THÁI QUỐC MƯU
 
 
Từ Hai Chuyện Tình 
Tưởng Nhớ Người Bạn Vong Niên

 

 
Chúng ta, thường nghe chuyện tình “đau nhói con tim” của TT KH với một người “vô danh” được gán ép cho nhiều người như Thâm Tâm, với bài thơ Màu Máu Tigôn, nhà văn Thanh Châu trong truyện ngắn Hoa Tigôn, đến... cả Nguyễn Bính cũng bị cho... “ăn có” qua bài thơ Cô Gái Vườn Thanh.
 
Tuy nhiên, có lẽ người được các nhà “suy luận chuyện tình dang dở” “chấm điểm” cao nhất là Thanh Châu, qua đoạn văn mô tả nhân vật Lê Chất và người yêu tên Hạnh (trích):
 
“Lê Chất trở về Hà Nội, sắp đặt xong mọi việc, lo lót giấy tờ tiền bạc, đồ dùng đi xa, tất cả đã sẵn sàng, thì phút cuối cùng nhận được thư của Hạnh:
 
“Chất, anh hãy đi một mình và quên em đi, vì em không có thể theo anh. Đừng giận em tội nghiệp, em không phải là loại đàn bà có thể vượt được hết những khó khăn như anh đã tưởng. Đến phút cuối cùng, em bỗng sợ, em sợ gia đình tan tác, khổ thân thầy mẹ em, chồng em khinh bỉ, tai tiếng ở đời, những lo ngại ở tương lai… Em thấy rằng: nếu đi với nhau chưa chắc chúng ta đã sung sướng. Anh thấy chưa? Em là một đứa hèn! Em không yêu anh được như anh tưởng đâu, vì em đã hy sinh anh cho tất cả những lo ngại trên kia. Vậy mà em yêu anh có thể chết vì anh được. Trong đời anh còn nhiều chuyện, anh có thể quên em được đấy! Nhưng còn em thì chẳng bao giờ, chẳng bao giờ! Vì em biết em sẽ không bao giờ tự an ủi được, bởi em đã làm hỏng đời em, nếu em chẳng theo anh...” (ngưng trích), trong truyện ngắn Hoa Tigôn, đăng trong Tiểu Thuyết Thứ Bảy, giữa năm 1937.
 
Bởi, theo suy luận của họ thì nội dung bài thơ Hai Sắc Hoa Tigôn của TT KH rất gần gũi với truyện ngắn Hoa Tigôn của Thanh Châu: Ép duyên, lòng hiếu thảo, sự chia lìa, nằm bên chồng vẫn nhớ người yêu... Chúng ta thử so sánh đoạn văn viết nghiêng, tô đậm trên với 3 khổ thơ sau đây của TT KH:
 
Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ.
 
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người.
 
Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai.
 
(Trích: Hai Sắc Hoa Tigôn – TT KH)
 
Nhưng tất cả những suy luận chỉ để tranh cãi, mua vui đến nay vẫn chưa ai đủ khả năng khẳng định.
 
Bên chuyện tình Hai Sắc Hoa Tigôn, còn có chuyện tình “lâm ly bi thảm” chẳng thua phim Tàu, rất ít người biết, mà một trong hai nhân vật chính rất gần gũi chúng ta, mới quá vãng năm 1911 – Thi Hoàng và Tương Đàm.
 
Tương Đàm hay Bích Dư hoặc Bích Hoàng là một. Nàng là con gái của quan đại thần trong triều đình Huế, sinh và lớn lên tại Huế. Năm 1943 Tương Đàm bị gia đình cưỡng ép lập gia đình với người không yêu. Người nàng trộm nhớ thương thầm là Thi Hoàng. Còn Thi Hoàng là ai? Xin đọc phần cuối.
 
Trước ngày cưới, Tương Đàm làm 10 bài Đường Thi gởi cho Thi Hoàng ở Hà Nội.
 
TIẾNG KHÓC ĐÊM TÂN HÔN
1
Bạn lòng ơi! Hỡi bạn lòng ơi!
Non nước xa xăm chớ ngại lời
Trăm nẻo gió mưa, trăm nẻo lạnh
Vạn trùng sương khói, vạn trùng khơi
Dòng Hương nghẹn sóng thương run rẩy
Đỉnh Ngự phai vàng nhớ tả tơi
Em bước lên thuyền trông trở lại
Anh đi biền biệt một phương trời
 
2
Trời thấu cho chăng? Trời hỡi trời?
Cắn răng vẫn bật khóc anh ơi!
Đường đời bỗng rẽ làm hai lối
Giấy trắng không lưu lại nửa lời!
Chim cũ sớm hôm còn ríu rít
Người xưa gang tấc đã xa vời!
Vô tình giở đọc trang tình sử
Càng bẽ bàng thêm má với môi!
 
3
Môi, má, chao! Son phấn vẽ vời
Gương treo giờ biết để ai soi?
Xây bao nhiêu mộng, xây trên cát
Nói một lời yêu, nói chẳng trôi!
Đã trót sinh vào hàng ngọc bội
Đành cam chuốc lấy nợ kim bôi!
Mừng em mới tủi cho em chứ
Đang lúc bơ vơ giữa chợ đời!
 
4
Đời nếu như là mộng ảo thôi
Trăm năm đừng có chuyện chung đôi
Lấy chồng để trở thành sương phụ
Thà thác mong làm cỏ Mã-Ngôi (1)
Có hẹn chi mô mà trách ngược?
Chẳng giằng lấy được để buông xuôi!
Đêm nay hoa chúc kinh hoàng quá
Mắt mở nhìn đâu cũng tưởng Người!
 
(1) Có lẽ chỗ này tác giả lầm Mã-Ngôi là nơi Dương Quý Phi phải tự sát để vừa lòng ba quân, với cỏ Ngu Mỹ-Nhân trên bờ sông Ô Giang.
 
5
Người ấy là chồng, chồng của tôi?
Trớ trêu đến thế đấy trời ơi!
Mưa sa, sao lại mưa sa nhỉ?
Mực cạn, đành như mực cạn thôi!
Áo lộng quấn tay: Cầu Bạch Hổ (2)
Tóc đùa che nắng: Núi Thiên Thai (3)
Thúy Kiều còn được hầu Kim Trọng
Em cứ là em, vợ của ai!
 
(2) Bấy giờ chúng tôi còn mặc quốc phục. Lúc về chơi Huế đứng trên cầu Bạch Hổ, tà áo dài của hai người thường quấn lấy tay nhau.
 
(3) Những lần đi chơi núi Thiên-Thai, nàng thường xõa tóc và nói đùa để che nắng cho tôi.
 
6
Ai đã từng yêu, từng khổ đau
Đọc nhau ắt hẳn cũng thương nhau.
Nếu như diệt được con tim héo
Thì có phiền chi ngọn bút sầu?
Tóc bạc chờ ngày chôn mệnh phụ
Trăng vàng lọt sổ tủi cô lâu!
Ơi trăng! ghen với trăng vàng đó
Trăng thấy người ta yêu ở đâu?
 
7
Đâu biết ngày nay phận bẽ bàng
Bài Son-Nê cũ lúc thu sang (Sonnet)
Ngẫm thương cảm lại ngâm thương cảm
Im dở dang mà nói dở dang!
Nam nữ mới hay tình một hội
Đông tây rõ thiệt lụy đôi đàng!
Ắc-ve! tôi để tang ông đó (Arvers)
Ai có vì tôi chịu để tang?
 
8
Chịu để tang cho một mối tình
Luân hồi nếu thiệt có lai sinh
Em ngồi đan áo bên sân thóc
Anh đứng nhìn con dưới mái tranh
Đêm ngắn khoe hoài thơ Lý Đỗ
Ngày dài quên lửng chuyện công danh.
Từ nay cho đến muôn vàn kiếp
Em chỉ là em của một anh!
 
9
Anh hẹn đi anh! Anh, anh, anh!
Kỷ niệm ùa về gọi thất thanh
Nỗi nhớ nhung này dâng khắc khoải
Chút hơi hướng cũ rải mong manh
Tĩnh-Tâm sen rũ tàn trong nắng
Thiên-Mụ chuông ngân vẳng trước mành
Chợt tỉnh bồi hồi, trời sắp sáng
Trêu nhau đến cả ngọn đèn xanh!
 
10
Xanh ngắt đèn xanh, tủi khóc thầm
Hại nhau vì cái nghĩa tri âm
Thơ văn thuở trước thôi đành lỡ
Thương nhớ giờ đây trót đã lầm!
Một chữ khuyên tròn, mười chữ hận
Mười bài khép lệch, một bài câm!
Đã không quấn quít bên nhau được
Sao nỡ làm anh phải khổ tâm
Tương Đàm
 
Đọc xong 10 bài thơ, Thi Hoàng thảng thốt kêu lên:
 
Hẹn chưa, thề thốt cũng chưa
Trắng trong hai kẻ từ xưa đến giờ
Yêu nhau hay chỉ yêu thơ?
Bạc đầu lòng thật không ngờ vẫn đau!
   (Trăng và Thơ – Thi Hoàng)
 
Thì ra, tình yêu của Tương Đàm dành cho Thi Hoàng là “Đường Một Chiều”! Còn Thi Hoàng xem Tương Đàm chỉ là bạn Thơ.
 
Thi Hoàng tên thật Hoàng Sĩ Trinh, sanh năm 1920, tại làng Hà Thượng, Thanh Hóa, Bắc Việt. Sau Hiệp Định Genève 1954, Hoàng Sĩ Trinh theo “tàu há mồm” vào Nam. Khi ấy, Hoàng Sĩ Trinh đã ngoài Ba mươi tuổi. Có lẽ, do muốn tạo dựng cho bản thân một lý lịch trong sáng ở miền đất mới. Hoàng Sĩ Trinh trở thành Phạm Xuân Ninh.
 
Trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nơi có đất và môi trường dụng võ để mọi tài năng thi thố, ông Phạm Xuân Ninh như cá gặp nước, có cơ hội thể hiện, phát triển tài năng của mình và được ưu ái trọng dụng.
 
Trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa ông mang quân hàm Trung Tá, rồi trở thành Giám Đốc Đài Phát Thanh Quốc Gia Sàigòn, ông là người soạn thảo Lý Thuyết Chiến Tranh Chánh trị. Phục vụ tại Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị, Chủ nhiệm/Chủ bút nhật báo Tiền Tuyến và viết cho các nhật báo Ngôn Luận, Tự Do,.. là Giám khảo Giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc, bộ môn Thơ, do Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa tổ chức. Ông là hội viên Văn Bút Việt Nam.
 
Thi Hoàng là một bút danh ít người biết của Nhà thơ đại tài, có năng khiếu về thơ trào lộng, có khả năng ứng khẩu thành thơ, có nhiều bút hiệu. Viết văn xuôi ông dùng Tiểu Nhã, thơ châm biếm, thơ “đâm họng”, dùng Đông Phương Sóc. Còn Thơ Đường luật và các thể loại thơ tình cảm khác ông dùng bút danh... (?) Riêng bút danh Thi Hoàng dường như ông chỉ dùng riêng cho một người: Tương Đàm.

Ông mất ngày 11 tháng 10 năm 2011. Hưởng đại thọ 91 tuổi.
 
Trong cái đại tang chung của những người quý trọng ông, trên trang Web của đài VOA, ngày 21-10-2011, Nguyễn Mạnh Trinh đã viết trong Một Vì Sao Vừa Tắt – Thi Sĩ... (trích):
 
“... Ông là chân dung của một nghệ sĩ đích thực. Của một ông đồ nho thấm nhuần truyền thống uyên áo của dân tộc. Của một nhà truyền thông lão luyện đã giữ những trọng trách suốt một thời gian dài. Của một chính khách có uy tín nhưng lại không chạy theo danh vọng. Của một người Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố lịch sử gần như suốt một thế kỷ và đời sống trôi theo nhịp thăng trầm của đất nước loạn ly. Và, của một thi sĩ, luôn nâng niu thi ca như một báu vật của trời và tầm mắt luôn hướng vọng về những chân trời của Đông Phương lãng mạn. Những chân dung rực rỡ và đa diện ấy chỉ là một phần trong tổng thể vóc dáng của nhà thơ...”(ngưng trích)
 
Lúc còn sinh tiền, một lần ông viếng Atlanta, Georgia, trong bữa tiệc chiêu đãi, tôi hỏi nhỏ ông: “Em nghe đồn anh có người yêu ở tuổi sáu mấy. Em nghĩ, anh gần chín chục rồi “còn làm ăn gì được” mà yêu đương để làm chi vậy anh?”
 
Ông cười đáp, “Ở lứa tuổi nào được người ta yêu mình và có người để mình yêu lại mà không thích hả anh?”
 
Tình yêu đáng yêu làm sao! Tình yêu luôn xinh đẹp như vườn hồng Oregon muôn sắc! Kẻ nào chẳng biết yêu coi như hoang phí cuộc đời (cười).
 
Về nhân cách và thi tài, Phạm Xuân Ninh là một trong số ít người tôi tôn quý nhất. Ông là ai? Xin thưa, Ông, người được giới viết lách phong hàm “Chưởng môn” - Cụ chính là Nhà thơ Hà Thượng Nhân.
 
Atlanta, June 12, 2015
Thái Quốc Mưu
  Trở lại chuyên mục của : Thái Quốc Mưu