THÁI QUỐC MƯU

8 Ngày Ở TRUNG QUỐC  
 (Bài gởi đăng lại, sau khi bổ sung)
 
* Sơ lược Địa Lý, Lịch sử Trung Quốc:
 
Lãnh thổ Trung Quốc trải dài trên 50 vĩ tuyến từ Bắc xuống Nam. Bao phủ cả vùng xích đạo, vùng nhiệt đới, ôn đới và hàn đới. Từ Đông sang Tây, quốc gia nầy bao trùm 62 kinh tuyến, rất nhiều núi rừng, cao nguyên, thảo nguyên, sa mạc, đồng bằng...
 
Nằm ở hướng Đông Nam châu Á, Trung Quốc có diện tích 9.6 triệu cây số vuông - nhỏ hơn Canada, lớn hơn Hoa Kỳ, có đường biên giới trên 20.000 cây số, chung với Việt Nam, Lào, Miến Điện, Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Tajikistan, Kyrgyz Stan, Kazakhastan, Nga, Mông Cổ và Bắc Triều Tiên, có bờ biển dài 18.000 cây số. Và, Trung Quốc là một trong những quốc gia có chiều dài lịch sử lâu nhất thế giới.
 
Chữ viết cổ của Trung Quốc được cải biến và hiện nay đang sử dụng, có trên 4006 năm. Là một quốc gia có những nền văn minh gần 3.600 năm.
 
Trong khi huyền thuyết phương Tây cho rằng “Thượng Đế tạo ra Trời Đất và con người.”  thì ở Trung Quốc, theo Lão Tử nói “Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật. Một đó là Thái cực, Hai đó là Âm Dương, Ba đó là Tam Thiên Vị (Ba ngôi: Thái cực, Dương và Âm). Âm và Dương thâu nhận Sanh quang từ ngôi Thái cực, rồi vừa xung đột vừa hòa hiệp, để tạo thành trời đất, vũ trụ và vạn vật. Cho nên theo ông, trong vạn vật đều có Âm Dương: Vạn vật đều có cõng một Âm và bồng một Dương.”
   
Còn theo cổ thư của Trung Quốc thì mô tả: “Âm dương đại biểu cho hai dạng vật chất tồn tại phổ biến trong vũ trụ, một dạng có dương tính, tích cực, nhiệt liệt, cứng cỏi và một dạng có âm tính, tiêu cực, lạnh nhạt, nhu nhược... Hai thế lực âm và dương tác động lẫn nhau tạo nên tất cả vũ trụ.”
   
Ngày nay khoa học đã chứng minh những huyền thuyết đó, chỉ là cách nghĩ của những con người ở thời kì đồ đá thô sơ mà ra.
   
Ở Trung Quốc, các nhà khảo cổ học, đã tìm thấy những con người hóa thạch cách đây trên 3 triệu năm. Đó là chứng tích có thể chứng minh, Trung Quốc từng là một trong những cái nôi của loài người. Và, Trung Quốc có ông Bành Tổ sống đến 800 năm. (?)
 
Lãnh thổ Trung Quốc rộng bao la nên có rất nhiều sắc tộc. Trong đó có có 50 sắc tộc lớn. Mỗi sắc tộc lớn có vài chục sắc tộc nhỏ, tính ra có trên 800 sắc tộc. Mỗi sắc tộc có nền văn hóa, tập quán, ăn uống, ngôn ngữ… khác nhau và không có chữ riêng.
 
Chỉ riêng tỉnh Quảng Đông có diện tích gần 200 ngàn cây số vuông, trên 120 triệu người cư trú và khoảng 50 triệu người lưu trú. Ngôn ngữ Quảng Đông là chính. Bên cạnh đó, rất nhiều người còn sử dụng các ngôn ngữ của sắc tộc riêng như Triều Châu, Thiều Châu, Lôi Châu, Khách Gia,… ngoài ra còn có ngôn ngữ của các sắc tộc Choang, Dao, H’Mông,… Về tổ chức hành chánh: Tỉnh Quảng Đông có 21 Khu, 121 Huyện, 1.462 Xã. Thủ Phủ là đại đô thị Quảng Châu. Trung tâm kinh tế là Thẩm Quyến.
 
Trước khi lập quốc, để sinh tồn, những sắc tộc ấy sống từng bầy, từng đàn vừa để chia xẻ thức ăn vừa để bảo vệ lẫn nhau. Nhìn về một vài góc cạnh, sự kết hợp nhau để chung sống là điều tốt, nhưng chính nó đã gây và tạo ra nhiều mâu thuẩn, tranh giành giữa bầy, đàn nầy với bầy, đàn khác. Chiến tranh xảy ra.
 
Thuở ấy, Nghiêu là người hiền, lãnh đạo đàn, bầy hay hơn tất cả, đứng ra kết hợp các bầy, đàn lại và làm Vua. Khi Vua Nghiêu già, yếu không truyền ngôi cho con mà truyền ngôi lại cho người hiền khác đó là Thuấn. Vua Thuấn truyền ngôi cho Vua Vũ. Lịch sử gọi xã hội thời ấy là “Xã hội hòa thuận”.
 
Đến khi Nhà Hạ lập quốc thì cái “lệ” truyền hiền bị phá vỡ.
 
* Nhà Hạ:
 
Lập quốc từ thế kỷ 21 đến thế kỷ 16 trước Công nguyên. Truyền 17 đời vua, kéo dài 400 năm. 16 đời vua trước là những vị minh quân, lấy nhân nghĩa trị dân. Đến khi vua Kiệt lên ngôi, Kiệt là một hôn quân, đam mê tửu sắc, bị Thành Thang đánh đổ lập nên Nhà Thương.
 
* Nhà Thương:
 
Sau khi lật đổ Nhà Hạ, Vua Thành Thang lên ngôi, lập thành Nhà Thương từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 11 trước Công nguyên. Nhà Thương trị vì được 600 năm, với 31 đời vua.
 
Vua Thành Thang thấy được nhược điểm của Vua Kiệt, đổi chính sách cai trị, lấy lòng nhân mà đãi dân chúng và nổ lực chiêu hiền đãi sĩ, nhiều nhân tài tìm đến. Thời đó, Vua Thành Thang xây dựng được nền kinh tế lớn mạnh cho con cháu nhiều đời sau.
 
Vua sau cùng của Nhà Thương là Trụ Vương là một tên hôn quân bạo chúa, đam mê nhan sắc Đắc Kỷ, giết hại trung thần. Chu Võ Vương hưng binh phạt Trụ, lập thành Nhà Chu.
 
* Nhà Chu:
 
Nhà Chu, từ thế kỷ 11 đến năm 711 trước Công nguyên. Sau khi diệt Trụ, Chu Võ Vương đóng đô ở đất Cảo, thuộc tỉnh Thiểm Tây, vì vậy, các nhà sử học gọi là Nhà Tây Chu.
 
Nhà Tây Chu trị vì gần 800 năm, đến đời U vương thì mất nước. U vương là một ông vua tuy không bạo tàn như vua Trụ, nhưng say mê gái đẹp, đốt phong hỏa đài gạt chư hầu đổi lấy nụ cười nàng Bao Tự, nên bị mất nước vào tay quân Khuyển Nhung.
Sau đó, Bình Vương, cháu nhiều đời của Chu Vũ Vương, kết hợp một số quần thần cũ, lập nên Nhà Đông Chu, đóng đô ở Lạc Dương, nhưng triều đình thoái hóa, hoàng đế chỉ còn là hư vị, chư hầu thao túng, loạn lạc triền miên, gây ra thời Xuân Thu Chiến Quốc.
 
* Thời Xuân Thu Chiến Quốc.
 
Thời nầy lại chia ra làm hai giai đoạn:
 
      - Xuân Thu từ năm 770 đến 476 trước Công nguyên.
      - Chiến Quốc, từ năm 476 đến 221 trước Công nguyên.
 
* Thời Xuân Thu:
 
Các sử gia gọi thời Xuân Thu là lấy theo tên một cuốn sách của Khổng Tử. Thời ấy, Trung Quốc bị cắt chia ra thành nhiều mảnh vụn, với 150 nước. Trong đó, các nước lớn là Tề (Tề Hoàn Công); Tống (Tống Tương Công; Tấn (Tấn Văn Công; Tần (Tần Mục Công, Sở (Sở Trang Vương) sách sử gọi năm nước đó là Ngũ Cường, còn gọi năm vị vua đó là Ngũ Bá.
 
Các nước lớn, nhỏ, thường đem binh chinh phạt nhau làm cho Trung Quốc thời kỳ đó vô cùng hỗn loạn, dân tình đảo điên, khổ sở. Mãi đến năm 579 và năm 546 trước Công nguyên, Tấn với Sở ký hòa ước, hoàn bình mới tạm thời vãn hồi vùng Trung Nguyên.
 
Sau đó, hai nước Ngô, Việt nổi dậy giành quyền thống trị Trung Nguyên. Ban đầu nước Ngô đánh bại nước Việt. Việt Câu Tiển, tin dùng Phạm Lãi, dùng mỹ nhân kế, đưa nàng Tây Thi sang Ngô. Nhà Ngô không nghe lời của Ngũ Tử Tư, bị sụp đổ.
 
Theo sách sử, thời Xuân Thu có 36 vị vua bị giết và 52 nước chư hầu bị xóa sổ.
 
* Thời Chiến Quốc:
 
Cuộc chiến thời Xuân Thu kéo dài, cuối cùng còn lại bảy nước mạnh nhất: Tề, Sở, Yên, Hán, Triệu, Ngụy và Tần. Thời đó, gọi bảy nước đó là Thất Hùng.
 
Bảy nước đó, mở mang bờ cõi bằng cách gây chiến tranh, cấu xé lẫn nhau và xâm chiếm rồi sát nhập các nước yếu hơn vào nước mình để thống trị.
 
Nước Tần ở hướng Tây, diệt 12 nước khác, sát nhập vào lãnh thổ Tần. Năm 256 trước Công nguyên, nước Tần lật đổ Nhà Đông Chu.
 
Năm 221 trước Công nguyên, nước Tần dẹp 6 nước còn lại, thống nhất Trung Quốc, lập nên Nhà Tần.
 
* Nhà Tần:
 
Sau khi lập đổ Nhà Đông Chu, kết thúc thời Chiến Quốc. Thống nhất giang san, Tần Thủy Hoàng bãi bỏ và cải cách chính sách cai trị. Quyền bính đều về trung ương, mở thành trang sử mới “trung ương tập quyền” đầu tiên ở Trung Quốc.
 
Tuy thời gian cai trị chỉ có 15 năm (từ 221 đến 206 trức Công nguyên), nhưng Nhà Tần đã để lại nhiều sách lược quốc gia ảnh hưởng lớn lao và các triều đại sau nầy vẫn noi theo.
 
Để bảo vệ biên giới phía Bắc, Nhà Tần cho xây Vạn Lý Trường Thành. Một dãy trường thành cách nay đã trên 2.200 năm, vẫn còn sừng sững, trơ gan cùng mây gió.  
   
Khi lên ngôi, Tần Thủy Hoàng mới 13 tuổi, chịu áp lực của Tể Tướng Nhiếp Chính Lã Bất Vĩ, nhưng Tần Thủy Hoàng rất thông minh, am tường chính trị, đến 22 tuổi vị vua nầy nắm chặt quyền bính trong tay, trở thành nhà chính trị đại tài.
 
Tần Thủy Hoàng chia Trung Quốc thành 36 quận, đứng đầu quận là một quan Thái Thú, tất cả những cơ sở từ địa phương đến quận đều chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền Trung Ương. Ngoài ra còn sửa đổi thống nhất đơn vị đo lường và chữ viết. Ông khuyến khích dân xuống phương nam khai hoang lập nghiệp...
 
Khi xây Vạn Lý Trường Thành, Tần Thủy Hoàng cưỡng bức hàng triệu người đến để làm dân phu, đa số thành phần đó là quan quân chiến bại của 18 nước vừa mất. Vì vậy gây phẫn nộ trong giới nầy không ít, vì thế nó ảnh hưởng đến đế chế Nhà Tần. Bọn sĩ phu 18 nước ấy xúi giục dân chúng nổi dậy. Nhân cơ hội, Lưu Bang khởi nghĩa, lật đổ Nhà Tần lập Nhà Hán.
    
* Nhà Hán:
 
Sau bốn năm giao tranh ác liệt với Hạng Võ (từ 198 đến 202 trước Công nguyên), Lưu Bang chiến thắng. Bốn năm sau nữa dẹp xong các phần tử đối nghịch (202-206). Lưu Bang lên ngôi lập nên Nhà Hán. Đế hiệu là Cao Tổ. Và, Nhà Hán trị vì Trung Quốc đến năm 24 sau Công nguyên. Sử sách gọi thời kỳ nầy là Nhà Tây Hán.
 
Trong thời gian trị vì Trung Quốc, Lưu Bang rút ưu khuyết điểm của Nhà Tần mà kiện toàn quốc sách. Về mặt chính trị, đáng chú ý nhất là ban hành đạo luật giải phóng nô lệ, giảm bớt sự phụ thuộc của nông dân vào thương nhân, loại bỏ những sự rườm rà từ luật pháp Nhà Tần để kiện toàn luật pháp Nhà Hán. Kêu gọi quân lính giải ngũ về quê và cấp nhà cửa ruộng vườn cho họ sinh sống.
 
Khuyết điểm của Lưu Bang là ban phát nhiều lãnh địa tự trị cho họ hàng và các tướng lãnh. Vì vậy, về sau mới có cuộc “Nổi loạn của Bảy Vương Quốc”. Thời may, Hán Đế dẹp tan loạn nầy.
Vũ Đế, nối nghiệp Cao Tổ, mở rộng bờ cõi, đồng thời chinh phạt, đánh tan giặc ngoại xâm. Khi đánh đuổi quân Hung Nô ra khỏi biên giới, đẩy chúng đến tận sa mạc Gobi phía Bắc.
 
Vũ Đế là người sáng lập ra “Con Đường Tơ Lụa”, để chuyển hàng hóa hai chiều Đông - Tây và ngược lại. Nhờ con đường tơ lụa nầy mà hai dòng tư tưởng Đông - Âu gặp nhau.
 
Những năm cuối của Nhà Tây Hán, nhiều vị hoàng đế còn thiếu niên đã ngồi trên ngai vàng, quyền thế lọt vào tay các nhiếp chính. Vì thế, xảy ra nạn quần thần tranh giành quyền lực, vương quyền bắt đầu suy sụp. Các cuộc nổi dậy chống Nhà Hán tràn ngập khắp Trung Nguyên. Đến năm thứ 8, sau Công nguyên, Vương Mãng - một người có họ hàng với hoàng hậu, đứng lên xưng vương. Năm 23, (sau Công nguyên) Vương Mãng bị quân nổi loạn giết chết. Năm 25 sau Công nguyên, Lưu Tú là cháu nhiều đời của Hán Cao Tổ, đứng lên kêu gọi con cháu quần thần còn trung thành với Hán Đế và nông dân nổi dậy, lập ra nhà Đông Hán.
 
* Nhà Đông Hán:
   
Sau khi lên ngôi, Lưu Tú đóng đô ở Lạc Dương, nổ lực cải tổ nền cai trị, nhưng gặp thời không may, hạn hán xảy ra nhiều nơi, người dân trở nên đói khổ, Lưu Tú tận lực giải quyết bằng cách miễn và hạ mức thuế xuống mức tối đa, tiếp tục thi hành luật giải phóng nô lệ, giảm bớt quyền lực của thái giám và đào kinh dẫn nước, khuyến học, chẳng bao lâu nền kinh tế phục hồi.
 
Ngoài ra, qua “con đường tơ lụa” Lưu Tú đã phát triển ngoại giao với 50 nước phương Tây. Tiếp nhận nền khoa học, kỹ thuật mới. Thời ấy, Trung Quốc đã biết gây mê trong phẫu thuật, giấy đã sản xuất theo công nghệ. Hồi giáo, Phật Giáo cũng theo con đường tơ lụa xâm nhập Trung Quốc. Trong 32 năm trị vì, Lưu Tú đã làm cho Trung Quốc trở nên cường thịnh.
 
Cuối thời Đông Hán, “giặc” Khăn Vàng và nông dân nhiều nơi nổi dậy. Trong khi ở phương Bắc, Tào Phi (con Tào Tháo) lại xưng vương nhà Ngụy. Trung Quốc lâm vao tình trạng phân chia.
    
* Thời Tam Quốc:
    
Năm 220 (sau Tây lịch), Tào Phi xưng Đế ở phương Bắc. Năm 221, Lưu Bị xưng Đế ở đất Thục. Đến năm 229 thì Tôn Quyền xưng đế ở nước Ngô. Thế là, Trung Quốc bị chia cắt làm ba vùng cai trị khác nhau. Sử sách gọi đó là “Thời Tam Quốc”.
   
Sau khi Tào Tháo thua trận Xích Bích (do Lưu Bị và Tôn Quyền hợp lại đánh), kéo quân thẳng về phương Bắc mở mang nông trại cho quân dân, xóa bỏ quyền lực của các đại điền chủ, của hoàng tộc và những đặc quyền của thái giám, tận dụng nhân tài... Tào Tháo thật sự là một nhà chính trị đại tài. Nhưng sử sách Nhà Hán gọi Tào Tháo là gian hùng, bởi vì, quan Ngự Sử là người hưởng lộc của triều Hán. Hiện nay, các nhà sử học Trung Quốc đang nghiên cứu và viết lại thực chất của Tào Tháo trong lịch sử Hán Triều. Khi Tào Tháo mất, Tào Phi tiếm quyền xưng đế.
   
Trong khi ở Thục Hán Lưu Bị cũng cố gắng xây dựng đất nước và kết hợp tốt với nhiều dân tộc thiểu số, thì ở  Đông Ngô, Tôn Quyền phát triển mạnh nghề biển.
   
Năm 263 nước Ngụy đánh tan nước Thục Hán, Nhà Thục Hán chỉ tồn tại 42 năm, với hai đời vua. Năm 265, quan trọng thần của Ngụy là Tư Mã Viêm lật đổ nước Ngụy xong, đánh chiếm luôn nước Ngô (năm 280) lập thành Nhà Tấn. Thời Tam Quốc cáo chung.
 
* Nhà Tấn:
    
Sau khi đánh tan Ngụy và Ngô (nước Thục đã bị Ngụy thôn tính trước rồi) Nhà Tấn đóng đô ở Lạc Dương. Sử sách gọi là Nhà Tây Tấn.
   
Nhà Tây Tấn chỉ tồn tại có 51 năm (từ năm 265 - đến năm 316, sau Tây lịch), đây là một triều đại rất nhiều hỗn loạn. Những xung đột giữa các dân tộc và giữa bọn quan lại càng ngày càng dữ dội. Ở trung ương họ ganh đua của cải; tranh nhau cách xa hoa. Trong cung đình bọn quan lại tha hồ tranh nhau về quyền lực, chia phe cánh. Cuộc chiến tranh “không đổ máu” nầy kéo dài 16 năm, làm suy sụp kinh tế, xã hội và ngay cả vương quyền.
 
Trong khi bọn quan lại địa phương đa số là lũ thất học, bọn bất nhân gặp thời, ỹ thế cậy quyền hiếp đáp, cướp bóc tài sản, đất đai của người dân bán cho ngoại nhân để thủ lợi riêng tư, khiến cho người người căm phẫn chực chờ thời cơ nổi dậy.
   
Trong khi bên ngoài, năm 308 “rợ” Hung Nô tự xưng là con cháu nhà Hán, hưng binh đánh chiếm Lạc Dương. Những người trốn thoát, chạy đến Tràng An, lập ra vua mới. Năm 316, quân Hung Nô lại tràn ngập Tràng An, chấm dứt nhà Tây Tấn.
   
Nhà Tây Tấn có 4 vì vua, trị vì 51 năm.
    
* Nhà Đông Tấn:
    
Sau khi Tây Tấn tan rã, một số hoàng thân quốc thích và cựu thần cũ chạy về phía Đông sông Dương Tử. Một người trong hoàng tộc xưng đế (năm 317) lập nên Nhà Đông Tấn. Chọn Kiên Khang làm Kinh Đô.
 
Những kẻ có công giúp dựng nên nhà Đông Tấn là những người có đặc quyền đặc lợi, nhưng họ xuất thân từ những vùng khác nhau, nên việc tranh chấp quyền bính, thế lực vô cùng hiểm ác. Họ trừ khử lẫn nhau.
 
Những cuộc nổi loạn bên ngoài tràn ngập, nhưng không được chính quyền quan tâm. Những bộ tộc đấu đá nhau tranh giành từng mảnh đất đai, không ai giải quyết.
 
Khi tướng Lưu Du dẹp yên các cuộc nổi loạn, bèn giết vua, tự xưng vương, lập nên Nhà Tống.
 
Nhà Đông Tấn có 10 đời vua, trị vì được 103 năm thì mất về tay Lưu Du.
 
Bấy giờ, Trung Quốc bước vào thời kỳ phân chia mới, kéo dài suốt 272 năm.
    
* Nam Bắc Triều:
    
Sau đời Tấn, Trung Quốc hoàn toàn bị phân rã. Hai cực Nam, Bắc có nhiều thể chế khác nhau. Từ năm 420 đến năm 589, lịch sử đất nước nầy, Trung Quốc đã chứng kiến nhiều cuộc hưng thịnh, suy tàn nhiều nhất.
 
Ở phương Nam trong vòng 160 năm có bốn nước kế tục nhau là Tống, Tề, Lương và Trần. Bốn nước nầy đều lấy Nam Kinh làm Thủ Đô, nên sử sách gọi chung là Nam Triều.
   
Trong 160 năm ấy, những vì vua của các nước trên thực sự có quyền lực trong khi các nhà phú hào, quý tộc lần hồi bị diệt vong. Những nhà học giả, trí thức có đất dụng võ. Họ được trọng dụng.
   
Trên phương Bắc, Hoàng Đế Bắc Ngụy thống nhất vùng sông Hoàng Hà (năm 439), lập ra Bắc Triều.
   
Người Bắc Triều thuộc giòng giống Thát Bạt, nhưng rất yêu chuộng văn hóa Hán. Các vị vua Bắc triều lại khuyến khích dân chúng nên ăn mặc theo người Hán, lấy vợ gã chồng cho người Hán, đồng thời cũng cất nhắc người Hán làm quan trong triều. Vô hình trung, người Thát Bạt bị Hán hóa lúc nào không hay.
   
Năm 581, tướng Dương Kiên ép vua Ngụy nhường ngôi, lập nên nhà Tùy.
    
* Nhà Tùy:
    
Dương Kiên lên làm vua, xưng là Văn Đế, năm 581 và dời đô về Lạc Dương. Sau khi lên ngôi, Văn Đế liền quyết tâm thống nhất đất nước, nổ lực kiện toàn quân bị, năm 589 đánh bại nước Trần phương Nam, thống nhất Nam, Bắc. Khi lên ngôi, Văn Đế bỏ tất cả các đặc quyền đặc lợi của hàng quý tộc và hoàng thân quốc thích, xóa khoảng cách giữa kẻ giàu người nghèo, cắt đất đai người giàu cho bần nông theo tỷ lệ số người trong nhà, đồng thời mở và kiện toàn khoa thi cử, chọn người hiền đức ra giúp nước. Hệ thống thi cử của Nhà Tùy tồn tại suốt 1.300 năm sau.
   
Thời kỳ nầy, Phật Giáo phát triển mạnh mẽ, những vị Đại Sư kiến thức uyên bác, đạo hạnh sâu rộng xuất phát nhiều nơi ở Trung Nguyên.
   
Đáng tiếc, đến đời Dạng Đế, vì ăn chơi sa đọa, loạn lạc nổi lên, đến năm 618 Dạng Đế bị Lý Uyên, kẻ tùy tùng thân tính giết chết.
   
Nhà Tùy chỉ tồn tại có 38 năm với 2 đời vua. Đây là một trong những triều đại ngắn nhất Trung Quốc.
    
*  Nhà Đường:
    
Nhà Đường là một đế quốc hùng mạnh, giàu có, phát triển nhất chẳng những trong lịch sử Trung Quốc mà cả trên thế giới vào thời kỳ đó. Ảnh hưởng Nhà Đường trải rộng đến các lục địa Âu, Á và châu Phi. Tràng An trở thành Trung Tâm Văn Hóa Đông - Tây.
   
Về phương diện Văn Hóa, Văn Học đã đưa triều đại nầy vượt lên cao hơn tất cả các triều đại trước.
   
Nhà vua tước quyền cai trị thị tộc của các địa phương. Hệ thống thi cử được hoàn thiện, việc thi cử được mở rộng tạo điều kiện cho mọi tầng lớp đều có cơ hội tham gia thi cử...
   
Bộ Luật Nhà Đường được hoàn chỉnh năm 624. Đây là Bộ luật hoàn chỉnh đầu tiên của Trung Quốc.
   
Đến đời vua Chiêu Tôn, vì không biết cai trị, triều chính bị nhiễu loạn, kinh tế suy sụp. Toàn Trung sai bộ hạ giết Chiêu Tôn rồi lập Ai Đế làm vua. Sau đó, Toàn Trung ép Ai Đế nhường ngôi cho mình. Lập nên Nhà Hậu Lương.
   
Nhà Đường trị vì được 290 năm (từ năm 618 đến năm 907). Bị mất về tay Toàn Trung.
    
* Thời kỳ Ngũ Đại và Thập Quốc:
    
Sau khi đế quốc Nhà Đường sụp đổ, Trung Quốc thêm một lần nữa bị chia năm, xẻ bảy. Ở Miền Bắc có năm nước nhỏ, gồm: Hậu Lương (907-923); Hậu Đường (923-936); Hậu Tấn (936-946); Hậu Hán (947-950) và Hậu Chu (951-960). Mỗi nước chỉ cai trị một thời gian ngắn ngủi.
   
Trong khi ở phương Nam chia thành 10 nước, gồm: Ngô, Nam Đường, Ngô Việt, Mân, Nam hán, Nam Bình, Tiền Thục, Hậu Thục và Bắc Hán.
 
So với các nước phương Bắc, những nước phương Nam tình hình chung được ổn định hơn nhiều.
   
Trong tất cả các nước ở hai cực, nước Ngô Việt cai trị lâu nhất, 85 năm.
   
Sách sử gọi đó là thời kỳ Ngũ Đại và Thập Quốc.
   
Trong suốt 53 năm (từ năm 907 đến năm 960) ấy, Trung Quốc lâm vào cảnh hoàn toàn suy sụp. 
 
Từ năm 955, Phật giáo ở phía Bắc rất lớn mạnh, nhiều thanh niên vào chùa để trốn lính (giống như thời kỳ trước 4/75, thanh niên trốn quân dịch, dưới sự bao che của các linh mục ở xứ đạo, các nhà sư ở chùa (!). Vì thế, chính quyền quyết định thế tục hóa trên 30 ngàn ngôi chùa. Đẩy bọn trọc đầu gian trá ra đi...
   
Đến năm 960, tướng Triệu Khuông Dẫn tiến hành cuộc bạo loạn, lên ngôi vua, xưng là Tống Thái Tổ. Khai nguyên nhà Tống.
    
* Nhà Tống:
    
Nhà Tống lần lượt đẹp tan thời Ngũ Đại và Thập Quốc.
   
Trên mọi phương diện, Nhà Tống được người dân Trung Quốc xếp ngang hàng hoặc vượt cao hơn hai triều đại Nhà Hán và Nhà Đường.
   
Trên ba trăm năm thống trị Trung Quốc, Nhà Tống, vào thời kỳ đó, đã đưa đất nước nầy lên tột đỉnh vinh quang. Tất cả mọi lãnh vực kinh tế, kỹ thuật, khoa học, trí thức, nghệ thuật... đều thi nhau tiến hành tốt đẹp.
   
Thời kỳ nầy, các sử gia so sánh giống như thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu.
    
* Bắc Tống:
    
Triệu Khuông Dẫn lên ngôi, đóng đô ở Biện Kinh. Với nhiều kinh nghiệm chiến trường vị vua nầy nổ lực tổ chức một quân đội “không có và không thể đảo chánh”. Giới lãnh đạo binh nghiệp, là những người chịu kiểm soát chặt chẽ từ trung ương. Nhà vua nổ lực cải tổ hệ thống hành chánh, tuyển dụng quan lại và tổ chức thi cử chọn nhân tài. Thay thế giới lãnh đạo quân sự từ hàng quý tộc, chuyển sang những người có thực tài, nhờ đó đất nước được ổn định và phát huy được nhiều mặt trong nhiều năm.
   
Từ năm 1086 về sau bất đầu có sự suy thoái do sự bất đồng ở tầng lớp quan lại cùng với các cuộc nổi dậy của nông dân.
   
Trong khi đó, ba nước đối nghịch với Tống là Liêu, Kim và Tây Hạ luôn đe dọa và xâm phạm biên cương. Đến năm 1126 quân Kim bao vây rồi chiếm Biện Kinh. Năm 1127 vua Tống bị hạ bệ. Kết thúc triều Bắc Tống. Nhà Bắc Tống lập quốc từ năm 960 đến năm 1127 thì mất nước. Trị vì được 167 năm.
    
* Nhà Nam Tống:
    
Khi quân Kim bắt vua Khâm Tôn và gia quyến về Kim. Cao Tôn trốn xuống phương Nam tiếp tục triều đại Nhà Tống. Sử gọi là Nam Tống. Thực chất, triều Nam Tống không có quyền lực, luôn bất ổn và chỉ kiểm soát được vùng phía Nam sông Dương Tử. Cao Tôn là ông vua nhu nhược, phá vỡ mọi nổ lực cải tổ và tấn công của Tể Tướng Lý Cương. Trong khi đó, ở phía Bắc Trung Quốc, ba nước Mông Cổ, Kim và Tây Hạ luôn thù địch, đấu đá nhau khốc liệt.
   
Khi quân Kim tràn xuống phía Nam sông Dương Tử, Cao Tôn phải nghị hòa, chấp nhận triều cống.
   
Chẳng bao lâu, quân Mông Cổ đánh bại quân Kim, sau cùng chiếm hẳn nước Kim. Vua Mông Cổ bắt đầu ghé mắt đến Nhà Tống. Năm 1276, Mông Cổ chiếm được Lâm An. Kết thúc Tống trào.
    
* Nhà Nguyên:
    
Sau khi thôn tính Nhà Tống, Hốt Tất Liệt lên ngôi Hoàng Đế, nhưng ông ta không phải là người chính trị giỏi, nên việc cai trị vẫn theo đường lối chính trị của các nhà vua Trung Quốc.
 
Trong thời gian 1340 đến 1350, chính trị Nhà Nguyên bất ổn. quần thần chia rẽ trầm trọng, loạn lạc dấy lên, thiên tai hoành hành. Những tay buôn lậu và nông dân do Chu Nguyên Chương cầm đầu đứng lên lật đổ Nhà Nguyên. Vua cuối cùng Nhà Nguyên tháo chạy về Mông Cổ, trong khi quan chức và dân Mông Cổ vẫn ở lại Trung Hoa, dần dần bị đồng hóa thành dân tộc Hán.
   
Nhà Nguyên xâm chiếm và trị vì Trung Quốc được 89 năm (từ năm 1279 đến năm 1368), với 11 đời vua.
 
* Nhà Minh:
 
Sau khi lật đổ Nhà Nguyên, Chu Nguyên Chương lên ngôi, ban đầu đóng đô ở Nam Kinh, sau di dời sang Bắc Kinh. Đây là triều đại cuối cùng người Trung Quốc tự cai quản đất nước mình.
 
Vào thế kỷ thứ 15, Nhà Minh đạt được đỉnh cao quyền lực: chiếm Mông Cổ, chinh phục Mãn Châu, cai quản Tây Tạng. Triều Minh cũng là một trong các triều đại thịnh vượng nhất Trung Quốc. 
 
Để ngăn giặc Bắc phương, Nhà Minh cho sửa chữa và xây dựng hoàn tất Vạn Lý Trường Thành đã bị dở dang từ các triều đại trước.
   
Năm 1644, Lý Tự Thành nổi dậy chiếm Bắc Kinh. Khi ông còn đang thương lượng với tướng Nhà Minh là Ngô Tam Quế, thì tên nầy rước quân Mãn Châu vào. Kết thúc Nhà Minh.
   
Triều đại Nhà Minh có 16 đời vua, trị vì được 276 năm (từ năm 1368 đến năm 1644
    
* Nhà Thanh:
    
Nhà Thanh vốn tộc Mãn Châu từng được người Nữ Chân xây dựng và tuyên bố là Hậu Kim Triều năm 1616 tại Mãn Châu, năm 1636, đổi tên thành "Thanh", và mở rộng vào lục địa Đông Á và các lãnh thổ xung quanh, lập nên Đại Thanh Quốc. Bao gồm các quốc gia: Trung Quốc (1644-1659), Đài Loan (1683), Mông Cổ (1691), Tây Tạng (1751), Tân Cương (1759)
   
Đại Thanh thống trị Trung Quốc từ năm 1644 đến năm 1911 (268 năm). Đây là triều đại phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc. Sau khi lật đổ Nhà Minh, vua Thanh cho thi hành chính sách trả lại đất đai, ruộng vườn cho dân, đồng thời giảm tất cả các loại thuế khóa. Nhờ đó, nền kinh tế nông thôn Trung Quốc phát triển nhanh chóng.
   
Trong các vì Vua Thanh cai trị Trung Quốc, đều nổi tiếng tài ba lỗi lạc. Đặc biệt, Càn Long là vị vua chăm lo cho dân nhất.
 
Khi Khang Hy còn tại vị đã có ý khuyên Thanh Thế Tông Ung Chính (con trai Khang Hy) về sau nên trao ngôi cho Hoằng Lịch (弘曆). Sau khi tức vị, Hoằng Lịch, xưng vương hiệu là Thanh Cao Tông (清高宗), dùng niên hiệu là Càn Long (乾隆), vì vậy được quần thần tôn là Càn Long Đế (乾隆帝).
 
Nhưng…
 
Theo truyền thuyết dân gian thì Càn Long là con của Trần Thế Quán, thường gọi là Trần Các Lão, quê ở Hải Ninh, Chiết Giang. Quán là một viên quan người Hán có quan hệ thân thiết với Ung Thân Vương Dận Chân (Hoàng tử Ung Chính, sau là Hoàng đế Thanh Thế Tông).
 
Khi vương phi Ung Thân Vương Dận Chân hạ sinh một đứa con gái lại là lúc phu nhân Trần Thế Quán hạ sinh một đứa con trai. Nghe tin ấy, Ung Thân Vương liền truyền Trần Thế Quán cho người đem đứa trẻ mới sanh sang phủ Ung Thân Vương để ông ta xem mặt. Lâu sau, đứa trẻ được trả về, bỗng nhiên trở thành… con gái. Trong khi có tin đồn thổi vương phi Ung Thân Vương Dận Chân vừa hạ sanh vương tử và đang rầm rộ tổ chức ăn mừng.
 
Trần Thế Quán biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng sợ vương quyền, bèn cáo lão từ quan về ở ẩn tại quê nhà thuộc Hải Ninh Thị (thị xã Hải Ninh), tỉnh Chiết Giang (浙江).
 
Hệ văn học sử chính của Trung Quốc không chấp nhận truyền thuyết nầy.
 
(Xin nói thêm: Hải Ninh Thị cách Hàng Châu khoảng 62 cây số và, cách Thượng Hải 125 cây số. Diện tích trên 731 cây số vuông, dân số 640.000 người. Có 4 nhai đạo, 8 trấn.
 
Nhai đạo là danh xưng trong cơ cấu hành chánh tương đương như Khu Phố lớn (không phải Khu ở dưới cấp Thôn, Ấp)
 
Trong các triều đại ở Trung Quốc, chỉ có vua Càn Long chăm lo đời sống người dân đến mức những dũng sĩ trong phong trào “Phù Minh, diệt Thanh” khi nhận lệnh ám sát Càn Long đã vào đến cung điện nghe huấn dụ của Càn Long phải hết lòng cứu đói, cứu lụt lội,… lại trở ra đành phải buông kiếm thốt lên: “Ông vua nào cũng là vua, tại sao ta phải giết hại một ông vua hết lòng chăm sóc lo lắng cho dân ta?”
   
Những vị vua cuối cùng của Nhà Thanh bất tài, kiêu ngạo và bạo ngược vì thế năm 1911 Bác sĩ Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) làm cuộc cách mạng, lật đổ Nhà Thanh. Nhà Thanh cai trị Trung Quốc 268 năm với 10 đời vua.
   
* Nước Cộng Hòa Trung Quốc. (từ năm 1911 đến năm 1949) do Thống Chế Tưởng Giới Thạch cầm đầu trong cương vị Tổng Thống.
   
Năm 1950 (?) Tưởng Giới Thạch bị Mao Trạch Đông đánh bại phải chạy sang đảo Đài Loan.
   
Sau khi chiếm lĩnh Trung Quốc, Mao Trạch Đông đổi quốc hiệu thành Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, gọi tắt là Trung Quốc. Áp đặt chế độ cai trị hà khắc lên tộc Hán từ ấy đến nay.
   
Như vậy, người khai sáng ra Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là Mao Trạch Đông. Nhưng, hiện nay người dân ở Trung Quốc, xếp hạng những nhà lãnh đạo đất nước họ như sau:
      
- Thứ nhất: Quốc phụ Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên)
- Thứ hai: Đặng Tiểu Bình
- Thứ ba: (không nhớ)
Và thứ tư:
- Mao Trạch Đông.
   
Thế mới biết, bất cứ người lãnh đạo nào đem đến cho người dân cuộc sống ấm no, sang giàu, người đó sẽ được nhân dân tôn thờ. Ở Trung Quốc Đặng Tiểu Bình làm được điều đó. Còn ở Việt Nam - Ai đây?
    
* Du Lịch:
 
Thông thường, tùy theo tuyến đường, nhưng đa số các tuyến du lịch đến Trung Quốc thường được đưa đến tham quan các nơi: Quảng trường Thiên An Môn, Tử Cấm Thành, Tây Hồ, Tô Châu, Hàn Châu, Ngũ Dương Thành, Thượng Hải, Bắc Kinh, Vạn Lý Trường Thành, Miếu Nhạc Phi, Công ty Tơ Lụa, Tống Thành, Viện Ngọc Trai, Viện Phong Thủy Quốc Gia, tháp truyền hình Đông Dương Minh Châu, Thái Y Viện, du thuyền trên sông Hoàng Phố, Hàn San Tự, Phố Nam Kinh, Bắc Kinh Lộ, Chùa Phật Ngọc, Trà Long Tĩnh ở Mai Thôn Trang, Thập Tam Lăng, v.v...
    
- Tử Cấm Thành, gọi tắt là Cấm Thành, cho đến ngày nay, Cấm Thành vẩn còn là một bảo tàng cung điện lớn nhất và hoàn hảo nhất ở Trung Quốc.
   
Triều đại Nhà Minh xây dựng cung điện nầy từ năm 1406, phải mất 14 năm mới hoàn thành. Tất cả 24 đời vua cùng hoàng tộc Nhà Minh đều cư ngụ nơi đây. Đến năm 1911, Phổ Nghi, vị vua cuối cùng Nhà Minh bị buộc thoái vị, họ mới rời khỏi nơi đó.
   
Năm 1987 UNESCO (United Nations Educational, Scientific, and Cultural Organi- zation (Cơ Quan Văn Hóa và Giáo Dục Liên Hiệp Quốc) công nhận Tử Cấm Thành là Di Sản Văn Hóa Thế Giới.
   
Cấm Thành có dạng hình chữ Nhật (日), từ Bắc xuống Nam dài 960 mét, ngang từ Đông sang Tây 750 mét. Bên trong có 9.999 (chín ngàn, chín trăm, chín mươi chín) phòng, tổng diện tích mái nhà 150.000 mét vuông. 
   
Bên ngoài đào một hào rộng 52 mét, gần sát đó là một bức tường cao 9.9 mét bao quanh. Cấm Thành có 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Ở 4 góc thành có 4 tháp canh hình bát giác.  
   
Để hoàn thành công trình vĩ đại trên. Nhà Minh phải sử dụng 230.000 thợ thủ công và 1 triệu người lao động trong 14 năm.  
   
Đá cẩm thạch dùng xây dựng trong Cấm Thành được lấy từ ngoại ô Bắc Kinh. Loại đá năm màu được khai thác từ Hà Bắc. Gạch lót được nung từ những lò gạnh nổi tiếng ở miền Nam Trung Quốc.
   
Gạch đỏ và màu đỏ tươi dùng xây tường lấy từ tỉnh Sơn Đông. Gỗ quý lấy ở Tứ Xuyên, Quảng Tây, Quý Châu, Hồ Nam và Vân Nam.
   
- Ngọ Môn Quan còn gọi là Ngũ Phụng Lầu ở phía Nam - Tác giả thấy cần mở ngoặc ở đây để nói thêm, vì sao công chính (Ngọ Môn Quan) đặt ở phương Nam?
   
Bởi, Bắc - Nam là hai cực đối diện, phương Bắc nằm ở trên, phương Nam nằm phía dưới. Theo quan niệm của người Trung Quốc, Thiên Tử (Con Trời) được Thượng Đế ủy thác xuống trần gian chăn trị muôn dân. Do đó, chỗ ngồi của Hoàng Đế được đặt cao hơn tất cả mọi nơi (tức là phương Bắc) và ngai vàng của Nhà Vua, khi ngồi luôn quay mặt về hướng Nam (nơi thấp nhất) để dễ dàng cai trị.
   
Trong gia đình người Trung Quốc xưa (hiện nay vẫn còn), nơi bàn ăn (hay bất cứ chỗ nào hội tụ đông người) gia chủ (hay tộc trưởng) luôn luôn ngồi ở đầu bàn, mặt nhìn về hướng Nam, kẻ ngồi đối diện với gia chủ hay tộc trưởng, mặt quay về hướng Bắc là người có vai vế thấp nhất.
   
Lịch sử nước ta, những vị vua thần phục và chịu triều cống Trung Quốc, khi nhận được chỉ dụ của Hoàng Đế Trung Hoa, bắt buộc phải quay mặt về hướng Bắc, quỳ xuống lạy ba lạy, rồi ngửa hai bàn tay, nâng cao lên khỏi đầu mới nhận chiếu chỉ. 
   
Cấm Thành được chia làm hai, nội điện và ngoại điện. Bên ngoài Ngọ Môn Quan, mỗi bên có đặt tượng một con sư tử bằng đồng, biểu tượng uy quyền bất tận và phẩm giá vô nhị của Nhà Vua.
   
Tượng con sư tử ở mé đông đang “hí cầu” (chơi bóng) là đực. Quả bóng tròn tượng trưng cho toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ.
   
Tượng sư tử đối diện bên kia là con cái, dưới chân nó có chú sư tử con, tượng trưng cho việc vĩnh viễn kế thừa ngôi báu.
   
Hiện nay, dù trong chế độ công sản, nhưng tất cả những cơ quan công quyền ở Trung Quốc trước cửa đều có đặt một hay hai tượng sư tử to lớn. Và, xem đó là biểu tượng quốc gia. Người Việt chúng ta, thường hay bắt chước, thấy thế cứ mua (hay thỉnh) tượng sư tử đem về đặt trong hay trước cổng nhà. 
   
Trên thực tế đó là điều không nên. Vì, theo lý giải của Viện Nghiên Cứu Phong Thủy Quốc Gia Trung Quốc, từ lâu người Trung Quốc xem 4 linh vật tượng trưng cho uy quyền và nghề nghiệp là:
   
1. Rồng, là biểu tượng của Bậc Quân Vương, được thiết trí trong cung đình hoặc đồ dùng của Vua, Chúa.
   
2. Sư Tử biểu tượng của Quốc Gia, nên được đặt ngay cửa chính ở tất cả các nơi cơ quan chính quyền.
   
3. Kỳ Lân, biểu tượng của uy quyền công lý, hiện nay vẫn được đặt ngay cửa chính ở tất cả các Tòa Án. 
   
4. Kỳ Hươu, biểu tượng của may mắn, thành công và hạnh phúc được đặt ở trước cửa những cơ sở thương mại, tư gia, v.v...
   
Khi du lịch Trung Quốc, chỉ cần thấy các linh vật ấy đặt ở đâu, là ta sẽ biết ngay ở đó là cơ quan công lực, tòa án hay cơ sở thương mại.
   
Những ai đặt sư tử ở nhà là không đúng, vì theo lý giải của Viện Phong Thủy Quốc Gia Trung Quốc, Sư Tử là chúa sơn lâm, là con vật cao hơn tất cả các loài vật khác, nếu đặt tượng sư tử trong nhà, gia chủ sẽ bị trấn áp, đè bẹp không thể vươn lên được. Chỉ có Quốc Gia mới có đủ uy lực để chế ngự Sư Tử, vì người lãnh đạo quốc gia là Long Thể (mình Rồng), là Thiên Tử (con Trời), thứ bậc cao hơn Sư Tử.
   
- Kỳ Lân là linh vật biểu hiện của công bằng, uy quyền của luật pháp, không nên đặt ở nhà, vì nghề thương mại là tìm tư lợi, không thể đòi hỏi công bằng... đặt Kỳ Lân ở nhà thì ngành nghề sẽ không phát triển.
   
- Kỳ Hươu, biểu tượng của ngành nghề thương mại, sự may mắn, hạnh phúc và thành công, rất thích hợp cho các ngành nghề, sản xuất, thương mại.  
   
Cho đến bay giờ, người Trung Quốc vẫn đặt Kỳ Hươu trong nhà hay trước cửa cửa hiệu thương mại của mình. Và, họ cho rằng, khi đến trước tượng Kỳ Hươu vừa cầu nguyện vừa vuốt tượng Kỳ Hươu mọi sự sẽ được như ý. 
   
Phong Thủy là một vấn đề hết sức huyền bí, mọi bí ẩn về phong thủy cho đến nay vẫn còn là một ẩn số. Có điều, cho dù hiện nay nước Cộng Hòa Nhân Nhân Trung Quốc là một quốc gia Cộng sản thứ thiệt, chẳng những người dân mà ngay cả chính quyền cũng tuyệt đối tin tưởng và nâng nó lên tầm vóc quốc gia. Nếu phong thủy chỉ là một thứ dị đoan, huyền hoặc, mơ hồ thì làm thế nào nó chinh phục được các cấp lãnh đạo Cộng Sản và qua mặt được các nhà khoa học Trung Quốc? (Xin nói thêm, những ai đã từng đến Seoul, thủ đô Hàn Quốc, sẽ không khỏi ngạc nhiên, vì sao các nhà lãnh đạo đất nước nầy không làm việc ở cố cung mà xây dựng dinh thự ở đối diện bên kia đường? Vì, theo phong thủy, phía sau cố cung không có chỗ dựa, khó thể bền vững lâu dài; còn mặt trước bị ngăn trở bởi núi non thì không thể phát triển. Dinh thự mới thì xây dựng ngược lại, phía sau dựa vào núi lấy thế đứng, chỗ dựa bền vững, phía trước thoáng, bằng, thuận lợi cho sự phát triển. Rất hợp với phong thủy. Khi mua nhà, những người hiểu biết ít nhiều về phong thủy thường chọn nhà ở phía sau có núi, đồi hay ít ra sân sau phai bằng phẳng, không chúi xuống. Phía trước, sân nhà cần hơi có độ cao để tiến lên). 
   
Tất cả những kiến trúc trong Tử Cấm Thành đều có hai màu chính. Tường màu đỏ, tía, mái màu vàng. Tạo nên sự tương phản mạnh mẽ, hài hòa, dễ bắt mắt. Và nó còn tượng trưng cho uy quyền và sự giàu sang của đế chế.
   
Ở Trung Quốc (và trước kia, ở Việt Nam ta) màu vàng tượng trưng cho quyền lực đế vương. Vì, theo thuyết ngũ hành, màu vàng tượng trưng cho đất, chiếm vị trí trung tâm là biểu tượng của chính quyền trung ương. Màu đỏ, biểu hiệu của tôn nghiêm, may mắn, tốt lành tượng trưng cho long trọng và hạnh phúc.
    
* Vạn Lý Trường Thành: Vạn Lý Trường Thành, cách Bắc Kinh 75km về hướng Tây Bắc, được xây dựng vào thời Chiến Quốc (từ năm 476 đến năm 221 trước Công nguyên), đây là những đoạn tường chiến lược được xây dựng từng đoạn dọc theo biên giới phía Bắc bởi những quốc gia thời đó. Đến năm 221 trước Công nguyên, sau khi lên ngôi Tần Thủy Hoàng quyết định nối kết các đoạn tường ấy thành một dãy dài.
 
Vào thế kỷ thứ 16 Nhà Minh tiếp tục hoàn thành từ đèo Thượng Hải đến tỉnh Tân Cương, tổng cộng chiều dài trên 6.700 cây số. Điểm cao nhất thuộc vùng Balading cao 800 mét so với mặt biển.
   
Sử liệu cho biết, trên một triệu người, tức khoảng 1/5 dân số Trung Hoa thời đó, đã bị xung công làm việc trên mười năm mới hoàn thành bức tường ấy.
   
Có lẽ Vạn Lý Trường Thành là bức tường chiến lược cổ nhất, dài nhất trên thế giới và cho đến nay nó vẫn còn tồn tại từng phần ở nhiều nơi.
   
Theo thời gian, thiên nhiên xóa mờ dấu vết những đoạn tường thành đã hoặc chưa tìm thấy được. Khi viếng Vạn Lý Trường Thành, chúng ta chỉ thấy được một phần nhỏ bức tường do Nhà Minh xây dựng. Những đoạn tường nầy ở gần Bắc Kinh, cao khoảng 6 - 7 mét, xây bằng những tảng đá lớn và những viên gạch lớn được kết dính bằng đất và đá hòn. Trong khi, hầu hết những đoạn tường khác chỉ xây dựng bằng đất với đá hòn (người viết chưa tra cứu được Đá Hòn là chất gì? Phải chăng đó là những hòn đá trứng, tròn tròn, nhỏ, rắn chắc, na ná như hột mít không?
   
Suốt chiều dài ở các điểm cao của bức tường đều có xây cất tháp hiệu ở hai bên tường. Khi thấy kẻ thù xuất hiện, quân canh, gác liền đốt lửa hiệu báo động.
   
Mặt tường rộng từ 4 đến 5 mét đủ để cho năm con ngựa chạy ngang nhau. Dọc theo tường đều có hệ thống phòng ngự, các pháo đài, lỗ châu mai đều xây dựng bằng gạch.
   
Vạn Lý Trường Thành được xây dựng theo hình thể thiên nhiên, nó chạy qua núi, khe, đồi và các dốc đứng thẳng. Nhiều khối đá dài cả 2 mét, nặng cả tấn cũng được đưa lên bằng sức người, ngựa, dê hoặc bằng sức các thú vật khác. Số lượng gạch đá để xây Vạn Lý Trường Thành, người ta ước tính có thể xây một bức tường quanh trái đất dày 1 mét, cao 5 mét (?).
   
Đoạn tường gần Bắc Kinh dài 629 cây số, trong đó có khoảng 100 cây số là nơi còn tốt nhất, một vài chỗ ở đoạn tường nầy đã được tái thiết hồi năm 1949.
 
Ngoài ra, đoạn tường thành Bát Đạt Lãnh ở huyện Hoài Nhu cách Bắc Kinh 79 km là nơi du khách thường đến nhất. Đoạn tường thành quanh Bắc Kinh được xây dựng khoảng 1.400 năm về trước. Phân đọan tường thành vùng Bát Đạt Lãnh được Nhà Minh (1368 - 1644) xây dựng lại và hoàn tất vào thế kỷ thứ 15.
   
Đoạn tường Simatai, cách Bắc Kinh 110 cây số, dài 19 cây số, có tất cả 135 vọng gác. Đây là nơi tham quan rất ngoạn mục, khi nhìn nó như con rắn khổng lồ uốn khúc lên đỉnh núi rồi vụt trườn mình xuống vực sâu. Tháp gác Wangjinglou trên sườn núi cao 986 mét, đó là đỉnh Simatai cũng là chỗ nguy hiểm nhất. Muốn đến vọng gác Wangjinglou, du khách  phải đi trên một cầu vượt, ngang chưa đến 1 mét, không có tay vịn, phía dưới vực sâu 500 mét. Cho đến nay, ít có người dám đặt chân lên tháp.
   
Đoạn tường thành Gubeilou dài 21 cây số, nằm ở phía Đông cách trung tâm thành phố Bắc Kinh 128 cây số. Đoạn tường nầy bắt đầu xây dựng năm 1368, đến năm 1567 Nhà Minh nối dài, mở rộng thêm. Hiện nay nó vẫn còn giữ vẽ đẹp nguy nga, ngoại trừ một vài nơi bị pháo binh Nhật phá hủy trong cuộc chiến năm 1937 - 1945, đoạn tường thành nầy vẫn đứng hiên ngang trên các đỉnh núi với độ cao từ 400 đến 900 mét. Mặt thành của đoạn tường thành rộng hẹp khác nhau, có nơi 5 con ngựa có thể chay ngang nhau và chỗ hẹp nhất chỉ một người lách qua.
 
Từ tháng 7 năm 1984 đến tháng 9 năm 1986, những nhà tài trợ trong và ngoài nước Trung Quốc đã đóng góp được 2.7 triệu dollars để sửa chữa lại Vạn Lý Trường Thành. Chính quyền Trung Quốc khắc tên những nhà tài trợ chính trên bia đặt tại Bát Đạt Lãnh và Mutianyu.
    
* Thiên Đàn: Thiên Đàn là nơi đặt bàn thờ riêng của các vị vua Nhà Minh và Nhà Thanh. Chẳng biết từ thuở nào và chẳng biết phát xuất từ đâu, các vua chúa Nhà Minh và Nhà Thanh bắt buộc phải đặt bàn thờ tại kinh đô để phụng thờ Thượng Đế và cầu nguyện cho quốc thái dân an, mùa màng xinh tốt.
 
Năm 1420, vua Nhà Minh cho xây Thiên Đàn ở phía Nam thành phố Bắc Kinh. Toàn bộ cấu trúc nầy có 273 mẫu tây.
   
Hình thể của công trình to lớn nầy thể hiện Trời Đất. Phần phía bắc có hình tròn, phía Nam hình vuông. Một bức tường tròn bên trong, được bao bọc bởi một bức tường vuông bên ngoài.
   
Mỗi tầng có 9 bậc tam cấp. Giữa mỗi tầng có một hòn đá tròn được bao quanh  bằng chín vòng đá đồng tâm. Số viên đá vòng thứ nhất là 9, vòng thứ hai 18, vòng thứ ba 27, và... cứ thế cộng thêm 9 viên đá cho mỗi vòng kế tiếp, đến vòng thứ 9 có 81 viên đá. Cả lan can cũng có những vòng đá theo bội số như thế.
 
Theo cách suy luận của người Trung Quốc cổ, Trời mang số lẻ, thuộc về dương, Đất mang số chẵn, thuộc về âm. Số 9 là số lớn nhất của Trời mà con người có thể đạt đến được. Ngoài ra, số chín còn biểu hiệu cho thành công, may mắn. Cho nên, Trời có chín tầng mây; ngai vàng vua ngồi có 9 bậc, gọi là cửu trùng...
   
Kho Nhà Trời là một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị ở Trung Quốc. Tất cả mái nhà, xà, rầm,... đều làm bằng gạch, ngói tráng men. Nơi đây chứa tất cả các đồ dùng để cúng, tế lễ.
   
Ngoài việc kiến trúc rất độc đáo, sắc sảo còn có hai hệ thống âm thanh khác thường: Tường Phản Âm và Đá Tam Âm.
   
Với tường Phản Âm trong Kho Nhà Trời, chỉ cần một tiếng nói thật nhỏ ở bất cứ điểm nào gần tường, thì người ở bên kia bức tường ở cách xa 50 mét vẫn nghe rõ được.
   
Đá Tam Âm đặt trước những bậc tam cấp ra khỏi tòa nhà. Khi ta đứng trên hòn đá thứ nhất lên tiếng hoặc vỗ tay, âm thanh sẽ phản hồi lại một lần. Nếu đứng ở hòn đá thứ hai mà làm như vậy thì âm thanh phản hồi hai lần, nếu cũng làm như thế ở hòn đá thứ ba, âm thanh sẽ dội lại ba lần. 
   
Trong khuôn viên Thiên Đàn có khoảng 60 ngàn cây bách, trong đó có 40 ngàn cây trên 100 tuổi. Có những cây bách đã trên 500 tuổi, thân cành to lớn xoắn lại như hình chín con rồng, nên gọi là Bách Cửu Long.
   
Bên trong Thiên Đàn có sảnh đường Cầu Mùa Màng. Sảnh nầy xây trên nền đá cao 1.5 mét. Cao 38 mét, hình nón. Bên trong trần nhà được trang trí các linh vật rồng, phượng rất tinh vi, nhưng, không có rầm nhà, không hề có một cây đinh hoặc xi-măng.  Để chống đỡ công trình, toàn bộ kiến trúc có 28 cây cột bằng gỗ lớn. Trong đó, 4 cây cột tượng trưng cho 4 mùa. Ngoài ra, còn có hai vòng cột nhỏ, mỗi vòng 12 cây, sơn màu đỏ. Vòng thứ nhất tượng trưng cho 12 tháng trong năm, vòng thứ hai tượng trưng cho 12 giờ trong ngày. Tổng số cột là 28, tượng trưng cho 28 chòm sao trong vũ trụ (cách suy luận của người Trung Quốc thời ấy: “28 chòm sao tạo nên bầu trời” - Ngày nay khoa học chứng minh cách suy luận nầy hoàn toàn sai, chẳng khác gì sự sai lầm từ cách suy luận của một vài tôn giáo).
    
* Viện Bảo Tàng Quân Đội Nhà Tần: Năm 1974, một nhóm nông dân đào giếng, gần lăng tẩm Nhà Tần, tình cờ họ phát hiện được những mảnh tượng chiến binh. Sau đó, các nhà khảo cổ học cho khai quật, đã tìm thấy hàng ngàn chiến binh, chiến mã.
 
Số tượng quân nhân trên được tìm thấy trong ba hầm liên tiếp. Hầm 1 có 6 ngàn quan, binh và chiến xa, hầm 2 có 1.400 kỵ binh, trong đó có một số bộ binh và 90 chiến xa. Hầm thứ ba có 70 tượng.
 
* Tây Hồ: Đó là một cái hồ rộng 6 cây số vuông với chu vi 15 km. Hồ được những ngọn đồi bao bọc ba phía. Đây là một nơi nổi tiếng và thu hút du khách nhiều nhất ở Hàng Châu.
   
Theo truyền thuyết Trung Hoa, hồ là một viên ngọc từ trên Trời rơi xuống, trong thực tế, đó là một cái vịnh được hình thành sau nhiều ngàn năm biến đổi bởi thiên nhiên. Mười ngàn năm trước diện tích hồ lớn hơn bây giờ rất nhiều, sau nầy do bùn đất, phù sa lấp dần hồ bị thu hẹp lại.
   
Nét đẹp Tây Hồ là sức quyến rũ của nó ở bốn mùa trong năm, qua mọi thời điểm trong ngày và qua từng thời tiết khác nhau. 
   
Tây Hồ có 10 điểm đẹp nhất, trong đó có hai nơi vượt trội hơn cả, đó là Bình Minh Mùa Xuân và Thưởng Ngư Trên Hoa Cảng.
   
- Bình Minh Mùa Xuân, được xây dựng dọc theo bờ hồ năm 1089, đó là những hàng đào, liễu và những bãi cỏ chạy dài 2.5 cây số. Khi những tiếng chuông chùa lanh lảnh vang lên trong nắng sớm, dưới chiều tà hòa trong gió thoảng đong đưa cành liễu, trông chẳng khác gì bức tranh thủy mạc thần kỳ.
   
- Thưởng Ngư Trên Hoa Cảng, cảnh nầy nằm phía Tây ở cầu số 5 và cầu số 6. Nơi đó những tòa nhà xây từ thời Nhà Tống bao quanh một bể nước nuôi cá chép vàng, quanh bờ trồng đầy các sắc hoa.
   
Chính Tây Hồ đã làm nên câu thành ngữ: “Trên Trời có Thiên Đàng dưới đất có Hàng Châu”
    
* Những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử  khác: Ngoài những thắng cảnh nổi tiếng lâu đời như đã kể trên, chúng tôi còn đến:
    
1. Ngũ Dương Thành: Là tượng NĂM CON DÊ được xây dựng trên một đồi cao để kỷ niệm một huyền thuyết: “Ngày xưa, thiên tai làm cho người dân Trung Quốc đói nghèo. Một hôm, nhà Vua thấy năm nàng tiên đem thóc xuống đổ đầy khắp đất nước Trung Hoa. Xong năm nàng tiên ấy biến thành năm Con Dê chạy vào rừng. Từ đó, nông dân rất được mùa màng. Nhớ ơn đó, Nhà vua cho xây dựng một tượng đài để kỷ niệm.”
 
2. Mộ Nhạc Phi
: Nhạc Phi là tướng trung thành của Nhà Tống, bị vợ chồng Tần Cối ám hại chết. Đời vua sau biết rõ chân tình, sai lập miếu thờ. Bên ngoài Miếu Nhạc Phi, có tượng hai vợ chồng Tần Cối đang quỳ và bị nhốt trong một vòng rào sắt nhỏ . Trước kia tượng hai tên gian thần nầy làm bằng xi-măng, bị khách du lịch đến tham quan dùng đá, sắt gõ vào đầu, tượng bị bể. Hiện nay tượng được đúc bằng sắt thép.
 
3. Hàn San Tự (寒山寺): Hàn San Tự là một ngôi chùa cổ, nhỏ ở sâu trong rừng rậm, nằm ở ngoại thành Cô Tô, phía tây của trấn Phong Kiều, Tô Châu, thuộc tỉnh Giang Tô. Chùa được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ VI, trong niên hiệu Thiên Giám (502-519) thời vua Lương Vũ Đế nhà Lương với tên gọi ban đầu là Diệu Lợi Phổ Minh Tháp viện.  
   
Trong loạn Thái Bình Thiên Quốc chùa bị phá hủy và được xây lại năm 1905. Đến khoảng niên hiệu Trinh Quán (627-649) thời Đường Thái Tông, tên gọi Hàn Sơn mới được đặt, nhằm tưởng nhớ đến nhà sư trụ trì nơi đây. Sau những thăng trầm, Hàn Sơn tự đã được các triều từ Tống tới Thanh gìn giữ, tu bổ cho đến ngày nay.
 
Hàn San Tự sẽ không được khách du lịch biết đến nhiều nếu không có bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế. 
   
Nhà thơ Trương Kế sống vào thời Nhà Đường, khi An Lộc Sơn khởi nghĩa, Trương Kế xuống thuyền lẫn tránh giặc giã, dong thuyền khắp nơi. Một hôm đến Cô Tô ông nằm một mình trên con thuyền nhỏ, với nỗi lòng người xa xứ, ông cảm tác bài Phong Kiều Dạ Bạc:
          楓 橋 夜 泊
          月 落 烏 啼 霜 滿 天 
          江 楓 魚 火 對 愁 眠
          姑 蘇 城 外 寒 山 寺
          夜 半 鐘 聲 到 客 船
                                (张 继)  
          Phong Kiều Dạ Bạc
          Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
          Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
          Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
          Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
                                                       (Trương Kế)   
Trong bài thơ trên đây, câu cuối làm cho nhiều người thắc mắc, cho rằng tác giả ép vận vì: “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” (nghĩa: nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San). Bởi, thông thường nhà chùa chỉ gióng chuông vào khi hoàng hôn và lúc trời hừng sáng, không bao giờ gióng chuông ở thời điểm nửa đêm. Từ đó, sinh ra điển tích. Khi Trương Kế hạ bút đề hai câu:
  
           Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
          Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
 
vừa làm xong hai câu nhà thơ hết tứ, bí vận.
   
Trong thời điểm đó, dưới ánh trang lưỡi liềm có một nhà sư, phía sau là một chú tiểu đang theo lối mòn lên núi, trong lúc đi đường, nhà sư cảm hứng, xuất khẩu
 
hai câu (người viết không nhớ tên tác giả và cũng không nhớ rõ bài thơ, do đó, có thể có sai lầm, xin bạn đọc miễn thứ):
 
          Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung,
          Bán tợ ngân câu bán tợ cung.
 
Vừa viết xong hai câu, nhà sư cũng bí tứ, đọc đi đọc lại hai câu thơ vừa sáng tác, đọc đến nỗi chú tiểu theo sau cũng thuộc làu. Đến Hàn San Tự, trong khi nhà sư lấy nghiên bút tìm tứ cho bài thơ dang dở, thì chú tiểu ra sau chùa, rửa chân ở hồ bán nguyệt. Chú tiểu thấy nửa vành trăng trên trời chiếu xuống lòng hồ nửa vầng trăng khác, cậu ta cảm hứng đọc:
 
          Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn.
          Bán trầm thu thủy bán trầm không
 
Thấy mình tự nhiên làm được hai câu thơ, chú tiểu khoái chí, vào chùa đứng sau lưng sư phụ. Chú thấy đã nửa đêm rồi mà thầy mình chẳng chịu vào trong an nghĩ, nên chú bèn lên tiếng đọc đại hai câu thơ chú vừa làm. Không ngờ, hai câu thơ ấy phối hợp với hai cây thơ của nhà sư trở thành bài thơ quá hay! Nhà sư bèn vỗ tay bôm bốp, nói to: “Hay! thật là hay! Có lẽ thi bá Lý Bạch giục khẫu đồ đệ nên đệ tử mới làm được hai câu thơ nầy!” - Nói xong, nhà sư đích thân chạy lên lầu gióng lên ba tiếng chuông tỏ lòng nhớ ơn Lý Bạch. 
   
Trong khi đó, Trương Kế đang bí vận, nằm lim dim ngủ, chợt nghe tiếng chuông từ Hàn San Tự vọng đến, ông vỗ tay la lên, “tứ đây rồi” bèn ngồi bật dậy cất bút viết tiếp hai câu sau:
 
          Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
          Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
 
Do điển tích trên bài thơ mới có tiếng chuông chùa gióng lên giữa  đêm. Có lẽ đây là câu chuyện góp vào để hình thành một giai thoại văn chương làm cho văn học Trung Hoa thêm phong phú!
   
Đến Hàn San Tự, du khách thường hay lên lầu chuông gióng chuông, bất kỳ người đó thuộc tôn giáo, quốc gia nào. Họ xem đó như là một kỷ niệm.
   
Theo lệ, mỗi người chỉ được gióng ba tiếng chuông để cầu Phúc, Lộc, Thọ. Nếu ta gióng 4 tiếng chuông, lập tức các nhà sư sẽ đem dao kéo lên mời xuống cạo đầu. Vì theo quy ước, gióng liên tiếp bốn tiếng chuông là dành để cho người xin thí phát quy y.
    
* Tống Thành: Đó là một công trình tân tạo kiến trúc theo mô hình thành Nhà Tống ngày xưa.
 
Vào viếng Tống Thành, chúng ta sẽ được chứng kiến những sinh hoạt: quán ăn, tiệm thuốc Bắc, chỗ làm đậu hủ, quan, quân mặc y phục Nhà Tống đi đi lại lại... Hoạt cảnh “Gieo cầu kén chồng” rất được du khách xem đông đảo.
   
Tối đến vào xem một chương trình ca vũ nhạc rất đặc sắc. Sân khấu di động là cả một công trình to lớn, những hàng ghế ngồi phía trước, thỉnh thoảng chạy dang ra hai bên rồi chạy trở về chỗ cũ, phía dưới sân khấu những diễn viên từ từ nhô cao, và từ phía trên từ từ đáp xuống, không phải một, hai mà hàng mấy chục người, hai bên cánh gà bỗng dang rộng ra làm sân khấu, diễn viên lơ lửng cùng khắp.
 
* Ngũ Châu: Ở Trung Quốc có 4 câu thành ngữ, để nói về cái nhất ở mỗi địa phương:
          - Ăn ở Quảng Châu
          - Chơi ở Tô Châu
          - Lấy vợ Hàng Châu
          - Uống ở Qúy Châu
          - Chết ở Liễu Châu 
 
- Quảng Châu thuộc là thủ phủ tỉnh Quảng Đông mà Quảng Đông là nơi nổi tiếng chế biến thức ăn ngon nhất chẳng những ở Trung Hoa mà ở khắp nơi. Không có thứ gì người Quảng Đông không thể chế biến thành món ăn ngon. Người Trung Quốc, có câu chuyện vui: “Giả sử bắt được một người từ hành tinh khác, thì ở Quảng Đông, người ta sẽ tìm cách nấu nướng, ở Bắc Kinh thì nghiên cứu, tìm tòi”. Đại để, câu nói nầy có nghĩa người Quảng Đông thứ nào có thể ăn được thì họ chẳng tha.
   
- Chơi ở Tô Châu, vì Tô Châu có nhiều thắng cảnh đẹp. 
   
- Lấy vợ Hàng Châu, vì gái Hàng Châu đẹp, dịu dàng và là quê hương của tứ đại mỹ nhân, là: Tây Thi. Thời Xuân Thu, khoảng thế kỷ 7-thế kỷ 6 TCN; Vương Chiêu Quân. Thời nhà Tây Hán, khoảng thế kỷ 1 TCN; Điêu Thuyền. Thời Tam Quốc, khoảng thế kỷ thứ 3; Dương Quý Phi. Thời nhà Đường, 719-756.
   
- Uống ở Quý Châu, vì ở đó có rượu Mao Đài rất nổi tiếng. Nhưng đó là quan niệm của thời xa xưa, vì khi dùng qua rượu Mao Đài, chúng tôi cảm thấy nó thua rất xa các loại rượu Tây hiện tại.
   
- Chết ở Liễu Châu, vì Liễu Châu có một loại gỗ làm quan tài rất tốt, chôn ngàn năm không mụt. Với quan niệm “Sống gởi, thác về”, người Trung Hoa rất quan tâm đến việc chôn cất của mình. Đến Liễu Châu, vào những nơi bán vật kỷ niệm, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi trông thấy những chiếc quan tài nhỏ, xinh xắn bày bán trong tủ kính.
 
* Viện Ngọc Trai: Đó là một nơi trưng bày tất cả các thứ ngọc trai, từ bé đến lớn. Khi vào đó, chúng ta sẽ được mời trà và được xem tận mắt mỗ trai lấy ngọc. Ông Giám Đốc viện khi cầm con trai lên định mỗ, nói: “Ai nói đúng trong nầy có mấy viên ngọc, tôi sẽ tặng viên lớn nhất cho người đó.” Đa số, một, hai, ba, năm viên... trong khi con trai ấy có 33 viên ngọc lớn nhỏ, sắp thành hai hàng, thẳng băng. Những ai muốn du lịch Trung Quốc, nên nhớ kỹ điều nầy để hy vọng được tặng viên ngọc trai.
    
* Thái Y Viện: Nguyên là nơi làm việc của các quan Ngự Y của các triều vua ngày trước. Bây giờ là nơi tập trung các Đông Y Sĩ nổi tiếng của Trung Quốc để nghiên cứu ngành Đông Y.
    
* Viện Nghiên Cứu Phong Thủy Quốc Gia: Nơi đây tập trung các nhà địa lý, phong thủy bậc thầy để nghiên cứu môn học kỳ bí nầy cho Nhà Nước để chính quyền đem ra áp dụng vào thực tế.
    
* Bắc Kinh Lộ: Tức là Đại Lộ Bắc Kinh, nơi đây khách du lịch sẽ thấy được sự sạch sẽ trên đường phố Trung Quốc như thế nào! Chẳng phải người ta biết giữ gìn sạch sẽ nơi công cộng mà do lao công quét dọn thường xuyên.
 
Lượng khách du lịch đến Bắc Kinh thật là khủng khiếp. Hãy làm con toán, chỉ tính ở Quảng Châu mỗi ngày có 16 chuyến xe lửa đến Bắc Kinh, mỗi chuyến 16 toa, mỗi toa 200 khách. Ngoài ra còn những chuyến bay và từ những nơi khác đến, Vì thế, đường phố lúc nào cũng nghẹt cả người.  
   
Nhân nói về Bắc Kinh, tác giả xin nói thêm, chúng ta thường nghe “Vịt quay Bắc Kinh” là món ăn ngon. Thực tế, chẳng có gì đặc biệt hơn vịt quay bán ở các chợ. Có điều, vịt quay Bắc Kinh người khi chiêu đãi, nhà hàng thái từng miếng mỏng để thực khách cuốn bánh tráng, chẳng khác gì ta cuốn bánh tráng với thịt heo, tôm, tép luộc hay thịt bò xào... 
   
Ngoài ra, còn đến Mai Thôn Trang để thưởng thức Trà Long Tĩnh, đến Xí nghiệp Tơ Tầm xem lụa và...
 
Cuối cùng xin thưa, khi đi du lịch Trung Quốc chỉ nên với mục đích duy nhất là “đi cho biết đó biết đây”. Tuyện đối, không nên mua bất cứ vật gì để làm kỷ niệm. Trong kinh doanh, dân Tàu có nhiều cách chiêu dụ khách du lịch rất bài bản và hấp dẫn. Nhẹ lòng mua về coi như “tiền mất, tật mang”, chắc chắn sẽ hối hận dài dài.
 
Bài viết nầy nhằm mục đích kể lại một cuộc hành trình với gợi ý cho những ai có cơ hội du lịch Trung Quốc nắm được một vài sự kiện để làm hành trang cho cuộc hành trình. Tuy nhiên, chắc chắn còn có rất nhiều thiếu sót.
 
Xin cảm thông.
Thái Quốc Mưu
______________  
 
Tham khảo:  
- Sử Ký Tư Mã Thiên 
- Tủ sách Khoa Học
- Website  http://www.gd.gov.cn/
- Bách Khoa Toàn Thư
- Tạp chí Kiến Thức
- Kho Tàng Kiến Thức

  Trở lại chuyên mục của : Thái Quốc Mưu