PHƯƠNG UY
 

Xiên Mỵ


Hải gọi cô là Xiên Mỵ, Xiên Mỵ là tên một nhân vật trong bộ phim hoạt hình mà Hải coi. . Một cô gái mong manh nhưng mạnh mẽ.Hải thích nhân vật ấy lắm. Lúc ấy Mỵ thấy buồn cười, thằng con trai to lộc ngộc như Hải mà còn mê hoạt hình như trẻ con. 
Ngày cô chạy trốn khỏi cái vùng quê biển nắng gió ấy, chạy trốn hỏi người chú nuôi đáng sợ ấy. Cô lả đi trước nhà Hải vào một buổi trưa nắng. Hải đi học về, há hốc mồm khi nhìn thấy cô. Hải vội vã mang cô vào nhà, vục hết chai nước cô mới tỉnh lại đôi chút. Sau đó Hải nấu mì cô ăn, ba ngày cô chưa ăn gì ngoài những ngụm nước lã, nên cô ngấu nghiến hết tô mì nửa sống nửa chín mà Hải chế cho cô bằng chút nước gần nguội pha từ bình thủy. Mỵ nghe Hải nói lại, lúc ấy nhìn Mỵ thấy sợ lắm, khuôn mặt xanh lướt với cổ tay ẻo lả của Mỵ làm Hải nhớ đến mẹ, người mẹ đã bỏ Hải đi từ lâu lắm. Sau này Hải cho Mỵ coi hình của mẹ, Mỵ mới giật mình, đúng là Mỵ giống mẹ Hải kỳ lạ, cũng nhan sắc ấy, cũng thần thái ấy. Nước da ngăm đen và đôi mắt u uẩn hớp hồn người.
Mỵ sốt, nằm lại nhà Hải ba ngày, ngày thứ tư Hải bảo: Mỵ đừng đi nữa, ở nhà canh nhà cho Hải đi học, chừng nào tìm được việc gì làm rồi hãy đi.

Hải ở một mình trong ngôi nhà cũ kỹ của ba để lại, ngôi nhà nằm sát đường lộ, trơ trọi chỉ có một tán bằng lăng mảnh khảnh trước nhà, tới mùa ra bông tím đến nhức nhối. Ngày ba ra đi, mẹ cũng không về. Hải chỉ biết chụp điện thoại gọi cho bà nội ở Mỹ. Hai ngày sau, anh hai mới từ chùa về cùng Hải ôm di ảnh ba, chống gậy đưa ba tới nơi an nghỉ. Ba Hải bị xơ gan, hậu quả của những bữa rượu triền miên từ ngày mẹ bỏ đi.
“ Mà thật ra – Hải kể - anh hai cũng không phải là con ba”. Ba biết điều đó nhưng vẫn thương và chăm chút anh hai từng xíu một. Ngày anh hai lên chùa, hành trang không mang theo gì, chỉ mang chiếc xe tăng bằng gỗ mà ba đã tỉ mẫn gọt cho anh lúc anh Hai mới hai tuổi. Có lẽ anh Hai chỉ muốn lưu lại trong ký ức khoảng thời gian tươi đẹp của tuổi thơ đã qua.

Hải cưu mang Mỵ, cùng Mỵ chia sẻ cuộc sống bằng khoản tiền chu cấp ít ỏi từ bà nội.Vì Hải đi học hai buổi, cả ngày Mỵ ở nhà một mình, tối Hải về, cả hai lại ngồi đong đưa trên cái xích đu dưới gốc bằng lăng dưới sân. Mỵ kể cho Hải nghe về tuổi thơ cơ cực của Mỵ, về lí do Mỵ trốn chạy.
Mỵ vốn mồ côi, bà lượm Mỵ ở chợ vào một buổi sáng sớm. Bà vẫn bảo Mỵ là món quà trời ban cho bà khi về nhà. Mỵ ríu rít bên bà như con sẻ nhỏ. Có những lúc trời mưa, bà nằm ôm Mỵ trên chõng trông mưa, Mỵ hỏi bà ba mẹ Mỵ ở đâu, sao đứa nào cũng có ba mẹ mà Mỵ không có. Bà bảo Mỵ là con của mẹ đất, của cha trời, đất trời sinh ra Mỵ, rồi tặng Mỵ cho bà.Mỵ vốn vẫn tin như vậy. Mỵ không hề biết được, ngày bà nhặt Mỵ nằm o e ở chợ thì ở bến sông Hạ người ta vớt được xác của một cô gái, vốn trước làm nhân ở mỏ đá. Sau này, hình như bị người yêu phụ tình, bụng mang dạ chửa, không chịu nỗi điều tiếng dư luận, đã mang con để chợ, ra bến sông trẫm mình.
Hải vẫn thường phải ôm siết Mỵ vào lòng vỗ về mỗi khi cô rúm ró cả người lúc kể lại buổi tối hôm đó.
Bà mất, Mỵ về ở với chú thím nuôi. Đêm đó, Mỵ đang ngủ thì thấy đổ ập trên người mình một khối đen ngập ngụa mùi rượu, Mỵ vùng vẫy, la hét để kêu cứu. Nhưng tiếng la tắc nghẽn ngang cổ khi cái đau xé rách thịt da đâm xuyên qua người.Khi Mỵ lết ra đến cửa sau, thì thấy thím ngồi gục đầu khóc rấm rứt ở đấy, không để cho Mỵ kịp nói gì, thím lận túi vét chút tiền lẻ mà thím tích cóp được mỗi ngày đi chợ đưa cho Mỵ rồi đẩy Mỵ chạy đi.
Có khi, Hải không cho Mỵ kể chuyện nữa mà bảo Mỵ ngồi yên Hải hát cho nghe. Điệu hát buồn buồn của bài hát mà mẹ Hải hồi xưa hay hát “ Thôi về đi, đường trần đâu có gì…”
Nhưng bây giờ Mỵ biết đi về đâu? Còn mẹ Hải biết ở đâu mà gọi về? 
Giọng Hải trầm, khàn khàn do vỡ tiếng. Mười sáu tuổi, Hải đã cao lớn như một thanh niên, tóc loăn xoăn, mắt sâu hút.
Mỵ mười bảy tuổi mảnh dẻ như bé gái chưa dậy thì. 

Hải ít bạn bè nhưng có một đận, Hải mang một đám bạn về nhà liên hoan, hát karaoke. Trong đám con trai, có một đứa cao ráo trắng trẻo cứ đi theo khen Mỵ xinh.
- Em mày hả Hải?
- Không, chị tao đó – Hải nặng giọng, đôi mắt đã tối lại càng tối hơn.
Tối lại, khi chỉ còn hai đứa, ngồi dưới gốc bằng lăng. Hải bảo:
- Hải không thích ai khen Mỵ xinh. Ngày xưa, chú ấy cũng thường đến chơi khen mẹ xinh, đẹp. Sau đó, mẹ bỏ cha con Hải theo chú ấy.
Ngày mẹ đi, không một lời từ giã. Sáng Hải ngủ dậy, đã không thấy mẹ. Ba không đi tìm, mà chỉ thấy mỗi tối, ba ngồi bên chai rượu khuya hơn.
- Thế Hải có giận mẹ không?
- Không, Hải chỉ thấy nhớ mẹ. Tới tận bây giờ, mỗi đêm Hải đều mơ thấy mẹ.
Mỵ sực nhớ có đêm, Mỵ đau bụng, ra phòng khách, chỗ tấm đệm Hải ngủ tìm chai dầu, bật đèn lên thấy má Hải nhòe nhoẹt nước, không lẽ lúc ấy Hải khóc vì một hình bóng mẹ đã xa?
Nhiều lúc Mỵ hỏi Hải sao cả gan đem Mỵ về nuôi thế. Hải chỉ cười
- Nuôi Xiên Mỵ có tốn gì đâu, Mỵ ăn ít như mèo, ngủ thì khoanh một cục rúm ró trong phòng. Nhìn Mỵ tội nghiệp lắm, thả cho Mỵ đi lang thang bên ngoài, Hải không đành.
- Có một điều, Hải không kể cho Mỵ nghe trong những giấc mơ của Hải dạo gần đây. Mẹ càng lúc càng trẻ , trẻ giống như Mỵ.
***
Hải bỏ học, chỉ vì bị vướng vào một vụ đánh nhau có vũ khí trong trường học do một mối quan hệ lằng nhằng. Thư đẹp, và thú vị, đó là nhận xét của Hải về cô bạn lớp bên. Và cũng như những đứa con trai khác cùng tuổi, Hải say nắng Thư, cũng đưa đón, cũng hẹn hò…và điều đó làm một nhóm nam sinh lớp Thư khó chịu.
Sáng đó đến lớp, Hải đến lớp, đã thấy đám thằng Khánh chận trước cửa, không cho Hải vào lớp, và cú đánh bằng sợi xích sắt vào lưng đã khiến Hải nổi điên. Sẳn con dao vẫn dùng để rọc giấy Hải cất trong balô, Hải lận túi lấy con dao và cuộc chiến nổ ra. Hải và cả nhóm kia bị đình chỉ.
Hải bảo với Mỵ: 
- Thôi, Hải nghỉ một năm chờ Mỵ, sang năm, Hải đi học với Mỵ luôn.
Mỵ hỏi tiền đâu mà đi học thì Hải cười:
- Để Hải đi làm, lấy tiền nuôi Mỵ đi học
Nói rồi Hải đi làm thật, Hải xin phụ việc cho tiệm nhôm kiếng trước nhà. Có khi về nhà, tay Hải bị nhôm và kiếng cứa chảy máu tùm lum. Mỵ vừa bôi thuốc vừa xa xót. Hải chỉ cười “ Ráng chút là đủ tiền cho Mỵ sang năm đi học chung với Hải” 

***
Tháng Tám , Mỵ với Hải đến trường nộp đơn xin học. Trong lúc chờ nhận giấy vào lớp. Hải với Mỵ đi loanh quanh trong sân trường, vô tình lại đứng sau cửa sổ phòng giáo viên. Từ trong đó vọng ra tiếng các thầy cô nói chuyện với nhau.
Hải đứng gần hơn nên nghe rõ, còn Mỵ đứng xa, nên không biết các thầy cô nói gì. Chỉ thấy mặt Hải tối đen, càng lúc càng u ám. Rồi Hải quay lưng bỏ đi một mạch, không gọi Mỵ theo cùng. Mỵ chạy theo, hỏi Hải cái gì Hải cũng không nói. Mãi đến tối, Hải mới kể Mỵ nghe. Hải bảo Hải không học nữa.Mỵ gặng một hồi, Hải mới kể. Câu chuyện trong phòng giáo viên, mà Hải nghe được, nhân vật chính là Hải.
- Rồi sao?
- Thì người này đá qua người kia, nguyên dàn giáo viên khối 11, không ai chịu nhận Hải vào lớp.
- Nhưng vì sao?
- Thầy Vinh bảo là Hải đánh lộn, khó dạy, thầy không nhận, lớp thầy yếu, sợ Hải vào ảnh hưởng thi đua. Thầy Hương thì bảo Hải là dạng lưu ban, học yếu, không theo kịp trình độ lớp chọn của thầy. Còn cô Loan thì bảo Hải…

Nói tới đây, Hải nghẹn lại, Mỵ chờ, đỗi lâu mới nghe Hải nói tiếp.
- … Hải là con không cha không mẹ, lại là thành phần quậy phá trong trường, xảy ra chuyện gì thì cô biết nói với ai? Chưa kể nhà Hải lại gần nhà cô, nhỡ Hải có vi phạm gì, nói Hải mất công Hải lại vác đá chọi vào nhà cô như mấy học sinh năm trước thì sao?
Hải bảo, lúc nghe xong câu ấy, Hải bỏ đi thẳng về nhà, và quyết định hình thành trong đầu Hải lúc ấy, là phải đi tìm mẹ. Nếu không tìm được mẹ về, Hải không bước chân vào ngôi trường ấy nữa.
Mỵ chưa kịp kể lại với Hải câu nói của một thầy giáo, già và hơi gầy mà Mỵ nghe được lúc Hải bỏ đi : “ Các thầy các cô cứ chọn cho được học sinh ngoan, chê học sinh hư. Nó không ai dạy thì mình càng phải dạy dỗ cho nó, chứ nó ngoan ngoãn thông minh rồi thì đâu cần mình nhiều như những đứa kia. Em này, nhà trường mình đẩy ra khỏi trường, thì không khéo lại thành du đãng” thì Hải đã xốc áo đứng dậy bỏ sang bên kia đường, không quên ngoái lại bảo Mỵ lát để cửa chờ Hải về, Hải đóng cho.
Mỵ không biết là trong giấc mơ Hải hằng đêm, hình ảnh hai đứa nhỏ đứa bảy tuổi cõng đứa hai tuổi leo lên con dốc đầu đường chờ mẹ về mỗi chiều đến khi nắng chiều chênh vênh qua núi rồi lại lủi thủi cõng nhau về ám ảnh Hải hằng đêm.
- Hải phải đi tìm mẹ, Mỵ ở nhà một mình, chờ Hải, được không?
Mỵ không biết nói gì, bởi Mỵ đã thấy những giọt nước mắt của Hải, trong giấc ngủ, nhiều đêm.

Ngày Hải đi, Hải vét túi đưa hết tiền cho Mỵ. Chỉ giữ lại đúng một trăm hai chục ngàn tiền xe vào thành phố, nơi Hải nghe nói là chỗ mẹ ở. Mỵ hỏi vào đấy, nếu không tìm được mẹ ngay thì Hải đói lấy gì ăn? Hải bảo Mỵ không phải lo, Hải tự kiếm được việc làm để khỏi đói. Hải sợ là sợ cho Mỵ. Số tiền nội gửi về hàng tháng đủ cho Mỵ sống, nhưng một thân một mình, Mỵ lại hay đau yếu, thì không biết làm sao.
Hải gọi xe khuya, mở cửa cho Hải đi rồi, Mỵ vào vùi mình trong tấm nệm còn ấm hơi Hải, tự dưng thấy má ướt đầm. Trong đầu Mỵ lại hiện lên con dốc mà anh em Hải thuở bé vẫn thường chờ mẹ về. Mai mốt, trên con dốc ấy lại sẽ là Mỵ?
***
Chiều và mưa - Hơi lạnh đan xen vào máu, vào não.
Nhiều đêm, đã nhiều đêm không ngủ yên. Nhiều đêm, mộng mị ngập đầy chăn gối.
Có những ngày mưa ngồi một mình trong nhà, ý nghĩ về Hải làm Mỵ sững người.Mỵ cứ mê mãi chờ đợi như thế này , không biết đến lúc nào dừng lại.Đến chừng nhận ra thì đã không còn dừng lại được nữa.
Mà Hải , đã lâu cũng đã không còn đi trên con đường đó nữa!
Hải đi mấy tháng, mấy ngày, Mỵ không còn nhớ .Cỏ dại mọc lấn vào cả hiên nhà, bám lên vách. Không có Hải, một mình Mỵ cũng không đủ sức để làm cỏ, cái bình nấu nước bằng điện bị hỏng, không có Hải, Mỵ cũng không sửa được. cả cái mô tơ bơm nước từ giếng bị hư, Mỵ phải kéo nước bằng gàu từ giếng lên. 
Mỵ muốn gặp Hải lắm rồi. Hải hứa tìm được mẹ, Hải sẽ về với Mỵ. Nhưng tới giờ, vẫn chưa thấy Hải về. Hải chưa tìm được mẹ? hay Hải quên Mỵ rồi? Giả mà Hải không tìm đươc mẹ, thì Hải sống như thế nào? Nhiều lúc, Mỵ cũng muốn lên thành phố tìm Hải, nhưng Mỵ không biết phải đi bằng cách nào. Rồi làm sao mà tìm được Hải. 
Mà Mỵ lo, nếu Mỵ đi, mà Hải về, không thấy Mỵ thì sao? Lúc ấy, không biết Hải có đi tìm Mỵ không?
Mỵ quyết định ở lại chờ Hải. Mà thật ra mà nói, Mỵ không muốn đi đâu cả. Ngôi nhà của bà, chú đã bán cho người khác. Tuổi thơ của Mỵ, quá khứ đầy yêu thương của bà với Mỵ, đã bị thay đổi. Khi Mỵ đến đây, Hải đã mở lòng với Mỵ. Mỵ từ lâu đã yêu quý nơi này. Bây giờ, dù vắng Hải, nhưng mọi thứ vẫn còn đậm hơi Hải. Vì vậy, Mỵ không muốn rời đi. Ngoài bà, thì Hải là người duy nhất còn thương Mỵ. 
Ba hôm nay Mỵ lại sốt, nằm vùi trong nhà, trên tấm nệm Hải thường ngủ lúc còn ở nhà. Mỵ tưởng tượng ra cảnh Mỵ chết một mình mà Hải thì chưa về. Mối sẽ đùn lên phủ lấy Mỵ và tấm nệm của Hải, nghĩ tới đấy, Mỵ lại khóc. Sao Hải lâu về quá…

Chiều, Mỵ lần mò ra sân, ngồi ở cái xích đu dưới gốc bằng lăng, chỗ Hải hay ngồi hát cho Mỵ nghe mỗi tối. “ Thôi về đi, đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa…”
Ừ, Mỵ không biết khi nào Hải về, nhưng Mỵ tin Hải sẽ về.
Cho dù tóc có không còn xanh.
Mỵ ngửa mặt hít một hơi dài, rồi lau nước mắt. Mỵ còn trẻ mà, Mỵ mới mười tám tuổi. Mỵ sẽ cố gắng khỏe mạnh lại, rồi Mỵ sẽ xin việc ở chỗ bà Vân bán cơm đầu chợ. Làm một buổi, một buổi Mỵ đi học. Khi Hải về, Hải sẽ thấy được Mỵ sống vui vẻ như thế nào.
Dù sao thì Mỵ cũng mới mười tám tuổi. Và Mỵ còn rất nhiều thời gian để chờ Hải về. Và Hải sẽ về, Mỵ tin như vậy.


Mớ Trăng Máu
 
Nàng ngồi và lặt lựa mớ trăng trong rổ, mấy con trăng gầy lom nhom bò lột xột lạo xạo. Chợ sớm vắng, nghe rõ cả tiếng ì oạp của nước vỗ mạn thuyền.
Nàng lặt lựa và sắp xếp lũ trăng để chúng nom ngon mắt hơn. Nàng tính toán rồi thở dài, bán hết nhiêu đây cũng không đủ tiền mua gạo. Nhưng dạo này rất khó bán, thường là ế.
Nàng lại dùng dây chun chằng từng cái cẳng của đám trăng lại , sau đó vẫy sương lên cho nó tươi tỉnh. Mỗi khi không bán được, nàng lại bắt lũ con ăn trăng. Tụi nhỏ gào lên “ con không muốn ăn trăng, con muốn ăn cơm với cá cơ” . Nhưng gào thì gào, chúng vẫn phải ăn vì đói, ngoài thứ này ra, chúng không còn gì khác để bỏ mồm. Những cái cạnh vỏ cứng xóc vào miệng chúng đau nhói, có lúc cào tước cả lưỡi, toạc máu. Máu nhuộm đỏ cả con trăng chúng đang nhai. Chúng ngồm ngoàm, chúng nhai, chúng nuốt… mớ trăng máu ấy.
Mà những con trăng thì chúng không cam lòng để bị nhai nuốt như thế. Đêm mát trời, chúng lượn ra lặng lờ dưới đáy ao, vậy là bị tóm, bị bắt. Đứa thì được người ta mua về sấy khô rồi treo lên tường để trang trí, để ngắm, đây là một thú chơi của bọn nhà giàu . Đứa không may bị tóm bỏ vào dạ dày, nên chúng quẫy đạp dữ dội. Chúng trườn theo các mao mạch, bò thẳng lên mắt, lên tai…Có khi sáng sớm, lũ con nàng  thức dậy, nàng thấy hốc tai chúng đỏ lòe, mồm lòa luệnh máu. Còn mắt thì rỉ ra hai dòng gỉ chảy dài như nước trầu. Chúng vẫn cứ gào ra rả “ Con đói, con muốn ăn cơm với cá…”
Gã ở gần nhà nàng, sát cạnh nhà nàng, và gã làm trưởng làng. Nàng sợ gã, lũ con nàng cũng sợ gã. Mỗi khi bọn chúng rền rĩ quá lâu, nàng thường bảo chúng im đi. “ Ông ấy nghe thấy bây giờ, không được để ông ấy nghe thấy, ông ấy đuổi mẹ con ta đi đấy, cái đói sẽ làm mất mặt làng này, tụi bây biết chưa?” . Nhưng thật ra gã đã nghe thấy từ lâu, gã nghe đến thuộc lòng điệp khúc ấy “ Con đói, con muốn ăn cơm với cá cơ….”. Gã bảo:
- Mày ngoan, mày nghe lời tao, tao cho mày tờ giấy ấy, có lá bùa ấy, mày sẽ có ruộng, con mày sẽ có cá ăn.
Rồi gã mải miết sục sạo tất cả các ngóc ngách trên cơ thể nàng, kiểu như nàng vẫn chăm chỉ sục sạo cái ao bé tẹo , cằn cỗi sau nhà nàng mỗi ngày để bắt lũ trăng.
Lòng ao mỗi lúc một cạn khô, đám trăng càng lúc càng còm cỏi trong lòng ao đỏ quạch như máu. Trăng cũng đỏ nọc ra như máu. Lũ con đói ăn của nàng đã ốm còn ốm nhom, mồm vêu ra, cổ dài ngoẳng, những con mắt dại đục lờ. Chúng lẩm nhẩm suốt ngày điệp khúc “ Con đói, con muốn ăn cơm với cá…” đến nỗi khản cả tiếng. Bây giờ, chỉ còn môi chúng mấp máy. Chúng đói quá nên đã ăn cả tiếng nói, chúng chỉ  nhìn nhau bằng hình môi
“ Ăn đi, để tiếng nói lại làm gì? Chúng ta nói có ai nghe đâu?”
“ Ừ, vô ích thôi mà, chúng ta đã nói quá nhiều để im lặng, nuốt đi….” .
“ Đã ăn hết tiếng rồi, đã nuốt hết lời rồi, nhưng có no đâu?”.
“ Ngày mai, lũ trăng lại bò đi trốn, mẹ lại không bắt được chúng, phải nửa tháng nữa mới có trăng lại để ăn đấy…” .
” Đêm ấy, tao nghe lén ông ấy bảo với mẹ nhà mình sắp có cá ăn, sao tao không thấy? Tao chờ hoài vẫn không thấy cá. Cá ở đâu? Cơm ở đâu? Ông ấy ở đâu? “.
“  Tao sao biết được, ông ấy hứa hoài, mỗi ngày một giọng, mỗi ngày một lời, lúc nào cũng bảo sẽ ấm no, bây giờ ra đường, đâu đâu cũng là giọng của ông ấy, đâu đâu cũng thấy ông ấy. Chỉ có cá và cơm là không thấy đâu.”
“ Sao mẹ không nấu cơm cho tụi mình ăn?”
 “ Gạo ở đâu mà nấu, cá ở đâu mà nấu?”
  “ Thì trồng lúa, xay lúa, ra biển bắt cá”
“ Nhưng không có ruộng, không có biển. Có ruộng , có biển mới trồng được lúa, mới vớt được cá. Mẹ chỉ có cái ao nông choèn đỏ quạch ấy thôi, trong cái ao ấy, chỉ còn lũ trăng, mà dạo này, những con trăng cũng không còn vàng ruộm nữa, chúng cũng đỏ quạch như máu rồi…”.
Những hình môi tím xanh hình như cũng mỏi, chúng không nói nữa, không động đậy nữa. Lũ con nàng nằm im lìm, không ngủ cũng không ngọ nguậy. Chúng để dành hơi thở chờ cho đến mùa trăng sau.
Đứa gái lớn nhất chợt giật mình, nó trỗi dậy, thều thào:
“ Tao nhớ ra tiếng ông ấy rồi, tao nhận ra ông ấy rồi, tao đã đi hỏi ông ấy khi nào thì nhà mình có cá ăn”
 “ Ờ, rồi sao?”
“ Ông ấy bảo, cá ở dưới biển, mày xuống đấy mà hỏi hà bá, tao quản lý làng này, chứ tao không quản lý lũ cá”
“ Tụi mình xuống hỏi hà bá đi bây”
“ Ừ, đi thôi, đi thôi, đi thôi, đi…..”
Bầy trẻ mắt nhắm vật vờ rồng rắn nhau đi ra biển.
Nàng vẫn ngồi và lặt lựa mớ trăng đỏ lòm trong rổ. Lũ trăng óp quá, con nào con nấy gầy vêu vao, mắt lồi ra, sùi cả bọt mép. Nắng dội từng mảng trên dáng ngồi cắm cúi xộc xệch của nàng. Mắt nàng mòn mỏi nhìn ra biển, ngoài ấy có cá. Trong lồng chợ, trên cái sạp cao cao kia cũng có cá. Đám cá chết đuối mới vớt được sáng nay. Giờ đang nằm xếp lớp trên quầy. Da xanh lét, mắt nhắm chặt nhưng mồm vẫn nhóp nhép “ Con đói, con muốn ăn cơm với cá…”
Nắng vẫn dội từng mảng trên miếng ao nhỏ trơ đáy, dội lên vành khăn trắng trên đầu người đàn bà đang rền rĩ những câu hát ru lộn xộn không đầu không đuôi. “ à ơi… gió đưa cây cải về trời….à ơ….về sông ăn cá về đồng ăn tôm…à ơi…con ơi con dậy ăn cơm….” .
 


  Trở lại chuyên mục của : Phương Uy