THẠCH CẦM

Tiếng Đàn Trăng

Tiếng vạc kêu sương vang lên khô lạnh trong đêm đang nhuốm sắc vàng úa đến não người của vầng trăng mười tám vừa lên. Thạch Sinh nghiêng đầu thổi nhẹ cho mấy hòn than cháy đều trong cái lư đồng nhỏ, rồi thả vào vài miếng trầm, đặt lư lên án thờ, Sinh lấy tay đẩy nhẹ cho lư sát vào cái hộp nhỏ ửng bóng sắc nâu đen. Cái hộp làm từ một miếng trầm hương mà Sinh đã cất giữ bấy lâu sau một lần lang bạt về đến miền Phú Khánh. Lần gặp gỡ vô tình dạo ấy với một tay chuyên nghề săn trầm đã xảy ra một cuộc trao đổi giữa hai vật mà chỉ có sự kỳ biến của thiên nhiên mới chế tác được. Sinh đã đổi một viên hồng ngọc để lấy miếng trầm hương kia. Về sau, khi gặp lại ở Kinh Thành, người nhận viên đá đã phàn nàn là nếu muốn bán cho có giá, phải đem viên đá này qua tận đất Tây Vực, ở đó mới có máy móc làm thành những viên nhỏ li ti như hạt cát rồi cho vào những bộ phận đồng hồ gì đó…Sinh cũng gật gù cho biết rằng phải có vài chục miếng trầm hương như vậy con buôn mới mua, chứ  chỉ có một mảnh bằng hai bàn tay thế này thì chỉ nên khắc một cái tượng hay hình gì đó để chơi mà thôi. Sau khi từ Hà Tiên trở về, Sinh đã tự tay cưa đục miếng trầm hương đó, ráp thành một cái hộp nhỏ, vừa đủ để một đoạn xương.
 
Thạch Sinh ngồi xuống sau cái án thư cũ kỷ, trên đặt cây đàn cầm quen thuộc, đưa mắt nhìn lên…Từ lư trầm, bốc lên từng sợi khói ẻo lả, tỏa lan đi thành một màn khói mờ mờ, nồng ấm một mùi hương vừa thiêng liêng vừa kỳ bí. Cái mùi hương có lẫn vị đau đớn đang âm ỉ dâng lên khắp phòng. Nỗi đau đớn có thật của cây dó bầu, một loại thực vật mà tự nó có khả năng chữa lành được những vết thương bên ngoài thường do nọc ong, tổ kiến gây ra hay giông gió làm xơ gãy; hoặc những vết ung lở ngay bên trong thân mình… bằng cách biến đổi dòng nhựa bình thường đang chảy trong thân trở thành một dược chất kỳ diệu. Và cái dược chất đó đã làm thay đổi luôn tên gọi vô nghĩa của loại cây: dó, trở thành một tên gọi khác, mãi muôn đời chứa chất bí ẩn: trầm hương. Trước kia nữa, từ bao giờ, cho đến thời điểm  con người biết dâng cúng trầm hương, mộc dược lên Thiên Chúa, ngay khi Người còn tao nôi. Ai? Đã có cái sáng kiến tàn nhẫn dùng dao búa cố tình tạo ra những vết đâm, vết cắt vào những thân dó rồi bỏ mặc loài cây cỏ ấy tự cứu lấy  mình. Vết dao búa rồi cũng sẽ lành lặn, để lại những khối sẹo trầm hương. Và năm mười năm sau, họ trở lại thu hoạch cái vụ mùa có được do việc tự cứu rỗi đó. Nhưng tạo hóa cũng đã viết sẵn một kịch bản bi hài cho con người. Kể từ khi biết đến trầm hương, hàng nghìn năm qua đã có rất nhiều người vẫn trong tình trạng hấp hối chờ một cái chết ngọt ngào mà vẫn không chết đi được. Cái mùi hương kỳ bí này đã làm biết bao kẻ tục khi đắm chìm vào thì cho rằng mình đã tiếp xúc được với các đấng thần linh. Còn tu giới rõ ràng đã có một pháp môn khẳng định chỉ có hơi thở của những bậc đại giác, đại ngộ….mới có mùi trầm hương, kẻ khác ngửi được, tức thấy an nhiên. Với điều kiện các bậc đó khi tọa thiền phải xông hương đốt trầm. Còn nếu như cả đời chỉ thuần ăn rau cỏ mà tu, thì dù có leo lên đến tầng trời thứ mấy chục…thở ra, vẫn chỉ là mùi ngũ cốc luân hồi. Có ai biết đâu, tăng lẫn tục đều đã dính vào cái bẩy êm ái của tạo hóa, vào một sự  trả thù thăm thẳm nhất của chí công. Đâu phải vô cớ mà trong cổ tích, vẫn tung tăng nghìn đời câu chuyện có kẻ ngậm ngãi tìm trầm, bị  rừng núi hóa thành sơn nhân. Và ngay cả trong những ngôi đền chỉ chuyên thờ các vị thần tình ái, trong khi chờ mua trầm hương của những con buôn đến từ phương đông, thì sự giao cảm thiêng liêng đầy bí hiểm giữa các tăng lữ với các đĩ thần, đang ở tầng trời thứ mười tám, cũng nhanh chóng từ một con số vĩ đại tụt xuống nguội lạnh, ngang bằng đám tro tàn đang nằm trơ trẽn trong đáy lư trầm.
 
Trên nét mặt còn phãng phất nụ cười bởi những ý nghĩ quẩn quanh, Thạch Sinh đưa tay vói lấy hộp đựng móng đàn. Với thói quen đã có từ hàng mấy mươi năm, tay cầm thủ đưa tay mang móng lên ngang mặt, đảo năm ngón tay thành một vòng tròn, màu thép trắng ánh lên một đường cong sáng quắc, chợt lóe cùng trong vệt sáng là một đôi mắt đen láy… Sinh khựng người nhưng tay vẫn hạ xuống, móng chưa chạm dây thì cả mười bảy sợi dây đàn cùng rung lên một tiếng âm u như có làn gió nào vừa thổi qua. Những ngón tay của Sinh lướt đi hòa tiếp vào cái âm thanh u mặc đó, nhưng cung bậc vừa tuôn ra bỗng tắt lịm. Đâu đó chợt dâng lên cảm giác tê tái đến thắt cả người, cái tê tái thường tình của nỗi nhớ mong…Sinh thẩn thờ lật ngửa cả hai bàn tay trên đàn, nhìn lên án thờ, từ chiếc hộp nhỏ, phát ra âm thanh của tiếng trở mình…Sinh thở dài:
- Sao công nương không để tôi đánh đàn?
 
Màn khói trầm mờ chừng như tỏa dày hơn, từ trên vách án thờ, bóng một người nữ trong chít khăn lụa vàng, sắc xiêm đem từ từ hiện ra… Sinh đứng bật dậy, một cái gì đó vừa trào dâng trong trái tim người chơi đàn, thoát nhanh ra ngoài, hân hoan trải dài dưới chân công nương họ Mạc. Như được tiếp một tha lực, bước chân đài các trở nên cuống quýt, lướt nhanh đến gần tay cầm thủ. Cái mùi ấm lạnh của cây cỏ, đất đá đêm nao lại tràn về, dâng ngập gian phòng, hương trầm đang nồng ngát đành đoạn tan đi thật nhanh. Đôi môi vốn luôn khép chặt như vừa hé mở theo nụ cười trên khuôn mặt của linh hồn đang đi theo người giữ xương. Tiếng ngọc lanh canh reo vui trên vuông khăn chít đầu:
- Ngươi lo cho ta mang nỗi đau trầm hương sao?
Sinh bật hẳn tiếng cười khẽ hiếm hoi, nhìn nhận:
- Tôi đã gây ra một vết thương cho bộ hài cốt của công nương. Nhưng cũng chỉ vì muốn hết lòng làm cho được lời đã hứa.
Tiếng ngọc nghe có phần mãn nguyện:
- Ta đã thấy được tấm lòng của ngươi, nhưng ta đâu cần trở thành trầm hương. Chẳng phải chính ta đã trao đoạn xương đó cho ngươi sao ?
- Tại sao có thể như thế được! Tôi có nghe nói nhiều người khuất mặt trở về dương gian chỉ để tìm lại một phần xương cốt của mình đã lưu lạc vì lý do nào đó…
- Nếu lo vậy thì trước kia ta đã cho hỏa táng thân mình.
- …..
- Người khác sẽ nên trầm, nên hương cho ta và ta đã biết để chờ điều này từ ba trăm năm trước.
- Công nương  chờ điều gì?
 Những chuỗi ngọc trên chít khăn chạm nhau ràn rạt bởi một động tác quay ngoắt đi:
- Ta chờ một điều mà điều đó…
Câu nói bỏ lửng trong giây lát rồi thốt tiếp ra những âm thật trầm :
- …điều đó sẽ làm ta sống vĩnh viễn trong lòng nhân gian muôn và muôn muôn đời sau nữa.
Thạch Sinh nghiêng đầu:
- Giòng họ Mạc của công nương đã chẳng lưu danh trong lịch sử sao ?
Cái linh hồn hai mươi tuổi đã đi khỏi dương thế từ mấy trăm năm qua bật ra một tiếng hứ nhẹ:
- Chính ta chứ không phải dòng họ ta.
Sinh đưa tay lên vùi vào tóc:
- Vậy đó là điều gì ? Thưa công nương.
Tiếng ngọc rơi từng hạt một:
- Chính là tiếng đàn của ngươi.
Khuôn mặt rắn rỏi như đá của Thạch Sinh chảy mềm ra với một tiếng thở hắt:
- Dù là âm nhạc nhưng trước tiên đó chỉ là âm thanh.
 
Mạc Hoàng Khuyên bước chậm rãi đến án thư, ngồi vào bên cây đàn cầm, cánh tay trần chạm khẽ vào người tay cầm thủ. Gian phòng nhỏ đang ràn rụa mùi cây cỏ, đất đá bỗng trở nồng nàn hương da thịt trinh nguyên. Sinh nhắm mắt lại, ngây ngất trong tiếp cảm đầy giới tính. Cái linh hồn ba trăm năm một tay chống cằm, một tay đưa lướt nhẹ qua dây đàn. Một chuỗi âm thanh,  đúng hơn đó là một chuỗi ánh sáng rực rỡ bùng lên. Và chuỗi  âm thanh ánh sáng đó đã làm chủ nhân cây cổ cầm mở bừng mắt. Mạc Hoàng Khuyên ngước nhìn lên, Thạch Sinh cúi đầu xuống, khi hai tia mắt vừa chạm nhau, đôi môi trên khuôn mặt đẹp như ngọc chúm  nhẹ lại:
- Ngươi vừa nghe thấy gì không?
Tay cầm thủ cố nhắm mắt lại nhưng không thể nào hạ thấp cái nhìn trân trối:
- Hình như vừa có một vầng sáng như ánh trăng, tỏa ra từ đôi tay của công nương.
 
Mạc Hoàng Khuyên từ từ đứng dậy, hai thân thể sát vào nhau. Những chuỗi ngọc trai trên chít khăn bỗng sững lại, không còn dám khua chạm vào nhau nữa, đất trời cũng lặng thinh, chỉ còn nghe những lời thì thầm trong đêm. Đêm tương âm giữa trăng và đàn. Đôi mắt đen láy khép hờ lại cho hơi thở của ánh trăng thì thầm:
-  Sinh ơi… người có nhớ ta không?
Hai cái nhìn đã rơi mất hút lẫn vào nhau tự khi nào:
-  Tôi đã mang xương của công nương về đây…
Tiếng thì thầm đầy ma lực của một linh hồn đưa cao lưỡi dao lụa mềm lên:
-  Vậy... đừng gọi em là công nương nữa.
Sinh tê dại cả người trong cái mùi khát khao đang thoát ra từ vuông miệng nồng nàn. Cái khát khao của một thân thể đã mục ruỗng từ hàng trăm năm qua, đang dâng đầy lại từng giòng máu nóng. Và trăng vẫn thì thầm tiếng trăng:
-  …để em sẽ mãi mãi ở trong người.
 
Mạc Hoàng Khuyên từ tốn chắp hai bàn tay thành một đóa sen, đưa lên chầm chậm cho ngôn ngữ múa cất cao lời dâng cúng. Đôi cánh tay đưa lên dần làm hai ống tay áo rơi xuống, để lộ làn da trần ngát trắng, bộ ngực vươn đầy lên theo động tác cũng như đang muốn bật ra khỏi làn vải dày để hòa vào hiệp nhất. Búp sen tay dừng lại trên đỉnh đầu Sinh, mở ra nhẹ nhàng thành hai cánh, vuốt chậm xuống theo vành tai, áp vào má... Hai cánh sen chợt biến thành mười ngón thuôn dài, kéo nhẹ khuôn mặt tay cầm thủ cúi xuống. Đâu đó, từ đáy vực của một tình yêu nghiệp chướng đã dâng lên, chờ sẵn, nghiêng  nghiêng một đôi môi mềm ấm đang hé mở. Thật chậm, họ thở vào hơi thở của nhau và gần như cùng một lúc, khi hai đôi môi vừa bám vào nhau, đủ để nuốt lấy linh hồn nhau thì từ trên án thờ, cái hộp làm bằng gỗ trầm hương bần bật rung lên rồi bể tung nát vụn, đoạn xương công nương họ Mạc bung ra, kéo dài thành một vệt sáng màu ngà và như một ánh sao băng, vệt sáng lụa ấy vút nhanh về phía cây đàn cầm, luồn vào dưới mười bảy sợi dây đàn, cây đàn cổ nẩy bật lên trong giao tác cuối cùng, khi âm dương nhập làm một. Vầng trăng mười tám vằng vặc trên cao, xoáy nghiêng một vệt sáng vào thư phòng Thạch Sinh. Mười bảy sợi dây đàn hừng lên ánh trăng bạc làm nổi rõ đoạn xương người vừa biến thành cái ngựa đàn. Đoạn xương đang rướng cong lên trong tư thế dâng hiến đến tận cùng cái chết vừa được phục sinh.

Về sau, như chuyện đã kể và sẽ không biết bao lần nữa cứ là về sau…Khi những nhà nghiên cứu lịch sử văn học, theo sau những nhà nghiên cứu đủ thứ trên đời, cùng tham gia lục tung huyền thoại này lên, thì họ đã được danh sĩ họ Chương trao cho một bài thơ, Chương khẳng định rằng chính mình đã chép lại bài thơ này để làm bằng những gì xảy ra trong đêm trăng mười tám đó, là đêm đầu tiên Thạch Sinh tấu đàn, đúng một tháng, kể từ đêm cái ngựa đàn của cây cổ cầm được thay thế bằng khúc xương người, cũng là đêm họp mặt thơ nhạc trong tháng quen thuộc của một số danh sĩ tăm tiếng lẫn tai tiếng, tại dinh thự của Quách đại gia. Như thường lệ, tiếng đàn Thạch Sinh vẫn làm công việc dẫn đạo ca xướng và đêm ấy, ca nhân Đỗ Quyên có ngâm một bài thơ – đúng, chính bài thơ có những câu như thế này:
 
Người đàn góc phố bán gì
Mà rao cung oán xuân thì nghìn sau
Sững nắng trưa, đau vó câu
Đàn tôi khô ruột cuống nhau chia lìa.
 
Khi giòng nước mắt trên má người ca kỷ vẫn còn đọng ướt bên khóe môi, vừa ngân xong âm tiết cuối cùng thì Thạch Sinh vẫn không ngưng đàn. Lúc ấy, vầng trăng mười tám vừa ngự đỉnh trời, màn đêm chan hòa một sắc trắng lành lạnh. Bất chợt, bầu ánh sáng bao la ấy chao đi vì những chấn âm đâu đó đang dần lan ra. Ban đầu nghe rì rầm mơ hồ, sau chuyển thành những chuỗi âm thanh có cao độ rõ ràng, réo rắt. Cái réo rắt, lanh lảnh âm sắc tiếng đàn cầm. Và trời đất đã mở thêm mênh mông mới đủ cho cung đàn đang rào rạt tuôn ra những tiết tấu sôi bùng mãnh liệt, trào dâng thành một tấu khúc mê đắm. Cái tấu khúc mê đắm ấy tan vào ánh trăng, vang rền không gian, dậy lên trùng trùng hải triều âm, cuồn cuộn hải triều quang, gối lên nhau, xô dẫn lấy nhau. Những âm ba tâm trung ràn rạt tiếp nối nhau. Không lơi tiếng khoan, tiếng nhặt; không lắng tiếng đục, tiếng trong; không tí tách thở than, không sầm sập hờn oán. Chỉ càng lúc càng dào dạt dâng lên và dâng lên. Ôi, cái mê đắm man dại của nỗi khao khát được yêu, tưởng đã thành tro bụi trăm năm trước, mà định mệnh trăm năm sau, thần khí hồn nhiên của mạch trời đất, của một kiếp đàn lại chuyển tiếp, giăng nối cung tơ vào trái tim của linh hồn yểu mệnh này.
 
Về sau, kể cũng đến mấy mươi năm, tất cả những đôi tình nhân son trẻ cũng như những đôi tình nhân lỡ thì của đất Kinh Thành đang ngồi bên nhau đêm ấy, đã nên vợ nên chồng hoặc không chắp nối được gì, cũng đều bẽn lẽn kể lại với những nhà nghiên cứu đủ thư,ù rằng khi nghe thấy cung đàn ánh sáng đó thì tự dưng họ nắm chặt lấy tay nhau, nhìn mắt vào mắt nhau, để ràn rụa giao kết rằng nếu không thể nào tác thành, kết hợp được… họ sẽ nguyện thiêu đốt xác thân này, lấy tro thả vào không gian và nơi nào mà ánh trăng còn rọi soi đến được, chỉ cần đủ sáng để thấy được một hạt bụi tro này thôi, thì sao hôm, sao mai sẽ còn lanh lánh giữ mãi lòng chung thủy của họ. Có thêm một việc trong đêm đầu tiên cung tơ nhập vào ánh trăng ấy, mà những người kể lại sau này, ai cũng tắc lưỡi ra cái điều họ đã biết từ lâu…là khi chương trình thơ nhạc kết thúc, gương mặt vốn bình thường của Thạch Sinh lại trở trắng xám cái màu nửa như đá, nửa như ngọc.
 
Chuyện kể thì có trước, có sau nhưng những sự kiện đêm ấy lại xảy ra cùng một lúc. Chính vì vậy mà sau này, khi những nhà nghiên cúu đủ thứ, những danh sĩ tăm tiếng và tai tiếng, những đại gia buôn bán ngoạn thạch… mỗi khi gặp nhau, nhắc lại đêm nghe tiếng đàn đó, đều nhâu nhâu lên, kẻ thì dành nói chính tôi mới là người đầu tiên muốn xin mọi người tha thứ, người khác lại khẳng định rằng họ mới là người bật khóc nức nở trước bất cứ ai sụt sùi sau đó.
 
Có một chuyện mà người kể không dùng đến hai chữ về sau… để bắt đầu là vì chỉ vài ngày tiếp sau đêm đó, toàn dân đất Kinh Thành đều hồi hộp theo dõi một vụ án tình nếu nói theo cách của những người có trái tim loài gián. Còn riêng Tôn đại nhân, quan án sát Kinh Thành, đêm ấy với tư cách là khách mời danh dự, cũng có mặt trong dinh thự họ Quách. Với hộp sọ đủ rộng để nhớ được ba ngàn sáu trăm pho sách luật, với biệt nhãn của một người chuyên nẩy mực cán cân công lý cùng trái tim đã từng nhiều lần dằn xuống, không để thổn thức theo những vụ án oan khuất, nhưng vẫn bị kết án đúng theo pháp luật, đã kể rằng khi tiếng đàn qua tai, nhập vào người thì thốt nhiên, ông ta khai mở được một giác quan kỳ lạ, cứ cho là giác quan thứ mười mấy đi. Để khi liếc qua Quách đại nhân, ông ta nhìn thấy vị vương gia này đang lịm người trong tiếng đàn, nhưng cùng lúc quan án sát cũng thấy trên mặt họ Quách hiện ra một vẽ nuối tiếc cuối cùng, thường lộ rõ ở vài người đang hấp hối. Kinh ngạc, ông ta nhìn sang Quách phu nhân,với ý định muốn báo cho biết tình trạng của chồng bà ta. Nhưng trái tim Tôn đại nhân chợt gõ liên hồi những nhịp đập thổn thức. Cái thổn thức mà đã nhiều lần trong đời hành xử, ông ta đã cố dằn nó xuống, khi ông ta nhìn thấy vị phu nhân khả kính đang đứng sừng sững giữa khán phòng, như thể đây chỉ là một hoang mạc. Toàn thân người mệnh phụ tỏa ra một vầng ánh sáng dịu dàng, tinh khiết. Đôi mắt trên gương mặt quyền quý đang đắm đuối hướng ra bầu trời đêm đang lồng lộng cung đàn trăng. Khi kể lại, Tôn đại nhân thú nhận lúc đó ông ta không thể cấm trái tim mình thổn thức nữa, để chính nó thốt ra một câu nói ngắn gọn, như trong vở kịch nào đó, chỉ có một vai diễn: Trời ơi, đó là tình yêu.
 
Đúng một tháng sau, từ sáng sớm, hàng ngàn người dân đất Kinh Thành đã vây kín lấy công đường tòa án, hồi hộp chờ nghe quyết định cuối cùng của công lý. Tôn đại nhân đăng đường với cái hộp sọ trống rỗng và trái tim trĩu nặng vì nó vẫn đang khua không đều đặn trong ngực ông những nhịp đập thổn thức. Ông đã làm đúng theo những nguyên tắc pháp luật, đã xét hỏi tra vấn, đã khuyên giải lẫn răn đe. Quan án sát có cớ được răn đe, đơn giản vì gia đình Quách đại nhân chẳng xa lạ gì với ông. Tôn đại nhân biết rõ từng ngõ ngách trong dinh thự họ Quách bao nhiêu, thì ông cũng nắm đi đường đi nước bước những công việc làm ăn mờ ám và không mờ ám của tay đại phú này bấy nhiêu. Không những vậy, Tôn đại nhân cũng đã nhiều lần cùng Quách phu nhân luận đàm về văn chương thi phú cũng như thế thái nhân tình. Vậy mà bây giờ đùng một cái, chính ông là người  phải đứng ra xét xử đơn xin ly dị của Quách phu nhân. Trong đơn, ở khoảng lý do, chỉ ghi có bốn chữ: Vì tôi đã yêu.
 
Đã hai lần hòa giải mà kết quả vẫn là con số không. Hồ sơ lẫn biên bản của vụ ly dị này trước sau vẫn chỉ  ba tờ giấy mỏng. Một tờ đơn xin ly hôn và hai tờ biên bản của hai lần hòa giải trước mà tờ nào cũng chỉ vỏn vẹn bốn dòng chữ.  Hai dòng câu hỏi của tòa và hai dòng câu trả lời của đôi bên đương sự. Trả lời của vợ: Vì tôi đã yêu. Trả lời của chồng: Tôi đồng ý. Hai câu trả lời không dư, không thiếu một chữ. Họ không nói thêm một lời nào nữa vì luật pháp đã cho họ một cái quyền: Quyền im lặng. Hôm nay là lần thứ ba, lần cuối cùng hòa giải, vợ chồng họ Quách phải ra công đường. Quan án sát thẩn thờ, lê chậm từng bước chân từ thư phòng ra án đường, ông đang ao ước phải chi cái hành lang ngắn này trở thành con đường dài thăm thẳm cho ông không bao giờ phải đối mặt với vợ chồng họ Quách nữa. Quách phu nhân yêu ai mà từ lúc đắm chìm trong tiếng đàn trăng kia, bà ta đã không ngại ngùng che dấu. Mà làm sao che dấu được tình yêu khi bất cứ tình yêu chân thật nào cũng tỏa sáng như mặt trăng, mặt trời. Nhưng bà ta đã có chồng và may mắn chăng là họ chưa có con. Còn Quách đại nhân, cũng từ đêm đó, ông ta chẳng buồn dấu diếm, cứ giữ nguyên bộ mặt đau đớn với những nét dằn vặt đến độ cứ nhìn tay đại phú này là Tôn đại nhân muốn khóc nấc lên vì thương bạn.
 
Cái gì đến rồi sẽ đến. Quán án sát đã đưa ra những câu hỏi cuối cùng theo đúng thủ tục ly dị sau khi sự việc chẳng thay đổi được gì.
- Bổn quan muốn hỏi đôi bên đương sự muốn phân chia tài sản như thế nào ? Phía bên bị được có ý kiến trước.
- Thưa tòa, tôi không màng đến.
- Phía bên nguyên?
- Tôi cũng vậy.
- Vậy tài sản nhà cửa của đôi bên đương sự sẽ để làm gì ?
- Xin xung vào công quỹ.
 
Đôi vợ chồng này – không, họ không còn là vợ chồng của nhau nữa – đã quyết định những điều mà pháp luật phải chấp nhận. Trái tim của Tôn đại nhân đã nặng nề vì thổn thức bây giờ lại trĩu thêm cái tự ái pha lẫn cảm giác bị xúc phạm. Cái gì bên trong hai con người đó lại bùng phát dữ dội đến vậy, nó vượt trên cả tình bạn to lớn của ông ta, trên cả của cải… và dường như vượt trên nữa rất nhiều điều to lớn của cuộc đời này.
 
Chưa có một phiên tòa nào kết thúc lạ lùng đến vậy. Đám đông tụ tập trước công đường dạt hẳn ra thành một lối đi khi Quách phu nhân bước ra khỏi cửa. Bà ta đi từ tốn, kiêu hãnh giữa hai hàng người, đôi mắt vẫn long lanh tỏa ngời những tia sáng hạnh phúc và không biết  bà ta có nghe được những tiếng trầm trồ của rất nhiều phụ nữ đang chen chúc xung quanh.Phu nhân năm mươi tuổi rồi đó...sao bả đẹp quá, thường ngày tôi đâu thấy vậy? Quách đại nhân theo sau và dường như ông ta chẳng bận tâm đến hàng trăm, hàng ngàn cặp mắt đang ném lên người ông những cái nhìn như thể họ đang thấy trên đầu ông ta mọc không phải hai mà là bốn năm cặp sừng. Không có cái sừng nào mọc trên đó cả. Họ nhìn ông ta chằm chặp chỉ vì cung đàn trăng đó cũng giúp cho họ thấy được đằng sau cái nét mặt vật vã kia, ẩn dấu sự nuối tiếc một điều gì đó chưa làm được. Có điều gì mà con người tầm cở như Quách đại gia chưa làm được? Bước tất tả sau cùng ra khỏi công đường là quan án sát, không để ý đến đám đông đã tự khi nào vây cả ba người thành một vòng tròn, họ bước đến đâu, cái vòng tròn người xê dịch theo đến đó và mọi người đều nghe rõ Tôn đại nhân nói gấp gáp:
 
- Chúng ta còn có thể gặp nhau như bạn bè nữa không?
 
Quách đại nhân nhìn qua người phụ nữ mà mới cách đây vài phút còn là vợ mình để nhận được một tia mắt đáp trả, hình như họ muốn nhìn nhau lần cuối. Ai đó, một trong hai người đã lên tiếng:
- Đêm trăng mười tám tháng nay, chúng ta sẽ họp mặt nhau lần chót.
 
Trong khán phòng dinh thự nhà họ Quách, đêm ấy như thường lệ, ít nhất bên ngoài nhìn thấy như thế, vẫn sẽ là đêm thơ nhạc. Và từ xế chiều, Tôn đại nhân đã ngồi im lặng hàng giờ trước mặt Quách phu nhân chỉ để ao ước được nghe nhiều hơn nữa chứ không phải chỉ vài câu nói ngắn ngủi từ miệng người phụ nữ mà tình yêu đang làm cho bà ta tỏa sáng như mặt trăng, mặt trời. Cái ao ước đớn hèn pha lẫn ích kỷ như chính sau này ông ta đã thú nhận rằng ông ta khao khát muốn đổi cái thổn thức trong tim ông bằng sự ganh tị, đến mức độ sẳn sàng chấp nhận sự ganh tị đó trĩu nặng đến độ làm cho trái tim của ông rớt xuống nằm trong bao tử, cái bao tử của một viên quan án sát. Nhưng ngay khi vừa mở lời, Tôn đại nhân đã rơi  ngay vào cái hố do chính ông ta đào ra.
- Tôi không còn là Quách phu nhân nữa.
- Xin lỗi, chỉ vì quen miệng. Nhưng phu nhân có còn xem tôi như một người bạn nữa không?
-  Trên cả bạn bè, đại nhân còn là bậc trưởng thượng.
-  Không dám, chỉ mong phu nhân chia xẻ cho đôi điều.
-  Về việc gì ?
-  Hơ...phu nhân đã viết trong đơn là phu nhân  đã yêu.
-   ….
-  Thật sự phu nhân đã yêu sao?
-  Tiếng đàn trăng đó không mở ra trong lòng đại nhân một điều gì sao?
-  Có, có đấy, nó giúp tôi nhìn thấy đôi mắt của phu nhân long lanh những tia sáng mà trong đời tôi chưa từng nhìn thấy. Nhưng đây lại là việc khác.
- Đại nhân đã thất thập cổ lai, ngài chưa được ai nhìn như thế hay chưa nhìn ai được như thế?
- Hơ…thưa phu nhân…
- Chưa được ai nhìn hay chưa nhìn ai đều không phải lỗi của tôi. Ngay bây giờ đây ngài muốn chính miệng tôi nói ra với ngài là tôi đang yêu và yêu ai, có phải vậy không?
- Hơ…
- Ở cương vị bạn bè như ngài đã nói, với tuổi tác như ngài đã có, ngài đang bắt ép tôi sao?
- Thưa phu nhân…tôi…
- Tôi sẽ rời khỏi cái cơ ngơi to lớn này và tôi đang đợi một lời tốt lành của đại nhân.
- Thưa…
- Nếu là đại nhân, tôi sẽ chúc phúc cho những tia sáng đó, dẫn đường tôi đến đúng chổ người tôi yêu và yêu tôi đang chờ.
 
Trong khi cố leo ra khỏi hố, cái hộp sọ chứa đến ba ngàn sáu trăm pho sách luật của quan án sát chợt lóe ra một biện chứng: Tại sao cứ tiếng đàn mà không là người đánh đàn…? Sự khoái chí đã làm Tôn đại nhân rơi xuống lại đáy hố và ngài cứ ngồi ì ra, chẳng buồn leo lên.
 
Và đêm ấy, theo yêu cầu lần cuối của người mệnh phụ vừa rũ bỏ họ Quách của chồng, tất cả mọi cửa ra vào cũng như cửa sổ đều được mở rộng. Nhưng tiếng đàn của Thạch Sinh đêm ấy không dậy hải triều nữa. Tiếng tơ dìu dặt nắn nót những lời thì thầm, từ tốn tỏa ra từng vầng thanh khí mỏng manh. Bầu trời tối sầm lại vì ánh trăng đã bước qua những khung cửa trống trải, đi vào khán phòng rồi dịu dàng ôm lấy cung đàn, hiệp nhất thành một quầng sáng. Âm thanh và ánh sáng vừa mơn trớn vừa xoay tròn lấy nhau. Bất chợt, người đàn bà có đôi mắt long lanh những tia sáng của tình yêu, bước ra từ bóng tối và từ tốn đi vào giữa những bước chân quấn quít của đàn và trăng rồi từ từ xoay tròn theo. Cung đàn trăng đang dìu dặt bổng nhanh lên dần, nhanh rồi nhanh hơn nữa…Khán phòng cuồn cuộn quang âm. Người phụ nữ cũng xoay theo, nhanh dần lên, nhanh rồi nhanh hơn nữa... Tôn đại nhân nhổm người lên, rõ rồi, trong đầu quan án sát đã ký sẵn một lệnh bắt giữ cho dù nó sai phạm đến đâu. Nhưng sao lại thế kia, chỉ trong một thoáng, với động tác xoay ngược lại, người phụ nữ đã thoát ra khỏi vòng luân vũ với đôi tay còn đang vói lại quyến luyến. Và nàng cất tiếng cười khanh khách, những chuỗi âm thanh giòn giã hạnh phúc nối tiếp nhau. Trong dáng vẫn quay tròn bước chân, nàng tiến dần ra cửa, những tia sáng trong mắt nàng làm đêm đen ngời lên, nàng xoay tròn qua cửa rồi lẩn hẳn vào màn đêm. Tiếng cười trở nên lanh lảnh nghe xa dần, nhỏ dần rồi mất hút. Tiếng đàn tắt lịm. Khán phòng im phăng phắc. Tay cầm thủ vẫn ngồi bên đàn, hai bàn tay rũ rượi trên mười bảy sợi dây tơ, khuôn mặt người chơi đàn trắng nhợt cái màu như đá như ngọc, lấp lánh sáng vài giọt mồi hôi. Từ đó về sau, không còn nghe ai nhắc nhớ gì về người đàn bà vô cùng hạnh phúc ấy.
 
Khoảng chừng một năm sau, không xa Kinh Thành mấy, sừng sững mọc lên một ngôi đền thờ nguy nga gấp trăm lần biệt thất của Quách đại gia trước kia. Khi công trình này mới bắt đầu khởi công, dân cư trong thành đồn đải rằng quan án sát họ Tôn đã dùng kim ngân phát mãi tài sản của Quách đại gia để làm nhà riêng, nhưng theo thời gian, công trình này từ từ hiện ra rõ ràng kiến trúc của một ngôi đền thờ thì họ xoay qua ca tụng quan án sát  bằng tất cả những ngôn từ nào nói về phúc đức mà họ nghĩ ra được. Hơn thế nữa, khi thấy đích thân Tôn đại nhân ngày đêm trông coi, đốc thúc thợ thầy việc thi công ngôi đền thì đã có hàng chục nhà thơ đã nổi tiếng thật, những nhà thơ tự cho mình đang nổi tiếng và những thư pháp gia lẫn thư pháp viên…Tìm đến Tôn đại nhân, gợi ý rằng tên của ngôi đền này, phải là những chữ trích ra từ một câu thơ của một bài thơ nào thật sâu sắc, phải có ý nghĩa thâm thúy, đề cao cái tình bạn rất đỗi thiêng liêng kia và những chữ đó phải viết bằng kiểu chữ gọi là thư pháp chữ Việt, rồi rằng thì là mà sẽ cho đắp nổi lên ngay cổng trước ngôi đền. Cái kiểu chữ mà hiện nay rộ lên như một phong trào khi một số người thuộc nhiều giới khác nhau, dùng bút lông chuyên viết chữ Tàu, chấm mực xạ viết lên giấy, lên gỗ hoặc một vài chữ hoặc vài câu thơ, lời chúc… bằng chữ Việt để làm quà tặng, triển lảm hoặc bán chác…kèm theo là những lời tán tụng rằng đây là một nghệ thuật viết chữ hàm chứa những sâu xa vô biên từ tha lực mật tông đến sự quyến rũ chết người của cái đẹp mỹ thuật … đại loại như vậy. Đề nghị này làm cho Tôn đại nhân hết sức hoan hỉ nhưng ngài đã lắc đầu quầy quậy sau nhiều ngày đọc qua hàng ngàn cái tên đặt cho ngôi đền, do các nhà thơ, nhà thư pháp cung cấp. Rốt cuộc, sau một tiệc rượu tại Tửu Giả Các, có mặt cả trăm văn nghệ sĩ chính thức tham gia và không chính thức ăn theo vụ việc. Tôn đại nhân bộc bạch rằng luật thì ngài có học qua nhưng thơ phú thì rất kém cỏi, tuy nhiên ngài có nhớ đâu đó, trong một truyện thơ cổ mà ngài đã đọc lúc còn nhỏ, trong truyện có cái câu gì trước đó, ngài không nhớ nhưng tiếp theo là câu… tình bằng hữu, nghĩa kim lan... thì ngài vẫn nhớ như in đến giờ, cho nên ngài quyết định sẽ lấy hai chữ kim lan để đặt tên cho ngôi đền. Những tiếng vỗ tay hoan hô và lời hò hét tán tụng ngay sau đó đã làm cho Tôn đại nhân ngây ngất đến mức ngài tuyên bố từ đây về sau, tất cả những văn nghệ sĩ đến Tửu Giả Các, nếu có vì rượu mà xẩy ra xô xát thì hoàn toàn được bãi miễn xét xử. Quyết định của Tôn đại nhân đã làm chết cả tấc lòng của hơn phân nửa số nhà thơ đã cung cấp tên ngôi đền cho ngài, nhưng phân nửa còn lại thì vẫn thấp thỏm chờ đợi với hy vọng sẽ được diễm phúc lưu lại hậu thế nét chữ của mình, dù bằng vôi vữa, vì số nhà thơ còn lại này ai cũng là một thư pháp gia hoặc thư pháp viên. Đương nhiên sau đó, Tôn đại nhân phải chọn một trong muôn chữ Kim Lan được viết bằng bút pháp của rất nhiều thư pháp gia. Không có gì để nói thêm khi hai chữ Kim Lan được chọn là bút pháp của một đại danh gia thư pháp đất Kinh Thành. Tuy nhiên, tự đáy lòng của Tôn đại nhân đã dấy lên một nỗi rầu rĩ ghê gớm, khi ngài đã ngắm nghía từ xa đến gần, từ gần ra xa, đã đánh vần xuôi, vần ngược... hai chữ ngắn ngủn mà ngài đã ra lệnh viết trên một khổ giấy to đùng đến năm bảy sải tay, mà vẫn không đọc ra được đó là hai chữ Kim Lan. Nét bút như rùng mình trên giấy nhưng khổ thay, cái rùng mình này lại vắng hoe thần khí, mà quá thừa mùi dầu gió, thứ dầu mà người ta hay dùng khi bị trúng gió. Nếu không phải như chính miệng ngài đã nói ra thì chắc chắn không bao giờ ngài biết đây lại là hai chữ Kim Lan. Ngài chỉ hơi nguôi ngoai phần nào khi viên thư lại của ngài thao thao hàng giờ để phân tích, lý giải…cho ngài hiểu biết về nghệ thuật sử dụng bút lông trong thư pháp, đây lại là thư pháp chữ Việt kia đấy. Nào là thủ thuật, nào là khí lực, nào là thiền ý… Nghe đâu chính viên thư lại này, sau khi đứng ra gọi thầu công trình đắp nổi hai chữ Kim Lan, đã sắm được một cổ xe song mã, giá đến hàng trăm lượng bạc. Mãi cho đến ngày khánh thành ngôi đền Kim Lan thì ngài mới thực sự nhẹ nhỏm sau khi tấm vải đỏ che kín bức hoành đắp nổi hai chữ Kim Lan trên cửa điện được kéo xuống. Hàng ngàn người đang chứng kiến buổi lễ đều dồng loạt ồ lên vì vẻ tráng lệ của dòng chữ chói chang ánh vàng mạ nhưng sau đó thì cả ngàn tiếng xầm xì cùng một lúc xì xầm, trở thành câu nói rõ mồn một trong tai Tôn đại nhân…Òa, chữ gì vậy, sao đọc không ra..!  Và Tôn đại nhân vừa nhẹ nhỏm trong một sự đồng cảm lại vừa hả hê bội phần khi thấy nhiều văn nghệ sĩ đang chen chúc trong đám đông, khoa chân múa tay gào lên: Kim Lan, Kim Lan…Nhưng tức khắc, một số khác lại hét lên không kém…lan gì mà có g…Tôn đại nhân giật thót người nhìn lên bức hoành, nét cuối cùng của chữ n lằng nhằng quặt xuống rồi ngoáy lên, nhìn rõ là chữ g, rõ tới mức dễ nhận ra còn hơn đọc cả hai chữ. Vậy phải đọc là Kim Lang à! Cái nét ngoáy thêm này sao không thấy có trên bản viết thảo? Xa xa bỗng vọng lại tiếng rúc dài của một hồi tù và, báo hiệu đoàn kiệu giáo chủ Kim Lan điện – không có g – đang đến gần. Viên thư lại vội vàng ghé tai chủ nhân thầm thì: Bẩm ngài, đó mới là thư pháp. Tôn đại nhân vừa tất bật nghênh đón xa giá, vừa gật gù: Đúng, quả là thư pháp..
 
Sau việc này, không biết từ đâu mà giới thư pháp Kinh Thành có thêm từ thư pháp bay. Nếu nói đây là cụm từ đàng hoàng, để khen ngợi một cách văn vẽ cái bay bổng trong nghệ thuật thư pháp thì cũng chưa hẳn, vì đọc lên  cứ như thiếu thiếu cái gì, nghe không được đàng hoàng. Nếu để hiểu như một câu ví von nhằm mô tả phong trào viết thư pháp mà  qua sự kiện kể trên, đang rộ lên, cũng không chính xác. Nhưng cụm từ này, nó đã lan vào tận một giới mà công việc của họ chỉ dính dáng đến vôi vữa. Ai không tin, cứ chiều xuống là sẽ thấy những cánh thợ hồ, thợ xây đi làm về, ngang qua cổng điện Kim Lan, đều cười rộ lên từng tràng rồi cùng hô nhịp nhàng..thư pháp bay, thư pháp bay…Về sau, có danh sĩ họ Phan, cũng là một thư pháp gia đất Kinh Thành, sau khi hoàn công ngôi nhà mới của mình, trong tiệc khao cánh thợ xây, ông đã cố tình phục rượu họ để mong tìm ra bí mật này. Nhưng ông ta chẳng tốn công rào đón gì, khi cánh thợ ngà say, vừa ngắm nghía những bức thư pháp treo trên những tấm vách còn nồng mùi vôi mới, họ vừa gõ ly gõ chén mà hô..thư pháp bay, thư pháp bay…rồi bật ra cười nắc nẻ, trong khi dúi cả vào nhau mà cười, cả bọn cứ chỉ tay vào người trẻ nhất trong đám thợ cũng đang cười rũ rượi đến trào cả nước mắt, nước mũi. Và anh thợ trẻ này, một tay ôm bụng, tay kia thì khua khoắng, gào lên để nén cười: Tụi bay thấy không, cần gì thư pháp thư phiếp...ông già tía tao khi ổng đắp nổi hai chữ Kim Lan, ổng múa thêm một nhát bay là cái đuôi chữ n thành rồng bay phượng múa ngay, mà ai cũng tưởng là chữ của ông thư pháp gia gì đó, thế mới kinh chứ.
 
Dĩ nhiên là Tôn đại nhân đã hoàn toàn có lý khi chọn hai chữ Kim Lan để đặt tên cho ngôi đền vì sau đó không những tại Kinh Thành mà chuyện còn lan truyền qua nhiều lãnh thổ khác. Vì chính từ ngôi đền này đã phát sinh ra một đạo giáo gọi là Chính Tài đạo mà giáo chủ của giáo phái này thì chẳng ai xa lạ, đó là Quách đại nhân. Theo chuyện kể ông ta đã truyền bá một thứ giáo lý vi diệu đến mức người ta đi theo ông xin làm đệ tử đông đảo đến độ ông phải  xây dựng hẳn một ngôi làng chung quanh ngôi Kim Lan điện cho họ tụ tập lại, vừa sinh sống vừa học đạo. Một chuyện mà người ta đồn đải nổi bật là đệ tử của giáo phái này qua việc đóng góp vừa tài khí vừa nhân lực cho Quách giáo chủ. Họ hào phóng đến mức mỗi khi giáo chủ của họ du thuyết giảng đạo từ nước này qua nước khác là họ bỏ tất cả việc gia đình, việc kinh doanh để đi theo ông ta có đến vài trăm người bằng phương tiện vận chuyển nhanh chóng nhất mà số kim ngân tốn kém lên đến con số có thể làm cho một vài nguyên thủ quốc gia trên quả đất này nghe đến là nóng bừng mặt. Có vị đã quay ra phàn nàn nội các của họ là tại sao không tổ chức được những cuộc công du rầm rộ, hoành tráng như Quách giáo chủ. Và những vị tổng thống này, thí dụ vậy, được trả lời đại khái rằng dù có đi đâu, bằng phương tiện nào, số người đi theo không nhiều và tuyên bố những gì thì tổng thống của họ  bao giờ cũng đại diện cho hàng triệu quốc dân của quốc gia họ. Hơn nữa là cho dù sau này hết nhiệm kỳ tổng thống thì vẫn còn được gọi là cựu tổng thống hoặc đương chức mà bị ám sát thì còn gì vinh quang hơn. Quách đại nhân đã làm được điều mà trước kia ông đã từng băn khoăn là không biết sau này khi chết đi thì mắt của ông ta có khép chặt hay vẫn còn mở he hé vì đã không làm được sự việc này không. Và cho đến khi quyết định rời bỏ trần thế, Quách giáo chủ đã không cho bất cứ một đệ tử nào, kể cả vị đại đệ tử chuyên giải quyết những lủng củng nội bộ trong ngôi làng của các môn đồ Chánh Tài đạo sinh sống, kề cận bên cạnh.Ông ta dặn dò là chỉ ba ngày sau khi không còn nghe tiếng cầu nguyện của ông nữa thì mới được phá cửa vào tịnh thất của ông. Sau đó, chính Tôn đại nhân là người đầu tiên bước vào thất trước tiên để thấy kim lan  của mình đã qua đời với dáng nằm co quắp nghiêng một bên, hai tay chắp lại xiết chặt với nhau luồn giữa hai đầu gối nhưng đầu vẫn ngửa ra giữa sàn làm cho cái xác ở trong tư thế như đang cố ngoái đầu nhìn lại một cái gì với vẻ vô cùng tiếc nuối. Và khi Tôn đại nhân đặt úp bàn tay phải lên đôi mắt vẫn còn mở trừng trừng của người bạn vuốt nhẹ thì ông cảm nhận rõ ràng sự cô đơn tê tái đến chết người thấm đẩm trong hai giòng nước mắt lạnh buốt vừa trào ra từ đôi mắt đang từ từ khép lại. Về sau, con cháu của Tôn đại nhân đã đọc được trong gia phả họ Tôn một chuyện kỳ bí là ông cố của họ, cái ông làm quan đến chức án sát ấy, cuối đời đã bị bệnh bao tử mà trước khi nhắm mắt đã hộc ra một búng máu, lẫn trong búng máu lợn cợn vài mẩu vụn vằng của một trái tim đã vỡ nát. Còn chuyện không thấy ghi chép trong gia phả là hầu hết phụ nữ trong giòng họ Tôn sau này, khi lập gia đình, họ đều cố làm sao lấy được  chồng là những người đang làm những công việc dính dáng đến toà án như là thẩm phán, lục sự..và tốt số nhất là lấy được người có chức vụ mà trước kia gọi là thầy cãi hay trạng sư, nay gọi là luật sư. Lý do họ đưa ra rằng chỉ có luật sư là những người vừa có thu nhập cao, ổn định vừa có trái tim còn nguyên vẹn mà trao cho họ.
 


  Trở lại chuyên mục của : Thạch Cầm