TIỂU NGUYỆT
CÁNH CỬA HẠNH PHÚC
Truyên ngắn
Ái Nhi diện chiếc váy màu xanh ngọc đứng ngắm trước gương. Nàng nghiêng qua, nghiêng lại mỉm cười hài lòng. Nàng thầm nghĩ, đã khá lâu, hôm nay nàng mới có dịp đứng trước gương tự ngắm nghía mình như thế.
Trời hôm nay trong xanh, tươi sáng. Một ngày chủ nhật đẹp - có lẽ, nàng đang yêu, đang hạnh phúc, nên mọi thứ chung quanh đều mới mẻ, dễ thương chăng?
Ái Nhi có mặt đúng hẹn ở quán cà phê Nhớ, cái quán mà thời phổ thông nàng và các bạn hay vào ăn ly chè sâm bổ lường thơm ngon, sau giờ tan học; và nơi đây cũng là nơi hẹn hò cùng các bạn cũ khi mỗi đứa đều có gia đình riêng. Ái Nhi đã thấy Hoa và Hằng đang ngồi ngay chiếc bàn cũ, dưới bóng cây vú sữa.
Ái Nhi sà vào, hồn nhiên như thời cắp sách:
- Chào các bạn buổi sáng! Có gì vui không?
- Không biết có gì vui mà nhỏ Lệ muốn nói với tụi mình? Hoa cười.
- Có gì vậy ta? Con nhỏ này cũng hay đấy! Có lẽ…
Hằng nói chưa kịp hết câu đã nghe tiếng cười giòn giã của Lệ:
- Chào các bạn! Hôm nay tớ sẽ cho các nàng xem mặt “bồ” của mình. “Việt kiều” chính cống đó nha!
- Giỏi quá ta! Nhỏ này giỏi thật, có đâu như Ái Nhi, năm, sáu năm rồi mà cứ ôm chặt nỗi đau ấy. Cậu coi nhỏ Lệ nè Ái Nhi, ráng mà học hỏi.
- Được! Để rồi tớ cũng sẽ “bắt chướt” như nó, và sẽ giới thiệu cùng quý nương nhé!.
Lệ cầm chiếc điện thoại mở ra - cười, nói:
-Xin giới thiệu với các nàng, đây là anh Hòa - người mà tớ vừa mới quen trên face book. Anh ta ngõ lời yêu mình và mình đón nhận tình yêu ấy. Các nàng coi thử “tướng mạo” anh ta thế nào? Có duyệt không nhé?
-Được! Được! Cả Hằng, Hoa và Ái Nhi đồng thanh.
Bốn đứa chụm đầu vào cái điện thoại Ifone 6 trên tay Lệ, hí hửng dòm vào xem mặt. Ái Nhi giật mình, Hòa đang mỉm cười nhìn nàng - mà không, anh ta đang mỉm cười với Lệ thì đúng hơn. Những tin nhắn hẹn hò, yêu thương trong masenger như nhảy múa trước mắt nàng: “Anh nhớ em, Lệ ơi!” - “Em cũng vậy” - “Anh yêu em nhiều, nhiều vô kể!” - “Nhớ y lời đó” - “Anh nói thiệt lòng mà. Anh yêu em!” - “Dạ! Em sẽ đợi” - “Hôn em yêu của anh” - “Hôn anh”…
Ái Nhi bàng hoàng, mặt tái nhợt, hai tay nàng vịn chặt mép bàn, cố giữ bình tĩnh. Mọi thứ chung quanh nàng như đảo lộn, xoay tít mù. Hòa đấy ư? Là người đã đánh thức tình yêu trong tim nàng đấy ư? Có lẽ nào? Ái Nhi cố mở to đôi mắt để nhìn cho rõ hơn đó có phải là Hòa của nàng không, bởi nàng không thể tin được Hòa đang hẹn hò với chính người bạn thân của mình. Ái Nhi cảm thấy như mình đang rơi, rơi thật nhanh vào khoảng không vô tận. Một vùng tối om đang vây phủ lấy nàng, nàng cố gượng thoát ra khỏi cái hố tối đen ấy, nhưng không thể. Bỗng nàng nói to, giọng rắn rỏi:
- Đừng nên tin vào cái tình “internet” ấy. Toàn đồ giả!
- Tớ biết vậy nhưng mà vẫn vui, bởi tớ buồn lắm, buồn chết đi được. Chồng con gì mà bất nhân bất nghĩa, cư xử phũ phàng với tớ quá. Các bạn biết không, hắn có người khác rồi về chê tớ già, không model, đòi ly hôn, nghĩ có tức không?. Tớ quần quật với bao nhiêu là việc - cơm nước, giặt giũ quần áo, con cái, rồi còn lăn ra ngoài xã hội kiếm tiền, chớ ở không ngồi đó mà áo quần, son phấn? Hắn luôn nói nội trợ là chuyện của đàn bà, còn chuyện đàn ông là gì? Nghe hoài, tớ tức chết được, nhưng không dại gì chết, bỏ con. Càng ngày, hắn tệ không thể nào tưởng được - Lệ ấm ức tâm sự.
Hằng cầm tay Lệ, nói nhỏ:
-Thôi, quên anh ta đi, nhưng cậu đừng có mà nặng tình hứa hẹn với “người tình internet” đó nhen. Không đáng tin đâu. Thời này “ảo” nhiều hơn “thật” đấy.
- Tớ biết, tớ đã quên lão Huy tệ bạc kia rồi. Cậu biết không, lúc ly hôn chia tài sản - chiếc xe tớ đang đi, khi mua hơn xe hắn tám triệu, nằng nặc đòi tớ trả lại cho hắn bốn triệu. Hắn khăng khăng, tất cả đều chia đôi! Chiếc xe ấy của hắn - do chính mồ hôi nước mắt của mình làm ra mua cho hắn đi đấy chứ. Có tức không?
-Tức chi cho mệt, hắn đã như vậy, quên càng nhanh cho khỏi đau lòng - Hoa quay qua nhìn Ái Nhi, giọng hốt hoảng: “Ái Nhi! Cậu sao thế?”
Như ly nước đã đầy, câu hỏi của Hoa đã làm tràn những cảm xúc cố kiềm nén trong nàng nãy giờ. Ái Nhi bỗng khóc òa, mặc cho các bạn lo lắng:
- Sao thế hả Nhi? Cậu nói đi, cho nhẹ lòng. Nín đi, người ta đang nhìn tụi mình kìa.
Ái Nhi nói, giọng đứt quãng:
- Các bạn biết không, mình cứ nghĩ mình khó mà tin được ai, khó mà đón nhận một tình yêu nào nữa. Nhưng rồi mình lại gặp Hòa, anh ta đi cùng anh Tú (con của bác Hai mình) đến nhà mình chơi. Không hiểu sao mình lại có cảm tình và rồi khi anh ta ngõ lời yêu thương, mình chấp thuận. Mình yêu anh ta rất chân thành, giờ mình cảm thấy hụt hẫng, xấu hổ quá.
Lệ như từ trên mây rơi xuống, sửng sờ nhìn Ái Nhi. Cô cũng ngơ ngác không hơn gì bạn - lẩm bẩm:
-Thì ra… là vậy. Thật tội nghiệp cho phụ nữ chúng mình.
Hằng đứng phắt dậy:
- Quên tất cả đi, coi như trong đời sống mình “bị nạn”. Họ không xứng đáng! Mình phải biết đứng vững, sống an vui, khỏe mạnh, bởi không có gì quí bằng cái thân mình. Theo mình được nghe giảng, được sanh làm thân người là khó, làm người mà lành lặn còn khó hơn - cho nên đứng trước mọi điên đảo của cuộc đời, không mắc mớ gì buồn khổ lâu chi cho mệt.
Cuộc vui như chùng xuống, chìm vào nỗi buồn mênh mông, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ theo cách riêng của mình.
Ái Nhi, Hằng, Hoa, và Lệ là bốn người bạn cùng học thời phổ thông, chơi thân nhau từ thời ấy cho đến bây giờ. Ái Nhi ít nói, trầm tĩnh, sâu sắc; Hằng có khiếu nói chuyện ai cũng thích; Hoa chân thành, cởi mở, mau mắn; Lệ bỗng chãng, hồn nhiên. Mỗi đứa mỗi tính cách nhưng họ rất thân nhau, như hình với bóng. Ái Nhi và Lệ kém may mắn hơn Hằng và Hoa trong hôn nhân. Ái Nhi kết hôn được năm năm thì cuộc hôn nhân đổ vỡ, bồng đứa con trai ba tuổi về sống với cha mẹ. Nỗi đau tưởng không thể nào sống được, nhưng rồi cũng trôi qua theo lớp bụi thời gian. Không biết nỗi đau tiếp theo này, Ái Nhi sẽ như thế nào? Còn Lệ, với bản tính bỗng chãng, hời hợt - có lẽ chẳng là nỗi đau hằn sâu lâu dài.
***
Ái Nhi dựng chiếc xe trước sân, nàng đếm từng bước vào nhà, mỏi mệt. Nàng nghe đau rần, tê buốt, cố gượng không để chìm sâu vào nỗi đau, nhưng không thể nào gượng nổi. Ái Nhi lảo đảo bước lại giường nằm xuống, thiêm thiếp. Nàng co rúm như đang lên cơn co giật, hết lạnh, lại nóng ran hai bên thái dương, rồi lan dần khắp cả người.
Ái Nhi nhắm nghiền đôi mắt mà sao vẫn thấy rất rõ những tin nhắn hẹn hò, yêu thương của Hòa cùng với người bạn học trong chiếc điện thoại nhỏ bé ấy. Trái tim nàng đập loạn xạ, cố hít thở thật đều, nhưng sao cứ nghèn nghẹn ở lồng ngực. Nàng chới với, rã rời, mồ hôi bắt đầu rịn ra khắp người lạnh toát. Nàng quay người, úp mặt xuống gối nức nở.
Ái Nhi không hiểu sao đời mình lại lao đao đến vậy. Cuộc hôn nhân mà Ái Nhi chăm chút hết lòng, luôn yêu thương và chìu chuộng, luôn đặt niềm tin hồn nhiên của thuở ban đầu; nhưng rồi Thuận - chồng nàng, lại quay lưng, dong ruỗi kiếm tìm bóng hình khác. Có lúc, Ái Nhi cảm thấy không hiểu đàn ông muốn gì nữa sau hôn nhân? Hạnh phúc mà phải rình rập, đuổi bắt, hay dối lòng ấy có phải là hạnh phúc mà đời sống thực sự cần không? Ngày hai người quyết định cưới nhau, gia đình nàng không ai chấp thuận. Cha của Ái Nhi cho rằng, Thuận là con người không quảng đại, không bao dung, ông sợ nàng sẽ khổ về sau. Còn chú Tư của nàng thì nói, Thuận có khuôn mặt khắt khổ của một người ích kỷ - nhất là đôi mắt ti hí, nụ cười không hở răng, chắc chắn không có tương lai tốt. Nhưng vì quá yêu thương Thuận, Ái Nhi đã cầu xin cả nhà cho phép nàng được kết hôn với anh ấy, bởi nàng không thể sống nếu phải rời xa Thuận.
Hai người về với nhau với đôi bàn tay trắng, dẫu gia đình Ái Nhi thuộc dạng giàu có trong làng. Cha nàng cho rằng, ông đã nuôi nàng ăn học đến nơi, đến chốn, đã là phó giám đốc Thư viện thành phố, sau bốn năm theo học ngành “Thư viện và Thông tin” (Library and Information Studies). Tuy công việc đòi hỏi sự cần mẫn suốt ngày trong thư viện, nhưng Ái Nhi luôn đảm đang việc nhà của một người vợ hiền thục. Những ngày tháng mới về với nhau, Thuận tuy ít nói nhưng anh hòa đồng, vui vẻ, cuộc sống họ hạnh phúc trong năm đầu. Khi Ái Nhi sinh cậu con trai đầu lòng, không hiểu sao Thuận càng ngày càng khắt khe, tỏ ra rất độc đoán, gia trưởng. Anh coi người đàn ông là người ngồi ở nhà trên, vợ là người nhà dưới, phân chia rạch ròi công việc của người vợ là phải nội trợ, lo việc nhà cửa. Sửa cái bóng đèn cũng vợ, mài cái dao cũng vợ, chở bao lúa đi xay cũng vợ. Đến giờ cơm, Thuận chờ dọn ra mâm rồi ngồi vào, dọn cơm chậm cũng bị anh quở mắng.
Ái Nhi ngỡ ngàng khi thấy anh thay đổi hoàn toàn, không còn hòa nhã, vui vẻ như thuở yêu nhau. Anh hẹp hòi, ích kỷ, điều gì không vừa ý, anh hét toáng lên, có khi còn đánh đập nàng. Dù vậy, Ái Nhi vẫn muốn duy trì cuộc hôn nhân này, nàng thương đứa con trai bé bỏng nên cố gắng chìu chuộng. Thế rồi, anh hay qua đêm ở bên ngoài, nàng hỏi, anh trả lời rằng công việc phải vậy. Ái Nhi buồn lắm, nhưng ráng chịu và nàng bắt đầu nghi ngờ anh có người phụ nữ khác bên ngoài.
Một hôm, Ái Nhi thấy anh đang say mê nhắn tin trên chiếc điện thoại, nàng rón rén lại phía sau nhìn vào. Ái Nhi phát hiện anh đang hẹn hò với người khác, liền giựt chiếc điện thoại xem cho rõ. Anh sấn tới cố giựt lại chiếc điện thoại, nhưng nàng bấu chặt không buông. Anh đánh tới tấp vào người nàng, giựt lấy chiếc điện thoại ném mạnh xuống đất vỡ toang, rồi thay quần áo bỏ đi.
Ái Nhi bàng hoàng như vừa trải qua cơn ác mộng, bấy giờ nàng mới thấy những lời cha nàng và chú Tư nói là đúng. Ái Nhi chỉ biết ôm đứa con khóc ngất.
Sáng hôm sau, Thuận trở về, anh đưa nàng đơn ly hôn đã ký sẵn. Anh nói như ra lệnh: “Ký vào đi! Tui đã viết sẵn rồi.” Ái Nhi nhìn anh như nhìn một người từ hành tinh xa lạ nào mới đến. Phút chốc, nàng trở nên mạnh mẽ, cầm bút ký vào đơn.
Tòa án mời hai vợ chồng đến hòa giải theo đúng luật, nhưng rồi không thể hàn gắn được.
Ngày ra tòa, Ái Nhi như người mất hồn, ngơ ngác, bấn loạn trả lời những câu hỏi của luật sư, bồi thẩm đoàn đứt quãng, khiến họ phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần cho rõ. Cuối cùng tòa xử nàng được quyền nuôi con, và Thuận phải trợ cấp hằng tháng. Không hiểu ở đâu ra, anh có đủ giấy tờ mảnh đất mà hai vợ chồng cất nhà là cha mẹ cho riêng anh, có anh chị em ký đầy đủ. Tòa án xử chia đôi căn nhà với giá trị vật liệu xây dựng và khấu hao. Anh được ở căn nhà ấy và thối cho Ái Nhi một trăm triệu đồng, không được mang theo bất cứ thứ gì.
Ái Nhi ôm con trở về nhà cha mẹ, được cha mẹ cưu mang, đùm bọc. Cha mẹ xây cho mẹ con nàng một căn nhà khang trang bên thị xã. Thời gian dần trôi, nỗi đau cũng dần khép. Ái Nhi bình tâm trở lại, nàng xinh xắn, linh hoạt mỗi sáng đến thư viện làm việc, và về nhà chăm sóc con trai.
Một ngày, Ái Nhi gặp Hào đi cùng Tú đến nhà thăm; để rồi từ đó nàng như sống lại những tháng ngày yêu thương xưa cũ. Nàng hạnh phúc với tình yêu say đắm Hào giành cho nàng. Ái Nhi yêu anh với tất cả chân tình. Họ vẽ một bức tranh về tình yêu phía trước, một căn nhà nhỏ xinh xinh luôn rộn rã tiếng cười. Anh hứa sẽ yêu thương và cùng nàng đi hết cuộc đời này. Và rồi niềm hy vọng ấy lại tan đi nhanh chóng như sương khói - một nỗi đau đớn gấp vạn lần so với nỗi đau xưa kia đang tràn ngập trong lòng nàng.
Ái Nhi nằm thiêm thiếp trên giường, nghe nỗi đau căng tràn trong người. Nàng nghe tiếng con trai nhưng không thể mở nổi mắt.
- Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?
Hà chạy từ ngoài vào nhà, gọi mẹ í ới, nhưng không thấy mẹ đâu liền vào phòng tìm mẹ. Thấy mẹ nằm im trên giường, cậu bé vội sờ lên trán, ríu rít:
- Mẹ ơi! Mẹ sao thế? Mẹ bệnh rồi hả? - rồi cậu quay ra ngoài kêu to lên - Ngoại ơi! Vào đây xem, mẹ con bệnh rồi.
Ông Tùng vừa đưa cháu về, dắt xe ra ngõ chuẩn bị đi thì nghe tiếng kêu của cháu, liền dựng chiếc xe, hấp tấp vào nhà.
- Mẹ con bệnh rồi à? Tránh ra ông xem thử.
Ái Nhi cựa mình, cố mở mắt nhìn cha:
- Không sao đâu ba, con mệt nằm nghỉ một lát là hết ấy mà.
Ông Tùng đưa tay sờ lên trán Ái Nhi, ông hỏi:
- Ăn uống gì chưa? Hình như đang sốt cao đó con, để ba đi mua thuốc.
Ái Nhi vội ngồi dậy, bước xuống giường. Nàng gượng ra nhà sau rửa mặt:
- Ba về đi, con không sao. Nằm ngủ quên, ấm người một chút thôi mà.
- Vậy hả? Thôi ba về đây. Dậy nấu miếng cháo ăn cho dễ tiêu, trời này mà nằm miết không bệnh cũng thành bệnh à.
Ái Nhi “dạ” rồi xuống bếp.
***
Với chức vụ Phó Giám đốc điều hành chuyên môn, hằng ngày nàng phải ký xác nhận nhiều giấy tờ, liên hệ nhiều cơ quan, giải quyết các vấn đề chuyên môn. Trong quan hệ, Ái Nhi quen và trở thành thân thiết với Thư - là một nhà văn nữ thường ghé thăm, đôi lúc Thư gởi sách tặng cho thư viện. Là đôi bạn thân, thường lui tới thăm nhau, nhiều lần Thư ngủ lại nhà Ái Nhi. Thư khuyên Ái Nhi nên mở lòng với tất cả, không nên tự khép kín với nỗi ưu phiền, niềm đau nào rồi cũng sẽ phôi pha theo bụi thời gian. Thư tâm sự: “Ái Nhi à, cuộc đời này còn nhiều việc cần phải làm, còn nhiều người cần được giúp đỡ; không nên ôm nỗi đau mãi trong lòng, bởi chẳng được gì mà còn không có cơ hội cho ta sống, trải lòng. Em hãy sống hết lòng thì sẽ được đền đáp thôi!”. Ái Nhi cũng đã được nghe “Cuộc đời có thể đóng cánh cửa này với ta, nhưng sẽ mở ra cho ta cánh cửa khác, tốt đẹp hơn, nếu ta biết tìm kiếm”, đã làm nàng tươi tỉnh hơn, an bình hơn.
Một hôm, Thư ghé lại thư viện gởi tặng 10 quyển sách mà cô vừa xuất bản cho thư viện. Sau khi xong thủ tục nhận sách, Thư ghé phòng làm việc của Ái Nhi, mời nàng cùng tham dự buổi triển lãm tranh của họa sĩ “Lê Hân” mà cô vừa nhận được giấy mời tham dự. Ái Nhi vừa trải qua cơn bệnh “cảm thương hàn”, phải mất gần tháng mới phục hồi; nàng ngại bệnh sẽ tái phát, nên do dự không dám nhận lời. Tuy vậy, sau khi cảm ơn Thư, nàng cảm thấy có một cái gì đó như cuốn hút nàng, muốn cùng tham dự với bạn. Thư thấy bạn tần ngần nửa muốn đi, nửa lại không, nên có lời khuyên: “Em nên đi cho thư thả, biết đâu lại khỏe hơn và mở mang được tầm nhìn về hội họa…”. Ái Nhi mỉm cười, nhận lời sẽ cùng đi xem cuộc triển lãm tranh vào sáng chủ nhật.
Ngày triển lãm tranh, Thư đến nhà đón Ái Nhi. Vừa bước vào cửa, Thư đã thấy Ái Nhi xinh xắn trong chiếc áo dài xanh da trời, khoác chiếc áo len trắng đứng đợi, trông thật dịu dàng, quí phái. Thư nhìn bạn, thầm nghĩ: “Ái Nhi vừa xinh đẹp, vừa hiểu biết, nét đẹp đoan trang, dịu dàng, nhìn vào là cảm tình ngay. Đây là một phụ nữ đặc biệt, vậy mà sao…”. Thư càng ngưỡng mộ, kính nể bạn hơn khi biết bạn có niềm đam mê nghệ thuật từ thời Trung học. Mỗi lần tặng Ái Nhi quyển sách nào, sau đó Thư luôn nhận được điện thoại của Ái Nhi bày tỏ cảm nhận rất sâu sắc khi đọc tác phẩm, có khi lâu hơn nửa giờ.
Bước vào khách sạn Yasaka, đôi bạn theo sự hướng dẫn của cô tiếp viên đi về phía phòng triển lãm tranh. Cổng hoa chào đón khách đơn giản, nhưng mỹ thuật. Bước vào phòng tranh, cả hai như lạc vào một thế giới khác, đầy màu sắc. Những bức tranh treo trên các vách phòng nổi bật trong ánh sáng dìu dịu, thanh thoát, tạo cảm giác mênh mang, quyến rũ.
Ái Nhi nói khẽ với Thư:
- Tuyệt quá! May là chị em mình có mặt hôm nay. Em sẽ chọn mua một bức về treo ở phòng khách làm kỷ niệm, được không chị?
- Em quyết định đi với chị là đúng, đây là cuộc triển lãm của họa sĩ khá nổi tiếng, hiếm có một cuộc triển lãm tranh bề thế như thế này. Em xem đi, chọn bức nào em thích nhất nhé!
- Cảm ơn chị!
Ái Nhi đi chầm chậm, từng bước, dừng lại xem từng bức tranh. Nàng cảm thấy bức tranh nào cũng đẹp, bức tranh nào cũng thích. Cô nhận ra tác giả là một người có tâm hồn thật phong phú, nhạy cảm với từng làn ánh sáng, từng màu sắc, qua nét vẽ đầy xúc cảm, sống động. Mỗi bức đều toát lên nét gợi cảm sâu kín, sự gần gũi thân thiết. Thư như thấy được tâm hồn rộng mở của tác giả qua từng tác phẩm mời gọi trước mắt. Ái Nhi dừng lại ở bức “Xa Xăm”- hình bóng một thiếu nữ bên cửa sổ nhìn ra bầu trời mênh mông đầy sao, với đôi mắt xa xăm, đã cuốn hút nàng. Trong đôi mắt ấy, có chút gì nhớ thương, chút gì bâng khuâng, xa vắng. Ái Nhi như bị bức tranh cảm hóa, nàng say đắm nhìn, thả hồn theo mơ ước.
- Cô thích bức tranh này à?
Ái Nhi giật mình quay lại. Bên cạnh là một người đàn ông trạc năm mươi trong bộ veston màu xanh xám lịch lãm, đang nhìn nàng mỉm cười. Ái Nhi thoáng nhìn lên khuôn mặt hiền hậu, với vầng trán rộng thông thái của anh.
Nàng mỉm cười:
- Dạ! Tôi rất thích bức tranh này. Họ có bán không anh?
- Có giá ghi bên cạnh tranh đó cô - anh cười thân thiện, nhưng khi nào tuần lễ triển lãm kết thúc, tôi sẽ mang gởi lại tại nhà.
Ái Nhi lúng túng:
- Xin thứ lỗi, tôi không biết anh là họa sĩ Lê Hân - Nàng ngập ngừng, dạ nếu được, tôi xin chọn bức tranh này - Dừng một phút, khi nào triển lãm kết thúc anh cho nhận tranh cũng được. Tôi sẽ thanh toán tiền trước, và để lại địa chỉ. Cảm ơn anh!
-Tôi phải cảm ơn cô thì đúng hơn!
Ái Nhi có vẻ dạn dĩ hơn: “Chúng ta cảm ơn nhau vậy!”
Giọng nói ấm áp, tiếng cười chân tình, phút đầu - đã khiến nàng rất mến phục anh. Nàng không hề cảm thấy có sự cách biệt, xa lạ nào. Lê Hân nhã nhặn mời nàng lại làm việc cùng cô thư ký. Ái Nhi đã thanh toán tiền bức tranh cùng cô nhân viên phục vụ, và nàng để lại tấm danh thiếp.
***
Đang ngồi ở phòng khách, đọc tiếp chương cuối tập hồi ký “Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị” của Nhà thơ Tôn nữ Hỷ Khương, Ái Nhi nghe tiếng xe dừng phía ngoài, bước ra mở cửa. Họa sĩ Lê Hân ôm bức tranh bước vào cổng, nhìn nàng - cười:
- Tôi mang bức tranh đến cho cô, tôi vào nhà được chứ?
Ái Nhi bối rối:
- Dạ được! Mời anh vào!
Đứng trước anh, nàng cảm thấy lúng túng, tay chân như thừa thãi. Nàng tự nhủ, hãy bình tâm, nhưng dáng rắn rỏi, cương nghị, tự tin của Lê Hân, làm nàng trở nên bối rối. Lê Hân thản nhiên đến đặt bức tranh trên chiếc bàn làm việc của Ái Nhi ở một góc phòng, rồi lại ngồi trên ghế sa lon, đối diện Ái Nhi.
Anh nhìn nàng:
- Căn nhà cô xinh xắn lắm, tôi thích mấy bức tranh cổ vẽ phác của Trung hoa kia - Anh điềm nhiên hỏi - Cô định treo bức tranh này nơi đâu?
Ái Nhi vừa pha bình trà nóng xong, rót ra một tách, nhẹ nhàng đặt trước mặt anh:
- Xin mời anh! Em thường dùng Trà Ô Long.
- Cảm ơn cô!
Ái Nhi chờ anh uống vài ngụm trà, đặt ly xuống bàn, nàng cười nhẹ:
- Theo anh, em treo bức tranh ở phía trên cửa sổ ấy được không?
Họa sĩ Lê Hân nhìn quanh căn phòng rồi gật đầu:
- Được! Treo bức tranh chỗ ấy rất hợp, nó làm căn phòng trở nên ấm áp hơn.
Lê Hân bước lại ôm bức tranh sang chỗ cửa sổ. Ái Nhi phụ giúp anh treo bức tranh.
Anh cùng nàng vừa uống trà, vừa ngắm nhìn bức tranh. Anh cảm thấy vui vui và không hiểu vì sao lại có cảm giác vừa lạ lẫm, vừa quyến luyến đang nẩy mầm trong lòng anh vậy. Đã nhiều lần tổ chức triển lãm tranh ở vài nơi, gặp nhiều khách thưởng lãm, mua tranh, nhưng cảm giác với Ái Nhi, anh như chỉ gặp lần đầu.
Hai người trò chuyện về tranh ảnh, về quan niệm sống, về cuộc đời - nói chung là những chia sẻ bình thường về sở thích, về quan niệm, nhưng sự tự nhiên, cởi mở, mỗi lúc càng làm họ quí mến nhau hơn.
Trước khi chia tay, anh ngõ lời mời nàng tham dự buổi liên hoan kết thúc cuộc triển lãm vào chủ nhật tới. Ái Nhi vui vẻ nhận lời, và hứa sẽ có mặt trước giờ khai mạc.
Ái Nhi phone mời Thư cùng đi với mình đến dự buổi tiệc mừng cuộc triển lãm tranh thành công của họa sĩ Lê Hân. Thư rất vui, cười nói thoải mái, như chính nàng được Lê Hân mời. Ái Nhi đơn giản trong chiếc váy trắng dài chấm gót, hồn nhiên đi cùng Thư đến sớm trước ba mươi phút.
Họa sĩ Lê Hân đón nàng với nụ cười nồng nhiệt, bắt tay nàng và Thư, rồi mời hai người vào chỗ ngồi. Quan khách tham dự khoảng bốn chục người, ai cũng vui vẻ, hân hoan bắt tay anh, chúc mừng cuộc triển lãm thành công ngoài dự tưởng. Sau lời cảm ơn các cơ quan, thân hữu, tất cả mọi người đã ủng hộ, tạo điều kiện, chia vui cùng anh, buổi tiệc bắt đầu bằng đôi song ca bài “Mỗi ngày ta chọn một niềm vui” của Trịnh Công Sơn.
Anh đi loanh quanh, ghé lại từng bàn, cảm ơn mọi người. Gần cuối buổi tiệc, anh đến bên Ái Nhi. mỉm cười:
- Xin phép cô cho tôi tiếp chuyện cùng cô một lát được không?
- Dạ! Em rất hân hạnh ạ.
Anh kéo ghế ngồi xuống bên cạnh nàng, tự nhiên anh cảm thấy bối rối, e ngại, một cảm giác khó tả mà anh chưa từng gặp. Anh nhìn nàng với ánh mắt trìu mến:
- Cảm ơn cô đã đến tham dự chia vui cùng tôi.
-Dạ! Em cũng cảm ơn anh.
-Theo nhận xét của cô thì cuộc triển lãm như thế nào? Cô có thể cho tôi một vài “góp ý” được không?
Ái Nhi đưa tay che miệng - cười;
-Anh hỏi “lầm địa chỉ” rồi! Em chỉ làm nghề “coi sách” thôi mà!
-Cô nói tôi chưa hiểu.
-Có gì lạ đâu, anh - Ái Nhi lại cười, em làm nghề “quản lý thư viện” đó mà.
Lê Hân cười, nụ cười hiền lành, chơn phác của anh làm nàng cảm thấy rất gần gũi, ấm áp.
Nàng bẻn lẻn:
-Em không dám có góp ý gì đâu. Nhưng em thấy cuộc triển lãm rất thành công, xưa nay ở thành phố này ít họa sĩ nào làm được như vậy. Tranh của anh, theo em - nàng ngập ngừng, rất có hồn!
-Cảm ơn cô đã thích tranh của tôi. Có thể nói, mỗi tác phẩm là tâm huyết, là máu thịt của tôi.
-Em nghĩ, chắc chắn có rất nhiều người yêu thích tranh của anh. Em nhìn thấy nhiều bức tranh ngay ngày đầu đã có gắn bản “Đã có người mua” rồi!
Lê Hân xúc động với những chia sẻ như toát ra từ sự chân thành, sự đồng cảm tự nhiên, làm anh thêm quí mến.
-Tôi xin lỗi, tôi nhìn thấy căn nhà xinh đẹp ấy dường như có không khí hơi vắng.
Ái Nhi thoáng buồn, rồi mỉm cười - xa vắng:
-Em nghĩ, không phải ai cũng dễ đạt được ước mơ của mình, dù là những mơ ước thật bình thường. Em luôn mơ mình có một gia đình êm ấm - ước mơ nhỏ nhoi của bất kỳ người phụ nữ nào, nhưng với em khó quá. Cánh cửa hạnh phúc chưa hề mở ra với em.
-Không sao, không sao! - Lê Hân nói vội, Tôi cũng sống một mình, vợ tôi mất đã mười năm nay rồi. Tôi nghĩ, không nên quá đau lòng về quá khứ, nên xem đó là kỷ niệm, cũng không nên mơ tưởng quá nhiều về tương lai - Anh chợt dừng lại một phút, ta nên sống cho hiện tại - ngay trước mắt, làm sao mỗi ngày đều vui, làm những việc tốt. Cô có đồng ý như thế không?
-Dạ! Nghĩ và làm là hai việc khác nhau, khó mà hợp nhất. Nhưng em sẽ cố gắng nghĩ và làm theo như lời anh nói. Cảm ơn anh!
Khi nghe tiếng người dẫn chương trình cảm ơn mọi người đã có mặt chia vui và mời họa sĩ Lê Hân tuyên bố bế mạc - Lê Hân ngõ ý:
- Xin lỗi cô! Tôi xin phép được đưa cô về nhà nhé!
Ái Nhi bối rối trước lời đề nghị của anh, nàng chưa kịp trả lời thì Thư đã đến bên cạnh nói với nàng:
- Ái Nhi về trước nhé! Mình còn một số vấn đề cần trao đổi với bạn văn về bài viết cho phòng tranh. Tối mai mình sẽ đến chơi, ngủ lại - tạm biệt!
Ái Nhi bắt tay Thư rồi đứng lên chào anh đi ra. Nàng đi chầm chậm, anh bước theo sau. Khi ra khỏi nhà hàng, anh bước lên phía trước đưa tay vẫy chiếc taxi. Lê Hân lịch sự mở cửa xe và mời nàng:
- Mời cô! Xin phép để tôi đưa cô về cho vui.
- Dạ! Cảm ơn anh!
Ái Nhi bước lên taxi, anh bước theo ngồi bên cạnh làm mặt nàng đỏ lên, nóng ran. Ái Nhi im lặng, thỉnh thoảng liếc nhìn anh. Vầng trán cao thông thái, trông anh đầy nghị lực, thu hút tâm trí nàng. Trong lòng nàng thoáng qua một chút xao xuyến, bâng khuâng, nhưng rồi nàng giật mình kềm lại - Không được! Và nàng cố lờ đi không dám đắm mình trong tình cảm ấy.
Taxi dừng lại trước nhà Ái Nhi, anh mở cửa xe và mời nàng xuống. Anh đưa tay bắt tay nàng và chào tạm biệt. Nàng nghe như có dòng điện ấm truyền vào người, anh nắm chặt tay nàng một lát, như không muốn buông ra.
Lê Hân nhìn thật sâu vào đôi mắt nàng, một cảm giác bình yên, ấm áp tràn đầy trong anh, khiến anh ngập ngừng không muốn rời xa. Anh buông tay nàng và nói như lời hứa hẹn.
- Tạm biệt em! Xin phép cho anh được thỉnh thoảng đến thăm em nhé!
Ái Nhi giật mình, nàng lí nhí:
- Mời anh vào nhà uống chén trà rồi về.
- Xin phép em để lần khác anh sẽ đến. Chúc em một buổi tối vui vẻ!
- Dạ! Tạm biệt anh, hẹn gặp lại.
Nói xong, Ái Nhi quay bước vào nhà, anh vẫn đứng yên, nhìn theo bước chân nàng như sợ nàng biến mất.
Gần đến cửa, nàng quay lại, thấy anh vẫn tần ngần nhìn theo mình, bỗng nhiên nàng như vướng phải sợi dây giăng ngang dưới chân. Nàng đưa tay lên ngực cố đè nén cảm xúc ấy, nhưng nó cứ căng tràn. Bước chân nàng như vướng víu - Ái Nhi vội tra chìa vào ổ khóa cửa, với ý nghĩ ngộ nghỉnh: “Ta đang mở dần cánh cửa hạnh phúc của đời sống ta!”
12/2017