THÁI QUỐC MƯU

Cách NGỤY THẾ TỔ VĂN HOÀNG ĐẾ TÀO PHI
Chôn Xác Của Phi Tần CHÂN MẬT
Nói Lên Sự Dã Tâm Tận Cùng Của Con Người
 
 
Trong giới quan lại thời Tam Quốc, không mấy ai chẳng biết hai câu: "Giang Nam hữu Nhị Kiều, Hà Bắc Chân Mật tiếu" (江東有二喬, 河北甄宓俏). Để chỉ 3 người con gái đẹp nhất thời ấy.
 
Chữ Tiếu (俏) trong câu “Hà Bắc Chân Mật Tiếu” nghĩa là xinh đẹp.
 
Bài nầy, người viết chỉ nói về nàng Chân Mật, (Chân Lạc) 26-01-183 – 04-8-221 sau công nguyên.
 
Bà là Phi Tần của Tào Phi, khi Tao Phi cướp ngôi Hán Hiến Đế, bà chưa được làm hoàng hậu bao giờ. Thụy hiệu Hoài Hoàng Hậu do Tào Duệ (Tào Tuấn) - con bà, phong cho.
 
Chân Mật, là mẹ của Ngụy Minh Đế Tào Duệ – người kế vị Tào Phi, vị vua thứ 2 cũng là vua cuối cùng của trào Ngụy.
 
Chân Lạc hay Chân Mật, cả hai đều không là tên thật, hiệu Thường Nga, sanh tại Vô Cấp, Trung Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc.
 
Chân Mật được sanh ra trong dòng tộc giàu có, bà là cháu nội của Chân Nghiễm, An Thành Hương Mục Hầu (sau đổi thành Ngụy Xương Mục Hầu). Cha là Chân Dật, một võ quan, trấn thủ ở Thượng Thái, thuộc vùng Trung Sơn, Quảng Đông ngày nay.
 
Phu nhân của Chân Dật họ Trương, vốn sinh ra trong gia đình nghèo khó, ít học bà cũng giống như đa số những người con gái khác của giới hạ lưu, nàng Trương không có tên, chỉ có mang họ Trương vì thế được gọi là Trương thị (người phụ nữ họ Trương).
 
Bà Trương ở với Chân Dật có 8 người con. Chân Mật là người con gái Út trong số 8 anh chị em, trong đó có 3 trai. Và, nàng là người xinh đẹp nhất.
 
Thời đó, vùng Trung Sơn có một nhà tướng số tài danh là Lưu Lương thần tướng, được người người ca tụng là Quỷ Cốc Tái Sinh, lúc Chân Lạc gần hai tuổi, bà Trương đem nàng đến nhờ xem tướng số. Lưu Lương thần tướng, nhìn nàng một lúc khẽ nhíu mày rồi bảo Chân Dật cởi giày vớ Chân Lạc ra. Xem xong, ông nói:
 
- “Trán cao nảy nở, mắt có thần lực, mũi cao thẳng như trúc bổ đôi, răng trắng môi hồng, tướng đi nhẹ nhàng như lông vũ, thượng đình nở, rộng thông minh tuyệt đỉnh, số cận quân vương, quyền cao tột bậc, lòng hiền như nước, cổ chân to số khắc cha, ngón chân cái quá ngắn cha mất sớm. Nên gần người quân tử, xa lánh bọn tiểu nhân, không thì yểu mệnh, chết thảm…”
 
Nửa năm sau Chân Dật, phụ thân Chân Mật qua đời (năm 185, trước công nguyên), khi nàng vừa tròn hai tuổi.
 
Chân Mật càng lớn càng thông minh, hiếu học, lên 14 tuổi làu thông kinh sử, chữ như rồng bay phụng múa, khi khảy đàn thì phụng hoàng cũng xếp cánh ngẩn ngơ, lúc cầm cọ thì tranh nhưng thủy lưu, núi biếc, cây cỏ như ảo như thật, chim tưởng cỏ cây thật xà xà lên xuống. Vẽ thú dữ thì muôn thú trông thấy đều kinh hồn lạc phách,…
 
Tương tuyền khi lên tám, ngồi nghe anh chị học bài, Chân Mật liền lấy than viết trên nền nhà, ai nấy cũng vui mừng, ra công dạy bảo.
 
Càng lớn lên Chân Mật càng xinh đẹp. Khi đến tuổi trăng tròn thì rồng vờn trước ngõ, yến liệng quanh nhà, phượng hoàng không dám đối mặt. Khi bước chân khỏi nhà nét yểu điệu thanh thoát khiến ong bướm e thẹn phải xếp cánh ẩn mình, muôn hoa cúi mặt.
 
Khi Viên Thiệu một quân phiệt đương thời đang trấn thủ tứ châu (Ký Châu, U Châu, Tịnh Châu và Thanh Châu). Sắc đẹp của nàng vang động khắp nơi, đến tai Viên Thiệu. Gia đình ông nhiều đời làm đại thần Nhà Hán, có danh vọng rất cao, khiến ông giả dạng lái buôn cùng con trai thứ hai là Viên Hy dẫn mươi kỵ binh đến Trung Sơn dò xét.
 
Khi đối mặt với Chân Mật, Viên Thiệu bị rúng động trong lòng, tay chân bủn rủn rã rời, hào khí của kẻ anh hùng biến mất. Trong khi Viên Hy, con ông nhìn Chân Mật say mê đắm đuối… trâng người như bị chôn đứng.
 
Phút dao động vừa qua, Viên Thiệu chợt tỉnh, quay nhìn sang Viên Hy thấy đứa con trai của mình như kẻ mất hồn, lòng già quặn xuống, trong chớp mắt Viên Thiệu quyết định hỏi cưới Chân Mật cho Viên Hy.
 
Trong lịch sử Trung Quốc. Viên Hy tự Hiển Dịch, một thời nối gót Viên Thiệu làm quân phiệt thời Tam Quốc.
 
Năm Kiến An 204 Chân Mật về Nghiệp Thành làm dâu nhà họ Viên.
 
Không lâu sau, Viên Thiệu cho Viên Hy ra trấn thủ U Châu (vùng Bắc Kinh, Thiên Tân ngày nay).
 
Chân Mật không theo chồng mà xin ở lại nhà phụng dưỡng mẹ chồng là Viên phu nhân (vợ Viên Thiệu).
 
Năm 200 Tào Tháo đánh trận Quan Độ, Viên Thiệu thua tan tác. Năm 202 Viên Thiêu buồn rầu sanh bệnh, mất!
 
Thiệu mất, anh của Viên Hy là Viên Đàm và em Hy là Viên Thượng tranh giành quyền thừa kế. Tào Tháo nhân đó chia rẽ và đánh bại anh em Đàm và Hy.
 
Cuối năm 204, Tào Tháo hạ được Nghiệp Thành, bắt sống gia quyến họ Viên. Con lớn nhất của Tào Tháo là Tào Phi, khi đó 18 tuổi, trông thấy Chân Lạc – khi đó 22 tuổi - xinh đẹp, lập tức bị cuốn hút.
 
Theo "Tam quốc diễn nghĩa", khi thắng trận, Tào Phi dẫn quân xông thẳng vào nhà họ Viên, thấy hai người đàn bà đang ôm nhau khóc, hỏi ra thì là Viên phu nhân vợ Thiệu và con dâu là Châu Mật, vợ Viên Hy.
 
Cùng lúc ấy Tào Tháo đến, vợ Viên Thiệu biết ý Tháo muốn dung nạp Chân Mật, bèn vội dâng nàng cho Tào Phi, dù khi ấy Viên Hy con trai bà ta còn sống.
 
Tào Tháo lại nhìn dung nhan Chân Mật, lòng già rộn rã, động lòng, nhưng ở thế chẳng đặng đừng. phải gật đầu, nói: “Thật đáng là con dâu họ Tào”.
 
Dù lúc đó Viên Hy còn sống, Tào Phi vẫn ép Chân Mật lấy mình.
 
Năm 207, Viên Hy cùng Viên Thượng chạy trốn lên Liêu Đông và bị Công Tôn Khang giết chết, nộp đầu cho Tào Tháo.
 
Sau khi lấy Tào Phi 8 tháng. Năm 205 bà sinh ra Tào Tuấn (Tào Duệ) Tào Phi nghi Tào Tuấn là con của Viên Hy. Hai người còn có với nhau thêm một con gái, gọi là Đông Thương công chúa.
Lâu sau, Tào Phi sủng ái Quách Quý Tần và lạnh nhạt với Chân Mật. Quách thị muốn đoạt ngôi chính thất với Chân Lạc nên tìm cách hãm hại bà.
 
Năm 220, Tào Phi lên thay Tào Tháo làm Ngụy vương, phế Hán Hiến Đế tự lập làm vua, tự xưng là Ngụy Văn đế.
 
Do nghi ngờ Tào Tuấn là con của Viên Hy, sau khi đoạt ngôi nhà Hán Tào Phi không phong Chân Mật làm hoàng hậu.
 
Ngụy Văn Đế đóng đô ở Lạc Dương nhưng bỏ mặc Chân phu nhân ở Nghiệp Thành không đoái hoài. Sau khi bị vua bỏ lơ không nói đến, Châu Mật buồn thảm…
 
Đọc bài từ “Đường Thượng Hành” của bà, ta có thể thấy được lòng tương tư cực chí của một người vợ đối với trượng phu, một lòng thâm tình vô hồi của Chân phu nhân đáng thương.
 
ĐƯỜNG THƯỢNG HÀNH của CHÂN MẬT (CHÂN LẠC).
 
塘上行
...
浦生我池中,
其葉何离离。
果能行仁義,
莫若妾自知。
眾品鑠黃金,
使君生別离。
念君去我時,
獨愁常苦悲。
想見君顏色,
感結傷心脾。
念君常苦悲,
夜夜不能寐。
莫以賢豪故,
捐棄素所愛。
莫以魚肉賤,
捐棄蔥與薤。
莫以麻枲賤,
捐棄菅與蒯。
出亦復愁苦,
入亦更苦愁。
邊地多悲風,
樹木何蓊蓊。
從軍致獨樂,
延年壽千秋。
 
PHIÊN ÂM:
 
ĐƯỜNG THƯỢNG HÀNH
...
Phố sinh ngã trì trung,
Kỳ diệp hà ly ly.
Quả năng hành nhân nghĩa,
Mạc nhược thiếp tự tri.
Chúng phẩm thước hoàng kim,
Sứ quân sinh biệt ly.
Niệm quân khứ ngã thì,
Độc sầu thường khổ bi.
Tưởng kiến quân nhan sắc,
Cảm kết thương tâm tỳ.
Niệm quân thường khổ bi,
Dạ dạ bất năng mị.
Mạc dĩ hiền hào cố,
Quyên khí tố sở ái.
Mạc dĩ ngư nhục tiện,
Quyên khí thông dữ giới.
Mạc dĩ ma tỷ tiện,
Quyên khí gian dữ khoái.
Xuất diệc phục sầu khổ,
Nhập diệc cánh khổ sầu.
Biên địa đa bi phong,
Thụ mộc hà ống ống.
Tòng quân trí độc lạc,
Diên niên thọ thiên thu.
 
BẢN DỊCH (của Khuyết danh)
 
ĐI TRÊN BỜ ĐẦM
...
Cỏ bồ mọc trong đầm,
Lá ấy sao xen đầy.
Ví có làm nhân nghĩa,
Không bằng thiếp tự hay.
Miệng người chẩy sắt thép,
Khiến chàng xa chân mây.
Nhớ khi chàng ly biệt,
Một mình oán hận đầy.
Hình dáng chàng tưởng đến,
Lòng dạ trĩu đắng cay.
Nhớ chàng luôn buồn thương,
Giấc ngủ đêm không đến.
Đừng vì chuyện tài hoa,
Quên thứ mình quý mến.
Đừng vì thịt cá rẻ,
Mà quên tỏi với hành.
Đừng vì đay tơ mềm,
Mà quên tranh với cỏ.
Bước ra lại khổ sầu,
Bước vào càng thêm khổ.
Biên ải nhiều gió buốt,
Cỏ cây sao rậm rì.
Đi lính mà vui được,
Tuổi thọ dài ngàn thâu.
 
Khi Tào Tháo tiến quân đánh Viên Hy, hai bộ tướng của Viên Hy là Tiêu Xúc, Trương Nam phản lại ông, hợp tác với Tào Tháo. Viên Hy và Viên Thượng không giữ nổi U châu, phải bỏ chạy lên phía Bắc tới Liễu Thành nương nhờ Thiền vu Đạp Đốn của Ô Hoàn, sau đó lại cùng Đạp Đốn liên kết với Thiền vu Ô Diên ở Hữu Bắc Bình là Tô Bộc Diên.
 
Tháng 10 năm 205, Tào Tháo tiến quân đánh Ô Hoàn. Anh em Viên Hy hợp binh với Đạp Đốn đối trận với Tào Tháo ở núi Bạch Lang. Tướng tiên phong của Tào Tháo là Trương Liêu mang quân tới phá tan quân Ô Hoàn. Anh em Viên Thượng cùng Ô Hoàn chống cự không nổi bỏ chạy ra ngoài Trường Thành.
 
Tháng 8 năm 206, Tào Tháo tiếp tục truy kích, đánh thắng 1 trận nữa, giết chết Đạp Đốn. Còn Viên Thượng, Viên Hy và Tô Bộc Diên mang vài ngàn tàn quân chạy đến Liêu Đông nương nhờ Công Tôn Khang.
 
Tào Tháo nghĩ rằng, “Nếu mang quân truy kích quá gắt gao, Công Tôn Khang đang ở Liêu Đông sẽ nghi ngờ ta có ý thôn tính luôn lãnh địa của Khang, tất y sẽ liên kết với họ Viên. Chi bằng chủ động rút quân từ Liễu Thành về phương Nam. Để cho Công Tôn Khang biết ta không có ý gây hấn, lấn chiếm Liêu Đông, tất nhiên Công Tôn Khang sẽ cảm kích mà không dung nạp mà còn có thể giết Viên Hy cùng đám bại tướng để giao hảo với ta.”.
 
Công Tôn Khang yên tâm về thái độ của Tào Tháo không muốn tấn công lên Liêu Đông, bèn chủ định giết anh em họ Viên để cầu hòa với Tào Tháo. Điều nầy chứng tỏ mưu lược của Tháo Tháo hơn xa Khổng Minh Chư Cát Lượng. (Khổng Minh họ CHƯ không phải họ GIA)
 
Khi Viên Hy, Viên Thượng và Tô Bộc Diên chạy tới Liêu Đông, Công Tôn Khang cho quân đao phủ mai phục rồi mới mời vào. Anh em họ Viên cùng Tô Bộc Diên vừa làm lễ, Công Tôn Khang bèn hô đao phủ xông ra bắt trói rồi chém đầu. Công Tôn Khang sai quân mang 3 đầu lâu tới huyện Nghiệp dâng Tào Tháo và được phong chức. Liêu Đông an bình.
 
Đây là hậu quả khi anh em cùng máu mủ, cùng huyết tộc mà chia rẽ, tranh giành quyền lực với nhau, cuối cùng đều bị Tào Tháo tiêu diệt, toàn bộ Hà Bắc thuộc về họ Tào... Cái gương xấu của anh em Viên Đàm, Viên Hy, Viên Thượng muôn đời không tẩy sạch… Và, đó cũng là bài học cho những ai vì quyền lợi cá nhân, phe phái mà xa rời tình dân tộc, bỏ quên đất nước.
 
Chính vì do tranh quyền, đoạt lợi mà khi Tào Tháo rút lui khỏi Liễu Thành, chẳng ai biết trên đường về Nam đoàn quân của Tháo lâm vào hoàn cảnh rất gian khổ. Khi đó, ở phía Bắc gió lạnh thấu xương, quân Tào nhiều người bị rét cóng, đói rét sinh bệnh tật rất nhiều… Toàn quân đi trên 200 dặm dài mà không có nước uống. Tào Tháo phải hạ lệnh giết mấy ngàn con ngựa chiến để làm lương thực cho ba quân, tướng sĩ.
 
Giả sử, nếu anh em Viên Hy biết đoàn kết thì sẽ biết được tình cảnh thê thảm đó của quân Tào mà dẫn quân truy kích thì chưa chắc Tào Tháo lấy được Hà Bắc và anh em họ Viên chưa chắc bị chết thảm về tay Công Tôn Khang.
 
***
 
Quách thị, con gái của Quách Vinh (郭永). Quách Vinh là một viên quan nhỏ ở một địa phương. Khi còn nhỏ bà đã tỏ ra thông minh, tài sắc hơn người nên được phụ thân nàng gọi đùa là “nữ vương”.
 
Chánh sử Trung Hoa không đề cập đến bà, nên chẳng biết vì sao bà trở thành vợ lẻ của Tào Phi.
 
Tháng 6 năm 221, Quách thị đã để bùa trong phòng của Tào Phi rồi tố cáo Chân thị yểm bùa hãm hại chồng. Mặc dù ban đầu Phi không tin lời của Quách thị, nhưng vốn tính đa nghi, Tào Phi đã cho điều tra và quả nhiên bắt được tượng gỗ đề tên mình trong phòng của Chân Mật. Bà bị Tào Phi bức phải tự sát. Năm đó Chân Mật mới 39 tuổi.
 
Sau khi chết, xác bà không được liệm, còn bị nhét đầy cám vào miệng, rũ tóc che khuất mặt mới được chôn cất.
 
Tào Phi rất giỏi thơ phú, ông cùng với cha (Tào Tháo) và em (Tào Thực), đều là những cây bút nổi bật trên Văn Đàn Kiến An.
 
Thơ ông, hiện còn khoảng 40 bài và bộ Điển luận. Tuy vậy, qua đó người đọc cũng hiểu được một phần nào quan niệm sáng tác của ông:
 
Trần Đình Sử trong Từ điển Văn học (bộ mới) viết đại ý như sau:
 
- Văn Tào Phi có nhiều thể, hiếm có ai giỏi hết, do đó văn nhân không nên dựa vào sở trường của mình mà khinh người, mà nên thẩm xét để hiểu người (thẩm kỷ độ nhân). Ông phản đối thói "văn nhân tương khinh" (văn nhân thường khinh nhau), hay khép kín kiến giải của mình. Ngoài ra, ông còn phê phán khuynh hướng "quý xa, khinh gần", làm văn cốt cầu danh, mà quay lưng với sự thực.
 
- Các thể loại có những điểm khác nhau: Tấu, nghị nên trang nhã, thư luận nên có lý lẽ, thi phú cần phải đẹp.
 
- Văn chương đều là sự biểu hiện tư tưởng, tình cảm của người viết. Cho nên gốc văn chương giống nhau mà ngọn (hình thức biểu hiện) khác nhau. Cái khác đó do “khí”.
 
Tào Phi viết: “Văn lấy khí làm chủ, mà khí trong hay đục là bẩm phú, không thể dùng sức gắng gượng mà có được.”
 
- Nho gia xem “lập ngôn” đứng sau “lập đức”, “lập công”. Tào Phi đưa “lập ngôn” lên vị trí cao nhất, xem đó là “việc lớn lao bất hủ trong sự nghiệp trị nước” (kinh quốc chi đại nghiệp, bất hủ chi thịnh sự). Đây chính là quan điểm làm cho văn học Kiến An phồn thịnh.
 
Học giả Nguyễn Hiến Lê nhận xét:
 
- Giọng thơ Tào Phi không hùng như cha (Tào Tháo), mà có vẻ phong lưu, nhàn nhã. Ngoài tài thơ, Tào Phi còn là nhà phê bình đầu tiên của Trung Quốc. Trong thiên Luận văn, ông có nhiều ý xác đáng, như:
 
- “Văn lấy khí làm chủ, mà khí có hai thể "thanh" và "trọc". Cả hai đều do trời sinh, không thể gắng sức mà luyện, dẫu cha anh cũng không thể truyền được cho con, em.”
 
Bàn về các thể văn, ông cho rằng, “Luận thuyết phải đúng lý, mà thi phú thì cần phải đẹp.”
 
Đó là khởi nguyên phong trào duy mỹ ở thời Lục Triều, trái hẳn với lối “Văn dĩ tải đạo” (văn để chở đạo) của Tiền Hán trở về trước.
 
Duy mỹ tức là “nghệ thuật vị nghệ thuật”, mà tải đạo tức là “nghệ thuật vị nhân sinh”.
 
Ở một giai đoạn cực kỳ loạn lạc như thời Lục Triều, chủ trương đó rất được hoan nghênh. Cho nên thời bấy giờ là thời văn thơ lãng mạn nhất của Trung Quốc, và nhóm Trúc Lâm Thất Hiền nổi tiếng vì thói khinh đời ngạo vật, phóng đãng, bất chấp lễ nghi...
 
So sánh Tào Phi với Tào Tháo, Tào Thực, học giả này viết tiếp:
 
- “Tào Phi và Tào Thực, là hai anh em ruột mà tính tình và đời sống trái nhau hẳn. Tào Phi làm vua chỉ cho văn chương mới là sự nghiệp lớn, đáng lưu truyền lại thiên thu; còn phú quý, công danh hễ chết là hết. Tào Thực, ngược lại, cho văn chương là nghề mọn mà sự lập công mới đáng trọng. Kết lại, ba cha con là Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực, làm lĩnh tụ trên thi đàn Kiến An. Tháo có giọng trầm hùng. Phi thì sầu, nhã. Thực, đa tài hơn cả; thơ vừa diễm lệ, vừa lâm ly và cao kỳ. Đến năm 232, Tào Phi và Tào Thực đều đã chết hết, văn đàn rực rỡ thời Kiến An cũng rã tan theo.”
 
Năm 226, Tào Phi qua đời. Ông ở ngôi 6 năm, hưởng dương 39 tuổi. Ông được tôn là Ngụy Thế Tổ Văn Hoàng Đế, thường gọi là Ngụy Văn Đế. Trong thời gian ở ngôi, ông chỉ dùng một niên hiệu là Hoàng Sơ.
 
Thế nhưng Tào Phi xử sự với người chết một cách dã man, cho nên triều đại họ Tào không truyền lâu được lâu dài. Đúng là Thiên Chúa, Trời, Phật rất công minh.
 
Đối với một xác chết mà Đấng Siêu Nhiên còn xét đoán công bình như vậy thì những kẻ đối với người sống, chỉ vì lợi ích cá nhân phe nhóm mà hành xử bằng tâm địa ác độc thì làm sao tránh khỏi lưới Trời?
 
Năm 222, sau khi Tào Phi tiếm ngôi Nhà Hán, Quách thị được lập làm hoàng hậu. Vì Quách hậu không có con nên Tào Tuấn (Tào Duệ) con Chân Mật vẫn làm thái tử.
 
Năm 226, Tào Phi chết, Tào Tuấn lên ngôi, tức là Ngụy Minh đế. Quách thị tuy không có con nhưng là hoàng hậu của Tào Phi nên trở thành hoàng thái hậu.
 
Năm 235, Ngụy Minh Đế Tào Tuấn được thúc phụ là Tào Thực kể về cái chết thảm của Chân Mật. Nghe xong, Tào Duệ vô cùng tức giận, bèn  tra hỏi Quách thái hậu.
 
Quách thị tức giận nói: “Tiên đế (Tào Phi) ban cho bà ta tội chết liên can gì tới ta? Huống hồ người là con của tiên đế lẽ nào lại truy tội người cha đã chết của mình, rồi vì người mẹ chết mà ép chết người mẹ sau?”
 
Tào Duệ (Tào Tuấn) nghe thấy càng thêm tức giận. Từ đó ra lệnh cắt giảm chi phí ăn uống, cắt giảm người hầu hạ, khiến Quách thị tức giận vô cùng nhưng không nói được gì, lâu dần tích thành bệnh mà chết.
 
Cái chết của Quách hoàng hậu là cái chết đáng đời! Chẳng ai thương xót! Cái luật nhân quả của Nhà Phật, “gieo nhân nào thì gặt trái ấy” chẳng sai!
 
Ngụy Minh Đế Tào Duệ nhớ tới mẹ đẻ, bèn truy tôn Chân Mật làm Văn Chiêu Hoàng Hậu.
 
***
 
Luận về con người, Vương Phù (Trung Quốc) nói:
 
- “Cái quý nhất trong Trời Đất chính là con người.” Vì thế, kẻ nào gây chiến tranh, tiêu diệt con người, kẻ ấy có tội chẳng những với nhân loại mà cả với Trời Đất. Kẻ nào chấm dứt thảm họa chiến tranh, đem hòa bình, ấm no, hạnh phúc đến cho dân là có công với Trời Đất.”
 
Như vậy, cho ta thấy sinh mạng con người quý không gì có thể sánh bằng. Những kẻ đương thời có quyền lực trong tay hà hiếp, đánh đập con người nên suy nghĩ lại hành vi tàn bạo của họ.
 
Người viết bài nầy, có người bạn chí thân, trước tháng 30-4/75, ông ta ở ngành Cảnh Sát Đặc Biệt, chuyên về điều tra. Có lần ông ta tự hào khoe với tôi, “Tao đánh tụi nó riết rồi cánh tay phải của tao lớn hơn cánh tay trái.”
 
Khi ấy, tôi cố kềm lòng để không phải rùng mình, rồi nói, “Tại sao mầy phải đánh người ta?”
 
Ông ấy đáp, “Đ. Mẹ biết rõ hết rồi mà hỏi nó không nhận. Tức không?”
 
Tôi cười, nói như đùa, “Như vậy, thì mầy đã “không có đánh cho có, có đánh cho chừa”. Đúng không? Người ta có lỗi, có tội là với chế độ, với chánh quyền mắc mớ gì tới mầy mà mầy đánh đập người ta để chính mầy nhận cái ác. Mầy ngu vậy!”
 
Mặt nó đanh lại:
 
- “Đ. Mẹ! Tức thấy mẹ mà không đánh sao được mậy?”
 
Nó vượt biên sang Mỹ từ năm bảy lăm.
 
Năm 2013 hay 2014 gì đó, tôi đi dự Đại Hội Thi Ca Quốc Tế, tổ chức ở bang “Z”, Hoa Kỳ, nó là khách mời của Ban Tổ Chức, tình cờ gặp nhau. Nó khoe nhờ qua trước nó làm ăn khá lắm! Nhưng, nó không kể vì sao cánh tay phải của nó bị liệt. Tôi không hỏi, nhưng tôi nhớ lại câu nó khoe, “Tao đánh tụi nó riết rồi cánh tay phải của tao lớn hơn cánh tay trái.” Mà không khỏi giựt mình.
 
Tôi thầm cám ơn Cha Má chúng tôi đã dạy dỗ anh em chúng tôi, một bầy mười mấy đứa, mà không đứa nào coi sinh mạng con người như cây cỏ. Và nhờ phúc đức của hai đấng sanh thành nên dù trong cảnh khốn cùng nhất, chúng tôi vẫn được no lòng, không bị đói khát. Cá nhân tôi, chưa biết buông một tiếng chửi thề! Cả đời không hút thuốc, rượu chè, bài bạc… Vui nào hơn?
 
Khổng Tử nói, có vài câu sai! Nhiều câu đúng! Nhưng tôi nghĩ, câu sau đây là đúng nhất: “Hành thiện chi nhân như xuân viên chi thảo. Hành ác chi nhân như ma đao chi thạch.”
 
Tôi nghĩ các bạn trẻ, nhất là quý bạn có chút quyền hành trong tay, nên học thuộc câu trên để tự răn mình, hầu có cuộc sống tốt đẹp hơn! Nếu các bạn không làm theo lời khuyên chân thành của tôi - một cụ già 78 tuổi, khi quý bạn nhiều thêm hai, ba mươi tuổi nữa, lúc ấy chẳng may nằm trên giường bệnh, lúc đó, quý bạn có thống hối thì không còn kịp.
 
Ngoài ra, khi các bạn muốn trút sự tức bực, căm giận của mình lên thể xác người khác, xin các bạn nên nhớ đến các con của bạn. Tôi nghĩ, chắc chắn không bao giờ quý bạn muốn dùi dập tương lai con cái của quý bạn bằng hành vi tàn độc của chính bản than mình.
 
Lúc đương thời, khi có quyền, có tiền tất cả mọi thứ quý bạn đều có thể mua được. Duy nhất chỉ có một thứ dù là bậc đế vương cũng không hề mua được. Đó chính là ĐẠO ĐỨC.
 
Muốn tích tụ Đạo Đức lại cho con cháu, quý bạn phải tích lũy nó lâu ngày chầy tháng; chẳng phải bạn đem thật nhiều tiền của tống vào đền chùa, cửa thánh mà có được. Thiên Chúa, Trời, Phật không biết ăn hối lộ đâu!
 
Gần tám chục tuổi đời, từng đi đây, đi đó, gặp gỡ nhiều người, nghe kể nhiều chuyện,… Rồi cũng như mọi người, tôi sẽ đến đích cuối của cuộc đời, chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ ra nghĩa địa. Tôi tự nghĩ những hiểu biết, nhũng kinh nghiệm trong cuộc sống của đời mình, nên chia sẻ với tha nhân – nhất là với quý bạn trẻ! Và tôi xem đó là trách nhiệm làm người của mình. Rất mong quý bạn cảm thông.
 
Sau cùng, tôi xin các bạn một điều, “Khi bạn toan giơ tay muốn đánh đập người nào, xin quý bạn hãy nhớ lại lời khuyên của tôi và nhớ đến con cái của quý bạn. Tuyệt đối xin quý bạn đừng bao giờ có hành vi độc ác như Tào Phi đối với cái xác chết của Chân Mật, vợ y”.
 
Mong thay!
 
Atlanta, Mar. 15, 2017
Thái Quốc Mưu
 
Địa chỉ:
6395 Glenbrook Dr.
Tucker, GA 30084
Email: danviet1995@aol.com
 
 
Tham khảo có trích đoạn:
- Đại cương Văn học sử Trung Quốc của Học giả Nguyễn Hiến Lê
- Văn Học sử Trung Quốc của Dịch Quân Tả
- Tam Quốc Chỉ của Trần Thọ
- Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung
- Kể Chuyện Tam Quốc của Lê Đông Phương
- Bách Khoa Toàn Thư

  Trở lại chuyên mục của : Thái Quốc Mưu