(Giới thiệu)
Xuân Và Chữ “HỶ”
Tác giả: Cố soạn giả A LÝ PHƯỢNG TUYỀN
Đôi dòng về tác giả:
Cố soạn giả cổ nhạc A-Lý Phượng Tuyền, tức văn thi sĩ Dạ Ngân Châu tên thật Thái Quốc Thế Nguyên. Ông là con trai Út (thứ 10), trong số 11 người con của Ông Bà Nhà Báo, Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông (Tờ Hoa Văn Á Châu Nhật Báo) cùng Bà Võ Thị Sáu. Ngoài phụ thân của ông, A-Lý Phượng Tuyền còn có 3 người anh sống bằng nghề cầm bút: Nhà báo, Văn thi sĩ Liêu Tiên Sinh (Thái Quốc Mưu, thứ Bảy), Văn thi sĩ Quốc Phong (Thái Quốc Phong, thứ Chín), Văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế, thứ Mười).
ALý Phượng Tuyền rất nổi danh trong làng Cổ Nhạc. Nhưng, trên lãnh vực văn thơ, tên tuổi Dạ Ngân Châu, Thái Quốc Thế Nguyên của ông còn khiêm nhường.
Ông mất để lại cho đời gần 300 tác phẩm Vọng Cổ và mươi “Chặp” cải lương. Với, gần 50 bằng khen của các Tỉnh, Thành. Soạn gả Viễn Châu, nhận định: “ALý Phượng Tuyền sinh bất phùng thời”. Ngoài ra, Alý Phượng Tuyền còn là Đồng Giám Khảo với Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ trong các cuộc thi Cổ Nhạc khắp các Tỉnh Thành trong Nam.
ALý Phượng Tuyền sanh ngày 01-01-1949, tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho. Ông mất tại Xã Bàu hàm, Trảng Bom, lúc 21:45, ngày 23-12-2017 (nhằm ngày 6-11 năm Đinh Dậu). Thọ 69 tuổi. (Theo Kho Tàng Vọng Cổ Việt Nam)
***
Những ngày cuối Đông, trời se lạnh về với cỏ cây, vạn vật,… Sau mùa Giáng Sinh là mùa cưới. Và, cái“mùa” dành cho hạnh phúc lứa đôi nầy như trăm hoa đua nở ở khắp mọi nơi, từ thành thi đến thôn quê… Đám cưới gần như có mặt khắp mọi nơi, đi đâu cũng gặp đám cưới. Đi đâu cũng thấy cô dâu, chú rể dìu nhau bước lên xe hoa. Có lẽ vì vậy, mà dân gian mới có câu: “Cưới vợ ăn Tết!”
Ngày cưới là ngày vui, là ngày hết sức thiêng liêng của một đời người. Chữ VUI - từ Hán-Việt gọi là HỶ. Vì vậy cho nên trong các thiệp mời đám cưới. Thiệp cưới (hoặc ngay cả bì thư) nào cũng có in hai chữ HỶ sát vào nhau. Đọc là SONG HỶ.
Thường, các bạn trẻ hay diễn đạt bằng suy nghĩ hiện thực hoá vấn đề. Ngày cưới - ngày vui của chú rể cô dâu, SONG HỶ đó là ngày vui, ngày hạnh phúc của hai người.
Thực tế, ý nghĩ đó chưa hoàn toàn đúng. Tuy gọi là SONG HỶ, nhưng niềm vui trọn vẹn duy nhất chỉ có với một người mà thôi. Và, người đó không ai khác hơn chú rể. Tại sao lại có chuyện nghịch thường trên? Để dẫn chứng, người viết xin trích:
- “Thời nhà Minh bên Tàu, có chàng thư sinh tên Phương Minh Thu (có người cho rằng truyền thguyết nầy nói về Vương An Thạch), lên đường lai kinh ứng thí. Khi đến thành Tô Châu, có một nhà phú hộ nọ dán câu đối trước nhà kén rể. Phương Minh Thu tò mò đến xem. Thấy câu đối:
- Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ”
(Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân).
Suy nghĩ mãi, mà không tìm ra vế để đối lại. Sau khi đọc thuộc lòng câu đối, chàng thư sinh Phương Minh Thu tiếp tục lên đường.
Không ngờ, đến phần thi vấn đáp quan chủ khảo nhìn ra sân, thấy trên cột cờ có lá cờ thêu hình con hổ đang bay phất phới, ông liền ra vế câu đối cho các thí sinh:
- Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân (Hổ bay theo cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuốn, hổ ẩn mình).
Thế là anh chàng thư sinh Phương Minh Thu khỏi cần phải suy nghĩ, liền lên tiếng ứng khẩu nói ngay câu đối, mà trước đây chàng đã học thuộc lòng, dán trước nhà ông bá hộ: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã dinh tề”. Nhờ vậy. Phương Minh Thu đổ Tiến Sĩ kỳ thi đó.
Trên đường trở lại quê nhà, khi đi ngang nhà ông phú hộ Phương Minh Thu thấy câu đối vẫn còn nguyên, vì chưa có một ai đối được. Chàng xin gặp chủ nhân và đọc liền ngay vế câu đối của quan chủ khảo kỳ thi:
- Phi hổ kỳ, kỳ hổ phi, kỳ quyên hổ tàng
Trong đêm động phòng hoa chúc, chàng thư sinh Phương Minh Thu thấy mình quá may mắn, thấy hồn mình bay bổng hẳn lên. Nhờ một câu đối không phải do mình nghĩ ra, vừa được ghi tên vào bảng vàng, lại vừa có cả cô vợ đẹp. Tiện tay, chàng viết hai chữ HỶ dính liền nhau dán trước cửa buồng. Bởi vì, vừa được làm quan, vừa có vợ đẹp, mà, điều đó không phải từ ở năng lực của mình. Việc may mắn rủ nhau đến liên tiếp là điều hiếm có. Thử hỏi, còn gì vui sướng cho bằng!
Trong trận mưa gió chiếc thuyền lạc thú đang bồng bềnh. Chàng họ Phương, bỗng ngồi dậy, lấy bút mực ra, viết câu:
- Vận may đối đáp thành SONG HỶ / Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng.
SONG HỶ - Nghĩa là hai niềm vui. Có lẽ vì vậy mà các “tài tử, giai nhân” thời bấy giờ “ngộ nhận”, cho đó là niềm vui của đôi uyên ương khi bước vào hạnh phúc hôn nhân, nên, mới lấy “biểu tượng” SONG HỶ dành cho ngày vui trọng đại của cuộc đời mình.
Theo điển tích trên thì hai từ SONG HỶ có nghĩa là, vừa đậu Trạng Nguyên, vừa được hiền, giàu có…
Về sau, người ta dùng hai chữ SONG HỶ, để chỉ nguồn vui của Cô Dâu, Chú Rể… Và, luôn cả hai họ đàng traii đàng gái.
Giả như, nếu như không có điển tích trên… có lẽ ngày vui của Tân Lang và Tân Giai Nhân có thể được gọi là (ngày) ĐẠI HỶ (Niềm vui lớn lao) của hai người! Cũng hay!
***
Xuân về, Tết đến ai cũng mong muốn cho mình có được niềm vui. Thành ra, vì vậy, khi gặp nhau trong ba ngày Tết, đa số người Hoa thường nói câu: “Cung Hỷ! Cung Hỷ! Đại Cung Hỷ! Nghĩa là Chúc vui! Chúc mừng! Chúc mọi sự đều tốt lành.
Trong nghệ thuật sân khấu cải lương cũng có chữ HỶ, nằm trong thành ngữ Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục. Nghĩa là Mừng, Giận, Thương, Ghét, Buồn, Vui. Muốn.
Cái HỶ trong các tuồng cải lương đó là đất diễn của các vai Hề để chọc cười khán giả. Ngoài ra, còn có từ HỶ XẢ . Nghĩa là, Vui vẻ, (xin) Bỏ qua! Bỏ qua!
Trong ba ngày Tết, nếu chúng ta đều đem cái HỶ cho mọi người, thì bản thân mình cũng phần nào được an vui!
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN
(Thái Quốc Thế Nguyên)