THÁI QUỐC MƯU


Nhà Thơ NGUYỆT LÃNG
Con Người & Bằng hữu
 
Tiểu sử:
 
Nhà thơ NGUYỆT LÃNG, tên thật Nguyễn Văn Thẩm, sinh năm 1947, quê xã Vang Quới, Bình Đại, Bến Tre. Ông viết văn làm báo và viết cổ nhạc từ năm 1969. Trước tháng Tư, 1975 có thơ, văn đăng trên các báo ở Sàigòn.
 
Thuở nhỏ sống trong gia đình nghèo khó, ông phải bỏ quê trôi dạt lên Sàigòn, làm đủ thứ nghề để mưu sinh và đi học. Ông là người có chí lập thân. Năm 1968 bị động viên vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau khi ra trường vài năm, với tinh thần nghệ sĩ chân chính, ông cảm nghiệm ra cuộc chiến “nồi da nấu thịt” hoàn toàn phi lý, bèn tự hủy hoại thân thể và được giải ngũ. Và vẫn ở Sàigòn, lăn lóc trên trường chữ nghĩa, sống cầm hơi bằng tiền nhuận bút.
 
Sau ngày 30-4-75, ông trở về quê ở xã Vang Quới, Bình Đại, Bến Tre, nhưng bị địa phương nơi sanh ra mình không chấp nhận, đuổi đi. Ông trở nên trôi nổi nhiều nơi, cuối cùng tìm được bến đỗ tại Xã Minh Hương, Bình Phước, làm nghề rẫy là chính, viết là phụ. Vẫn sống trong nghèo khổ.
 
Nghĩa tình bằng hữu:
 
Ông là bạn chí thân của 3 anh em cùng sống bằng nghề viết lách: Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh), Thái Quốc Tế (Kha Tiệm Ly), Thái Quốc Thế Nguyên (ALý Phượng Tuyền). Bốn người họ rất thân nhau.
 
Năm 2012, Thái Quốc Mưu từ Mỹ gọi về thăm ông, Nguyệt Lãng cho biết ông đi khám bệnh mới phát hiện bị bệnh ung thư bao thời kỳ cuối, phải truyền hóa chất 18 lần, nhưng vì nghèo khổ ông đành ôm bệnh với những cơn đau xiết. Từ đó, Thái Quốc Mưu giúp đỡ ông triệt để, cầm cự được sáu bảy lần vô hóa chất, biết mình không thể kéo dài cuộc sống. Lần cuối cùng ông e-mail cho Thái Quốc Mưu:
 
“Liêu, Tôi biết mình không thể sống lâu hơn nữa, nên thư nầy đến Tiên Sinh để cám ơn tri ngộ. Tình bạn của chúng ta là một nhân duyên tốt đẹp, thật đáng tiếc tôi phải chia tay các anh ở giữa đoạn đường trần. Tôi hơi mệt... Xin vĩnh biệt từ nay”.
 
Thế rồi, hai hôm sau, Nguyệt Lãnh lên đường về cõi vĩnh hằng lúc 2 giờ sáng ngày 1/1/2014 (nhằm ngày 1 tháng Chạp năm Quý Tỵ) hưởng thọ 66 tuổi. Linh cữu được quàng tại nhà riêng số 57/4 xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, lễ an táng cử hành lúc 8 giờ 30 ngày 4/1/2014.
 
***
 
THƠ NGUYỆT LÃNG
 
CHUYỆN CHIẾC CẦU.
(Trường ca).
 
Mấy mươi năm lửng thửng sống bên cầu
Tôi chưa thấy ai người đi qua đó
Nước vẫn chảy dưới chân cầu… Và, gió…
Vẫn mơn man đùa tay vịn trên cầu
 
Nghe nói cầu được xây dựng rất lâu
Là công sức của hai làng góp lại
Để ghi nhớ một ngày trọng đại
Khi hai làng hữu hảo kết thông gia
 
Nghe nói từng sắm đến mấy kiệu hoa
Thủ chục cặp xôi vò mươi mấy quảy
Rượu sẽ chảy như chân cầu nước chảy
Liểng và hoa như sắc bướm rợp trên cầu
 
Trai gái làng hứa hẹn thắm duyên nhau
Hẹn đến lúc cầu xây xong sẽ cưới
Ngày hợp long có bao nhiêu là pháo
Bao gánh xôi và rượu cúc, xôi vò…
 
Những nạ dòng cứ vừa chạy vừa vo
Xăn vén mãi cũng không thành móng lợn
Tóc dầu lạc lắc lư đùi mông sấn
Mỡ gáy cao còn bóng lưỡng môi trầu.
*
Đến một hôm hàng Tổng luận công đầu
Hai Lý trưởng tranh nhau ghè mắt liếc
Hai chiếc ô thành côn quyền quyết liệt
Đóng cầu đi! Thề đến chết cũng không nhìn…!
 
Lý trưởng làng chém vào mép lan can
Dẹp, dẹp hết chẳng thông gia thông giếc…
Nạ mông sấn đem tre gai đóng cọc
Ở hai đầu làm lô cốt. Cấm đi qua!
*
Hai làng kia như quà quạ với cò
Kể từ đó như trâu đen trâu trắng
Quyết không trộn lẫn ngô cùng sắn
Trai làng ta cứ cưới gái làng mình..!
 
Chỉ tội cho người con gái đoan trinh
Chờ đợi mãi hết năm cùng tháng tận
Gầy guộc lắm như xác ve tàn lụn
Cũng không sao quên được mối duyên đầu!
*
Mấy mươi năm thùi thủi sống bên cầu
Lưng tôi võng nhưng lưng cầu chưa võng
Và vẫn thế gió trên cầu vẫn lộng
Chỉ lá vàng chưa tiết đã xa nhau..!
 
Rồi một hôm cầu gục xuống chân cầu
Xa trông hệt như một người bó gối
Sông vẫn cứ một dòng trôi tức tửi
Bao giờ sông còn về được bên nguồn..!
*
Cả trăm năm sừng sững đứng bên đường
Cây đa đỏ giấu nỗi buồn không nói
Đã từ lâu do đất lề quê thói
Tạo tính câu mâu và cố chấp của làng
 
Cho nên cầu vốn dĩ đễ đi sang
Mà rêu mọc ngăn cách làng bao thuở
Cầu vẫn đợi như một người góa bụa
Dựa chân cầu nước mắt chảy như tuôn!
 
 
Nguyệt Lãng
Bình Phước ngày thứ tư 15 tháng 8 năm 2012.
(Bài thơ vừa viết xong trước khi vào bịnh viện)
 
 
Trên Báo Bình Phước, Nhà văn XUÂN NAM viết về NGUYỆT LÃNG
 
NGUYỆT LÃNG Còn Lại Với Thời gian
 
Nguyệt Lãng tên khai sinh là Nguyễn Văn Thẩm. Anh sinh tại Bến Tre và lập nghiệp tại Bình Phước. Anh là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Phước và là người cộng tác nhiều năm ở Báo Bình Phước. Sau hai năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, ngày 1-1-2014, nhà thơ Nguyệt Lãng đã ra đi để lại nỗi tiếc thương trong lòng bè bạn và những ai biết đến thơ anh.
 
Nguyệt Lãng nổi danh với bài thơ “Rau đắng đất” sáng tác năm 1972 và được nhạc sĩ Bắc Sơn phổ nhạc. Sáng tác của anh đi sâu vào thân phận con người với phong cách chân thực, gần gũi, đồng cảm với vùng quê hương sông nước miền Tây Nam bộ, được bạn đọc yêu thích, mến mộ.
 
Tuổi thơ của Nguyệt Lãng gắn với vùng sông nước Bến Tre: “Tuổi thơ đi với bông bần/ Ước mơ tôi thả trắng ngần bến sông”. Cái nghiệp văn chương đã sớm kéo bước chân Nguyệt Lãng phiêu bồng qua các miền quê. Anh đem theo khát vọng muốn thoát ra khỏi cuộc sống tù túng. Cái khát vọng có chút phiêu lãng giang hồ.
 
Cái sâu lắng của Nguyệt Lãng là thấu hiểu được khát vọng trong con người sống giữa sự tù túng. Đọc bài “Quê nghèo”, tôi lại liên tưởng đến “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Đó là thân phận người nông dân nơi chốn bùn lầy nước đọng vẫn hằng khao khát một cuộc đổi đời.
 
Nói đến quê hương là nói đến mẹ. Mẹ là hình ảnh hiển hiện trong tâm trí người đi xa. Người mẹ của Nguyệt Lãng cũng như bao thân phận của người phụ nữ nông thôn trên đồng đất miền Tây. Họ phó mặc duyên phận may rủi. Thân phận họ khác nào giọt mưa. Từ giọt “mưa sa” trong ca dao đến giọt “mưa rụng” xuống “ao làng” của Nguyệt Lãng cho ta thấy nỗi buồn về số phận người phụ nữ vẫn xuyên suốt qua mấy thế kỷ.
 
Người mẹ của Nguyệt Lãng trên cánh đồng miền Tây hun hút mênh mang ấy vẫn ôm ấp những kỷ niệm về tình yêu. Nguyệt Lãng đã lách vào nỗi niềm nhạy cảm nhất của người mẹ. Mẹ cũng như bao phụ nữ khác, cũng có quyền được giữ riêng cho mình những kỷ niệm về tình yêu của một thời con gái. Có lẽ chỉ ở vùng đất nơi có điệu hò phương Nam mới có cái nhìn thoáng như vậy. Cái nhìn ấy lại được đưa vào văn chương, nó vượt qua rào cản và ảnh hưởng của hàng ngàn năm phong kiến.
 
Nguyệt Lãng còn viết về người chị mười sáu tuổi như cây cải “trổ ngồng”. Cha mẹ vội gả chồng nơi xa xứ. Còn chị thì “Như đọt mướp bỏ vòi bám giữ/ Câu ví dầu... đừng gả con xa”. Cái hình ảnh người chị còn non như cái “vòi mướp” quấn lấy cha mẹ. Và rồi cuối cùng cũng phải gỡ ra khỏi vòng tay cha mẹ để về nơi xứ người.
 
Hình ảnh người chị lại xuất hiện trong bài thơ “Rau đắng đất”. Bài thơ đã được âm nhạc chắp cánh và có sức lay động lan tỏa qua nhiều thập kỷ. “Nhìn quãng đồng xa một làn khói trắng/ Cũng bâng khuâng nhớ lắm quê mình/ Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh!”.
 
Đọc “Rau đắng đất” ta liên tưởng đến “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm. Hai bài thơ có sự gần gũi về giai điệu và cũng là lối thơ tự sự. Nhưng Nguyệt Lãng gắn câu chuyện của mình với những cuộc đời riêng, nỗi niềm riêng của người dân nơi vùng sông nước miền Tây Nam bộ.
 
Nguyệt Lãng còn nhiều bài thơ nói đến người đến cảnh ở vùng đất Bến Tre quê hương anh và rộng ra cả vùng Nam bộ. Thơ Nguyệt Lãng không kể lể, liệt kê. Anh cũng không làm cái việc ghi
chép lại nét văn hóa, phong tục ở mỗi làng quê.
 
Mỗi bài thơ của Nguyệt Lãng đều chứa đựng một tâm trạng, một nỗi niềm và có khi là một kiếp đời. Nguyệt Lãng đã đi sâu vào thân phận con người với nỗi niềm day dứt trăn trở không nguôi.
 
Đóng góp của Nguyệt Lãng trong văn chương chính là việc anh đi sâu vào thân phận con người, chia sẻ nỗi đau và khát vọng của họ. Đặc biệt là thân phận người nông dân miền Tây sống giữa đồng đất mênh mang với những trận lũ tràn bờ, những cuộc đời lênh đênh như cánh bèo trôi. Nhưng trái tim thuần phác của họ luôn ấp ủ ước mơ, những hy vọng. Thơ Nguyệt Lãng đưa tới một thông điệp đó là tình yêu quê hương và thôi thúc chúng ta giải phóng con người khỏi cảnh đời tù túng.
 
Nguyệt Lãng đã ra đi! Bước chân “lãng tử” đã dừng! Những sáng tác của anh cũng không nhiều nhưng sâu sắc. Đặc biệt tác phẩm “Rau đắng đất” của anh vẫn còn xanh mãi trong lòng người dân đất Việt yêu nước, thương quê.     
 
Xuân Nam
 
***
 
VĨNH THÔNG: Nhà Thơ NGUYỆT LÃNG Một Mình Qua Bến
 
Năm mới dương lịch 2014 về trong sự hân hoan chờ đón của bao người, với biết bao hy vọng mới, niềm tin mới. Vậy mà khi đó có một người thơ lặng lẽ từ giã cõi đời khi đất trời vừa bước sang một chu kỳ mới chỉ được vài giờ. Nhà thơ Nguyệt Lãng đã ra đi ở tuổi 66, bình thản về đất trong sự bất ngờ của biết bao bạn bè văn nghệ. Cuộc đời quả là vô thường, có đó rồi mất đó, mới đây mà…
 
Ngày đầu tiên của năm dương lịch 2014, bận một số công việc gia đình nên mãi đến tối tôi mới có thể online được, thật bất ngờ khi hay tin nhà thơ Nguyệt Lãng từ trần lúc 2 giờ sáng ngày 1/1. Không muốn tin vào mắt mình, tôi đã vội vã liên hệ một vài người bạn để xác nhận thông tin, và đến khi đó, tôi đã thật sự không kìm nổi xúc động. Tính ra thì ông và tôi cũng có nhiều kỷ niệm gắn bó cùng nhau, dẫu là chưa gặp mặt lần nào, nhưng “văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”, phải chăng? Đến hôm nay tôi mới có thể viết những dòng nầy cho ông, dù đã hơi trễ.
 
Nhà thơ Nguyệt Lãng tên thật là Nguyễn Văn Thẩm, sinh năm 1947, quê ở Bến Tre. Ông bắt đầu cầm bút sáng tác từ năm 1969, có nhiều có tác phẩm đăng rải rác trên báo báo và tạp chí ở Sài Gòn từ trước 1975. Ông là tác già bài thơ “Rau đắng đất” đã được nhạc sĩ Bắc Sơn phổ thành ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè”. Tôi và nhà thơ Nguyệt Lãng quen biết nhau qua một số trang văn nghệ online từ năm 2011. Sau đó có dịp in chung trong nhiều tập sách, dần dần chú cháu quen biết và trao đổi qua email. Tôi đọc và thích những vần thơ dung dị mà sâu sắc của ông từ dạo ấy: “chẳng còn ngăn kéo nào để giấu / ta trút vào sông hết nỗi niềm / có cả hồn ta trong chén rượu / cuối cùng tiễn biệt chuyến phà quen!” (Phà ơi xin lỗi)
 
Cuối năm 2011 nhà thơ Nguyệt Lãng gửi tôi bài thơ “Chút tình gửi thương Châu Phú” viết về quê hương tôi, bài thơ nầy có lẽ nhà thơ đã viết từ lâu, trong một dịp nào đó về thăm Châu Phú (An Giang). Có lẽ đây là một trong những bài thơ có nhiều kỷ niệm với tôi. Khi nhận được, tôi đã xin phép ông gửi bài thơ cho tập san Văn nghệ Châu Phú của Hội VHNT Châu Phú. Bài thơ được chọn đăng trong tập san số xuân Nhâm Thìn 2012.
 
“bao đời qua,
con đường mòn thành quốc lộ
bến nước đã thành nỗi nhớ
cho người phiêu bạt tha phương!
 
những chiếc ghe bầu nằm đợi ăn hàng
cắm sào mơ ngủ
nước lớn ghe lui, nước ròng ngồi nhậu
nướng con khô trèn rủ bạn làm quen”

 
Sau đó, bài thơ được chọn ngâm trong đêm thơ nhạc Nguyên Tiêu Châu Phú 2012. Tôi được Ban tổ chức phân công ngâm bài thơ nầy, lần ấy cũng là lần đầu tiên tôi đứng trên sân khấu ngâm thơ trước công chúng. Thế nên tôi đã cố gắng tập dượt rất kỹ trước đêm thơ, vậy mà khi lên trình bày vẫn chưa thật sự thành công lắm, nhưng dầu sao cũng để lại một kỷ niệm khó quên. Lúc ấy nhà thơ Nguyệt Lãng có dự định về thăm một số họ hàng ở Bến Tre và Châu Đốc, tôi có lời mời ông tiện đường ghé ngang Châu Phú để dự đêm thơ, nhưng cuối cùng ông bận một số việc ở Bến Tre nên không về kịp.
 
Năm 2012 tôi có thực hiện hai tuyển tập thơ là “Cổ tích cánh đồng” viết về đồng bằng và “Chim én mai vàng” viết về mùa xuân, có lời mời ông tham gia. Cả hai tập ông đều có gửi bài tham gia nhưng chỉ khiêm tốn “xin nhận vài quyển sách làm kỷ niệm, còn lại thì cháu cho bạn bè ai cũng được, chú già rồi giữ nhiều làm gì, cũng có dịp tặng ai đâu”. Giờ đọc lại những bài thơ xuân của ông đăng trong tập thơ ngày cũ mà nhớ đến người thơ vừa mới đi xa: “Chiều cuối năm Đồng Xoài hối hả / Giành nhau đưa cái tết về nhà / Chiều cuối năm có người hối hả / Một mình đem nỗi nhớ đi xa” (Đồng Xoài cuối năm).
 
Cũng trong năm ấy, nhà thơ Nguyệt Lãng phát hiện mình mắc bệnh nan y. Gia đình đã rất khó khăn, chật vật xoay xở để chăm lo cho bệnh tình của ông. Bạn bè, đồng nghiệp thường thăm hỏi và giúp đỡ. Sau một thời gian điều trị, đến giữa năm 2013 bệnh tình của ông có phần thuyên giảm, sức khỏe dần hồi phục. Ông có gọi điện cho tôi hỏi “miền Tây mùa nầy nước lên chưa?” và nói rằng mình nhớ miền Tây mà không về được. Ông nói trong năm 2014 Hội VHNT Bình Phước sẽ đến thăm và học hỏi mô hình Hội VHNT cấp huyện ở Châu Phú để triển khai thành lập các Hội VHNT cấp huyện cho tỉnh Bình Phước. Vậy mà chưa thực hiện được chuyến về thăm Châu Phú thì ông đã ra đi. Vậy là ông đã hai lần lỗi hẹn cùng Hội VHNT Châu Phú.
 
Sau đó gửi bài thơ “Cứ trách mùa lỗi hẹn” có đề tặng tôi, trong thơ có nhắc đến những địa danh quê nhà quen thuộc của tôi.
 
“Từ lúc người đi biền biệt xứ / Đã lâu không ghé Chóc Năng Gù / Bỏ con nước chảy qua Bình Mỹ . Cho nhạt hồng đôi má cù lao”
 
Có lẽ biết trước được mình không qua khỏi, nhà thơ đã gửi bản thảo tập thơ “Ruộng ai người ấy đắp bờ” cho một số bạn bè văn nghệ thân thiết và ngỏ ý hy vọng có một đơn vị nào đó có thể giúp mình xuất bản tập thơ cuối đời. Nhưng ước nguyện đó đến nay vẫn chưa hoàn thành được, tác giả của tập thơ đã nhắm mắt xuôi tay mà không kịp nhìn thấy đứa con tinh thần cuối cùng của mình.
 
Nhà thơ Nguyệt Lãng đã từ giã chuyến rong chơi văn chương, bỏ hết mọi ưu tư đời thường. Ra đi, phải chăng như những lời thơ mà ông đã viết: “Tẩn ngẩn nhìn mùa xuân chợt biến / Khi đang còn cách một bàn chân”, “ Chiều nay trở lại sông quê / Đò ngang một chuyến đi về một tôi”. Dẫu là chưa gặp, nhưng dường như tình nghĩa đã đầy, hay tin ông ra đi làm sao có thể kìm nổi xúc động, như vừa mất một người thân. Người thân ấy, lúc nào cũng giản đơn, dung dị, khiêm nhường mà rất sâu sắc.
 
Và bây giờ thì ông có lẽ đã phiêu diêu cõi bằng an nào đó. Đó là ở nơi mà: “chẳng có ai chờ chẳng có ai đi / một mình đưa mình qua bến”. Cúi đầu tiễn biệt ông, nhà thơ Nguyệt Lãng !
 
VĨNH THÔNG
 
***
 
Nhà thơ Phong Tâm đã viết - Tiễn NGUYỆT LÃNG
 
Trăng tan
Sóng dạt
Bến bờ mênh mang sóng
Hòa dòng Cửu Long
Lục bình tím thẳm
Xanh xanh chìm
Phù sa về lại biển đông
Đôi cánh mỏng một vòng sương khói lạnh
Tiếng chim trời Nguyệt Lãng bóng mây vương
Ừ ! Đi đi
Hoàng hôn đời người vẫn vậy
Chỉ có một nơi về
Chỗ không nhìn thấy
Không có cuộc chia ly!
 
03.01.2014
Phong Tâm
 
***
 
CHÂU THẠCH – Đọc Một Mình Vá Áo của NGUYỆT LÃNG
 
MỘT MÌNH VÁ ÁO.
 
chiếc áo một ngày không hẹn, rách.
vụng về sợi chỉ mấy đường may
cây kim sứt mũi đâm vào vải
những tiếng buồn thiu giữa ngón tay!
con chim bìm bịp gù trong lá
ai giấu niềm đau ở cuối vườn
ta giấu niềm đau nơi mảnh vá
mảnh vá quàng như một vết thương!...
 
Lời bình:
 
Có những bài thơ khi đọc xong, nếu trong ta có vết thương lòng thì bài thơ hình như hàn gắn lại cho vơi bớt nỗi đau, nhưng cũng có những bài thơ đọc xong, dầu trong ta không có vết thương nào cũng thấy lòng nhói đau như có vết, còn nếu trong ta có vết thì bài thơ khơi thêm niềm đau ấy âm ỷ trong lòng ta mãi miết. Cả hai lọai thơ ấy đều là những bài thơ hay mà tác giả của nó phải là những thi sĩ tài hoa, đã từng sâu nhiệm trường đời. Với tôi bài thơ “ Một mình vá áo” là bài thơ thuộc lọai thứ hai, nó đã hành hạ tôi chẳng khác chi cây kim sứt mũi đâm vào vết thương mà tôi lầm rằng thời gian đã làm liền da lại. Chỉ với câu thơ đầu tiên của “một mình vá áo” Nguyệt Lãng đã đưa tôi vào cảm giác bất ngờ vì liên tưởng đến biết bao điều bất hạnh đột xuất trong một đời người:
 
Chiếc áo một ngày không hẹn, rách.
 
Không hẹn, dấu phết, rách: Chữ “ rách” khác chi một tai nạn ập xuống đầu, một biến cố đến
trong giây phút mà con người không đóan trước. Tất nhiên chiếc áo không hẹn mà rách là việc bình thường, nhưng ở đây còn có ngụ ý nói về một đổ vở xảy ra trong cuộc đời luôn biến động.
 
Rồi thì tác giả làm gì với chiếc áo rách của mình đây?:
Vụng về sợi chỉ mấy đường may
 
Áo rách thì bỏ đi và may áo mới. Áo rách mà đem vá lại cho ta một hình ảnh rất buồn về sự gượng ép hàn gắn vết thương, về cuộc sống nghèo nàn của chủ nó. Đã thế áo được vá lại một cách vụng về. Điều đó nói lên chủ áo là người phong lưu chưa từng biết vá áo, nay phải gượng gạo vá lại chiếc áo của mình nên đường may mới phải vụng về. Không nữa, thì cũng nói lên người chủ áo cô đơn chẳng có một người nữ nào sống bên mình.
 
Hai câu thơ đầu chỉ là phát họa một bức tranh.
 
Hai câu thơ sau mới là hòan thiện bức tranh buồn vô hạn:
 
Cây kim sứt mũi đâm vào vải
Những tiếng buồn thiu giữa ngón tay
 
Không ai vá áo bằng cây kim sứt mũi, chỉ có nhà thơ Nguyệt Lãng của chúng ta mới vá áo một cách tài tử như vậy mà thôi, Kiểu vá áo nầy nếu không phải của anh chàng lè phè thì là của anh chàng đang sa cơ lỡ vận, và hình ảnh vá áo kiểu nầy nếu không làm cho người ta cười thì làm cho người ta khóc. Trong bài thơ nầy hình ảnh vá áo là hình ảnh làm cho người ta khóc vì:
 
Những tiếng buồn thiu giữa ngón tay.
 
Tiếng của cây kim cụt đầu đâm vào vải là tiếng kêu rất nhỏ. Những tiếng kêu rất nhỏ nhưng vào
thơ Nguyệt Lãng thành tiếng dội u buồn, Điều kỳ lạ là những tiếng buồn ấy chỉ ở giữa những ngón tay nhưng người đọc lại thấy rằng cả tác giả khi viết thơ và cả mình khi đọc thơ đều có nỗi đau âm ỉ, kéo dài của những vết thương trong lòng do cây kim cụt đầu, do đường may thô thiển của sợi chỉ gây nên.
 
Bốn câu thơ ở vế đầu là phần mở của bài thơ, Phần mở chỉ giới thiệu cái hình ảnh còn lẻ loi trong góc tối, phát họa niềm đau còn ẩn chứa trong lòng. Bài thơ không có vế thân bài, chỉ có phần kết luận, và ở phần kết luận tác giả mở toang--6 cánh cửa để nỗi đau trong lòng mình tràn ra trùm lên cảnh vật trong tiếng gù ấm ức của con chim bìm bịp ở cuối vườn:
 
Con chim bìm bịp gù trong lá
Ai giấu niềm đau ở cuối vườn
 
Không mấy ai từng nghe tiếng chim bìm bịp, nhưng đã nghe được thì không mấy ai cảm thấy hài lòng, Chim bìm bịp không hót, chim bìm bịp gù, và tiếng gù như nỗi đau ẩn chứa trong lòng, và nỗi đau ấy dầu ẩn chứa trong lòng nhưng âm thanh lại loan ra như sóng, trùm niềm đau lên cây lá, trăng sao, xói niềm đau vào lòng người nghe sao mà da diết quá. Tác giả tưởng rằng “ ai dấu niềm đau ở cuối vườn” nhưng niềm đau ở cuối vườn không ai dấu, đó là niềm đau ở trong lòng tác giả, nó đã thành ma nhập vào hồn tiếng gù của con chim bìm bịp. Hãy tưởng tượng tiếng buồn đi trong đường chỉ và tiếng buồn vọng lên từ con chim gù trong lá. Tiếng buồn nào lớn hơn? Tiếng buồn nào đau hơn? Và tiếng buồn nào sẽ làm ta rơi lệ? Với tôi cả hai tiếng buồn đều như nhau, vì cả hai đều một thể, là nỗi khắc khỏi của tâm hồn, là sự quặn thắt của con tim, là tâm tư sầu thảm của con người vừa nghèo túng vừa cô đơn đang ngồi vá lại chiếc áo rách với cây kim đã bị gảy đầu,với sợi chỉ chắc lượm được từ đâu đó.
 
Hai câu thơ cuối của bài thơ như sau:
Ta giấu niềm đau nơi mảnh vá
Mảnh vá quàng như một vết thương
Niềm đau làm sao giấu nơi mảnh vá được?
 
Bởi vì mảnh vá thể hiện niềm đau của tác giả: vá một đường chỉ thì niềm đau còn ít, vá hai đường chỉ thì niềm đau tăng lên, mà vá ba đường chỉ trở lên thì niềm đau vở òa đến lạnh cả không gian, làm se thắt đến cả tiếng chim gù trong lá. Dưới con mắt tác giả mảnh vá được hình dung như một vết thương, và một nghịch lý đã xảy ra giữa vết thương trên áo và vết thương trong lòng tác giả. Vết thương trên áo thì được vá liền nhưng vết thương trong lòng thì lại xé tọat thêm ra. Bởi vậy tác giả nói “ ta giấu niềm đau trong mảnh vá” không phải là muốn nói niềm đau được vá lại mà là để ám chỉ đến vết thường trong lòng giống như mảnh vá hằn lên trên vải, nó sẽ tồn tại và nó chỉ rụi tàn khi nào thân xác như chiếc áo trở thành tro bụi.
 
Bài thơ “ Vá áo một mình” là một bài thơ cô đọng và hàm xúc. Đó là một bài thơ ẩn dụ, dùng cây kim, mảnh vá để nói đến niềm đau, sự ấm ức, nỗi khắc khỏi và tiếng kêu thương sâu kín trong tâm hồn ấy đã làm cọng hưởng cả tiếng chim trời, cả cây lá ở cuối vườn kia. Đọc “ Một mình vá áo” để ta cảm thấy cô đơn, để ta cảm thấy âm thầm đau đớn, và để ta cảm thấy cả cõi lòng chùng xuống chịu đựng nỗi buồn ẩn chưa trong sợi chỉ, giữa ngón tay và thóat xác thành tiếng gù của con chim bìm bịp, để ta và tác giả hòa nhập cùng nhau mang nỗi buồn dài năm tháng ./.
 
Châu Thạch
 
***
 Ai Mua Thơ NGUYỆT LÃNG Không?
Thái Quốc Mưu

 
Theo như tôi được biết, trên đời này phàm ai cầm bút làm thơ hay viết văn đều mong có ngày những bài viết của mình được in thành sách. Nhưng có một người không giống thế, chẳng biết do không muốn in hay là chẳng có tiền in?
 
Bất ngờ, anh gởi đến tôi tập bản thảo mỏng (chừng vài mươi bài thơ); rao bán đứt bản quyền, chuyện lại càng hy hữu nếu hiện tôi không sống trên đất Mỹ, mà đang ở trong nước thì chắc tôi cũng đồng cảm mà bắt chước người xưa than câu văn chương hạ giới rẻ như bèo; rằng nhà văn An-Nam khổ như chó!
 
Nhưng mình cũng không thể thấy lê quên lựu mà không cảm thông với đồng nghiệp, anh em mình. Phải nói cho tường tận sở dĩ nhà văn mình khổ, văn chương mình rẻ không phải vì mình có kiểu làm khác người mà vì chính mình thường không trân trọng mình. (Ai cũng cho mình hay nên không them đọc của người khác), thành thử ngay trong nước người viết hầu như đông gấp nhiều lần người đọc, chỉ trừ những hiện tượng văn học (mà chắc gì không do lăng-xê, thổi phồng?!)
 
Đến đây chắc mọi người xót ruột hỏi sao tôi không nói ra tên nhà thơ “dở hơi” đó, thật ra anh này cũng không xa lạ với chúng ta. Anh ta là Nguyệt Lãng, tác giả bài thơ “Rau Đắng Đất” mà nhạc sĩ Bắc Sơn  phổ thành bài ca “Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè” và nhiều bài nữa mà các nhạc sĩ trong nước mượn đó chắp cánh cho ca khúc của mình.
 
Lần này anh rao bán bản quyền là những bài thơ chưa bị “xâm hại” dù có nhiều bài được viết khá lâu. Đa số anh viết về vùng quê sông nước với niềm hối hận xem mình là một “hột phù sa lạc loài”. Thật vậy, vì anh gốc vốn đồng bằng mà phải lên núi mưu sinh! Có lẽ cũng chính vì thế mà nỗi nhớ quê hương sông nước với những con đò, những phiên chợ nổi, những buổi chướng lên, lũ về hay những cơn khát ngọt làm cho anh ray rứt không nguôi…
 
Hãy nghe anh viết:
 
Tuổi thơ đi vớt bông bần,
Ước mơ tôi thả trắng ngần bến sông.
Ngày hai con nước lớn ròng
Lúc trơ bờ bãi lúc mông mênh tràn
… Hôm nay trở lại thăm quê
Đò ngang một chuyến đi về một tôi
Bâng khuâng ngồi vớt bông trôi
Vớt nhằm chiếc bóng mồ côi của mình
(Dòng sông tuổi thơ)
 
Hay:
Nửa đời đi lại bao phiên chợ
Chợ nổi qua rồi sóng chẳng qua
Khoác nước mà quai chèo vẫn tuột
Buồn tôi bẹo mãi có ai mua?
(Chợ nổi)
 
Đó là mối tình nông nổi giục anh đi chớ ở phương xa mỗi lần nhớ quê anh hãy còn ra rứt lắm:
 
Nơi con chuồn chuồn cắn tuổi thơ tôi
Để sông nhớ lục bình thổn thức
Mấy mươi năm vẫn còn rưng rức
Cuống rún đau giấc mộng giang hồ.
 
Nơi cơn nồm giành giật tháng ba
Những thân phận bọt bèo nằm khóc
Tô canh tập tàng thương con mắm sặt
Đuối hơi rồi ai vớt nổi ai đây???
(Quê nghèo)
 
Hoặc những khi nhớ Mẹ:
Nhà mình cách chợ làng xa
Mẹ tôi gánh cải vượt ba quãng đồng
Phải qua cả một con sông
Nhỏ nhoi giữ chốn mênh mông… là đò!
(Con đò tuổi thơ)
 
Rồi khi Mẹ mất:
Nếu như đếm được bao gàu sánh
Bìm bịp đừng kêu nước lớn ròng
Mấy chục năm qua đời Mẹ gánh
Không chừng đã cạn mấy lần sông!
(Vườn rau của Mẹ)
 
Những khi nhắc đến người đồng bằng anh vẫn một giọng thân thiết:
Người quê chơn chất hồn đưng lác
Mộc mạc như xôi bắp bánh tằm.
(Nhớ Tân Mỹ)
 
Thơ Nguyệt Lãng ít vui, nhiều buồn có lẽ do cuộc đời của anh vốn chịu nhiều bất hạnh, xa quê từ khi còn trai trẻ nên hình ảnh quê hương con đó, dòng sông, ruộng nước, cánh cò tiếng dế luôn thấm đẫm trong thơ anh. Hình ảnh quê hương và những người thân yêu như Ngoại, Mẹ, Chị luôn ẩn hiện trong tâm khảm. Nên, anh luôn trung thành với thể thơ truyền thống nhưng không gò bó theo kiểu bốn câu ba vần nên đọc nghe một âm điệu không nhàm chán. Duy đột nhiên có bài mang đậm mùi triết lý nhưng cũng không xa rời thực tế:
 
… Sư nói ác lai là ác giả,
Bước qua sông trong lúc cùng đường
Màu lau trắng nhuộm dòng dịch thủy
Đâu có cần con chốt mang gươm?!
(Xem sư cả chơi cờ)
 
Có nghĩa là anh không muốn một phút ngưng nghỉ nhớ về quê hương bản sở nhưng do sinh kế quấn bách nghề viết không đủ nuôi thân nên đôi khi anh cũng bật lên:
 
… Thơ bây giờ không mua nổi mớ rau,
Gạo mấy cân tháng không tháng có
Hùng khí tàn theo cám rã… Thơ bay!
(Thơ thời bão giá)
 
Khi còn sức khỏe, Nguyệt Lãng sống bằng nghề viết lách ăn nhuận bút, chỉ vài ba trăm ngàn (vài chục đô-la) một bài thơ. Bèo vậy, nên cuộc sống anh vô cùng khó khăn nay anh gởi mấy chục bài thơ này nhờ tôi rao bán. Hỏi bao nhiêu thì vừa? Khó nói phải không? Giá như ở đây (Mỹ) có người chịu bỏ tiền ra mua đứt tác quyền về sau thơ lên ngôi hoặc tác giả nó nổi tiếng (mà hiện tại anh cũng có tiếng rồi!) liệu xuất bản có lỗ không?
 
Trên quan điểm tình người, tính nhân bản, nhân văn thì tôi cho rằng chắc chắn không lỗ vì sẽ không có chuyện lỗ lời ở đây nếu bạn biết rằng đồng tiền bạn bỏ ra đang là cái phao cứu sinh cho một thi hữu đang lâm trọng bịnh.
 
USA ngày 27 tháng 6 năm 2012

  Trở lại chuyên mục của : Thái Quốc Mưu