THẠCH CẦM
Dụ Ngôn Của Đá
I. Hắn đếm từng ngày một nhưng cũng chỉ nhớ được đến ngày thứ bảy trăm mười bảy... Hắn thẩn thờ buông tay để cái đục rớt trên phiến đá. Hắn vừa đục xong một đường xổ thẳng, dài đúng năm phân và sâu chính xác hai ly. Và cứ cho đường khắc này là đường thứ bảy trăm mười tám trên phiến đá hình chữ nhật cỡ bằng hai viên gạch tàu ghép lại, dày nửa gang tay. Bảy trăm mười tám đường khắc đều tăm tắp, đường ngoài cùng cách biên đá một phân, mỗi đường cách nhau năm ly, hàng trên cách hàng dưới một phân. Những đường đục có số đo bắt buộc mà Thầy đã ra lệnh cho Hắn phải làm ngay trong ngày đầu học việc. Khi trao cho Hắn phiến đá, mũi đục và cái búa, Thầy đã nói, giọng đanh như tiếng búa gang gõ trên đục thép:
- Đây là một biệt đãi, vì chẳng có ai nhận học trò lớn tuổi như cậu cả. Nhưng cậu đã tỏ lòng quyết tâm, thì đây là việc làm đầu tiên và cuối cùng cho đến khi cậu rời khỏi xưởng điêu khắc này. Mỗi ngày, trước khi học hay làm bất cứ việc gì, cậu phải đục cho xong một đường chạm như thế này… Đây, làm theo tôi.
Hắn đã làm Thầy hài lòng. Mũi đục của Hắn xủi trên mặt đá theo những nhát búa vỗ đều đặn… Đường chạm đầu tiên từ từ hiện ra chính xác, thẳng tắp, dài năm phân, sâu hai ly. Và Thầy đã nắm lấy cánh tay phải của hắn rồi buông ra ngay kèm theo cái gật đầu:
-Cậu có khiếu đó.
Hắn giật bắn người, không phải vì lời khen mà vì cảm giác ngay khi bàn tay người nghệ nhân nổi tiếng này vừa chạm vào tay Hắn. Nó nóng bỏng như một con dấu sắt nung lửa đỏ vừa ấn vào làm Hắn hoảng hốt nhìn xuống cánh tay mình nhưng chỉ thấy những vết mờ màu đỏ giống như một chữ ký đang nhanh chóng tan đi. Rồi Hắn lại ngẩn người ra thắc mắc tại sao bàn tay của một người đã cầm búa, cầm đục hàng bốn năm chục năm mà lại mềm mại như vậy được? Và khi Thầy quay lưng đi, Hắn nhận thấy những bước chân của Thầy không được bình thường. Khi bàn chân tiếp đất thì toàn thân người Thầy rướn lên, thể như muốn làm nhẹ bớt phần nào sức nặng cơ thể, trong một cố gắng hết sức không để một sinh linh nào đó đang ở giữa lòng bàn chân Thầy và nền đất vỡ ra. Nhìn như những bước chân lạc đà trên lưỡi dao cát.
Và chính cảm giác đó, suốt mấy trăm ngày qua vẫn âm ỉ trong lòng, thôi thúc Hắn phải hoàn tất một việc gì đó mà đến bây giờ Hắn cũng chưa hình dung ra được. Hắn tự khẳng định cái việc mỗi ngày phải đục cho xong một vết khắc dài năm phân, sâu hai ly đó không phải là thử thách của Thầy. Vì đến ngày thứ ba, thứ tư gì đó, chỉ cần đúng ba mươi giây, với năm mươi nhịp búa là Hắn đục xong cái gạch thẳng chết tiệt kia. Không những vậy, trong cái xưởng điêu khắc này, suốt ngày leng keng lách cách tiếng búa tiếng đục, gừ gào tiếng máy cưa xay đá, ngột ngạt bụi đá, khét lẹt mùi đá… Hắn đã cùng cánh thợ bạn làm tất cả những công việc khá dễ dàng như đánh bóng những cái tượng đẹp đẽ mà Thầy đã chạm khắc, di dời những tảng đá nặng chình chịch, xay đá thành bột rồi nhồi keo vào đổ khuôn thành hàng loạt tượng những bà thánh ông thần…Và Hắn đã hoàn tất một ngàn bốn trăm ba mươi sáu cái gạt tàn thuốc, con số gấp đôi số vạch vô nghĩa trên phiến đá kia, Nhưng phải nhấn mạnh là những cái gạt tàn thuốc đủ kiểu dáng từ vuông tròn đến sáu cạnh, tám cạnh này được hoàn tất rất nhanh từng cái một theo sáng kiến của Hắn. Một sáng kiến mà không cần đến bàn tay của một nghệ nhân điêu luyện nào cũng có thể làm được. Hắn đã vừa thao tác, vừa giải thích với Thầy về cái gọi là một phương pháp mới mẻ, vừa chỉ trích cách làm thủ công chậm chạp. Đây, chỉ cần dùng cưa máy xẻ đá thành từng tấm dày ba phân, rồi đưa vào bàn cưa lộng, cưa ra thành từng miếng to nhỏ với bất cứ hình dáng nào tùy thích, tiếp theo dùng máy khoan, doa thành một lổ trũng tròn ở giữa miếng đá, vớt cạnh cho tròn đã có máy mài. Muốn làm rãnh để đặt điếu thuốc đâu có gì khó, dùng khoan tay, thay mũi khoan nhọn bằng cây dũa tròn và muốn bao nhiêu rãnh ở đâu, cứ việc đặt nằm dũa lên và bóp cò khoan. Sau đó thì chỉ còn đánh bóng. Và Thầy đã vỗ vai hắn mà nói: Cậu hãy cứ làm gạt tàn thuốc theo cách của cậu đi, chúng ta cũng cần có cái để kinh doanh. Thầy còn dùng chữ chúng ta nữa kia đấy. Lại phải nói thêm một việc khác là sáng kiến của Hắn trong việc này đã làm cho thu nhập của xưởng qua việc bán những pho tượng bà thánh ông thần được đúc hàng loạt bằng bột đá pha keo tuy có ít đi số lượng, nhưng giá bán chỉ một tượng thôi cũng gấp nhiều lần bán cả chục tượng trước kia. Mức lời khủng khiếp đến mức đã làm cho tất cả những tay con buôn chuyên mua đi bán lại những pho tượng thần thánh bằng gỗ đá, sành sứ là hàng tuyển hoặc hàng chợ; đồ cổ thật hoặc bịp bợm giả cổ… của thành phố này đều bắt chước theo Hắn. Lần nọ, sau khi dở khuôn cho ra tượng là đến những khâu như tỉa sửa chi tiết, đánh bóng…và trong khi làm Hắn ngắm nghía những nét thánh thiện, dữ dằn, oai nghiêm…trên từng nét mặt của mỗi loại thần thánh khác nhau, sáng lên dần theo vòng bánh xe vải đánh xoành xoạch trên mắt mũi các vị, Hắn đã bật ra ý nghĩ là phải làm sao cho những pho tượng này tăng thêm sự huyền bí chứ đổ khuôn thế này thì mặt mày vị nào cũng có nét chung chung. Đại khái phải làm sao đó, để khi người ta đứng trước mỗi pho tượng, vừa chiêm ngắm vừa cầu xin, kể lể điều gì đó, họ phải có cảm giác như những vị thần thánh này sẽ lắng nghe, sẽ thấu hiểu được tâm trạng của họ. Được vậy thì tượng sẽ có giá, không phải bội lần mà sẽ ngàn lần hơn.
Và hắn nhờ ông Hai, thợ chế tác khoan đục của xưởng, rèn cho hắn một mũi khoan thép, dài có đến hai tấc nhưng thân khoan chỉ nhỏ bằng cây tăm. Sau đó, Hắn đã lén lút – chỉ vì Hắn muốn dành cho Thầy sự ngạc nhiên sau cùng thôi – khoan xuyên suốt từ lổ tai này qua lổ tai bên kia bất kỳ tượng bà thánh ông thần nào mà hắn vớ được trong xưởng. Bước kế tiếp của kế hoạch không có gì khó khăn lắm, Hắn đã nói thẳng với tay quản lý kinh doanh sản phẩm của xưởng về số phần trăm lợi nhuận sẽ có được cho đôi bên, sau khi đã thanh toán lại cho xưởng cái giá gốc của tượng đã được tăng gấp nhiều lần. Và tay quản lý này, vốn xuất thân từ một người chuyên bán ăng ten truyền hình không thành công lắm dù đã cất công quảng cáo là ăng ten của ông ta thu được đến bảy mươi kênh chứ không chỉ bảy kênh, đã gật gù khi Hắn giải thích là mỗi bên tai của mỗi tượng bà thánh ông thần, sẽ có một vật giống như hai cọng ăng ten và việc của ông ta là phải giải thích cho người mua nhận thấy đây là một thần bí của thiên nhiên. Rằng với một sự huyền nhiệm nào đó không thể giải thích được là sau khi pho tượng này hoàn tất, người thợ tạc tượng đã nhận ra hai lổ tai của tượng thông suốt với nhau cho nên ông ta đã dùng một sợi dây thép nhỏ như sợi chỉ xuyên từ tai này qua tai kia để làm bằng chứng. Người mua có thể kiểm tra bằng cách nắm đầu sợi dây thép bên tai này là kéo được cả sợi qua tai bên kia. Một pho tượng thần thánh bằng đá mà hai tai thông nhau như thế thì làm sao mà không nghe được lời oan khiên, lời cầu khẩn của nhân gian này được! Nhưng phải nhớ điều quan trọng nhất là không bao giờ được đưa ra hai tượng một lúc. Pho tượng huyền bí này có một và chỉ một mà thôi. Bán được một cái rồi hẳn đưa cái khác ra. Cũng phải cố nhớ lấy mặt mày khách nào đã mua, để họ có trở lại hỏi mua thêm thì phải khẳng định rằng trên đời này không có cái tượng thứ hai nào như vậy.
Ban đầu Hắn cho rằng khi thấy lợi nhuận của xưởng tăng cao, Thầy sẽ thắc mắc, rồi tìm biết lý do và dĩ nhiên sau cùng sẽ biết tác phẩm là của Hắn chứ ai nữa. Nhưng Thầy đã hoàn toàn thờ ơ, như từ trước đến nay không bao giờ ông ta để ý đến những pho tượng đúc hàng loạt này, dù rằng đã có lần Hắn cố ý để ngay sờ sờ trước mắt Thầy pho tượng một bà thánh có cọng dây thép thò ra mỗi bên lổ tai. Còn với số thu nhập to tát kia vẫn do người quản lý trông coi để trả lương hay may áo quần mới cho cánh thợ vốn mau hư rách vì hàng ngày phải cọ mài trên đá, tổ chức đi thăm các viện bảo tàng mỹ nghệ, mua đá, rèn thêm búa đục … Đó chẳng phải là việc mà Thầy quan tâm sao khi Thầy đã thu nhận rất nhiều những người không có khả năng chuyên môn, thất nghiệp trong địa phương này để đào tạo họ thành thợ phụ, để vừa có thu nhập vừa được học tập phần nào về ngành nghề mỹ nghệ đá. Nhưng kiểu tượng ăng ten này của Hắn đã nhanh chóng mất giá chỉ vì một đối thủ của tay quản lý đã tung ra câu thành ngữ cũ rích là tiêu tùng tất cả: Thánh thần gì mà nói tai này mất hút qua tai kia. Chính vì vậy mà Hắn đã quyết định đẩy sáng kiến kia lên một bậc nữa. Hắn đã bàn bạc với tay quản lý là phải nâng cao số doanh thu lên hơn, phải làm sao cho những pho tượng bà thánh ông thần này linh thiêng một cách vượt trội cái trò ăng ten vớ vẩn kia. Sau những cái gật đầu lia lịa bày tỏ sự thán phục của tay quản lý, Hắn bắt tay tái chế một số tượng theo một nguyên tắc rất khoa học. Cũng với mũi khoan mảnh như cây tăm đó, Hắn chọn những pho tượng thánh cô, thần nữ gì đó – đây là yếu tố màu nhiệm hàng đầu đấy, chỉ có phụ nữ mới hay khóc lóc, Hắn giải thích như thế - để khoan tại hốc mắt của mỗi tượng một đường xuyên vào sọ dẫn lên đỉnh đầu, ở cuối đường khoan Hắn khoét một cái lổ rộng cỡ trái chanh nhỏ, trùm miệng lổ bằng một miếng nhựa mỏng, sau cùng lấy keo trộn bột đá phủ kín lên, để khô, mài bằng và đánh bóng là xong. Cứ thế, mỗi khi tiết trời nắng nóng, hơi ẩm trong tượng đá thoát hơi, đọng lại bên dưới miếng nhựa một hai giọt nước thì sẽ chảy xuống theo lổ khoan, tiết ra hốc mắt thì khóe mắt tượng sẽ đọng lại một ngấn nước nhỏ rồi sẽ từ từ chảy xuống, qua vài ngày mặt tượng sẽ có dấu hai hàng nước mắt trên mặt. Tượng đá mà khóc thì làm sao mà không linh thiêng được. Nhưng những pho tượng này không phải để bán mà mang tặng không cho những đình miếu nào ở những vùng sâu, vùng xa càng tốt và nhất là chưa có điều kiện tài chánh để sắm sửa những pho tượng hoành tráng - “để tiếp thị sự màu nhiệm” đó là thuật ngữ mà Hắn lên mặt bài bản cho tay quản lý rằng thu nhập sẽ ở chổ là phải tung tin ra để khi bá tánh nghe tin đồn đình này, miếu kia có pho tượng chảy nước mắt sẽ ùn ùn đổ về cả người lẫn xe cộ thì tức tốc “ phối hợp tác chiến với cơ sở địa phương” tổ chức bến bãi giữ xe, kinh doanh nhang đèn, lều bạt hàng quán ăn uống...Chỉ cần qua năm ba hôm cho đến khi chính quyền địa phương giải tán thì phải gọi là đã vớ khẳm rồi. Bài bản kinh doanh của Hắn nghe rất hợp lý nhưng hiệu quả thì hoàn toàn không phải như Hắn dự kiến. Lý do là Hắn và tay quản lý đã tặng những pho tượng biết khóc này cho quá nhiều đình miếu để khi hàng loạt tin đồn rộ lên nào đình này có tương bà cô gì đó biết khóc, miếu kia có tượng nữ thần gì đó chảy nước mắt...thì cả hai cuống cuồng không biết đến chổ nào để mà “phối hợp tác chiến với cơ sở địa phương”. Và cay đắng hơn nữa là khi Hắn và tay quản lý chia nhau ra đến hai ngôi đình tên tuổi nhất đều bị đám thanh niên địa phương vung dao đe đọa : Mày là thằng nào mà đến đây đòi vây bãi giữ xe. Cả hai cái thằng nào đó thẩn thờ nhìn cả trăm, cả ngàn chiếc xe gắn máy được trông coi với giá mấy chục ngàn một chiếc mà lòng đau thắt còn hơn bị đục đá đâm vào. Nhưng dầu sao cũng còn chút vớt vát không lợi thì danh ở chổ là khi Hắn bước vào ngôi đình có pho tượng khóc hoành tráng nhất thì được viên thủ tự vồ vập lôi kéo Hắn đến gặp cho bằng được cánh phóng viên báo chí đang chụp hình viết bài săn tin tượng khóc để huyên thuyên kể lể rằng Hắn chính là vị thí chủ đã phát tâm cúng đường pho tượng linh thiêng này. Vậy là hôm sau trên tất cả những tờ báo địa phương đều đăng hình Hắn trên trang nhất với vẽ mặt xa xôi diệu vợi một cách cao đạo thể như ta là kẻ không màng đến danh vọng nhưng ngắm nghía kỹ thì mới thấy đó là nét thẫn thờ của một người vừa bị mất của. Trong khi đó ở xưởng, lợi dụng khi Hắn và tay quản lý vắng mặt, cánh thợ vốn đang thắc mắc Hắn khoan đục những pho tượng như thế làm để làm gì nên cũng lấy hầu hết tượng trong xưởng ra bắt chước làm theo. Và rồi mùa mưa qua đi, làm cho những pho tượng đã nặng nề, lại nặng nề thêm vì ẩm ướt. Để vào một ngày nắng nóng, trong xưởng điêu khắc, tất cả tượng thánh cô, thần nữ cũng như tượng ông Thiện ông Ác, ba vị Phúc Lộc Thọ cũng như anh em Quan Vân Trường….Các vị đều đồng loạt sụt sùi nước mắt nước mũi mà cũng liên tục trong những ngày sau đó, có nhiều khách từ vùng sâu vùng xa tìm đến xưởng để hỏi mua những pho tượng biết khóc theo tin đăng trên báo. Và Thầy về đến trong khi Hắn đang lúng túng mua bán, Thầy nhìn qua những pho tượng có dấu ngấn nước trên mặt rồi lấy búa, bước tới trước một tượng, động tác dứt khoát, Thầy gõ búa vào ngay đỉnh đầu tượng, sọ pho tượng vỡ tan ra đã giải thích tất cả. Thầy ngắm nghía đường khoan mảnh như cây tăm trên miếng đá vỡ của sọ tượng rồi nhìn vào mắt ông Hai. Người thợ rèn đục im lặng cúi đầu, chắp hai tay trước ngực vái Thầy lia lịa nhưng mũi nhọn của hai bàn tay đang chắp lại cứ quẹo về phía Hắn. Và Thầy chỉ nói với cánh thợ một câu ngắn gọn:
-Đập bỏ hết số tượng này.
Hắn đã vượt qua được cảm giác chết cứng, xun xoe cầm búa định làm theo thì Thầy đã quát lên:
-Không.
Kèm theo tiếng quát là một cái nhìn đã làm cho Hắn riu ríu đi tới góc xưởng, nơi mà Hắn vẫn để phiến đá lớn bằng hai viên gạch tàu, dày một tấc… Chỉ riêng ngày hôm đó thôi, hắn đã đục có đến hàng ngàn đường rãnh dài năm phân, sâu hai ly. Bây giờ thì hắn không nhớ rõ là mình đã đục được bao nhiêu đường. Có hề gì? Đâu phải cứ bao nhiêu đường là Hắn phải ở trong xưởng chừng đó ngày.
II. Em bước vào xưởng, ánh mắt hải đăng của Em quét từng ngóc ngách của xưởng như muốn soi cho sáng lên cái không gian đang giăng mờ bụi đá. Khi Thầy bước ra, Em hạ mắt xuống nhưng nhướng khung trán đằm đằm quyết liệt lên :
-Thưa thầy, con hai mươi bốn tuổi, vừa tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật Quốc Gia. Và thầy hiệu trưởng của trường đã nói con phải đến đây.
Em đưa ra tấm bằng tốt nghiệp kèm theo một phong bì thư. Sáu tiếng tốt nghiệp đại học mỹ thuật lan đi ầm ì trong xưởng nghe như tiếng sấm khi trời đổ giông. Hắn và cánh thợ nhìn nhau và Hắn nhún vai thì thào… lại có thư tay nữa đấy…
Thầy đọc xong thư, không dấu một tiếng thở dài. Em nói tiếp, khung trán dịu xuống:
-Thưa thầy, thầy hiệu trưởng có nói ông ta là bạn nghề của Thầy trước kia.
Bạn nghề, một mỹ từ sao quá đỗi trân trọng. Trước kia và bây giờ là khoảng thời gian bao lâu rồi? Thầy lắc nhẹ đầu như muốn xua một điều gì đó vừa kéo về một áng mây đen. Thầy nhìn người con gái học về điêu khắc đá và người ta đã không còn gì để dạy cho cô ta nữa:Cô xòe hai bàn tay cho tôi xem.
Em mím môi, nắm chặt hai bàn tay lại:
-Thưa thầy, đó là tất cả những gì con muốn được xin học ở thầy.
Thầy nhìn xuống hai nắm tay đang xiết chặt những ngón mảnh khảnh, từng sợi gân xanh nổi lên kiên quyết, Thầy dịu dàng:
-Cô hãy nói rõ hơn.
Em bối rối thấy rõ:
-Thưa thầy, thầy hiệu trưởng kể với em là hai bàn tay của thầy không có một vết chai nào.
Người điêu khắc đá năm mươi năm mà tay không một vết chai bật cười khẽ:
-Cô có thể mang găng trong khi tiếp xúc với đá, với búa, đục…
Cái khung trán lại đằm đằm quyết liệt:
-Thưa thầy, thầy hiệu trưởng có nói thầy là một người không dấu học trò bất cứ bí quyết nào trong nghề điêu khắc đá.
-Cô không học được gì từ ông ta sao?
Em lẳng lặng mở túi xách, lấy ra một tấm hình :
-Thưa thầy, đây là tất cả những gì con đã làm được.
Thầy nhìn vào tấm hình. Hắn và cánh thợ tò mò rón rén đến gần Thầy và Em. Thầy đưa tấm hình cho họ xem, Hắn và cánh thợ tròn xoe mắt rồi từ từ dạt ra, bước về lại chổ của mỗi người. Thầy trả tấm hình lại cho cô gái, mỉm cười:
-Bàn tay của cô chắc đã chai rất nhiều?
Đôi mắt Em lại quét những tia sáng hải đăng mất hút vào sâu trong xưởng. Em đưa tay ra đón lấy nhưng dường như không muốn nhận lại tấm hình kia. Tấm hình chụp một tượng chim đại bàng đang sải cánh có đến hơn hai mét, trong tư thế đang đứng trên một quả cầu, một cánh chim bằng đá khổng lồ, Em đứng bên cạnh, hai tay nâng trước ngực tấm bằng tốt nghiệp và Em chỉ cao bằng một phần ba thân tượng. Dù là se sẽ hay đại bàng, có tượng chim nào mà không đậu lên một vật gì? Em cầm lấy tấm hình nhưng rồi xoay ngược lại, đưa lên gần mặt Thầy, ánh mắt hải đăng mà ngân ngấn nước mắt:
-Thầy nói đi, cánh chim này có đang bay không?
Người nghệ sĩ đã từng tạo ra nghìn cánh chim đá im lặng giây lát rồi trả lời trong một hơi thở ra rất nhẹ:
-Cô sẽ bay, bay đến bất cứ bầu trời nào mà cô muốn, trên đôi cánh chim đá này.
Ngày hôm sau, Hắn và cả cánh thợ vừa làm vừa lén nhìn cô gái bắt đầu học việc. Thầy đưa cho Em một phiến đá dày chừng bốn phân, rộng cỡ hai bàn tay, kèm câu nói:
-Cô đục cho tôi cái gạt tàn thuốc.
Và Hắn đã cười tủm tỉm khi thấy Em bước đến bàn cưa lộng. Nhưng Thầy đã cao giọng:
-Tôi vừa nói chữ đục chứ không phải nói chữ làm.
Những tàn bụi đá trong xưởng chừng như không dám rơi xuống nữa. Em tần ngần nhìn tấm đá trong tay rồi bước qua bàn kẹp đá, Em nhìn Thầy, người nghệ nhân lão thành khẽ gật đầu rồi lững thững bước về cuối xưởng. Và Hắn đã đếm được hai trăm mười tám lần Em tháo tấm đá ra, kẹp lại, xủi mũi đục theo một hướng xong tháo ra, gài lại, xủi mũi đục theo hướng khác…Cứ thế liên tục không ngưng tay, nhịp búa gõ chuôi đục phát ra những tiếng lách cách đều như tiếng tích tắc suốt ba tiếng đồng hồ - Thời gian đủ cho Hắn làm được cả chục cái gạt tàn theo cách của hắn - Vuông khăn mỏng bịt đầu không ngăn nổi những giòng mồ hôi đầm đìa trên khung trán vẫn đằm đằm quyết liệt, chảy vòng xuống má, đọng lại hai bên bờ môi mím chặt. Từ xa, Thầy khoanh tay lên ngực, mắt nhắm nghiền. Có phải Thầy đang lắng nghe tiếng đục vào đá có vang lại tiếng nhịp tim Em? Cho đến khi Em ngưng tay, búa và đục vẫn như còn dính lại trên những ngón tay đã buông thỏng. Và hai bàn tay không dấu được những cơ bắp đang run rẩy vì đã căng thẳng quá mức khi Em nâng cái gạt tàn thuốc đưa lên cho Thầy. Một cái gạt tàn hình ô van cân đối, xinh xắn; vết trũng tròn để chứa tàn thuốc đều tắp như doa bằng máy; một đôi rồng phụng lượn cong duyên dáng theo cạnh hông cái gạt tàn, được xủi mờ với đường nét kinh điển; góc dưới gạt tàn có thêm cái hộc nhỏ, đủ chứa một hộp diêm quẹt. Một mẫu gạt tàn thuốc chưa hề có trong xưởng điêu khắc này. Thầy đặt cái gạt tàn trên lòng bàn tay, nâng lên, xoay nhìn mọi chiều và Thầy đã im lặng rất lâu. Sau cùng, Thầy nhìn qua Em, hạ thấp tia mắt xuống:
-Cô hãy khắc thêm ngày tháng hôm nay vào. Cô sẽ không ở đây lâu đâu.
Thầy đảo mắt qua Hắn và cánh thợ đang đứng như trời trồng:
-Cho tôi cái búa, mũi đục và miếng vải bố.
Thầy cởi giày, ngồi bệt xuống giữa xưởng, hai đầu gối mở rộng ra hai bên kéo theo hai bàn chân vào gần sát người. Hắn và cả cánh thợ đều sửng sốt. Từ trước đến nay, họ đã nhiều lần chiêm ngưỡng cái dáng đứng kiêu ngạo của Thầy trước những tảng đá đồ sộ thách đố để sau đó, trong dáng đứng kia, hai cánh tay mạnh mẽ sẽ vung búa đục lên, cùng với bước chân lạc đà trên dao, Thầy sẽ đi chung quanh tảng đá, lên cao dần theo giàn giáo…và từng mũi đục một, Thầy gở dần lớp vỏ thách đố kia cho hồn đá hiện ra. Bây giờ Thầy lại ngồi theo cái kiểu của những đứa trẻ mới học việc. Cái dáng ngồi sao mà thô lậu, quê kệch nếu không nói là thô tục. Đàn ông thì còn được, đàn bà con gái ngồi vậy, ai mà coi! Mông thì bệt xuống nền đất, chân lại chảng hảng chê hê! Hắn chưa lục lọi ra thêm từ ngữ để mô tả cho cùng cái kiểu ngồi đục tượng mà Hắn cho là quái gở kia thì Thầy đã chậm rãi trải tấm vải bố vắt qua đùi và lật ngửa hai lòng bàn chân lên. Em đã cố nén một tiếng kêu thảng thốt để nhận ra vị mặn của máu ứa theo vành răng đang cắn nghiến lấy môi mình. Trên hai lòng bàn chân Thầy, suốt từ ngón cho đến gót, dày cộp một lớp da sừng chai thẩm. Lớp chai dày đến mức làm cho lòng bàn chân phẳng như mặt thép của cái bàn kẹp chuyên dùng kẹp đá. Và trên mặt chai thép đó, dấu đá đã rạch, đã cắt…để lại không biết bao nhiêu vết sẹo ngắn dài, ngang dọc loang lở.
Thầy đặt vào giữa hai lòng bàn chân một viên đá tròn trĩnh như quả bưởi rồi đặt hờ mũi đục lên mặt đá như đang muốn định hình một cái gì chưa rõ ràng. Bàn tay phải giữ búa, không phải cầm, không phải nắm mà cán búa như gài vào năm ngón tay Thầy chiếc đũa chỉ huy của người nhạc trưởng. Bàn tay trái giữ đục từ từ nâng thân đục đứng thẳng lên, chỉ có năm đầu ngón tay thon dài chạm hờ vào thân đục ánh biếc màu thép. Cùng lúc, khi chiếc đũa chỉ huy vung lên, thân đục đã trở thành cây sáo thép nghìn lổ cho năm đầu ngón tay mãi miết tìm kiếm cung bậc, cho mũi đục bén ngót vật vã nghiến lên đá những giòng nhạc đoạn trường. Giữa lòng hai bàn chân chai thép, viên đá vần vũ lăn rồi xoay, xoay rồi lăn qua lại, lui tới, bật cao lên, trượt dài đi, cất lên những tiếng vỡ thất thanh, bụi đá tung lên ràn rạt, vụn đá bay đi vun vút…Từ đôi chân trần của Thầy âm âm tiếng hát của đá hòa lẫn tiếng búa gõ trên thép không nhòa vàng ngân, dâng lên tấu khúc chớp lòe lửa sét của đá và thép đang được dẫn dắt bằng tâm linh của một nghệ sĩ chân chính. Thời gian đứng sững lại, chiêm ngưỡng nét mặt Thầy không gợn đắn đo, không hằn toan tính. Chỉ có sự trìu mến không cùng tỏa ra từ đôi mắt đang khép hờ. Đôi môi của Thầy đang hé mở, mấp máy theo những nhịp rung kỳ lạ. Búa động vào đục, vỗ lên đá, thúc vào lòng hai bàn chân, làm râm ran toàn thân Thầy những nhịp rung hấp hối của vóc đá đang chậm chạp lịm chết để sẽ tái sinh dưới một sự sống khác, vĩnh cửu. Bụi đá càng lúc càng dày đặc hơn, dâng lên, trùm kín lên con người đang ngồi với cái dáng ngồi chẳng chút gì thanh nhã kia. Cái cách ngồi không ra bán già, kiết già của một giáo phái nào đó nhưng đã khai mở rất nhiều điều. Chẳng phải qua cái kiểu ngồi chảng hảng kia, đã không khơi dậy cho con người những tia mắt tìm kiếm một điều gì đó sao? Chổ tiếp giáp giữa hai đùi chẳng phải là chổ của cái sinh thực khí? Sự sống bắt đầu và kết thúc cũng từ đó. Cái từ đó kia, đã mở ra lằn ranh mấp mé giữa tình yêu bắt đầu và sự u muội kết thúc? Hoặc tình yêu bắt đầu sẽ thăng hoa theo thời gian và trở thành bất tử, hoặc sẽ u muội kết thúc tức khắc. Ai mà không có riêng mình một cái sinh thực khí? Và con người đã biết xấu hổ với chính mình để đậy điệm che dấu nhưng hình như không có nhiều người lắm, biết dặn lòng mình đừng để xấu hổ với người mình yêu, cho nên, đã không tìm kiếm ở chính họ mà cứ thích sục sạo cái nhìn ám chướng vào người khác, qua kiểu ngồi đó? Nhưng đá thì không, đá dâng hiến đến cả cái chết trần trụi của mình cho tình yêu sáng tạo. Và những hạt bụi đá trần trụi đã kết thành một vầng hào quang bao tỏa quanh Thầy, không phải để chặn lại những cái nhìn tò mò tục tĩu đang moi móc Thầy mà chỉ để làm điềm báo cho một sự sống mới, từ hai lòng bàn chân của Thầy đang ve vuốt viên đá kia, sẽ khai hoa một tác phẩm nghệ thuật giữa cái háng đang dạng ra đó. Bản hòa tấu của đá, thép và người nghệ sĩ đã kết thúc. Vầng hào quang bụi đá tan dần, Thầy vẫn ngồi yên, hai tay buông thõng búa đục và đôi môi Thầy khép lại cho một nụ cười thơ trẻ hiện ra. Thầy xoa nhẹ hai lòng bàn chân vào nhau làm cho một vật gì đó vừa lộn từng vòng tròn, vừa di chuyển lên đến giữa hai ngón chân cái, rồi hai mặt chai thép hình ngón chân kia đã giữ vật ấy lại, chính xác như một trò xiếc tung hứng. Thầy đưa mắt nhìn Em. Em bước đến, quỳ xuống bên chân Thầy, đưa tay cầm lấy tác phẩm, đặt vào giữa lòng bàn tay, xòe ra. Trên lòng bàn tay nhỏ nhắn đầy những vết chai, nở ra một cánh đại bàng nhỏ chỉ bằng ba ngón tay. “ Đôi chân chim mảnh khảnh nhưng gân guốc với những cái móng đanh quắp, bấu chặt vào một khúc cây xù xì như muốn ghìm cứng toàn thân lại. Một thân chim với đôi cánh dang thẳng, đang rướn lên nét cong cùng cực của một cánh cung đang dương ra. Đôi mắt đá xoe tròn ngây ngất, mê đắm hướng lên bầu trời. Cái mỏ nhọn khoằm xuống kéo theo khóe miệng mím chặt kiên nhẫn nhưng đầy quyết liệt, chờ đúng lúc những cái vuốt chân kia buông ra, cánh chim sẽ lao vút vào không gian mênh mông (*) ” Bàn tay Em rung lên, không một tiếng nấc, chỉ có những giòng nước mắt khác, rất mới mẻ từ đôi mắt hải đăng kia cứ trào ra. Phải, Em đã trở mình thật mới và Em biết, ngôi đền trong lòng Em vừa bừng sáng một ngọn lửa thiêng.
Có ai đó đã nhón lấy pho tượng trên tay Em. Cánh thợ chuyền tay nhau cánh chim đá nhỏ nhắn, ngắm nghía, săm soi. Cuối cùng pho tượng đến tay Hắn. Ánh mắt Hắn lóe lên, Hắn bước đến đống đá, lựa ra một viên rồi đưa cả tượng lẫn đá lên ngang mắt so sánh. Cánh thợ cười ồ lên, ông Hai thợ rèn vỗ vai Hắn khích lệ:
-Cố gắng nhé.
Hắn đi về góc xưởng, nơi vẫn để tấm đá lớn bằng hai viên gạch tàu, dày một phân. Hắn ngồi bệt xuống đất, đầu gối dang rộng, đặt viên đá vào giữa hai lòng bàn chân lật ra, quơ lấy đục rồi vung búa lên…nhưng khi nhận ra không còn ai để ý nữa, Hắn rón rén cất pho tượng đại bàng nhỏ bé kia vào túi áo rồi đục lia lịa trên mặt phiến đá những đường đục dài năm phân, sâu hai ly.
Vài ngày sau thì Hắn, Em và cánh thợ đều đi lại với những bước chân khập khiễng vì hai bàn chân của tất cả đều bông băng trắng toát, trừ ông Hai Hí và tay quản lý. Và trong xưởng, tất cả công việc thường nhật dường như bị đảo lộn hẳn để giải thích cho hàng đống đá vỡ vụn, nằm rãi rác khắp nơi. Ai cũng nhìn cái bàn chuyên dùng kẹp đá bằng ánh mắt gai góc. Và khi Thầy bước vào xưởng thì những người đang đi từ chỗ này sang chỗ kia đều đứng khựng lại. Chưa bao giờ trong cái xưởng này mà Thầy được chào đón một cách nghiêm túc như vậy. Thầy đảo mắt qua những tác phẩm đang bị bỏ dở, nhìn vào những đôi chân đầy dấu thương tích... Và Thầy thấy Hắn đang ngồi vắt vẻo trên một giàn giáo, thoải mái đu đưa hai chân như thể dưới hai lòng bàn chân Hắn không hề bị một vết đá cắt, đục đâm nào. Khi nhận ra ánh mắt của Thầy, Hắn leo xuống, bước tới gần Thầy bằng những bước chân đi nhón trên mười đầu ngón nhưng không thể nào làm gì khác được nữa khi đứng trước mặt Thầy. Hắn đã cố gắng hết sức tư từ hạ hai bàn chân xuống mà vẫn không dấu nổi nét đau đớn lộ trên khuôn mặt khi hai lòng bàn chân tiếp đất. Khóe môi Thầy chùng xuống một nụ cười, Thầy lắc đầu:
-Tôi cho tất cả mọi người nghỉ ngơi trong vài ngày. Còn cậu, bằng cách nào thì tôi không biết nhưng cho đến khi mọi người lành lặn hai lòng bàn chân, cậu phải làm xong cho tôi một cái bàn kẹp đá có thể tự quay chung quanh nó ba trăm sáu mươi độ với đủ ba chiều.
Nét mặt của Hắn không dấu vẽ hãnh diện khi nghe Thầy nói và quên hẳn ngay con số mười sáu vết đá cắt, chín chỗ bị đục đâm do tự hắn gây ra trên lòng hai bàn chân do cố gắng thao tác theo Thầy để tạc cho ra hình một cánh chim, chưa kể cả trăm viên đá mà Hắn đã làm bể vụn và Hắn đã phi tang vào cái máy xay bột đá kia. Chẳng phải Thầy đã nắm cánh tay hắn mà khen là có khiếu vào ngay hôm đầu tiên học việc sao? Mọi việc ban đầu đều trôi chảy. Ông Hai,tay quản lý và cánh thợ phụ đều không dấu sự khâm phục khi thấy Hắn hoàn tất yêu cầu của Thầy không chút khó khăn. Dựa trên cấu trúc của chân máy chụp hình, Hắn đã làm thành một dụng cụ ba chân có thể xoay nhiều hướng bằng thép ống với một bàn kẹp trên một hệ thống bản lề có thể khóa chặt hay nới lỏng bằng các con vít, toàn bộ được nối liền với ba thanh trượt phải trái, lên xuống, lui tới, vậy là xong. Hắn còn gắn thêm ba cái bánh xe cho cái bàn kẹp mà hắn đã trịnh trọng gọi là “cái bàn kẹp bốn chiều”.
-Nhưng trước tiên, bàn kẹp này phải vừa xoay quanh chính nó, vừa di chuyển thành một đường tròn, trong cái xưởng này đã.
Hắn đã tuyên bố về tác phẩm của hắn bằng câu nói văn vẻ, đầy trình độ thiên văn như vậy. Khi mọi người đã tụ tập đầy đủ chung quanh vật gọi là “cái bàn kẹp bốn chiều”, Thầy khoát tay nói với Hắn:
-Lấy cho tôi một viên đá tròn.
Hắn thừ người ra, liếc qua tay quản lý, con người xuất thân từ nghề bán ăng ten truyền hình này đưa tay lên gãi đầu nhưng năm ngón tay ông tay chìa ra như cái ăng ten, chỉ hướng ngược lại về phía Hắn. Chẳng phải chính “ổng” làm cái trò đục con đại bàng giữa hai bàn chân mới đưa đến việc mấy người làm bể hết tất cả những viên đá tròn của xưởng sao! Nhưng Hắn đã lừ mắt lại tay bán hàng kèm theo động tác xoe xoe ngón cái và ngón trỏ vào với nhau. Nhận được ngay tín hiệu, tay cựu kinh doanh ăng ten hắng giọng:
-Thưa Thầy, hết đá rồi mà tôi chưa kịp mua…
Thầy cao giọng với Hắn:
-Lấy cho tôi tượng ông thọ năm tấc và làm theo lời tôi.
Hắn gài đế tượng vào hàm bàn kẹp. Chết tiệt thật, cái đế tượng dày hai phân, mới siết một vòng ốc đã nghe răng rắc.
-Đục bỏ cái viền áo cho bằng với ngực tượng.
Quá dễ. Hắn lấy mũi đục dẹp, nhướng cao người lên, đặt mũi đục lên ngay chổ ngực và nẹp áo tiếp nối nhau. Đó chỉ là một đường gờ thấp. Nhưng thân đục đã vướng vào cằm tượng. Thầy bật ra một tiếng hừ nhẹ:
-Xoay cho tượng nằm xuống.
Ừ nhỉ, vậy mà Hắn quên mất, đây là cái bàn kẹp bốn chiều mà. Chỉ cần nới lỏng một con vít khác, tượng từ từ nằm xuống, xiết vít lại cho chặt thôi. Và Hắn vung tay, sau một tiếng búa gõ khô khan cái bàn kẹp trên bốn bánh xe đã lăn vọt đi, có ai đó đã kịp chụp lại và đẩy trả cho Hắn. Hắn nhe răng cười giã lã rồi gác một chân đè lên một bánh xe. Có cái gì không ổn rồi, pho tượng đá này dài năm tấc, nặng có đến bảy tám kí lô mà chỉ được kẹp dính có hai phân đế tượng, còn lại bốn mươi tám phân chiều dài tổng trọng nằm lơ lửng trên không. Những thông số kỹ thuật mà Hắn vừa nhận ra liệu có đưa tới một kết quả nào đó chắc chắn? Bụng chẳng tới trời mà lưng cũng không chạm đất. Coi bộ ông thọ này vắn số mất thôi. Lo gì, mình sẽ đục nhè nhẹ. Hắn mớm nhẹ búa, nhích chậm mũi đục. Coi vậy chứ cái thứ đá này cứng nhưng giòn. Phải mạnh tay dần lên. Và Hắn đã đếm sau tám lần mạnh dần lên, đến nhát búa thứ chín, một tiếng rắc khô khan, từ bụng trở xuống của tượng còn dính vào bàn kẹp, phần đầu ngực đã gãy lìa rơi nằm ngửa trên nền nhà.
Thầy quay lưng lại, cất những bước chân lạc đà trên dao, tiến dần vào giữa xưởng. Thầy ngồi xuống nền nhà vẫn với kiểu ngồi thô lậu kia. Mọi người đi theo và cùng ngồi xuống làm thành một vòng tròn quanh người nghệ sĩ đang ràn rụa ánh mắt đau đớn. Thầy nói:
-Đưa cho tôi một pho tượng năm tấc khác với búa và đục.
Thầy ngã hai đầu gối ra hai bên cho hai lòng bàn chân mở rộng. Thầy đặt ngửa tượng, đầu và lưng tượng gối lên lòng chân trái, đế tượng gài vào lòng chân phải. Thầy nhìn Hắn:
-Cậu đã không để ý đây là loại tượng đổ khuôn bằng bột đá…
Im lặng trong giây lát rồi Thầy nói với khuôn mặt ngửa mặt lên trời:
-Đây là lỗi của tôi.
Rồi Thầy đảo mắt nhìn những người đang ngồi chung quanh:
-Từ hàng trăm năm trước cũng như bây giờ, khi người ta làm những pho tượng thần thánh, mãnh sư, kỳ lân… có kích cỡ từ vài mét trở lên hàng chục mét, thường dùng trang trí cho những thành quách rộng mênh mông, hay để thờ cúng trong những đền thờ, thánh điện nguy nga… Kỹ thuật cơ bản là phải quây chung quanh khối đá mà có thể là cả một núi đá, một hệ thống giàn giáo để có thể di chuyển qua lại, lên xuống chung quanh vóc đá. Nếu là một tảng đá cỡ vài mét khối trở lên thì tự sức nặng của nó sẽ giữ nó đứng vững, những nhát đục chạm của sức tay người không thể nào làm cho nó xô lệch đi. Nhưng với những tác phẩm nhỏ từ cỡ sáu bảy tấc trở xuống thì lại là chuyện khác. Với cỡ tượng này, để dễ dàng xoay kẹp vóc đá mọi chiều, mọi hướng thì không có một cái bàn kẹp nào hiệu quả cho bằng hai bàn chân. Đó là một kỹ thuật truyền thống qua nhiều trăm năm của nhiều đời nghệ nhân chạm đá, ít nhất được thấy ở làng nghề đá Non Nước trên đất nước Việt Nam này, đã được khẳng định là tối ưu cho đến bây giờ. Chạm đá cũng như khắc gỗ truyền thống, nếu muốn làm những pho tượng cỡ như vậy, bất cứ nghệ nhân nào cũng phải sử dụng hai bàn chân. Và chính cỡ tượng quen thuộc này cũng là nguồn thu nhập chính cho cánh thợ đá ngày xưa. Tượng nhỏ, dễ bán, tiêu thụ nhanh. Nhưng để hoàn tất cho xong một tượng cỡ này, phải mất nhiều công sức cũng như thời gian.
Thầy ngưng nói, hai bàn tay cầm búa đục từ từ đưa lên và bất động tại một chỗ trên không, giữa hai lòng bàn chân. Rất chậm, Thầy hơi đưa gối trái lên, đầu tượng đang gác lên lòng bàn chân đưa lên theo làm cho mặt tượng vào vị trí ngay dưới mũi đục, một tiếng búa vang lên, mũi pho tượng đã biến thành một làn bụi đá. Gót chân trái nhấc nhẹ, pho tượng hơi nghiêng đi, đưa mắt trái tượng nằm dưới mũi đục, lại một tiếng búa nữa, vành mắt tượng biến mất. Thầy dựng hẳn gối trái lên cao, pho tượng đứng bật dậy nhưng đế tượng vẫn bị lòng chân phải giữ lại, chóp tượng dưa sát vào mũi đục, thêm một búa nữa cho búi tóc tượng biến mất. Thầy lăn nhẹ lòng chân phải kéo tượng lăn theo, úp sấp xuống, đưa phần lưng lên, những tiếng búa vang lên chậm rải, mũi đục đứng yên tại chỗ, chỉ có lòng bàn chân phải đang di chuyển lên xuống cho lưng tượng lăn qua trái rồi lại về phải…trên eo tượng, mũi đục từ tốn xủi mất dần cái thắt lưng. Cứ thế, pho tượng trong hai lòng bàn chân Thầy quay đủ mười phương tám hướng trời đất và khi Thầy dừng tay búa, pho tượng đã trở lại nguyên dáng một vóc đá mộc mạc trơ nhẵn. Không gian im lặng đến nổi nghe rõ tiếng bụi đá rơi lách tách trên nền đất. Thầy hạ búa đục xuống với một tiếng thở dài nhẹ, Thầy đảo mắt, nhìn chậm rải vào từng người:
-Các bạn thấy rồi đó, đây không phải là bí quyết gì cả, ai cũng có thể nhanh chóng học được cách điều khiển hai lòng bàn chân, phối hợp với đầu gối Nhưng tôi đã không truyền đạt cho các bạn chỉ vì một lý do đơn giản: Phải mất nhiều thời gian luyện tập mới thuần thục và nhiều điều khác nữa các bạn mới hoàn tất được một pho tượng làm ra từ hai bàn chân. Trong khi đó, chính các bạn đã biết cách làm đổ khuôn bằng bột đá, cho ra hàng loạt tượng cỡ này, cũng đẹp cũng sắc sảo… đó lại là chuyện khác nhưng đó cũng là miếng cơm manh áo của các bạn, nhu cầu thiết thực của các bạn và cũng là nhu cầu nghệ thuật chừng mực của đa số người thưởng lãm hôm nay…
Đang trong tư thế ngồi, Em nhớm người quỳ lên, khung trán quyết liệt nhớm theo:
-Con xin lỗi đã ngắt lời Thầy nhưng xin cho con hỏi là khi Thầy ngồi như vậy, con thấy lưng Thầy không thẳng, có phải vậy không?
Hắn và cánh thợ đưa mắt nhìn nhau, Thầy mỉm cười:
-Khi bắt chước theo tôi, cô đã ngồi thẳng lưng à?
Em lúng túng:
-Thưa Thầy, con thấy ngồi thẳng lưng thì sẽ lâu mỏi hơn…
Thầy khoác tay:
-Cô hãy ngồi lại cho tôi xem.
Em ngồi bệt xuống đất giữa những cái nhìn sục sạo u muội của cánh thợ. Em thẳng lưng lên và nhìn Thầy. Thầy lắc đầu:
-Cô không nhận ra là khi ngồi thẳng lưng, cô đã phải kéo hai gót chân vào chạm sát người và hai đầu gối bị khóa chặt lại sao? Hãy thử để một viên đá vào giữa lòng hai bàn chân, xem cô có điều khiển được nó không? Phải cong lưng xuống cho đến khi hai lòng bàn chân của cô làm được động tác xoa vào nhau dễ như như xoa hai bàn tay.
Em làm theo và cong mím môi lại:
-Sẽ rất mỏi!
Thầy gật đầu:
-Không chỉ mỏi mà lưng của cô sẽ đau như bị bẻ gập, khớp gối sẽ tê buốt, lòng bàn chân như có kim châm, khớp háng sẽ cứng lại tạm thời và khi đứng dậy, cô sẽ lảo đảo, vài phút sau mới điều khiển lại được đôi chân. Nếu cứ như vậy trong thời gian dài, cô sẽ phải đánh đổi nhiều thứ trong con người mình từ dáng đi, cách ngồi bình thường đến những đau nhức triền miên ở chân, ở vai lưng… để lấy một cái gì đó mà đến giờ đây, chắc cô chưa biết?
Khung trán bướng bỉnh kia lại đằm đằm :
-Thưa Thầy, con sẽ biết và chấp nhận đánh đổi.
-Cô đã chạm khắc được những tác phẩm kích cỡ rất lớn…
-Thưa thầy, khi làm việc với những vóc đá lớn như vậy, con đi lanh quanh hoặc leo lên leo xuống giàn giáo, nếu mỏi chân, mỏi tay con sẽ nghỉ ngơi chứ chưa một lần nào vừa ngồi làm, vừa phải chịu đựng những cảm giác như Thầy vừa nói.
Thầy đứng dậy, khoát tay cho Em đứng lên theo. Thầy nhìn vào mắt Em và nói:
-Khi cô đứng vững được trên hai chân mình và đi được những bước đầu đời, cha mẹ của cô chắc hẳn đã rất hạnh phúc. Bây giờ, nếu muốn làm nên những tác phẩm như thế nào đó đứng được và bước đi những bước chân chính bằng đôi chân của mình thì cô hãy thử ngồi xuống lại.
Khóe mắt hải đăng hai mươi bốn tuổi lại rưng rưng:
-Và con phải bắt đầu lại từ đầu sao?
Thầy nhìn vào đôi mắt có những tia sáng đang soi quét vào trùng khơi tăm tối.
- Không phải bắt đầu tất cả mà chỉ bắt đầu chạm khắc một cái gì đó cho thật mới từ mắt, từ tim và mới như mỗi ngày cô thức dậy. Cũng hãy nhớ điều này, khi cô gõ nhát búa nào lên đục mà lòng bàn chân không nhận được cảm giác như có một chấn động đi qua phiến đá thúc ngược lại vào tim thì nhát đục đó không thể hiện được gì lên phiến đá. Nếu phẩm vật hoàn tất chỉ bằng những nhát đục như vậy thì đó không phải là một tác phẩm mà là một sản phẩm.
Trong khoảnh khắc, những lời Thầy vừa nói tan vào bầu không khí nồng khét bụi đá, xưởng điêu khắc u mặc như một ngôi đền thờ.
III. Ban đầu thì tay quản lý làm ra vẻ cứng như đá nhưng thật sự bản chất ông ta chỉ là thạch cao. Hắn vừa nói vừa lườm cái đồ thạch cao :
-Ông phải để cho tôi lấy lại cho xưởng khoảng phí tổn…
Tay quản lý ngắt ngang:
-… bị mất đi do cậu đã đục bể nát số đá tròn đó chứ gì.
Hắn gân cổ lên:
-Nhưng cũng xay thành bột đá thôi.
-Thì lại trộn keo vào rồi đổ khuôn ra bà thánh ông thần.
Hắn hất mặt lên:
-Ông tính bán tới bao giờ thì mới tiêu thụ hết số bột đá kia? Mà ông cũng không nhận ra là Thầy đã không còn tiền để mua đá sao?
Nghe nhắc đến Thầy, cái đồ thạch cao kia giống như bị xối nước:
-Thôi được, cậu tính bày trò gì nữa đây? Làm gì thì làm, cậu mà để cho Thầy đập bỏ hết tượng một lần nữa là tôi sẽ quăng cậu vào cái máy xay đá.
Tay điêu khắc chuyên đục những đường thẳng dài năm phân xoa hai tay vào nhau một cách tự tin:
-Ậy, cái này kín đáo như vụ ăng ten chứ không ồn ào như chuyện khóc lóc đâu.
Hắn lấy bi thủy tinh trắng, cưa ra làm hai, tráng thủy vào mặt cưa. Nhưng khi tráng thủy, Hắn đã chia ra làm hai loại, một loại tráng mờ và một loại tráng rất sáng. Khi đổ khuông tượng, Hắn đặt ngửa những viên bi nửa này vào vị trí mắt khuông, như vậy khi đổ khuôn ra, những pho tượng đá sẽ có đôi mắt thủy tinh phản chiếu như gương soi và dĩ nhiên khi nhìn vào mắt tượng, người ta sẽ thấy hình ảnh của mình hiện ra trong mắt những bà thánh ông thần bằng đá này. Nếu chỉ như thế thì là trò trẻ con, làm sao mà bán được tượng. Mà đâu phải tất cả tượng bà thánh ông thần nào cũng xử dụng trong việc này được, kinh nghiệm xương máu chuyện khóc lóc còn sờ sờ ra đấy. Hắn chỉ chọn những bộ tượng Thiện Ác, Phúc Lộc Thọ để chế tác nhưng Hắn làm tượng này có đôi mắt mờ, tượng kia mắt lại rất sáng… Chuyện chỉ còn một chút bực mình là hắn đã phải giải thích đến nửa ngày trời, tay quản lý mới hiểu được cách bán loại hàng này. Và sau khi thấu đáo xong cách tiếp thị, tay cựu kinh doanh ăng ten đã đặt cho loại tượng này cái tên là “những pho tượng truyền hình của thế kỷ đương đại.” Hắn bĩu môi:
-Ông bán ăn ten còn không xong lại đặt đòi truyền hình.
Đầu tiên là đôi tượng ông Thiện ông Ác. Phải tiếp cận cho bằng được những người phụ trách công quỹ của tất cả những đình miếu trong thành phố này. Sau đó phải có một trao đổi kín đáo với những người chìa khóa tay hòm đình miếu này. Rồi trước tiên phải tặng không cho họ không phải một cặp tượng mà là bốn ông, hai Thiện, hai Ác. Một cặp thì ông Thiện mắt rất sáng, có thể soi vào mắt tượng mà nhổ râu hay nặn mụn gì đó cũng được, còn ông Ác, phải lấy loại mắt mờ thôi và cặp kia thì ngược lại. Phải chọn cho đúng chứ lộn một cái là hư bột lỡ đường hết. Bước tiếp theo là phải đả thông tư tưởng cho những tay đó, cách hai tuần hay mỗi tháng phải thay tượng một lần. Và nghệ thuật moi túi bá tánh rất đơn giản như sau: Khi thiện nam, tín nữ nào đứng trước tượng ông Ác mắt sáng, thấy rõ mình trong mắt tượng, thì ông chìa khóa tay hòm phải bước ra, thỉnh chuông, rồi ăn nói làm sao cho vị đó qua đối chứng với tượng ông Thiện mắt mờ. Sau đó chắc lưỡi mà than thở rằng sao nghiệp chướng thí chủ nặng qua vậy, thôi thì lo cúng dường, lo tu nhân tích đức đi. Sau đó đổi cặp tượng có đôi mắt ngược lại, thời gian sau bảo đảm chắc chắn rằng thí chủ nào đã thấy mình mù mờ trong mắt ông Thiện, sẽ bán tín bán nghi, trở lại coi thử, sẽ thấy mặt mũi của mình trở nên sáng sủa rõ ràng. Thế nào mà chẳng tiếc tiền cho vào thùng phước sương, công đức.Và kết quả là số tượng ông Thiện, ông Ác đã được bán ra nhiều tới mức mà Hắn và tay quản lý đâm ra ngạc nhiên. Hắn cho rằng các vị chìa khóa tay hòm đình miếu kia phải có thêm một cái trò gì đó. Hắn tìm đến một ngôi đình mà tay quản lý đã bán được không phải bốn mà là bốn trăm cắp tượng ông Thiện ông Ác. Ban đầu đúng như kịch bản, Hắn đang đứng với cảm giác lâng lâng thưởng thức tác phẩm của mình vì thấy chính mình rực rỡ trong mắt tượng ông Ác thì nghe một giọng nói trầm ấm từ sau lưng:
-Chẳng dám gợi ý thí chủ soi tiếp phần số mình trong mắt ông Thiện.
Biết bài bản cả rồi nhưng Hắn đớ người ra, trong mắt tượng ông Thiện đang đứng đối diện bên kia, Hắn thấy mặt mày của mình vẫn sáng rực. Vậy là sao, làm trật bài rồi chớ gì! Nhưng cái giọng trầm ấm đã rù rì:
-Nghiệp chướng, nghiệp chướng. Tâm của thí chủ hỗn mang tham vọng. Nhu cầu cơm áo của thí chủ ít ỏi nhưng thí chủ say sưa niềm vui làm tiền như say sưa nuôi một phương tiện làm nghệ thuật. Có phải vậy không? Thí chủ hãy phát tâm tu nguyện cúng dường đi. Buông dao xuống là thành Phật.
Hắn chỉ dùng đục chứ đâu có dao. Nhưng Hắn kịp thời trấn tỉnh để nhìn nhận là đã có người còn cao tay hơn Hắn. Bài bản của Hắn chỉ là thứ tép riu. Nhưng làm sao mà vị chìa khóa tay hòm này lại tiêu thụ nhiều tượng đến vậy? Hắn đành phải bỏ ít tiền vào thùng phước sương rồi rảo bước quanh đình. Và câu trả lời nằm ở một góc sân đình. Hàng trăm pho tượng xuất ra từ xưởng của Hắn, còn nguyên đai nguyên kiện, chỉ khác một chút là trên những thùng hàng này có viết địa chỉ nơi nhận là của những ngôi đình miếu khác, trong và cả ngoài nước. Chỉ mua đi bán lại và xuất khẩu nữa đấy.
Hắn vừa vơi đi phần nào cảm giác ê chề khi tay quản lý khoe với hắn số thu bán được từ những bộ tượng Phước Lộc Thọ thì lại tê tái ngay vì ghen tức vì cái đồ thạch cao kia đã bi bô:
-Tôi còn làm tốt hơn bài bản của cậu nghìn lần.
Cố dằn lòng, Hắn hất mặt lên với kiểu kẻ cả:
-Ông kể đi.
-Đây nhé, tôi đưa ra tượng ông Lộc mắt kèm nhèm cho một tay giàu sụ xem, khi lão ấy đang hoang mang vì thấy bóng mình mù mờ trong mắt tượng thì tôi nói ngay là ông rất giàu nhưng thiếu phần phúc đức, mua làm gì pho tượng này, hãy xem tượng ông Phúc đi. Thế là lão vừa ngắm nghía cái mặt bị thịt của lão hiện ra rõ ràng đến từng sợi lông mày trong mắt tượng, lão vừa móc ra cả gang tay tiền.
Hằn trề môi, xì dài:
-Vậy thì hơn tôi cái chỗ nào?
Tay quản lý nhìn lại Hắn, giọng cao đạo:
-Nghe đây cậu em. Có một bà khách, chơi xe hơi đời mới đấy nhé. Khi bà ấy đòi lấy cả ba vị Phước Lộc Thọ thì tôi can ngay. Tôi đã nói cho bà ta biết, ít khi người ta thờ cả ba vị lắm. Rằng như thế là đã cầu xin hết cỡ, mà theo Dịch lý thì cái gì quá lắm lại biến thành một điều gì đó ngược lại. Vậy là trong khi bả tái người đi thì tôi đưa ra bộ tượng mà hai ông Thọ Phúc thì mắt sáng, còn ông Lộc mắt lại rất tù mù và tôi đã nói là cả xưởng chỉ còn bộ này, may mắn đấy, linh thiêng lắm. Bà cứ nhìn vào mắt tượng đi, thần thánh cho phần nào thì hay phần đấy. Tốt quá đi chứ, soi vào thấy mặt mình sáng choang trong mắt hai tượng Thọ Phúc. Vậy thì bà cứ lấy luôn tượng ông Lộc đi, mắt ổng mờ đục thế kia, bà có xin cũng chẳng được. Cứ sống lâu mà làm phúc, rồi trời đất sẽ cho bà giàu có thôi. Vậy là tươi tỉnh mà móc ví ra nhé, nói bao nhiêu mà không được.
-Bao nhiêu là bao nhiêu?
-Đủ cho cậu đục bể nát bất cứ viên đá nào trong xưởng mà cậu thích.
Tay quản lý còn biết bài bản Dịch lý nữa đấy. Trong cơn rầu rĩ, Hắn ngồi đục nhẫn nha những đường khắc dài năm phân sâu hai ly. Những đường khắc đều đặn, phủ gần kín mặt đá. Tại sao Hắn không khắc tên của Hắn lên cái mặt đá này? Khắc làm gì? Làm sao cho giống được như mảnh bằng tốt nghiệp của Em mà Hắn đã thấy hôm nào. Sao mà vinh dự, sao mà trân trọng đến thế. Hắn không là một nghệ nhân điêu khắc sao? Hắn cũng phải có một cái gì để chứng nhận điều đó chứ. Và Hắn đã không biết một điều mà tay quản lý chưa thấy thấy cần thiết để kể lại cho Hắn, là ông ta đã nhiều lần đi lại, thù tạc với vị chủ tích hội Mỹ Nghệ thành phố. Qua vài lần thù tạc rượu chè, để có chuyện mà nói, tay quản lý kể về Hắn như cả một cái kho về những ý nghĩ kinh thiên động địa, dĩ nhiên là thuộc về điêu khắc chứ gì nữa. Và vị nghệ nhân cán bộ chuyên đóng dấu ký tên kia đã rất tò mò về Hắn.
IV. Vẫn cái kiểu ngồi thô lậu đó, Em đặt viên đá vào giữa hai lòng bàn chân nhưng rồi tay búa đục vừa cất lên đột nhiên buông thõng. Em thừ người nhìn vóc đá tròn trĩnh màu hồng ngọc nằm ngoan ngoãn như quả trứng giữa lòng bàn chân mở ra vành tổ rơm rạ. Có một nỗi nhớ nào đó vừa dắt đôi chân thơ ấu trở về. Thơ ấu của cô gái mới hai mươi bốn tuổi này tưởng chừng như chỉ mới hôm qua, còn rủ rê bạn bè trang lứa, chơi trò đi chợ về chợ. Cái trò chơi phải có hai người ngồi bệt xuống đất, đâu mặt vào nhau, dạng chân ra cho bốn bàn chân chạm nhau, làm thành một cái cửa chợ nho nhỏ cho bạn chơi khác đi qua canh một, đi về canh hai… Hôm nay, cũng cái kiểu ngồi kia, đã mở toang cánh cửa quá khứ trong trẻo đó để Em đang chơi một trò chơi khác, tưởng chừng như nhỏ hơn, lớn hơn… không cùng. Nhưng chỉ có Em chơi với chính mình.
Em nâng hai đầu gối lên một chút và động tác đã kéo theo hai lòng bàn chân úp vào, ôm chặt lấy vóc đá.Vóc đá không nhúc nhích khi Em thử thúc mũi đục vào. Lại hạ gối xuống, kéo nhẹ chân trái một chút, vóc đá đổi chiều, lăn theo lòng bàn chân phải rồi bị giữ lại bởi lòng những ngón chân trái quắp lấy vóc đá. Những tiếng cười thích thú reo vang trong cái xưởng rộng mênh mông vừa mở ra một đường chân trời. Em hăm hở vung búa, chèo mũi đục trên giòng sông đá, mái chèo đứng yên khua khuấy, nhưng giòng sông vẫn chảy giữa hai lòng bàn chân còn hồng đỏ ấu thơ. Em khép hờ đôi mắt, dò dẫm lắng nghe nhịp đá thúc vào lòng chân và cái nhịp rung kỳ lạ kia đã làm đôi môi Em mấp máy theo. Rằng đôi môi kia đang thì thầm kể lại chuyện ấu thơ của Em, có một đôi chân tung tăng cỏ nội, mây ngàn vào chùa nghịch ngợm, gãi cù hoài Phật chẳng nhột bàn chân, lại ngủ khoèo gác chuông cho tiếng chuông rền dắt giấc mơ đi chơi xa. Rồi leo lưng con hạc đội đèn có cái miệng nghếch nghếch cười, ngồi nhịp nhịp lưng hạc mà mà nhớ cây roi mẹ nhịp nhịp trên mông dặn dò “nắng mấy nắng, hoa không héo nghe con”. Ơi cái mái chùa tuổi thơ vút cong tiếng hát cho mướt hồn em tròn trịa bước hạt lần…Và bây giờ mũi đục thép trong tay Em cũng đang lần theo từng nhịp búa cho đá vỡ tí tách lời lời kinh ngân. Lời kinh như nghìn lụa reo khung, lời đằm êm như nhung, lời mỏng mảnh ru đưa nghìn sợi cho mắt Em tự khi nào đã tắt ánh hải đăng mà nồng nồng phơi phới dưới khung trán sáng ngời. Vóc đá vẫn chao chuyển nhịp nhàng giữa hai lòng bàn chân đang xoay vô tận những vòng quay của sân khấu đền thiêng. Lưng của Em cong rạp xuống cho đôi tay búa đục vung trên dầu một điệu múa lửa, dâng cúng lên trời đất những tia chớp lóe đang bật ra dưới mũi thép, trên mặt đá. Tiếng vụn đá lẫn tiếng của những giọt mồi hôi đầm đìa trên mặt Em vẫn tí tách rơi trên nền đất. Và rất chậm, theo từng vòng quay trên sân khấu đền thiêng kia, từ từ hiện ra một vũ nữ. Khuôn mặt người vũ công đang ngây ngất ngửa lên trời với cái cổ nhập thần bẻ gập vuông góc với thân mình. Hai cánh tay cong lại trên đầu vẽ lên không gian một tàn lá sen cho mười ngón tay úp vào nhau nở ra một nụ sen hồng ngát màu đá. Lưng pho tượng người múa kia ưỡn cong ra sau trong vẻ đau đớn không cùng như cố bẻ ngược lại cái lưng của người chạm đá đang còng xuống đến độ phủ phục giữa hai gối. Và đôi chân tượng đã kể lại tất cả thời ấu thơ tung tăng của người chạm đá hăm bốn tuổi kia. Chân phải dựng thẳng vút trên năm đầu ngón, chân trái gập lên với bàn chân duỗi ra như một mũi lao. Một dáng đứng chuẩn bị cho những bước múa tiếp theo, sẽ làm cho cô vũ nữ bằng đá kia tung người vào một không gian tồn tại vĩnh viễn trong tâm thức qua nghệ thuật tạo hình..
Và khi thả rơi tay búa đục, Em không còn một chút sức lực nào nữa để nhấc lên cái lưng cong gập, đành để mặc cho đầu mình gục nghiêng lên hai gót chân. Tượng người vũ nữ vẫn kiêu hãnh dáng múa tung tăng giữa hai lòng bàn chân phủ đầy bụi đá mà không một vết cắt. Pho tượng gần gang tấc trước mắt, thấy rõ từng nếp đá còn mới dấu xủi nhưng không thể nào Em đưa tay ra cầm lấy tác phẩm của mình lên. Em không nghe một chút đau đớn nào trong cơ thể mình nhưng không thể nào Em cử động được nữa. Bỗng đôi chân Thầy, đôi chân trần có lòng chân chai thép kia hiện ra ngay trước mắt Em, sát bên khuôn mặt đang gục trên gót chân, gối lên nền đất. Hơi thở Em dồn dập lên, có một sức lực nào đó đã giúp Em kéo lê được bàn tay phải trên lớp bụi đá và bàn tay đó rớt lên chân Thầy cùng với một nắm bụi đá. Em bật khóc òa lên:
-Thầy ơi, con không đứng dậy được…
Và Thầy đã quỳ xuống bên người học trò. Nắn nhẹ nhàng hai bàn tay nhỏ nhắn đang tê cứng, kéo thẳng đôi chân bất động ra, nâng tấm lưng đang phủ phục lên thật chậm. Thầy đỡ cái thân mềm mại đang mất hết những cảm giác đau đớn thường tình cho nó đứng thẳng lên. Và khi dựa được vào người Thầy, Em vẫn chưa nín khóc, những tiếng nức nở hạnh phúc vẫn làm đôi vai nhỏ nhắn rung bần bật. Thầy để Em đứng yên như thế rất lâu vì Thầy biết lúc này, không có một điều gì trên cõi đời này có thể làm cho Em ngưng khóc được. Cho đến khi hạt bụi đá cuối cùng rơi xuống nền nhà, Thầy từ tốn nâng khuôn mặt Em lên, xòe tay ra trước mắt Em, trên lòng bàn tay Thầy, người vũ nữ bằng đá đang bay bỗng những bước chân nhập thần. Nhìn vào đôi mắt vẫn còn đang say đắm, nồng nàn phơi phới, Thầy nói:
-Cô đã lắng nghe được chính mình.
Và đó là câu nói mà Hắn đã không nghe được vì khi bước vào cửa xưởng, thấy Em đang dựa vào người Thầy. Hắn trề môi, nhún vai quay lưng đi.
V. Ông Hai vung cái búa rèn đánh choang một tiếng tóe lửa lên mặt đe và gầm lên:
-Chuyện đó không thể nào có được.
Hắn lại nhún vai:
-Vậy mà tôi đã thấy tận mắt đấy.
Người thợ rèn đưa cái búa lên, lừ lừ bước tới, Hắn rối rít xua tay, vừa chạy quanh cái đe, vừa la bai bải:
-Ông không tin thì thôi, bộ ông định giết tôi à, sát nhân diệt khẩu hả?
-Mày có biết tao bao nhiêu tuổi rồi không?
Hắn hoàng hồn nhưng vẫn chưa hết bực tức:
-Tôi có đẻ ông ra đâu mà biết.
Con người mà cả đời chỉ biết lửa, thép và búa, dịu giọng :
-Nghe đây thằng chó chết. Tao và Thầy là bạn nối khố từ khi còn để chỏm, cùng đi học nghề chạm đá và Thầy đã trở thành một nghệ nhân tài hoa, còn tao chỉ học được nghề rèn đục. Nhưng tao đã thề chỉ rèn đục cho riêng Thầy thôi và Thầy cũng đã nhìn nhận chỉ có những mũi đục do chính tay tao rèn mới đáp ứng được những đòi hỏi khắc khe của từng loại đá khác nhau…
Hắn cười khẩy:
-Chuyện đó ai mà không biết.
-Mày chưa biết hết đâu con à. Hai đứa tụi tao xa quê như vậy đã hơn bốn mươi năm, khi mà mày còn nằm trong đầu gối của ông già mày, thằng kia! Tụi tao lang bạt mưu sinh, một đứa rèn đục cho đứa kia chạm tượng. Tụi tao là bạn nghề của nhau, mày có hiểu như thế nào là bạn nghề không? Nhưng tao đã gọi bạn tao bằng Thầy chỉ vì nó là người làm ra được những pho tượng tuyệt vời nhất mà những thứ người tầm tầm như mày, như tao làm người vào kiếp sau và nằm mơ ở cái kiếp sau đó cũng không nghĩ ra chứ nói gì làm được. Và tao cũng biết tính khí bạn tao rõ như hồi còn nhỏ, tao biết trên đầu nó bị bao nhiêu cái ghẻ chốc nữa kia đấy.
-Vậy mà chuyện này ông lại không biết đấy.
Phóng cái búa bay vèo vào đống đồ nghề, giữa những tiếng đinh tai của tiếng kim loại, ông Hai chỉ tay vào mặt Hắn:
-Có thể những gì mày đã nhìn thấy là có thật nhưng sự việc bên trong chưa hẳn là vậy…
Hắn tái mặt đi trước tia mắt người bạn nghề của Thầy.
-…nếu cái miệng bép xép của mày nói ra một điều gì làm Thầy đau lòng thì tao thề với ngọn lửa trong cái lò rèn kia là tao sẽ kê đầu mày lên đe và chỉ cần một búa thôi nghe con.
Hắn xoa xoa hai tay vào nhau, giả lả:
-Thôi mà bố, có gì đâu mà nóng như lò vậy. Bố muốn vậy thì dễ thôi mà. Hôm nay bố con mình ngang đây là vui vẽ nhé. Xưởng ta sắp có khách quý đấy.
Và khách quý của hắn là vị họa sĩ chủ tịch hội Mỹ Nghệ thành phố bước vào xưởng bằng những bước chân của một quan chức đang vi hành. Tay quản lý xun xoe tay đưa, tay dắt. Còn Hắn thì đang bận rộn ghê lắm. Chẳng là từ hôm qua, người nghệ nhân chuyên đục trên đá những đường chạm dài năm phân này đã ngắm nghía một pho tượng thánh cao chừng một thước mà Thầy đang làm dở dang, để rồi đêm xuống hì hục khiêng vào trong góc làm việc của Hắn. Khi vị quan chức nghệ sĩ và tay quản lý bước vào, họ đều thấy Hắn đang ướm mũi đục vào một nét khắc chưa hoàn tất trên thân tượng, tay búa đang dứ trên không… Rõ ràng là tay điêu khắc này đang để hết tâm hồn vào công việc, đang thận trọng cân nhắc một nét chạm quyết định. Tay quản lý hắng giọng, nếu không kịp ngăn, Hắn hạ búa xuống thì pho tượng của Thầy không biết sẽ như thế nào. Hắn quay lại, nét mặt không dấu sự khó chịu khi bị cắt ngang nguồn cảm hứng. Vị chủ tịch bước tới, đưa tay ra với nụ cười khâm phục:
-Tôi là chủ tịch hội Mỹ Nghệ thành phố, xin lỗi vì đã làm ngưng công việc của anh.
Hắn nhún vai như một nghệ sĩ chân chính. Một tay Hắn đưa ra đón lấy tay người lãnh đạo nghệ thuật:
-Không sao đâu, cảm hứng có thể đến bất cứ lúc nào, dù có bị làm phiền hay không.
…tay còn lại của Hắn quăng vèo cái búa với động tác rất xấc xược vào chỗ để tấm đá có hàng ngàn đường khắc dài năm phân sâu hai ly. Vị chủ tịch nhìn theo trầm trồ:
-Một tác phẩm lạ lùng…
Hắn nhìn người đối diện bằng ánh mắt khinh bạc như thể trước mặt Hắn là một đồng nghiệp chưa có tác phẩm nào mà vẫn xưng mình là nghệ sĩ:
-Chắc ông đã đọc qua kinh Dịch.
Viên chức lãnh đạo nghệ thuật cười gượng gạo, mắt vẫn nhìn vào tấm đá loáng thoáng những nét xổ gạch:
-Tôi cũng biết sơ là muốn hiểu Dịch, trước tiên phải học cách đọc những cái gọi là quẻ ly, quẻ chấn gì đó…được tượng hình bằng những vạch ngắn liền lạc hoặc đứt đoạn, xếp chồng lên nhau theo một quy luật nhất định.
Tay nắm tay, Hắn kéo vị chủ tịch đi dần ra giữa xưởng, xa hẳn cái tấm đá chết tiệt kia, giọng thân mật:
-Ông hiểu hết mọi việc, thật không có gì qua mắt ông được. Trong một lúc ngẫu hứng, tôi đã khắc chơi một vài quẻ Dịch lên đá, sau đó thật tình cờ, tôi nhận ra những quẻ này ẩn chứa một bí mật, tiên đoán một điều gì đó. Vì ngay khi tôi chạm đục lên mặt đá, sớ đá đã đẩy mũi đục đi để hiện ra những vạch lạ, làm thành những quẻ Dịch khác một cách huyền bí. Thật tình là tôi chưa đủ sức luận ra hết. Nhưng thôi, có dịp chúng ta sẽ trao đổi nhiều hơn.
Vị chủ tịch nghe Hắn nói, như vịt hay bất cứ một loài cầm thú nào nghe tiếng sấm sét. Biết gì mà dám thưa thốt nhưng ông ta đã hoàn toàn bị Hắn mê hoặc. Và cái may là bài bản dịch lý, dịch vật gì đó của Hắn do tay quản lý truyền đạt cũng chỉ có chừng ấy. Khi cả hai đi ngang “cái bàn kẹp bốn chiều”, thuận chân, hắn đạp mạnh một cái cho tác phẩm của Hắn lăn đi. Lập tức, người nghệ sĩ cán bộ kia đang từ khâm phục này rơi qua ngạc nhiên khác, ông ta thốt lên:
-Một cái bàn kẹp đá mà hình như nó quay được…!
Hắn mỉm một nụ cười phớt rất nghệ sĩ, tiếp lời:
-… tất cả chiều nào mà ông muốn. Ông xem đây.
Hắn lấy một vóc đá, kẹp vào bàn kẹp, rồi kéo lui kéo tới, quay tròn đủ mọi hướng. Vị chủ tịch không dấu ánh mắt khâm phục:
-Tôi nghĩ rằng đây là tác phẩm của anh.
Hắn nhún vai, việc gì mà trả lời.
-Chắc là chúng ta sẽ bàn bạc về một hợp đồng. Tôi cần ít nhất vài chục bàn kẹp kiểu này để cung cấp cho các trại sáng tác.
Tay quản lý đang đứng sau Hắn và vị chủ tịch, cười thầm:
-Vậy là trúng mánh rồi.
Chứ gì nữa, đó chẳng phải là lý do mà ông ta đưa vị chủ tịch này đến đây sao. Hợp đồng tác chiến giữa Hắn và tay quản lý đã thắng lợi bước đầu. Và cuộc sơ kiến này đã không kéo dài lắm nhưng Hắn đã thực sự gây được ấn tượng với người nghệ sĩ cán bộ kia. Khi chia tay, hắn đã tặng cho vị chủ tịch ấy một pho tượng thánh có hai tai thông nhau nhưng Hắn đã lấy sợi dây thép ra từ trước. Trong cái bắt tay chặt chẻ, Hắn trình diễn một nét mặt kiêu ngạo không thua bất cứ một kịch sĩ tài ba nào và vừa nhướng mắt, hắn nói:
-Con người thường quỳ mọp trước những pho tượng thánh thần. Còn chúng ta là nghệ sĩ, chỉ hạ gối trước cái đẹp. Nhưng đôi khi, sự tình cờ của thiên nhiên cũng có thể gây ra đôi chút ngạc nhiên cho chính tôi đây chẳng hạn sau khi tôi làm xong pho tượng này. Ông hãy lấy tay úp lên tai phải tượng rồi thổi nhẹ vào tai trái tượng xem.
Vị lãnh đạo mỹ thuật thành phố đã tròn xoe mắt khi cảm thấy rõ ràng trong lòng bàn tay mình một luồng hơi mát lạnh cùng với âm thanh một tiếng huýt nho nhỏ thổi ra từ cái lỗ tai này xuyên qua lỗ tai kia của pho tượng đá.
VI. Em đang mãi miết đánh bóng một pho tượng loại cá chim thân dẹp. Miếng vải nỉ vuốt qua cái vây lưng cong vút để lại vẽ bóng ngời quẫy lượn làm như thân cá muốn trườn khỏi tay Em. Tự dưng, Em thấy người mình như muốn vặn theo dáng cong tuyệt mỹ kia:
-Cô có biết bơi không?
Tiếng của Thầy vang lên sau lưng, Em xoay người lại nhoẻn miệng cười:
-Dạ không, thưa thầy.
-Đó là lý do để cô không phải làm việc gì nữa trong cái xưởng này.
Câu nói thứ hai đột ngột như một cái tát bất ngờ. Em sững sốt rồi đôi mắt hải đăng chợt trào ra hai giòng nước mắt. Nhưng đâu đó trong Em lại râm ran dội về tiếng đá thúc vào lòng bàn chân theo nhịp búa gõ đều. Bầu không khí quánh đặc bụi đá như chao đi trong lời Thầy vang vang:
- Cô đã biết lắng nghe chính mình nhưng cô mới hăm bốn tuổi. Cô chưa biết bơi và chưa biết bao điều nữa trong cuộc sống? Cô chưa chèo qua nước mắt, làm sao tạc được giòng lệ? Chưa biết cái tê rát của gió mưa dọc đường quất lên mặt, làm sao chạm ra nét hằn đau buốt? Chưa qua vực sâu, làm sao tạc được vẻ chông vênh? Chưa qua kỳ vọng, làm sao chạm được thất vọng! Nếu cô chưa một lần thấy tim mình đau thắt vì tình yêu thì sẽ chẳng bao giờ cô tạc ra được nét đẹp của một khuôn mặt mê đắm nào đó. Còn ma quỷ không cần phải tưởng tượng ra như thế nào đó mới là kinh khiếp, cũng không cần phải xuống địa ngục mới thấy được mà có khi mình sẽ gặp ma quỷ ngay trong đời thường...
Thầy nhìn theo đôi tay của Em còn đặt trên thân pho tượng cá:
-Cô hãy đi đi. Hãy học bơi và quẫy lượn, lặn ngụp trong nước, sông hồ ao biển gì cũng được. Hãy lắng nghe nước mơn man ve vuốt da thịt mình, một ngày nào đó cô sẽ chạm khắc được cái mềm mại, cái mơn trớn của nước trên bất kỳ tượng cá nào mà cô muốn làm.
Em ôm lấy Thầy để mặc cho thân mình rung lên theo từng tiếng khóc. Cả cánh thợ đều đưa mắt nhìn xuống đất, ông Hai bước lại gần cái đe, ông gục gặc cái đầu có mái tóc loăn xoăn hoe đỏ vì quanh năm đứng bên bệ lò rèn, lấy tay xoa xoa lên mặt đe. Phải chi có một cái gì đó ở trên mặt đe cho ông búa lên mấy nhát cho hả hê. Và Hắn cùng tay quản lý chạy xộc vào xưởng để cùng chứng kiến cảnh tượng ấy. Cả hai đứng sựng lại, Hắn huých tay vào người tay quản lý kèm cái nháy mắt. Thầy đẩy nhẹ Em ra, mỉm cười:
-Tôi đã nói là cô sẽ bay được, bay đến bất cứ nơi nào cô muốn, trên cánh chim đá mà cô đã đáp xuống cái xưởng này vào một lúc mà tôi cũng không ngờ đến. Bây giờ hãy bay tiếp đi, khi nào thích, lượn về đây thăm tôi và anh em.
Em lủi thủi bước ra cửa xưởng. Thời gian Em đã ở trong xưởng chưa tròn một con trăng.
Hắn kéo tay quản lý đến trước, nói khẽ:
-Ông có uy hơn tôi, báo cho Thầy biết mới long trọng.
Cái đồ thạch cao kia gãi đầu, ngượng ngịu:
-Thưa thầy, tôi và nó được…
Thầy lắc đầu:
-Gì mà khó khăn vậy, nói đi.
-Dạ, được mời đi tham dự đại hội mỹ nghệ toàn quốc.
Hắn giật thót người trong tiếng búa đánh choang một tiếng khủng khiếp trên mặt đe. Ông Hai bật cười rũ rượi. Tay thợ rèn cục cằn kia chống tay lên cán búa, gập bụng lại mà cười đến xô cả người vào cái đe nặng trịch khiến nó lệch đi. Vừa gạt nước mắt, lão vừa gào lên:
-Ơi trời ơi, tham dự đại hội mỹ thuật nữa đấy.
Thầy khoát tay :
-Thôi đi ông Hai. Hai người tham dự với tư cách như thế nào?
Hắn bước tới gần Thầy đưa ra một phong bì thư và hai cái thẻ nhỏ, giọng Hắn lí nhí:
-Thưa Thầy, đây là thư mời còn đây là…
Thầy nhướng mắt, ngạc nhiên. Hắn lúng búng trong cổ:
-Dạ, hội Mỹ Nghệ thành phố có cấp thẻ hội viên cho con và ông quản lý.
Cái giọng ông Hai lại hưng hức :
-Chết tôi, lại thẻ hội viên nữa…
Thầy đọc xong lá thư, giọng điềm nhiên:
-Rất đáng mừng nhưng cả hai đã có một lần triển lãm hay đoạt một giải điêu khắc nào đâu?
Hắn và đồ thạch cao nhìn nhau, cuối cùng Hắn nói:
-Thưa thầy, anh em tụi con sẽ soạn chung một bài tham luận để đọc trước đại hội.
Thầy gật đầu:
-Vậy thì tốt. Chúc hai anh thành công.
Trong khi ông Hai vẫn còn lăn lộn trong cơn cười, miệng lắp bắp:
-Tôi chết, tôi chết mất…đọc tham luận nữa.
Thì Hắn đã nhanh tay dấu vào người mấy mũi đục mà tay thợ rèn độc quyền kia vừa làm xong.
VI. Đại hội mỹ nghệ toàn quốc kia được tổ chức tại một thành phố cảng nổi tiếng trong ngoài nước vì ở đây có một ngôi làng chuyên nghề mỹ nghệ đá từ xa xưa gọi là Non Nước với một thắng cảnh gồm năm cụm núi đá mang tên là Ngũ Hành Sơn nổi bật trên một địa thế vây quanh chỉ toàn là những bãi cát trắng mút mắt bên bờ biển xanh nhưng đó là hàng trăm năm trước. Bây giờ muốn vào xem những hang động trong năm cụm núi này người ta chỉ cần đi ngang qua cửa của những căn nhà cao tầng đã xây dựng vây kín những hòn núi này là có thể bước hẳn vào lòng núi mà không cần định hướng tìm kiếm. Đại hội đã quy tụ trên toàn quốc không ít những nghệ nhân chưa có tiếng tăm gì về những tác phẩm điêu khắc của mình nhưng lại rất có tên tuổi trong những lãnh vực như tổ chức trại sáng tác, xây dựng nhà bảo tồn tác phẩm điêu khắc…Chính vì vậy mà trong khuôn viên tổ chức đại hội đã thiết kế một vườn tượng để đại biểu nào đã có thẻ hội viên hội mỹ nghệ mà vẫn còn chìm đắm trong những băn khoăn đại loại như là tác phẩm của mình diễn tả cái gì mà chính mình cũng chưa thấu đáo; tại sao công chúng chưa biết đến những sáng tạo của mình đột phá như thế này, thế kia…tha hồ trưng bày những tác phẩm đã làm trĩu lòng một số ít nghệ nhân khác. Đó là những người chẳng đặng đừng mà phải tham gia đại hội nhưng họ không mang theo một tác phẩm nào để trưng bày ngoại trừ một phần hồn còn lại của họ đang giúp họ sống qua từng ngày vì cơm áo, còn phần hồn kia đã chia năm xẻ bảy gởi vào những tác phẩm của họ đã nằm đâu đó trên đỉnh núi, bên ven biển; ở quảng trường hay trong viện bảo tàng…Những tác phẩm đã vĩnh viễn thuộc về đám đông, thuộc về nhân loại. Nhưng họ cũng qua lại trong vườn tượng với tất cả chân tình muốn chia xẻ nỗi buồn, chúc tụng niềm vui với những con người cũng đã mòn tay, mòn đời với đá, với gỗ như họ. Và Hắn thì lượn lờ chung quanh những con người tầm vóc này, bắt tay, chụp hình chung với tất cả như bất kỳ một người cơ hội nào. Nhưng đại hội chưa khai mạc, thì không ít người đã xôn xao bàn tán về một cái tin hành lang rằng ở thành phố đang có một điêu khắc gia lão thành, lừng lẫy tên tuổi, đã tan gia bại sản vì một nữ sinh viên hăm bốn tuổi, mới tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật. Rằng sau khi gạ gẫm được tay điêu khắc lụm khụm dại gái kia, cô ta đã cuỗm hết tiền bạc mà ông ta đã gom góp cả đời, rồi cao chạy xa bay cho nên đại hội kỳ này đã không có mặt ông ấy. Vài điêu khắc gia doanh nghiệp chuyên nghề đổ khuông các thứ phù điêu, làm trần thạch cao…đã cố gắng moi móc Hắn, hy vọng biết thêm vài chi tiết như cô gái kia có số đo ba vòng thân thể cỡ bao nhiêu, tài sản của tay điêu khắc đó ít nhiều chừng nào…Vì Hắn là đại biểu thành phố mà. Nhưng Hắn đã trả lời bằng cái nhún vai. Hắn thì liên quan gì đến chuyện đó.
Và đại hội đã khai mạc để nhanh chóng thông qua những thủ tục quen thuộc như giới thiệu các cấp lãnh đạo mỹ thuật nhà nước, thành phần đại biểu, chương trình làm việc, tuyên bố cương lĩnh đại hội, vạch ra đường lối cho các trại sáng tác v.v…để tới phần then chốt là giới thiệu các bài tham luận. Tham luận, cái mỹ từ đẹp đẽ chỉ cho một loại tác văn mà chỉ khi nào có những hình thức đại hội hay hội thảo gì đó người ta mới nhắc đến. Trước hay sau một đại hội người ta có thể in thành tập những bài tham luận nhưng sự tồn tại của nó đôi khi không tùy thuộc vào vấn đề người viết đưa ra mà lại tùy thuộc vào đường lối, chính sách của các bậc lãnh đạo. Không biết có phải chắc chắn như vậy hay không mà đã xảy ra trường hợp là có nhiều tác giả mà tác phẩm của họ đã được dựng ở những vị trí nhiều người lắm ma như cổng chợ, nghĩa trang liệt sĩ.. họ vẫn thích tham gia các kiểu đại hội, các loại hội thảo chỉ để được đọc tham luận và lắng nghe các cấp lãnh đạo vừa phê phán lẫn ve vuốt họ, vừa vạch ra đường lối sáng tác thì phải thế này, thế kia. Có những bài tham luận như tiếng hét tuyệt vọng của người lữ hành đang băng qua sa mạc, đã uống hết những giọt nước dự trữ cuối cùng mà bóng dừa xa xa kia vẫn chỉ là ảo ảnh. Nhưng cũng có tham luận viết sau khi tác phẩm hoàn tất vì chỉ sau đó tác giả mới biết mình muốn viết những gì. Và để có khi tác phẩm và tham luận không phải lúc nào cũng là một cuộc lương duyên. Cũng có khi khác, tham luận lại làm công việc của cái áo giáp cho những trái tim yếu đuối nhưng lại ở trong cái đầu có quá nhiều tham vọng trong một thân thể mà tay chân đều què quặt. Bài tham luận của Hắn có đề tài: Sự bay bổng qua nghệ thuật tạo hình chim trong điêu khắc đá, gỗ. Riêng đề tựa thôi khi được giới thiệu đã làm cho số lớn đại biểu nhìn nhau. Vấn đề đặt ra khá ấn tượng mà cũng không kém phần trừu tượng. Mặc kệ những tiếng xì xào, Hắn cứ vẫn một nét mặt lạnh lùng, khinh bạc. Giữa một rừng ống kính máy ảnh, ống kính truyền hình và hàng mấy trăm cặp mắt xoi mói, Hắn đi lên diễn đàn với những bước chân tự tin. Tay quản lý, người bạn cùng tham gia đại hội với Hắn, ngồi bên dưới nhìn Hắn, tắc lưỡi:
-Tay này sẽ đi rất xa.
Và Hắn đã bắt đầu:
-Kính thưa quý vị, thành thật mà nói, tôi không dám cho rằng đây là một tham luận. Sẽ không có gì để tham gia luận bàn ở đây cả. Có chăng, tôi chỉ xin gợi ý đôi điều và quý vị hãy tự trả lời với lòng mình, sau đó, chính tác phẩm của quý vị sẽ lên tiếng…
Một tràng pháo tay vang rền. Hắn im lặng, đảo mắt khắp hội trường, đợi cho âm thanh của sự cổ vũ lịch sự ban đầu ngưng lại:
-Trong chúng ta, ai chưa từng chạm khắc một tượng chim? Phải, ai cũng đã có lần chạm tượng đại bàng, ó, se sẽ, dòng dọc…đủ thứ chim chóc trên đời. Nhưng, những pho tượng chim bằng đá, bằng gỗ của chúng ta có khi nào sải cánh trong không gian chưa? Dĩ nhiên là không. Tất cả tượng chim của chúng ta đều phải đậu lên, quắp vào, bám lấy…một vật gì và đó có thể là khúc cây, vành tổ, nhánh hoa…thậm chí đậu lên cả quả địa cầu...
Lại một tràng pháo tay nữa đầy phấn khích.
-… nhưng tại sao, bằng cách gì và như thế nào, những tượng chim bằng đá, bằng gỗ không bao giờ bay kia vẫn vẩy lượn trong suốt bề dày lịch sử mỹ thuật của chúng ta. Vấn đề rất đơn giản, tất cả những tác phẩm đó đã sống được là do chính quý vị, những nghệ sĩ điêu khắc đá, gỗ đang ngồi đây, đã thổi sự sống, đã truyền linh hồn của mình vào cho chúng. Khi quý vị chạm một con đại bàng đậu trên quả địa cầu và cánh chim bằng kia dù có đang ở tư thế dăng ra hay xếp lại, quý vị đã không gởi gấm, không thể hiện một điều gì sao? Có phải tâm hồn của quý vị đã bay bỗng trên chín tầng mây, thần khí của quý vị đã trở nên rất uy dũng như cánh bằng để trong một khoảnh khắc nhập thần nào đó, quý vị đã làm nên tượng chim kia và đó không phải là cánh bằng thể hiện sự khắc khoải của quý vị sao? Cái khắc khoải ước mơ sao cho toàn thế giới này đều trở nên tốt đẹp như chính tâm hồn quý vị.
Tràng pháo tay thống khoái tiếp theo kéo dài trong thời gian đủ cho Hắn lục lọi khắp mấy túi áo quần, dường như Hắn đã không quên một vật gì.
-Kính thưa quý vị, có người đã xem tác phẩm của tôi và hỏi như thế này: Bằng cách nào mà tôi có thể tạc được như vậy? Tôi chỉ biết trả lời họ bằng một nụ cười, để giờ đây, tôi xin hỏi lại quý vị, không phải câu hỏi đó mà là một câu như thế này: Có khi nào quý vị mô tả lại được cho ai đó, biết chính xác, trong lúc nhập thần khi chạm mũi đục lên đá, tâm trạng của quý vị lúc ấy như thế nào không?
Chín mươi tám trong số gần hai trăm đại biểu cùng ồ lên một tiếng bàng hoàng. Hắn thấy rõ vài người đang rút khăn tay chấm nước mắt. Thể như các vị ấy vừa nhận ra từ xưa đến giờ họ vĩ đại đến thế mà chính họ cũng không biết. Nhưng Hắn lại không nhận ra có một số điêu khắc gia đến tham dự đại hội mà không mang theo tác phẩm hay chuẩn bị một bài tham luận nào cả. Những người này ngồi cùng một dãy ghế và đã từ khi nào họ chuyền tay nhau một cái chai nước gì đó mà họ rót ra nắp chai, rồi nhấp nháp một cách thú vị kèm theo những tiếng khà khoan khoái. Nhìn họ giống như đang thưởng thức một vở kịch đầy tình tiết gây cấn. Hắn tiếp tục:
-Tôi cũng có mang đến đây một tác phẩm để gọi là xin chia xẻ với những khoảnh khắc xuất thần đó của quý vị.
Mọi người xôn xao hẳn lên, dáo dác nhìn quanh. Phải có ai đó khiêng một cái gì lên diễn đàn chứ! Và trên bục diễn giả, Hắn từ từ móc trong túi áo ra một tượng chim đại bàng nhỏ bằng ba ngón tay. “ (*) Đôi chân chim mảnh khảnh nhưng gân guốc với những cái móng đanh quắp, bấu chặt vào một khúc cây xù xì như muốn ghìm cứng toàn thân lại. Một thân chim với đôi cánh dang thẳng, đang rướn lên nét cong cùng cực của một cánh cung đang dương ra. Đôi mắt đá xoe tròn ngây ngất, mê đắm hướng lên bầu trời. Cái mỏ nhọn khoằm xuống kéo theo khóe miệng mím chặt kiên nhẫn nhưng đầy quyết liệt, chờ đúng lúc những cái vuốt chân kia buông ra, cánh chim sẽ lao vút vào không gian mênh mông.” Không để ý đến những tiếng cười khúc khích lộ liễu của cử tọa, Hắn điềm nhiên bước qua bàn đèn chiếu chuyên dùng để phóng lớn tài liệu, hình ảnh. Đặt tượng lên mặt đèn, bật công tắc. Trên khung vải mênh mông, hiện ra một cánh bằng khổng lồ đang rướn lên nét cong cùng cực của một cánh cung đang dương ra. Phân nửa hội trường nháo nhào như một đàn ong vỡ tổ, người ta la hét, người ta vỗ tay, người ta chen nhau chạy rầm rập lên sân khấu nhồi nhét vào tay không biết bao nhiêu là hoa… Coi như bài tham luận của Hắn đã kết thúc. Một số ít những nghệ sĩ đại biểu của miền đất nổi danh là hay cãi cọ kia lại ngồi im và đã không cãi lại Hắn, dù một chữ. Cãi cái chi mà cãi, tâm hồn mình bay bổng chín từng mây, nhân cách mình uy dũng như cánh bằng, mình đã từng có những khoảnh khắc nhập thần sáng tạo… Rõ ràng ràng, cãi cái chi mà cãi. Chỉ riêng những vị đang chuyền tay cái nắp chai kia đã dốc ngược vỏ chai không lên trời, vỗ vỗ vào đáy chai ra điều tiếc rẻ. Sau khi trật tự vãn hồi, người ta thấy Hắn tháo một dải lụa màu từ một bó hoa trong đống hoa đặt trên bục diễn giả rồi gạt hết hoa qua một bên và rút từ trong người ra một vật dài nhọn, cột dải lụa vào giữa, thắt thành một cái nơ… Cử tọa thắc mắc theo dõi động tác của Hắn và tất cả ống kính truyền hình, máy ảnh đều rê theo bước chân Hắn đang bước xuống diễn đàn, tiến đến gần vị chủ tịch hội Mỹ Nghệ toàn quốc. Trong hai tay của Hắn, lấp lánh một mũi đục xanh ngời ánh thép. Với tư thế vô cùng trân trọng, Hắn làm động tác dâng mục đục lên vị nghệ sĩ cán bộ lãnh đạo tối cao ngành mỹ nghệ quốc gia, đôi mắt bén ngót của Hắn không nhìn vào người đối diện mà đảo quanh hội trường:
-Xin ông chủ tịch cho tôi có được một niềm vui nhỏ nhoi là trao tặng ông mũi đục này, đây là loại đục tôi chuyên dùng, do bàn tay của một người thợ rèn rất nổi danh nhưng ông ta đã thề là chỉ rèn đục cho riêng tôi cho đến khi nào tôi còn đi trên con đường điêu khắc. Mong ông nhận lấy như một kỷ niệm của đại hội.
Tám mươi sáu vị đại biểu đã cùng lúc tắc lưỡi, nghe giống như trong hội trường có thêm bầy thằn lằn.
Kết thúc đại hội là việc bầu cử ban chấp hành hội mỹ thuật cho nhiệm kỳ kế tiếp. Và khi Hắn, trong cương vị phó chủ tịch hội Mỹ Nghệ toàn quốc cùng với những vị chức sắc nghệ nhân khác, bước lên sân khấu để làm lễ ra mắt ban chấp hành mới, thì tay quản lý vẫn ngồi yên tại chổ, đưa tay lên nhổ nhổ vào cái cằm nhẵn thín, không một sợi râu và càm ràm với chính mình:
-Lại có lắm chuyện để làm rồi đây.
Ở thành phố, trong một góc xưởng, Thầy và ông Hai cùng cánh thợ đều theo dõi đại hội qua truyền hình trực tiếp. Khi thấy Hắn để tượng cánh đại bàng lên bàn đèn chiếu thì tất cả đều nhìn qua Thầy, chỉ để thấy một góc môi nhếch nhẹ trên khuôn mặt thờ ơ. Nhưng tới đoạn Hắn trao mũi đục cho vị chủ tịch thì tay thợ rèn hực lên, vung búa lao vào cái máy truyền hình, hai ba người thợ nhào theo chụp lại, đè lên người cái ông vô duyên kia đang gào lên:
-Vậy là hết đất sống rồi, trời ơi là trời…
Thầy phì cười:
-Hết đất sống thì về quê mà ở.
Sau khi đại hội bế mạc, Hắn thấy trong người mình vừa tắt đi cái cảm giác mà suốt một thời gian dài đã cứ thôi thúc Hắn làm một điều gì đó. Nhưng vào một hôm, cái cảm giác kia kìa, cái cảm giác mà cách đây mấy năm, lúc Thầy nắm lấy cánh tay phải Hắn để khen ngợi. Cái cảm giác bàn tay như một con dấu sắt nung đỏ, vừa đóng lên tay Hắn con dấu lửa nhìn giống như một chữ ký. Bất chợt Hắn thấy cánh tay phải nóng ran. Hoảng hốt, Hắn cuống cuồng vén ống tay áo lên để thấy trên cánh tay mình phồng dộp một vết cháy phỏng như vừa bị một con dấu sắt nung đỏ áp vào.
Nhiều năm sau nữa, giới điêu khắc thành phố vẫn còn bàn tán chuyện ông phó chủ tịch hội Mỹ Nghệ Quốc Gia nhiệm kỳ ấy, từ khi nhậm chức, chẳng ai thấy ông ta làm được một tác phẩm nào. Người thì cho rằng thì giờ đâu nữa mà làm, vì hầu hết quý vị trong ban chấp hành hội vẫn thay nhau xuất ngoại để tham quan, nghiên cứu… hết trường mỹ thuật của nước này, đến bảo tàng mỹ thuật của nước kia. Nhưng có người khẳng định lý do ông ta không sáng tác được là vì cánh tay phải ông ta đã bị liệt đi, vì một chứng phong lở gì đó. Thậm chí đứng bên cạnh ông ấy còn nghe thoang thoảng mùi ung thối khó chịu của một vết thương lở loét lâu ngày nữa kia. Và nói chính xác, nhiệm kỳ bốn năm ấy của ban chấp hành hội Mỹ Nghệ Quốc Gia kia, còn đúng ba tháng và mười sáu ngày nữa là chấm dứt thì người ta thấy ở nghĩa trang dành riêng cho giới văn nghệ sĩ cán bộ thành phố mọc lên một ngôi mộ mới. Nếu như có ai tò mò muốn biết tên tuổi người dưới mộ, ghé mắt vào bia, họ sẽ thấy đó là một tấm đá cỡ bằng hai viên gạch tàu, dày một phân, chỉ có chạm rất sắc sảo hàng ngàn đường khắc dài năm phân, sâu hai ly.
VII. Và cũng sau khi đại hội mỹ nghệ toàn quốc nhiệm kỳ ấy bế mạc một thời gian không lâu, cư dân cũng như cánh thợ đá làng Non Nước đều bàn tán chuyện có hai ông già không rõ từ đâu đến làng, dựng một gian nhà tranh nhỏ dưới chân một góc núi hiểm trở nhất trong rặng Ngũ Hành Sơn rồi ở lại. Địa thế góc núi cheo leo đến mức chỉ có loài hải âu là có thể hạ cánh xuống những gộp đá chông chênh kia. Một loài chim mà trong một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, lướt cánh giữa tầng không suốt ba trăm sáu mươi ngày chẵn. Tuyệt phi, tuyệt thị. Chỉ còn vài ngày lẻ, đặt chân trên mỏm đá, để cho móng chân mình, in dấu đôi vì sao đẩu, sao ngưu.
Lưng chừng góc núi, thiên nhiên như đã sắp sẵn một chỏm đá lớn mọc ra từ sườn núi, chênh vênh hướng lên trời chiều cao hơn ba mét mà ngang chỉ non một mét. Và những tay chuyên nghề chẻ trộm đá hay luồng lách sục sạo trong núi đã kể lại ngày ngày, họ vẫn thấy một trong hai ông già nọ, leo lên leo xuống chỏm đá ấy bằng những bước chân giống như bước lạc đà trên dao, còn người kia cứ lay hoay dưới chân núi bên cái lò rèn, gục gặc cái đầu tóc hoe vàng màu lửa theo từng nhịp búa ve vuốt trên đe những thân đục ánh màu thép tôi. Phải, đó là Thầy và người bạn nghề đang sống những ngày cuối đời dưới chân một rặng núi còn sót lại vài vỉa đá màu hiếm hoi. Những mạch đá kết tủa từ nhiều triệu năm trước đã bị con người khai thác kiệt quệ chỉ trong vòng chưa tới một trăm năm.
Rồi một hôm, cả rặng Ngũ Hành vang rền từng hồi búa gõ trên thép. Tiếng búa cứ nhịp một nỗi đau lòng trời không thấu từ đôi chân người đã nghe mỏi đá xanh. Và đá không còn thúc vào lòng bàn chân Thầy nữa vì Thầy đã quỳ trên mặt đá, vung búa lên gởi vào lòng Mẹ Núi những nhịp thúc hẹn thề rung lòng biển cả. Rằng hải âu sẽ mãi mãi dăng đôi cánh tuyệt phi, tuyệt thị bay qua trùng trùng đại dương bão táp mưa sa, bay qua bao la xanh biếc thênh thang, bỏ lại sau lưng vầng dương chói lòa lẫn mảnh trăng buồn đơn côi… Còn Thầy, Thầy phải về với nỗi chờ tự thiên cổ rằng có sinh thì có diệt. Núi đá thời gian núi đá mòn. Thời gian chờ đợi sắp hết, chỉ có là những gì do bàn tay và khối óc con người chế tác thành mới trổ màu miên viễn giữa thời gian sinh ra và chết đi của đá.
Đầu tiên là cánh thợ đá địa phương đã không ngăn được tò mò. Họ bới, họ xeo từng phiến đá, sắp thành bậc, làm thành một lối dẫn từ chân núi lên đến sát chân chỏm đá chênh vênh kia để leo được hẳn lên. Để rồi háo hức bao nhiêu thì vật mà họ thấy trên cái chỏm đá kia làm cho họ đau đớn bấy nhiêu. Trên mặt đá chỉ hằn sâu nét chạm khắc những dấu chân chim hải âu và dăng rộng giữa những ngón chân mạnh mẽ kia là màng da mỏng manh đã quẫy lượn một đời loài chim biển, tìm kiếm sự sống trong lòng nước sâu thẳm của bao đại dương vẫn mềm mại dịu dàng như nhiên. Những dấu chân ấy dẫn đến tượng một thân chim đang ấp hai quả trứng tròn trỉnh, lấp ló dưới bụng. Nhưng đôi cánh ấy, cái đôi cánh bằng đá đang xếp lại hai bên thân vì công việc duy trì giống nòi kia đã không ép chặt vào thân mà chỉ khép hờ với những nhịp rung đều đặn thể như chưa bao giờ và sẽ không bao giờ đôi cánh đá ấy ngưng nghỉ. Nhưng đôi mắt tượng đang nhìn lên bầu trời với tất cả vẻ bồn chồn, háo hức cùng với khóe miệng trải dài nét chạm đầy thương yêu, theo đường cong của cái cổ đang dấu vào tấm thân đang che chở cho hai quả trứng kia, mới chính là nguyên nhân làm cho cánh thợ chạm đá đau thắt cả người. Chẳng có nhiều người lắm trong số họ, được đi xa. Cứ đời họ, rồi đời con cháu họ, ngày qua ngày, dưới chân rặng Ngũ Hành này, sống trong bầu không khí luôn nặng nề bụi đá. Ở sát biển mà lồng ngực họ chưa bao giờ hít thở được vị trong lành của một không gian bao la để có thể chế tác ra một cánh chim đá giăng mắc biết bao trùng dương như vậy. Vậy mà bây giờ lại có một tay chạm đá già nua, lê cái thân tàn về sống ở đây lại đục ra một cái tượng chim hải âu. Hén đục ra cái tượng con hải âu đang ấp trứng chớ có điêu khắc chi mô. Cánh thợ đá gốc Quãng chỉ biết chuyền miệng nhau câu nói như vậy. Cái loài chim tầm thường mà họ vẫn thấy ngày ngày bay từ biển vào núi, rồi lại từ núi bay ra biển. Mà lại một tượng chim không đang dăng cánh nữa đấy. Chim đang ấp trứng, làm sao bay được. Và cái đau thắt ấy đã làm cho cánh thợ nổi dóa lên với đám con buôn hàng mỹ nghệ vẫn tụ năm, tụ bảy dưới chân núi.
-Nì, răng mà không đổ khuôn hén đi, làm ra vài trăm cái.
-Khuôn cái đầu ông á. Nó to sấp hai ba cái lu, thêm hai dấu chân xa cả thước, rồi cả cục đá nền nữa, cứ cho là đổ khuôn được đi, rồi ai mà khiêng được cái tượng to đùng rứa mà đi bán.
-Không làm khuôn được thì cứ rứa mà đục theo cho hén nhỏ lại.
-Đục làm răng mà ra hai cái cánh rung rung rứa, ông làm đi.
-Chi mà hung rứa mi. Đục cho cái cánh xếp sát vô thân thì hết rung chớ chi.
Và mọi chuyện qua đi theo thời gian. Nhiều và nhiều năm sau nữa, du khách nghe đồn đãi, tò mò vào tận góc núi, men theo mấy bậc đá xô lệch vì gió mưa, leo lên chỏm đá kia, chỉ thấy trơ trọi mấy dấu chân chim trên đá, in hình đôi vì sao đẩu, sao ngưu.
Nhìn ông Hai đang ướm mũi đục lên một vách đá thẳng thớm, Thầy cười cười:
-Muốn chạm đá từ bao giờ vậy ông Hai?
Chẳng buồn quay lại, tay thợ lò bể độc quyền kia vừa phác nhanh mũi đục thành một hình chữ nhật vừa đủ một thân người chui lọt, nói cộc lốc:
-Mấy chục năm theo Thầy, bộ tôi không đục đẽo được cái chi sao?
Thầy gật đầu:
-Nói nghe được, làm đi. Mà cứ cái giọng đó thì đừng hòng đây chỉ cho cái chi nghe.
Tay thợ rèn đang muốn đục đá nguýt với cái vách đá:
-Tôi thề với cái lò rèn là sẽ không hỏi Thầy một tiếng. Đục cái ni thì có chi để học với hỏi.
Thầy ngẩn người, hỏi nhanh:
-Đục cái ni là cái chi?
Tay thợ rèn cười hề hề:
-Một cái huyệt đá cho Thầy.
Thầy phì cười:
-Tại sao không cho cả hai?
Đôi mắt người bạn nghề lườm lườm:
-Đứa còn lại cho đứa đi trước vô trong cái lỗ ni rồi đậy thêm phiến đá nữa là xong.
Thầy gãi đầu:
-Vậy đứa đi sau nằm ở đâu?
Tay thợ rèn thừ người ra:
-Ừ hỉ! Rứa thì đục hai cái luôn.
Thầy lại cười:
-Vậy ai sẽ cho đứa đi sau vô cái huyệt còn lại? Còn đậy phiến đá nữa đó nghe ông.
Tay lò bể nổi dóa:
-Sao Thầy cắn rắn tôi vậy, chết rồi mà còn làm khó.
Thầy trố mắt:
-Làm sao ông biết tôi đi trước ông?
-Sao không biết, Thầy phải tịch trước tôi, để tôi còn lo cho Thầy đàng hoàng.
Câu nói ngưng lại nửa chừng, nghẹn ngào:
-…còn tôi ra sao lại không được.
Thầy đặt tay lên vai người bạn nghề:
-Già rồi, khóc lóc khó coi lắm. Nếu ông muốn đi sau thì bây giờ tôi sẽ đàng hoàng với ông trước.
Người bạn nghề đưa tay quẹt nước mắt:
-Thầy sẽ chạm trổ hoa hòe, hoa sói lên cửa huyệt à?
-Chuyện đó là đương nhiên. Nhưng việc đàng hoàng là tôi sẽ đục một cái quai thiệt là đẹp trên phiến đá dùng lấp huyệt của ông…
-Rồi răng nữa?
-Khi sắp chết, ông ráng lết vô huyệt, nằm xuống…
-Rồi răng nữa?
-Vậy mà cũng không hiểu ra, rồi lấy chân móc cái quai, kéo phiến đá vô đậy điệm cho đàng hoàng chớ răng nữa.
Trong cái ngày đó, cánh chuyên chẻ trộm đá đều thấy hai ông già vừa đuổi nhau chạy lòng vòng trong núi, vừa hò hét vang lừng.
Thầy yếu lắm rồi, đi lại đã phải chống gậy, vậy mà cả tuần rồi, đi đâu vẫn chưa thấy về. Mỗi chiều xuống, ông Hai vẫn nhóm ngọn lửa rèn ngồi chờ bạn. Lòng không chút bồn chồn nhưng sao sao đó, ông cứ thấy chính ông đang trách đời mình sao ngắn hơn lời hẹn của Thầy. Lời hẹn sẽ đem về cho ông coi một vật từ một vĩa đá mà Thầy đã tìm ra được từ năm mươi năm trước. Thầy nói bây giờ chắc nó đã đủ tuổi để cứng lại. Trong khi cái lò rèn kia, đã năm mươi năm, vẫn thổi vào buồng phổi của ông bao nhiêu là bụi xỉ của sắt, của thép. Nó cũng đã làm cho phổi ông từ từ cứng lại từng ngày một và làm cho thân thể của ông mềm dần đi, cũng từng ngày một. Nhưng ông đã đem lòng thách với biển dâu là khi Thầy còn chạm đá, ông sẽ còn rèn đục.
Thầy trở về, đưa ra trước mắt người bạn nghề một vóc đá thon dài chừng năm tấc. Toàn vóc đá ửng một màu vàng nghệ kỳ ảo. Tay thợ rèn thảng thốt:
-Trời ơi, đá nghệ.
Đúng, đó là loại đá quý hiếm nhất trong rặng Ngũ Hành sơn này. Người ta có thể không khó khăn lắm để tìm ra đá xanh ngọc, hồng phấn, nâu đất… nhưng gặp một mạch đá nghệ có nghĩa là đã được trời đất trao cho một tặng phẩm. Thầy dịu dàng nhìn người bạn thợ:
-Tôi cần một bộ đục nhỏ, có nhiều mũi khác nhau.
-Thầy muốn chạm vật gì?
-Một nhánh hoa cúc.
Sau khi trao cho Thầy bộ đục biếc xanh màu thép mới tôi, đặt xuống nền nhà vò nước lạnh, người bạn nghề lặng lẽ rời khỏi gian nhà rách nát, đi lẫn vào những gộp đá núi lạnh lẽo. Phải để cho Thầy yên tĩnh làm việc và cũng không để cho Thầy phải nghe những tiếng ho đang xé người ông ra.
Thời gian lại tức khắc dừng lại khi Thầy đặt mũi đục lên đá. Và đôi chân trần của Thầy lại âm âm tiếng hát của đấng sáng tạo muôn vật vô hình và hữu hình. Tiếng búa đục lại rung nhịp vàng ngân từ đôi tay con Người, tụng khúc tình ca truyền kỳ của đá và thép cho muôn đời sau.
Đêm ấy, biển Mỹ Khê, làng Non Nước lặng như mặt hồ và tất cả những phiến đá dù to, dù nhỏ trong rặng Ngũ Hành sơn đều không thở để trả lại vào bóng tối cái nóng của ánh dương. Cái sức nóng của hàng triệu triệu độ, của đá vàng tan chảy, như cái lò rèn kia, thổi ra những cái đuôi lửa quất vào vũ trụ, quất vào buồng phổi của người bạn nghề từ năm mươi năm qua. Đêm vắng và trời trong như nước lạnh. Thầy bồng cái xác quắt queo của người bạn nghề đưa vào ngôi huyệt đá và Thầy đặt vào giữa hai bàn tay người chết một đóa hoa cúc. Một đóa hoa cúc tươi tắn sắc vàng nghệ thâm trầm đài các của đá nằm giữa đôi tay vẫn còn bấu chặt vào ngực vì những cơn đau hấp hối. Sau khi đẩy phiến đá lấp cửa huyệt của bạn lại, Thầy chậm rãi bước vào huyệt đá của mình, vừa nằm xuống vừa kéo từ tốn phiến đá đậy cửa huyệt lại. Trên chỏm đá chênh vênh kia, nghe như có tiếng vỗ cánh. Khuya gào một tiếng chim trùng khơi.