THẠCH CẦM

Tiếng Đàn Trăng

Cứ thế, những đêm trăng mười tám lần luợt qua đi cho tiếng đàn trăng cứ vang dậy trong trời đất, cứ vờn vẽ trong lòng người dân Kinh Thành những  hạnh ngộ và lao đao mà không ai để ý đến Thạch Sinh đã bỏ hẳn thú uống rượu từ khi nào, không còn lang bạt tìm ngoạn thạch nữa. Còn những bậc đại gia, danh sĩ thì vẫn thay phiên nhau chọn một đêm trăng mười tám nào đó để mời Thạch Sinh tấu đàn tại tư gia của họ. Chẳng qua, ngoài sự hãnh diện vì tiếng đàn đêm ấy đã từ nhà họ mà cất lên, họ còn cái thú khác là được ngắm nhìn người đánh đàn. Chính vì vậy mà có một chuyện kể, khó mà nói ngộ nhận hay không khi người đời sau nhắc đến huyền thoại tiếng đàn Thạch Sinh. Có một nhà nghiên cứu xã hội gì đó của bộ môn mang cái tên vô cùng rối rắm là: Lịch Sử Của Sự Phát Triển Những Tương Quan Tình Dục Học. Ông ta đã điều nghiên dư luận, thu thập nhiều bằng chứng để sau cùng đưa ra một khẳng định là vào thời đó, có sáu trăm mười bảy người phụ nữ đã có chồng, sau khi tận mắt nhìn Thạch Sinh đánh đàn, đều khăng khăng yêu cầu chồng mình đến cầu học cho được ngón đàn ấy. Và sáu trăm mười bảy người chồng đó đã há hốc nhìn sáu trăm mười bảy cái miệng của vợ mình đều nói một câu giống nhau đến từng dấu chấm phẩy: Không yêu cầu học chơi cho ra bản nhạc, mà chỉ yêu cầu học cái cách mười ngón tay nhấn, rung, day, vuốt…trên dây đàn mà thôi. Và rồi cũng từng ấy con số của những người chồng đều nhảy dựng lên khi nghe câu tiếp theo: Đấy, dây đàn sắt mà còn rên lên như thế, huống hồ…. Chuyện kể không nói rõ là Thạch Sinh có nhận người nào trong số sáu trăm mười bảy vị đàn ông đó để làm đệ tử hay không, chỉ biết là sau khi đưa ra dữ kiện trên, nhà nghiên cứu xã hội học nọ đã bảo vệ được luận án tiến sĩ của mình khi kết luận: Trong một góc độ nào đó hầu đánh giá tiếng đàn Thạch Sinh, đã ảnh hưởng đến xã hội như thế nào, tôi cho rằng với  nổ lực cá nhân vượt bực, qua thời gian dài đáng kể… những ngón tay trên đàn của Thạch Sinh, đã là nhân tố ban đầu gây nên xào xáo trong nhiều gia đình vì ghen tị, nhưng cũng là nhân tố cuối cùng, giúp cho nhiều cặp vợ chồng giải tỏa được những trục trặc trong quan hệ chăn gối. Chuyện nữa là sau đó, có nhiều cặp vợ chồng, không rõ vì lý do thầm kín gì, đã đưa nhau đi đến tận Ngũ Hành sơn, Non Nước. Và sau khi đặt hoa dưới chân tượng người đánh đàn, đều kể lại là chắc chắn, họ đã cùng nhìn thấy trên khóe mắt của pho tượng, long lanh giọt nước mắt hàm oan.
 
Ngày tháng cứ tiếp nối cho mỗi đêm mười tám, trăng vẫn bàng bạc cho đàn cứ dào dạt… nhưng ở đâu vọng về, chứ không còn vang ra từ nhà riêng của ai nữa. Trong khi các bậc đại gia, danh sĩ… thì vò đầu bứt tóc lẫn nhau vì những lời ngõ ý cũng như bắn tiếng sẽ trả vàng nén, bạc khối đều bị Thạch Sinh từ chối. Cho đến một hôm, đại gia họ Nguyên, người đã từng tuyên bố là ngay khi nằm mơ ông ta cũng chưa hề thấy là mình đang có nhiều tiền của như vậy trong hiện tại nhưng đó cũng là người vẫn dấu diếm một điều là ngay trong những cơn ngủ gật, ông vẫn mơ thấy tiếng đàn trăng tấu lên trong cơ ngơi to lớn của mình. Ông ta kiên quyết cầu kiến Thạch Sinh. Và khi đối mặt, Nguyên đại gia đã không dấu được cái nhìn ngỡ ngàng khi thấy cả tóc tai lẫn mặt mày người chơi đàn đã loang đều màu đá đen lẫn sắc lam của một loại ngọc:
- Không dám hỏi dạo này tình trạng sức khỏe của cao nhân ra sao?
Nét môi đá khẽ cười. Nụ cười làm cho trái tim họ Nguyên thắt lại.
- Cám ơn đã vấn an.
Nguyên đại gia ngập ngừng trong giây lát rồi cất giọng dứt khoát :
- Thưa Thạch cao nhân, xin cho tôi một lần được hân hạnh tiếp đón ngài tại tệ xá. Tất cả những gì ngài nói ra sẽ là mệnh lệnh đối với tôi.
Sinh lắc đầu:
- Đừng khách khí như vậy. Từ trước đến nay, há chẳng phải nhờ quý vị mà tôi mới có đồng ra đồng vào sao?
- Ngài đã không đi lại với chúng tôi e cũng đã lâu…
- Thời gian qua tôi không đến hầu đàn chư đại gia được chỉ vì tôi đang lo ra chắc mình sẽ cất công đi xa để tìm một vật.
Nguyên đại gia nhổm người dậy:
- Tôi sẽ trao cho cao nhân bất cứ vật gì của tôi mà ngài muốn.
Sinh nhìn viên đại phú bằng cái nheo mắt săm soi của người chuyên săn đá quý:
- Nhà ông có trâu không?
Giọng họ Nguyên reo lên:
- Tôi có muôn trâu.
- Ông nuôi trâu như thế nào?
- Xuân hạ lùa trâu ra ngoại thành ăn cỏ, thu đông có trữ sẵn rơm rạ khô.
- Có bao giờ ông nghe loài trâu kêu ra tiếng chưa?
Mặt của viên đại phú đớ ra:
- Hơ…chưa, đã có ai nghe trâu kêu bao giờ.
Thạch sinh gật đầu:
- Đúng. Gần như mỗi loài đều thú đều có tiếng kêu riêng. Cọp gầm, vượn hú, voi thét…nhưng trâu có lẽ là loài thú duy nhất không bao giờ cất lên được âm thanh nào, dù lớn dù nhỏ.
Nguyên đại gia chưa kịp nói, Sinh đã tiếp lời :
- Ông có cái mõ trâu nào không?
Họ Nguyên há hốc miệng :
- Hơ...mõ trâu là cái gì?
Sinh gật gù:
- Ông không biết là phải.
Nguyên đại gia vội vàng đứng dậy, chắp hai tay trước ngực, nói liền một hơi đầy lo lắng như sợ Sinh sẽ không muốn nghe nữa:
- Thưa cao nhân, tuy chưa rõ ý ngài, nhưng tôi rất cảm kích vì vừa được nghe phần nào thổ lộ, mong ngài coi tôi…
Thạch Sinh khoát tay, dịu dàng nhìn viên đại phú:
- Ông hẳn ngồi xuống đã, tôi sẽ nói tiếp…
Họ Nguyên ngồi xuống và ông cũng vừa có cảm giác cái nhìn dịu dàng từ khuôn mặt lạnh lùng như đá, như ngọc đó đã xé lòng ông ra. Sinh đứng lên, dựa vào cạnh bàn, mắt hướng ra ngoài, nói như thể chỉ để trời đất nghe:
- Người dân tộc miền núi, sinh sống trên những buôn bản ở vùng núi rừng đèo heo hút gió. Họ nuôi trâu bằng cách thả rong  mà ít khi chăn dắt.  Và họ hay dùng những lóng tre, khúc gỗ khoét đẽo làm thành những dụng cụ nho nhỏ khi khua lên phát ra những âm thanh lốc cốc. Cứ mỗi con trâu họ cho mang một cái như vậy gọi là mõ trâu hoặc có khi cả đàn, chỉ con đực đầu đàn có đeo mõ. Cứ vậy họ theo tiếng mõ mà tìm trâu hay khi chiều xuống, vắng tiếng lốc cộc, lộc cộc bìa rừng là biết trâu chưa về. Nghe tiếng mõ trâu vang lộc cộc đâu đó trong rú, trong rừng là tín hiệu cho biết chắc chắn gần đấy có người ở. Lạc trong rừng sâu mà nghe tiếng mõ trâu là biết mình sẽ được cứu sống. Có những cái mõ trâu đã được dùng cho nhiều kiếp trâu. Cái kiếp số của một loài vật cho đến khi chết, cho dù chết trong một nghi thức được gọi là lễ đâm trâu, cũng không thốt ra được một tiếng kêu, may ra thì chỉ có những giòng nước mắt tuôn dài từ đôi mắt thật tròn, thật đen. Những giòng nước mắt của nhiều kiếp trâu sẽ làm cho cái mõ thường được treo dưới cổ, nơi mà những giòng nước u uất từ đôi mắt sâu đen kia rơi thấm đẩm, để lại càng ngày càng lên nước đen bóng. Cái đen bóng nghiệt ngã của một loài vật từ khi sinh ra đến lúc chết đi không bao giờ thốt ra được một lời…
 
Thạch Sinh nói đến đâu, nét mặt chủ nhân đàn trâu muôn con tê dại đến đó. Khi  Sinh dứt lời, cả khắc sau ông mới rụt rè:
- Thưa cao nhân, ngài muốn có mõ trâu?
Ánh mắt tay cầm thủ bừng lên thơ trẻ:
- Ừ, một cái cũng được, nhưng đó phải là một cái mõ đã mang qua nhiều kiếp trâu.
Giọng nói tay đại phú mạnh dạn hẳn lên:
- Nhưng để làm gì ?
Thạch Sinh hắng giọng:
- Để cho con trâu đầu đàn của ông mang. Và vào giờ sửu, ông cứ cho lùa bầy trâu của ông ra ngoại thành như thường lệ.
- Nhưng sẽ từ ngày nào?
- Từ khi ông kiếm được mõ cho đến một đêm trăng mười tám nào đó.
Giọng nói viên đại phú tỏ rõ niềm sung sướng:
- Xin lĩnh ý cao nhân.
 
Ngày hôm sau, hàng chục gia nhân của nhà họ Nguyên, mỗi người một ngựa, lương khô oằn vai, ắt là phải đi xa lắm. Họ chia ra làm bốn nhóm rồi bươn bả vung roi thúc ngựa lao ra bốn cổng thành. Đứng trên thềm biệt thất, Nguyên đại gia tần ngần nhìn theo đám bụi mù tuôn dưới vó ngựa, lắc đầu: Thật hết biết, châu ngọc không lấy, chỉ muốn cái mõ trâu.
 
Nguyên đại gia đã cung kính trao tận tay Thạch Sinh một cái mõ trâu đen bóng. Cái mõ đã được đưa về từ một buôn làng người dân tộc nào đó, cách xa Kinh Thành đến hơn ngàn dặm. Và cũng từ đêm trăng mười tám ấy trở về sau, mỗi khi nghe tiếng mõ trâu lộc cộc vang lên trong bóng tối đang mờ dần khí âm, cho ánh dương chưa đủ làm tan đi những oan hồn đang chập choạng dắt nhau về địa phủ, thì những người lớn tuổi hay thức khuya dậy sớm đất Kinh Thành đều bình thản nói với nhau: Bầy trâu của Nguyên đại gia đang khóc Thạch Sinh. Nhưng trăng mười tám đêm ấy, cho đến khi lên cao tít, rồi ngã dần về tây, vẫn chỉ tỏa ra một sắc vàng úa não người và cung đàn trong đêm đã không tan vào ánh trăng. Tiếng tơ cứ lẻ loi tuôn từng giòng lệ nhạc, khêu ra từ tim ngọn lửa bấc u uất một nỗi đau, nhưng đau thì đau biết bao nhiêu, mà thương thì đến ngọn triều cũng thương. Thương mười bảy sợi dây đàn mà mỗi sợi là một nỗi bất hạnh nhưng sao vẫn chỉ biết dâng lên một tiết tấu đắm say…Ôi, cây cổ cầm đêm ấy cứ mở bầu trời ra miên man bất tuyệt cho bầy nhạn trắng đã tự khi nào chuyển màu úa đen, mà vẫn cứ bay, bay đi….trao cho mỗi người một cánh lòng khác nhau, để rồi dù biết người nghe đã mang tứ nhạc mà đi mất, người đàn vẫn ngồi lại trong cô đơn, dạo những cung đàn chờ. Chờ phút giây nhập thần nào nữa hay chờ một điều gì  khác? Và cung đàn dạo ấy đã chờ hoài không uổng.
 
Cứ thế, cứ cung đàn ấy…cho đến giờ sửu đêm ấy, khi tiếng mõ trâu lộc cộc khua âm vang đại ngàn trên đất Kinh Thành thì chẳng ai nhận ra tiếng đàn đã tắt từ lâu. Nhã khách thẩn thờ nhìn …và thấy tay cầm thủ đã bất động tự khi nào bên đàn. Đôi tay vẫn ở tư thế như đang mãi miết cho cung bậc tuôn trào, đôi mắt vẫn long lanh niềm thương xót không nguôi trên gương mặt tinh khôi thơ trẻ, nhưng toàn thân người chơi đàn đã hóa thành một pho tượng ngọc chẳng ra ngọc, đá chẳng ra đá. Từ đầu đến chân pho tượng loang đều những vân đá man dại đang vặn vẹo lấy nhau. Những vệt màu trắng đen như đang  dãy dụa để cố tách ra khỏi màu ngọc kiêu hãnh cũng đang cố phủ kín sắc hồng lên đá. Và cây cổ cầm đen xỉn màu gỗ ngô đồng đã trở đỏ bầm sắc hổ phách, mười bảy sợi tơ biến mất trên mặt đàn. Chìm sâu trong khối hổ phách hình cây đàn cầm kia, mờ mờ một đoạn xương cong.

Qua đồn đãi của những tay chơi ngoạn thạch, họ cho rằng cũng lại cái trò bán chẳng ra bán, cho chẳng ra cho của Thạch Sinh. Nhưng khi Tôn đại nhân biết chắc chắn trong nhà Nguyên đại gia có một pho tượng hình người đánh đàn bằng ngọc hay bằng hổ phách gì đó, vô cùng quý giá, thì với tất cả uy quyền của một vị quan án sát, ngài đã gợi ý họ Nguyên phải đổi pho tượng này lấy một vật gì đó trong bộ sưu tập ngọc ngà, châu báu của ngài. Nhưng Nguyên đại gia chẳng tỏ chút lo lắng gì trước ý đồ của quan án sát. Vì từ đêm ấy, ông ta như có công việc gì mới mẻ, ngày thì bận rộn lệnh cho gia nhân này đến sai phái thuộc hạ khác…tìm hỏi chổ này, thăm dò chổ kia. Còn đêm xuống thì tay đại phú này ngồi hàng giờ trước tượng người đánh đàn, mặc cho những giòng nước mắt ràn rụa trên mặt mình. Ông vuốt ve, rờ rẫm khuôn mặt pho tượng, nắm lấy đôi tay tài hoa lạnh như… đá, mà biết chắc rằng người đánh đàn này bây giờ là của riêng ông, không một sức mạnh nào có thể cưỡng đoạt lấy nó. Nhưng càng ngắm, ông càng thấy ánh mắt tượng toát ra một cái nhìn đầy vẻ thúc dục khó hiểu. Tia mắt như muốn nói lên một điều gì qua cái màu ngọc chẳng ra ngọc, đá chẳng ra đá này! Sao càng nhìn càng thấy quá thân quen! Chắc chắn không chỉ một lần thấy mà nhiều lần, ông đã từng mân mê những pho tượng nhỏ, những vòng tay… có sắc đá như ngọc này. Họ Nguyên chẳng phải sinh ra trên đất Quảng Nam sao! Đúng rồi, đúng quá chừng chớ chi nữa, đó là đá Non Nước ở Mỹ Khê, Đà Nẵng. Cái loại đá chẳng quý giá chi để làm của nhưng sao vẫn làm đắm đuối bất cứ ai khi nhìn vào. Trong tim Nguyên đại gia chợt vang lên một lời trăn trối. Có phải đó là điều nằm trong ánh mắt dịu dàng của Thạch Sinh đã xé lòng ông hôm nào? Há vì lòng biệt đãi của một tay cự phú! Không đâu, phải còn một điều gì khác, to lớn hơn nhiều cái vinh dự con trâu min đầu đàn đang mang cái mõ trâu ấy.
 
Nguyên đại gia quỳ trước tượng người đánh đàn, một tay vịn vào đầu gối tượng, tay kia xiết chặt một tờ giấy mà ông vừa nhận được từ trung bộ. Tờ giấy viết vài dòng chữ ngắn ngủi: Xác nhận lý lịch người họ Thạch, tên Sinh. Một thủ động núi Ngũ Hành, Non Nước, Đà Nẵng… Bốn mươi năm trước, có lượm một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trên nền đá trong động Chuông Trống, đặt tên Thạch Sinh, nuôi đến năm tám tuổi đã biết chơi đàn cầm và có biệt nhãn nhìn biết được loại đá nào ẩn ngọc, năm mười sáu tuổi thì bỏ đi, không rõ tăm tích đến giờ. Họ Nguyên khóc, khóc tức tưởi, khóc nức nở…Tiếng khóc phá tung cái tự tôn mặc cảm đã dày vò tâm hồn viên đại phú này hàng bao năm qua. Càng kiêu hãnh vì giàu có bao nhiêu, ông càng khao khát muốn cho người khác hiểu là ông sẵn sàng đánh đổi tất cả cơ nghiệp của mình để lấy một điều gì đó. Một điều mà đến bây giờ ông mới biết. Tay chơi đàn kia đã cho ông nhiều quá, nhiều hơn cả trong ý nghĩ của ông là mình sẽ giàu đến mức nào. Vì cung đàn đêm mười tám ấy đã làm cho ông thời gian ngắn sau mở tung tất cả các kho lẩm của mình ra để phát chẩn cho toàn thể dân khố rách áo ôm, vô gia cư lẫn vô nghề nghiệp của đất Kinh Thành. Không đoái hoài gì đến vợ con đang than khóc, Nguyên đại gia đã đứng một bên cửa ra vào và ông đã chắp tay cúi nhẹ đầu, tiễn từng người con người nghèo khó, đói rách..rời khỏi nhà ông mà trong tay mỗi người đều có đủ vàng bạc để thay đổi hẳn số phận của họ. Và họ Nguyên đã rưng rưng giòng nước mắt nhìn người xin chẩn cuối cùng rời khỏi nhà ông, không một ai nghe câu nói tiễn của ông: Các thí chủ ơi, quý vị đã ban phát cho tôi chứ không phải tôi đã cho gì các người. Hãy cố giữ mình, tiền của này khi chết không mang theo được. Và bây giờ thì toàn dân Kinh Thành đều nghe lời khóc kể của Nguyên đại gia…Thạch cao nhân ơi, tôi sẽ cùng ngài quy cố hương. Phải, Thạch Sinh muốn trở về nơi  sinh ra, nơi mà cuống nhau của tay cầm thủ này đã khô trên nền đá, sau khi đã gieo rắc tiếng đàn của mình trên đất Kinh Thành  này.
 
Vào một ngày, khi cổ xe trâu ánh màu gỗ mới vừa chốt xong cái mộng cuối cùng trong sân nhà Nguyên đại gia, thì từ án đường đất Kinh Thành bay ra tin quan án sát họ Tôn sẽ cầm án lệnh, đích thân vi hành khám xét tư thất  Nguyên đại gia, để tìm manh mối việc tay cầm thủ mất tích. Chắc chắn  họ Nguyên đã chôn dấu đâu đó trong khuôn viên nhà mình, một xác người chẳng hạn. Nhưng mờ sáng hôm sau, dân cư Kinh Thành đã bỏ ăn bỏ làm, người này truyền miệng người kia, nô nức kéo lên đứng kín bốn mặt bờ thành để được nhìn thấy bên dưới một quang cảnh mà chưa chắc gì cả đời người có thể thấy được. Đàn trâu muôn con của nhà họ Nguyên từ giờ sửu, đã trùng trùng bủa kín dinh thự của Tôn đại nhân. Nghìn nghìn cổ trâu đồ sộ, đen đúa… cùng hướng đầu vào dinh thự, thân sát thân, vây thành một hình tròn đường kính hàng chục sào, một thân gà chui không lọt. Nghìn cặp sừng nhọn tua tủa, dương lên trên nghìn cái đầu đang gằm gằm tư thế sẵn sàng lao tới. Không một âm thanh nào của sự cuồng nộ phát ra từ đàn trâu khổng lồ đang đứng bất động, chỉ nghe những tiếng thở nặng nề, tiếng quật đuôi đen đét. Và khi mặt trời lên quá tầm mắt, trên một góc bờ thành nào đó, bỗng vang lên một tiếng hét lớn, tức khắc tiếng hét được đáp lại bằng tiếng gào của hàng ngàn người…châm lửa vào đuôi trâu.. châm lửa vào đuôi trâu…Những cũng nhanh như khi xuất hiện, âm thanh gào thét chợt tắt đi thay cho những tiếng cười hả hê vì trên thềm dinh thự họ Tôn, viên quan án sát và toàn gia đang quỳ mọp xuống, chắp tay lạy như tế sao về phía cả trâu lẫn người.
 
Và bầy trâu khổng lồ rùng rùng chuyển móng, rừng người đang chen chúc nhau trên bốn mặt tường thành im phắc. Những hàng trâu đang án ngữ cổng chính Kinh Thành dạt đều về hai phía, mở thành một con đường xuyên giữa đàn trâu muôn con. Như có một mật lệnh nào đó vừa truyền đi, toàn bầy trâu đồng loạt xoay đầu về hướng cổng thành. Hàng trâu đầu tiên vươn cao cổ hạ ngược sừng rạp xuống gáy, tất cả những hàng trâu sau đều răm rắp làm theo, con sau gác cằm lên chót lưng con trước dựng thành một bức hoành tráng bi hùng. Hàng nghìn cái đầu trâu rạp ngược sừng xuống gáy cho hàng nghìn cái mõm nghếch lên trời. Hàng nghìn cặp mắt thật to tròn, thăm thẳm sâu đen cùng hướng vào không gian những cái nhìn uất dậy nỗi câm nín rợn người. Nhưng nghìn đôi mắt trâu ấy từ từ dịu xuống theo những tiếng lộc cộc, lộc cộc… vẳng lại từ dinh thự Nguyên đại gia. Con trâu chúa đàn lịch kịch kéo cỗ xe trâu lăn chậm bánh trên con đường mở ra giữa bầy trâu. Nó ngoắc đều đặn cái đầu đồ sộ sang phải rồi lại qua trái, khua khoắng cặp sừng kếch sù với hai đỉnh sừng nhọn hoắc, cái mỏ trâu đen bóng treo dưới cổ đỉnh đạc khua đều những tiếng lộc cộc của bao kiếp trâu đã chết đi mà chưa một lần được cất tiếng. Trên cổ xe trâu ánh màu gỗ mới, dưới tàn lọng kết bằng tranh săn, tượng người đánh đàn được cột dằn xuống sàn xe. Trước xe, chủ nhân đàn trâu giày thô, áo vải… cầm cương trâu, nước mắt doanh tròng. Bầy trâu muôn con tuần tự nối đuôi nhau đi theo cỗ xe trâu ra khỏi cổng thành, tiễn đưa lần cuối cùng tay cầm thủ. Người đã giúp những con trâu ở Kinh Thành bày tỏ được phản ứng với uy quyền. Chứng tỏ được sự tồn tại của một loài vật không hề có khả năng phát âm. Chỉ bằng cái mõ trâu rừng rú, chứ không phải là tiếng đàn. Đàn nào mà khẩy tai trâu.

Chuyến hành trình mất hơn hai tháng và khi cổ xe trâu dừng bánh dưới chân rặng Ngũ Hành Sơn, thì chẳng mấy chốc thiên hạ khắp đất Quảng Nam đã nhanh chóng xôn xao bàn tán chuyện có ông già khùng chở đá về núi. Nhưng cánh nghệ nhân, thợ đá mà cơm áo có được là nhờ vào xương thịt của đá Non Nước thì không một lời to nhỏ. Nguyên đại gia xuống xe rảo bước vào núi, để mặc họ quây thành một vòng tròn quanh cổ xe trâu, lặng lẽ đứng chiêm ngưỡng pho tượng người đánh đàn. Con trâu chúa đàn đứng yên giữa ánh mắt của những người làm nghề chạm đá đang tê tái cầu xin sao cho linh hồn pho tượng này nhập vào đôi tay của họ. Nhưng khi cánh con buôn hàng mỹ nghệ nối chân nhau đến gần thì đều dạt ra trước cặp sừng nhọn vung lên đầy đe dọa. Con vật không đợi lệnh chủ, lịch kịch kéo cổ xe đi theo hướng họ Nguyên vừa rẽ vào một góc núi, để lại phía sau lao xao tiếng đánh giá với những số lượng vàng bạc nghe không yên ổn chút nào cho số phận pho tượng.
 
Ôi những ngọn gió biển Mỹ Khê, đã bao năm rồi cứ vẫn mãi ve vuốt rặng Ngũ Hành sơn, bao năm rồi vẫn thổi vị mặn vào trêu ghẹo từng hốc đá, từng vách hang… cho vang dậy từng hồi gió hú ranh mảnh xong lại rít lên hờn trách đá thờ ơ, tràn qua ve vuốt những cây thạch nhủ đang cần cù xây cột động bằng từng giọt đá vôi ứa ra từ lòng đá, khe nước… Đùa giỡn với hang, với động chán chê, gió lại tuôn ra ngoài, hí hửng tung từng vóc cát đánh dấu bước chân tuổi thơ của Nguyên đại gia đã bao lần không biết mỏi mệt leo lên chạy xuống, vẫn cứ đếm sai mấy trăm bậc tam cấp dẫn tới Đường Lên Trời. Rồi lại in trên đá những vết mòn dẫn vào vách động có cái gờ đá giống như cái mũi trâu đã được xỏ néo, có bầu vú đá tròn trịa ngày đêm nhỏ đều đặn từng giọt nước trong veo, mát lạnh…để cho bây giờ, họ Nguyên lần dấu quen, về động Chuông Trống thân thuộc như về gian nhà cũ của mình. Ông bước sâu vào động rồi đứng yên cho hơi lạnh của đá mơn man xoa dịu mỏi mệt sau chuyến đi dài. Bốn mươi năm sao đủ cho đá thay đổi những đường nét mà thiên nhiên đã tạo nên từ nhiều triệu năm qua. Nóc động vẫn cao vút hình phễu úp ngược, trên đỉnh hang vẫn cái lổ tròn bằng miệng nón thông ra ngoài, ngày đêm chiếu xuống nền động ánh đèn trời âm dương khi mờ khi tỏ. Giữa hang, vẫn cái lư màu ngọc như trồi lên từ nền đá, vẫn pho tượng sơn thần loang lở dấu thời gian mà dưới bệ tượng, vẫn cái dấu nền đá bị khoét trủng xuống như cái dĩa nhỏ đủ chứa vài đồng xu của du khách… Không biết người thủ động còn đây không? Nguyên đại nhân bỗng tủm tỉm cười, đảo mắt nhìn quanh….  ông bước đến sát vách đá bên trái, vung nắm tay đánh thật mạnh lên vách, một tiếng “ bùng” vang lên âm u…rồi chạy thật nhanh sang vách đối diện, lại vung nắm tay lên, một tiếng “ boeng” giòn giã đáp trả… Lẫn trong những hồi tiếng đá bùng boeng còn ngân dài, vang lên giọng nói từ tốn: Ai mà rắn mắt rứa ? Một ông lão dễ đến trăm tuổi, khua gậy bước ra trong ánh sáng nhá nhem, trợn mắt nhìn chằm chằm người đàn ông chắc cũng không trẻ hơn lão bao nhiêu, đang gập người lại thở hổn hển mà môi vẫn chưa tắt nụ cười hả hê thơ trẻ.
 
Khi cánh nghệ nhân, thợ đá…biết ý định của Nguyên đại gia, hàng trăm đôi tay đang cầm búa, cầm đục, cầm dùi… đều đồng loạt đưa lên cao và họ gõ búa vào đục, vào dùi… vang rền thành những tiếng dùi đục hân hoan, động đến chín tầng đá nền Ngũ Hành sơn, làm tầng Mẹ Đá dưới cùng quyết định tuôn thêm hàng hàng khối nhủ đá vì Người biết rằng máu thịt Ngũ Hành sơn  này còn phải nuôi nấng con cháu cánh thợ đá kia nhiều đời nữa. Và sau khi giao cho cánh thợ chuyển tượng người đánh đàn vào động Chuông Trống, ông chủ đàn trâu muôn con tháo cương chiếc xe trâu, đặt tay lên sừng con trâu chúa đàn, vỗ về:
- Mi về nhà đi, thấy mi là con cháu ta biết phần số của ta. Còn mi, cứ lo  dẫn đàn nghe chưa?
Con vật trung thành khụy thấp gối trái chân trước xuống lĩnh ý chủ rồi đứng dậy, quay cái thân đồ sộ đen đúa, đầu ngước lên, lịch kịch bước chậm rãi, tiếng mõ lộc cộc khua vang, đường về Kinh Thành còn xa lắm.
 
Pho tượng người đánh đàn đã an vị chếch bên cái lư đá, ngay bên dưới ngọn đèn trời. Ông lão thủ động trăm tuổi lụi cụi đốt cả một bó hương lớn rồi hạ gậy trên nền đá, quỳ xuống trước lư, nâng bó hương lên ngang trán, hai vai và cả đầu tóc bạc trắng rung lên theo từng tiếng nấc…Sơn thần ơi, thằng cóc chết chừ mới quay đầu về núi.
 
Có lẽ sau cùng hết của những nhà nghiên cứu đủ thứ là các khoa học gia chuyên về hang động học, địa chất học gì đó. Qua lời đồn đãi, họ theo chân du khách, tìm đến Non Nước, sục sạo vào những hang động…Khoan đục, cưa chẻ… lấy ra hàng chục mẩu đá rồi nhểu a xít vào, bắn tia xạ qua để so sánh với mẩu móng chân của pho tượng người đánh đàn, vẫn không giải thích được vì sao cái chất đá ngọc của tượng, rõ ràng đó là hai chất khoáng đang rộn ràng cãi cọ, đòi lấn lướt nhau nhưng sao chúng lại có đủ tất cả tinh thể của bất cứ viên đá mẫu nào trong rặng Ngũ Hành này? Và vì sao cây đàn cầm màu hổ phách kia cứ thoang thoảng tỏa cái mùi khen khét nửa ấm nửa lạnh? Nhưng họ lại nhún vai, chẳng buồn quan sát trên một góc cao của trần động Chuông Trống, chẳng rõ tự bao giờ, nhủ đá đã kết nổi thành hình một người thiếu nữ trong bộ xiêm dài, đầu chít khăn… Cái hình nhân đã nhiều đêm từ vách đá đi xuống, hiện thành bộ xương người, nghịch ngợm vỗ vai những tay đạo chích đang rình rập, tính toán khiêng tượng người đánh đàn đi. Có phải vì vậy không mà thỉnh thoảng người ta lại thấy dưới chân núi vô số đòn khiêng, giây chão…vất ngổn ngang cạnh những xác người chết, toàn thân cứng tím màu đá. Nhưng vào ban ngày thì cái linh hồn đẹp như tia nắng mai ấy chỉ biết nguýt ngoáy nhìn xuống cánh thợ đá, thay phiên nhau ra vào ngắm nghía pho tượng, đã được làm mẫu, làm khuôn… chế tác thành hàng trăm, hàng ngàn phiên bản to nhỏ, bằng tất cả các loại đá, bột đá… trong rặng Ngũ Hành, bán từ chợ Non Nước, buôn ra đến Kinh bắc, Kinh nam. Đến mức độ làm cho nguồn đá tự nhiên của cả vùng Non Nước cạn kiệt hẳn. Người ta phải mua đá thô tận Thanh Hóa, Nghệ An… chuyển vào Non Nước để làm tượng bằng chính những bàn tay tài hoa của những nghệ nhân điêu khắc đá địa phương rồi xuất đi bán khắp nơi với thương hiệu là hàng mỹ nghệ đá Non Nước. Cho đến bây giờ vẫn vậy.
 
Riêng người giữ động mới, tự xưng là Nguyên thủ động, thế chổ cho ông lão giữ động trăm tuổi, ngày ngày đã quá ngán ngẩm công việc xâu thành chuỗi những đồng xu lẻ mà du khách thả đầy vun vào cái trủng đá dưới bệ tượng Sơn thần nhưng đêm xuống vẫn thoải mái ngủ ngon, vì ông biết pho tượng người bạn đồng hương của ông, ngay sau khi an vị, đã dính liền thành một khối với nền đá. Như theo lời kể của người tiền nhiệm về con cóc chết biết chơi đàn kia, rằng sau khi cắt nhau cho hắn, ông đã bỏ cuống nhau lên nền đá để tắm rửa cho hắn, tới khi định đem chôn thì  khúc nhau đã khô dính vào nền đá, giống y một miếng nhũ đá hình khúc ruột, không cách chi mà cạy ra được. Rứa thì chừ cũng chẳng có cách chi mà khiêng hắn đi mô được nữa. Còn cái màu đá của hắn có lạ mắt thì phải biết sắc ngọc là phần thưởng của đất trời cho hắn, cho hơn bốn muơi năm lưu lạc, bằng cung đàn đá chơn chất, hắn đã làm cho nhân gian sống thành thật với nhau hơn - cho dù cái thật đó làm cho đau đớn, đành đoạn bao nhiêu, cũng phải thể hiện cho được - Chừ ngọc đá có cãi cọ, thì cũng để cho thấy trong đá có ngọc và ngọc thì cũng là một chất đá thôi.  Bày đặt phân tích, phân giải chi cho rộn chuyện.
 
Và thú vị làm sao, cứ đến giấc chiều tối của mỗi ngày thứ mười tám trong tháng, Nguyên thủ động lại lăng xăng hào hứng quét dọn nền động, vì sẽ như mọi đêm trăng mười tám của thời nào, khi tất cả những dải cát trắng của biển Mỹ Khê đẫm sáng ánh trăng, thì tiếng đàn Thạch Sinh lại dào dạt cất lên. Vẫn cung tơ ấy, khi nghiêng qua ôm ấp vầng sáng nhỏ nhoi chênh chếch, chiếu xuống từ ngọn đèn trời trên đỉnh động, lúc đảo về quấn quít dưới gót chân người thiếu nữ đẹp như tia nắng mai, đang mê đắm trong điệu múa dâng hiến bất tuyệt. Còn ông, đầu hôm sẽ ngồi dựa vách trống, đến khuya lại đổi qua vách chuông, lấy tay đập vào đá khi bùng, khi beng làm nhịp cho tiếng đàn. Hơi sức đâu nữa mà chạy qua chạy lại, bạn thì bạn chớ, già rồi, mệt chết đi được.
 
Lại về sau nữa thì không phải chẳng có chi mà nói, vì ít ra cư dân đương thời và nhiều thời sau nữa của thành Đà Nẵng, đều ghi nhận là tình trạng tự tử tại biển Mỹ Khê, riêng Mỹ Khê thôi, đã không còn nữa. Chuyện thêu dệt rằng nếu có những đôi nhân tình  nào, vì bất cứ lý do ngang trái gì, để không thành hôn nhân hoặc những ai làm ăn đàng hoàng mà vẫn bị lường gạt…đại loại như vậy, đưa đẩy họ đến ý định quyên sinh tại biển Mỹ Khê thì ngay trước khi gieo mình xuống nước, họ sẽ quên ngay cái chết mà ngẩn ngơ theo một cung đàn đang dìu đặt trong gió biển vỗ về họ, thì thầm dỗ dành trong tai họ về một miền hạnh phúc khác. Chỉ cho họ thấy có đến mười bảy sự run rủi trong một cung đàn mà cuối cùng may mắn sao, trời xui đất khiến cũng giăng được một sợi tơ vào trái tim của một linh hồn đã rời khỏi dương thế hàng trăm năm rồi, lại là linh hồn của một công nương kia đấy. Rằng là hãy trở thành chính mình như mình đã hồn nhiên tự bao giờ thì sẽ không có gì để băn khoăn nào là mình sinh ra từ đâu và rồi sẽ đi về đâu. Miền hạnh phúc miên viễn đó nằm giữa hai bờ sinh tử. Nơi nào mà mây gió không thênh thang?
         
Nhiều người sinh ra, lớn lên ở đất Quảng Nam đi xa nhà, lỡ xe cộ, bận công việc mãi đến gần hết tháng giêng ta mới được về quê ăn tết muộn. Khi về nhà,  nếu vô tình tìm thấy một ổ bánh tổ mốc meo nằm lăn lóc đâu đó trên bàn thờ hay trong chạn thức ăn thì họ sẽ điềm nhiên lột lớp lá chuối khô, gọt bỏ lớp mốc bên ngoài…cái bánh tổ thơm ngon sẽ hiện ra lại, tuy có nhỏ bớt đi nhưng vẫn nguyên vẹn từ hương đến vị và họ sẽ thấy rất hạnh phúc khi vừa nhấm nháp bánh vừa được nghe ông bà ngoại hay nội của họ ân cần thăm hỏi … Làm ăn chi mà  về trể rứa con…?
 
 
HẾT
  Trở lại chuyên mục của : Thạch Cầm