THÁI QUỐC MƯU
 
“Phiếm” Chữ Nghĩa Mua Vui
 
SỰ SAI LẦM CỦA HOÀNG XUÂN HÃN TRONG BỘ SÁCH LÝ THƯỜNG KIỆT
 
Tiểu sử Giáo sư, Học giả Hoàng Xuân Hãn (nguồn Internet):
 
“Học giả Hoàng Xuân Hãn cùng thời với những tên tuổi lớn như Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh…, cuộc đời học giả Hoàng Xuân Hãn phủ gần trọn thế kỷ XX và sự nghiệp của ông cũng gần như phủ bóng hầu hết các lĩnh vực khoa học của nước nhà, cả khoa học tự nhiên và xã hội.
 
Ông sinh ngày 18/3/1908, mất ngày 10/3/1996 làng Yên Phúc, thuộc tổng Yên Hồ, nay là xã Yên Hồ. Có sách viết sanh tại Kẻ Trổ, thuộc làng Nhân Thọ, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, nay là xã Đức Nhân (Đức Thọ). Ông là hậu duệ của dòng họ Hoàng Xuân nổi tiếng với Hoàng giáp Hoàng Trừng (đời thứ 5, đậu Hoàng giáp năm 1499). Thuở nhỏ, ông học chữ Hán với cụ Tú Vạn, phụ thân ông. Về sau học chữ quốc ngữ tại quê. Khi phong trào Cần vương tan rã, cha mẹ ông lâm cảnh nghèo khó, ra Vinh nhận thầu nấu cơm cho trường Quốc Học để nuôi con.
 
Năm 1926, Hoàng Xuân Hãn đỗ bằng Thành Chung, ra Hà Nội thi vào Trường Bưởi, 1 năm sau thì chuyển sang Khoa Toán, Trường Trung học Albert Sarraut. Năm 1928, sau khi đỗ Tú Tài toàn phần, ông được nhận học bổng du học tại Pháp. Lần lượt thi đỗ và theo học tại các trường đại học danh tiếng như: Sư phạm, Bách khoa, Sorbonne, năm 1934, ông về nước với bằng kỹ sư cầu đường. Tiếp đó, ông trở lại Pháp và đỗ bằng thạc sĩ Toán của trường Sorbonne năm 1935.”
 
Học giả Hoàng Xuân Hãn viết rất nhiều bộ sách. Đáng chú ý và có lẽ nổi danh nhất là Bộ Lý Thường Kiệt, xuất bản năm 1949. Đáng tiếc, trong bộ Lý Thường Kiệt có thể do không có bản chánh để tra cứu, nên nội dung bộ sách nầy có rất nhiều chỗ bị sai lầm cách oan uổng. Làm phí phạm công trình lớn lao của vị học giả đáng kính của chúng ta.
 
***
 
Xin trích một đoạn trong Phần Lý Thường Kiệt Đánh Tống, Hoàng Xuân Hãn, viết:
 
- “Một nơi quan trọng thuộc trại Vĩnh Bình. Sách Lãnh Ngoại Đại Đáp chép: “Trại Vĩnh Bình kề Giao-chỉ, chỉ cách bằng một con sông mà thôi. Phía bắc sông có trạm Giao-chỉ (ở đất Tống). Phía nam sông có đình Nghi-hòa. Đều là chỗ để buôn bán trao đổi, do chúa trại Vĩnh Bình cai quản”.
 
Trong khi “Lãnh Ngoại Đại Đáp” chép như sau:
 
- “Ung châu Hữu giang Vĩnh Bình Trại dữ Giao Chỉ vi cảnh, cách nhất giản nhĩ! Kỳ Bắc hữu Giao Chỉ dịch, kỳ Nam hữu Tuyên Hòa đình, tựu vi bác dịch trường”. (Dịch: Trại Vĩnh Bình ở vùng sông Hữu giang, thuộc Ung châu, tiếp giới với Giao Chỉ, cách một khe suối thôi! Phía Bắc khe suối có trạm (tên gọi là) Giao Chỉ, phía Nam suối có đình Tuyên Hòa, là nơi buôn bán giao dịch).
(Lãnh Ngoại Đại Đáp, Qu. V. Tài Kế môn. Ung châu Vĩnh Bình Trại bác dịch trường)
 
 
Hoàng Xuân Hãn đã sai lầm khi ghi rằng đường ranh giới giữa Giao Chỉ và Trại Vĩnh Bình là “một con sông”, trong khi “Lãnh Ngoại Đại Đáp” chép rõ là “một khe suối”. Sông và Khe Suối hoàn toàn khác nhau.
 
Ở phần các địa danh, Hoàng Xuân Hãn viết và chấm sai, vì thế trong nguyên tác có 16 địa danh trở thành 18 địa danh:
 
16 địa danh trong nguyên tác:
- Thượng Điện / Hạ Lôi / Ôn / Nhuận / Anh / Dao / Vật Dương / Vật Ác / Kế / Thành / Cống / Lục / Tần / Nhiệm động / Cảnh Tư / Hà Kỷ.
 
Dưới đây là 18 địa danh do Hoàng Xuân Hãn chấm và viết sai:
Thượng- điện / Hạ-lôi / Ôn-nhuận / Anh / Dao / Vật-dương / Vật-ác / Kế-thành / Cống / Lục / Tần / Nhậm / Động / Cảnh / Tư / Kỳ / Kỷ / Huyện.
 
Sau đây là những cái sai của Hoàng Xuân Hãn khi ngắt câu phân địa danh:
 
1). Kế tức là Kế động.
 
Ông Hoàng Xuân Hãn lại nhập chữ Kế với chữ Thành liền ở sau, để trở thành “Kế-thành”.
 
2). Nhiệm động. (Nhiệm cũng đọc âm Nhậm).
 
Hoàng Xuân Hãn lại ngắt ra thành 2 Địa danh là “Nhậm” “Động” mà không biết rằng chữ “động” ở đây chỉ là cấp số hành chánh đi liền với chữ Nhiệm” (hay “Nhậm”).
 
3). Cảnh Tư.
 
Hoàng Xuân Hãn cũng ngắt ra thành 2 địa danh “Cảnh”, “Tư”.
 
4)- Địa danh “Kỳ” trong nguyên tác không có.
 
5). Hà Kỷ huyện.
 
Hoàng Xuân Hãn thiếu mất chữ “Hà”. Và, Chữ huyện đứng sau tên “Hà Kỷ” để chỉ cấp số hành chánh, ông lại tách chữ Huyện ra và cho nó thành một địa danh khác.
 
Những sơ suất trên đây người viết trích dẫn để chứng minh những sai lầm và, đó là một trong vô vàn những sai lầm khác trong bộ Lý Thường Kiệt.
 
                                                                        ***
Dưới đây, xin nói về phần Việt Sử:
 
a)- Về Lý Thái Tổ:
 
Trong Lãnh Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi, viết: “Lý Công Uẩn, tên chữ là Triệu Diễn, con thứ của Lý Thuần An thuộc dòng dõi Lý Tung Tể tướng nhà Hậu Tấn. Tung bị vu oan rồi bị hại. Con cháu phải đến phương nam tị nạn, định cư ở Lý gia trang phía đông Loan Hải, quận Mân Châu. Để tránh bị truy nả bèn đổi sang họ Lê đến khi làm vua. Mãi đến sau khi thiên đô về Thăng Long mới lấy lại họ Lý.”
 
Theo Lý Trang Chử Nội Lý Thị Phòng Phả, viết: “Lý Công Uẩn, có tên khác là Lý Công Tố, hiệu Triệu Diễn, giỏi võ công, giỏi văn chương. Từ nhỏ theo cha di cư đến Bắc Giang, Giao Chỉ. Công Uẩn được Lê Chí Trung dùng làm đại tướng, Năm Canh Tuất Chí Trung chết, con Chí Trung còn nhỏ, em là Minh Sưởng giành ngôi, Công Uẩn giết Minh Sưởng tự lập làm vua đất Giao Châu. Vợ họ Trần.”
 
Ngược lại, trong Wekipedia, viết: “Dưới triều nhà Tiền Lê, Lý Công Uẩn làm quan đến chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ là một chức quan võ chỉ huy quân đội bảo vệ kinh đô Hoa Lư bấy giờ. Năm 1005, Lê Trung Tông bị em trai là Lê Long Đĩnh sát hại, ông ôm Trung Tông khóc, Long Đĩnh cho rằng Uẩn là tôi trung, bèn cho giữ chức quan Cận vệ. Đến năm 1009, Long Đĩnh qua đời, con trai còn nhỏ, ông được lực lượng của Đào Cam Mộc và sư Vạn Hạnh tôn làm Hoàng đế.”
 
Và, theo truyền/huyền thuyết, trích từ Wekipedia:
 
1. “Phạm Thái Hậu đi chơi núi Tiên Sơn, cùng với thần giao hợp mà sinh ra Lý Công Uẩn. Lý Khánh Vân nuôi làm con, nhận là họ Lý. Bài ký ở chùa Tiên Sơn có nói: "Thái Hậu cảm tinh anh của Bạch Hầu mà sinh ra Vua, nhà sư Vạn Hạnh rước về nuôi."
 
2. “Mẹ Lý Thái Tổ năm 20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão Sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu, khi lửa tắt và bà đương ngủ lơ mơ, lão Sa môn ngẫu nhiên chạm phải, giật mình trở dậy rồi có thai mà sinh ra Vua.”
 
3. “Mẹ Vua ở quanh quẩn trong rừng Cổ Pháp hốt nhiên chết, kiến, mối xông đất đẩy thành mả, cao bảy thước được chỗ đất tốt chung linh. Đến bây giờ Vua về yết lăng, trông thấy cây cối xanh tốt, loài chim bay liệng cảm động rớt nước mắt, sai đo quanh mộ mỗi bên vài mươi thước làm cấm địa, sau này các triều có phụ táng ở đó đều gọi là Thọ lăng.”
 
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, viết: Lý “Thái Tổ, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang. Mẹ là người họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với thần giao hợp, rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 thời Đinh (974). Lớn lên làm quan nhà Lê, thăng đến chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ”.
 
Còn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục là bộ chính sử của nhà Nguyễn do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn thảo vào khoảng năm 1856-1884, viết: “Công Uẩn, người Cổ Pháp Bắc Giang. Sinh ra đã thông minh sâu sắc, dung mạo đẹp đẽ khác thường, khi nhỏ thường thụ nghiệp với sư Vạn Hạnh. Vạn Hạnh thấy rất lạ mới nói rằng: “đây không phải người thường, ngày sau tất sẽ làm chủ thiên hạ”.
 
Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán triều Nguyễn thời vua Tự Đức, viết: “Quê hương của Lý Công Uẩn là Cổ Pháp thuộc Giao châu. Người mẹ họ Phạm ăn ở với “Thần nhân” mà sinh ra... Nhưng khi lên ngôi Công Uẩn lại truy phong cha làm Hiển Khánh Vương, mẹ làm Minh Đức Thái hậu. (Đất nước, dân tộc, tôn giáo, triều đại nào cũng tạo cho mình một huyền thoại “không giống ai” để mê hoặc lòng người.)
 
Điều lạ lùng là “lý lịch” của một đấng minh quân của đất nước mình mà sử sách viết cũng không đồng nhất, thiếu xót quá nhiều, bịa đặt tùm lum... Chợt nghĩ vui, hay là các nhà sử học nước ta muốn dạy cho hậu duệ của mình cái trò gian gian, trá trá như “Ai kia” tung hỏa mù tiểu sử để dối lừa tộc Việt?
 
b)- Về danh tướng Lý Thường Kiệt:
 
Hầu hết, sử Việt chỉ viết Lý Thường Kiệt mà không ghi rõ Lý Thường Kiệt tên thật là Lý Thượng Cát, nguyên là một Hoạn Quan.
 
Hai tiếng Hoạn Quan dùng chỉ những người yêu nước tự cung (tự thiến) để không vướng bận gia đình, với ý muốn gần gũi vua hầu phục vụ đất nước cách tích cực. Còn thái giám là thành phần bị cưỡng bức cung hình để ngăn chận mọi quan hệ với phái nữ cùng phục vụ trong hậu cung. Giới nầy là Hoạn Nô.
 
Do giới tự hoạn với lý do cao cả quá ít (Việt Nam chỉ có Lý Thường Kiệt và Lê văn Duyệt), về sau người ta gọi hoạn nô (thái giám) là hoạn quan.
 
c)- Lê Hoàn:
 
Cũng như Lý Thường Kiệt phần Lê Hoàn (Lê Đại Hành), sử Việt chỉ viết thuần Lê Hoàn, không ghi còn một tên khác là Lý Uy.
 
Sau cùng, người viết xin thưa: Bài “PHIẾM” được tham khảo, trích dịch từ các sách đã dẫn trong bài (tên sách được tô đậm). Đặc biệt là các bộ: Hoàng Xuân Hãn, Lãnh Ngoại Đại Đáp của Chư Khứ Phi và Phê Bình Hoàng Xuân Hãn của Học giả Minh Di ở Úc Châu (chưa in). Tuy nhiên, chắc chắn vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Vì vậy, xin quý độc giả xem để giải trí, mua vui hơn là dùng làm tư liệu tra cứu.
 
Atlanta, Nov. 4, 2015




  Trở lại chuyên mục của : Thái Quốc Mưu