THÁI QUỐC MƯU

Tản Mạn Về Thơ Luật Đường
 
 
 
Thơ Đường là loại thơ – có thể gọi là thơ cao cấp trong các thể thơ – Vì, luật lệ khe khắc phải gắn bó với niêm luật, đối họa nghiêm chỉnh, trạng luận phân minh.
 
Nói vậy không có nghĩa tôi có ý chê các thể thơ khác là “thơ hạ cấp”. Mục đích bài viết chỉ để nói về luật thơ Đường nghiêm khắc hơn tất cả luật các thể loại thơ khác. Còn, thơ hay hoặc chưa hay là vấn đề khác. Bất cứ loại thơ nào cũng có hay, chưa hay và dở.
 
Một bài thơ Đường hay phải có ẩn dụ, đọc như vậy chứ ý không phải vậy, nói một đàng hiểu một nẻo,… phải có nhạc tính cao, đọc lên nghe êm như lời ru của mẹ, giọng nói của bạn tình.
 
Các câu 3 + 4 (gọi là trạng) và 5 + 6 (gọi là luận) phải phân minh. Xướng đối phải rõ ràng. Năm vần (các câu 1, 2, 4, 6, 8) phải đồng âm. Ngoài ra phải đúng luật BẰNG, TRẮC ( Bằng = B – Trắc = T), luật nầy có thể được miễn trừ ở các chữ trong câu, là: Nhất, tam, ngũ (1 – 3 – 5) bất luận (không buộc theo đúng luật Bằng, Trắc); Nhì, tứ, lục (2 – 4 – 6) phân minh (bắt buộc phải đúng luật Bằng, Trắc).
 
            Thơ Luật Thất Ngôn Bát Cú:
 
            T – T – B – B – T – T – B (vần)
            B – B – T – T – T – B – B (vần)
            B – B – T – T – B – B – T
            T – T – B – B – T – T – B (vần)
            T – T – B – B – B – T – T
            B – B – T – T – T – B – B (vần)
            B – B – T – T – B – B – T
            T – T – B – B – T – T – B (vần)
 
Các câu trong bài thơ luật Đường được gọi như sau:
 
            - Câu 1. Phá đề
            - Câu 2: Thừa đề
            - Hai câu 3 + 4 cặp trạng, phải đối nhau.
            - Hai câu 5 + 6, cặp luận, phải đối nhau.
            - Câu 7: Kết
            - Câu 8: Thúc.
 
Đặc biệt, xin lập lại, hai cặp 3 + 4 và 5 + 6 tứ thơ phải phân minh, nghĩa là ý thơ hai câu 5 + 6 không được trùng lập với tứ thơ hai câu 3 + 4.
 
Thơ Thất Ngôn Bát Cú, được gọi Thơ Đường, vì thể thơ nầy phát triển rất nhanh vào thời Nhà Đường (từ 18 tháng 6, 618 đến 1 tháng 6, 907) của nước Trung Hoa (nay là Trung Quốc).
 
Người ta thường gọi thơ Thất Ngôn Bát Cú là Thơ Đường, có thể không chính xác, nên chăng gọi là Thơ Luật Đường, có lẽ đúng hơn. Bởi, Thơ Đường là thơ của thời Nhà Đường, còn các thế hệ làm thơ Tám Câu Bảy Chữ, sau Nhà Đường là làm thơ theo luật thơ của Nhà Đường.
 
Thất ngôn bát cú, thực tế được cải tiến từ thơ Cổ Phong 7 chữ tám câu. Thể thơ nầy không cần niêm luật và có thể có nhiều vần trong một bài thơ.
 
Triều đại Nhà Đường có ba, bốn trăm Nhà thơ vào hàng cự phách và để lại đời sau mấy chục ngàn bài thơ bất hủ. Trong đó, có năm, sáu vị mà hầu như chúng ta ít nhiều biết đến: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, Thôi Hộ và Vương Bột...
 
Trong những vị ấy, Lý Bạch là người nổi tiếng hơn cả, có lẽ do thơ ông gần gũi quần chúng, và, “cái ngông” của ông trong huyền thoại, say, xỉn xuống sông mò trăng (?).
 
Để thơ đến với mọi người, thơ ca phải giản dị, gắn bó với nỗi lòng của mọi tầng lớp quần chúng bằng tính nhân bản. Lý Bạch cùng nhóm bạn Trương Tịch, Vương Kiến,… chủ trương thơ phải phản ảnh thực trạng xã hội, trong đó yếu tố đời sống người dân là trọng tâm. Ông nói: “Làm thơ phải nhìn vào hoàn cảnh mà nói lên được khát vọng của đại đa số quần chúng, chứ không nên chỉ trong mộng mơ hư ảo”.
 
Còn Vương Bột có lẽ là Nhà thơ có nhiều tác phẩm hơn các vị kia: Hán Thư Chỉ Hà (10 quyển), Chu Dịch Phát Huy (5 quyển ), Thứ Luận Ngữ (10 quyển),  Chu Trung Toản Tự (5 quyển) và Thiên Tuế Lịch, nhưng tên tuổi ông ít được quần chúng biết đến.
 
Thơ Luật Đường là thể thơ có nhiều xướng họa hơn các thể loại thơ khác
 
Chơi thơ (bất cứ thể loại nào) là một nghệ thuật, đòi hỏi có nhiều năng khiếu về thơ. Đặc biệt thơ luật Đường cần phải có vốn kiến thức, thông suốt ngữ phạm và, tất nhiên thông thạo luật thơ.
 
Một bài thơ hay, chẳng phải do có nhiều sáo ngữ hoặc nhiều “từ mới”. Không ít Nhà thơ khi sáng tác thơ cố vắt óc nặn chữ cho có vẻ cao siêu, kết quả là người đọc không hiểu tác giả viết gì? Muốn gởi gắm cái gì đến mình.
 
Đó là căn bệnh trầm kha của những “Người thơ” cố ghép chữ thành vần điệu. Và, để biện minh cho trò ghép chữ của mình họ tự sáng chế ba từ “Tân Hình Thức”.
 
Bài thơ hay, ngoài đúng niêm luật, giàu nhạc tính còn gởi ý thơ, hồn thơ đến mọi người. Để khi đọc họ cảm thấy rung động trong lòng; cảm nhận được tứ thơ và lắng sâu vào hồn… Ngoài ra, thơ cần có sự sáng tạo về ngôn ngữ nhưng phải phù hợp ý thơ, bất ngờ, nhưng không khách sáo, viển vông.
 
Người làm thơ cần tự tạo cho mình một hướng thơ (tức là đường thơ, là phát kiến riêng); phải tự tạo ra ánh hào quang đặc biệt cho riêng mình, không nên đi theo lối mòn do các nhà thơ khác đã khai phá.
 
Khi nghe ai đọc một bài thơ mà ta đoán được bài thơ đó của tác giả nào thì nhà thơ ấy đã thành công.
 
Ngược lại, khi nghe hay đọc một bài thơ mà ta cảm nhận âm hưởng, cấu trúc ngôn ngữ của bài thơ đó na ná với dòng thơ, cấu trúc ngôn ngữ của một tác giả khác thì kẻ viết bài thơ ấy chưa đạt được chánh danh Nhà thơ.
 
Cuối cùng, người viết xin mượn ý của thi hào Lý Bạch kết thúc bài nầy: “Viết văn, làm thơ để tạo thành một ấn phẩm thì không chỉ viết cho riêng mình, mà cho tất cả mọi người đọc”.
 
                                                Atlanta, Nov. 04, 2013
                                                     
 


  Trở lại chuyên mục của : Thái Quốc Mưu