THẠCH CẦM


Ngâm Thơ Và Nghe Ngâm Thơ Việt Nam
 

Phần I : Ngâm Thơ (tt)

 
VI. Sự quãng bá, vị trí xã hội của bộ môn ngâm thơ ở miền bắc VN từ 1945.
Sự quãng bá của loại hình ngâm thơ đến đầu thế kỷ 20 chưa có gì đáng nói, vẫn co cụm trong những hoạt động của bộ môn ca trù; qua việc ngâm nga những tác văn vần trong lớp học của những thầy đồ Nho hay trong sinh hoạt giải trí, thư giãn cá nhân gia đình. Cho đến đến giữa thế kỷ 20, có một sự kiện chính trị đồng thời cùng là thời điểm xuất hiện một phương tiện khoa học có công dụng thông tin tối ưu. Đó là năm 1945, chế độ dân chủ đầu tiên của Việt Nam là chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa được tuyên bố thành lập vào ngày 2/ 9/ 1945, thủ đô là Hà Nội. Và vào ngày 7/ 9/1945, đài phát thanh đầu tiên của chế độ đã hoạt động phát sóng với đài hiệu: Đài Tiếng Nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân Chủ Cọng hòa. Ngay trong giai đoạn mới thành lập cơ sở thông tin hiện đại này, cùng với các chương trình ca nhạc của phòng Dân Ca, đã có chương trình Tiếng Thơ phát sóng vào lúc 22 giờ thứ tư, chủ nhật hàng tuần, chuyên xây dựng các tiết mục ngâm, đọc các tác phẩm thơ một cách chuyên biệt mà không sử dụng đến hình thức ca trù tổng hợp. Qua đó, bộ môn ngâm thơ đã chuyển tải những tác phẩm thơ của các tác giả với nhiều đề tài chính trị, xã hội, tình cảm…lan truyền sâu rộng đến quần chúng từ cao nguyên cực bắc, vùng đồng bằng sông Hồng vào đến miền trung, nam VN. Chi tiết cần nhấn mạnh là hầu hết nhân sự tham gia dàn dựng, trình diễn chương trình Tiếng Thơ vào thời điểm đó đều là các văn thi sĩ cùng nghệ nhân của bộ môn Ca Trù ở Hà Nội. Và hình thức tương tác giữa “thi nhân và ca nhân” đã tái hiện, phát triển mạnh mẽ. Nhân vật điển hình nhất là nhà văn, nhà thơ Hoàng Tấn (Hồ Tăng Ấn 1920 - 2003) phụ trách chương trình Tiếng Thơ một thời gian dài (1945-1957), đã mời hai đào nương ca trù tài danh bậc nhất Hà Nội thời ấy là Nguyễn Thị Phúc (1906-1994 Hà Nội) và Quách Thị Hồ (1909-2001 Hà Nội) cộng tác thực hiện các tiết mục ngâm thơ.  Cả hai nghệ nhân đều điêu luyện các làn điệu ca trù, ngâm thơ nhưng riêng bà Nguyễn Thị Phúc nổi trội về ngâm thơ và cũng là thân mẫu của nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết (sn. 1931 Hà Nội - NSƯT 1984) nức danh từ 1957 về sau. Cùng thời có nghệ sĩ Châu Loan (1926-1972 Quãng Trị – NSND 1984) xuất thân từ bộ môn ca Huế, ngâm thơ với phong cách ngâm Huế; nghệ sĩ Linh Nhâm (1938 Hải Phòng- NSƯT 1984) có kỹ thuật ngâm mới mẽ, nhẹ nhàng, ít ảnh hưởng kỹ thuật ca trù hơn. Đó là ba tên tuổi điển hình, nổi bật từ giai đoạn đầu tiên của chương trình Tiếng Thơ đài TNVN đến nhiều thập niên về sau với các nghệ sĩ như Văn Thành, Kim Cúc, Lài Tâm, Vũ Kim Dung, Hồng Ngát, Văn Chương, Vương Hà... Từ đó, cho đến bây giờ chương trình Tiếng Thơ đài TNVN vẫn chưa có thời điểm nào ngưng hoạt động. (Cũng từ 1954, riêng bộ môn ca trù tại miền bắc đã ngưng mọi hình thức hoạt động cho đến khi giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu lại bộ môn này đến với tổ chức âm nhạc UNESCO vào năm 1989, ca trù mới  hoạt động lại theo hình thức câu lạc bộ). Hiệu quả của chương trình Tiếng Thơ ĐTNVN qua nhiều thập niên đã làm cho ngâm thơ trở thành một thú tiêu khiển, một trường lớp “đào tạo từ xa” cho rất nhiều tầng lớp quần chúng tìm biết, học hỏi ngâm thơ bằng cách “nghe ngâm theo đài” hơn bất cứ loại hình âm nhạc dân tộc truyền thống nào. Sau này, phần lớn nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp trên mọi miền đất nước, đều xác nhận là họ đã học tập ít nhiều về nghệ thuật ngâm thơ bằng cách mô phỏng theo các nghệ sĩ ngâm thơ trên đài phát thanh là chính, trước khi biết tạo phong cách riêng cho mình.
Một vấn đề khác của bộ môn ngâm thơ: Cũng từ khoảng 1930 trở đi, khi loại hình sân khấu các bộ môn nghệ thuật nói chung như ca nhạc, kịch nói, chèo, kịch thơ…xuất hiện ở Hà Nội thì riêng ngâm thơ cũng được dùng làm minh họa trong những buổi nói chuyện chuyên đề về thơ của các nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học. Và nghệ sĩ trình diễn minh họa đều là những tên tuổi ngâm thơ nổi tiếng cùa  Hà Nội. Tuy nhiên quan điểm về thơ và ngâm thơ của một số nhà thơ Việt Nam từ xa xưa đến sau này vẫn có một vấn đề là không phải “thi nhân” nào cũng “tương tác” với “ca nhân”. Đơn cử như nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985) là một tên tuổi lỗi lạc của thi đàn VN rất “gay gắt” về ngâm thơ. Ông đã nhiều lần thẳng thắng bày tỏ quan niệm loại hình ngâm thơ không thể hiện được giá trị nghệ thuật thi ca. Nhiều tài liệu đã ghi lại chuyện ông đã từng bỏ ngang một buổi nói chuyện về thơ của mình khi biết ban tổ chức có mời nghệ sĩ Trần Thị Tuyết dến ngâm minh họa.
 
II.                    Sự quãng bá, vị trí xã hội của bộ môn ngâm thơ từ  1954 - 1975  ở miền nam. Tại sao ngâm thơ còn gọi  “ngâm tao đàn” ? Nghệ sĩ điển hình.
1.                      Ý nghĩa và những hoạt động xử dụng thuật ngữ “ tao đàn” ở miền nam VN.
Tao Đàn - 骚坛 từ Hán Việt. Tao: tao nhã, phong cách bặt thiệp. (Thí dụ: Tao trong cụm từ tao nhân mặc khách. Tao: phong cách; Nhân: người; Mặc: mực - nghĩa bóng là bút mực, ám chỉ về thi văn; Khách: khách. Có nghĩa: Người phong nhã, chuyên về thi văn) Đàn: nơi chốn; chổ quan trọng hay thiêng liêng. Tao Đàn: Chỉ cho sự gặp gỡ văn thi nhân.
2.                      Tao đàn nhị thập bát tú: Theo nhiều sử liệu, hai từ tao đàn xuất hiện đầu tiên trong một hoạt động thi ca ở VN là vào thời vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Năm 1494, nhà vua thành lập một nhóm gồm 12 nhà thơ tài danh, đặt tên là Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú. Trong đó nhà vua cũng là một thành viên, chuyên gặp gỡ xướng họa thi phú với nhau.  Họ đã tuyển chọn các tác phẩm làm thành những thi tập như Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, Quỳnh Uyển Cửu Ca...
3.                      Tao Đàn Chiêu Anh Các : Tại Hà Tiên, Kiên Giang. Mạc Thiên Tứ (1718 – 1780) là người Trung Hoa định cư tại Hà Tiên, lập Chiêu Anh Các vừa làm nơi thờ cúng các bậc tiên đế Trung quốc, vừa là nơi hội tập chiêu đãi các văn nhân tài hoa, xướng họa thi phú và cũng là một tổ chúc chuyên giúp đỡ đồng hương. Tăm tiếng truyền khắp nơi trong và ngoài nước. Có Trần Trí Khải, tự Hoài Thủy là danh sĩ người Việt Đông (Trung Quốc) đến hội tập, đặt lại tên Chiêu Anh Các thành Tao Đàn Chiêu Anh Các.
4.                      Tao đàn Bạch Nga: Ở miền nam VN, từ năm 1958, có lưu hành tạp chí Phổ Thông do nhà báo, nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912 – 1971) chủ biên. Tạp chí này có chuyên mục thơ đặt tên là Tao Đàn Bạch Nga. Ngoài việc đăng tải xướng họa tác phẩm của độc giả, Tao Đàn Bạch Nga còn thường xuyên tổ chức những cuộc thi sáng tác thơ, gặp gỡ giao lưu các tác giả thơ; những buổi trình diễn đọc, ngâm thơ. Đây là hoạt động thi ca nổi bật nhất trên lãnh vực báo chí đương thời. Có dư luận tốt đẹp, tạo hiệu quả thúc đẩy tinh thần sáng tác thơ ca trong nhiều giới quần chúng. Tạp chí Phổ Thông đình bản cuối thập niên 1960.
Chương trình phát thanh Tao Đàn : Dưới thời còn là thuộc dịa của chính quyền người Pháp,  ở miền nam Việt Nam, đài phát thanh của người Pháp đặt tại Sài Gòn hoạt động từ năm 1950 với tên gọi là Đài Pháp Á hay đài Vô Tuyến Việt Nam. Theo nhà văn Hồ Trường An (Nguyễn Viết Quang, sn: 1938 Vĩnh Long) Đài Pháp Á có tiết mục ngâm thơ gọi là Tao Đàn Giáng Hương hoạt động với hai giọng ngâm là Hoàng Quân và Giáng Hương

 Thành phần diễn ngâm lúc đầu có Hoàng Thư, Quách Đàm, Tô Kiều Ngân, Giáng Hương và Hồ Điệp. Về sau mới thêm Thái Hằng, Lệ Liễu và Hoài Bắc. Đó là đợt nhì. Còn đợt ba gồm Quang Minh, Hoàng Oanh, Mai Lan, Tôn Nữ Hỷ Khương, Hoàng Hương Trang. Đợt tư gồm Đoàn Yên Linh, Mai Hiên, Hồng Vân, Nam Trân. Ngoài ra còn phải kể thêm những nghệ sĩ diễn ngâm không có chân trong ban Tao Đàn và ban Thi Nhạc Giao Duyên là Bích Thuận, Bích Sơn, Lệ Mai, Mai Thi, Nguyễn Thanh, Nguyễn Đình Toàn, Hoàng Long nhưng vẫn được giới yêu thơ biết tiếng.
 Ngày 20/07/1954 Việt Nam chính thức chia thành hai miền nam bắc theo hai thể chế chính trị khác nhau. Miền bắc theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, miền nam theo chế độ Cộng Hòa. Đài phát thanh Pháp Á chuyển giao lại cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, gọi là đài phát thanh Sài Gòn, thủ đô chế độ VNCH miền nam Việt Nam trước năm 1975. Đài phát thanh Sài Gòn có một chương trình chuyên ngâm, đọc thơ với đài hiệu: Đây, chương trình Tao Đàn, tiếng nói của thơ văn miền tự do do thi sĩ Đinh Hùng phụ trách.  Chương trình này do nhà thơ Đinh Hùng (1920-1967) sáng lập và phụ trách từ cuối năm 1955 đến 1967, sau đó là nhà thơ Tô Kiều Ngân (Lê Mộng Ngân 1926 - 2012) vừa là nghệ sĩ ngâm thơ và cũng vừa là một nghệ sĩ sáo trúc, tiếp tục phụ trách từ 1967-1969; từ năm 1970 đến 1975 do nhạc sĩ Thục Vũ (Vũ Văn Sâm 1932-1976 Nam Định) phụ trách. Đặc biệt là trong giai đoạn 1971 – 1975 nhạc sĩ Thục Vũ đã có sáng kiến phối hợp ngâm thơ với ca khúc, đặt tên là chương trình Thi Nhạc Giao Duyên. Qua đó, trong hai năm đầu tiên 1956 – 57, thính giả thường xuyên được nghe hai từ “tao đàn” vào lúc 21.15 giờ suốt 6 đêm trong tuần và giảm dần vào những năm kế tiếp. Chương trình ngâm thơ Tao Đàn Đinh Hùng có thể kể đến sự góp mặt của những nghệ sĩ ngâm thơ từ 1955 đến 1975 với giai đoãn một là thời gian đầu tiên thành lập đã quy tụ hầu hết những giọng ngâm nữ là truyền nhân của Ca Trù, Chèo nổi tiếng từ miền bắc vào nam định cư trước và sau thời điểm 1955 như Mộng Hoàn, Bích Thuận, Hồ Điệp, Giáng Hương, Thái Hằng, Lệ Liễu...và những giọng ngâm nam như Tô Kiều Ngân,  Hoàng Thư, Quách Đàm, Hoài Bắc... Nổi bật là giọng ngâm của nghệ sĩ Hồ Điệp - nhủ danh Nguyễn Thị Tý tự Nhu (5/5/1930 Hà Nội – 15/5/1988 Sài Gòn) với phong cách ngâm thơ bi thiết cổ điển mang âm hưởng Ca Trù, được đa số thính giả gốc miền bắc cùng thời mến mộ. Từ 1960 trở đi, lần lượt đã xuất hiện nhiều giọng ngâm với phong cách phóng khoáng, nhẹ nhàng, mới lạ hơn với những nghệ sĩ như Quang Minh, Mai Lan, Tôn Nữ Hỷ Khương,  Đoàn Yên Linh - Nguyễn Văn Lợi  (Hà Nội 1939); Hoàng Hương Trang - Hoàng Thị Diệm Phương (Huế 1939),Vân Khanh - Nguyễn Văn Khánh (Huế 1945), Hà Linh Bảo - Phạm Đình Bảo (Hà Nội 1943), Hồ Bảo Thanh (Hà Nam 1943), Mai Hiên (Hà Nội 1949)) . Riêng những nghệ sĩ như Hoàng Oanh - Huỳnh Kim Chi (Mỹ Tho 1946), Huyền Trân - Nguyễn Thị Huyền Trân (Sài Gòn 1950), Hồng Vân - Nguyễn Thị Hồng Vân (Quãng Nam 1951)…được đào tạo trường lớp, nổi danh trong lĩnh vực ca nhạc hiện đại lẫn ngâm thơ.
5.                      Chương trình phát thanh Tao Đàn Mây Tần. Cũng vào thời điểm cuối thập niên 1960 trở về sau, còn có một chương trình chuyên ngâm thơ khác cũng của đài phát thanh Sài Gòn, có tên là Thi Văn Tao Đàn Mây Tần, do nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà phụ trách. Ngoài ra còn có những chương trình phát thanh như Nghệ Sĩ Và Chiến Sĩ do nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương phụ trách; Tiếng Thơ của Thanh Nam;  Ly Tao của Thái Thủy đều có tiết mục ngâm thơ nhưng chỉ hoạt động trong thời gian ngắn.
6.                      Chương trình ngâm thơ đài phát thanh Huế:
Đài phát thanh Huế hoạt động vào cuối năm 1955. Ngay từ đầu đã có chương trình ca Huế với những tên tuổi hàng đầu thời điểm đó như nghệ sĩ Bích Liễu (sn. 1933 Huế ) Minh Mẫn (sn. 1934 Huế) về sau là nổi bật là Thanh Tâm (sn. 1946). Họ đều biết ngâm thơ theo cách ngâm Huế nhưng không chuyên sâu. Vào năm 1957 có tiết mục ngâm thơ trong chương trình Văn Nghệ Quân Đội, do nhà văn Hạnh Lang (Vĩnh Hạnh) phụ trách. Có giọng ngâm của họa sĩ, nhà văn Hoàng Hương Trang (sn. 1939) nổi bật trong thời điểm này đến 1961, sau đó bà vào Sài Gòn định cư. Có thể nói Hoàng Hương Trang là tên tuổi tiêu biểu cho phong cách ngâm Huế hiện đại - không mang âm hưởng ca Huế - qua đài phát thanh Huế vào thời điểm đó với bài thơ Ly Rượu Thọ cùa Tố Hũu. Cho đến 50 năm sau này vẫn được giới đồng điệu tán thưởng, nhắc nhớ.  Sau 1995 mới có vài nữ ca sĩ tân nhạc, dân ca - ca Huế được đào tạo chuyên nghiệp vào Sài Gòn định cư mới tham gia vào các tiết mục ngâm thơ của truyền hình phát thanh như Thanh Tú, Vân Khánh, Thu Thủy.
7.    Chương trình truyền hình thơ nhạc :
Vào đầu năm 1966, đài truyền hình Sài Gòn hoạt động. Ngoài những chương trình ca nhạc quy mô, đài cũng có xây dựng những chương trình thơ nhạc như chương trình Thơ Nhạc Truyền Hình do nhà thơ Phổ Đức và nhạc sĩ Vũ Thành An phụ trách; Giờ Văn Học Nghệ Thuật; chương trình Mây Hồng do nghệ sĩ Hồng Vân phụ trách; ca nhạc – kịch thơ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, chương trình Tao Đàn Thi Nhạc Giao Duyên...  Nhưng hầu hết các chương trình ngâm thơ trên truyền hình không được định kỳ và lâu dài như đài phát thanh.
8.    Ảnh hưởng trong sinh hoạt quần chúng, thị trường băng dĩa:
-         Trong giới sinh viên học sinh, quần chúng miền trung, nam VN trước 1975 có tự phát nhiều nhóm chuyên sinh hoạt thi ca gọi là thi văn đoàn. Các tỉnh, thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn… có nhiều thi văn đoàn mang tên như Hàn Giang, Vỹ Dạ, Sông Trà…vv. Có sinh hoạt chủ yếu là gặp gỡ trao đổi, xướng họa thơ; phát hành những thi tuyển in bằng kỹ thuật ronéo; diễn ngâm những tác phẩm thơ mà họ đều gọi là ngâm tao đàn.
-                    Trong khoảng 1971 – 1974, trên thị trường băng dĩa nhạc ở Sài Gòn có xuất hiện những album ngâm thơ mang tên như Băng Thơ Hồ Điệp, Hoàng Oanh, Mây Hồng (Hồng Vân) được thực hiện bằng băng từ (magné) trục lớn hoặc cassette.  Nhưng số lượng phát hành không nhiều lắm với lý do thị trường kinh doanh bị thu hẹp trong số ít tầng lớp quần chúng có điều kiện mua sắm trang thiết bị để nghe những băng thơ này. Trong khi đó đa số thành phần quần chúng vẫn thích nghe chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh hơn. Một trong nhiều lý do đó là họ được nghe nhiều tác phẩm hơn qua các giọng ngâm được thay đổi thường xuyên. Tuy nhiên nghe những album ngâm thơ qua băng đĩa là phương tiện học tập ngâm thơ rất hiệu quả vì có thể chủ động nghe lập lại nhiều lần.
9.    Về mặt trường lớp học thuật. Năm 1956, tại Sài Gòn đã thành lập trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ , chuyên giảng dạy nhạc cụ, đến năm 1960 có thêm khoa thanh nhạc dân tộc với những bộ môn như ca trù, chèo bắc, cải lương, ca Huế, hát bội, dân ca...Với thành phần giảng viên hầu hết là những nghệ nhân dân gian tài danh từ ba miền tập trung lại. Tuy không có chuyên khoa cho loại hình ngâm thơ nhưng trong tất cả bộ môn thanh nhạc dân tộc kể trên đều có hướng dẫn kỹ thuật ngâm thơ theo phong cách từng miền. Nghệ sĩ Huyền Trân (Nguyễn Thị Huyền Trân, sn.1950 Sài Gòn) tốt nghiệp QGAN&KN năm 1968, khoa thanh nhạc dân tộc, được xem là một nghệ sĩ xuất sắc điển hình, hoạt động mạnh mẽ trong hầu hết các bộ môn ca kịch dân tộc và sau 1975 lại nổi tiếng chuyên về ngâm thơ.
Về mặt xã hội, có nhiều cơ sở, tổ chức nghệ thuật xây dựng chương trình ngâm thơ, đọc thơ và qua đó đã thành hình cụm từ “ tao đàn”, để rồi đa số quần chúng ở miền nam VN từ 1955 đã dùng cụm từ “ngâm tao đàn” để gọi chung cho ngâm thơ. Nhưng “ngâm tao đàn” về sau đã trở thành tên gọi riêng cho kỹ thuật, cho cách “ngâm thơ mới” của các nghệ sĩ ngâm thơ miền bắc, là truyền nhân của ca trù như Hồ Điệp, Giáng Hương, Bích Thuận (sau 1954) truyền vào miền nam bên cạnh những kỹ thuật ngâm ru, sa mạc, bồng mạc…(mục III, khoảng 5.c)
 
III.               Sự quãng bá, vị trí xã hội của bộ môn ngâm thơ sau năm 1975 ở miền nam; nghệ sĩ điển hình. 
1.      Chương trình phát thanh Tiếng Thơ đài Tiếng Nói Nhân Dân, đài truyền hình thành phố HCM, các đài PTTH tỉnh:
Qua vài năm đầu sau 1975, thể loại ngâm thơ rất ít khi có tiết mục trong những chương trình ca múa nhạc nói chung trên mặt công diễn. Chỉ riêng trên sóng phát thanh của đài Tiếng Nói Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh, chuyển tiếp đài Phát Thanh Giải Phóng vào năm 1975, ngay thời gian đầu tiên hoạt động đã có riêng chương trình ngâm thơ với đài hiệu Chương Trình Tiếng Thơ, phát sóng vào 22 giờ thứ bảy hàng tuần. Nhân sự phụ trách Tiếng Thơ thành phố những năm đầu tiên là hai biên tập viên Nguyễn Nguyên Bảy, Lý Phương Liên. Chủ yếu chỉ thực hiện chương trình mới vào các dịp lễ tết với nghệ sĩ diễn ngâm hầu hết thuộc sân khấu cải lương, còn là phát sóng lại chương trình Tiếng Thơ của đài TNVN. Từ 1981 đến 2003, chương trình Tiếng Thơ do nhà thơ Hồ Thi Ca (Hồ Bửu Trân, sn: 1958 Tây Ninh, Đại Học Ngữ Văn 1980) phụ trách. Thời điểm này “quy luật tương tác thi nhân và ca nhân” tái hiện và được khai triển mạnh mẽ, phong phú từ hình thức đến bài vở, nghệ sĩ đọc thơ, ngâm thơ. Thời gian đầu tiên, chương trình đã mời hầu hết nghệ sĩ ngâm thơ của chương trình Tao Đàn trước 1975, còn ở lại thành phố, trở lại cộng tác trình diễn. Việc này đã tạo được tính chuyên nghiệp cho chương trình; giữ được cảm giác quen thuộc với thính giả quần chúng phía nam; tạo được ấn tượng thân thiện cho chương trình còn đang mới mẽ. Thời gian sau với sự tham gia của những nghệ sĩ kỳ cựu từ miền bắc vào thành phố định cư như nghệ sĩ Trần Thị Tuyết; các nghệ sĩ chuyên nghiệp có khả năng ngâm thơ của các đoàn văn công, đoàn ca múa nhạc, nhạc viện, trường Sân Khấu, các cơ quan có ban văn nghệ....đã tạo được dư luận, ảnh hưởng tốt đẹp với quần chúng cũng như giới văn nghệ sĩ của hai miền nam bắc lúc mới giao thời. Nhiều nghệ sĩ ca nhạc, nhạc công về sau đã trở thành nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp nổi bật như Thúy Vinh (Văn Thị Vinh, sn. 1953 Quãng Nam); Bích Ngọc (sn. 1854 Nam Định, trường Nghệ Thuật Quân Đội 1973); Minh Tiến (sn. 1955 Sài Gòn; đoàn nghệ thuật Ca Múa Nhạc Kim Cương), Kim Lệ (sn. 1957 Long An) Thúy Hạnh ( ns. đàn bầu, sn. 1958 Thanh Hóa, đại học nhạc viện tp. HCM 1983), Ngọc Mai ( ban văn nghệ đài TNND thành phố HCM)  Đặc biệt các nữ nghệ sĩ chuyên dân ca, tân nhạc trước năm 1975 ở Sài Gòn như Hồng Vân, Huyền Trân...đã tham gia cộng tác với chương trình thường xuyên hơn. Về mặt biên tập bài vở, chương trình Tiếng Thơ đã mời gọi các nhà thơ tên tuổi cũng như cá nhân mọi ngành nghề có sáng tác thơ, gởi tác phẩm về chương trình để được giới thiệu, giao lưu. Cũng như Tiếng Thơ đã phát huy hình thức đọc thơ trên nền nhạc ngẫu hứng và đã phát hiện giới thiệu nhiều nghệ sĩ, nhân sự thuộc các ngành nghề khác nhau có chất giọng truyền cảm như Trần Thanh Trung (ns. Sáo trúc, giảng viên nhạc viện tp.HCM); Tuấn Phong (ca sĩ, giảng viên opéra Nhạc Viện tp. HCM); Lê Văn Hải (doanh nhân), Hải Thi (giáo chức)... Với hình thức giao lưu tác giả, tác phẩm chương trình đã xây dựng tiết mục phỏng vấn trực tiếp các tác giả thơ trên đài. Qua đó, họ đã có thể chia xẻ, tâm tình với thính giả về tác phẩm của mình một cách sâu sắc và diễn đọc, diễn ngâm chính tác phẩm của mình. Sau 14 năm đầu tiên hoạt động, chương trình Tiếng Thơ đài TNND thành phố HCM đã khẳng định được hiệu quả quãng bá bộ môn ngâm thơ đến nhiều tầng lớp quần chúng. Vào năm 1995, nhà thơ Hồ Thi Ca đã tổ chức cuộc thi Tiếng Thơ Xuân 95 kéo dài từ hạ tuần tháng 3 đến cuối tháng 4, quy tụ gần một ngàn người yêu thích thi ca, gồm nhiều ngành nghề khác nhau, từ nhiều miền đất nước cũng như tại tp. HCM, ghi danh ứng thí hai thể loại ngâm và đọc thơ. Cuộc thi diễn ra qua nhiều vòng loại với thành phần giám khảo gồm nhiều nhà thơ tên tuổi đương thời của cả ba miền nam trung bắc như Đỗ Trung Quân, Lưu Trọng Văn, Phạm Sỹ Sáu, Vũ Ân Thy...Đặc biệt là sự có mặt của  hai nghệ sĩ ngâm thơ lão thành Tô Kiều Ngân ở miền nam và Trần Thị Tuyết từ miền bắc vào, qua việc cầm cân nẩy mực đã tạo ấn tượng tốt đẹp cho sự thẩm định với một cuộc thi mà thành phần thí sinh tham dự có đầy đủ phong cách ngâm thơ của cả ba miền nam trung bắc. Sau cuộc thi, nhiều thí sinh đoạt giải cao và trở thành nghệ sĩ ngâm đọc thơ chuyên nghiệp như Hoàng Đức Tâm, Lê Văn Hải, Phan Xuân Thi, Thy Thảo...Đặc biệt Trần Thanh Trung (giảng viên sáo trúc nhạc viện tp. HCM) là thành viên trong giàn nhạc đệm ngâm, đọc thơ đã tranh tài và đoạt giải nhì bộ môn đọc thơ trên nền nhạc piano do chính anh ứng tấu. Một trường hợp khác là thí sinh Văn Thị Khánh (em ruột của nghệ sĩ ngâm thơ Thúy Vinh) đoạt giải nhất nhưng không tham gia sinh hoạt ngâm thơ về sau.
Sau cuộc thi Tiếng Thơ Xuân 95, theo yêu cầu của phần lớn thính giả, từ năm 1966, chương trình Tiếng Thơ đã xây dựng tiết mục Hướng Dẫn Ngâm Thơ với giáo án của giảng viên âm nhạc dân tộc Thạch Cầm, phần minh họa do nghệ sĩ ngâm thơ Hồng Vân và vài nghệ sĩ ngâm thơ khác phụ trách. Tiết mục này đã thực hiện hoàn tất chương trình ngâm thơ căn bản trong 40 tuần. Hiện nay chương trình Tiếng Thơ đài TNND tp. HCM vẫn tiếp tục phát sóng chủ yếu là nguồn tư liệu đã thực hiện và chỉ thực hiện bài vở mới vào các dịp lễ tết.
Đài phát thanh truyền hình Bình Dương là cơ quan cấp tỉnh đầu tiên ở phía nam xây dựng chương trình Tiếng Thơ Bình Dương từ năm 2003, với cả hai hình thức phát thanh và truyền hình cùng thời điểm. Phụ trách chương trình Tiếng Thơ Bình Dương giai đoạn đầu tiên là giảng viên Đặng Thanh Liêm, tốt nghiệp nhạc viện tp. HCM khoa lý luận năm 1995 với đề tài Tìm Hiểu Các Điệu Trong Ngâm Thơ Việt Nam và cũng là sinh viên đầu tiên cho đến bây giờ tốt nghiệp nhạc viện với đề tài liên quang đến bộ môn ngâm thơ. Hiện tại Tiếng Thơ Bình Dương do nhà thơ Vũ Huy Trọng phụ trách.
Đài Phát Thanh Truyền Hình Đồng Nai giới thiệu chương trình Tiếng Thơ Đồng Nai vào 2003, chủ yếu sử dụng nguồn nghệ sĩ ngâm thơ của các câu lạc bộ thơ địa phương.
Đài Tiếng Nói VN cơ sở 2 xây dựng tại tp. HCM có chương trình Tiếng Thơ tử 1985 do nhà thơ Lưu Trọng Văn phụ trách biên tập và nghệ sĩ Trần Thị Tuyết phụ trách phần nghệ sĩ trình diễn.
Đài truyền hình thành phố HCM có cơ chế độc lập với đài phát thanh thành phố. Hoạt động phát sóng vào ngày 1/ 5/ 1975, đã xây dựng chương trình Tiếng Thơ ngay từ đầu do nhà thơ Lê Xuân Đố (sn. 1943 Quãng Bình) phụ trách với những hình thức như giao lưu tác giả, tác phẩm thơ, nói chuyện đề thi ca và trình diễn ngâm thơ với các nghệ sĩ ngâm thơ tên tuổi của thành phố. Chương trình không có lịch hoạt động chính thức đều đặn. Về sau là các biên tập viên như Hoàng Vũ Quân, Bùi Thanh Tuấn phụ trách. Đến nay chương trình ngâm thơ của đài truyền hình thành phố chủ yếu dàn dựng phục vụ các dịp lễ tết. 
2.    Hoạt động ngâm thơ quần chúng.
a.    Câu lạc bộ thi ca: Cơ quan văn hóa thể thao cấp quận đầu tiên của thành phố là Nhà Văn Hóa quận Phú Nhuận (về sau đổi tên thành Trung Tâm Văn Hóa) vào năm 1984 là đơn vị đầu tiên tổ chức câu lạc bộ thi ca nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt xướng họa thi ca của quần chúng. Câu lạc bộ đã quy tụ được nhiều nhà thơ tên tuổi và nhiều thành phần xã hội yêu thơ gặp gỡ, xướng họa tác phẩm, trình diễn ngâm thơ mỗi tháng. Vào năm 1985, giám đốc nhà văn hóa là ông Văn Bá Tiễn (cán bộ VHTT), chủ nhiệm câu lạc bộ thi ca là nghệ sĩ ngâm thơ Vũ Ban (giáo viên, sn. 1943 Gò Vấp) đã tổ chức cuộc thi ngâm thơ đầu tiên của thành phố, quy tụ gần một trăm thí sinh gồm nhiều thành phần nghề nghiệp, tranh tài qua nhiều vòng loại. Sau cuộc thi này những thí sinh đoạt giải cao đã gia nhập hàng ngũ nghệ sĩ ngâm thơ thành phố như Tạ Nghi Lễ (Tạ lễ,giáo viên,1951-2008 Quãng Trị), Tú Oanh (Nguyễn Thị Tú Oanh, doanh nhân, sn. 1956 Huế), Bảo Cường (Nguyễn Củu Quãng, sn: 1943 Huế)... Từ 1988, chức vụ chủ nhiệm CLB Thi Ca Phú Nhuận là nghệ sĩ, nhà giáo Vân Khanh cho đến nay. Hiện tại, nhiều nhà văn hóa cấp quận khác như Bình Thạnh, quận 1, quận 10, quận 6, Gò Vấp… cũng đã lần lượt thành lập câu lạc bộ thi ca. Và ghi nhận cho thấy một số nhà văn hóa cấp phường trong thành phố cũng có hình thức tổ chức câu lạc bộ thi ca địa phương.
b.    Công viên văn hóa; tụ điểm ca nhạc:
Tụ điểm công viên ca nhạc đầu tiên do một tư nhân là dược sĩ Nguyễn Thông đầu tư khai thác, mang tên Bạch Tùng Diệp, tọa lạc tại góc đường Nguyễn Văn Trỗi – Lý Tự Trọng, q. 1 , tp. HCM, hoạt động mạnh mẽ vào thời điểm 1992 - 1993. Có xây dựng chương trình ngâm thơ chuyên đề tác giả, tác phẩm vào mỗi tối thứ ba hàng tuần do nghệ sĩ Vân Khanh và Hồng Vân phụ trách.
Công viên văn hóa Đầm Sen q.11, tp. HCM vào thời điểm 1996-1998 đã xây dựng hẳn một sân khấu thơ mang tên Những Đêm Trăng Đầm Sen, hoạt động vào mỗi đêm rằm trong tháng. Chương trình chuyên trình diễn ngâm thơ và thơ phổ nhạc; giới thiệu tác giả, tác phẩm; nói chuyện chuyên đề thi ca. Đây là một hoạt động thi ca có tính quần chúng được đánh giá chất lượng nghệ thuật có giá trị rất cao. Chương trình do nghệ sĩ Vân Khanh phụ trách biên tập, hoạt động được 34 kỳ.
Cùng thời điểm này có tụ điểm ca nhạc 126 CM.T.8 thuộc Trung Tâm Văn Hóa q. 3, có tổ chức trình diễn ngâm thơ mỗi tháng một lần do nhạc sĩ Tất Tùng cán bộ văn hóa q.3 phụ trách
c.     Sinh hoạt cơ quan, tư nhân: Khoảng từ năm 2000 trở lại đây, phần nhiều những sinh hoạt cưới hỏi, họ mặt, liên hoan...cơ quan, nhà hàng, tư nhân đều sử dụng ngâm thơ để trình bày những bài thơ có nội dung, ý nghĩa liên quang. Phần lớn lực lượng nghệ sĩ ngâm thơ thành phố đều tham gia những sinh hoạt này. Đặc biệt vài nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp như Hồng Vân, Vân Khanh, Vũ Ban, Đài Trang, Ngô Đình Long, Kim Lệ... đã trở thành những người dẫn chương trình (MC- Master Ceremony) nổi tiếng qua nhiều tổ chức cưới hỏi, biểu diễn văn nghệ cơ quan... đều xử dụng khả năng ngâm thơ của họ như một lợi thế mạnh mẽ.
d.    Hoạt động kinh doanh băng đĩa: Sau năm 2000 các công ty phát hành băng dĩa nhạc thành phố HCM mới có cơ chế phát hành băng dĩa ca nhạc, video với hình thức hợp tác sản xuất cùng tác giả, tác phẩm ra thị trường. Tuy nhiên loại hình ngâm thơ còn rất hạn chế số lượng phát hành với lý do đơn giản đây không phải là loại hình âm nhạc dễ dàng kinh doanh. Phần lớn các thi tuyển CD, cassette ngâm thơ phát hành với số lượng vài trăm bản đều do các tác giả thơ, vài nghệ sĩ ngâm thơ tự thực hiện chỉ để lưu giữ làm kỷ niệm hoặc giao lưu văn nghệ. Ghi nhận cho thấy có một hình thức ngâm thơ khác lan truyền mạnh mẽ nhất trong lãnh vực thực hiện CD audio, video là của một số tác giả thơ, các ban nhóm thi nhân trong nước cũng như hải ngoại là việc thực hiện những album tác phẩm của họ rồi phát tán trên internet. Theo dõi hoạt động này trên những mạng xã hội hoặc cá nhân như youtube, facebook, blog...sẽ cho thấy con số tác giả thơ sử dụng hình thức này để tự giới thiệu tác phẩm của mình không kể xiết.
e.      Hoạt động tôn giáo:
Năm 1977-78 tại nhà nguyện chương trình Nhập Thế Dân Tộc do linh mục Hoàng Sỹ Quý dòng Tên, đạo Công giáo, khai triển tại nhà nguyện số 161 Lý Chính Thắng (Yên Đỗ cũ) thỉnh thoảng đã dùng ngâm thơ để minh họa những bài thánh vịnh được thi hóa trong thánh lễ vào các dịp lễ lớn; cùng thời điểm là nhà thờ Thị Nghè do linh mục Nguyễn Văn Chủ phụ trách cũng sử dụng ngâm thơ trong thánh lễ với các giọng ngâm của các ca viên ca đoàn bổn xứ. Vào khoảng 1983 là nhà thờ dòng Phanxicô, tọa lạc góc đường Mai Thị Lựu – Nguyễn Đình Chiểu; nhà nguyện dòng Regina Mundi thời điểm soeur Mai Thành là Mẹ bề trên của dòng cũng sử dụng ngâm thơ vào các dịp trọng lễ. Nghệ sĩ Hồ Điệp, Mai Hiên, Đoàn Yên Linh và nhạc sĩ Thạch Cầm đàn tranh thường thực hiện những chương trình này. Từ năm 2000 trở về sau, một số nhà thờ trong thành phố đều dùng ngâm thơ để trình bày các thánh thi cùng với thánh ca trong các dịp lễ lớn. Giọng ngâm của nghệ sĩ Kim lệ là giáo dân công giáo, được xem như một tên tuổi hoạt động mạnh mẽ trong hoạt động này cùng với một số nghệ sĩ ngâm thơ khác.
Năm 1981, chùa Vô Ưu tại số 170/111 Lạc Long Quân, p.8 q. Tân Bình, do sư cô Thích Nữ Như Phương trụ trì là ngôi chùa đầu tiên sau 1975 đã mời những nghệ sĩ ngâm thơ như Hồ Điệp, Đoàn yên Linh, Huyền Trân…đến diễn ngâm những thi kệ Phật giáo trong những buổi thuyết giảng Phật pháp vào ngày rằm mỗi tháng nhưng sinh hoạt này không kéo dài. Từ năm 1985, chùa Quán Thế Am, quận Phú Nhuận, tp, HCM do hòa thượng Thích Thông Bủu (1936 Phú Yên - 2007 Sài Gòn) trụ trì, đã tổ chức thường xuyên những chương trình thơ nhạc quy mô lớn, đặc biệt là dùng ngâm thơ để minh họa những bài thơ của hòa thượng hoặc những bài thi kệ trong những buổi đăng đàn thuyết giảng Phật Pháp trong đạo tràng Diệu Pháp Liên Hoa. Hình thức này tạo được dư luận tốt đẹp về nhiều mặt trong quần chúng Phật tử và đã lan rộng ra nhiều ngôi chùa sau đó ở thành phố. Ghi nhận cho thấy ngâm thơ thường được sử dụng trong các chương trình ca nhạc Phật Giáo có tính quần chúng vào các dịp lễ vía quan trọng chứ không sử dụng ngay trong các nghi thức cúng tế. Đặc biệt là những tác phẩm thơ chuyên đề Phật giáo hoặc những bộ kinh Phật như kinh Pháp Cú được thi hóa của nhà thơ Trụ Vũ (1931 Huế) có hình tượng, chữ dùng rất bình dân, phổ thông thường được các nghệ sĩ ngâm thơ trình diễn, sử dụng suốt 30 năm qua.
f.      Hoạt động thơ ca quốc gia:
Ngày Thơ Việt Nam là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, được tổ chức lần đầu tiên vào ngày rằm tháng giêng năm Quý Mùi-2003 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội theo quyết định của Hội nhà văn Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Ban Tư Tưởng-Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam. Ngày thơ Việt Nam được tổ chức lần đầu ở thành phố HCM vào rằm tháng giêng 2005, diễn ra tại Cung Văn Hóa Lao Động. Lần lượt về sau, vào rằm tháng giêng hàng năm, nhiều tỉnh thành đều tổ chức Ngày Thơ Việt Nam. Hoạt động của lễ hội này chủ đích giới thiệu tác giả, tác phẩm thơ VN; giới thiệu các câu lạc bộ thơ quần chúng; triển lãm các ấn bản thơ với nhiều hình thức khác nhau; đọc, bình và ngâm thơ. Trong Ngày Thơ Việt Nam, về mặt ngâm thơ, được xem như một cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các giọng ngâm thơ quần chúng khi có dịp trình diễn chung với các nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp trên nhiều miền đất nước.
 
Cho đến bây giờ loại hình ngâm thơ đã khẳng định giá trị nghệ thuật, vị trí trong nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Nếu so sánh với những bộ môn nghệ thuật khác như ca, nhạc, kịch cần phải có nhà hát, sân khấu chuẩn mực ở mức độ nào đó thì việc nghe ngâm thơ qua những chương trình ngâm thơ trên sóng phát thanh - một phương tiện chừng như phi vật thể - đã đem lại hiệu quả tối ưu về nhiều mặt như thưởng thức, quãng bá, học tập cho ngâm thơ. Trên quan niệm thưởng thức ngâm thơ, hẳn đã có một lý do như thế nào đó để ngay chương trình ngâm thơ đầu tiên của đài phát thanh quốc gia từ 1945 đã có giờ phát sóng vào lúc 22 giờ. Đó là “giờ vàng” đã được chọn và áp dụng vể sau cho tất cả những đài phát thanh tỉnh thành nào có chương trình ngâm thơ. 22 giờ là giấc gần nửa đêm, không gian trở nên yên lắng. Có ai mở radio: “Xin quý vị mở máy vừa đủ nghe để không làm phiền mọi người xung quanh đang cần sự yên tĩnh để nghĩ ngơi. Sau đây là chương trình Tiếng Thơ”. Đèn tắt, nằm trên giưởng, tay gác ngang trán, mắt nhắm lại, cái radio kê sát bên tai, tiếng ngâm thơ nho nhỏ vừa đủ nghe. Không có gì để chia trí, để bị phân tâm. Từng câu thơ được người trình bày diễn tả với tất cả thuộc tính của hai từ “ngâm nga”. Làm hồn ngây ngất, làm tim bồi hồi. Có người đang nghe ngâm thơ…
 (còn nữa)


  Trở lại chuyên mục của : Thạch Cầm