TIỂU NGUYỆT
Bà Năm Bình Định
Truyện ngắn
Bà Năm Bình Định
Truyện ngắn
Bà Năm Bình Định không phải bà là người con thứ năm, quê ở Bình Định, mà bà có tên là Nguyễn Thị Nồng, con thứ tư trong một gia đình trung nông ở xã Hòa Xuân, tỉnh Phú Yên. Cha bà lúc sinh thời là người dạy võ cho thanh thiếu niên trong làng nên bà cũng biết được đôi chút. Bà là cô gái xinh đẹp, hiền lành, nết na được nhiều chàng trai trong làng yêu mến. Trong số đó, có ông Năm Trúng là cháu nội ông Hương Hai, giàu có, danh giá lại hiền lành, cha mẹ bà rất ưng ý. Bà Nồng vâng lời cha mẹ về làm vợ ông Năm Trúng khi cha mẹ ông sang xin cưới bà cho ông. Cuộc sống vợ chồng ông bà thật hạnh phúc, giản dị; một thời gian, ông chuyển vào Sài Gòn làm việc - là thông dịch viên cho khách sạn QT.
Bà Nồng theo chồng vào Sài Gòn khi đứa con gái đầu lòng của ông bà ba tuổi, bà chỉ ở nhà chăm con và lo việc nội trợ. Thuở ấy ông Năm Trúng rất giỏi giang, vừa làm việc ở khách sạn tối về còn chạy thồ cho khách Tây. Bà Nồng chuẩn bị có đứa con thứ hai, ông thuê người giúp việc cho bà đỡ vất vả. Hằng ngày con Hương – người giúp việc của ông bà, mang đôi thùng ra chỗ vòi nước công cộng lấy nước gánh về rồi nấu cơm. Hôm nay, Hương mang đôi thùng đi từ sáng đến gần trưa chưa thấy về, bà Nồng ngạc nhiên và lo lắng, nên gởi con gái cho người hàng xóm ra tìm Hương. Bà thấy Hương xớ rớ, chực bỏ thùng vào hứng nước, nhưng bị bọn chuyên lấy nước gánh bỏ cho những gia đình giàu có để lấy tiền, xách thùng liệng ra ngoài.
Bà bước lại hỏi:
-Hồi sáng giờ em làm sao mà không gánh được nước về thế hả em?
Hương mếu máo:
-Em hứng thùng vô, tụi nó xách liệng ra rồi hứng của nó vào. Tụi nó đông, nó lấy mãi em có hứng được đâu mà gánh về chị ơi.
Bà Nồng đã nhìn thấy rồi, chỉ hỏi vậy thôi. Bà bước lại xách cái thùng của tụi nhỏ chuyên gánh nước mướn liệng ra ngoài, rồi bỏ thùng mình vào. Con nhỏ đang đứng hứng nước đá chiếc thùng của bà ra và hét lớn:
-Bà chỉ được lấy khi nào chúng tôi nghỉ, còn bây giờ bà không được hứng nước ở đây.
Bà Nồng hất cái thùng đang hứng nước ra ngoài rồi đẩy thùng mình vào, hét toáng lên:
-Tụi mày là chủ công tơ nước ở đây hả? Tao lấy một đôi rồi tụi mày lấy tiếp.
Hai bên giằng co hồi lâu, bà Nồng giận đỏ mặt lấy đòn gánh quất trái, quất phải trông thật điệu nghệ. Tụi nhỏ gánh nước mướn tập trung về la hét om sòm vây đánh bà Nồng. Bà dựa lưng vô hàng rào, lấy đòn gánh quất ngang làm tụi nhỏ ngã hết xuống đất. Bà Nồng la lớn:
-Đứa nào còn muốn đấu với bà không? Cứ vô đây, tao tiếp hết. Lũ chúng mày không biết điều, tao chỉ lấy một đôi nước rồi về, mà tụi mày hiếp đáp không cho. Tao cho tụi mày biết, hôm nay tao ngồi đây đố đứa nào lấy được nước.
Tụi nhỏ gánh nước mướn bỏ chạy hết, bà đập méo mấy đôi thùng tụi nhỏ bỏ lại rồi ngồi chờ tụi nó quay lại. Con Hương lấy đầy đôi nước gánh chạy về nhà nấu cơm xong rồi mà bà cũng chưa về. Bà ngồi chờ tụi nhỏ quay trở lại để cho chúng một bài học cho chừa thói hiếp đáp người cô thế. Trưa ông năm Trúng đi làm về không thấy bà đâu, liền hỏi Hương:
-Chị mày đâu sao không thấy?
- Chĩ ngồi ngoài công tơ nước chớ đâu. Một bãi chiến trường ở ngoãi đó.
Ông Năm ngạc nhiên:
-Mày nói gì anh không hiểu?
Hương thuật lại đầu đuôi câu chuyện, ông năm vội chạy ra ngoài công tơ nước, thấy vợ đang ngồi cầm cái đòn gánh giữa trưa nắng chang chang, ông bước lại vừa cười vừa nói:
-Bà ơi về đi, tụi nhỏ nó chạy hết rồi. Bỏ qua cho chúng đi. Con đang khóc ở nhà kìa.
-Ông về trước đi, tui phải cho chúng một trận đã. Tức quá!
Ông Năm cười:
-Tụi nó sợ bỏ chạy hết rồi, chúng không dám nữa đâu.
Ông Năm năn nỉ mãi bà mới chịu về. Hôm sau, mỗi khi Hương hoặc bà mang thùng đến là tụi nhỏ cười chào vui vẻ lấy thùng hứng nước cho bà, rồi mới lấy nước cho mình. Chúng xầm xì “Cái bà này thiệt giỏi, bà có võ, mà là võ Bình Định nữa đấy”. Có câu ca dao “Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định cầm roi ra quyền”. Thế là ai cũng gọi bà là “bà năm Bình Định” kể từ đó.
* * *
Sau năm 1975, ông Năm đi học tập ở Đồng Nai; bà đưa con về quê làm ruộng và chờ chồng học tập cải tạo trở về. Ngoài việc đồng áng, bà còn buôn bán thêm mới đủ lo cho ba người con. Nhà bà ở gần ga xe lửa, nên thường được thấy cảnh bắt hàng của đội quản lý thị trường.
Một hôm, ông Cường đang kéo một bao phế liệu trên cộ cải tiến bị quản lý thị trường rượt bắt; ông bí quá kéo chạy ào vào nhà bà, để giấu hàng. Quản lý thị trường kéo theo vào la lớn:
-Ai là chủ nhà, ra đây cho chúng tôi gặp.
Bà Nồng đang cho heo ăn phía sau, nghe tiếng la liền chạy tới; thấy quản lý thị trường đầy nhà, bà liền hỏi:
-Tui là chủ nhà này, các anh hỏi có việc gì?
Trân – tên anh trưởng nhóm quản lý thị trường, nhìn bà giọng gay gắt:
-Chúng tôi là đội quản lý thị trường, bà là người chứa chấp đồ quốc cấm. Chúng tôi lập biên bản mời bà ký tên vào, lên ủy ban để giải quyết.
Bà Nồng vừa ngạc nhiên, một chút e ngại, nhưng rồi mạnh dạn hỏi lại:
-Tui có làm gì mà mấy anh cho là tui chứa chấp hàng quốc cấm, các anh có nhầm không?
-Bà còn chối nữa hả? Mới thấy có người kéo bao hàng phế liệu vào đây, giờ đâu rồi?
Bà Nồng nghe họ nói liền mời:
-Mấy anh cứ tự nhiên vào tìm kiếm, các anh bắt, họ sợ quá kéo chạy ào vào nhà, chứ tui không chứa chấp gì cả. Các anh cứ việc bắt và lấy, không mắc mớ gì tới tui.
Cả đội vào nhà bà lục lọi. Một lúc sau, họ tìm thấy bao hàng giấu ở nhà sau liền kéo ra. Giọng anh trưởng nhóm, hăng sằng:
-Chứng cớ đã đầy đủ, chúng tôi lập biên bản yêu cầu bà ký tên vào và theo chúng tôi về ủy ban để xử lý.
Bà Nồng cãi lại, giọng cứng cỏi:
-Trời ơi! Các anh rượt bắt, họ sợ quá kéo chạy ào vô nhà tui; các anh muốn làm gì là tùy các anh, sao lại quy trách nhiệm tui chứa họ. Con tui còn nhỏ, tui không đi đâu và không ký vào giấy tờ nào hết.
Anh Trân lớn tiếng:
-Tôi nói cho bà biết, không có, chúng tôi sẽ làm cho có, bà đừng có miệng mồm. Giờ tôi hỏi bà, bà có chịu ký không?
-Không! Dứt khoát không – bà Nồng khẳng khái.
Anh Trân vung tay hét, giận dữ:
-Giờ bà không đi thì sáng mai tám giờ sáng phải có mặt ở ủy ban để giải quyết.
-Tui nói rồi, tui không đi đâu cả và không ký bất cứ giấy tờ gì. Tui không có chứa chấp, tại các anh bắt, họ sợ quá mang chạy ào vào nhà tui giấu, thế thôi.
Trong lúc cãi qua, cãi lại, trẻ em trong xóm bu lại xem rất đông; chúng mở bao hàng ra và hốt chạy giấu khắp nơi. Các anh quản lý thị trường giằn xé một hồi bao hàng xẹp lép chỉ còn cái bao không.
Bà Nồng nói xong đi xuống dưới chuồng heo. Mấy anh quản lý thị trường đi vòng theo ra nhà sau tìm kiếm hàng hóa, vô tình mang đổ thùng bột bà Nồng xay cho con heo nái uống. Bà la lớn:
-Mấy ông không tin tui cứ cho là tui chứa hàng quốc cấm; giờ mang đổ thùng nước bột cho heo uống, mấy ông tính sao với tui đây?
Mấy anh quản lý thị trường xớ rớ không biết trả lời sao, bà lại nói:
-Bữa nay mấy ông phải chạy mua thùng bột trả lại, nếu không đừng có mơ bước ra khỏi cửa nhà này.
Anh Trân lúng túng khi nghe bà cứng cỏi, thấy mình đuối lý liền giả lơ đi ra, những người còn lại kéo nhau theo anh ra ngoài. Bà Nồng thấy vậy cũng hả dạ không tính toán nữa. Cuối cùng bao hàng của ông Cường không bị mất nhờ lũ trẻ trong xóm “giải cứu”.
Năm 1980, ông Năm Trúng được lệnh tha về. Không biết những năm học tập ông đã sống thế nào mà khi trở về ông thay đổi hẳn tính tình. Ông ít nói, không quan tâm nhiều đến vợ con như xưa; ông thường dè sẻn, hẹp hòi - không muốn chia sẻ cho ai cái gì. Bà Nồng đau khổ lắm nhưng thương chồng, và muốn gia đình yên vui; nên ông nói gì, làm gì bà đều nhịn hết, đâm ra thành thói quen. Ngày ngày bà Nồng phải chịu đựng sự khó chịu của ông để êm ấm gia đình, bà lo chu tất từ trong ra ngoài; chuyện nhà cửa, con cái, đến việc đồng áng. Mặc dù ông đổi thay tính nết - đôi khi rất ngang ngược “độc tài” như thế, nhưng trước mặt các con bà luôn quý trọng ông, cho nên các con luôn yêu kính cha. Các con ông bà lớn lên, học hành thành đạt, có công việc làm ổn định. Hai cô con gái lớn có chồng xa, luôn gởi về cho ông bà tiền, sữa, áo quần v v... Anh con trai có vợ làm việc bên thị xã nên mua nhà sống bên đó, chủ nhật thường về thăm. Ông Năm tham công tiếc việc, ruộng nhà làm bốn sào rồi mà ông còn nhận làm thêm ba sào nữa, đến mùa đong lúa cho người ta; khiến bà Năm quần quật cả ngày. Bà thương ông lỡ thầy, lỡ thợ, ráng nhẫn nhịn, chịu đựng, nhưng nhiều khi tức quá, lầm bầm vài ba câu cho đỡ tức rồi thôi.
Ông năm Trúng dựng chiếc xe đạp trước sân, mang cái thúng vừa bón phân dưới ruộng về, ra sau giếng giặt rửa. Ông nhìn bộ quần áo mặc đi ăn cưới ngày hôm qua của ông còn ngâm trong thau. Ông xót ruột:
-Bà ra giặt giùm bộ đồ cho tui, sáng giờ tui xuống ruộng về rồi mà chưa giặt. Ngâm hoài hư đồ tui hết.
Bà Năm bưng thau rau heo vừa xắt xong ra bếp, giọng mệt mỏi:
-Làm như mình ông làm vậy, sáng giờ bao nhiêu là việc tối mắt tối mũi.
-Bà vừa nói gì? ba cái chuyện vặt đó làm một loáng là xong, ngồi mò cả buổi nói còn cãi nữa.
Bà Năm chợt cao giọng:
-Trời ơi! để tui bỏ rau vô nồi cháo cho heo rồi giặt liền đây!
Ông năm giặt cái thúng xong úp trên kệ giếng, rửa tay chân rồi bước vào nhà. Ông lại nằm đu đưa trên võng, thở dài:
-Đạp xe một chút mà mệt quá! Già rồi - ông thở “xì” một tiếng như trút bỏ cái mệt - Nhanh lên rồi đi chợ bà ơi!
-Biết rồi! Tui nhanh lắm rồi đây, ông đừng giục nữa, mệt quá.
Bà Năm bỏ rau vô nồi cháo cho heo rồi ra giếng giặt đồ, hai tay bà thoăn thoắt vò bộ áo quần của ông trong thau xà phòng đầy bọt. Nước mắt bà tự nhiên rưng rưng, từ ngày về quê đến giờ đã hơn bốn mươi năm rồi, bà chưa ngày nào thơi thả. Cuộc sống bà chỉ biết quanh quẩn trong nhà, hết heo gà rồi ruộng vườn, rồi con cái. Bà quần quật thế mà lúc nào ông cũng chê bà chậm chạp, bao nhiêu là việc. Đến mùa làm ruộng bà dậy sớm nấu cơm, nấu nước, nấu cháo cho heo rồi tất tả ra đồng; trưa về ăn ít hột, cho heo, cho gà ăn rồi chạy xuống ruộng tiếp không nghỉ chút nào. Mấy sào ruộng làm cỏ, dặm lúa gì cũng chỉ mình bà; ông có xuống ruộng cũng đứng trên bờ, đôi khi phụ chút ít thôi, vây mà cứ đi nhận thêm ruộng về. Đôi bàn tay bà chai sần, khô ráp, nhăn nheo mà ông không hề thấy!
Bà Năm giặt đồ xong, mang quần áo phơi rồi vào bếp nhấc nồi cháo heo xuống. Bà xách giỏ lấy nón đi chợ. Bà bước lại chỗ ông nằm - giơ tay:
-Tiền chợ!
Ông Năm Trúng bước lên nhà trên một hồi rồi cầm tiền đưa cho bà dặn dò:
-Bà mua cá về nấu canh chua, mua ít rau luộc, mua ít trái cây về ăn, vậy thôi.
Bà Năm tần ngần cầm tiền từ tay ông, miệng lẩm nhẩm, tính toán. Bà vừa dợm bước ông nói vói theo:
-Bà thông cảm cho tui! Phải giữ ngày giữ bữa bà ạ! Thiếu ăn không biết vay mượn ai, khổ lắm. Không phải tui tính toán gì đâu, bà đừng buồn nhé!
Nói xong ông thở dài thườn thượt như nhớ về thời kỳ vàng son trước kia. Bà biết vậy nhưng nhiều lúc bà buồn vì không được muốn mua gì thì mua như người ta, ông dặn gì bà làm theo nấy. Cái danh bà - năm - Bình - Định từ ngày về quê đã mai một, không còn nghe thấy nữa. “Bà năm Bình Định” đã chết hơn bốn mươi năm rồi.
Ông Năm Trúng buồn bã:
-Liệu cơm mà gắp mắm, bà ạ!
Bà Năm không nói gì, chỉ thở dài buồn bã, rồi vội quay ra cửa. Ngày nào cũng vậy, ông đưa tiền bữa, sợ bệnh đau không tiền thang thuốc. Cái gì thật cần bà mới mua, ngoài ra bà không dám mua món gì cho bản thân - dù nhỏ nhặt.
***
Ông năm Trúng diện áo quần tươm tất, áo bỏ trong quần, chân mang dép da trông lịch lãm lắm. Ông đứng ngắm nghía trước gương, thoa dầu thơm chải tóc láng bóng. Ông nghiêng qua, nghiêng lại, mỉm cười hài lòng, rồi dắt xe ra ngoài nói lớn cho bà Năm nghe:
-Tui đi Thạch Chẩm ăn giỗ, chiều mới về. Trưa bà khỏi nấu cơm phần tui đó nhen.
-Tui biết rồi.
Bà Năm không ở không chút nào, hết mùa với ruộng lúa lại nhận hột đào về nhà bóc vỏ lụa. Bà cố gắng làm việc kiếm thêm ít tiền chợ để có thức ăn thêm cho các con. Bà luôn nghĩ “Ở không sẽ sinh bệnh” nên khổ mãi. Bà Năm dùng dao bóc vỏ hột đào, hai tay bà thật nhanh nhẹn, không biết đến thời gian, làm cho hết mấy ký hột đào kiếm đâu được vài chục bạc mà cái lưng đau cứng đứng dậy không nổi. Một mình bà ở nhà khỏi cần nấu cơm, lấy cái bánh tráng nhúng chấm nước mắm lót dạ là yên rồi. Bà dọn dẹp chỗ vỏ hột đào cho sạch sẽ, thu xếp gọn gàng, lại võng nằm nghỉ lưng. Vợ chồng thằng con trai về thăm, mua cho mẹ hộp sữa. Trâm - con dâu bà Năm, lấy bì bóng bọc cái ti vi xuống, phủi bụi rồi mở xem. Bà Năm dặn con dâu:
-Con xem xong tủ lại y cũ chớ ba về thấy mắc dấu là sẽ la đó nhen.
Trâm cười, lắc đầu:
-Ti vi mua cả chục năm rồi mà còn mới kẻng hà; mẹ đừng lo, có gì cứ bảo con mở đó.
Bà Năm cười theo con dâu:
-Có cho mở đâu biểu sao không mới kẻng, bộ mày, ba không la được à? Coi chừng ổng rượt chạy không kịp đấy con.
Tấn - con trai bà Năm cười với mẹ:
-Ba rượt thì tụi con chạy về luôn. Kệ ổng đi, muốn xem thì để ổng đi đâu mình mở, ai biểu mở có ổng chi cho ổng la. Chỉ có tội hà tiện, khổ quá. Con thấy tội ba quá đi.
Ba mẹ con xem phim cười giỡn vui vẻ.
Nghe tiếng xe máy ngoài ngõ, Tấn vội chạy lại tắt ti vi. Ông Năm bước vào nhà, Tấn cười chào ông:
-Ba đi ăn giỗ nhà bác Ba Hân trong Thạch Chẩm hả? Đông vui không ba?
-Đông chớ sao không mày, hai đứa về khi nào đó?
Trâm cười chào ông, trả lời:
-Dạ về nãy giờ, tụi con mua về cho ba mẹ hộp sữa uống cho chắc xương.
-Úi trời ơi! Mua chi cho tốn kém, cứ lao động cho chắc khỏe không cần sữa siết gì hết. Phung phí! - ông quay qua hỏi Tân, Nãy tao nghe đứa nào mở ti vi phải không?
Tân lè lưỡi:
-Đâu có, ba nghe nhầm của nhà ai đó, mở đâu mà mở.
-Thiệt không? Chỉ tốn điện - ông lại chỗ ti vi sờ lên - Còn nóng đây này.
Trâm cười giả lả:
-Thôi mà ba, là con đó. Mở xem chương trình văn nghệ chủ nhật một lát thôi mà. Ba đừng giận nhé!
-Nói thì nói vậy thôi, chứ tụi con lâu lâu về mở chút không sao. Ăn bánh ít không? Đây này, mấy mẹ con ăn đi. Tao ăn giỗ bác ba Hân gởi về đó. – nói xong ông lấy bọc bánh ít treo trên xe đưa cho Trâm.
Trâm lấy đĩa sắp ra, mang lại mời mẹ:
-Ăn đi mẹ, bánh ít lá gai chắc ngon.
Ba mẹ con nhìn nhau cười. Bà Năm vui lắm, có con trai và con dâu về thăm bà được nói cười thoải mái, cả ngày có ai đâu mà cười mà nói. Tân nhìn mẹ xót xa, nó thấy mẹ cười hạnh phúc, lòng vui lắm. Tân khen thầm mẹ mình giỏi chịu đựng, nhẫn nhịn; lam lũ cả đời, vì chồng, vì con. Tân nhìn mẹ chăm chăm, nó thấy mẹ nó đẹp quá; chắc hồi xưa mẹ nó là hoa khôi của làng mình. Tân thương mẹ lắm, mẹ mà sung sướng, hạnh phúc thì cả làng này đố ai sánh bằng mẹ. Tân nhớ hôm đi uống cà phê với mấy đứa bạn, nó ngồi bàn bên ngoài nghe mấy cô chú bàn bên trong bàn tán. Một cô nói:
-Đêm hôm tui xem tuồng cải lương thiệt hay, có nhân vật hà tiện; ăn không dám ăn, mặc không dám mặc; rớt xuống sông nhờ người ta cứu còn trả giá ha ha ha.
Một cô khác nói:
-Chuyện đó thiếu gì người. Có ông ở xóm tui, mua cái quạt máy mấy năm chưa mở ra xài, còn mới kẻng; không biết ổng mua để làm gì? Đồ đạt trong nhà ổng không thiếu cái gì, ai có gì ổng có nấy mà không xài, thiệt tội.
Một chú hưởng ứng:
-Mua cho có để người ta nói mình cũng có như ai, xài thì tiếc. Nhưng sao chuyện bà nói giống ông năm Trúng xóm trên dữ vậy?
Cả mấy cô chú cùng cười:
-Nói mà nói ông Năm Trúng, ai mà không biết; ổng nổi tiếng cả làng lâu nay mà. Nói thì nói vậy, kể ra cũng tội ổng, hồi trước ổng chịu chơi lắm; sau này khổ quá thay đổi tính khí lúc nào không biết.
Tân nghe họ nói lòng xốn xang, cảm thấy mắc cỡ. Ba Tân chắt chiu cả đời nhưng cũng giàu có gì cho cam. Ông chỉ làm ruộng đủ ăn, đủ mặc là giỏi, làm gì dư giả; có thể ông sợ cái đói, cái nghèo, nên hà tiện để dành cho ngày sau. Thấy người ta sắm sửa đủ thứ, sợ người ta chê mình dở không có gì nên cố gắng nhịn ăn sắm sửa cho có với người ta. Mua thì được, xài thì phải tốn tiền điện, sợ hư hỏng phải sửa, nên cứ thế mà cất kỹ. Tân nghe người ta cười mà thương ba mẹ vô cùng, nhưng biết làm sao được; ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười ở hẹp người chê mà.
Bà Năm vừa ăn bánh ít vừa ngắm Tân – đứa con trai duy nhất của bà. Bà yêu thương hết mực. Nhìn Tân, bà nhớ lại lần con trai nóng sốt mấy ngày không có một viên thuốc, nếu có tiền thì thuốc tốt cũng tìm không ra; may mà nó còn sống sót giờ ngồi trước mặt bà đây. Cả đêm bà nhúng khăn ướt đắp lên trán con, và lau mình cho mát để hạ nhiệt thôi. Ông Năm Trúng tỉnh bơ:
-Trẻ con nóng sốt là chuyện thường, bệnh đau gì mà thuốc với thang.
Bà Năm lo lắng cả đêm không chợp mắt, con trai bà nằm thiêm thiếp sốt mê man. Chú Tư nhà bên cạnh thấy vậy biểu bà cho cháu nhập viện để lâu nguy hiểm, ông Năm có phần lo lắng, nhưng nghĩ không sao, liền nói:
-Không sao đâu, trẻ con sốt vài hôm là hết; nó “tước” đó mà.
Bà Năm không quyết định được, cái gì ông không đồng ý là bà không dám làm. Hai hôm sau, con trai bà mắt trợn trắng thở hổn hển. Bà Năm khóc thét lên rồi ôm con chạy ra nhà cô Thẩm - y tá trong làng. Cô Thẩm lật đật nhỏ vào miệng con trai bà Năm mấy giọt thuốc rồi đưa ống cặp nhiệt vào nách thằng bé. Cô Thẩm hốt hoảng:
-Trời ơi! Ba mươi chín độ hơn. Sao bà không cho nó nhập viện, nguy hiểm quá rồi.
-Cô ơi! Mấy ngày rồi, ai cũng biểu đi viện nhưng ổng cứ nói không sao, thành ra như thế này. Cô giúp tui cứu cháu với!
Cô Thẩm nhìn bà Năm, lòng rất thương cảm,. Cô Thẩm khám và chữa bệnh cho Tân hơn mười ngày mới khỏi bệnh. Từ đó ông năm như thức tỉnh, mỗi lần trong nhà có ai nóng sốt là ông lật đật chở ra nhà cô Thẩm khám và chích thuốc liền.
***
Ông Năm Trúng đang sửa xe đạp ở nhà dưới, Thúy - con của chị Hai bà Nồng, chạy từ ngoài sân vào thở hổn hển:
-Con chào dượng Tư, Dì Tư đâu rồi? Con lên báo cho dì dượng biết Dì Ba chết hồi hôm, năm giờ chiều nay liệm, tám giờ sáng mai chôn. Dì dượng xuống đi với má con, trưa nay tàu vô khoảng một giờ đó.
-Vậy hả? Để tao hỏi thử Dì Tư mày có đi không, chứ tao không đi được; tao còn phải sửa cho xong chiếc xe đạp của ông Hai xóm trước, hẹn ổng rồi không xong ổng la.
Thúy dặn ông:
-Dì Tư có đi thì xuống trước giờ tàu vô đừng để trễ đó nhen dượng.
-Ừ! Tao biết rồi.
Thúy ra sân đi về, ông lầm bầm:
-Bao nhiêu là việc còn chết với chóc nữa.
Một lát bà Năm đi chợ về, ông nói với bà:
-Chị Ba trong Vạn Giã chết hồi hôm, năm giờ chiều nay liệm, tám giờ sáng mai chôn. Con Thúy mới lên báo tin, bà có đi thì xuống đi với má nó, tàu một giờ vô.
Bà Năm hốt hoảng:
-Trời ơi! Chị Ba bệnh gì mà chết vậy ông? Sao tui không nghe bệnh đau gì hết trơn mà giờ chết. Thương chĩ quá! Bà Năm tức tưởi khóc rồi quay lai - hỏi: Ông có đi không?
-Rảnh đâu mà đi, tui còn phải sửa cho xong chiếc xe của ông Hai, hứa với ổng rồi. Bà có đi thì xuống đi với chị Hai.
Bà Năm khóc to hơn:
-Trời ơi! Nghĩa tử nghĩa tận, ông nỡ nào mà không đi; chị em trong nhà chớ có phải người ngoài đâu.
Ông Năm Trúng nói khe khẽ:
-Bà đi một mình cũng được mà, còn nhà cửa ai trông?
Bà Năm vừa khóc vừa kể:
-Chị Ba thương tui nhất, mỗi lần ghé thăm là dúi tiền cho em út. Làm gì cũng gạt hết, đi vài hôm rồi về. Nhà cửa không ai khiêng đâu mà ông lo.
-Thôi bà cứ xuống đi với chị Hai vô trước đi, mai tui vô sau cũng được.
Bà Năm năn nỉ:
-Ông à! Mình sống tuổi này rồi, ông nghe tui đừng tham công tiếc việc nữa. Ông đi cùng tui, có vợ có chồng; mấy mươi năm rồi, gần hết đời người rồi; mình cũng có con cái có công việc làm đàng hoàng, không đói đâu mà lo. Ông nghe tui nhé! Hai vợ chồng cùng đi nhé!
Ông Năm Trúng nhìn vợ, ánh mắt bà thân thiết quá, đã làm mềm lòng ông. Ông như vừa bước ra một thế giới khác, như bừng tỉnh cơn mê ngủ từ lâu. Ông thấy vợ mình xinh đẹp, dịu dàng như ngày nào; lòng ông xúc động nghẹn ngào. Bấy lâu nay ông đã sống trong nỗi lo sợ đói nghèo, không có cái ăn khổ biết ngần nào; vì ông đã từng thiếu ăn, đói khổ trong những ngày lao động ở trong trại cải tạo. Nước mắt ông rưng rưng nhìn bà, ông thều thào:
-Bà ơi! Tha lỗi cho tui nhé! Tui sẽ đi cùng bà.
Bà Năm vui mừng kéo tay ông:
-Ông đi tắm rửa rồi thay đồ, chúng ta cùng đi, nhanh lên kẻo trễ tàu.
Ông Năm Trúng lật đật dọn dẹp lại mọi vật dụng đang bày ra sân, rồi đi ra sau giếng, bà Năm nhìn đồng hồ, bà giật mình gần mười hai giờ rồi. Bà lật đật đi sửa soạn thu xếp áo quần. Hai ông bà vội mang xách lên vai, nắm tay nhau chạy ra ngõ…