TIỂU NGUYỆT
Bến Xuân
Truyện ngắn
Bến Xuân
Truyện ngắn
Hạ đạp xe qua khúc cua rồi rẽ vào đường Hoàng Diệu, con đường mà ngày xưa bọn con gái trường nữ tụi nàng hay gọi là “con đường tình ta đi” mỗi khi đến lớp. Hàng me hai bên đường rợp mát, yên vắng, với những chiếc lá me bay bay nên thơ, để các nàng võ vẽ tập gieo vần mơ mộng. Hạ mỉm cười nhớ lại những bài thơ mộng mơ ngày nào, sao mà ngây ngô, sao mà dễ thương lạ.
Ngày ấy, sáng nào nàng cũng đến rủ Ngân cùng đi học, hai đứa vừa đi vừa ngân nga vài câu trong một tình khúc nào đó yêu thích, trên con đường thơ mộng ấy. Tà áo vừa rộng, vừa dài, xúng xính, xùng xình của Hạ, nhìn vào là có thể đoán biết mặc bính áo của người khác. Nàng luôn mặc áo dài của chị gái đã chật bỏ ra, có khi dép đứt, phải lấy sợi dây ny lon cột lại, xỏ ngang một khúc cây ngắn, vẫn reo vui, hồn nhiên đến lớp. Chiếc quần trắng bị sên “cạp” lủng lỗ, đi bộ thì thôi, nhưng nếu đi xe đạp thì phải cột túm ống quần lại, giống đi thăm ruộng vậy. Thế mà Hạ chẳng biết mắc cỡ, tỉnh bơ trước cái nhìn diễu cợt của bạn bè cùng trang lứa. Dù vậy, các bạn luôn dành cho Hạ lời khen xinh xắn, dễ thương, có đôi mắt sâu thẳm cuốn hút. Đám bạn trong lớp cũng tỏ ra ngưỡng mộ Hạ vì các bài tập luôn đạt điểm cao nhất.
Hạ chơi thân với Ngân, bởi có nhiều cái “chung”, như chung đường đi học, chung bàn, chung lớp, chung sở thích đọc sách, mê âm nhạc. Mỗi lần có dịp về thăm quê, Hạ luôn dành thời gian đến thăm Ngân. Ngân vẫn sống cô độc, bệnh đau liên miên; ngoài giờ dạy ở trường, Ngân thui thủi ở nhà, đọc sách, hay viết. Trong con người thầm lặng của Ngân, Hạ nhận ra một sự mâu thuẫn kỳ lạ: Ngân thường tâm sự cảm thấy thời gian trôi qua đời mình sao quá dài, đồng thời - có lúc, lại than cuộc sống quá ngắn, lo ngại không thể viết xong trang cuối cho một quyển sách dang dở. Qua bao tháng năm, Ngân luôn miệt mài bên những trang viết, có lẽ đó là niềm vui, niềm đam mê còn lại của đời sống cô độc và bệnh đau, Ngân đang gánh chịu một mình?.
Đi ngang qua ngôi trường xưa, Hạ dừng xe lại trước cổng - dõi mắt ngắm nhìn ngôi trường; bao nhiêu kỷ niệm xưa ùa về, làm nàng lặng im, buốt lạnh. Mới đó mà đã hăm mấy năm rồi, bạn bè tản mát qua bao thăng trầm dâu bể; nhưng ngôi trường xưa vẫn sừng sững cùng nắng mưa, hàng phượng vẫn lặng im nở hoa, tỏa bóng mát rợp sân trường. Hôm nay, ngôi trường đã có thêm hai dãy lầu phía sau, khang trang hơn, rộng rãi hơn; nhưng trong tâm thức Hạ vẫn như thấy ở đấy có thấp thoáng tuổi trẻ hồn nhiên của mình, một thời cắp sách. Tự dưng nàng thèm được trở về với tuổi học trò mộng mơ cũ, với mầu áo trắng đơn sơ chơn chất ngày nào; để không còn lo nghĩ, xóa đi nỗi buồn đau đang trĩu nặng trong lòng.
Hạ đạp xe đến nhà Ngân. Vừa bước vào nhà, bất ngờ nàng nghe tiếng đàn guitar réo rắc của ai đó vừa đệm đàn, vừa hát từ trên gác vọng xuống - “...Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi. Còn thấy chim ghen lời âu yếm, đến đây chân bước cùng ngập ngừng, mắt em như dáng thuyền soi nước. Tà áo em rung trong gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân...”. Hạ nhận biết là bài Bến Xuân - bài hát mà nàng yêu thích từ thuở còn đi học, đã thuộc làu từ dạo ấy, vì dường như hễ được thư thả, là nàng cất giọng ngân nga một mình. Tiếng hát trầm bỗng vang vang “Sương mênh mông che lấp kín non xanh. Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân. Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca, cánh nhạn vào mây thiết tha, lưu luyến tình vừa qua” khiến nàng ngẩn ngơ, bồi hồi. Ôi Bến Xuân! Một Bến Xuân đượm tình da diết của thuở ban đầu.
Ngân bước ra reo lên:
-Ôi, Hạ! Ngọn gió nào thổi bạn về đây thế?
Hạ quay lại, nhìn Ngân - thoáng cười:
-Gió đông bắc thổi cấp 10 - 12 mới về được đây đấy!
Ngân ôm chầm Hạ cười thoải mái:
-Ôi bạn tui! Vẫn còn đùa được. Mình biết tâm hồn cậu luôn nhạy cảm, hồn nhiên trẻ thơ như dạo nào cơ mà.
Hạ cười theo bạn:
-Cho nên mới dễ bị bắt nạt, bị ăn hiếp.
Ngân giã lã:
-Chỉ có người vô tâm ấy mới làm vậy, lẽ ra phải biết trân trọng, yêu quý chớ, đúng hông?
-Đúng hay không đúng thì làm được gì - Hạ chép miệng - cái số cả!
Nghe tiếng Ngân và Hạ nói chuyện ngoài sân, Tâm để đàn lên bàn, xuống gác - bước ra ngoài. Anh chào Hạ:
-Chào em! - Tâm nhíu mày suy nghĩ một hồi rồi ngập ngừng - Hạ phải không?
Hạ cúi đầu chào anh trai Ngân, cười khẽ:
-Dạ! Em là Hạ đây, em ở xa mới về ghé thăm Ngân. Anh hát hay ghê, đàn giỏi nữa. Bài hát nầy em rất thích.
-Bến Xuân ấy mà! Lâu quá mới gặp lại em, em gầy đi nhiều.
Ngân cười trả lời anh:
-Bữa nay nó đỡ rồi đấy anh, cách nay mấy năm, nếu anh gặp chắc chẳng nhìn ra nó đâu.
-Vậy à?
Hạ khỏa lấp:
-Bến Xuân của Văn Cao và Phạm Duy - một ca khúc tuy được sáng tác đã lâu, đã đi vào lòng người. Em rất thích.
Tâm đồng tình:
-Ca khúc nầy được sáng tác vào năm 1942, khi hai nghệ sĩ Văn Cao và Phạm Duy đang sống chung ở Hải Phòng đó em.
-Dạ! Theo em được biết, lúc ấy Văn Cao có tình cảm với một nữ ca sĩ người Hải Phòng; nàng ta chỉ ghé thăm Văn Cao có một lần, nhưng đã để lại trong lòng người nghệ sĩ mối cảm xúc sâu đậm một đời, với câu mở đầu đầy thơ mộng: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi bóng, em đến thăm một lần...”.
-Đúng rồi, đó là nữ ca sĩ Hoàng Oanh. Lúc đó, cô ta đã có người yêu rồi, và chỉ thăm Văn Cao một lần duy nhất rồi lên xe hoa, nên mới có câu “em đến thăm một lần”.
-Dạ! Chỉ “một lần” thôi mà lại nhớ “một đời” anh nhỉ! - Hạ thoáng cười - Em nghe, mấy năm sau chồng của ca sĩ Hoàng Oanh qua đời, Văn Cao có gặp lại Hoàng Oanh ở Việt Trì vào mùa xuân năm 1947, khi đó Hoàng Oanh theo ban ca kịch kháng chiến.
Ngân góp lời:
-Lúc đó Phạm Duy chưa hoàn toàn đi vào sáng tác đâu, nhưng nhờ tự học sách, Phạm Duy rất am hiểu nhạc lý, đã góp ý và chỉnh sửa phần giai điệu do Văn Cao viết đó.
Tâm tiếp lời Ngân:
-Đúng rồi, cuối cùng Bến Xuân hoàn chỉnh, với phần lời 1 của Văn Cao, phần lời 2 của Phạm Duy. Phần giai điệu do Văn Cao sáng tác chính, Phạm Duy góp ý thôi.
Hạ cười:
-Cho nên Bến Xuân thật độc đáo phải không anh - Hạ liếc nhìn Tâm, hai nhạc sĩ tài ba ấy đã góp phần tô điểm cho “Bến Xuân” mãi mãi là “bến xuân” của nhiều người.
Cả ba cùng cười thoải mái, vui vẻ. Sự e dè, ngần ngại trước đây, đã biến mất. Tâm như gặp được sự đồng cảm hiếm hoi, chạy vội vào ôm chiếc đàn ra, và cất giọng hát. Ngân và Hạ cùng hát theo anh, Tâm hát đoạn đầu, rồi Hạ, rồi Ngân tiếp theo. Tiếng đàn, tiếng hát hòa quyện nhau, êm dịu, nhẹ nhàng, khi lên cao réo gọi, khi thì thầm chia sẻ. Cả ba người đã hòa điệu cùng một Bến Xuân đầy thơ mộng, đầy thương yêu.
Hạ bâng khuâng theo từng lời, từng chữ, theo âm điệu trong trẻo, du dương của bài hát. Nàng bỗng ngậm ngùi khi nghĩ về cuộc đời đầy gian truân, sóng gió của mình...
***
Hạ gặp Danh, yêu anh, rồi cưới nhau trong những ngày vừa ra trường về làm việc ở bệnh viện tỉnh. Hai người thật đẹp đôi trước mắt mọi người. Anh là một bác sĩ làm việc ở khoa cấp cứu, hồi sức, Hạ là điều dưỡng viên làm việc cùng phòng với anh. Có được một cô vợ xinh xắn, hiền lành như Hạ, anh vui và tự hào với mọi người trong gia đình cũng như bạn bè lắm. Buổi đầu, họ sống với nhau thật hạnh phúc, nhưng sau vài tháng chung sống, anh dần dần tỏ ra khó chịu khi có người khen vợ mình xinh đẹp, ngoan hiền; cho nên anh thường gắt gỏng, rồi buộc vợ phải xin nghỉ làm, ở nhà, không được tiếp xúc với bất cứ ai. Càng ngày anh càng tỏ ra gia trưởng, đưa ra mệnh lệnh, buộc vợ phải nghe theo nhiều hơn, xem nàng như một món hàng mà anh sở hữu. Hạ thất vọng, đành phải nghỉ làm, ở nhà lo giặt giũ, cơm nước cho cả nhà, để vui lòng anh. Lâu dần cả nhà không cảm thông chia sẻ với sự hy sinh mất mát ở nàng mà lại xem thường, coi nàng như người giúp việc trong gia đình, cần gì là gọi nàng để sai bảo, dù đó là em trai, em gái của anh.
Một hôm, Hạ về thăm cha mẹ, gặp trời mưa to, nên ở lại chơi không về nhà được. Sáng hôm sau, nàng dậy sớm, vội vã về nhà. Vừa bước vào cửa, gặp ngay anh với gương mặt đỏ bừng, giận dữ:
-Hôm qua đến giờ em ở đâu? Không phải muốn đi đâu thì đi, muốn về lúc nào thì về.
Hạ giải thích:
-Trời mưa to quá, lại gió lớn nữa, sợ rủi ro sấm sét, nên ba má biểu em ở lại chơi, sáng hãy về.
Danh cằn nhằn:
-Mưa không biết mặc áo mưa về à, hay muốn ở lại để hẹn hò với ai sao mà biết được?
Hạ tức tối:
-Anh quá đáng thật đấy! Không muốn để tôi về thăm gia đình, cứ bắt ru rú trong nhà lo cơm cơm, nước nước trong cái bếp miết vậy hả? Anh coi tôi là vợ hay là người ở vậy?
Mặt Danh lạnh tanh, không lộ một chút cảm xúc. Anh dằn từng tiếng:
-Là một người vợ, cô phải biết chăm lo cho gia đình, cơm nước, giặt giũ, sao lại gọi là người ở? Bộ cô không muốn thế nữa à? Vậy cô muốn về nhà cha mẹ thì về, muốn đi đâu thì đi. Tôi không buộc cô phải ở lại, nhưng muốn làm vợ tôi là phải như vậy. Tùy cô lựa chọn.
Như nước đã tràn ly, Hạ vào phòng ôm quần áo trở về nhà cha mẹ. Cuộc hôn nhân tan vỡ.
Hạ buồn và thất vọng vì tình duyên quá ngắn ngủi, nàng cứ ngỡ sẽ sống hạnh phúc với người mình yêu, không ngờ anh lại thay đổi nhanh chóng, quá quắt như vậy. Nàng không dám tin vào mình, anh thay đổi hay nàng chưa hiểu hết anh? Nhưng dù sao, nàng nghĩ - nàng đã cố gắng hết sức để nắm giữ cuộc hôn nhân ấy rồi, nên cũng chẳng có gì để hối tiếc; tiếc chăng là nàng đã nghĩ quá đơn giản về tình yêu, vội vàng bước vào đời sống vợ chồng, để lỡ làng cả một đời khó mà nguôi ngoai được.
Sau khi chia tay với Danh được vài tháng, Hạ xin vào làm một bệnh viện ở tận miền Nam xa xôi; nàng muốn quên tất cả, đoạn tuyệt tất cả để làm lại cuộc đời ở một nơi xa lạ, không ai quen biết nàng; lâu lâu về quê thăm gia đình và bạn bè vài hôm rồi lại trở vào làm việc. Dần dần rồi nàng cũng quen với cuộc sống mới, công việc mới và nguôi ngoai nỗi buồn cũ.
Năm năm sau, Hạ gặp Thức - một kỹ thuật viên điện lạnh cho một công ty nơi nàng đang sống. Hạ mở lòng đón nhận tình yêu của Thức, mong có một mái gia đình êm ấm, sum vầy như bạn bè. Họ kết hôn, và ba năm sau Hạ sinh một bé trai. Sinh - con trai của Hạ, ngày càng lớn Thức cũng ngày càng sa đà vào các cuộc vui rượu chè. Hôm nào cũng về khuya, say khướt. Hạ buồn, âm thầm tủi cho phận mình, sao mà truân chuyên quá đỗi. Lúc nào tỉnh rượu, Thức cũng có lý do để biện bạch, khi thì gặp lại bạn cũ, khi vì tiếp khách, vì công việc, vân vân. Lâu dần nàng cũng quen với cái cảnh say sưa của Thức. Hạ cố gắng chịu đựng, hằng ngày tìm vui với công việc và chăm sóc con.
Cuộc sống vẫn thản nhiên trôi đều theo dòng thời gian, như dòng nước dưới cầu vẫn lững lờ chảy. Hạ đau lòng hơn, khi anh qua đêm ở đâu đó không về nhà. Lúc đầu thưa thớt, sau đó thường xuyên hơn. Hạ không nghĩ anh có ai đó bên ngoài, nhưng rồi nàng để ý, thấy anh hay có những cuộc điện thoại bất ngờ, rồi thay áo quần ra đi vội vàng. Hạ tìm hiểu, biết anh có tình cảm với cô kế toán của công ty anh. Nàng hỏi, anh chối, sau đó anh thừa nhận, nhưng nói là chỉ quen vui thôi, gia đình vẫn là trên hết. Hạ cố gắng tin anh - kéo dài cuộc hôn nhân từng ngày tháng qua. Nhưng rồi sự chịu đựng, nỗi đau nào cũng có giới hạn; nàng yêu cầu anh chia tay cô kế toán kia và tìm một công việc ở công ty khác để khỏi gặp cô ta; nhưng anh cho nàng biết, cô ta đã có thai ba tháng với anh, mong nàng chấp nhận cô ấy làm người thứ hai.
Hạ đau đớn đành chọn con đường cuối cùng - chia tay với anh; bởi Hạ nghĩ, trong tình yêu không thể có kẻ thứ ba chen vào. Kẻ thứ ba là kẻ phá hoại hạnh phúc của người khác. Hạ ôm con ra khỏi nhà trọ, nàng như bước vào một thế giới khác, thế giới của sự vô cảm lạnh lùng, và tương lai xa vời với nàng là một cõi mù mịt, đen tối. Nàng lạc lõng, đau đớn như đang trôi trên giòng nước chảy xiết, không biết sẽ trôi dạt về đâu. Trong thời gian trôi nổi, lênh đênh ấy, đã cho Hạ nhìn thấy rằng - hình như cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra? Nàng được một người bạn tìm thuê giúp một phòng trọ gần chỗ làm, để tiện việc đi làm, đưa đón con đi nhà trẻ.
Đã mười năm trôi qua, nỗi đau trong nàng như vết sẹo lành lặn, nhưng đôi khi “trở trời” vết thương lại âm ỉ nhức buốt một chút, rồi cũng chóng qua. Nàng cũng đã có một công việc ổn định, có mái nhà cho mẹ con nàng vui sống. Những ngày tết, hay dịp hè, nàng thường đưa con về quê thăm ông bà, thăm lại bạn bè xưa cũ một thời không bao giờ quên.
***
Hằng ngày, Hạ mong chờ đón nhận những tin nhắn hay những cuộc gọi bất ngờ đầy yêu thương nồng ấm của Tâm với niềm vui rộn rã cho ngày mới. Chúng đã trở thành một phần của cơ thể, không thể thiếu.
Tâm cũng đã nhiều lần chia sẻ cùng Hạ - anh thấy lòng nôn nao, bâng khuâng khi nghĩ về Hạ, khi chờ nhận tin nàng. Đôi lúc, anh tâm sự - cảm thấy rất lạ, thấy mình như thơ trẻ lại với tình yêu bên Hạ, cho dầu đã một lần lận đận, bất hạnh trong tình yêu từ nhiều năm. Một sự mong chờ, nhung nhớ lao xao réo gọi - như thấy lại dáng “Hạ xưa” của một thời hồn nhiên mỗi sáng đến rủ Ngân đi học. Hạ thơ ngây, trong sáng, giản dị dễ mến ngày nào, giờ xuyến xao trong anh nỗi nhớ thầm lặng. Anh luôn hẹn có dịp, “thuận duyên” sẽ ghé lại thăm nàng, để nghe nàng hát, nghe nàng đọc thơ như lời kể lại của em gái. Anh thấy bóng nàng thấp thoáng của lần gặp lại khi nàng ghé nhà thăm Ngân, cùng hát Bến Xuân hòa điệu ngay trong những giấc ngủ hôm nào. Anh như thấy rõ sự thơ trẻ, sáng trong hiếm hoi của tâm hồn nàng, mà anh đã kiếm tìm bấy lâu.
Một buổi sáng chủ nhật, nghe tiếng chuông gọi ở cổng, Hạ lật đật chạy ra mở cửa. Người đang đứng chờ là Tâm. Tâm nhoẻn miệng cười chào nàng, như anh đã từng ghé lại bao lần rồi.
Hạ niềm nỡ đưa anh vào phòng khách, pha trà - rót mời anh.
Tâm nhìn quanh căn phòng, rồi dừng lại nơi gương mặt sáng hồng, tươi tắn của nàng, đang còn bàng hoàng nhìn anh. Tâm cười - giọng chân tình:
-Em có một mái nhà dễ thương quá, nhỏ nhắn nhưng ngăn nắp, trang nhã, ấm áp.
Hạ cười tươi:
-Dạ! Cũng cố gắng lắm đó anh - Hạ mỉm cười, phải có chỗ để gọi là “an cư” chớ.
Tâm cười lớn:
-An cư trước, rồi sau đó là gì nhỉ?
-Rồi... rồi... - Hạ ngập ngừng...
Tâm thản nhiên bước lại ngồi nơi chiếc ghế dựa bên nàng -cầm lấy bàn tay còn e ấp của nàng, đưa lên môi hôn:
-Rồi đến tình yêu, phải không em?
Hạ bỗng thấy dường như gương mặt mình nóng dần lên, cơ thể giá lạnh bấy lâu như có dòng điện sưởi ấm. Nàng ngập ngừng:
-Dạ! Em cũng không biết nữa - có lẽ vậy.
Tâm ôm vội nàng vào lòng, siết chặt. Anh cúi xuống, in đậm những nụ hôn nhớ thương lên khuôn mặt đang đỏ hồng của nàng:
-Anh yêu em! Yêu cả cái dáng xưa lùi xùi, cả cuộc đời lao đao của em nữa, Hạ ơi! - vẫn giữ gương mặt Hạ trong đôi bàn tay - Anh xin lỗi em, anh đã đến hơi muộn, nhưng không trễ lắm, phải không em?
- Dạ, Hạ thì thầm - tình thương yêu không bao giờ muộn, anh à!
Hạ nghe dòng suối yêu thương như đang cuộn chảy trong lòng, đưa nàng về một “Bến Xuân” mà đời nàng đã hằng mong đợi.
-Chúng ta cảm ơn nhau, em nhé!
-Em cảm ơn anh!
Tâm vẫn ôm chặt nàng trong đôi tay - khẽ hát: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần. Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân…”.
Tiễn Tâm ra cửa, Hạ dõi nhìn theo bóng anh trên đường dẫn ra phố, nhủ thầm với lòng mình: “ Ôi! một Bến Xuân mặn nồng yêu thương cho cuộc đời gian truân của mình đã đến!” Bất giác, nàng khẽ hát: “Người đi theo mưa gió xa muôn trùng, lần bước phiêu du về chốn cũ. Tới đây mây núi đồi chập chùng, liễu dương tơ tóc vàng trong nắng. Gội áo phong sương, du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân...”.