THẠCH CẦM


Ngâm Thơ Và Nghe Ngâm Thơ Việt Nam
 

Phần III :Và Đọc Thơ


 
Sau khi hoàn tất bản thảo Ngâm Thơ và Nghe Ngâm Thơ, tôi đưa vài người bạn nhờ đọc qua, xin góp ý. Có người gật gù: Như thế này cũng vừa đủ cho ai muốn cỡi ngựa xem hoa tìm hiểu ngâm thơ. Người khác lắc đầu: Một người ngâm thơ trên đài, vạn người nghe đấy, nói thế này làm sao hết chuyện. Lại có ý cằn nhằn: Ngâm thơ và đọc thơ là anh em ruột đấy. Sao lại lơ mất một đứa. Nói chuyện bây giờ và riêng tại Sài Gòn - tp. HCM, nơi mà những hoạt động về thơ có nhiều hình thức phong phú nhất nước. Riêng về đọc thơ, ghi nhận cho thấy đa số tác giả thơ đều tự đọc thơ của họ mỗi khi có dịp giao lưu trên phát thanh, truyền hình hay sân khấu các câu lạc bộ thơ. Và cũng có tác giả với nhiều lý do khác nhau, nhờ nghệ sĩ đọc thơ chuyên nghiệp thể hiện tác phẩm của mình và chấp nhận kết quả diễn tả, diễn cảm tác phẩm của mình qua phong cách của nghệ sĩ đó. Chợt nhớ một bài thơ của nhà thơ Bùi Giáng (nếu có sai xin sửa lại giúp): Con chim thì mi biết nó bay. Con cá thì mi biết nó bơi. Thằng thi sĩ thì mi biết nó làm thơ. Nhưng thơ là cái chi thì không bao giờ mi biết được. Người viết lại cho tôi bài thơ “cực kỳ” này khẳng định rằng anh ta đã được nghe chính tác giả đọc lên một cách “rất Bùi Giáng”. Và có lần tôi đã “thách” một nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng ngâm bài thơ này sao cho nó “ra” một cái “chất” gì đó. “Thơ thế này mà bảo người ta ngâm thì có chết không! Chỉ có nước đọc thôi”. Đọc thơ ư! Cái cách mà những nghệ sĩ đọc thơ chuyên nghiệp hay gọi là “đọc diễn cảm” đó sao. Tôi chỉ thích nghe những nhà thơ đọc chính tác phẩm của họ. Cho dù cùng đề tài là quê hương, tình yêu, chính trị hay chính kiến gì đi nữa thì trăm nhà thơ là có đủ trăm cách diễn tả khác nhau về những đứa con tinh thần của mình. Và chất giọng của họ trầm bỗng, đục thanh như thế nào đi nữa thì khi đọc những bài thơ do chính họ viết, họ đã diễn ra cái thần khí của chữ “ngâm”. Cái chữ “ngâm” mà nghìn năm trước có dư, những nhà thơ xưa đã cẩn thận viết thêm vào sau đề tựa những bài thơ của họ như Bạch Đầu ngâm (Văn Quân), Chinh Phụ ngâm (Đặng Trần Côn)…Ở trong “đọc” vẫn có ”ngâm nga”.
Xin nhận lãnh góp ý đọc thơ là “anh em ruột của ngâm thơ” bằng bài viết NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐỌC THƠ, về nhà thơ nữ Lý Thụy Ý (đã in trong văn tuyển Bến Tâm Hồn – Còn Chút Nắng Sài Gòn. Thiên Hà chủ biên. Nxb.Thanh Niên 108-2011).
 
LÝ THỤY Ý - NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐỌC THƠ
 
 “Tôi chỉ biết viết văn làm thơ” Đó là câu nói thứ nhất. Không bóng bẩy, ám chỉ. Kể cả trong lãnh vực mưu sinh. Lý Thụy Ý thường nói với bạn bè như vậy. Và bà đã làm thơ, viết văn, làm báo….từ khoảng 1967 - 68 tại miền nam Việt Nam. Một con đường thơ văn khởi đi rất sớm từ tuổi mới lớn với những bài thơ, bài viết trên những tạp chí cũng dành cho lứa tuổi mới lớn. Về sau, thành nhân và thành danh trên văn đàn, báo chí Sài Gòn.  Được tình yêu, có hạnh phúc và có đỗ vỡ. Bị đày đọa, tù tội và trải nghiệm cái chết trước mắt vì chính những bài thơ của mình. Và cũng chính tay mình xây mộ cho con trai. Thú thật, sau bốn mươi năm quen biết Lý Thụy Ý, tôi thường nhớ về những lần nhìn, nghe Lý Thụy Ý đọc thơ, hơn là nhớ thơ của bà.
 Chưa bao giờ tôi thấy Lý Thụy Ý mở một tập thơ nào của mình và đọc theo những bài trong đó. Bà nhớ hầu hết những bài thơ của mình đã làm, kể cả một đoạn thơ nào đó của một bài đang viết dở. Chuyện kể rằng có một Lý Thụy Ý ngồi bên cái bàn nhỏ xập xệ của một quán cà phê vỉa hè nào đó mà khách thơ chẳng biết lạ quen hoặc khi đứng giữa gian phòng mà thính giả là những người quyền chức đang phán xét thơ của bà hay trong một phòng khách sang trọng giữa bạn bè. Để khi có yêu cầu Lý Thụy Ý đọc thơ đi.  Người đàn bà nguyên quán xứ Huế này đọc thơ bằng giọng Sài Gòn. “Sẽ hiện ra trong tiết mưa dầm lạnh buốt của mùa đông xứ Huế. Dáng vẽ trân trọng với một cung cách không bao giờ đổi khác. Tay trái ôm một cái lồng ấp sát vào ngực, bàn tay phải xoè ra, từ tốn đặt lên lớp tro phủ kín trên những viên than hồng trong cái lồng ấp nọ rồi nhấc ra, miết năm đầu ngón vào lòng bàn tay cho một làn tro trắng rơi tỏa xuống. Một khoảng nhỏ không gian đang lạnh buốt trở nên nồng ấm trong thoáng chốc và trên nên nhà đen ướt từ từ phủ mờ lớp tàn tro trắng.”
Khi ngồi, đôi cánh tay duỗi thẳng, ép giữa hai đầu gối với mười ngón đan vào nhau, thân mình hơi đong đưa. Nếu đứng, hai bàn tay sẽ chắp hờ vào nhau trước ngực. Mắt say đắm dĩ vãng. Bà luôn có vài giây im lặng với dáng vẽ như thế khi bắt đầu đọc những bài thơ tình. Và chỉ có tình yêu đang hạnh phúc mới dặm được màu hồng ửng lên đôi gò má. Nhưng khi khóe môi dưới trĩu xuống một góc tối rất khó nhận ra trong ánh mắt trở lạnh lùng thì có nghĩa ngỡ ngàng, gãy đổ lại một lần nữa trở lại. Giọng thơ trở đay xiết, khinh bạc. Cái gánh tình lại bật đèn đỏ màu cải lương của một vở tuồng bi hận. Bàn tay trái sẽ chống cằm, bàn tay phải đỡ dưới khuỷu cánh tay trái với động tác muốn phụ nâng lên dáng người gập lại như vừa nhận một nhát dao khốc liệt. Ai biết gì về loại tình yêu nào có thể dẫn đến thể hiện cùng cực như thế?  Phụ nữ thường kìm nén cảm xúc và che đậy ý nghĩ. Thơ của Lý Thụy Ý vẫn lật đi lật lại những gì như là trái cấm, địa đàng….Nhưng khi bà cất lên cái tiếng Lời của thơ tình Lý Thụy Ý thì không ít đàn bà lẫn đàn ông đang lắng nghe, vừa thổn thức vừa không dấu vẻ thèm muốn lẫn ganh tị với nỗi mê đắm đó. Rằng tại sao nó không toát ra từ trái tim của mình hay những lời thơ, giọng đọc đó không dành cho mình. Từ khi cất tiếng cho đến lúc kết thúc bài thơ vẫn luôn là những thanh âm của hoan ca ngây ngất cho dù đó là bài thơ gợi nhắc về một lần tình nào đó ngây ngất, rạo rực hay chua chát lạnh bạc; bùng cháy thân xác mà cũng có thể đó là sự ráo hoảnh niềm đau vì mất mát khôn cùng.
Tôi đã đọc đâu đó câu: Làm thơ đã khó, làm thơ “chính kiến” khó gấp muôn lần. Và tôi vẫn gọi đó là thơ chính kiến Lý Thụy Ý. Đó là những bài thơ chứ không phải những câu khẩu hiệu hoan hô, đả đảo có vần điệu. Bà hay đứng với đôi tay buông thỏng dáng vẽ không thách thức trước bạn bè hay trước bất kỳ những ánh mắt gai góc và thú nhận; khâm phục và dè dặt. Giọng đọc chậm rãi, chắc chắn từng chữ. Bày tỏ quan điểm, cảm xúc qua những gì nhìn thấy. Không thù hằn, chế diễu. Nếu để ý, thỉnh thoảng sẽ thấy có một góc cằm cắn chặt lại, khuôn mặt hơi ngước lên. Hơi thở vừa đủ tạo vài tiếng rít nhẹ giữa hai hàm răng. Nó pha sự bất khuất và kiêu hãnh vào giọng đọc rất trầm tĩnh. Không hề có bàn tay nắm lại thành hình quả đấm vung lên hay như lưỡi dao chém nhứ vào khoảng không. Rất lịch sự, nhẹ nhàng với từng chữ thơ - những bài thơ bày tỏ chính kiến của mình về một đối thể - không phải là đối thủ. Đó không phải là một đề tài có nhiều chọn lựa mà là đã khẳng định. Đó là con đường Lý Thụy Ý đã đặt chân lên mà không biết dẫn đến thiên đàng hay dịa ngục Và bà đã đọc thuộc lòng tất cả những bài thơ này trước những người có thẩm quyền kết án bà có vi phạm pháp luật hay không. Những bài thơ đã cho bà quãng thời gian nhiều năm để suy nghĩ về sự tự do của mình. Hẳn bà đã phải luôn nhớ về những bài thơ chính kiến này khi co quắp tấm thân trần trụi với đôi cánh tay vòng kín ôm chắc lấy hai đầu gối mới có thể rắn rỏi như một tảng đá giữa bốn bức tường thép trong tiết trời rét lạnh quanh năm tại một cao nguyên xa xôi nào đó. Luật pháp thì nói bà đã phải trả giá. Xã hội thì nói văn vẽ, thương cảm rằng: Nữ tội đồ thi ca đầu tiên trong lịch sử văn học thế giới đã lên cây thập ác. Chúa lòng lành. Tiếng Lời đã thốt ra, không bao giờ rút lại. Chỉ có những cây đinh trên thập ác cuối cùng đã rút ra. Thời điểm đó bà bốn mươi hai tuổi. Con đường bà đi thực sự đến bước chân cuối cùng chưa? Trong con người phụ nữ làm thơ này còn lại gì để gọi là hành trang cuối đường? Còn một cái dũa móng tay trong bài thơ chỉ có hai câu: NGỒI BUỒN TA DŨA MÓNG TAY. CHỢT NGHE THIẾU GIÓ MỚI HAY Ở TÙ. Bà hay nhìn xuống đất với một góc môi nhếch lên mỗi lên khi đọc hai câu này.
Từ khi là thiếu nữ đến bây giờ, tôi chưa hề mang một món trang sức nào. Đó là câu nói thứ hai mà Lý Thụy Ý vẫn nói với người quen biết khi họ bày tỏ thắc mắc là chưa bao giờ thấy bà mang một món nữ trang nào. Không có gì để giải thích trong 50 năm qua, bà vẫn chỉ cắt một kiểu tóc gọn gàng, quen thuộc của đàn ông, nhưng để dài một chút cho còn vẽ nữ tính. Và dưới mái tóc ngắn đó là đôi mắt thỉnh thoảng lóe vài đốm sáng tinh nghịch, thách thức. Bây giờ, Lý Thụy Ý đã bước qua ngưỡng tuổi mà người ta hay nhắc nhớ nhau là nên thuận nhỉ tồn tâm. Sống qua hơn 60 năm đời người chỉ để giữ lại những gì thuận tai? Thuận tai mình hay thuận tai người? Vài năm trước đây, thơ văn Lý Thụy Ý đã có vài tác phẩm được xuất bản. Vẫn còn một số khác chưa biết có in hay không. Có ai mua được đâu đó một tập thơ của bà và tự hỏi bâng quơ rằng có nên tìm Lý Thụy Ý để nói: Lý Thụy Ý đọc cho nghe vài bài thơ. Nên lắm. Khách thơ sẽ thấy một Lý Thụy Ý cổ lai hy – xưa nay hiếm vẫn rất lóng lánh.
 
THAY LỜI KẾT
TÔI, KINH NHẠC VÀ NGÂM THƠ.
Năm 1978, ba năm sau chiến tranh kết thúc, buổi giao thời kinh tế đất nước chưa ổn định. Tôi dở thầy, dở thợ. Nhìn lại điều mà mình cho là sở đắc để tự hỏi đã học biết mọi điều về cây đàn tranh, bây giờ muốn dụng võ kiếm sống, sao thấy khó khăn. Nhớ đến kinh Nhạc trong Ngũ Kinh của Khổng Tử viết dông dài rằng đánh đàn, tấu nhạc là để di dưỡng tinh thần, tu luyện tâm tánh; rằng có sáu điều cấm kỵ như là mưa to gió lớn không đàn; trong lòng đang oán hờn, bực bội, lo lắng không đàn…v.v. Đó là những năm trước 1975 học hành nhờ cơm cha áo mẹ, chẳng phải lo nghĩ. Bây giờ vừa làm vừa học thêm hai ba nghề vặt mới vừa đủ thu nhập sống qua ngày. Kinh tế là để kiếm sống, còn kinh Nhạc để làm gì nhỉ? Phải chi xưa kia khi lên lớp mấy giờ Hán văn, hỏi thầy Lưu Khôn có chơi đàn cầm, đàn sắt gì của mấy ông Tàu không. Bây giờ liệu có lối thoát! Trong nhạc ắt phải có Đạo mới được gọi là Kinh chứ!
Sinh thời lúc đó còn một thầy dạy đàn của tôi là cố nhạc sĩ Bửu Lộc. Thầy trò vẫn thường gặp nhau để hòa đàn, những bài đàn ca Huế cũ kỹ bao trăm năm rồi không hề đổi khác. Tôi được gặp cô Hồ Điệp lần đầu ở nhà thầy. Người nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng hàng đầu trong chương trình Tao Đàn của đài phát thanh Sài Gòn từ những năm 1955 – 1956, độ ấy vào tuổi bốn mươi tám vẫn còn nguyên nét đẹp sang trọng đặc trưng của một phụ nữ kinh bắc. Hồ Điệp vào nam khoảng 1954, truyền nhân ca trù này có sắc giọng khao khao cuốn hút kỳ lạ và thường chỉ nói sau vài tiếng cười khanh khách. Cô nói “Tên thầy mẹ đặt cho mình là Nhu. Còn nghệ danh Hồ Điệp có nghĩa là hóa bướm, vào trong nam được nhà thơ Đinh Hùng đặt cho theo điển tích Trang Chu mộng hồ điệp trong sách Tàu đấy thôi.  Xưa kia ở Hà Nội mình ca trù không hay lắm đâu. Chỉ khi nào các quan viên muốn nghe ngâm thơ thì mình mới được vời đến”. Và bà đã trả lời cho những câu hỏi của tôi về ngâm thơ, về ca trù bằng cách ngâm vài đoạn trong một bài thơ của Vũ Hoàng Chương mà có đến hơn hai mươi năm sau tôi mới đọc được nguyên bản.
 
BA KIẾP LANG THANG

Chúng ta đánh mất cả rồi sao?
Cả đến âm thanh một thuở nào...
Da trống, tơ đàn, ôi trúc phách!
Đều khô như tiếng hát gầy hao.

Đàn mang tên Đáy mà không đáy
Rút hết rồi chăng sợi nhớ thương?
Hay phách, từ lâu rồi lạc phách,
Không còn dựng nổi bến Tầm Dương?

Hơi ca hồng đã tan thành huyết
Để tiếp vào cho má đỡ xanh?
Bạc mệnh, hỡi ơi, hoàn mệnh bạc,
Đâu còn ấm nữa rượu tàn canh!

Hay là đêm ấy Ngưu lìa Chức?
Xé nát da mình lau mắt ai?
Còn được gì đâu cho mặt trống;
Đập lên, hoang vắng đến ghê người!

Âm thanh trống rỗng, còn chi nữa,
Gắng gượng chi cho hồn Nhạc đau!
Ba kiếp lang thang, ngồi chụm lại,
Chúng ta mất hết, chỉ còn nhau
.

                             (10/7/1973)
Hồ Điệp - con bướm này bay từ khu vườn ca trù sang khu vườn thơ mà vẫn mang theo tất cả những gì gọi là hương nhụy của ca trù với phong cách bi thiết cổ điển. Cách ngâm của Hồ Điệp luôn có những âm tiết mở đầu nghe lúc nào cũng nức nở như sẽ khóc kể một câu chuyện buồn. Những bài thơ Màu Tím Hoa Sim, Hành Phương Nam, những trích đoạn Bến Nước Ngũ Bồ, Truyện Kiều…tôi từng nghe nhiều lần qua những giọng ngâm khác, như những đóa hoa sắc màu quen thuộc trong góc vườn bỗng trở nên thắm đậm khác thường khi cánh bướm Hồ Điệp đậu lên. Những bài thơ, những đoạn thơ mà Hồ Điệp thuộc nằm lòng đều có nội dung hay những hình ảnh văn học đầy kịch tính của chia ly, của mất mát, ngang trái…và kể cả những bài thơ mới lạ, khi Hồ Điệp ngâm lên thì dường như người nghệ sĩ này dốc hết nỗi lòng của mình vào những cung bậc báo trước một thân phận bạc mệnh nổi trôi. Còn tôi ngay lần đầu trải cung đàn của mình theo giọng ngâm của Hồ Điệp thì thấy như mình vừa bỏ lại sau lưng mảnh trăng buồn đơn côi của những bài bản xưa cũ chưa một lần nào làm cho mười ngón tay của tôi bay lượn trên dây đàn. Tôi đi cùng giọng ngâm Hồ Điệp trên một hành trình cung bậc mà không ai nói với ai một lời dẫn lối đưa đường nào. Không có những phân tích nguyên tắc nào của cả quá khứ lẫn tương lai mà chỉ còn sự bí mật đã tìm đến bùng cháy lên giữa hai người đồng điệu với nhau trong vài khoảnh khắc hiện tại. Năm 1988, Hồ Điệp vượt biển ra đi và bặt tin từ đấy. Bây giờ thỉnh  thoảng vào youtube gõ mấy chữ Hồ Điệp ngâm thơ lại nghe một giọng hồn ma bóng quế hiện về nức nở ngâm thơ.
Dần dà tôi được “đàn thơ” với những giọng ngâm khác, cũng tiếng tăm  từ thời chương trình Tao Đàn cũ như  Đoàn Yên Linh, Hoàng Hương Trang, Mai Hiên, Hồng Vân, Huyền Trân, Vân Khanh, Hồ Bảo Thanh, Hà Linh Bảo…và với mỗi người, tôi lại nhận được những khoảnh khắc bùng cháy khác nhau thật kỳ lạ. Chưa bao giờ tôi thấy mình trùng lắp tiết tấu, giai điệu khi đệm đàn cho những nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp này cho dù họ ngâm cùng một bài thơ nào đó. Nhưng có một nét chung rằng khi họ diễn ngâm, nhìn ngắm “ thần khí” toát ra trên gương mặt của họ, thấy người nào cũng như bị “ma nhập” hay nói theo cách nghệ sĩ Đoàn Yên Linh thường dùng là “ bị thơ nó hành”. Thời điểm đó đa số họ đều trạc lứa tuổi trong ngoài bốn mươi và có ngành nghề chuyên môn vững vàng nhưng có bất cứ chương trình ngâm thơ nào dù của tư nhân tổ chức hay của một câu lạc bộ thơ quận huyện; đài phát thanh, truyền hình mời trình diễn là họ đều thu xếp công việc, không ngại xa xôi, mưa nắng đến tham dự mà không hề có một điều kiện nào về thù lao cả. Tôi nhận thấy họ yêu thích ngâm thơ đến mức xem đó là nhu cầu tinh thần hàng đầu. Và động thái bị thơ nó hành này tôi gặp lại ở lớp nghệ sĩ ngâm thơ mươi lăm năm sau sau điển hình như Thúy Vinh, Bích Ngọc, Đài Trang, Cẩm Giang, Tạ Nghi Lễ, Bảo Cường, Hoàng Đức Tâm… Họ đã cùng nhau làm thành một số lượng nghệ sĩ ngâm thơ được gọi là chuyên nghiệp ở thành phố nhưng qua bốn mươi năm rơi rớt còn lại đến bây giờ cũng không đếm được quá con số hai mươi người. Quá ít so với số lượng nghệ sĩ của bất cứ loại hình âm nhạc dân tộc nào khác. Và chưa có một cơ quan chức năng nào như hội âm nhạc, hội sân khấu quản lý họ để cấp cho họ một loại giấy tờ nào đó đại loại như “thẻ hành nghề ngâm thơ” chẳng hạn. Nhưng họ là những lớp nghệ sĩ ngâm thơ thành phố nối tiếp nhau thành danh tên tuổi từ 1945, thời điểm mà bộ môn ngâm thơ bắt đầu được xử dụng một cách trân trọng trên đài Tiếng Nói Việt Nam. Họ là những người đã giữ gìn cho mạch nguồn loại hình ngâm thơ - như một mạch nước ngầm, nhỏ nhoi, lặng lẽ nhưng ngấm ngầm từng năm tháng một, làm thấm đẫm sự rung động kỳ lạ của bộ môn âm nhạc này trong trái tim những người Việt Nam yêu thi ca - chưa một lần ngưng chảy.
Năm 1995, ban giám đốc đài Tiếng Nói Nhân Dân tp. HCM và toàn bộ nghệ sĩ ngâm thơ thường xuyên cộng tác với chương trình Tiếng Thơ của đài đều sững sờ khi nhìn vào danh sách thí sinh đăng ký tham dự hội thi Tiếng Thơ Xuân 95 lên đến gần một ngàn người, bao gồm cả hai loại hình ngâm thơ và đọc thơ. Họ đến từ nhiều tỉnh thành phía nam kể cả từ vùng tây nguyên Pleiku, Ban Mê Thuột…Có người từ tỉnh về, không có điều kiện cư trú, xin ngủ lại trên hành lang của đài để ngày mai thi rồi chiều về lại tỉnh. Gần một ngàn thí sinh thuộc nhiều thành phần xã hội, nghề nghiệp như quân đội, giáo viên, chủ doanh nghiệp, lao động tự do, nông dân làm rẫy… và làm nức lòng ban tổ chức nhất là thành phần sinh viên, học sinh ghi danh lên đến hơn năm trăm người. Trước đó, chưa có một cuộc hội diễn, hội thi âm nhạc dân tộc nào tập trung được số lượng thí sinh giới trẻ cao như vậy. Mà đây lại là một bộ môn âm nhạc thuộc hàng “lặng lẽ, chìm đắm” nhất trong tất cả loại hình âm nhạc của xã hội. Thi ca Việt Nam nói chung tác dụng đến giới sinh viên học sinh ở mức độ nào cũng là điều đương nhiên vì đó là chương trình học bắt buộc nhưng ngâm thơ với sự quảng bá như thế nào để đã có hiệu quả tác dụng mạnh mẽ đến giới trẻ như vậy? Những bài thơ đậm tình quê hương như Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, Quê Hương của Giang Nam, hay tình cảm nhẹ nhàng như Thuyền Và Biển của Xuân Quỳnh…đã được đa số thí sinh chọn để dự thi. Học và nhớ, như thế vẫn “chưa xong”. Phải có một điều gì thúc bách họ phải xướng đọc lên, phải thể hiện ra bằng giọng điệu, phải “ngâm nga” trầm bổng theo những cung bậc nào đó những câu chữ, mới bộc lộ được hết những cảm xúc do những bài thơ đó đã gieo vào tâm hồn họ. Đơn giản là họ chỉ muốn ngâm thơ.
Bốn phần năm số thí sinh trong hội thi này không qua dược vòng loại. Ban giám khảo với những tiêu chí nghệ thuật âm nhạc nhất định đã chỉ ra những thiếu sót sơ đằng. Có thí sinh trước khi ngâm hay nói những câu như: Tui ở tỉnh, khuya khuya hay nghe ngâm thơ trên đài, có thuộc vài bài, nay muốn di thi, có dở quá, ban giám khảo niệm tình bỏ qua cho. Và đa số họ đã cho ban nhạc đệm lên bờ xuống ruộng chứ không không phải là những khoảnh khắc bùng cháy giữa những tâm hồn đồng điệu nữa. Vài năm sau đó, nhiều cơ quan như các nhà văn hóa, các lâu lạc bộ quận huyện trong thành phố đã lần lượt tổ chức những hội thi ngâm thơ, đọc thơ quần chúng. Qua đó tôi gặp lại nhiều thí sinh không đoạt giải trong hội thi tiếng Thơ Xuân 95, họ điêu luyện hơn, diễn cảm thành công hơn. Có lần chương trình Tiếng Thơ đài thành phố đi giao lưu với đài tỉnh Long An, chiều tối thân hữu kéo nhau vào một quán ven sông lai rai, gặp ngay một bàn nhậu đang có tiết mục ngâm thơ với nhân vật chính đang quơ ly rượu trong tay ngâm nga bài Hành Phương Nam (Nguyễn Bính) thật xuất sắc. Chúng tôi đều đứng im và cả quán nhậu không ai lên tiếng. Hết bài thơ, nghệ sĩ bỏ ly rượu xuống nhìn thấy chúng tôi, gào lên: Mấy ông thầy trên đài thành phố. Em nè, em có đi thi ngâm thơ bị đánh rớt đó nhớ không? Bữa nay xuống chơi đây không say không dzìa nghe. Nhà thơ Hồ Thi Ca nói” Lần đó mà anh ngâm được như vậy thì có giải rồi” Nghệ sĩ bàn nhậu vừa rót rượu vừa giả lả “ Bước ra sân khấu run thấy mồ, ngồi với chiến hữu như vầy ngâm ngon cơm hơn ”. Hình như trong bài Hành Phương Nam có những câu như”… thà cứ ngồi đây, ngồi giữa chợ. Uống say mà gọi thế nhân ơi…”. Trình độ những thí sinh đoạt giải cao trong cuộc thi này được đánh giá ngang ngửa với nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp nhưng chỉ có vài người trong số họ tham gia vào hàng ngũ nghệ sĩ ngâm thơ thành phố.
Năm 2014, tuổi cao thân bệnh nhưng tôi vẫn đi cùng những nghệ sĩ ngâm thơ bất kể họ chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Chẳng biết gọi đạo hay là đường. Thời tiết vẫn mưa nắng thất thường. Cuộc sống vẫn đè nặng lo toan cơm áo. Tâm hồn vẫn chất chứa đầy giận dỗi, trách móc. Tôi thấy mình đã làm khác với những điều gọi là lục kỵ trong Kinh Nhạc. Những làn điệu ngâm thơ Việt Nam mới là kinh nhật tụng của tôi, cây đàn trong tay tôi chỉ là chuông mõ. Khi người ngâm thơ cất giọng, tôi tấu đàn. Mọi thứ khác trở thành quá khứ, không có tương lai. Hiện tại bùng cháy một cảm giác hân hoan kỳ diệu.
 
  Trở lại chuyên mục của : Thạch Cầm