THẠCH CẦM

Tiếng Đàn Trăng

 
Khoảng non trăm năm trước, đất Kinh Thành, có người tên gọi Thạch Sinh, lai lịch không rõ, vợ con cũng không. Nhiều người đã thắc mắc  “sinh” là tên riêng hay là tiếng thường dùng xưa lắc xưa lơ để chỉ cho hạng học trò, điều này vẫn dễ dàng quên đi để thay cho chuyện được nhắc đi nhắc lại nhiều lần bên khay trà của những tay có cái thú ngoạn thạch. Họ vẫn bàn tán Thạch Sinh là truyền thân duy nhất còn lại qua nhiều đời của Thạch Sanh, nhân vật đã sống vĩnh viễn trong cổ tích VN với truyện chém chằng, cứu công chúa…Bị người anh kết nghĩa là Lý Thông hãm hại, nhốt xuống hang đá…Từ đáy hang sâu, tiếng đàn của Thạch Sanh, tiếng đàn của một ngón đàn tâm trung, chất chứa bao đắm say và oan khuất cất lên, lan tỏa thành một trong những pho truyện thơ mộc mạc đầu tiên của văn chương dân gian miền nam Việt Nam, được truyền tụng từ hàng trăm năm qua…
……..
Đờn kêu tích tịch tình rầu
Ai đưa công chúa từ lầu xuống hang
Đờn kêu tích tịch tình tang
Ai đem công chúa dưới hang lên lầu….
 
Nếu chỉ vì cái họ Thạch mà chuyện Thạch Sinh cũng đã trở thành một truyền tụng thì chưa hẳn. Người sau, khi kể lại vẫn nhấn mạnh đến chi tiết Thạch Sinh cũng có sử dụng một cây cổ cầm mười bảy dây nhưng cũng chỉ kể bằng lời nói hay chữ viết chứ chưa hề có một tiếng đàn nào của ai ở đời sau, minh họa được rằng ngón đàn tài hoa của Sinh là đã được diễn tấu như thế này, thế kia. Chuyện kể rằng đương thời, các bậc danh gia vọng tộc, hàng danh sĩ tăm tiếng… vẫn thường xuyên mời Thạch Sinh đến tấu đàn trong những dinh thự sang trọng của họ. Tiệc đàn thường bắt đầu lúc chiều xuống. Và bên những mâm cao lương mỹ vị, khi tiếng đàn Thạch Sinh cất lên, từ thực khách đến ẩm giả...vẻ mặt mỗi người đều lộ một nét khác nhau, không phải là sự say mê, đắm chìm mà là những ganh tị, đớn hèn… chen nhau làm thành những vết nhăn vật vả trên mặt từng người một. Trong khi người đánh đàn, càng say sưa cung bậc, càng ngời tỏa nét thơ trẻ. Chuyện cũng kể chưa ai từng thấy Thạch Sinh vừa chơi đàn, vừa uống rượu. Những ly rượu của các bậc vương tôn chuốc mời tay cầm thủ, ý chừng nhờ hơi men, họ sẽ được nghe những cung bậc bay bổng hơn, đều bị Thạch Sinh từ chối với nụ cười vừa đủ chếch khóe môi trên khuôn mặt luôn lạnh lùng như đá. Nhưng sau những đêm tiệc đàn như vậy, người ta thấy Thạch Sinh ra về, lại chèo kéo cho được một hai người bạn cũng phường ca nhân, tài tử thân quen… dùng những đồng tiền vừa được khách thưởng cho, tìm một quán ven đường, mua rượu uống cho đến kỳ cùng những đồng xu lẻ. Và chuyện cũng nhắc đi nhắc lại là chưa ai thấy Thạch Sinh say rượu. Càng đẩm rượu, mặt mày Sinh càng giống trẻ con như khi đang đắm chìm vào cung bậc. Rượu vào bao nhiêu thì lời cũng ra bấy nhiêu nhưng chỉ là những câu thăm hỏi bạn bè ai còn ai mất, ai thất bại thương trường, ai mất mát người thân…Nếu biết có người quen bị tai ương, Thạch Sinh bớt vài tuần rượu, dấm giúi mấy tờ giấy bạc cỏn con, qua người đưa tin, gởi giúp bạn. Không một câu luận chuyện đời, không một lời bình nhân thế. Và trong cơn rượu, người chung bàn có trêu ghẹo thế nào, cũng chỉ thấy Sinh  đưa tay lên vùi vào tóc với đôi mắt lim dim khép lại. Có người khẳng định đã từng uống rượu với tay chơi đàn này, kể rằng không ít lần khách đêm thả bộ qua đường, nhận ra Sinh, ghé vào bày tỏ lòng mến mộ, vung tay trải vài lượng bạc trên mặt bàn ngỏ ý muốn nghe đàn nhưng vẫn với nụ cười từ chối đủ chếch khóe môi, Sinh uống cho đến khi tóc trên đầu có bao nhiêu sợi đều dựng đứng lên như tổ kẽm mới thôi, rồi khoác đờn lên bờ vai thẳng rộng, sừng sững ra về. Tuyệt nhiên không một tiếng đàn sau khi uống rượu.
 
Lại nói không ai biết Thạch Sinh kiếm tiền độ nhật bằng công việc gì. Có ai  nắng sớm mưa chiều ven sông, bờ biển…vô tình gặp Thạch Sinh, đều thấy Sinh đầy vẻ tất bật, xăm xoi. Lại có người từ miền xa ngái nào đó trở về, cũng kể vừa gặp tay cầm thủ này lang thang bên một triền suối, ven một bãi đá…vai oằn những cái túi đầy vẻ bí mật. Cho đến một hôm những tay có cái thú thạch ngoạn của Kinh Thành mở một cuộc triển lãm gọi là Ngoạn Thạch Kỳ Phiên, nhằm chưng bày toàn bộ sưu tập những khối đá kỳ dạng dị hình của họ thì mọi người đều thấy Thạch Sinh thơ thẩn từ gian trưng bày của họ Tống, đến gian trưng bày của họ Văn, với cái nhìn đầy vẻ thân quen, ngắm nghía vô số viên đá, hòn ngọc muôn loại, muôn sắc… có những hình dáng, đường nét kỳ ảo do thiên nhiên – không có bàn tay nhen nhúa của con người ở đây - tạo thành. Đây là một viên đá tròn cỡ trái bưởi, nhẳn thín sắc nâu nhưng lộ rõ hai hố mắc, hốc mũi, hàm răng lởm chởm…giống y một cái sọ người. Hẳn cái bén ngót của một giòng thác đổ nào đó, đã bao đời khoét xoáy, bào mòn, vô tình chạm khắc khối sỏi kia mà thành. Kia lại là một tảng hổ phách, sắc đỏ bầm nửa trong, nửa đục…nhìn kỷ hơn, sẽ thấy chìm sâu bên trong một con ve sầu còn nguyên xác. Con ve nào may mắn đến vậy, khi tự táng thân mình vào tảng nhựa thông này để cùng hóa thạch qua bao nghìn năm rồi. Lại thêm một khối hồng ngọc, không một chút mài giũa, thô ráp những góc cạnh tự nhiên, ngang dọc những đường nứt rạn, vẽ thành khuôn mặt một người nữ có nét buồn khôn tả. Không thể nào kể xiết sự kỳ ảo, cũng không nói được cho cùng giá trị của những khối ngoạn thạch này. Nhiều người trầm trồ trước một tảng đá xanh  mà những nhát chẻ vô tình  của thiên nhiên đã khắc thành hình một con đại bàng…để rồi tiếc nuối cất tay ra khỏi túi tiền của mình khi đọc tờ giấy nhỏ kèm theo tảng đá ghi hai chữ: Không bán. Nhưng có kẻ lại đi qua không dừng bước chân trước khối dạ minh châu có dáng như một búp sen đề giá vài chục lạng bạc.
 
Chủ nhân của những bộ ngoạn thạch này khi thấy Sinh đều tỏ vẻ mừng rỡ, xoắn xít chào đón, tay dắt tay đưa vào bàn nước kê khuất, kề tai thì thầm to nhỏ. Hết người này lại người khác, vẫn cái khoác vai thân mật kèm theo bờ môi mấp máy những câu không rõ tiếng. Nếu có ai tò mò quan sát thì chỉ thấy gương mặt Sinh hờ hững trả lời bằng cái nhướng mày nhẹ nhàng ra điều:  Rõ rồi đấy. Về sau, không phải là đồn đải, mà sự thật như chính lời nói của các đại gia này là gần phân nửa những bộï sưu tập của họ đều có được từ Thạch  Sinh. Nhưng người nghe chuyện lại cho là vô lý, vì họ chắc như đinh đóng cột rằng Sinh chẳng mấy khi ra đường mà trong túi lại có đến bạc ngàn như những người bình thường khác, may ra thì vài đồng. Còn nhà cửa gia cảnh thì thường thường bậc trung, tuy khách đến nhà cũng trà cũng rượu, nhưng thường là đến năm bữa, nửa tháng…có khi hơn, Sinh mới gom trả một lần cho hàng nước kế bên nhà. Và trong nhà Sinh, không biết đó có phải cũng là một sưu tập hay không mà chỉ thấy trên quầy tủ, kệ sách… cơ man là vỏ chai, vò ruợu bằng sành sứ, bằng bầu nậm, đất thô, thủy tinh, pha lê… đủ mọi kiểu dáng. Nhưng của này thì có gì đáng giá? Vậy ngoạn thạch ở đâu ra? Chuyện mới kể ngang là chẳng mấy khi Thạch Sinh lai vãng ở những nơi văn nhân, tài tử đất Kinh Thành thường họp mặt như Túy Giả Các chẳng hạn. Ở đó, vài người thân quen Sinh cũng thường lui tới, vẫn thách cuộc nhau năm bảy tuần rượu, đố mà gọi được Sinh đến cùng đối ẩm vào ban ngày. Thạch Sinh đi đâu, làm gì ? Rõ rồi, Sinh còn lặn lội ở bãi đá, triền núi nào đó để tìm ngoạn thạch… đem về nhượng lại cho những tay chơi thạch ngoạn. Và những tay chơi này vẫn sang qua bán lại những viên ngọc, khối đá này bằng những đơn vị tiền bạc nghe đến chóng mặt. Thói thương trường, kẻ bán được thì hí hửng, người mua xong lại đăm chiêu tính toán. Ở đây ngược lại, người vừa mua được viên ngọc này, lại không tiếc lời trách móc Thạch Sinh đã là chuyện lạ, kẻ mới bán đi khối đá kia, cũng than thở tay chơi đàn này rằng nọ rằng kia… thì càng lạ chuyện hơn. Mới hay khi kiếm được đá quý ngọc đẹp, Sinh lựa theo kiểu dáng, chủng loại rồi mới đem bán, có khi lại cho không. Nhưng muốn bán cho ai thì bán đúng cái viên này cho người đó, muốn cho người khác thì lấy đúng cái viên kia cho kẻ nọ.
Về sau, những nhà nghiên cứu lịch sử huyền thoại, cổ tích gì đó đều khẳng định thời điểm ấy vào đúng tiết lập thu, năm nhâm ngọ. Thạch Sinh mang túi đảy, lang thang tìm ngoạn thạch, về đến Hà Tiên. Vùng đất tận cùng phía nam của đất Việt, do một người Hoa kiều tên Mạc Cửu mở mang, gầy dựng từ nhiều trăm năm trước. Mạc Cửu đã dâng Hà Tiên cho nhà Nguyễn để nương vào thế lực triều đình tránh nạn đao binh của quân Xiêm. Và Mạc Cửu đã được hoàng gia ban cho tước Khai Trấn Quốc Công. Thạch Sinh đến Hà Tiên theo lời đồn đải đây là miền đất có nhiều loại đá màu đẹp đến nức lòng người. Vậy mà bao ngày lặn lội qua lại trên vùng đất của quốc công Mạc Cửu, không vẫn hoàn không mảy may một viên đá nhỏ cho vừa mắt, nói gì đẹp ý.
 
Vào buổi chiều mà Thạch Sinh quyết định sẽ trở lại Kinh Thành ngày hôm sau, Sinh thơ thẩn đến vùng lăng tẩm họ Mạc. Đó là một triền đất thoai thoải, trải từ lưng đến đỉnh của ngọn núi thấp có tên là Bình San, che chắn chính diện là thủy vị Đông Hồ, rồi đến hai ngọn Đại Tô Châu, Tiểu Tô Châu trong dáng hai con voi đang phủ phục án ngữ. Quả là một thế phong thủy giữ chắc cơ ngơi, vượng phất muôn đời con cháu. Khi Thạch Sinh đặt chân lên lưng núi, hoàng hôn đang dần sẩm màu,sương lạnh khói núi giăng vương vất. Sinh phóng tầm mắt gom lấy hết quang cảnh. Từ đỉnh cao của ngọn Bình San, trải dài xuống thấp, rải rác đây đó những ngôi một to nhỏ, cái nào cũng được chăm sóc kỷ lưỡng, sơn vôi xanh đỏ tươi tắn từ thành mộ đến vóc bia. Không điểm một dấu rong rêu  thời gian, thể như ngôi nào cũng vừa táng xong. Sinh gật gù thú vị:
- Quả là con cháu họ Mạc thơm thảo. Bao trăm năm rồi mà người nay chẳng làm mờ mảy may dấu xưa.
Chẳng màng đến bóng chiều âm u, Sinh  bước quanh quất qua từng ngôi mộ, hồn nhiên xăm xoi từng tấm bia, lẩm bẩm :
- Xem nào...bà Mạc Mi Cô này là ai? Vợ công tước phải đề bia là phu nhân mới trang trọng… Quốc Công đâu phải là vua, vậy con gái quốc công thì gọi bằng gì?
Chợt Thạch Sinh chăm chú vào một ngôi mộ nhỏ nhắn, đường nét lăng quách nhẹ nhàng thanh tú, bia có sen chầu, cổng có hạc đón.. Sinh khom người trước bia đọc thành tiếng:
- Mộ công nương Mạc Hoàng Khuyên…
Chợt đâu một làn gió nhẹ thốc từ dưới chân lên, Thạch Sinh khẻ rùng mình, khói núi chừng lạnh hơn. Tay cầm thủ nhìn ngôi mộ, nghiêng đầu băn khoăn:
- Công nương…công nương Mạc Hoàng Khuyên là con hay em gái của Mạc quốc công ? Sinh thời chắc chưa có chồng mới gọi là công nương, nhưng hàng danh gia vọng tộc thì có chồng cũng gọi là công nương được vậy !
 
Lại một làn gió nữa thoáng qua, nghe như tiếng thở dài. Thạch Sinh thần trí tự dưng thảng thốt. Tiếng thở dài thoáng trở cao vút thành tiếng huýt lạnh buốt xoáy vào tai, Sinh nghẹn hẳn hơi thở, nhịp tim chừng thắt lạt. mồ hôi lạnh đẫm ướt lưng áo. Tiếng huýt bỗng đổ hồi thành những tiếng chim xa xa  vọng lại. Từ dưới chân núi hiện ra một chấm đen nhỏ, lướt trên những tàn cây thấp rồi lướt lên cao dần, hiện rõ ra một cánh chim. Những tiếng huýt đang lảnh cao chợt trầm xuống, rồi lại cất lên, vang từng hai âm một, nối tiếp nhau, nghe như tiếng người gọi… khuyên hoàng ...hoàng khuyên…Thạch Sinh dõi mắt theo cánh chim càng lúc càng lên cao rồi mất hút trên đỉnh Bình San. Sinh thở hắt ra, dợm quay lưn, bất chợt thấy trên rìa đất ven mộ, lóng lánh một đốm sáng nhỏ…Hẳn động lòng thú nghề, Sinh bước đến, cúi người nhặt lấy vật nọ. Đó chỉ là một viên đá đỏ bình thường, nhỉnh hơn hai ngón tay, hình tháp cụt, để đứng được hẳn trong lòng bàn tay. Người săn đá ngắm nghía viên đá nhỏ nhoi, lại có đường nét của một ngọn núi cao, nét mặt giãn ra, cười nhẹ với chính mình:
- Đẹp nhưng cô đơn. Lưu vật đất Hà Tiên, lăng Mạc Cửu. Mình sẽ gọi viên đá này là Kỳ Duyên Ngoạn Thạch.
Thạch Sinh bỏ viên đá vào túi, rảo bước xuống núi. Trời sập tối hẳn. Cây cỏ trên núi Bình San chợt rì rào nổi lên từng đợt chấm âm lan động xuống đến hai mặt Đông Hồ lẫn Tây Hồ làm dậy lớp lớp trùng sóng. Trời tuyệt nhiên không một hơi gió.
 
Khuya lắm rồi, trong nhà trọ,Thạch Sinh vẫn chưa ngủ được, cứ đăm đăm nhìn lên vách. Viên đá Kỳ Duyên đặt trên án thư kê bên giường, được ánh đèn chiếu hắt lên vách, in bóng một dáng núi hùng vĩ đang vươn nét cao đầy kiêu hãnh. Sinh chợt ngồi bật dậy như có một tha lực nào đó vừa nâng hẳn lưng của tay cầm thủ lên. Sinh khơi cao ngọn đèn, cầm lấy viên đá trên tay săm soi và chợt tròn mắt: ở một mặt viên đá, những vết màu hung đỏ lỗ chỗ, loang lổ như có ai đã chạm khắc rõ ràng hình một người nữ đang trong tư thế ngồi quay lưng lại. Dáng người nữ có mái tóc như được chít lại bằng một vuông lụa sắc vàng sẩm, thon thả tấm lưng ong nổi bật màu áo đen. Hình nhân trên đá có một nét cánh tay phải chống lên đùi trong dáng ngồi nhìn ra một  hướng nào đó, dáng ngồi đầy vẻ trông đợi. Thạch Sinh cung tay nắm chặt viên đá lại, dụi mắt, thở sâu vài hơi, mở tay ra, nhìn lại thật kỷ. Không thể nào hoa mắt mà lầm được. Rõ ràng là hình nhân một người nữ. Sinh thừ người, đặt viên đá lên án thư, hạ bớt đèn, lắc mạnh đầu vài cái rồi ngã lưng xuống, chừng đã hết canh một.
 
Cánh cửa phòng mở bung ra nhẹ nhàng cùng với một làn gió lùa vào, không gian bỗng thoang thoảng mùi hương kỳ lạ, cái mùi lạnh của cây cỏ đại ngàn pha lẫn vị nồng khét của đá, của đất… Rồi dáng một nữ nhân như trôi vào theo làn gió. Với vẻ ung dung, nữ nhân bước đến án thư cạnh giường, đưa tay khơi lớn ngọn đèn rồi lui lại vài bước chân, nhìn chăm chăm vào Thạch Sinh đang chìm trong giấc ngủ, nhẹ nhàng cất tiếng:
- Thạch Sinh.
 Tay cầm thủ bừng tỉnh, nhướng đầu về phía tiếng gọi, ý muốn ngồi dậy nhưng tay chân như bị cột chặt vào giường đến tê dại.  Chập chờn qua ánh đèn leo lét là một thiếu nữ trạc đôi mươi với khuôn mặt đẹp kỳ ảo. Cái đẹp của những tia nắng sớm đang lóng lánh chiếu qua màn sương mai, ửng lên những tán hào quang rực rỡ. Dáng người như dáng ngọc trong trang phục của người Hoa, với kiểu cách có từ nhiều trăm năm trước. Cả xiêm lẫn y đài các một vẻ thâm trầm trong sắc áo đen nhung. Tay y ngắn lửng, xiêm dài kín chân, xẻ thấp một bên. Thêu nổi từ bâu đến ngực y,viền xiêm là những hoa văn rực một sắc vàng quyền quý. Mái tóc được chít kín bằng một khuôn lụa vàng, treo rủ những chuỗi hạt trai lóng lánh muôn màu nhưng như chỉ để làm nền cho đôi mắt đen láy sâu thẳm, đang nhìn thẳng vào Thạch Sinh, cái nhìn thăm dò đầy vẻ nghiêm khắc:
- Ngươi quên ta rồi sao ?
Thạch Sinh lắc đầu như thể muốn xua đi cảm giác choáng ngợp trước nhan sắc mê hồn kia, giọng cố khẳng định như mình đang tỉnh táo:
- Cô là ai, tại sao đêm khuya đường đột vào đây ?
Một tiếng cười nhỏ bật ra, âm vang sắc gọn như tiếng một viên ngọc trai vừa rơi khỏi chít khăn, chạm lên nền đá:
- Đây là đất của tiền nhân ta khai phá, ta muốn đi đâu, đến đâu là quyền của ta.
Sinh ớn lạnh toàn thân, hơi thở đứt quãng:
- Cô là…!
Thêm một viên ngọc trai nữa rơi xuống :
- Ta là công nương Mạc Hoàng Khuyên.
Chừng Thạch Sinh muốn vùng dậy nhưng toàn thân vẫn bất lực, đành nhủ thầm:
- Mình gặp ma, gặp hồ gì đây sao…?
Không còn là ngọc rơi vàng rớt, một tiếng quát khẽ :
- Ngươi dám hồ đồ !
Rồi nhẹ xuống thật nhanh :
- … nhưng có bản lãnh đó, không sợ cả ma lẫn hồ. Mà sao vừa mới ban chiều ngươi gọi ta là kỳ duyên, bây giờ thì gọi là ma là hồ.
Chợt dõng dạc hơn:
- Ta là một linh hồn, một hương linh truyền nhân của họ Mạc…
Cái linh hồn đẹp ngời ngợi kia khẽ nhướng đôi mày nguyệt cong về phía dáng núi  của viên đá đang in bóng trên vách:
- Hồn tiền nhân bao đời của ta và cả ta nữa đã thấm sâu trong từng phiến đá, tấc đất… vào từng tàn cây nội cỏ của Hà Tiên này.
Thạch Sinh liếc về viên đá đang để trên án thư, giọng vội vàng:
- Tôi có lỡ tay lấy một viên đá trên vùng đất của tiền nhân. Nào phải kỳ trân dị ngọc gì đâu. Ngày mai tôi xin đem trả lại ngay.
Công nương họ Mạc bước lên một bước chân, bước đi mở rộng đường váy xẻ để lộ nét chân thon dài. Cái mùi  nắng gió kỳ lạ lại thoang thoáng ấm lạnh.  Giọng nói của một linh hồn nghe lẫn tiếng thở dài thật buồn và dường như có  chút e ấp:
- Đừng gọi ta là tiền nhân, chỉ vì tai kiếp, ta hưởng dương chỉ tròn hai mươi năm…
Nhưng trở  rắn rỏi thật nhanh:
- Lại thói thường tình. Ngươi chẳng đã nói đây là lưu vật sao?
Thạch Sinh cố gắng đưa tay ra để làm một động tác phân bua nhưng vẫn không giấu nổi lúng túng:
- Nhưng công nương có ý muốn đòi lại !
- Ta đến đây không phải chỉ đòi một viên đá…
Giọng nói của một người chết được ghi trên bia là công nương nghe thật cao đạo:
- …mà đến để trách ngươi.
Thạch Sinh cao giọng:
-Tôi đã làm gì bất kính?
- Không bất kính nhưng vô tâm.
- Tôi có gì thiếu sót với ai ?
- Tại sao ngươi đặt chân vào đất tiền nhân mà không đem theo đàn ?
- Tôi chỉ đi vãn cảnh.
- Ngươi là hậu sanh trăm đời, sở đắc của đời ngươi là cây đàn cầm, ngươi đến viếng mộ tiền nhân, sao không dâng cúng vài tiếng đàn để tỏ lòng biết ơn người có công góp phần khai phá tổ quốc, đốt làm gì mấy nén hương bạc giấy, chỉ làm vấy đất người xưa.
Cái mùi của cây cỏ, đất đá nghe chừng ràn rụa hơn. Thạch Sinh khựng người trong thoáng giây rồi thấy toàn thân nhẹ nhõm. Sinh bật ngồi dậy, bước liền xuống trướng, chắp hai tay:
- Quả đúng tôi đã thật vô tâm.
Linh hồn truyền nhân họ Mạc bước một bước chân nữa đến gần Sinh hơn, giọng nói cao đạo chùng xuống:
- Vậy thì khi nào?
Thạch Sinh đưa mắt lên để chạm phải cái sâu thẳm trong đôi mắt đen láy kia, tay cầm thủ mím nhẹ môi:
- Xin hẹn tiết lập thu năm đến.
Tiếng ngọc khua lanh canh trên chít khăn:
- Ta đã ở đây vài trăm năm rồi, chờ thêm một thu nữa có nghĩa lý gì.
Công nươngï Mạc Hoàng Khuyên lui lại vài bước rồi chợt tan biến, mùi hương nửa ấm nửa lạnh lưu lại làm cho gian phòng nhỏ bỗng trở nên  mênh mông như đất trời. Thạch Sinh bàng hoàng, đứng chôn chân cả khắc sau mới hoàn hồn, thẩn thờ bước đến án thư, cầm viên đá lên ngắm nghía...Hình nhân người nữ in trên đá chừng rõ nét hơn. Sinh ngã lưng xuống giường, tay vẫn nắm chặt viên đá, úp lên ngực. Sáng hôm sau, chủ nhà trọ vào đánh thức khách, thấy Thạch Sinh vẫn còn ngủ, thân vắt ngang giường như thể muốn nhường nửa còn lại cho người khác, giữa khoảng giường trống, viên đá Kỳ Duyên được đặt thẳng đứng và ánh mai chưa tỏ khung cửa đang chiếu qua viên đá, in trên giường vệt bóng giống như hình nhân một người nữ đang vươn dài về phía tay cầm thủ. Cái dáng vươn dài đầy ấp ủ.
 
Trở lại Kinh Thành, ngày tiếp ngày, Thạch Sinh vẫn đều đặn công việc tìm ngoạn thạch, để rồi bán hoặc cho không. Vẫn chơi đàn trong những khán phòng của bậc vương gia, danh sĩ. Và vẫn những cơn rượu mà hơi men bốc mờ cả sao đẩu sao ngưu. Nhưng cũng không biết từ bữa rượu nào, sau vài chén, Sinh lại luồn tay vào áo mình, mơn man lên ngực trái, động tác như  muốn xoa dịu một cảm giác gì đó. Tửu giả chung bàn khi nhận ra cử chỉ bất thường này đều lo lắng cho sức khỏe của bạn, nhất nhất đều khuyên can Sinh bớt rượu để đỡ hại tim. Tay cầm thủ chỉ đáp lại bằng nụ cười cố hữu lạnh lẽo. Cho đến lần nọ, một bằng hữu đã không cầm lòng, dằn lấy tay Sinh đang ấp trong người, vạt áo ngực bị giật mạnh, xổ tung ra, để lộ cả lồng ngực và thảy đều thảng thốt khi nhìn thấy trên ngực Sinh in đậm nét một vết chàm đỏ. Cái vết chàm nhìn hao hao như hình một ngọn núi nhỏ, hằn rõ sâu đến độ tưởng như xâm vào da. Chưa một lần nào Thạch Sinh hé môi to nhỏ gì về viên Kỳ Duyên.
 
Một năm tưởng như dài, tưởng như ngắn trôi qua. Tiết trời vừa lập thu, Thạch Sinh rời Kinh Thành về lại Hà Tiên. Sau một ngày đường dài, Sinh tắm rửa dọn mình, khoác đàn lên vai, quày quả đến vùng lăng Mạc Cửu trong ánh ráng chiều đang mờ dần. Một năm qua, cảnh vật chẳng thay đổi nhiều. Sinh chậm bước chân len qua từng bụi rậm, điểm lại từng ngôi mộ, lần tìm lối đi quen…Bất chợt từ đâu thổi đến từng đợt, từng đợt...những làn gió âm u lạnh lẽo. Gió cứ tiếp gió vặn oằn những tàn cây thấp ngang gối, quấn lấy chân Sinh, kéo về một phía rồi lại thả ra cho những tàn cây khác thay nhau đẩy bước chân người như phải đi hẳn về hướng nhất định. Và chúng đã dắt Sinh đến trước một khoảnh đất trống, trủng hẳn xuống như có một vật gì đã chôn sâu ở đây, vừa được di dời. Thạch Sinh bàng hoàng đảo mắt quanh quất. Chổ này đúng là mộ phần của công nương Mạc Hoàng Khuyên, bây giờ sao lại thế này! Sinh hoang mang dợm bước nhưng những tàn cây nhỏ đã tự khi nào quấn chặt lấy chân Sinh như một cái bẩy. Tay cầm thủ thở hắt, thốt ra từng chữ rõ ràng:
- Tôi đã trở lại để đánh đàn như lời đã hứa nhưng công nương Mạc Hoàng Khuyên, công nương ở đâu ?
Lại một làn gió âm u, thổi vào trủng đất bốc lên một đám bụi, xoáy tròn như con trốt rồi nhanh chóng tan đi để lộ ra một vật nhỏ nửa chìm nửa nổi trên mặt đất. Vòng bẩy bằng cây lá chợt bung ra thật nhanh, đẩy xô Sinh đến trước…Sinh quỳ một chân xuống nhặt vật lạ lên, chùi nhẹ vào tay áo. Với cái nhìn của một người đã săm soi hàng nghìn viên đá, khối ngọc không thể lầm được. Đây là một đoạn xương người, một đoạn xương sườn cong tròn, khá thanh mảnh. Đúng là xương của một người nữ. Khuôn mặt phẳng lạnh của Thạch Sinh chợt nhíu lại giữa hai mắt một nét đau đớn. Hoàng khuyên…hoàng khuyên … không gian chợt vang lên những tiếng gọi liên hồi... Những tiếng gọi cứ lanh lảnh từng nhịp hai âm một. Sinh ngước đầu lên, cánh chim năm trước lại hiện ra, từ đỉnh Bình San như rơi xuống theo tiếng kêu, đảo thấp qua đầu Sinh rồi cất lên trong thoáng mắt bay mất hút về phía hai rặng Tô Châu. Núi đồi lại im phăng phắc, chỉ còn nghe rõ tiếng nhịp tim dồn dập của tay cầm thủ. Thạch Sinh lặng lẽ đứng dậy, cất đoạn xương vào túi đàn, nét lạnh như đá trở lại trên khuôn mặt với khóe môi mím chặt. Khi đi xuống, Sinh bước đến đâu, cây cỏ hai bên đường mòn triền núi nghiêng rạp đến đó. Xuống hết núi, Sinh bước vào lăng thờ họ Mạc dưới chân ngọn Bình San, gỏ cửa tìm người thủ lăng.
 
Về sau, khi kể lại, người thủ lăng ấy khẳng định nét mặt của pho tượng người đánh đàn đặt trong cái động ở Non Nước, hoàn toàn giống như nét mặt người đàn ông đã hỏi chuyện ông ta về việc dời mộ chiều tối hôm ấy. Cái nét mặt như tạc ra từ đá, rắn rỏi tới mức độ khi ông ta nhìn vào thì thấy người mình mềm nhũn ra. Viên thủ lăng kể lại người khách lạ có mang một cái túi dài trên vai, hỏi ông ta bằng một giọng trách móc.
- Tôi muốn hỏi thăm một việc. Hình như có mộ của ai đó vừa được di dời?
- Thưa khách quan, chúng tôi nào dám tự tiện cải táng mộ phần tiền nhân. Chẳng là năm qua đã xảy ra một chuyện lạ. Chỉ trong một đêm, trời đã trút một cơn mưa như thác lũ trên ngọn Bình San này, khiến cho chúng tôi lo lắng, ngay hôm sau lên núi  xem xét thì thấy…
Thạch Sinh nhíu mày. Giọng kể đang trang trọng bỗng lạc hẳn đi:
- .. chỉ  riêng mộ phần của công nương Mạc Hoàng Khuyên bị mưa lũ tốc hẳn cả lên, từ lăng bệ đến kim tỉnh, áo quan…đều vỡ nát.
Thạch Sinh gật gù:
- Ra vậy! Thế quí vị chưa xây dựng lại à?
Người thủ lăng không dấu vẻ sợ sệt, lắp bắp:
- Khi...khi thu dọn, chúng tôi không tìm đủ hài cốt của công nương…
Thạch Sinh quắc mắt, người thủ lăng khựng người trước cái nhìn của Sinh, ông ta chắp hai tay lên ngực, nói liền một hơi :
- Khi sắp lại hài cốt, chúng tôi thấy thiếu mất một đoạn xương sườn. Từ đó đến nay, chúng tôi vẫn ngày đêm cúng tế, cầu xin công nương chỉ cho thấy đoạn xương thất lạc. Phần hài cốt đã bốc được, chúng tôi còn đặt trên bệ thờ kia..
Ông ta hướng tay về phía sau, Thạch Sinh nhìn theo để thấy trên một bệ thờ lộng lẫy long ly quy phượng, chễm chệ cái quách nhỏ, dài chưa đến nửa thước, sơn son thếp vàng nằm trang trọng trong làn hương khói. Cùng một lúc, khi cái nhìn của Sinh vừa chạm vào quách thì túi đàn trên vai và quách cùng rung lên bần bật, nắp quách như muốn bật ra. Người thủ lăng giật bắn người lên, lảo đảo toàn thân như thể bị cái sức mạnh đang giao nhau giữa cái quách và túi đàn đẩy dạt ông ta sang một bên.
 
Khi rời khỏi Hà Tiên, lúc vừa vượt qua khỏi địa thế của hai ngọn Đại Tiểu Tô Châu, Thạch Sinh quay lại nhìn miền đất của Mạc quốc công. Hai dáng voi khổng lồ không còn  phủ phục nữa mà đứng hẳn dậy, vươn cao vòi, vẩy về phía tay cầm thủ, cất lên những tiếng ré vang dậy đến mười phương trời đất.

 
  Trở lại chuyên mục của : Thạch Cầm