THÁI QUỐC MƯU



 
“HUYNH ĐỆ CHI BINH”
hay “BINH CHI HUYNH ĐỆ”?

 

 
Đôi dòng trước khi vào bài:
 
- Trong lãnh vực văn học, chúng ta đừng vì học vị của những ông khoa bản mà “BỎ QUÊN” không phê bình những sai lầm trong các bài viết hay tác phẩm của họ.
- Khi phê bình văn học, chúng ta phải ra sức tìm tòi, tham khảo, tra cứu, lấy sự trung thực, lòng ngay thẳng và lương thiện để nhận định rồi chỉ rõ những chỗ sai lầm. Không nể nang, thiên vị bất cứ kẻ nào! Nếu không làm được những điều đó, chẳng những chúng ta có tội với tiền nhân mà còn có lỗi với tác giả, độc giả và những thế hệ mai sau - Thái Quốc Mưu
 
***
 
Do người bạn giới thiệu, tôi vào trang Caroline Thanh Hương, đọc được bài viết của Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu: “NGÀN NĂM SOI MẶT: Cái Chết Của Một Hàng Tướng: DƯƠNG VĂN MINH: (1916-2001) – NGUYÊN VŨ VŨ NGỰ CHIÊU
 
Để quý độc giả tiện theo dõi, người viết xin giới thiệu Tiểu sử của Nhà Nghiên Cứu Sử, Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu (trích: Chuyên Luận. net)
 
“Chính Đạo là một trong hai bút danh của Vũ Ngự Chiêu. Bút danh kia là Nguyên Vũ, rất nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975. Trước 1975, Vũ Ngự Chiêu phục vụ trong binh chủng Pháo Binh Dù, QL/VNCH, và đã có hơn 20 tác phẩm xuất bản. Sau khi ra hải ngoại, ông vừa tiếp tục cầm bút vừa đeo đuổi việc học. Tốt nghiệp Tiến Sĩ Sử tại Đại Học Wisconsin-Madison năm 1984, sau khi cùng gia đình di chuyển về Houston, ông là Giám Đốc nhà xuất bản Văn Hóa và tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật tại Đại Học Houston năm 1999.
Những tác phẩm của Vũ Ngự Chiêu xuất hiện trước năm 1975 dưới bút danh Nguyên Vũ gồm có Đời Pháo Thủ (bút ký), Những Cái Chết Vô Danh (tập truyện), Trở Về Từ Cõi Chết (truyện), Vòng Tay Lửa (trường thiên), Thềm Địa Ngục (truyện), Đêm Hưu Chiến (truyện), Sau Bảy Năm Ở Lính (bút ký), Đêm Da Vàng (trường thiên), v.v. Tại hải ngoại, Vũ Ngự Chiêu đã in thêm các tập Xuân buồn thảm: Cuộc Sụp Đổ của Nam Việt Nam (bút ký), Trận Chiến Chưa Tàn (truyện), Giặc Cờ Đỏ (trường thiên), cùng hai tâm bút Paris: Xuân 1996, và Ngàn Năm Soi Mặt.
 
Về nghiên cứu sử học, ông đã in ba tác phẩm bằng tiếng Anh dưới tên thực, và 10 biên khảo bằng Việt ngữ với bút danh Chính Đạo. Biên khảo duy nhất bằng Việt ngữ ký tên thực của ông là bộ Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, 1883-1945, gồm ba tập. Những tác phẩm ký tên Chính Đạo thường được viết cho độc giả không chuyên môn, dễ đọc hơn, không quá khô khan như các biên khảo đúng yêu sách bác học…” (ngưng trích).
 
Xin trích một đoạn ở LỜI MỞ ĐẦU trong bài viết của ông Ts. Vũ Ngự Chiêu.
 
“… Ngay trong hàng ngũ quân đội nhiều người cũng không muốn “huynh đệ chi binh”(đúng ra có lẽ phải là “BINH CHI HUYNH ĐỆ”) với Tướng Minh. (ngưng trích).
Đoạn văn trên, khơi gợi cho tôi cảm hứng viết bài nầy, tôi chọn NÓI CHUYỆN CHỮ NGHĨA MÀ CHƠI làm đề bài. Với mục đích “MUA VUI”.
 
Chúng ta, không ai có thể tự hào biết tất cả hay tốt tất cả và ngược lại. Sự hiểu biết của mỗi người trên mỗi lãnh vực đều có giới hạn nhất định; cách sống của mỗi người đều có hai mặt tốt, xấu. Không ai có bộ óc hoặc, có cuộc sống toàn bích. Những vị Tiến sĩ, Học giả, ngay cả các tu sĩ cũng không ngoại lệ. Vì thế, không ai tránh khỏi sai lầm.
 
Trên Tạp Chí Kiến Thức Phổ Thông Dân Việt của tôi và trên nhiều Website trong, ngoài nước, các tháng 4, 5/2016, có đăng bài viết nầy.
 
Hầu hết những bài viết đăng trên những tờ báo ở địa phương chỉ được phổ biến trong phạm vi hạn chế. Trái lại, một bài viết được chọn đăng ở các Website đều được phổ biến trên toàn cầu. Nhờ đó, số người đọc nhiều hơn. Trong số bạn đọc ấy có những Học giả, Tiến sĩ, các Nhà nghiên cứu văn học, giới viết lách và đông đảo độc giả nhiều thuộc thành phần khác ở bốn phương, tám hướng.
 
Nếu người phê bình văn học nghĩ sai, viết sai tất nhiên sẽ bị dư luận cực lực phản đối. Đồng thời kẻ viết phê bình phải chịu tránh nhiệm trước lịch sử, trước tác giả và quần chúng. Đó là lẽ tất nhiên!
 
Đọan văn dẫn trên, Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu viết: “… HUYNH ĐỆ CHI BINH” (“ĐÚNG RA CÓ LẼ LÀ, “BINH CHI HUYNH ĐỆ”. Với câu nói đã dẫn của Ts. Vũ Ngự Chiêu cho ta thấy nó vượt ngoài khả năng Hán văn của ông ta.
 
Ts. Vũ Ngự Chiêu không biết khi thành ngữ Nho Việt dịch sang thuần Việt, thường thì phải theo nguyên tắc, dịch ngược từ sau tới trước. Hoặc, tùy theo ý nghĩa của câu mà áp dụng cách dịch phi nguyên tắc miễn sao cho đúng nghĩa với câu ngoại ngữ và suôn sẻ là được.
 
“HUYNH ĐỆ CHI BINH” có nghĩa, “(trong quân đội) người lính (coi nhau) như anh em.” Nếu Ts.Vũ Ngự Chiêu CHỈNH lại “BINH CHI HUYNH ĐỆ”, khi dịch sang thuần Việt sẽ trở thành “Anh em là lính”.
 
Ngoài ra, hai chữ HUYNH ĐỆ trong câu thành ngữ “HUYNH ĐỆ CHI BINH” bao gồm: từ người chỉ huy có cấp bậc cao nhất xuống tận những anh binh nhì, hoặc lính mới “tò te”
Mặt khác, chữ BINH trong câu thành ngữ đã dẫn, còn ngụ ý là QUÂN ĐỘI. Vì thế câu “HUNH ĐỆ CHI BINH” phải hiểu là, “(trong) Quân Đội mà ở đó binh sĩ cùng các cấp chỉ huy đều coi nhau như anh em – Hàm ý, “(Trong) Quân Đội từ trên xuống dưới đều cùng một lòng (đồng tâm) để tạo nên sức mạnh”.
 
Trong bài “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi có câu “Phụ tử chi binh nhất tâm”, tức “Quân đội và tướng chỉ huy cùng quân sĩ như cha con một lòng”.
 
Chữ “CHI” trong “HUYNH ĐỆ CHI BINH” trong Văn pháp (Văn phạm) là một trợ từ, nên nghĩa của chữ CHI tùy thuộc vào câu nói và đôi khi, không có nghĩa gì cả. CHI chỉ là tiếng phụ vào câu để khi nói ra cho thuận miệng, êm tai.
 
Bởi là một trợ từ, nên trong một câu CÓ hoặc KHÔNG CÓ chữ (hay tiếng) CHI cũng đầy đủ nghĩa.
 
Thí dụ 1:
 
- “Ngô CHI phụ mẫu”, nghĩa “Cha mẹ CỦA tôi” (chữ CHI ở đây được dịch là CỦA). Khi ta bỏ trợ từ CHI ra, ta nói, “Cha mẹ tôi” cũng đủ nghĩa.
 
- “Đại học CHI đạo” nghĩa: “(cái) đạo CỦA đại học” (chữ CHI trong câu nầy cũng dịch là CỦA). Khi bỏ chữ CỦA (dịch từ chữ CHI) ta chỉ nói, “(cái) Đạo đại học” cũng đúng.
 
Thí dụ 2:
 
- “Huynh đệ CHI binh”, nghĩa: “(cùng là) người lính (với nhau, hãy coi) NHƯ anh em (chữ CHI ở đây được “coi là” NHƯ).
 
- Nếu nói như cách nghĩ của ông Ts. Vũ Ngự Chiêu là: “Binh CHI huynh đệ” thì nghĩa, “Anh em LÀ lính” (chữ CHI ở đây lại dịch LÀ). Nghĩa của nó hoàn toàn khác xa nghĩa của câu thành ngữ chính (Huynh đệ chi binh).
 
Thí dụ 3:
 
- Trong Bình Ngô Đại Cáo có “Điếu phạt CHI sư (nghĩa: quân đi đánh giặc) / Nhân nghĩa chi cử (nghĩa: cử chỉ nhân nghĩa / Hai câu nầy được Nguyễn Trãi rút ngắn ở hai câu có nguyên văn như sau:
 
- Điếu phạt CHI sư, mạc tiên khử bạo. (nghĩa: “Quân binh đi dẹp loạn trước tiên là diệt bạo.” Chữ SƯ ở đây nghĩa là binh sĩ, quân đội)
 
- Nhân nghĩa CHI cử, yếu tại an dân (nghĩa: “Việc nhân nghĩa cốt yếu là để an dân.” Chữ CỬ ở đây là cử chỉ, hành động, việc làm)
 
Chữ CHI ở hai câu trên đây đều không có nghĩa.
 
Tóm lại, TRONG CÁC CÂU ĐÃ DẪN, chúng ta có thể bỏ chữ “CHI” cũng không mất ý nghĩa của câu chính, tuy nhiên bỏ đi thì đọc ra nghe trúc trắc, hụt hẫng!
 
Ngoài ra, trợ từ CHI còn thấy trong tên người, chẳng hạn:
 
- “Giới CHI Thôi” tức là tên của ông Giới Thôi (chữ CHI ở đây chẳng có nghĩa gì cả). Ông Giới Thôi là một bề tôi của Tấn Văn Công thời Xuân Thu (770 – 403 tr. Cn).
 
“Giới CHI Thôi” trong thư tịch cổ Trung Hoa viết là Giới TỬ Thôi; chữ “Tử” ở đây cũng là một trợ từ, không có nghĩa.
 





  Trở lại chuyên mục của : Thái Quốc Mưu