THÁI QUỐC MƯU


Tản Mạn Về Bản Dịch
HOÀNG HẠC LÂU Của TẢN ĐÀ

 
HỒNG HẠC LÂU
Thôi Hiệu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
 
Tản Đà dịch:
LẦU HỒNG HẠC

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Tản Đà
 
Lời Thái Quốc Mưu:

Theo tôi - Bài dịch của Tản Đà quá tầm thường, nếu không muốn nói là dở!
 
Cũng theo tôi - Dịch một bài Thơ, có thể phải chuyển qua một thể khác. Và phải sát với với nội dung nguyên tác.
 
Bây giờ, thử phân tích:
 
- Câu 1: Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ. / Câu này nghe như một lời nói thường, giọng thơ êm nhẹ như cánh bướm lượn, chim bay.
 
Trong khi câu dịch của Tản Đà “hạc vàng ai cỡi đi đâu?” Đâu là một câu hỏi. Giọng rất gằn, nặng nề.
 
Chữ cuối trong nguyên tác với thanh trắc (khứ) / Chữ cuối câu trong bản dịch cùng với thanh bình (đâu?), thế nhưng nếu đọc lên chúng ta nhận ra ngay trắc vậy mà êm tai hơn bình! Cứ lần lượt đọc lên 2 câu chúng ta thấy câu nguyên tác êm hơn câu dịch rất nhiều!
 
Lý do: Câu dịch là một câu nghi vấn, giọng đọc đi lên, làm cho hơi thơ trở nên hụt hẫng!
 
Trong khi, Thôi Hiệu chỉ giản dị nói người xưa đã cỡi hạc đi rồi. / Không thắc mắc người và hạc đi đâu? Tới chốn nào? Tại sao Tản Đà lại thắc mắc rồi hỏi “đi đâu?
 
***
 
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
 
Tản Đà dịch:
Hạc vàng bay mất từ xưa
 
Trong khi câu, Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản = Con Hoàng Hạc bay đi không trở lại, như là một lời than thở, còn nói lên một niềm hy vọng trong hoài mong, có thể chim còn bay về. Còn BAY MẤT là coi như bay đứt luôn.
 
***
Bạch vân thiên tái không du du
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay.
 
Có thể thấy ngay câu dịch chẳng diễn được nhạc điệu của nguyên tác! Bởi không gợi lên một lời than thở của ngươi xa xứ.
 
***
 
Câu 7: Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
 
Dĩ nhiên, Thôi Hiệu phải rõ “quê nhà” của mình ở nơi nào! Nhưng với một câu nghi vấn và là một “nghi vấn khẳng định” Thôi Hiệu đã làm cảm tính của thơ vượt lên rất nhiều!
 
Tản Đà dịch: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn”
 
Trong khi câu dịch của Tản Đà lại là 1 “câu khẳng định”, một câu rất thường, vô hồn chẳng dấy lên một tình cảm nào hết! Chưa nói là câu này dịch cũng không sát với nguyên tác.
 
***
 
Trước nay, tôi nghe nhiều vị và ngay cả trong học đường luôn ca tụng câu dịch Hoàng Hạc Lâu của Tản Đà.
 
***
 
 Sau cùng, chúng ta nên biết, không có một bài thơ dịch nào gọi là hay nếu không gắn liền với nguyên tác. Nói cách khác, không bài thơ dịch độc lập với bài thơ gốc.
Chắc chắn ài thơ dịch đó sẽ không hay!
 
Tóm lại, Một bài thơ dịch hay không thể đứng riêng mình, mà phải hòa quyện với bài thơ gốc.
 
Thơ tức nhạc, và mỗi thể thơ có một nhịp điệu, tiết tấu riêng, cho nên, khi dịch thơ ai cũng cố gắng giữ nguyên thể, và có khi giữ nguyên vận nữa!
 
Nhịp điệu tiết tấu của thất ngôn khác với ngũ ngôn, khác với tứ ngôn, lục ngôn....
Cũng vậy, thơ Thất ngôn lại càng khác với thơ Lục bát. Vì thế nên, dịch thể thơ nào nên dịch củng thể với bài thơ ta muốn dịch.


  Trở lại chuyên mục của : Thái Quốc Mưu