THÁI QUỐC MƯU

Biên Khảo
Nhân Vật TÀO THÁO

Năm 216, Tào Tháo lùi hẳn về Bắc củng cố thế lực rồi dâng biểu ép vua phải phong mình là Ngụy Vương để có danh chánh ngôn thuận, hầu đủ uy quyền trấn áp Đông Ngô. Có tướng hỏi sao ông "không lập quốc và xưng đế?”
 
Tào Tháo chỉ nói: “Trải qua bao năm chiến chinh hy vọng giữ vững giang sơn bờ cõi Nhà Hán. Nay được làm đến chức Ngụy Vương, đã mãn nguyện lắm rồi, nếu có thì chỉ mong được như Chu Văn Vương ngày xưa thôi chứ nào dám mơ ước danh vị đế vương?”
 
Tào Tháo khôn ngoan trong nhận xét, không muốn mình mang tiếng phản nghịch Nhà Hán. Nhưng, hậu ý lại dọn sẵn đường cho con cháu ông sau nầy dựng nghiệp.
 
Tào Tháo có cặp mắt tinh tường và biết cách dùng người mà Lưu Bị, Tôn Quyền không thể sánh ngang vai. Cho nên hào kiệt, anh tài trong thiên hạ đều hội tụ về với Tào Tháo không sao kể xiết.
 
Những Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Tào Nhân, Tào Hồng, Tuân Úc, Tuân Du, Trình Dục, Quách Gia, Lưu Hoa, Giả Hủ, Mãn Sủng, Mao Giới, Hứa Du, Chung Dao, Điển Vi, Hứa Chử, Lý Điển, Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Liêu, Trương Cáp, Từ Hoảng... Với lực lượng hùng hậu đó giúp Tào Tháo lúc nào cũng ở thế thượng phong, khiến Lưu Bị, Tôn Quyền ngày đêm mất ngủ vì lo lắng, kinh sợ.
 
Trong trận Uyển Thành, Tào Tháo mất người con cả là Tào Ngang, một người cháu tên Tào An Dân và tướng Điển Vi; nhưng khi nhớ tới trận nầy, ông khóc Điển Vi nhiều hơn cả.
 
Trong trận Quan Độ, khi Hứa Du bỏ Viên Thiệu sang hàng Tào, ông không kịp xỏ giày mà đi chân đất ra đón. Thiệu bình luận thì tức khắc nổi tiếng.
 
Khóc Điển Vi và đi chân đất đón tiếp Hứa Du cho ta hai cách nghĩ: Đó chỉ là thủ thuật chánh trị và cũng có thể do lòng chân thật của kẻ đầy bản lĩnh trên phương diện dụng người, xuất phát từ lòng người lãnh đạo hòan mỹ, dụng người xuất sắc!
 
Tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa bản đầy đủ từ đời nhà Minh trở đi (bản của Mao Tôn Cương) có xu hướng ủng hộ Lưu Bị và nước Thục cũng như quá đề cao Gia Cát Lượng mà quên đi công lao Tào Tháo trong vai trị chính trong việc ngăn chặn cục diện đại loạn cuối thời Đông Hán.
 
Tào Tháo đã dồn nhiều tâm huyết vào đó, ông tuyển chọn nhân tài, chiêu đãi kẻ hiền, thậm chí phải làm nhiều việc tàn bạo như “chèn ép vua Hiến Đế”, “giết thái y Cát Bình”, “treo cổ Đổng Quý Phi đang mang “long thai”, “đánh Phục Hồng Hậu đến chết”,... Có điều, ta nên xét sự việc để xem sự tàn bạo đó đúng, sai!
 
Các hành vi dã man, ác độc đó, chỉ xảy ra trong hành trình đạt đến mục đích thực hiện mưu đồ chính trị. Làm chính trị, không ai là kẻ lương thiện. Lâu nay dân gian chỉ trích Tào Tháo, chẳng qua là do ảnh hưởng từ ngòi bút  của La Quán Trung trong Tam Quốc Diễn Nghĩa mà ra.
 
Những người kính trọng Tào Tháo,  như Kiều Huyền, Hứa Thiệu. Kiều Huyền vốn làm quan đến Thái úy, là bạn vong niên với Tào Tháo đã nói: “Thiên hạ tất loạn, không có người đủ tài cái thế thì không trị được. Người dẹp an được thiên hạ tất là anh vậy!”
 
Chẳng biết vì sao khi rồi lời nói đó, Kiều Huyền bèn nhắn nhủ giao vợ con cho Tháo để Tháo giúp trông nom rồi ra đi…?
 
Còn Hứa Thiệu, tên chữ là Tử Tương, người Nhữ Nam, vốn là danh sĩ, nhà bình luận nổi tiếng đương thời. Ai được Hứa Thiệu bình luận thì tức khắc nổi tiếng.
 
Tào Tháo cũng đến xin Hứa Thiệu bình cho một câu, nhưng Hứa Thiệu không chịu dù Tháo nài nĩ hết mức. Sau đó nhân lúc Hứa Thiệu ra ngoài, Tào Tháo lấy đao ra dí vào bụng Hứa Thiệu bức bách Hứa Thiệu, buộc phải có lời nhận xét về ông. Hứa Thiệu đành phải đánh giá Tào Tháo là, “năng thần (quan giỏi) thời trị và gian hùng thời loạn”.
 
Tào Tháo nghe xong cả cười rồi bỏ đi.
 
Dịch Trung Thiên, người Trường Sa, Hồ Nam, năm 1981 tốt nghiệp đại học Vũ Hán, sau khi đạt được học vị Thạc sĩ Văn Học (bao gồm tất cả các bộ mơn văn học và nghệ thuật) được giữ lại trường giảng dạy, hiện nay ông là Giáo sư Học viện Nhân văn Đại học Hạ Môn. Ông nhiều năm nghiên cứu văn học, mỹ học, tâm lý học, nhân loại học, lịch sử học... trong bộ “Nhân vật nổi tiếng đời Hán”, viêt, “Hứa Thiệu đã thấy được Tào Tháo, là nhân vật có hai mặt của thời bình và thời loạn”.
 
Còn muốn trở thành năng thần trị lý hay gian hùng trong lúc thiên hạ nhiễu loạn cho thấy Tào Tháo là người biết chọn thời cơ mà xử sự công việc. Trên phương diện nầy cho ta thấy Tào Tháo là người đầy bản lãnh biết áp dụng từng hoàn cảnh mà thi thố tài năng, rất xứng hợp bản chất của một Nhà Chính Trị.
 
Vả lại, còn phải xem vào thời đại sống và nguyện vọng chủ quan của Tào Tháo. Tào Tháo sống vào thời loạn, phải sử dụng mưu lược thích hợp cho từng hòan cảnh, bị đánh giá là kẻ gian hùng đó là lẽ tất nhiên. Thời loạn lạc, ai là kẻ chẳng lợi dụng thời cơ?
 
Nhận định về Tào Tháo, Mao Trạch Đông viết:
 
“Tào Tháo thống trị miền Bắc Trung Quốc, sáng lập nước Ngụy, ông đã cải cách nhiều hủ hóa trong triều Đông Hán, áp chế cường hào, phát triển sản xuất, thực hiện chế độ quân điền, còn đôn đốc khai hoang, cho thực thi pháp chế, đề xướng tiết kiệm, biến một xã hội đã bị phá vỡ nghiêm trọng bắt đầu đi vào ổn định, khơi phục và phát triển.
 
Ngần ấy chẳng lẽ không đủ để khẳng định, chẳng lẽ không phải là tài cán phi thường hay sao?” (Mao Trạch Đông)
 
Dưới đây là những bài HÀNH tiêu biểu của Tào Tháo:
 
ĐOẢN CA  HÀNH của TÀO THÁO
Đối tửu đương ca
Nhân sinh kỷ hà?
Thí như triêu lộ
Khứ nhật khổ đa
Khái đương dĩ khảng
Ưu tư nan vong
Hà dĩ giải ưu?
Duy hữu đỗ khang
Thanh thanh tử khâm
Du du ngã tâm
Đãn vị quân cố
Trầm ngâm chí câm
Ao ao lộc minh
Thực dã chi bình
Ngã hữu gia tân
Cổ cầm suy sinh
Minh minh như nguyệt
Hà thời khả xuyết?
Ưu tùng trung lai
Bất khả đoạn tuyệt
Việt mạch độ thiên
Uổng dụng tương tồn
Khế khoát đàm yến
Tâm niệm cựu ân
Nguyệt minh tinh hy
Ô thước nam phi
Nhiễu thụ tam táp
Hà chi khả y?
Sơn bất yếm cao
Hải bất yếm thâm
 Chu Công thố bộ         
Thiên hạ quy tâm
 
Bản Dịch bài
ĐOẢN CA HÀNH của LỆ CHI SƠN

Trước ly rượu ta nên ca hát
Một đời người thấm thoát là bao?
Khác chi mấy hạt sương mai,
Ngày qua sầu tủi hỏi ai không buồn?
Vụt đứng dậy, lòng thêm khảng khái
Nhưng cái buồn đeo mãi không tha
Giải sầu chỉ một chăng là
Mượn đôi ba chén cửa nhà Đỗ Khang
Tuổi đi học, áo xanh cổ cứng
Mà lòng ta bịn rịn hôm mai
Nhưng thôi nhắc mãi làm chi
Tuổi xanh quá vãng vì mi ta buồn
Con hươu lạc kêu trên đồng vắng
Chân ngẩn ngơ mồn gặm cỏ non
Nhà ta khách quý rộn ràng
Đàn ca sáo phách bập bùng thâuđêm
Mảnh trăng nọ treo trên trời rộng
Biết bao giờ hết sáng ngàn cây?
Nỗi buồn ập đến ai hay
Lòng ta vương vấn khi đầy khi vơi
Xông pha mãi một đời gió bụi
Uổng công ta lui tới đeo đai
Bi hoan ly hợp một đời
Mong người tri kỷ đứng ngồi chẳng an
Trăng vằng vặc sao ngàn thưa thớt
Quạ về nam thảng thốt kêu thương
Liệng quanh cây những mấy vòng
Mà không tìm được một cành nương thân
Chẳng quản ngại ta tìm tri kỷ
Dù núi cao, biển cả sâu nông
Một đời nghiền ngẫm Chu công
Làm sao thiên hạ dốc lòng về ta.
 
Đoản Ca Hành là bài thơ, thể loại HÀNH. Tào Tháo làm hai bài, trên đây là bài thứ nhất. Ông viết để thể hiện ý chí và tâm nguyện của mình. Người viết – (TQMưu, không chắc bài Hành trên được Tào Tháo vào thời điểm nào? Có ý kiến cho rằng ông làm trong đêm trước khi lâm trận trận Xích Bích.
 
ĐỘ QUAN SAN - Tào Tháo
Thiên địa gian,
Nhân vi quý.
Lập quân mục dân,
Vị chi quỹ tắc.
Xa triệt mã tích,
Kinh vĩ tứ cực.
Truất trắc u minh,
Lê thứ phồn tức.
Ư thước hiền thánh,
Tổng thống bang vực.
Phong kiến ngũ tước,
Tỉnh điền, hình ngục.
Hữu phần đan thư,
Vô phổ xá thục.
Cao Đào phủ hầu,
Hà hữu thất chức.
Ta tai hậu thế,
Cải chế dịch luật.
Lao dân vị quân,
Dịch phú kỳ lực.
Thuấn tất thực khí,
Bạn giả thập quốc.
Bất cập Đường Nghiêu,
Thái chuyên bất chước.
Thế thán Bá Di,
Dục dĩ lệ tục.
Xỉ ác chi đại,
Kiệm vi cộng đức.
Hứa Do thôi nhượng,
Khởi hữu tụng khúc?
Kiêm ái, thượng đồng,
Sơ giả vi thích.
 
BẢN DỊCH  -  (Khuyết danh)
Trong trời đất,
Người quý nhất.
Lập vua chăn dân,
Đặt ra phép tắc.
Dấu ngựa xe qua,
Dọc ngang bốn cực.
 Thưởng phạt phân minh,
Ấm no sung túc.
Thánh hiền đời xưa,
Trị khắp châu vực.
Năm tước lập ra,
Tỉnh điền, hình ngục.
Sổ tội đốt đi,
Miễn tha không được.
Phủ hầu Cao Đào,
Có đâu mất chức!
Than ôi đời sau,
Thay phép đổi luật.
Dân nhọc vì vua,
Thuế má lao lực.
Thuấn sơn đồ ăn,
Khó phục mươi nước.
Không như Đường Nghiêu,
Chẳng cần đẽo cột.
Đời than Bá Di,
Mong thành thói tốt.
Xa xỉ ác thay,
Tiết kiệm là đức.
Hứa Do nhịn nhường,
Có ai ca tụng?
Kiêm ái, thượng đồng,
Sơ thành thân thuộc.
 
GIỚI LỘ HÀNH - Tào Tháo
Duy Hán chấp nhị thế,
Sở nhậm thành bất lương.
Mộc hầu nhi quan đới,
Tri thiểu nhi mưu cường.
Do dự bất cảm đoán,
Nhân thú chấp quân vương.
Bạch hồng vi quán nhật,
Kỷ diệc tiên thụ ương.
Tặc thần trì quốc bính,
Sát chúa diệt vũ kinh.
Đãng phúc đế cơ nghiệp,
Tông miếu dĩ phần  táng.
Bá việt tây thiên di,
Hiệu khấp nhi thả hành.
Chiêm bỉ Lạc thành quách,
Vi Tử vi bi thương.
 
BẢN DỊCH của Điệp Luyến Hoa
Đời thứ hăm hai nhà Hán,
Kẻ nhậm chức thật bất tài. (Chỉ như  khỉ đội mũ)
Biết ít lại tính mưu to.
Do dự không dám quyết,
Giữ vua để thoát ra ngoài. (Nên bọn Trương Nhượng)
Cầu vồng trắng che khuất mặt trời (ý nói có biến loạn lớn),
Thân chuốc lấy tai ương trước khi tiến hành. (chỉ Hà Tiến)
Kẻ tặc thần nắm giữ quyền bính,
Giết vua, thiêu cháy kinh thành.
Cơ nghiệp đế vương bị lật đổ,
Tông miếu bị đốt cháy, chôn vùi.
Di dời về phía tây,
Khóc lóc dắt nhau đi.
Ngẩng nhìn thành quách Lạc Dương kia,
Bi thương giống như Vi Tử.
 
KHỔ HÀN HÀNH - Tào Tháo
Bắc thượng Thái Hàng sơn,
Gian tai hà nguy nguy!
Dương trường bang cật quật.
Xa luân vị chi tồi,
Thụ mộc hà tiêu sắt!
Bắc phong thanh chính bi.
Hùng bi đối ngã tôn,
Hổ báo hiệp lộ đề.
Khê cốc thiểu nhân dân,
Tuyết lạc hà phi phi.
Diên canh trường thán tức,
Viễn hành đa sở hoài.
Ngã tâm hà phẫn uất ?
Tứ dục nhất đông quy.
Thuỷ thâm kiều lương tuyệt,
Trung lộ chính bồi hồi.
Mê hoặc thất có lộ,
Bạc mộ vô túc lâu.
Hành hành nhật dĩ viễn,
Nhân mã đồng thời cơ.
Đảm nang hành thủ tân,
Phủ băng trì tác my.
Bi bỉ "Đông Sơn" thi,
Du du linh ngã ai!
 
BẢN DỊCH  (khuyết danh)
Xuôi miền bắc vượt lên núi Thái Hàng
Cao chót vót thật là gian nguy!
Đường đi trên dốc núi quanh co như ruột dê
Bánh xe muốn gãy đổ
Cây cối hiu hắt buồn bã làm sao!
Nghe gió bắc thổi thật sầu não
Beo gấu ngồi xổm trước mặt
Hổ báo kêu gào ở giữa đường
Khe vực không có người dân nào ở
Mưa tuyết rơi mịt mù
Dài cổ kêu than cực khổ
Viễn chinh chất ngất nhiều nỗi
Tâm can u uất nghẹn ngào
Muốn trở về miền đông ngay
Nước sâu cầu lại gãy
Đường chính đi quanh co
Mê hoặc lạc mất đường
Trời chiều không biết ở lại đâu
Ngày ngày đi mãi xa xôi ròng rã
Người ngựa đói meo
Lấy đòn gánh làm củi
Đập băng để nấu cháo ăn
Bi phẫn quá làm thơ Đông Sơn
Nỗi buồn này dài dằng dặc!
 
Theo Thư Viện Net: “Khổ Hàn Hành là tên một khúc nhạc phủ, thuộc Tương Họa Ca. Năm Kiến An thứ 10 (205) đời Hán Hiến Đế, Tào Tháo đuổi theo Viên Thiệu thống trị tại vùng Hà Bắc. Cháu ngoại của Viên Thiệu là Cao Cán (? – 205) đem Tinh Châu (nay thuộc Thái Nguyên) đầu hàng Tào Tháo, nhưng sau đó nghe nói Tào Tháo sắp đánh Ô Hoàn (Hung Nô) nên lại phản, phái binh giữ cửa Hồ Quan (nay ở đông nam huyện Trường Trị, Sơn Tây). Tháng giêng năm Kiến An thứ 11 (206), Tháo vượt Thái Hàng sơn đánh Cao Cán, đến tháng ba thì đánh bại Cao Cán.
 
Bài thơ này được làm vào thời gian này miêu tả cảnh sinh hoạt gian nan, là một bài thơ tiêu biểu cho thơ ca Kiến An.”
 
 
ĐỐI TỬU CA - Tào Tháo
Thái bình thì,
Lại bất hô môn.
Vương giả hiền thả minh,
Tể tướng cổ quăng giai trung lương.
Hàm lễ nhượng,
Dân vô sở tranh tụng.
Tam niên canh hữu cửu niên trừ,
Thương cốc mãn doanh.
Ban bạch bất phụ tải.
Vũ trạch như thử,
Bách cốc dụng thành.
Khước tẩu mã,
Dĩ phân kỳ thổ điền.
Tước công hầu bá tử nam,
Hàm ái kỳ dân,
Dĩ truất trắc u minh.
Tử dưỡng hữu nhược phụ dữ huynh.
Phạm lễ pháp,
Khinh trọng tuỳ kỳ hình.
Lộ vô thập di chi tư.
Linh ngữ không hư,
Đông tiết bất đoán.
Nhân mạo điệt,
Giai đắc dĩ thọ chung.
Ân đức quảng cập thảo mộc côn trùng.
 
BẢN DỊCH  của Cổ Mộ
Nâng chén ca,
Buổi thái hoà,
Quan không thúc thuế.
Vua chúa sáng hiền,
Trung lương tướng tá tài ba.
Cùng nhau nhường kính,
Tranh chấp không xảy ra.
Ba năm cày cấy, chín năm vẫn ấm no,
Lúa gạo đầy kho,
Việc nặng không đến người già.
Mưa thuận gió hoà,
Ngũ cốc được mùa.
Bắt ngựa hoang,
Giúp canh tác mùa màng.
Các vị công, hầu, bá, tử, nam,
Đều yêu thương dân chúng,
Thưởng phạt phân minh.
Coi dân như con em mình.
Kẻ phạm lễ pháp,
Tùy  nặng nhẹ xử hình.
Ngoài đường của rơi không ai nhặt.
Trong lao tù vắng tanh,
Mùa đông không có án.
Người già cả,
Sống trọn tuổi trời.
Cả thảo mộc côn trùng, ân đức đều đến nơi.
 
Qua những bài thơ tiêu biểu trên đây, có thể biết được nỗi lòng của Tào Tháo rất giàu tinh thần đối với Quốc Gia Dân Tộc. Nặng tình người, giàu lòng nhân ái. Thật xứng đáng là bậc anh hùng trong thời Hán mạc.
 
Tham khảo có trích đoạn:
 
- Những Hán tự, chưa hiểu chính xác tôi (TQM) đều thỉnh ý trực tiếp Học giả Minh Di, ở Úc Châu.
- Sữ Ký Tư Mã Thiên
- Bộ chánh sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ.
- Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung – Đa số người đọc, khi họ xem Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, nếu có ai hỏi, họ đang xem gì? Họ sẽ chẳng ngại ngùng đáp, “Đang đọc “Tam Quốc Chí”. Thực tế, Tam Quốc Diễn Nghĩa, chỉ là bộ tiểu thuyết do La Quán Trung dựa vào Bộ Chánh Sử “Tam Quốc Chí” để viết ra.
- Bách Khoa Toàn Thư.
 

  Trở lại chuyên mục của : Thái Quốc Mưu