải làm, đâu còn sợ gì nữa, đói mà...
- Vậy là hết, kế hoạch cứu chim biển coi như chấm dứt. Ba Chài đi làm thợ đóng ghe, Năm Đước và thầy Còn kiếm việc khác làm. Còn mình bán nhà đưa tiền cho vợ chồng chú Tám Me để tụi nó tính chuyện gia đình, còn nhà đâu mà cứu chim!
Ông Bảy Dê buồn bã nghĩ lung.
 
VII
Tháng 3 nắng gay gắt, không khí nóng lên, gió chướng đã tàn và gió nam chưa tới. Những bờ cỏ úa vàng bao bọc những cánh đồng nứt nẻ trơ gốc rạ.
Ngoài trời nóng bức nhưng trong lòng thầy giáo Còn có khi còn nóng hơn nữa, thầy nhớ Ba Chúc quá, đêm qua không ngủ được. Thầy nhớ núi Tượng, ngọn núi thấp nhỏ hiền hòa nằm giữa cánh đồng lúa mênh mông sát biên giới Campuchia. Nhà thầy ở gần chùa Phi Lai, thôn An Định, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, ngang dưới chân núi Tượng, mát mẻ quanh năm.
Dòng họ thầy là những người dân đầu tiên theo Đức Ông Ngô Lợi tới đây lánh nạn lập làng. Toàn bộ dân làng đều theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Là người chống Pháp, cả gia đình của thầy Còn là tín đồ thuần thành, lấy việc tu thân và tứ đại trọng ơn gồm ơn ông bà cha mẹ tổ tiên, ơn đất nước, ơn Tam Bảo và ơn đồng bào nhân loại làm tôn chỉ.
Quê thầy là một vùng đất xinh đẹp thanh bình, con người đạo đức và đoàn kết thương yêu nhau, thật tuyệt vời đối với những kẻ ẩn dật tu hành. Tuy nhiên ở đây quá hiền lành, quá thanh vắng, quá bé nhỏ và ít cạnh tranh nên lớp người trẻ ở đây ít có cơ hội tiến thân và cũng kém bản lãnh hơn lớp trẻ ở các thành phố lớn bên ngoài.
Ông nội của thầy Còn nói với thầy:
- Con phải đi ra ngoài để học thêm chuyện đời, ở đây nhỏ hẹp không có nhiều cơ hội cho con. Hoàn cảnh của con bây giờ ra chợ lập nghiệp không có tiền bạc, thân thế gì nên rất khó khăn. Con chỉ có cái bằng tú tài đôi, ngoài ra không có gì khác, vì vậy để có cuộc sống yên lành và có môi trường thuận lợi để nuôi dạy con cái sau này, con phải thi vô trường sư phạm. Con chịu khó vừa học vừa làm, sống lương thiện, giao du với người tốt, con cái của con sau này dễ dàng theo con đường học hành mà con đã mở ra cho chúng nó.
- Trong tất cả các sự nghiệp, sự nghiệp giáo dục là quan trọng nhứt. Đó là gốc của mọi ngành nghề, con phải nhớ kỹ điều đó.
Thầy Còn nghe lời ông nội dạy, ra Cần Thơ thi vào giáo sinh sư phạm. Ra trường thì giải phóng, mọi giáo sinh tự đi kiếm nơi dạy nên thầy theo một người bạn Bạc Liêu về nơi này. Bạn của thầy học sư phạm để khỏi đi lính nên khi hòa bình rồi thì anh ta đi kinh doanh luôn, không theo ngành sư phạm nữa.
Thầy Còn nhớ da diết Ba Chúc, núi Tượng và những người thân đang ở vùng đất thanh bình xinh đẹp đó. Vậy mà chiến tranh lại sắp tới gần quê thầy, Khmer Đỏ đã thập thò đe dọa biên giới.
Gia đình của thầy từ Bến Tre lên Ba Chúc lánh giặc Tây và chống Tây cũng trăm năm rồi, đâu còn quê đâu mà về, mà chạy trốn…
Đã sống ở đâu thì chết ở đó thôi.
Thầy nhớ mẹ của thầy cũng có nói với thầy:
- Mạnh Mẫu thấy con là Mạnh Tử chơi trò làm thịt heo với mấy đứa nhỏ trong xóm lò heo nên nhất quyết bán nhà dọn tới gần trường học. Từ đó Mạnh Tử chơi với các học trò và theo thầy đồ đi học. Sau này nhờ học vấn mà ông thành danh và trở thành người hữu ích cho đất nước.
Thầy Còn tâm đắc câu chuyện Mạnh Mẫu lắm và hứa với cha mẹ là mình sẽ siêng học và chỉ giao du với người thiện lành, mong sớm thành công về giúp cho gia đình và người dân xứ Ba Chúc được giàu có, phát triển hơn.
Vậy mà từ ngày 18 tháng 4 tới ngày 30 tháng 4 (năm 1978), chỉ mười hai ngày quân Khmer Đỏ đã điên cuồng vượt biên giới qua Ba Chúc, tàn sát dân làng.
Các thông tin nhiễu loạn, loa phát thanh báo quân Khmer Đỏ đã tràn qua Ba Chúc và quân ta đang phản công.
Có người từ miệt Châu Đốc, An Giang về Bạc Liêu đồn miệng là giặc Pol Pot ban đêm vượt biên giới qua Ba Chúc, chặn mọi nẻo đường chạy trốn và rút lui của dân rồi lần lượt tàn sát. Nghe nói dân chạy vô chùa Phi Lai cũng bị giết sạch không chừa một người.
Thầy giáo Còn qua tìm ông Bảy Dê, gặp ông đang đứng trước cửa nhà, thầy nước mắt lưng tròng, nói lắp bắp, thất thần:
- Chùa Phi Lai… Chùa Phi Lai… Chắc con phải về Ba Chúc liền. Nhà con gần sáu chục người ở đó.
Ông Bảy Dê nắm tay thầy Còn siết chặt.
- Phải rồi… đi liền… đi liền, gia đình là quan trọng nhứt.
Thầy Còn không còn nước mắt để mà khóc. Thầy như người lên đồng đi thiếp vậy. Thầy đi tới đi lui vô ý thức. Ở Bạc Liêu này, thầy chỉ có thân với ông Bảy Dê thôi, những người khác chỉ là quan hệ xã giao, không có ai chia sẻ hết mọi chuyện với thầy.
Ông Bảy Dê vét hết số tiền ít ỏi của mình đưa cho thầy Còn làm lộ phí về quê. Thầy Còn nhờ ông Bảy Dê giải quyết đồ đạc và mọi thứ liên quan tới mình ở Bạc Liêu. Thầy chỉ cầm cái túi nhỏ với hai bộ đồ rồi đi ra bến xe.
Ông Bảy Dê nhìn theo xót xa, lo lắng. Thời gian này không đủ xe đò cho nhu cầu đi lại. Người dân đi khỏi tỉnh phải có giấy phép đi đường và mua vé xe đò phải chờ ở xa cảng một hai ngày mới có vé đi. Hành khách thường khi phải mướn chiếu ngủ tại bến xe để hôm sau chờ mua vé.
Buổi tối đó, thầy Còn thất thểu về nhà ông Bảy Dê. Thầy mếu máo nói:
- Không có xe đi Cần Thơ, mà tới Cần Thơ rồi kiếm xe đi Châu Đốc cũng khó. Tới Châu Đốc được mới về Tri Tôn, Ba Chúc. Kiểu này chắc mấy ngày đi chưa tới...!
- Thôi thầy vô ăn cơm đi rồi tui tính cho.
Thầy Còn từ sáng tới giờ chưa ăn. Thầy ăn vội chén cơm nguội đắng nghét và mặn nước mắt rồi lên võng nằm lịm đi, chắc thầy đang mơ về Ba Chúc, thấy mình đang chạy như bay qua Bảy Núi và những cánh đồng lúa xanh hun hút.
Ông Bảy Dê nhìn thầy rồi thở dài. Ông tới cái tủ xưa, lục kiếm gì đó một lúc rồi đem ra một gói vải nhỏ. Mở nhiều lớp vải, ông lấy ra một cái mặt đồng hồ màu trắng nền xanh với những con số La Mã viền quanh, cái mặt đồng hồ thiệt đẹp. Đây là cái Omega Constellation[3], tài sản riêng và duy nhất của chính ông tự sắm được. Và cái đồng hồ này cũng là niềm kiêu hãnh thời trai trẻ của ông. Ông quyết giữ nó vì nó được mua bằng tiền của ông tự kiếm được chứ không phải là của thừa kế. Sợi dây đồng hồ bằng vàng y đã bán từ lâu rồi, ông chỉ giữ lại cái mặt, sau này mua một cọng dây da cá sấu gắn vô đeo cũng đẹp.
Thầy giáo Còn trở mình ú ớ trên võng, có lẽ thầy đang mơ thấy bọn ác quỷ Pol Pot đang cầm súng chạy vào Ba Chúc.
Ông Bảy Dê bỏ cái mặt đồng hồ vào túi rồi bước ra cửa, ông nghĩ:
- Thầy Còn là một thanh niên hiền lương có tương lai, vậy mà…
- Tội thẩy quá, ở đây không có người thân. Thầy đã đơn chiếc rồi, bây giờ lại gặp nghịch cảnh!
- Mình tới nhà thằng Hon đổi cái mặt đồng hồ này lấy chiếc xe đạp course[4] của nó. Nó thèm cái đồng hồ này lắm, nó sẽ đổi liền. Chiếc xe đạp của nó là loại xe đua đường trường. Thầy Còn đi xe đạp tốt hơn. Tới trạm xuống dắt xe qua vì thầy không kịp xin giấy đi đường…
Năm giờ sáng thì loa phát thanh phát bài “Có ai về quê hương tôi Bạc Liêu”… thì thầy Còn đạp xe lên đường.
- Cầu mong cho gia đình thầy tai qua nạn khỏi. Thầy đi bình an, sau này nhớ viết thơ cho tui.
Thầy giáo Còn ôm ông Bảy Dê, úp mặt lên vai ông khóc nức nở rồi gạt nước mắt lên xe đạp đi.
Ông Bảy Dê đứng lặng nhìn theo bóng thầy Còn lao đi trong sương sớm tờ mờ. Ông không dám nói với thầy Còn câu sau cuối là nếu lỡ không còn ai thì thầy về đây sống với tui cũng được. Ông vẫn thầm mong gia đình thầy Còn sáu mươi mạng sẽ còn lại vài người.
Thầy Còn đi rồi thì bữa sau có lệnh đổi tiền lần thứ hai, ông Bảy Dê cười thầm:
- Còn đồng bạc nào đâu mà đổi.
Sau đó ông lại lo cho thầy Còn, nhưng không sao, nghe loa nói khách vãng lai được đổi năm mươi đồng mà thầy Còn thì có không tới năm mươi đồng, vậy an toàn rồi.
Thầy Còn đi rồi, ông Bảy Dê buồn luôn mấy ngày không muốn ăn uống.
Kiếp người sao mà tang thương như vậy, lánh vô một cái hẻm núi vắng vẻ, trốn giặc Pháp, xa lánh thế cuộc tranh giành cũng đâu chắc được yên lành. Tai họa vẫn có thể ập xuống bất cứ lúc nào, bất cứ ai cũng không thể biết trước và tránh được.
 
VIII
Ông trời cũng ngộ, khi người ta vui quá thường nhắc người ta bằng một nỗi buồn. Còn khi người ta buồn quá thì thường tặng cho một niềm vui.
Ông Bảy Dê đang thơ thẩn trước nhà thì có một người đàn ông cỡ trạc tuổi ông bước vô nhà hỏi.
- Chào anh, tôi xin hỏi nhà ông Tám Me có phải ở đây không?
Ông Bảy Dê nghe giọng người đàn ông này hơi cứng cứng, có chút âm của giọng Bắc, lại xưng “tôi” nên ông cũng hơi sợ sợ. Có lẽ ông này là cán bộ tập kết về, vì dân Bạc Liêu bình thường không ai xưng “tôi” cả.
- Dạ thưa ông, tui là Bảy Dê anh của Tám Me.
- Ồ cậu Juillet hả? Mừng gặp lại cậu Bảy. Tôi là Hai Tôn con của ông Năm Đường, tá điền của ông chủ, ba cậu đây. Tôi đi tập kết mới về. Má tôi nói cậu Me và cậu còn khỏe, còn ở lại Bạc Liêu.
Người đàn ông lạ vui mừng ra mặt và nói giọng ôn hòa, thân thiện làm ông Bảy Dê cũng yên tâm lấy lại tinh thần. Ông Bảy Dê nghe người này kêu tên “Juillet”, ông biết đây chính xác là người thân trong gia đình của ông ngày xưa. Vì chỉ những người này mới biết Dê là tháng 7 (Juillet) chớ sau này mọi người cứ tưởng dê là bò dê hay dê xồm thôi.
- Anh Hai Tôn, mừng anh còn sống trở về xứ xở.
Bảy Dê cảm động thật sự, lâu lắm rồi mới có người tìm ông và vui mừng thật tình khi gặp ông. Nhứt là một cán bộ tập kết đi kiếm một phó thường dân, con của điền chủ hết thời, không còn cục đất liệng chim, nhà cũ nát, trống không.
- Anh Hai Tôn đừng kêu tui bằng cậu nữa. Kêu Bảy hay Bảy Dê thôi. Dân “cậu” không còn tồn tại trong xã hội này mấy chục năm rồi.
Hai Tôn cười hiền hậu đổi qua giọng địa phương nói:
- Tui biết hết chớ, nhưng má tui dặn đi thăm bà con cũ thì xưng hô như ngày xưa để mọi người vui vì thấy mình vẫn tôn trọng và quý họ. Tui kêu vậy cho anh vui thôi. Một tiếng kêu ngoài miệng đâu có nghĩa gì. Giờ anh muốn tui kêu anh là gì mà anh vui thì tui kêu liền.
Ông Bảy Dê cười toét miệng:
- Thì Bảy Dê thôi.
Hai người bước qua khoảng sân nhỏ có vài chậu kiểng xưa không được chăm sóc, đang tàn tạ ngả nghiêng.
- Tui nhớ cái cây lão mai này rồi. Ông chủ quý nó lắm. Chắc cây này cũng gần trăm năm rồi.
- Tui tặng nó cho anh đó. Coi như anh chăm sóc nó giùm tui.
- Không! Tui làm sao nhận được. Đồ gia bảo của anh mà sao đem biếu tặng được.
Hai Tôn thẳng thắn nói.
Bảy Dê buồn buồn trả lời:
- Không giấu gì Hai Tôn, tui đang tính bán căn nhà này để đưa tiền cho vợ chồng Tám Me, để vợ chồng nó tính chuyện tương lai.
Giờ tui còn một mình thôi, vợ tui nuôi con ở Sài Gòn đi học, năm 75 hai mẹ con theo họ hàng ra nước ngoài hết rồi. Còn mấy anh của tôi, anh De Gaulle[5], anh Decoux[6] thì du học Pháp rồi ở lại luôn không về. Ở đây chỉ còn tui và Tám Me thôi. Tám có vợ Tiều, theo bên vợ mua bán ngoài chợ. Bên đó đang tính đăng ký đi xuất cảnh.
Ông Bảy Dê nói một mạch như đã bị dồn nén từ lâu đời.
- À, tui hiểu rồi. Má tui có nói ba má anh là người có học, có đạo đức, là điền chủ tốt, thương tá điền của mình. Ngày trước ba má anh cũng thường giúp gia đình tui nhiều thứ. Má tui dặn khi gặp lại gia đình anh, giúp được gì thì giúp, như vậy mới đúng đạo nghĩa làm người.
Sau này theo cách mạng, đi nhiều nơi, tui mới hiểu thêm ở Bạc Liêu mình không có địa chủ. Chỉ có điền chủ thôi. Địa chủ là chúa đất, điền chủ là chủ ruộng cùng làm ruộng với người nông dân và cùng chia lúa với nhau. Ở Bạc Liêu không có điền chủ ác ôn, thành ra anh đừng mặc cảm.
Ông Bảy Dê sáng mắt nhìn Hai Tôn.
Thật không ngờ trong lòng Hai Tôn suy nghĩ thấu tình đạt lý như vậy!
- Dầu sao tui cũng ở bên thua, bên thua sợ bên thắng là đương nhiên. Vì bên thắng có quyền định đoạt mọi thứ.
Có thể Hai Tôn nói chưa thật lắm nhưng Hai Tôn nghĩ chiến tranh kết thúc rồi, mọi người nên xích lại gần nhau, quên hết quá khứ để hàn gắn những đau thương nên anh cố nói những lời an ủi như vậy với ông Bảy Dê.
- Anh nói trật nữa rồi. Tây đến đây chiếm đất, người Việt đánh Tây giữ đất, Tây thua chạy đi, người Việt thắng. Mỹ tới đây bày cuộc chiến tranh, người Việt muốn độc lập, không muốn có lính ngoại quốc trên đất mình nên người Việt đánh. Mỹ rút đi, người Việt lại thắng. Chỉ có Tây và Mỹ thua, người Việt thắng. Người Việt cả hai bên đều thắng, được hòa bình, được buông súng và được trở về nhà làm ruộng, xây dựng gia đình.
Anh Hai Tôn nói say sưa như một chính ủy trước một hàng binh, rồi bỗng dưng anh hạ giọng buồn bã:

  • Tuy nhiên cuộc chiến này dân tộc mình đã có quá nhiều mất mát, đau thương …
Rồi anh im bặt, ông Bảy Dê cũng bàng hoàng im lặng nhìn Hai Tôn. Chưa có ai nói hay và mới lạ như Hai Tôn.
Bảy Dê bước tới siết tay Hai Tôn.
Họ còn nói với nhau nhiều thứ nữa về ngày xưa, về hôm nay như hai người bạn thân thiết xa lâu ngày vừa gặp lại.
- Thăm anh, cho biết tin nhau rồi tui về. Tui hiện làm ở Sở Giao thông Vận tải tỉnh, có gì cần anh tới đó kiếm tui. Cái gì giúp được anh thì tui luôn sẵn lòng.
Còn cây lão mai của ông chủ để lại, là cái đẹp của một thời anh ráng chăm sóc. Khi nào anh bán nhà đi không có chỗ thì tôi nhận, khi nào anh có chỗ mới thì tui giao lại anh.
Đó là cái đẹp văn hóa của tiền nhân mà.
Nói rồi anh Hai Tôn đi ra đường, bước chưn anh nhẹ nhàng như lướt trên mặt đường. Ông Bảy Dê nhìn theo, dường như lòng ông cũng thấy nhẹ nhàng bay bổng.
 
IX
Khoảng hai tuần sau khi Hai Tôn ghé thăm thì có khách tới mua nhà. Ông Bảy Dê mừng quá, thời điểm này nhà đất không có giá, nhưng bán được cũng là có phước rồi. Ông Bảy Dê kêu vợ chồng Tám Me tới nhận vàng khách đặt cọc mua nhà. Bảy Dê tuy là người quyết định nhưng ông muốn minh bạch, muốn thuận hòa vì ông hiểu đây là lần cuối cùng để ông có thể bày tỏ tình thương của mình với em trai. Ông muốn cô em dâu biết rõ mọi chuyện để mai sau tôn trọng chồng của cô.
Người khách mua nhà này thật tốt bụng, họ nói với ông khi nào ông dọn ra thì ông báo với họ trước ba ngày, họ sẽ tới giao tiền cho ông và nhận nhà. Người khách cho Bảy Dê số điện thoại, chắc ông này đang làm chức gì đó quan trọng mới có số điện thoại.
Bảy Dê đang đi tìm một miếng đất nhỏ ở ngoại ô để mua thì dịp may thứ hai lại tới với ông.
Ban vận động đồng bào thị xã đi kinh tế mới mời ông lên, thuyết phục ông đi kinh tế mới ở đường biển, đoạn giữa vườn chim và thị xã.
Mỗi hộ dân ra đó được cấp hai mẫu ruộng phèn, hỗ trợ tiền cất nhà và nuôi gạo ăn trong mùa lúa đầu, hình như còn cho thêm một số tiền mặt nhỏ nữa.
Anh cán bộ trẻ nhìn thấy hộ khẩu ông chỉ có một mình, anh ta ái ngại và an ủi:
- Chú ra đó có chính sách hỗ trợ và cũng có nhiều bà con trong thị xã này lần lượt sẽ ra ở với chú.
Ông Bảy Dê cũng làm bộ bùi ngùi, dạ dạ vâng vâng rồi ký vào giấy tờ đồng ý đi kinh tế mới. Thật ra đó là vị trí mà ông muốn ở nhứt vì nó gần vườn chim Bạc Liêu.
Vậy là xong, Bảy Dê giải quyết được nợ nần và chuyện gia đình một cách may mắn. Em ông có được vàng để đăng ký đi với vợ con. Vấn đề nan giải nhất của ông đã được giải quyết. Trời Phật, tổ tiên, cha mẹ đã phù hộ cho ông được làm anh với đầy đủ bổn phận và trách nhiệm của mình.
Ông Bảy bán cái tủ thờ cây cẩm lai khảm xà cừ hình ngũ tử vinh quy lấy một số tiền. Bộ lư đồng rễ tre gia bảo ông không bán, dù người khách mua tủ thờ rất thích, trả giá rất cao. Ông gởi bộ lư vô chùa nhờ hòa thượng giữ dùm. Hòa thượng là một bậc chân tu và minh bạch, dù sau này ông và hòa thượng không còn nữa, con cháu của ông cũng vẫn có thể nhận lại được. Ông tin tưởng như vậy. Cây lão mai 100 tuổi thì giao cho Hai Tôn.
Bảy Dê tới Sở Giao thông kiếm Hai Tôn, báo tin cho biết mình đã bán được nhà và còn được cấp đất ở khu kinh tế mới đường biển. Ông muốn chở cây lão mai và mấy cây kiểng còn sót lại tới nhà Hai Tôn. Hai Tôn cười hỏi ông:
- Bây giờ anh Bảy có hài lòng chưa?
Bảy Dê cũng cười nói:
- Bây giờ tui thấy nhẹ lòng. Tui không còn gì phải lo, không còn gì phải phàn nàn, được có đất cho riêng mình. Không làm nổi thì làm vài công ruộng, đủ lúa ăn. Còn lại trồng rừng nuôi chim cho vui.
Nói rồi ông cười hì hì, hiếm khi nào ông cười thật sự thoải mái như vậy. Xưa ông nội của ông có cả chục ngàn mẫu đất, cha ông có cả ngàn mẫu. Nhưng thật ra ông không có mẫu đất nào. Giờ ông có riêng cho mình hai mẫu đất. Mắc cười thiệt...
Bỗng dưng Bảy Dê nhìn thẳng vô mắt Hai Tôn rồi nói:
- Tui có chuyện này nói với Hai Tôn, nếu anh giúp được thì tốt còn không được thì thôi, tui cũng không có buồn phiền gì.
Hai Tôn biết Bảy Dê đang muốn nhờ anh điều gì quan trọng nên mới có vẻ như vậy.
- Anh Bảy nói đi. Cái gì làm được tui sẵn lòng mà.
Bảy Dê ngập ngừng:
- Tui muốn xin đi làm, vườn chim không ai quản lý, chim bị săn bắn nhiều quá. Chim ra ràng bị bắt đem bán. Nếu không có người giữ thì vườn chim sẽ mất, chim sẽ bỏ đi hết. Tui xin được ra giữ vườn chim. Có lương cũng được, không lương cũng được. Tui tự trồng trọt, câu cá sống. Anh Tôn thấy sao?
Hai Tôn ngẩn người ra, anh chợt phì cười khi thấy Bảy Dê bày tỏ như vậy. Muốn giữ vườn chim không có lương cũng được chỉ vì thương lũ chim thôi. Bảy Dê thật ngây thơ và lương thiện.
Bảy Dê giải thích thêm:
- Tui không đóng góp gì cho quê hương, xưa giờ tui chỉ đi học, đi chơi, nghe nhạc, nhảy đầm… giờ già rồi hiểu ra đã muộn. Tui cũng hiểu phận mình không có tài cán gì lo cho chuyện người, thì tui xin lấy sức ra cứu giúp bảo tồn cho loài vật vậy. Chúng cũng rất đáng thương và có ích cho môi trường.
Hai Tôn cảm được những gì Bảy Dê nói nên anh không còn cười nữa, anh nghiêm trang:
- Tui hiểu những gì anh nói. Việc anh muốn làm có ý nghĩa rất lớn. Tui trân trọng ý kiến và tấm lòng của anh. Nhưng chuyện này ngoài khả năng và thẩm quyền của tui. Tui cũng không biết bây giờ vườn chim này do Ủy ban tỉnh hay do Trung ương quản lý, để chỉ anh tới đó nộp đơn xin việc.
Thôi bây giờ tui nghĩ anh cứ làm đơn nộp nhiều nơi cầu may thử xem. Biết đâu đơn của anh tới được nơi người ta đang cần. Tuy nhiên anh cũng đừng hi vọng nhiều quá, thời điểm này lo cho con người còn chưa xong.
- Biên giới Tây Nam lại đang có chiến tranh, làm sao lo được cho vườn chim. Anh cứ gởi đơn đi, việc thành hay không thành, tui cũng ủng hộ anh tới cùng.
Hai Tôn là một người bạn tuyệt vời. Anh có tấm lòng và sự từng trải. Anh là ngọn lửa trong đêm tối, soi sáng và sưởi ấm cho những trái tim cô đơn và mất phương hướng như Bảy Dê.
Ông Bảy Dê viết rất nhiều đơn xin tình nguyện giữ vườn chim. Ông gởi đi khắp nơi. Trong tỉnh có nhiều cơ quan có bảng tên, có nhiều cơ quan không có bảng tên rõ ràng, chỉ có bảng đỏ với hàng chữ lớn “Không có gì quý hơn độc lập tự do” hay “Chủ nghĩa Mác - Lênin bách chiến bách thắng, vô địch muôn năm” là ông xông vô nộp đơn.
Các cơ quan đều có người canh gác cẩn mật. Bảo vệ không cho ông vô mà biểu ông gởi đơn lại để họ chuyển cho lãnh đạo sau.
Có nhiều người quen thấy vậy nói ông bị khùng. Một số người thương ông thì chỉ ông, khi gởi đơn cho bảo vệ nhớ kèm một gói thuốc thơm để trả công thì sẽ được quan tâm hơn.
Bảy Dê không nhớ đã viết và gửi bao nhiêu đơn đi, ông chỉ nhớ là đã hết một cây thuốc Thủ Đô mà chưa được cơ quan nào trả lời.
 
X
Sau ngày lễ hạ điền mùng 5 tháng Năm âm lịch, Bảy Dê ra khu kinh tế mới ở. Ông là người tình nguyện trong đợt đi đầu nên ông được ban vận động kinh tế mới làm sẵn cho mọi thứ, như dựng nhà, làm bờ ruộng, dọn cỏ, cho lúa giống và nhiều thứ nữa để họ chụp hình lên báo.
Ông là người đầu tiên và nhà ông là nhà mẫu, là ruộng mô hình. Mặc dù nói là ông đi trong đợt đầu gồm một số hộ gia đình khoảng mười nhà nhưng thật ra những hộ kia chỉ có tên thôi. Họ đại diện ra nhận nhà, nhận đất trong một hai ngày rồi lặng lẽ rút êm. Ông Bảy Dê đành chịu trận ở lại một mình trong đợt đầu này.
Kệ, ở một mình cũng yên tĩnh. Lúa giống ban xây dựng kinh tế mới cho, ông sạ xuống chừng ba công, dự tính đủ lúa ăn còn lại mười bảy công, ông để dành trồng rừng cho chim ở.
Ông tính sao là làm vậy, nhưng ôi thôi, lúa sạ xuống bao nhiêu chuột đồng tới ăn hết bấy nhiêu. Chỉ trong vòng một đêm là hết sạch, kiểu này số lúa giống chuẩn bị sạ hai mươi công chắc chỉ đủ cho hai hoặc ba công là cùng.
Kệ nó, ông Bảy Dê không quan tâm. Ở đất Bạc Liêu này lúa rẻ bèo mà lo gì, với lại ông có một mình mà ban kinh tế mới lại phát cho một hộ ba chục ký gạo một tháng, nuôi ăn trong mùa lúa đầu thì còn gì mà lo nữa.
Từ khu kinh tế mới đi về chợ Bạc Liêu khoảng chừng hơn hai cây số cũng gần. Sáng nay ông Bảy Dê đi chợ mua đồ dùng và ghé chùa thăm hòa thượng, đồng thời coi có ai gởi thơ cho mình không, ông mượn địa chỉ của chùa để nhận thơ từ.
Bảy Dê có thơ của thầy giáo Còn, lá thơ nhầu nát và đầy nước mắt. Có lẽ thầy Còn vo nát lá thơ và không muốn gởi đi nhưng sau đó lại đổi ý.
Thầy Còn báo hung tin, toàn bộ gia đình của thầy hơn năm chục người lớn nhỏ đều bị bọn Khmer Đỏ giết sạch trong chùa Phi Lai, không sống sót một người...!
Ông Bảy Dê nghẹn trong họng và bủn rủn tay chưn, ông lắp bắp:
- Không còn một người sống… không có một người chạy thoát… Sao vậy trời…!
Thầy Còn viết thêm:
- “Ông nội ơi, cha mẹ, cô bác ơi, con phải phụ lòng mọi người rồi, con không đi dạy học nữa. Con đi lính để giết bọn quỷ này. Thù này mà không trả được, làm sao làm người được, làm sao con có thể ở thành phố, yên lành dạy học được.
Nếu còn sống, con sẽ về Ba Chúc và về thăm chú Bảy Dê. Kính thơ!”.
Ông Bảy Dê cầm lá thơ của thầy Còn trên tay lững thững đi ra Quan Âm Phật Đài. Ông quỳ xuống chắp hai tay bái lạy, kẹp lá thư của thầy Còn ở giữa.
- Con cầu xin Phật Bà phù hộ cho thầy Còn bình an sống sót trở về. Thầy Còn là người tốt, là người duy nhất còn sót lại trong gia đình, xin Phật Bà bảo vệ giống nòi lương thiện này.
Rồi Bảy Dê đứng dậy đi ra khỏi chùa như một cái xác không hồn quên luôn không vô chánh điện chào hòa thượng, quên luôn ghé chợ mua trà và mua đồ. Ông đi một cách vô thức qua cầu Quay rồi đi về hướng biển, qua khỏi nhà thờ, qua trường Tương Lai ông mới dần dần hoàn hồn lại.

Tới đầu cầu thứ ba thì từ phía đường đi Vĩnh Châu có một người phụ nữ Khmer đạp xe chở một lồng chim sáo non chưa đủ lông, đâm thẳng vào người ông. Chiếc xe đạp lật ngang, người phụ nữ và cái lồng sáo ngã xuống trên con đường nhựa loang lổ ổ gà.
Ông Bảy Dê cũng té ngữa bên cạnh.
Người đi đường xúm lại đỡ ông Bảy Dê, chị phụ nữ, chiếc xe đạp và cái lồng sáo lên.
Có một người nói:
- Thằng xe lôi chạy ẩu lủi vô cô nầy, cô nầy tránh nó, cổ ủi ông già.
- Dạ… Dạ con xin lỗi “Pu”[7], xe con hổng có thắng.
Người đi đường thấy đôi bên không có gì nên tản đi cho hai người tự dàn xếp. Ông Bảy Dê và người phụ nữ Khmer đứng bên lề đường, bầy sáo con kêu om xòm vì sợ và vì đói khát.
- Cô bán sáo hả? Một con bao nhiêu? Một lồng này bao nhiêu tiền? Cô nói thử, nếu đủ tiền tui mua nguyên lồng phóng sanh cầu nguyện cho thầy giáo Còn được mạnh giỏi trở về.
Nghe tiếng chim kêu loi nhoi chíp chíp như cầu cứu, bỗng dưng ông Bảy Dê động tâm nghĩ tới thầy Còn và tới những con chim biển mà thầy Còn cùng ông đã cứu mấy tháng trước. Ông buộc miệng nói như vô thức.
- Dạ mấy con này vợ chồng con đi bắt trong rừng, không có vốn mua. Con tính bán hết được cỡ năm chục đồng bạc, một con một đồng. “Pu” mua mão cầu phước, trả con ba chục cũng được, con cho “Pu” cái lồng luôn.
Ông Bảy Dê vét hết túi còn hơn sáu chục đồng, ông đưa hết cho người phụ nữ Khmer.
- Cô lấy hết đi, về lo cho chồng con, miễn thầy giáo bình an. Tui không có tiền cũng được.
Nói rồi ông quơ tay xách lồng sáo cúi đầu đi không nhìn lại. Người đàn bà Khmer ngơ ngác ngó theo. Một tô hủ tiếu cửa hàng quốc doanh, sắp hàng mua phiếu giá một đồng, vậy mà ông cho mình hết, thôi đương nghèo khổ quá, làm xấu lấy đại. Về nhà tiếp cầu phước cho thầy giáo, sau này có duyên gặp ông già trả lại tiền. Ờ mà quên hỏi tên thầy giáo sao cầu nguyện được.
Người phụ nữ Khmer vội đạp xe theo ông Bảy Dê.
- “Pu” ơi, thầy giáo tên gì để con vô chùa cầu nguyện cho thầy giáo tiếp với “Pu”. Với lại “Pu” tên gì, ở đâu để sau này con trả tiền lại cho “Pu”.
- Thầy giáo tên Còn, tui ở khu kinh tế mới. Nhưng cô khỏi trả lại tiền, cô cúng chùa hết cầu cho thầy giáo được bình an là tui cảm ơn cô rồi.
Người đàn bà Khmer nhìn ông Bảy Dê cúi đầu xách lồng sáo con đi. Chị không hiểu gì hết, nhưng chị thấy thương ông quá… Chị lẩm bẩm:
- Thầy giáo Còn… Bảy Dê, khu kinh tế mới…
Ông Bảy Dê về tới nhà ở khu kinh tế mới. Con đường đất dẫn vô xóm nhà trơn trợt, ông phải bấm ngón chưn cái xuống mặt đất mềm cho khỏi té. Dáng ông nghiêng ngả lẻ loi trên cái xóm mới vắng vẻ. Nói xóm vậy thôi chớ chỉ có năm căn nhà lá mới được dựng lên và chỉ có một mình ông tới ở trước.
Ở Bạc Liêu, đa số người dân ở chợ đều có quê đây đó trong các làng xã thuộc huyện Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai, Phước Long nên mọi người chọn về quê của mình làm ruộng, lập vườn. Ở đó có bà con họ hàng, có điện nước, trường học, trạm xá, chợ búa và đất thuộc màu mỡ nữa. Còn đất khu kinh tế mới này là đất mới, đất trung gian giữa đất ngập mặn và đất thuộc, trồng lúa trồng cây chưa tốt, năng suất rất thấp, đường sá chưa xong, lại chuột bọ, muỗi mòng nhiều nên dù cho không hai mẫu đất cất nhà sẵn và hỗ trợ gạo thóc mà mọi người cũng chê. Họ đăng ký đi kinh tế mới nhận đất theo lệnh nhưng thật sự không ra ở, mặc dù khu kinh tế mới của Bạc Liêu là khu kinh tế mới tốt nhứt so với các nơi khác rất nhiều.
Riêng ông Bảy Dê thì rất hài lòng, ông không có con để đưa đi học, không có cha mẹ già để cần ở gần bệnh viện, ông cũng không cần đi chợ hàng ngày. Ở đây tôm cua cá chung quanh nhà hay dưới mương đều sẵn có, trồng vài dây mướp, một liếp rau là đủ, không trồng thì hái rau rừng ăn cũng xong. Gạo nhà nước cho, muối thì dân cho, ở xứ gạo muối mà có gì lo.
Ông Bảy Dê về tới nhà đặt lồng chim lên cái ghế tre rồi đi nấu nước pha trà uống. Ông chỉ còn nặng nghiệp thuốc lá, trà và cà phê thôi. Nhưng những ngày về kinh tế mới ở tới giờ, ông bỏ luôn cà phê. Còn thuốc lá thì chuyển sang thuốc rê, trà thì hòa thượng cho mỗi khi ông đi chợ ghé chùa.
Uống xong một tuần trà, tỉnh người lại, ông Bảy Dê chợt nhận ra đám sáo con này không thể phóng sanh ngay được. Chúng chưa mọc đủ lông, chưa có mỏ cứng. Có những con trụi lủi với chút lông mới mọc ngó như một con nhím tí hon vậy.
Ông Bảy Dê nhìn bầy sáo con rồi lẩm bẩm:
- Không sao mấy con, ông chuyên cứu cái kiểu này mà, tụi con đừng lo. Ở đây ngoan ngoãn hai tuần nữa thôi là tụi mầy sẽ bay đi “tung cánh chim về tổ ấm” thôi.
Ông Bảy Dê tạm cho tụi sáo con ăn cơm nguội với chuối xiêm chín. Cũng may trong nhà ông còn một nải chuối xiêm đen người ta cho, một mình buồn nên ông chưa ăn để chín thâm kim. Chuối này thích hợp cho tụi sáo con. Đám chim con bu quanh cái dĩa nhôm đựng cơm nguội và chuối giành ăn. Tụi nó cúi xuống, ngóc lên, thiệt vui mắt. Một số con còn nhỏ quá chỉ biết hả miệng ra kêu chét chét, chích chích… chờ đút thức ăn.
Ông Bảy lấy cái lờ đặt cá sặc ra, bắt mấy con chim chưa biết tự mổ ăn nhốt vô lờ để tiện chăm sóc riêng. Lũ chim ăn xong, ông Bảy ra sau hè múc một tô nước mưa đem vô định cho tụi nó uống.
Nước mưa nhà lá mới màu vàng khè còn hơn màu nước trà. Ông Bảy nghĩ, lá dừa nước mùa đầu còn chát lắm, sợ tụi chim con còn nhỏ yếu bụng, uống vô dễ bị tiêu chảy. Mà tụi này hễ bị tiêu chảy là khó qua khỏi. Nghĩ vậy nên ông Bảy cho tụi sáo con uống nước trà nguội ông uống còn dư. Màu nước trà cũng giống y như màu nước mưa nhà lá nhưng được nấu chín và lành hơn. Tụi sáo con có vẻ thích thú với món thức uống này.
Ông Bảy Dê cũng không ngờ là sau này ông làm cho bầy sáo ghiền trà. Chúng ăn xong cứ đòi uống trà, nước mưa trắng lấy từ cái thau để ngoài trời chúng không thích. Nước mưa nhà lá cũng có màu trà, chúng tưởng trà chạy tới uống một chút rồi lại bỏ đi.
Ông Bảy Dê cũng không biết mình đã vô tình tìm ra một phương pháp mới nuôi chim không cần nhốt lồng. Chúng cứ tự do bay nhảy kiếm ăn, và tới giờ lại bay vô kiếm trà uống. Chúng cũng như ông vậy, một ngày uống ba cữ trà đều đặn.
Vài bữa sau, ông Bảy làm thêm một cái vó tép nhỏ và một cái vợt có tùng dài một mét để bắt châu chấu cào cào cho sáo ăn thêm mỗi ngày. Ông vò đất sét rồi lăn cám rang bỏ vào vó để đặt tép mòng và đi bắt cào cào một vòng là đủ cho bọn sáo con ăn trong một ngày.
Bầy sáo lớn mau với cơm nguội, chuối chín, tép mòng, cào cào, châu chấu và nước trà. Cũng như kiểu cứu chim biển ngày trước, tụi sáo cứ con nào biết bay là ông cho chúng tự do bay đi. Thật kỳ cục, đám sáo này cứ bay đi chơi rồi đúng cữ trà lại bay về uống trà với ông rồi tối lại vô chuồng ngủ như gà vậy.
Ông Bảy muốn tụi nó bay về rừng luôn vì tụi nó thuộc về thiên nhiên, rừng là quê hương của chúng. Nên chúng uống xong cữ trà chiều, ông đóng cửa lồng lại không cho chúng vô ngủ. Mấy con sáo bực bội bay lên cây xiên la ó um sùm. Ông Bảy cũng vui với tụi sáo nhiều chuyện này. Nhìn tụi nó bay nhảy, thọc mỏ vô tô nước trà, ông tức cười mà quên đi nỗi buồn cô độc. Nhưng cũng có khi nhìn chúng ông lại nhớ quay quắt thầy giáo Còn rồi lại buồn hơn.
Mấy con sáo này thiệt khôn, chúng tò mò phá phách và học lóm mau như khỉ vậy. Ông Bảy Dê không muốn tụi nó vô lồng nữa vì chúng nó đã bay giỏi hết rồi. Nên khi tụi nó bay ra khỏi lồng uống nước trà với ông, ông kéo cửa chuồng xuống. Tụi nó nhìn vậy là vài bữa sau có con biết cách lấy mỏ rúc vô kẽ cửa, hả mỏ ra nâng cửa lên, rồi lấy chưn đẩy lên, sau đó chui đầu vô đứng trên cửa lồng lấy vai đội cửa lên cao cho cả bọn chui vô.
Thấy tụi nó tự ý mở cửa lồng để đi vô, ông Bảy la, vậy mà tụi nó biết nhảy lên đạp cửa xuống, đóng cửa lồng lại… sau đó cả bọn đứng bên trong chí chóe la ó, phân bua, đáp trả lại ông. Tụi sáo nghệ này tinh quái thiệt, biết tự đóng mở cửa lồng khi bay ra và trở về.
Hình như trong các loại sáo thì sáo nghệ khôn và dạn người nhứt. Chúng học nói cũng mau hơn sáo trâu và sáo sậu, sáo sành. Tụi sáo nghệ nhỏ con hơn nhưng gan lì và đá lộn rất giỏi. Nó dám đá tay đôi với con quạ lớn hoặc con gà trống nòi luôn.
Bọn sáo nghệ này dễ nể thiệt.
Ông Bảy nghiệm ra rằng: sở dĩ đám sáo nghệ này có những khả năng kỳ diệu như vậy là vì tụi nó cảm nhận nhau bằng trái tim giống nòi chớ không bằng đôi mắt ngó thấy hay sự xúc chạm bởi đôi chưn hoặc đôi cánh. Vì vậy mặc dù tụi nó có khi do giành ăn cũng đá nhau nhưng không bao giờ tiêu diệt nhau mà vẫn luôn bảo vệ đồng loại trước sự tấn công của các loài khác.
 
XI
Tháng 8 năm 1978 nước sông Mê Kông dâng cao, đồng bằng sông Cửu Long lụt lớn. Nghe đài báo đồng bằng Tây Nam Bộ mất trắng ba trăm ngàn hecta lúa đang trổ đòng đòng. Người dân các tỉnh Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long tản về Bạc Liêu để tránh lụt và được tiếp tế gạo thóc. Lớp thì đi ghe xuồng các loại chở theo cả gia đình với chó mèo gà vịt. Có tốp thì đạp xe ba gác, xe vua đem theo gia đình xuống Bạc Liêu tị nạn, cơ cực trăm bề. Người già, con nít ở đậu cửa chùa, trường học, nhà dân. Vợ chồng thay nhau đạp xe vua, xe ba gác, làm mướn kiếm tiền sống qua ngày.
Dưới sông các đoàn ghe của miệt Long Xuyên, Châu Đốc kéo xuống kết chùm, neo đậu gần chợ Cà Mau như một cái làng bè nuôi cá ở Châu Đốc vậy. Cả nhà cùng sống trên ghe, thiếu thốn cái gì thì lên bờ nhờ nhà dân giúp đỡ. Mọi người nương dựa nhau, chia sẻ nhau mà sống. Mấy người lớn tuổi nói cảnh tượng này giống cảnh hồi năm 1946, cả làng, cả thị xã kéo nhau đi tản cư.
Đoàn ghe của bà con từ Bến Tre, Cù Lao Dung, Trà Vinh về Bạc Liêu tạm trú. Họ đồn là cửa biển Ba Thắc trên Cù Lao Dung bị trận lụt kinh hoàng này lấp mất cửa biển rồi. Bây giờ sông Cửu Long chỉ còn lại tám cửa thôi. Con rồng bị Hà Bá chặt mất một cái đầu. Thất Sơn Bảy Núi là hào dương, Cửu Long chín rồng là hào âm. Bây giờ mất một cửa, âm dương mất cân đối không biết điềm lành hay là điềm dữ đây.
Ông Bảy Dê không quan tâm những chuyện xảy ra bên ngoài. Ra đây ở, vắng vẻ yên tĩnh ông chỉ suy nghĩ lại chuyện đời mình và gia đình mình. Ông ôn lại cuộc đời mình từ thuở nhỏ sống với cha mẹ rồi lớn lên ra xã hội có vợ con ông đã làm được những gì, đúng sai thế nào và từ đây tới khi ông chết, ông sẽ sống như thế nào, làm gì để những ngày tháng còn lại của ông dưới ánh mặt trời này có ý nghĩa hơn.
* * *
Giờ đây nhà ông thành nhà của gần năm chục con sáo phóng sanh tinh quái ồn ào này. Chúng kêu la, uống nước trà, rồi ỉa đầy nhà, đuổi không chịu đi. Ông tính mua để phóng sanh làm phước cầu cho thầy Còn bình an, không ngờ bây giờ chúng chiếm luôn nhà ông để ở mà còn hành ông pha trà hầu chúng một ngày ba cử nữa!
Ông Bảy Dê tính đi mua hột ớt hiểm về trồng để có trái cho chúng ăn. Có vài con ồ ề nói tiếng người rồi. Tụi sáo nghệ này khoái ăn ớt lắm, ăn ớt mau lột lưỡi mới nói tiếng người được. Ông sẽ dạy chúng nó học tiếng người, nói chuyện với ông cho vui.
Ớt của ông Bảy Dê trồng chưa có trái vậy mà đã có một con sáo đỏ đẻ học nói rồi.
Con sáo lớn nhất trong lồng nhảy lên miệng vành tô nước trà để trên bàn ông Bảy Dê vừa mới rót, sợ nó phỏng lưỡi nên ông huơ mạnh tay đuổi nó. Lâu nay ông luôn nhẹ nhàng mà nay lại có hành động như vậy, con sáo giựt mình nhảy ra, đứng trên bàn xù lông cổ, khuỳnh hai cánh kêu cò két, cò két… một hồi, bỗng nói lớn.
- Choy me… kéo kéo…
Ông Bảy giựt mình, nó nói gì, không lẽ nó chửi mình. Ông Bảy vẫy tay để cho nó nói lại. Con sáo lặp lại.
- Choy me… éo… éo…
Ông Bảy chợt hiểu ra, ông bật cười:
- Khà khà, mày chửi thề hả?
Chắc đi ăn trộm ớt bên rẫy của mấy người Miên ngoài xóm Đầu Lộ bị người ta chửi, nên nó học được, vậy con này lột lưỡi rồi. Ông Bảy Dê chợt nhớ ra xung quanh khu này, gần ngã tư Giồng Nhãn có nhiều hộ trồng rẫy ớt và rau cải. Bầy sáo này chắc đi ăn trộm ở đó nên mau lột lưỡi rồi học tiếng chửi của người ta luôn.
Vậy còn kéo kéo là gì?
- À thì ra nó nói: “ĐM… con sáo”.
Tiếng Khmer là “choy me cà keo”.
Ông Bảy Dê bật cười, vậy ông khỏi lo trồng ớt nữa, tụi sáo ranh ma này biết dạy nhau cách tự kiếm ớt ăn.
Một con biết nói thì mấy con khác lần lượt học theo con đó. Kệ tụi nó, tụi nó vô tư mà. Nó nói mà nó có hiểu cái gì đâu. Nó chửi tụi nó nghe mà…
Mỗi lần nghe đám sáo tự chửi mình, ông Bảy cười khà khà, chỉ vô tụi nó rồi nói:
- Khà khà… mầy xạo… tụi mầy xạo quá…
Mấy con sáo im lặng lắng nghe, vài bữa sau tụi nó bắt đầu nói câu mới:
- Khà khà… mầy xạo… mầy xạo quá…
Rồi chúng chia làm hai phe chửi lộn thiệt là vui:
- Choy me… kéo kéo…
- Khà khà… mầy xạo quá… mầy xạo quá…
Về sau cả bầy nói được cả hai câu và ráp lại thành:
- Khà khà… choy me… mầy xạo quá…
Một số con khác nghe rồi nói vuốt đuôi theo:
- Khà khà… xạo quá… xạo quá…
 
XII
Ngày qua ngày, nhờ có bầy sáo, ông Bảy Dê cũng vui, thấm thoát đã tới mùa gặt lúa. Loa phát thanh báo, miền Tây bị lụt mất mùa nhưng đặc biệt Bạc Liêu - Cà Mau lại trúng lúa. Một số cánh đồng có năng suất cao. Chính quyền huy động nam nữ học sinh cấp ba đi chiến dịch cứu đói.
Nam sinh lớp 12 thì đi quân trường chuẩn bị cho chiến tranh biên giới Tây Nam, số còn lại và các học sinh lớp 10, 11 tới các nhà máy vác lúa do các hộ nông dân mang tới từ ghe vào kho, rồi sau đó lại vác từ kho xuống các đoàn ghe tải nhỏ 30 tới 50 tấn chở đi Sài Gòn.
Chiến dịch thật sôi động, có khi làm xuyên đêm, không đủ bao đựng lúa thì vác cần xé đổ thẳng xuống ghe chở xá, không cần cân hay đong đếm gì cả. Tới bến Bình Đông người ta đặt ống hút lên kho, cũng không cần đo đếm gì hết.
Ghe vận chuyển lúa khai bao nhiêu thì người nhận nhập kho viết phiếu bấy nhiêu hoặc căn cứ theo trọng tải của ghe trên sổ đăng ký mà tính công vậy thôi.
Có người bạn ghe vận tải cứu đói Sài Gòn về kể lại, đi qua vàm Kỳ Hôn và những đoạn sông lớn gần vùng bị lụt thường có bọn bối nước[8] giả bộ tắm sông, tụi bối lội theo ghe dùng móc sắt có nối một sợi dây dài để móc các bao lúa tấn hai bên be ghe. Khi ghe chạy thẳng dây thì móc sắt kéo bao lúa chìm xuống sông. Ghe đi rồi bọn bối nắm đầu dây kia, kéo bao lúa lên đem về phơi hay sấy khô, chà gạo bán. Nếu lúa ngâm lâu quá bị úng thì chà sơ rồi xay bột làm bún hay hủ tiếu, bánh tráng bán cho Sài Gòn, cái gì ăn được thì bán được.
Mà các anh bối nước ăn cắp lúa làm chi, có khi nguy hiểm tới tánh mạng. Trên ghe tải chiếc nào cũng được cấp súng AK47 để bảo vệ hàng hóa. Ghe tải chở lúa đâu có cân đo đong đếm gì. Mấy bà già ông già và mấy cô gái chèo ghe bán chè, cháo, hột vịt lộn trên sông tới xin, bạn ghe xúc cho về ăn khỏi trả tiền, miễn thuyền trưởng gật đầu là được, vài thúng lúa ăn cầm hơi mà nghĩa lý gì.
Dân đồng bằng mình, hột lúa trời cho, chia nhau mà sống. Và dân “ba đờ ghe” trên sông nước trượng nghĩa khinh tài, chỉ cần bà con nói một câu phải là cho liền khỏi cần nói cảm ơn.
Cuối năm 1978, quân Việt Nam tiến qua Miên đánh bọn Khmer Đỏ tới đầu tháng Giêng năm 1979 thì giải phóng được Campuchia. Ông Bảy Dê nghe loa phát thanh nói mà mừng, ông luôn cầu mong chiến tranh mau kết thúc. Một ngày còn chiến tranh là một ngày có nhiều người chết trong tuổi thanh xuân.
Thầy Còn vẫn biền biệt nơi nào đó chưa có tin tức. Tiếp theo đó do tình hình chiến tranh biên giới phía Bắc, Hoa kiều từ Sài Gòn về Bạc Liêu để đóng tàu, đăng ký xuất cảnh bán chính thức ngày càng nhiều hơn.
Bầy chim sáo giờ đã lớn, chúng chia thành nhiều nhóm nhỏ bay lượn khắp nơi. Cũng có nhiều con đã bắt cặp từng đôi về thăm ông. Ông không còn đếm xuể số lượng của chúng nữa, ông thật lòng mong chúng về thiên nhiên sống cuộc đời tự do của chúng. Kết đôi, làm ổ, đẻ trứng, ấp trứng, nuôi con và cứ vậy nối tiếp vào dòng chảy cuộc sống muôn đời này. Chúng không cần về thăm ông làm gì nữa…
- Tụi con hãy bay đi xa, làm ổ, có cuộc đời riêng của tụi con. Khi nào nhớ ta thì bay về thăm một chút rồi đi.
Ông nói thầm như vậy.
Tuy một số đã kết đôi bay xa, nhưng số ghiền trà mỗi ngày bay về uống trà với ông cũng không phải ít.
 
XIII
Ông Bảy Dê nhận được thơ của vợ ông và đứa con gái từ Mỹ gửi qua Pháp và từ Pháp, anh của ông chuyển về. Vợ ông cho biết bà và con gái hiện đã ổn định ở một bang lạnh giá phía bắc nước Mỹ. Con gái của ông đang đi học lại và bà đi làm lo cho con. Hai người được trợ cấp của chính phủ Mỹ, bà có việc làm nên cuộc sống đầy đủ. Con gái của ông cũng viết lời thương nhớ và mong gặp lại ông. Đọc thơ vợ con, lòng ông buồn vui lẫn lộn.
Như vậy cũng tạm yên rồi, vợ con ông đã bình an ở một bến bờ khác, hợp với họ hơn, như vậy họ sẽ được vui.
Một tiểu bang xa xôi ở phía bắc nước Mỹ gần biên giới Canada ít người Việt và có mùa đông lạnh lẽo tuyết trắng. Ông chắc không thể sống nơi đó được, đối với ông nơi đó như một miền đất trích lưu đày. Nhưng vợ con ông thì ngược lại, họ thấy hài lòng và thích hợp. Mỗi người có một sự chọn lựa, miễn họ ở được nơi họ chọn là vui rồi. Ông sống ở khu kinh tế mới này với lũ chim, với sình lầy nước mặn và muỗi mòng nhưng ông lại thấy hài lòng.
Vợ con ông chọn cuộc sống ở thành phố văn minh với tiện nghi vật chất cao như đa số mọi người, họ cố gắng làm việc, thức khuya dậy sớm, học hành, để có nhiều thứ như mọi người hoặc chỉ được bằng mọi người nhưng thật ra, có khi họ không thực sự cần thiết những thứ đó.
Còn ông ngược lại, ông chọn cuộc sống tối giản ở nơi vắng vẻ. Ông chỉ làm để có đủ những cái mình thật sự cần. Ông dành thời giờ suy niệm về cuộc đời và thuận tay thì giúp người hay vật ở xung quanh. Ông không có tài sản vật chất nhiều nhưng do không cầu vọng nhiều nên ông luôn thấy đủ và điều đó làm cho ông vui, ông hài lòng.
Vợ ông và ông thật ra khác nhau từ trong quan điểm sống. Hai người đã đi hai con đường khác nhau từ lâu lắm rồi, nhưng vì hai chữ vợ chồng, vì hai bên gia đình và vì đứa con chung mà cố gắng sống với nhau.
Giờ đây tuy mỗi người một nơi, một cảnh nhưng mỗi người đều được cái mình mong muốn. Hai người không ràng buộc và trì kéo nhau nữa. Đứa con chung của hai người cũng đã trưởng thành. Như vậy là thật sự tốt rồi.
Ông định sẽ viết thư cho vợ con ông vào một ngày nào đó để nói thật hết điều ông nghĩ trong lòng. Để mọi người đừng bận tâm về ông và vợ ông nếu có đi bước nữa thì cũng không có gì áy náy.
Nhưng ông nghĩ cũng không cần thiết lắm.            
Mùa mưa năm 1979, ông Bảy Dê không trồng lúa nữa. Một mình, ông trồng lúa thì chuột sẽ ăn sạch không còn một hột nào. Với lại đất cũng chưa thuộc, năng suất lúa rất thấp. Ông trồng rừng trên cả hai mẫu đất ruộng còn ngập nước. Những giống cây có sẵn ở vùng này ông gom về đủ loại như mắm, đước, vẹt, tra, cóc, giá, bần, quao, chà là… Những chỗ đất cao không ngập thì ông trồng cây gừa, cây lâm vồ, cây trứng cá để có trái cho chim ăn. Ông trồng đủ thứ miễn là thành rừng cho chim về ở là được. Cây nào sống được thì sống, không sống được thì thôi. Ông để tự nhiên cho trời đất định đoạt.
Vườn chim ngày xưa sát nơi mé biển, cá tôm nhiều, ngập mặn hoang vắng, chim biển có chỗ ở, có nhiều thức ăn nên chúng tụ tập đông đảo. Bây giờ biển bồi ra xa, tôm cá ít, đất đã nhả mặn, người tới ở nhiều thì chim biển bay đi tìm nơi khác.

Cây đước, cây vẹt, cây giá, cây mắm không phát triển được nữa thì những loại cây khác như cóc, bần thay thế.
Các loài chim rừng như sáo, cưỡng, sẻ quạt, sa sả, chẽo chẹt, trao trảo, bìm bịp tới thay thế các loài chim biển.
Vài chục năm nữa đất thuộc hẳn, rừng biến mất, đất ruộng muối biến thành ruộng lúa thì các loài chim rừng lại ra đi và sẽ thay bằng các loại chim ăn lúa như chim sẻ, chim cu, chìa vôi, chích chòe, manh manh, chào khách...
Cây này mất đi thì cây khác thích hợp hơn thay thế. Loài chim cũng vậy, chim biển đi, chim rừng tới và ngày nào đó thì chim ruộng lại thay thế chim rừng.
Quy luật phát triển là vậy, một thứ mất đi thì sẽ có một thứ mới xuất hiện.
Tiếng kêu vang lanh lãnh của chim biển trên trời cao làm ông nhớ, nhưng không phải tiếng véo von của bầy sáo không làm ông vui thích. Và mai kia khi ông già yếu, mảnh đất rừng này thành thuộc thì tiếng cu đất kêu rúc vang vọng trên đồng lúa ông lại nghe hay hơn tiếng sáo rừng véo von của hôm nay.
Tháng 6 trời mưa dầm, nông dân nói mưa này là “mưa lấy nước mần ruộng”. Bầy sáo phóng sanh giờ đã bắt cặp, làm ổ lai rai trên hàng cây trâm bầu ở miếng biền phía sau dãy nhà kinh tế mới.
Năm nay có được thêm khoảng mười hộ dân dọn tới nhận nhà, nhận đất ở. Đất cho không hai hecta, không nhận thì uổng. Trồng lúa không được thì trồng bồn bồn, rau dừa, rau ngổ, rau nhút bán cũng được. Đối đế quá thì trồng rừng, vài chục năm sau cây lớn lên cũng có tiền.
Ban kinh tế mới làm cho xóm cây cầu xi măng thay cây cầu ván, đặt một loa phát thanh trên con đường nối từ đường biển vô tới từng nhà.
Mấy ổng còn hứa hẹn là năm nay sẽ đóng một cây nước độ sâu một trăm tám chục thước cho dân có nước ngọt tốt nhất xài chung và năm sau nữa sẽ kéo điện dìa xài.
Hộ dân mới dọn tới bên cạnh nhà ông Bảy là một cặp vợ chồng trẻ người Khmer có ba đứa con nhỏ. Hai vợ chồng này là người ngoài xóm Đầu Lộ, không có đất nên chính quyền cấp đất kinh tế mới cho làm. Mấy hộ còn lại đều là người ở chợ đi theo diện vận động.
Hai vợ chồng Khmer dẫn ba đứa con nhỏ qua chào ông Bảy. Gặp bầy sáo bay nhảy tự nhiên trong nhà, anh chồng rất ngạc nhiên, còn mấy đứa nhỏ thì thích thú, chỉ chỉ và nói gì đó với đám sáo, tụi sáo cũng cò két đáp lại. Hình như giữa tụi nhỏ và bầy sáo có biết nhau trước.
- Dơ… cà keo… cà keo…
Ba đứa nhỏ Khmer mừng rỡ kêu lớn, bầy sáo đáp trả tức khắc:
- Choy me... cà keo… cà kéo…
Anh chàng Khmer cười lớn quay qua nói với ông Bảy.
- Bầy sáo này của Pu nuôi hả? Tụi nó qua rẫy ớt của ông già vợ tui ăn cắp ớt chín hoài. Ông già vợ tui kêu mấy đứa con tui ra giữ ớt, con tui chửi tụi nó, tụi nó học mấy tiếng rồi chửi lại. Ông già vợ tui nghe, ổng cười hoài. Ổng tu nên ổng thương con vật lắm.
Ông Bảy Dê cũng cười. Vậy là ông có được hàng xóm tốt, hiền lành.
Từ ngày có ba đứa nhỏ Khmer tới và xóm có cái loa phường, bầy sáo như có bạn chơi, chúng về tụ tập nói chuyện nhiều hơn. Ông Bảy Dê thấy vui mà cũng thấy phiền. Mỗi lần có tiếng con nít hò hét hay tiếng loa phát thanh lớn là bầy sáo lại kêu theo:
- Choy me… cà keo… xạo!
- Mầy xạo quá… khà khà…
 
XIV
Mùa mưa năm đó hai vợ chồng chú Tám Me và mấy đứa con xuống tàu đi. Ông Bảy Dê ra chợ tiễn gia đình của em mình. Hai anh em ăn với nhau buổi cơm chia tay, Bảy Dê nói:
- Gia đình anh De Gaulle, gia đình anh Decoux và hai chị Marie, Margueritte ở Pháp ổn định hết rồi. Vợ con anh qua Mỹ theo bên ngoại ở Minnesota. Gia đình chú có dự tính gì chưa?
- Dạ tụi em muốn đi Úc nhưng tùy vào ông trời thôi. Bây giờ tới bờ, tới bến bình an là được rồi.
- Chú Tám yên tâm đường biển đi thẳng từ Bạc Liêu mình tới Mã Lai gần xịt à, khoảng chừng hơn ba trăm hải lý một chút. Ghe của chú đi thuộc loại tàu cá lớn hoán cải lại, đặt máy hai trăm năm chục mã lực, tốc độ khoảng tám hải lý một giờ. Ghe xuất bến chạy thẳng khoảng hai ngày hai đêm, bốn mươi tám tiếng là tới bờ Mã Lai. Chạy hơn một ngày là thấy giàn khoan dầu ngoài khơi rồi, chú yên tâm.
- Bộ anh không tính đi hả?
- Ừ! Anh em mình đi hết rồi. Anh ở lại coi mồ mả ông bà. Với lại anh cũng già rồi, anh cũng không có tài làm ăn kiếm tiền, anh cũng không hợp với văn hóa phương Tây. Anh chọn ở lại vì anh thấy anh hợp với đất quê mình. Anh ở lại cũng để khỏi làm vướng bận vợ con, để cho họ rảnh tay làm những gì họ mong muốn.
Thôi chú đi bình an. Mấy cậu của mình đi tập kết hai chục năm cũng trở về mà, biết đâu chục năm sau chú cũng trở về.
Hai anh em siết tay nhau rồi rời đi sau bữa cơm chiều.
* * *
Vậy là người anh em máu mủ, người thân cuối cùng của ông Bảy Dê cũng đã ra đi.
Anh Ba Chài cũng đi theo một chuyến tàu đăng ký khác. Người ta thấy anh nhanh nhẹn, khỏe mạnh và không say sóng nên chủ tàu cho anh làm thủy thủ cột dây, tiếp tế đồ ăn nước uống cho hành khách. Anh Ba Chài được đi miễn phí nhưng vợ con anh ở lại. Ba Chài năn nỉ cho vợ và hai đứa con đi luôn, qua bên đó hai vợ chồng anh đi làm trả tiền dần. Ông chủ nói, tàu đông người quá rồi, hai đứa con anh nhỏ quá, đi theo ở dưới hầm tàu lâu sợ chết ngộp. Nếu một mình vợ anh thì có thể ổng ráng giúp được, anh đi hết gia đình, ông chủ không trang trải nổi số vàng nộp cho bốn đầu người.
Đoàn ghe đăng ký đã đi hết, sông Bạc Liêu bỗng trở nên yên lặng hơn, rộng hơn và buồn hơn trong mưa. Trên chợ nhiều hiệu buôn, nhiều tiệm tạp hóa đóng cửa do mấy người chủ Hoa kiều đã hiến nhà và ra đi.
* * *
Ông Bảy Dê đi bộ lần xuống chùa, không có ai gởi thơ cho ông. Ông nói cho hòa thượng nghe gia đình em ruột của ông, chú Tám Me vừa đi. Bạn cứu chim biển cùng với ông cũng vừa đi. Thầy giáo Còn thì đi Campuchia chưa có tin tức gì.
Hòa thượng pha trà mời Bảy Dê uống, nhìn ông ủ rũ bưng ly trà đưa lên miệng, hòa thượng cười nhẹ nói mơ hồ:
- “Nhân sinh tự điểu đồng lâm túc, đại hạn lai thời các tự phi…”.
- Anh đọc sách chắc biết câu đó mà phải không?
Con người cũng như chim sống cùng rừng, rừng cháy thì mạnh con nào con nấy bay…
 



[1] Garder tiếng Pháp là canh giữ, thành Garde là trại lính Pháp.
[2] Tháp nước, tiếng Pháp.
[3] Một hiệu đồng hồ Thụy Sĩ nổi tiếng, sản xuất từ 1952.
[4] Xe đạp đua, tiếng Pháp.
[5] Charles de Gaulle tên của cựu tổng thống Pháp.
[6] Jean Decoux tên của toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp.
[7] Tiếng Khmer, nghĩa là chú.
[8] Bọn trộm cướp trên sông.


  Trở lại chuyên mục của : Phùng Quang Thuận