THÁI QUỐC MƯU

Hà Tiểu Thư
 

 
Cách phía Tây thành Trường An chừng vài dặm, có một con sông nhỏ chảy ra sông lớn. Gần đầu vàm* có một ngôi nhà to nhất vùng của một thương buôn, tên thường gọi là Lục Ông.
 
Lục ông mua bán tận Lão Qua, một năm về nhà chứng hai, ba lần. Bỗng một ngày kia có người trong đoàn mang hài cốt ông về báo tin ông mất vì sơn lâm chướng khí. Cũng từ đó trong nhà có nhiều điềm lạ: Ban đêm, mọi người đều nghe mồm một tiếng chân người! Lại có tiếng kéo ghế ngồi, tiếng rót trà vào ly, tiếng chén đũa khua côm cốp, cũng có tiếng dội nước như ai đang tắm vậy!
 
Tất cả đều hồn vía lên mây, van vái luôn mồm mà đâu cũng vào đấy! Đến nỗi Lục bà phải bỏ đi, gởi nhà lại cho người láng giềng cách vài mươi căn nhà trông coi! Thực tế, ngoài ngôi nhà trống trơn trống hoác chẳng có gì đáng trông coi, chẳng có gì để giữ cả! Lâu dần, ngôi nhà trở nên hoang vắng… Dây leo, cỏ dại chằn chịt phủ kín lối đi, hiên nhà trông ảm đạm, thê lương, âm u, hoang vắng, lạnh lùng...
 
Năm Canh Tý, triều đình mở khoa thi, Lý sinh, người làng Sơn Thượng, cũng lều chõng mang theo, dọc đường bị cướp. Trở về thì sợ mẹ buồn, nên lê lếch đến kinh đô. Tiền lưng cạn sạch, không tìm ra nơi nương tựa. Đang lang thang, thời may gặp được kẻ coi nhà giùm Lục bà, lại là người hảo tâm dẫn đến nhà Lục Ông. Người ấy cẩn thận dặn dò:
 
- Công tử cứ ở đấy, tiền nong khỏi tính, cũng như thay tôi coi giùm nhà bà ấy. Có điều, nếu có chuyện chi lạ cứ chạy qua tôi.
 
Rồi kể cho Lý biết những gì từng xảy ra trong ngôi nhà. Lý vốn chẳng tin chuyện hoang đường, nên xem đây là một dịp may.
 
Lý bước vào nhà, ấn tượng đầu tiên là thấy nền nhà thênh thang đã phủ một lớp bụi dày, đồ đạc đã được dọn đi sạch, chỉ còn lại các thứ cồng kềnh không đáng giá; chứng tỏ chủ nhân có ý chẳng quay về! Giữa gian chính vẫn còn bàn thờ và bài vị của Lục ông! Lục bà thật vô tình…
 
Lý quét dọn, lau chùi trong ngoài mấy ngày liền, lấy lại phần nào vẻ bề thế của ngôi nhà. Ban ngày, bếp ăn tỏa khói. Đêm đến bàn thờ của Lục ông ngan ngát mùi hương, đèn dầu thấp sáng. Nhờ đó, ngôi nhà trở nên ấm cúng hẳn lên.
 
Cả tuần trôi qua, chẳng thấy chuyện gì lạ, nhưng người láng giềng tốt bụng kể. Lý mỉm cười cho rằng mọi người nhiều tưởng tượng!
 
Đến một đêm…
 
Lý đang thiu thiu ngủ, bỗng nghe có tiếng chân người bước nhè nhẹ, chậm rãi đi trên nền nhà lát gỗ! Rồi có tiếng kéo ghế - đúng hơn là nhấc lên để xuống nhẹ nhàng như sợ ai nghe thấy vậy! Lý cảm thấy da thịt mình lạnh toát, gai ốc lợn cợn nổi lên đầy mình. Lại có tiếng rót trà vào ly… Tim Lý đập loạn xạ, hé mắt nhìn thì thấy một người đàn ông tuổi ngoại ngũ tuần đang ngồi trầm tư.
 
Lý nén thở, nhưng quái ác thay, tự dưng hắt hơi mấy cái liền! Người ấy không quay lại, mà hỏi:
 
- Công tử thức giấc rồi à? Mời uống trà!
 
Lý muốn tông cửa vọt ra ngoài, nhưng cố nén lại tìm mọi lý do để trấn an, rồi vội vàng thi lễ:
 
- Kính chào tiên sinh! Chẳng hay…
 
- Ta họ Lục, trước kia là chủ nhân ngôi nhà nầy!
 
- Thì ra là Lục tiên sinh. Tiểu sinh thật có lỗi.
 
Lục ông cười hiền từ:
 
- Có gì lỗi chứ? Ta cám ơn công tử còn không hết. Chính nhờ bàn ta của công tử mà khuôn viên nhà nầy thoát cảnh âm u. Nhờ khói hương công tử mỗi ngày mà linh hồn ta được đôi phần ấm áp. Không phải như ai kia…
 
Bấy giờ Lý mới có dịp nhìn kỹ Lục ông. Trán cao, mày rậm, tóc râu dù đã muối tiêu pha trộn, da dẻ xanh xao, nhưng, thần khí vẫn toát ra vẻ kiện khang quắc thước.
 
Hai người trò chuyện đến canh hai, Lục ông từ biệt, dù cửa vẫn chặt then cài, mà thoắt cái đà mất dạng.
 
Và, cứ vài đêm, Lục ông lại về… Hai người vẫn trò chuyện với nhau rất tâm đắc. Không lâu thành chỗ thân tình.
 
Lục ông vốn người thích văn thơ, có khi cùng Lý đối ẩm, xướng họa suốt đêm. Đến khi gà gáy mới giật mình từ biệt. Một lần Lý hỏi:
 
- Đây là nhà của tiên sinh, sao còn đi đâu chi nữa?
 
Lục ông cười cười:
 
- Sinh, tử là hai giới phận rạch ròi, nên chỗ ở của người sống và người chết cũng khác nhau.
 
Thoắt đã gần nửa năm! Một hôm Lục ông đến, nách cặp một vò Thiệu Hưng, vẻ mặt vui lắm:
 
- Hà Hà! Ta vừa lấy cắp đây! Hôm nay là Tết Trung Nguyên*, bố thí cô hồn, không có tội gì đâu!
 
Rồi rượu rót tràn tràn, chén tạc chén thù, văn thơ tuôn trào như thác đổ, đối đáp như bao lần. Đột nhiên Lục ông hỏi:
 
- Còn việc thi cử, công tử định lẽ nào?
 
Lý chưa kịp trả lời thì Lục ông tiếp:
 
- Ta thấy công tử là người chân chất thật thà, thạo điều nhân nghĩa, làm sao hợp chốn quan trường? Nơi đó là nơi cấu xé nhau như hổ báo tranh mồi, nói chi điều lương thiện? Đó cũng là chỗ mọi người ngoài mặt nói nói cười, mà trong áo lận sẵn đao ngắn, kiếm dài, đâu có chỗ đứng cho chuyện nghĩa nhân? Hơn nữa, muốn làm quan phải có tiền đong bằng đấu hoặc phải tựa thế dựa quyền mới có thể vươn thân. Mà những điều ấy, công tử nào đã được gì? Hoặc, vạn lần nhờ chân tài mà may mắn danh đề bảng hổ, thì lấy gì lót đường để tiến chức, thăng quan? Làm thế nào moi của công để vinh thân, móc ruột dân để ấm no thê tử?
 
Những chuyện nhơ bẩn công tử không làm, cố giữ mình là vị quan liêm khiết thì liệu có chịu nổi bao móng quạ, mỏ diều, miệng hổ, nọc ong không? Có được an thân không? Khà! Khà!
 
- Thời thái bình nầy liệu có tàn tệ như tiên sinh nói không?
 
- Thương thay cho công tử đã nhìn sự việc trên thế gian nầy bằng cặp mắt nhân hậu của bậc thánh hiền, mà quên rằng: Trong hớp rượu ngon nồng còn chứa nhiều chất độc hại người; trong trái lê thơm tho có thể bên trong loi  ngoi giòi bọ! Chừng nào cọp chê dê béo, chó chán phân hôi, thì lúc đó bọn nhà quan mới không tham ô, tham nhũng, mới chê đồng tiền hối lộ của người dân. Ha! Ha!...
 
Dường như vừa nói xong, Lục lão sảng khoái vô cùng! Cao hứng ngâm liền mấy bài tứ tuyệt. Lý họa lại ngay, ý tình phóng đãng, khẩu khí mờ trời… Tiếng chén cụng nhau côm cốp, tiếng nuốt rượu khè khà, ừng ực… Xem ra một già một trẻ cao hứng tột cùng.
 
Lục ông nói qua men rượu:
 
- Ta cùng công tử người góc biển kẻ chân trời! Một già một trẻ, kẻ tục người ma mà gặp nhau tình đầy ý mãn. Không phải là “duyên” thì gọi là gì? Tiếc rằng rượu chưa đủ say, lời chưa cạn ý mà đã chia lìa! Lát nữa đây, ta phải đi mà không về nữa!
 
Biết Lý định hỏi. Lục ông xua tay:
 
- Chuyện kể thì dài, mai sau có duyên ắt còn gặp lại.
 
Rồi lững thững đi ra, không vội vàng như bao lần, dù gà đã gáy canh ba.
 
Từ đó, Lý buồn ra mặt. Đêm đêm nhìn bài vị của Lục ông mà nhớ tới người bạn già đã ra đi không hẹn ngày tái ngộ!
 
Một sáng, Lý thơ thẩn quanh vườn, chân cứ bước mà lòng nghĩ ngợi miên man, đến khi con lạch* nhỏ chặn ngang lối đi, Lý mới trở về thực tại…
 
Dọc bờ lạch có một lối mòn, Lý men theo thì thấy một cây cầu nhỏ bụi bám rêu phong, dây dại hai bên bờ bò lên quấn bít cả lan can cầu, chứng tỏ nơi đây đã lâu không người lai vãng.
 
Tò mò men tới. Lại men tới nữa… thì nghe hương thơm sực nức trong làn gió nhẹ…
 
Thấp thoáng phía trước áo hồng lất phất trong một khu vườn hoa lá dị kỳ. Lý vội bước nhanh theo, thì ra, một ả a hoàn đang cố dìu một tiểu thư đứng dậy mà coi bộ không xong. Chợt thấy Lý, a hoàn nói như gắt:
 
- Tiểu thư ta trặc chân mà ngươi đứng như trời trồng ở đó! Coi được sao?
 
Tiểu thư lườm con hầu:
 
- Tiểu My! Can dự gì tới người ta chứ?
 
Lý còn sớ rớ, ngại điều “nam nữ thọ thọ bất thân” thì, Tiểu My lại cay cú:
 
- Người đâu vô tình như khúc gỗ!
 
Thế chẳng đặng đừng, Lý đành ngồi xuống cầm bàn chân của tiểu thư, xoay vài vòng rồi giật mạnh. May mắn sao (chỉ là may mắn) tiểu thư kêu “a!” một tiếng rồi xem ra dễ chịu. Nét thẹn thuồng làm đỏ thêm đôi má, lí nhí cám ơn.
 
Lý cùng Tiểu My dìu nàng dậy. Rõ ràng là một cô nương diễm lệ khác thường.
 
Đôi mắt đen thon thon, dài như mắt phượng nằm dưới hai bờ mi cong vút! Sóng mũi thanh tú trên đóa hoa môi tươi thắm, che kín hàm răng ngọc thể tinh anh. Có điều, cả hai chủ tớ da dẻ chẳng trắng ngần như con nhà đài các, mà nét “mặn mòi” như người rám nắng! Tuy vậy, nhưng vẫn không che được vẻ mịn màng thuần khiết, nghi phong của hàng thượng lưu cao quý.
 
Tiểu My ranh mảnh:
 
- Về thôi tiểu thư, kẻo có người lòi con ngươi ra đó!
 
Tiểu thư chần chừ. Lý lóng cóng:
 
- Dám hỏi…
 
- Thiếp gọ Hà…
 
Rồi vội quay gót ngọc sau khi để lại cái láy mắt làm xiu đổ lòng người!
 
Mấy ngày liền, Lý như kẻ mất hồn. Đứng ngồi đều nhớ về người đẹp họ Hà, nghĩ như trong mộng. Định bụng sẽ lần theo hướng cũ, quyết tìm lại giai nhân.
 
May thay! Một đêm Lý vừa chong đèn thì nàng tới. Tiểu thư vận bộ lụa đen, dáng điệu nhẹ nhàng lả lướt như mây, gian nhà nực mùi hương kỳ diệu, sảng khoái lòng người. Hai người trò chuyện đến đầu giờ tý. Nhìn Hà nhan sắc tuyệt vời, Lý cầm lòng không đậu, lộ mòi cợt bướm trêu hoa. Bạo dạn nắm tay nàng. Nàng cười:
 
- Thiếp với chàng vốn duyên tiền định, ăn ở với nhau đâu chỉ trong một sớm một chiều. Cần gì phải hấp tấp vội vàng như vậy?
 
Sau đó, hai người ăn ở với nhau như vợ chồng. Đêm đêm nàng đều đến, có khi cũng một đôi ngày, vẫn pha trà, mài mực,…
 
Hà tiểu thư vốn tinh thông cầm, kỳ, thi, họa. Lại biết nghề bốc thuốc. Đêm nào cũng ép Lý mày mò mấy bộ Y Thư*. Nay học mai trả bài, nghiêm khắc như thầy với đồ đệ. Có khi Lý đòi ngủ sớm. Nàng mắng:
 
- Là nam nhi mà chỉ biết chuyện trên giường thì làm sao rạng mặt tổ tông? Chàng không biết xấu hổ sao? Chàng thấy thiếp tự hiến mình, rồi cho thiếp là hạng liễu ngõ hoa tường phải không? Từ rày về sau, nếu cứ lôi thôi thì thiếp không về nữa.
 
Nói rồi vụt một cái mất tăm. Từ đó Lý nể nàng đến tám, chín chục phần…
 
Thế rồi hôm sau nàng vừa đến vội giục Lý vào phòng. Lý mừng rơn mà lại nghi nàng thử bụng mình, nên cứ e dè. Nàng nói:
 
- Có nghe không thì cho thiếp biết?
 
Dù nghiêm khắc, nhưng chuyện gối chăn vẫn như ngày đầu. Nàng chiều chuộng, vuốt ve, ân cần, chu đáo. Trước khi về nàng lại dặn dò:
 
- Nếu không muốn phạt thì ban ngày chàng nhớ học Y Thư đó nhé!
 
Lý răm rắp nghe theo. Và, những đêm sau cũng vậy! Vừa đến là giục Lý vào phòng. Khi đi lại dặn ôn tập Y Thư.
 
Thế mà một hôm nàng đến, vừa ngồi lại khảo bài. Hỏi đến đâu Lý đều đáp rang mạch rõ ràng. Nàng vừa ý lắm! Rồi đột nhiên nhìn đăm đăm vào chàng, hỏi:
 
- Mới có một tuần (1) sao mà tiều tụy đến thế?
 
Lý láu lỉnh:
 
- Nàng còn hỏi…
 
Nàng nghiêm giọng:
 
- Ấn đường đen như than kia, chắc chắn ma khí hoành hành, làm cho thần sắc đình trệ. Sắp chết đến nơi rồi mà còn giả khờ giả dại hay sao?
 
Rồi chạy ù vào phòng, lúc sao trở ra mếu máo:
 
- Rõ ràng hơi hám nó còn đây! Sao chàng nỡ lòng nào dối thiếp?
 
Rồi khóc lớn hơn. Lý chẳng hiểu gì, bèn kể lại mọi chuyện.
 
Bấy giờ nàng mới ôn tồn nói:
 
- Dị kỳ…
 
- Khi gần gũi nó, chàng có cảm thấy gì lạ không?
 
Lý chợt tỉnh, đáp lẹ làng:
 
- Hơi lạnh! Ta cứ nghĩ nàng đội sương mà đến…
 
Hà tiểu thư vẫn còn tấm tức:
 
- Con ma ranh nầy dám giỡn mặt với Hà tiên ta sao?
 
Nói rồi rút cây trâm cài đầu đưa cho Lý. Dặn dò:
 
- Khi nó đến, chàng cứ như không có chuyện gì, rồi lén cài trâm vào tóc nó, thiếp sẽ đến ngay!
 
- Thế sao hai người lại giống nhau như một?
 
- Có gì lạ đâu? Ma có thể biến mình xấu xí, thì cũng có thể biến mình đẹp đẽ chứ! Có trách thì hãy tự trách mình, hễ thấy sắc thì hồ đồ hấp tấp…
 
Hôm sao, vô tình “con ma tinh ranh” lại đến. Tình như lửa cháy chẳng khác chi mọi lần. Lý lại bối rối, lòng do dự mãi không nỡ cài trâm vào tóc nàng. Chàng nghĩ, tuy là ma, nhưng con ma nầy hiền hòa, dễ mến nếu cài trâm lên tóc biết đâu sẽ gây tác hại cho nàng! Nhưng nếu không làm theo ý của Hà tiểu thư thì phải ăn nói làm sao? Nên cứ thừ người, đến nỗi nàng ma lại giục:
 
- Sao ngồi ì ra vậy? Tác phong ăn cướp của mấy ngày trước đâu rồi?
 
Bỗng có giọng nói lạnh lùng từ ngoài phòng:
 
- Mi ăn trộm, còn xúi người khác ăn cướp nữa sao?
 
Thì ra là Hà tiểu thư. Ma nữ điếng người, vội choàng áo quần rồi chạy ra phủ phục trước mặt Hà, không nói được một lời, mặt xanh như lá.
 
Đến lượt Hà tiểu thư thảng thốt:
 
- Lục cô nương đó sao? Rõ thật ý trời khó cãi!
 
Lý mười phần khó hiểu, bởi cô nương nầy không còn mang dung mạo Hà tiểu thư nữa! Dù cũng vô cùng diễm lệ, mục tú, mi thanh… Trong vẻ hiền hòa còn có phần thơ dại. Nàng khoảng mười sáu, mười bảy tuổi. Sau nét thanh tao kiều diễm, thoáng một vẻ buồn lắng đọng thiên thu.
 
Quay sang Lý, Hà tiểu thư mỉm cười:
 
- Thiếp biết chàng là người trọng bề nhân nghĩa lòng thiếp thêm vui và càng trọng tính cách của chàng. Thực ra cây trâm ấy chỉ có công dụng duy nhất là làm đẹp giới nữ lưu mà thôi! Đoạn lấy ra một viên thuốc đưa cho Lý:
 
- Đây là Hà Tiên Đơn, công năng bồi dương ích khí, khu (khu như khử) độc, trừ tà, được tinh chế bằng củ hà thủ ô nghìn năm tuổi thọ. Nó còn giúp cho râu tóc dù đã trắng phau cũng trở nên đen bóng. Da dẻ dù trổ đồi mồi, nhăn nheo cũng trở nên hồng nhuận, săn chắc như tuổi đôi mươi.
 
Thuốc vừa khỏi cổ, Lý nôn liền mấy cục máu đen ngòm. Lục cô nương kinh hoàng, vội dìu Lý dậy, Hà tiểu thư điềm nhiên nói:
 
- Đó là “chiến tích” của cô nương đó thôi!
 
Lục tiểu thư chưa hết thẹn thùng, thì Hà lại đưa cho nàng một hoàn thuốc rồi bảo:
 
- Đây là Chiêu Dương Hoàn Khí Đơn. Hãy uống vào thì không lo gì nữa!
 
Lục tiểu thư vừa nuốt xong, không biết đùa hay thật. Hà tiểu thư lại bảo:
 
- Trong khi thuốc phát huy tác dụng, chớ xúi giục chàng “ăn cướp” nữa. Không tốt đâu!
 
Chẳng biết vì sự diệu dụng của thuốc hay bởi cả thẹn mà đôi má của Lục tiểu thư vụt đỏ bừng!
 
Rồi quay sang Lý, Hà tiên tiếp:
 
- Thiếp vẫn biết chàng và Lục tiểu muội đây cò duyên phần định sẵn, nhưng đâu ngờ lại đi ngang về tắt thế nầy! Nhưng kẻ tục người ma làm sao sống đến bạc đầu? Thôi từ từ thiếp sẽ lo liệu cho vậy! Bây giờ chàng cài trâm cho tân nương được rồi đó. Còn Lục muội (từ đây gọi là Lục muội) chớ quên giây phút nầy, để mai sau dễ bề sum họp.
 
Còn nữa, Lục muội lúc còn trong bụng mẹ thì quỷ vương đã sớm gọi về, nên chưa hề thấy được dương quang! Người nhà không hiểu, lại vùi nông một nấm! Nay mười sáu năm trời, giọt máu ấy đã thành cát bụi tự bao giờ, nhưng hồn phách vất vưởng chẳng chỗ dựa nương vô cùng lạnh lẽo. Chàng hãy lập bài vị, sớm hôm hương khói. Đêm đêm tụng giùm mấy lớp Kim Cang thì Lục muội mới mong siêu thoát.
 
Trong khi trò chuyện, dù có lúc pha trò mà âm thanh vẫn trong veo như suối biếc, phong nghi ngân ngất non cao. Rõ là đáng bậc đường đường mệnh phụ.
 
Lục muội vô cùng xúc động, lã chã dòng châu, mười phần tôn kính. Khi Hà tiểu thư ra về. Lý bịn rịn giữ áo. Nàng cười thật hiền hòa:
 
- Thiếp có đi luôn đâu mà chàng bấn lên như vậy! Điều cần nhớ là trời đất gió mưa cũng có lúc, còn chuyện vợ chồng không phải một ngày một bữa. Nếu cứ… - rồi nhìn sang Lục muội, như “ăn cướp” thì lần sau dù có Bồ Tát cũng không cứu nổi.
 
- Nàng cứ “phá” ta hoài! Có khi ta cũng bị “sơn tặc” tấn công dồn dập mà nàng lại quên đấy chứ!
 
Hà tiểu thư đỏ lừ đôi má, đưa nắm tay ngay mặt Lý, bậm môi:
 
- Bộ muốn chết phải hôn?
 
Từ đó, đôi ba ngày Hà tiên mới đến một lần. Lục muội trước sau cung kính ngang mày. Phần Lý cũng chẳng dám lơ là việc học thuốc.
 
Khi âu yếm Lục muội, Lý bảo:
 
- Quả là tiên đơn thần dược, nàng đã ấm lại rồi!
 
Một đêm, Hà tiểu thư đến, mặt ngọc rạng nét hân hoan:
 
- Thiếp đã lo lót Thành Hoàng, Thổ Địa cùng với lũ đầu trâu mặt ngựa ở Nghi Xuân rồi. Đâu đó êm xuôi. Để tính chuyện lâu dài, ngày Đoan Đương* tới đây Lục muội và chàng hãy tạm xa nhau.
 
Hà tiểu thư dặn dò hai người chu đáo xong, lại nói:
 
- Những gì thiếp dặn, không thể sai sót mảy may. Chàng hãy nhìn kỹ gương mặt diễm lệ của Lục muội đi để sau nầy khó nhìn lại được nữa…
 
Trong khi Lý và Lục muội vô cùng ngơ ngác, lại tiếp:
 
- Sau khi hai người bái đường, đến tiết Đông Chí* hãy đến Hà Gia Trang một chuyến sẽ gặp chuyện lạ!
 
***
 
Đào tiểu thư, con gái duy nhất của cự phú Đào công, không bệnh tự nhiên lăn đùng ra chết suốt cả mấy giờ lại đột nhiên ngồi dậy, làm xôn xao cả huyện Nghi Xuân! Đào gia vô cùng mừng rỡ, nhưng Đào công lại buồn rầu, thất vọng vì dù cô con gái cưng còn sống mà cũng như không. Chẳng nói một lời, ú a ú ớ như người câm, nhãn mục vô quang, khí thần bất định. Y như kẻ dại khờ!
 
Hàng trăm lương y trong ngoài huyện đành chịu bó tay! Đào gia đang lo buồn não ruột, thì người nhà báo có thấy thuốc họ Lý đến xin xem mạch. Vì thất vọng quá nhiều Đào công lòng dạ chẳng vui, nhưng cũng cho mời vào. Thấy Lý còn trẻ Đào ông càng mất lòng tin, lòng thêm chán nản… Tuy nhiên, vẫn giữ giọng ôn tồn cố hữu:
 
- Như lão phu đã hứa, bất cứ vị nào chữa lành bệnh tiểu nữ, lão phu cũng cắt nửa gia sản nầy.
 
- Tiểu sinh không dám! Chỉ mong được cùng tiểu thư gá nghĩa phu thê.
 
Đào công nhìn Lý, thấy tướng mạo khôi ngô, nói năng hòa nhã, mười phần mãn ý. Rồi truyền gia nhân vào mời Đào tiểu thư ra. Quả là một cô nương nguyệt thẹn hoa nhường. Có điều như ngây như dại. Nhớ lời dặn của Hà tiểu thư, Lý chìa cây trâm ngọc trước mặt Đào tiểu thư rồi nói vừa đủ nàng nghe:
 
- Lục muội! Lục muội! Nàng còn nhớ vật nầy không? Để ta cài trâm lên tóc muội nhé!
 
Lạ lùng thay! Vừa nghe hai tiếng “Lục muội” và nhìn thấy cây trâm thì Đào tiểu thư trố mắt như nhớ lại điều gì. Không chờ lâu, Lý vội đưa nàng hoàn thuốc, bảo nuốt ngay, đoạn vỗ vào trán nàng ba cái… Gọi khẽ:
 
- Lục muội! Hãy xem ta là ai đây?
 
Đào tiểu thư nhìn chăm chăm vào Lý một hồi, rồi vụt ôm chàng, nước mắt ràn rụa:
 
- Lý tướng công!
 
Mọi người trông thấy đều kinh ngạc.
 
Đào tiểu thư hết bệnh, cả Đào gia trang đốt đuốc ăn mừng. Đào công không giấu được niềm vui. Tiếng lành đồn xa, ba tiếng “Lý Thần Y” xôn xao mọi tầng lớp nhân gian, trong thôn, ngoài huyện…
 
Đến ngày hẹn. Lý cùng Lục muội (trong xác Đào tiểu thư) chuẩn bị đến Hà Gia Trang.
 
Theo đường cũ, qua cầu một đỗi, thì thấy ngay một vùng dị thảo kỳ hoa, trăm màu muôn sắc như cười cợt dưới ánh dương. Một bên tùng bách lâu đời sừng sững. Bên kia, chằng chịt quần thể một loại dây leo chiếm cả một vùng rộng lớn. Có dây bề vòng lớn hơn cái đấu. Vốn giàu y thuật, Lý biết ngay đó là hà thủ ô hằng thiên niên kỷ, một loại linh dược cải lão hoàn đồng, bổ thần sinh khí.
 
Trước mắt, thấp thoáng ba chữ Hà Gia Trang* chạm ngọc, cẩn vàng lấp lánh chói chang, được trên hai trụ cổng bằng tử thạch (đá quý màu tím) vô cùng đường bệ.
 
Cả hai còn đang nhìn cho thỏa mắt nhóm kỳ quan do người tạo dựng thì một đội ngũ a hoàn đồng loạt cúi rạp mình nghênh đón. Dẫu là kẻ hầu nhưng người nào người nấy trông chừng cá lặn chim sa, dung phong phượng múa…
 
Bước lên chín bực thềm lát bằng đá quý, là một đại sảnh toàn mã não, trầm hương. Từ cánh cửa ra vào cho đến đồ gia dụng, mọi thứ đều bóng như gương, không hoen hạt bụi.
 
Hà tiểu thư tiếp chàng bằng vòng tay nặng tình hương lửa, mặc phía sau Tiểu My cùng một ả a hoàn khác phải cúi mặt thẹn thuồng! Trên mái tóc Hà tiên được cài bằng nhiều hoa hà thủ ô trắng nhỏ, tỏa hương thơm ngan ngát. Sau khi an vị, trò chuyện chừng một tuần trà, Hà tiểu thư nói với Lý:
 
- Chàng hãy quay nhìn xem kìa! Coi có nhận là ai đây không?
 
Từ bên trong, một người đàn ông quắc thước, da dẻ hồng hào, râu tóc đen tuyền bước ra. Lý ngần ngừ:
 
- Lục… Lục tiên sinh…! Phải không?
 
Lục ông cười, khoe hai hàm răng rắn chắc.
 
Lý mừng rỡ, khen:
 
- Trông tiên sinh cốt cách phi phàm, khác hẳn xưa kia!
 
Hà tiểu thư nói với Lý:
 
- Bây giờ mà còn gọi tiên sinh! Còn chần chờ gì mà không ra mắt nhạc phụ?
 
Lý vội vàng quỳ xuống thi lễ:
 
- Con xin bái kiến nhạc phụ!
 
Trong khi Lục ông đỡ Lý đứng dậy. Hà tiểu thư nhìn Lục tiểu thư, nói:
 
- Lục muội! Sao em còn đứng đó?
 
Đào tiểu thư (nhưng hồn Lục tiểu thư) như chợt tỉnh cơn mê vội lao mình đến Lục ông mừng rỡ reo lên:
 
- Phụ thân! Phụ thân!
 
Lục ông thoáng bỡ ngỡ, lại hiểu ra ngay. Ông mở rộng hai vòng tay ra đón, kêu lên:
 
- Con gái của ta! Con gái của ta đây rồi!
 
Lý hỏi:
 
- Nhạc gia! Sao Người cũng có mặt nơi đây?
 
Lục ông cả cười:
 
- Chuyện khá dài dòng, tựu trung con đường ta đi tới chẳng khác gì còn đường hiền tế đến. Đó chẳng qua là duyên số!
 
Đêm hôm ấy cha con Lục ông chuyện trò suốt sáng. Còn Lý cùng Hà tiểu thư, kẻ phóng giáo, người đỡ khiên “giao đấu” suốt đêm.
 
Lý rót vào tai Hà tiểu thư, hỏi đùa:
 
- Bộ tiên cũng thích “món mặn” nầy nữa sao?
 
- Khờ quá! Chẳng lẽ thái tử, công chúa trên trời, tự nhiên mà có được à? Còn công tử, tiểu thư, thiên binh, thiên tướng không lẽ do mây nước tạo thành? Dù được vãn sinh* nơi tiên giới, thoát kiếp luân hồi, được ở nhà vàng lầu bạc mà chẳng có tình yêu thì khác gì cỏ cây gỗ đá? Dù nơi ở là cõi bồng lai tiên cảnh mà chẳng có hương vị của đời thì mấy ai ao ước đến đó chứ?
 
- Bất cứ ai cũng có thể thành tiên được hay sao?
 
- Đúng vậy! Cả cỏ cây gỗ đá cũng không ngoại lệ. Thạch Cơ* nương nương không phải là do tảng đá ngàn năm tu thành chánh quả? Sâm nương nương không phải do cây nhân sâm chín đời miệt mài thụ khí âm dương mà phiêu diêu tự tại trên cõi trời? Có điều từ căn cơ mà thời gian chứng quả chóng hay chầy. Dòng giống thiềp là hà thủ ô đen* (có loại màu đỏ là hà thủ ô đỏ)
 
Lý ngập ngừng… rồi chợt kêu lên:
 
- Hà thủ ô đen? Thảo nào…
 
Lý bị nhéo đau. Giọng Hà tiểu thư gằn từng tiếng một:
 
- Thảo nào không được trắng phau phau như con ma đã hút hết nguyên khí chàng… Phải không?
 
Lý giữ thói trăng hoa:
 
- Nhưng tuyệt diệu gấp vạn lần. Rõ là tiên có khác!
 
Bỗng Hà tiểu thư trở nên nghiêm nghị. Giọng ôn tồn:
 
- Vợ chồng ta duyên phần đã mãn. Dù bếp tình vừa nhen nhúm nhưng cũng bừng cháy ngọn lửa tào khang. Mai đây, chàng còn nặng gánh hồng trần, phần thiếp cũng lo cho ngày về tiên giới! Hãy nghe lời thiếp mà chuyên tu y thuật, hầu cứu độ phần nào nỗi khổ của muôn người. Cùng nghể y, mà có thể tạo phúc năm đời cho con cháu, khi mãn phần có thể được siêu sanh tịnh độ. Cũng nghề y mà có thể di họa chín kiếp tử tôn bị đày đọa chốn a tỳ, hỏa ngục, đời đời không được siêu thăng.
 
Thế gian không thiếu, những kẻ khoác áo lương y, mồm mép rêu rao “Thầy thuốc như mẹ hiền” mà bụng dạ sắp mưu bày điều trục lợi. Xem bệnh nhân là phương tiện hái ra tiền! Chưa bắt mạch đã cò kè lên một thêm hai! Lấy lợi lộc để trên đầu, quăng y đức vèo xuống vực.
 
Những kẻ ấy khi chết đi, quỷ vương lột da xẻ thịt trăm lần cũng chưa hết tội. Đời đời kiếp kiếp cũng không thấy được ánh quang trên thượng giới. Mới hay, Thiên Đàng, Niết Bàn hay Địa Ngục đều do cách sống của ta chứ chẳng đâu xa. Làm điều thiện khi sống thì lòng dạ thanh nhàn. Lúc chết thì thiên thần, chư tiên đến đón. Còn những kẻ làm điều bại hoại nhân nghĩa, làm băng hoại đạo lý, giả nhân, giả nghĩa, giả hình thì đối với nơi an nhàn hay cõi vĩnh hằng… xa xôi như vạn lý trường đồ. Chàng phải để dạ những lời của thiếp, hầu ngày sau…
 
Lý định nói, thì Hà tiểu thư tiếp:
 
- Khi bình minh ló dạng thì đôi ta phải chia tay. Thiếp biết chàng đau khổ lắm, nhưng hãy cố phôi phai! Nhớ ghi lời của thiềp, thành tâm thi ân bố đức thì cơ duyên sẽ đến gần, may ra còn gặp lại!
 
Tiếng gà gáy rộ…
 
Hà tiểu thư thích nhẹ vào hông Lý, rồi chồm dậy kê xác vào tai Lý, thỏ thẻ:
 
- Sắp sáng rồi! Chàng để bản chất như ăn cướp của chàng ở đâu mà nằm yên ra đó! Không biết gì khác nữa sao?
 
***
 
Trời hừng sáng, ánh dương còn chìm dười biển sâu. Mọi người chia tay. Lục ông cùng Hà tiểu thư đi sau tiễn chân Lý và Lục muội.
 
Trên đường, đến chỗ khi trước Lý gặp Hà tiểu thư bị trặc chân. Lý bồi hồi quay lại thì Lục ông, Hà tiểu thư cùng cánh cổng, ngôi nhà đều biến mất. Nhìn quanh chỉ thấy một rừng hà thủ ô dây leo chằng chịt, che kín tầm nhìn…
 
***
 
Theo lời Lục muội (trong xác Đào tiểu thư), Lục ông có để lại một hòm kim ngân, chôn tại Tây hiên. Nhờ đó, hai người trùng tu lại gia trang quy mô, đồ sộ… Xinh đẹp vô cùng!
 
Từ đó, ngày ngày hai vợ chồng bốc thuốc cứu nhân độ thế. Y đức vang danh, gầm trời nức tiếng.
 
Lý mẫu (Mẹ của Lý) lúc mới rước về, tóc trắng như bông, dần dà trở nên đen mượt. da dẻ nhuận hồng. Đến ngoài một trăm vẫn còn khang kiện, chẳng chịu an nhàn hưởng phước, ngày ngày lo việc phơi thuốc, nấu cao, người người tôn quý!
 
Lục muội trổ sanh một hoa, một quả. Nhưng lạ lùng! Đứa gái lớn giống Hà tiểu thư như đúc. Để nhớ ơn Hà, Lý đặt tên con là Hà Tiên. Càng lớn Hà Tiên càng cực kỳ phương phi diễm lệ thoát tục, phi phàm…
 
Đứa trai nhỏ tên Lý Lục Đào, ngụ ý để nhớ hai người vợ kẻ xác, người hồn. Lục Đào vô cùng thông tuệ, sáu tuổi đã làu thông Tứ Thư, Ngũ Kinh. Mười bảy tuổi đổ Thám Hoa. Nhưng nghe lời cha, không ra làm quan, ở nhà bốc thuốc.
 
Sau khi Lục mẫu chầu Trời. Lý buồn, thẩn thơ men về lối cũ, mấy bữa không về. Lý phu nhân (Lục muội vợ của Lý) hốt hoảng chạy tìm, nhưng đường xưa bặt lối, càng len vào sâu, dây leo, gai gốc càng nhiều, đành phải quay về. Từ đó, không ai thấy Lý đâu nữa…
 
Mùa Xuân năm Bính Dần, có dịp sang Tàu, ta ghé Quảng Đông tìm về thôn Kỳ U, Huyện Phong Thuận, gặp Thái thúc thúc* thủ từ Thái Miếu*. Ông kể chuyện nầy cho nghe. Và ân cần dặn ta, khi về nhớ viết kể lại cho bá tánh xem chơi.
 
Atlanta, Mar. 09 - 2008.
Thái Quốc Mưu
________________
 
Ghi chú:
 
Vàm: Ngã ba sông, nơi gặp gỡ từ một đầu sông nhỏ chảy ra sông Cái (sông lớn).
 
Từ một đầu sông Cái chảy ra gặp biển không gọi là Vàm mà gọi là Cửa Sông hay Cửa Biển (thường thì gọi Cửa Biển)
 
a)- Nhánh sông Tiền có 6 cửa: 1. Cửa Ba Lai - 2. Cửa Hàm Luông - 3. Cửa Cổ Chiêng - 4. Cửa Đại - 5. Cửa Tiểu - 6. Cửa Cung Hầu.
 
b)- Nhánh sông Hậu chảy ra biển bằng ba cửa: 1. Cửa Định An – 2. Cửa Ba Sắc (hay Bát Sắc (Bassac) – 3. Cửa Tranh Đề (hay Trần Đề).
 
Xin lưu ý: Qua trí nhớ, tên các cửa sông (hay cửa biển) có thể người viết không chính xác. Xin quý độc giả cảm thông.
 
Trong 9 cửa sông chảy ra biển thì, Cửa sông Ba Lai bị “đỉnh cao trí trệ” cho đắp đập, nghe nói, dường như không còn tự nhiên chảy ra biển như trước kia, mà, chỉ khi nào xổ đập nước mới tràn ra biển. Còn Cửa Bát Sắc, cũng nghe nói, do Cồn cát nổi lên nhiều, ép chặt làm nghẽn cửa sông cũng không còn chảy ra biển.
 
Trên đây là 9 nhánh sông chánh của dòng Cửu Long chảy ra biển. Ngoài ra, dường như còn có những cửa là nhánh của các con sông lớn cũng chảy ra biển, tên những cửa sông nhỏ nầy người viết không biết. (Hình dưới đây copy từ internet)
 

* Tiết Trung Nguyên: Nhằm ngày Rằm (ngày 15) tháng Bảy âm lịch. Năm nào cũng đúng vào ngày cố định nầy. Ta thường gọi là lễ Vu Lan Bồn hay Mùa Báo Hiếu, kỷ niệm ngày Mục Liên xuống địa phủ tìm mẹ là Thanh Đề. Lễ nầy bao gồm tục phóng sanh, bố thí cô hồn, dưới âm phủ còn xá tội vong nhân.
 
Tục phóng sanh là dung bẫy, rập,…bắt những con chim đang bay nhảy tự do ngoài trời, nhốt vào lồng, rồi đem bán cho kẻ khác để họ thả ra. Như vậy, gọi là “phóng sanh” có đúng không? Nếu không có tệ đoan nầy thì những con chim đó vào mùa “phóng sanh” có bị bắt, bị nhốt vào lồng không?
 
Còn Mùa Báo Hiếu phải phăng chờ đến Mùa đó con cái mới chăm sóc Mẹ, Cha, còn những ngày khác thì sao, cứ để mặc cho Mẹ Cha đói rét…?
 
* Lạch: Dòng nước nhỏ, cạn chảy ra kinh, rạch, sông.
 
Y thư: Sách dạy làm nghề thuốc.
 
* Ngày Đoan Dương: Còn gọi Ngày Đoan Ngọ hoặc, Ngày Đoan Ngũ nhằm ngày mùng Năm tháng Năm âm lịch.
 
* Tiết Đông Chí: Nhằm ngày 21, hoặc 22, hoặc 23 tháng 12 Dương lịch (khoảng 11 Âm lịch). Ngày năm sau có thể khác với ngày năm trước. Không nhất định.
 
* Tiết Thượng Nguyên hay ThượngNguơn: Cố định vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch.
 
* Tiết Hạ Nguyên hay Hạ Nguơn: Cố định vào ngày Rằm tháng Mười Âm lịch.
 
* Tiết Hàn Lộ: Vào ngày 8 hoặc 9 tháng Mười Dương lịch. Tiết nầy mỗi năm có một ngày khác nhau.
 
* Tiết Hàn Thực: Cố định vào ngày 3 tháng Ba Âm lịch. Ngày nầy dân Tàu phù ăn đồ nguội, không nấu nướng để nhớ Giới Tử Thôi.
 
* Tiết Trung Thu: Cố định vào ngày Rằm tháng Tám Âm lịch.
 
* Tiết Nguyên Đán: Cố định vào những ngày đầu năm Âm lịch.
 
Trên đây là một vài trong 24 cái Tiết theo lịch Tàu phù.
 
Một điều lạ lung, là những Tiết nhằm vào ngày Âm lịch thì cố định. Còn những Tiết ghi vào ngày Dương lịch thì, thường thay đổi ngày từng năm. Chẳng hạn, Tiết Thanh Minh, không năm nào giống ngày năm khác! Thậm chí có năm Thanh Minh trong tháng Hai Âm lịch.
 
Điều đáng lưu ý khác, chữ Tiết và chữ Nguyên, dân Việt ghét Tàu phù xâm lược, nên không thèm gọi Tiết mà gọi bằng TẾT. Nhưng Thời Tiết, ta không gọi Thời Tết, vẫn gọi Thời Tiết để bọn Tàu phù biết… dân ta gọi đúng danh Tiết cho tụi bây biết mặt.
 
Chữ Nguyên không gọi bằng Nguyên mà gọi bằng Nguơn.
 
* Hà Gia Trang: Trang trại họ Hà.
 
* Vãn sinh: Trong bài là cuộc sống an nhàn, bất tử ở đời sau (có không đây?). Ngoài ra Vãn sinh còn là tiếng để xưng với người đối diện mà lớn tuổi hơn mình (Vãn sinh = Kẻ sinh sau, đẻ muộn).
 
* Thạch Cơ: Tên nữ nhân vật huyền thoại của tổ tiên giặc Tàu trong truyện cổ Phong Thần.
 
* Thái thúc thúc: Người chú họ Thái
 
* Thủ từ Thái Miếu: Người trông coi nhà Tông Đường của họ Thái.
 


  Trở lại chuyên mục của : Thái Quốc Mưu