TIỂU NGUYỆT
Chút Nắng Ấm Soi Vào Nỗi Quạnh Hiu
Trong Thơ THU TUYẾT
Chút Nắng Ấm Soi Vào Nỗi Quạnh Hiu
Trong Thơ THU TUYẾT
Trong buổi giới thiệu tác phẩm mới thứ tư - tập truyện ngắn “Quê Người” của tôi, hôm chủ nhật ngày 29/7/2018 tại cà phê Tranh Quê, thành phố Tuy Hòa, tình cờ tôi gặp lại Thu Tuyết, cùng đến tham dự, trong dịp Thu Tuyết về thăm quê nhà. Thu Tuyết là người bạn đồng hương, cũng là người bạn học cùng khối với tôi, sau 42 năm xa cách, kể từ ngày thi tốt nghiệp phổ thông năm 1976.
Qua giới thiệu, tôi rất vui khi được biết thêm Thu Tuyết đã có hai tập thơ xuất bản, đó là “Thu Trắng I” và “Thu Trắng II” được nhiều người biết đến, nhưng bởi lâu quá không gặp, hơn nữa tôi mãi lận đận chuyện áo cơm, nên tôi chưa biết hết được tin tức về đời sống từ ngày xa quê của bạn.
Thu Tuyết tặng tôi hai tập thơ - nhạc, có cùng tựa “Thu Trắng 1” (Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn - 2014) và “Thu Trắng 2” (Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn - 2016). Với tôi, không gì quý hơn, vui hơn, khi gặp được một người bạn đồng hương có cùng niềm đam mê văn chương, cùng tìm thấy niềm an ủi, hạnh phúc bằng con đường Văn học Nghệ thuật trên mỗi chặng đường đời gian khó; cho nên, về đến nhà, tôi đọc ngay hai tập thơ - nhạc của Thu Tuyết tặng với lòng trân quý.
Thu Tuyết sinh tại Hòa Vinh - Đông Hòa - một làng quê hiền hòa, với cánh đồng lúa mượt mà trải rộng, với ngọn gió nồm mát rượi những trưa hè; nên đã thắm đẫm trong tâm hồn tuổi thơ chất mộc mạc, dân dã, của một người dân quê chân phác; dù Thu Tuyết đã đi xa, đã sống ở thành phố nhiều năm.
Trong thơ Thu Tuyết, hình ảnh bà mẹ quê, bên hàng cau, với giếng nước, với “khói hoàng hôn trong vườn”, với “nhà nâu mái ngói chiều”, với ánh trăng quê vằng vặc êm đềm trên con đường làng yên vắng; đã thì thầm nhắc nhở, réo gọi trong tôi về chốn quê nhà yêu dấu của chính mình, của những tháng ngày hồn nhiên xưa cũ. Tiếng võng ru hời ầu ơ của mẹ, tiếng lũy tre kẽo kẹt ru êm trong gió, tiếng gà gáy trưa não nùng buồn xa vắng, luôn làm xao động đến trái tim của những người xa quê như tôi, như Thu Tuyết; bởi đó là cái “hồn quê” còn mãi trong tâm khảm mọi người, nó làm ta luôn bâng khuâng, nao lòng, mỗi khi ngồi nhớ lại, nghe nhắc kể lại.
Tôi tìm thấy tâm trạng của Thu Tuyết cũng giống như tôi - “Quê Nhà” luôn là nỗi nhớ, là hoài niệm khắc khoải, là nơi chốn cất giữ những kỷ niệm thiêng liêng sâu kín trong tâm hồn; mà dù có đi đâu, có cách xa nhiều năm, bao nhiêu dặm đường, vẫn muốn quay về, để sống lại, để nhìn ngắm lại với niềm ray rức, thương yêu.
Thu Tuyết hiện sống ở Úc, cách xa quê thăm thẳm bờ đại dương. Có nỗi nhớ nào hơn nỗi nhớ quê khi chung quanh ta tất cả đều xa lạ? Ta sẽ bắt gặp cảm giác quạnh hiu, cô độc trong một phút giây nào đó, một buổi trưa, một chiều đông, hay một tối mênh mông nghe nỗi nhớ tràn về.
Tôi đã cảm nhận được nỗi nhớ quê da diết của Thu Tuyết khi tâm sự qua bài thơ “Nỗi Nhớ” trong tập thơ - nhạc “Thu Trắng I”. Những hình ảnh thân thương về một quê nhà dấu yêu, được Thu Tuyết khắc họa, tô điểm sắc màu, như “Chút nắng ấm soi vào nỗi quạnh hiu” của chính mình. đồng thời cũng để tìm chút ấm áp, chút dư âm ngày cũ, lấp kín vào nỗi nhớ, nỗi trống trải, đơn côi, khi sống ở xứ người, dặm trường xa cách
“Bỏ lại căn nhà bỏ hàng cau
Bỏ lại thềm xưa nắng lên màu
Bỏ chốn quê nhà em thơ dại
Bỏ mặc con đường đếm bước nhau”
(Thu Trắng - trang 74)
Thu Tuyết nói “bỏ lại”, nhưng thật ra, Thu Tuyết không bỏ lại chút nào, mà là ôm thật chặt nỗi nhớ vào tận đáy lòng, để cồn cào, quay quắt, khiến nhà thơ thốt lên “bỏ lại”, với niềm tiếc nhớ, xót xa.
Nhớ mái nhà tranh, nhớ hàng cau rũ bóng, nhớ cái nắng đã lên màu bên thềm xưa ngày ấy, nhớ cả con đường nhỏ bé lặng lẽ của một thời tuổi trẻ giữa làng quê hắt hiu. Có thể nghĩ rằng, nỗi nhớ ấy chùng xuống, để dìu Thu Tuyết trở về với khoảng thời gian, không gian của những ngày tháng xa xưa, rồi sống với nỗi nhớ thật trọn vẹn, thật đầy đủ!.
Cái xóm nhỏ quê xa, chìm trong ánh chiều buông ngày ấy, đã làm nỗi nhớ quê của Thu Tuyết thắm thiết hơn, sâu lắng hơn. Nơi ấy, có tiếng ru hời ầu ơ của mẹ, có tiếng kẽo kẹt bờ tre hát ru trong gió, xa xăm mà thật gần gũi.
“Gió đẩy bờ tre gió hát ru
Xóm nhỏ chiều buông ánh sương mù
Ầu ơ tiếng mẹ xa xăm quá
Lá rụng ven đường lá mùa thu” (Thu Trắng – trang 74)
Và dường như cái xóm nhỏ quê xa ấy, tiếng ru ầu ơ của mẹ, hay khúc hát kẽo kẹt của lũy tre làng đã sưởi ấm tâm hồn người xa xứ, làm vơi đi phần nào nỗi cô độc, quạnh hiu khi phải sống tha phương giữa xứ người náo nhiệt mà trống trải!.
Tôi cũng là kẻ đang phải sống xa quê, luôn đau đáu trong lòng về quê nhà thân yêu, luôn muốn được trở về để gặp lại thầy xưa, bạn cũ, luôn muốn về thăm lại ngôi nhà xưa, dù giờ đây - nơi quê cũ, không còn đầy đủ những người thân yêu nữa. Tôi hiểu và đồng cảm sâu săc với nỗi nhớ thương của Thu Tuyết, tuy không có nỗi nhớ nào giống nỗi nhớ nào, nhưng mỗi cái nhớ nó đều làm cho tâm hồn ta bâng khuâng, ray rức khôn nguôi!.
Với Thu Tuyết, nhìn mưa rơi cũng nhớ mẹ, ngắm chiều đi qua nhớ “lối mòn quạnh quẽ”, nhớ gian nhà xưa đã ôm ấp một thời của tuổi thơ gian nan, mà thơ mộng:
“Tí tách mưa xa nhớ mẹ già
Ngồi bên song cửa ngắm chiều qua
Chỉ có gió ngàn và mây xám
Chẳng có sao trời để nhớ cha”
(Thu Trắng – trang 75)
Có thật là “chẳng có sao trời để nhớ cha”? Tôi nghe nỗi “nhớ cha” của Thu Tuyết đã thắm đẫm, bởi nỗi nhớ đã đầy ắp, đã ngập tràn, khi nhìn mây xám trôi lơ lửng giữa bầu trời với gió ngàn lồng lộng.
“Tôi đã bao năm bỏ lại nhà
Lối mòn quạnh quẽ nắng chiều xa
Nhạn kia vẫn đứng sông Đà chảy
Sao mãi lòng tôi cứ thiết tha”
(Thu Trắng – trang 75)
Có người con đất Phú nào đi xa mà không nhớ nghĩ về Núi Nhạn, sông Đà? Ngôi tháp cổ vẫn đứng chơ vơ như ngóng chờ, trông đợi người xưa; dòng sông Ba vẫn lững lờ xuôi dòng về biển cả mênh mông, chuyên chở bao ân tình; và chiếc cầu Đà Rằng 21 nhịp kiên tâm, bền lòng đưa đón người đi về luôn là nỗi nhớ, niềm thương yêu, thôi thúc từng bước chân ta trở về thăm lại một Tuy Hòa xưa thơ mộng, luôn nằm sâu trong góc khuất trái tim ta. Và Thu Tuyết đã tha thiết nhớ, lòng luyến lưu, ôm hình ảnh ấy vào tận trong trái tim; để rồi nhận ra, trong cái nắng chiều vàng võ ở nơi xứ xa, cảm nhận được “góc phố hàng me lá đổi mùa”, tất cả đều nhạt nhòa, chìm vào hư không, trong cõi vô thường nầy.
“Góc phố hàng me lá đổi mùa
Nắng vàng qua kẽ lá còn vương
Nắng rơi vàng võ chiều xa xứ
Nhạt cả hư không cõi vô thường” (Thu Trắng – trang 75)
Tất cả mọi thứ rồi sẽ đổi thay, tan biến theo dòng thời gian, sẽ là “hư không” theo năm tháng; duy chỉ có nỗi nhớ, tình thương yêu chân thật là còn mãi, dù trải qua bao dâu bể thăng trầm.
Quê Nhà - hai tiếng gọi thiêng liêng ấy mãi mãi là “hồn quê”, là nơi chốn trở về của tất cả!