TIỂU NGUYỆT
Cô bé Có Mái Tóc “Ổ Cu”
Truyện ngắn
Hơn mười ngày nay, sáng chiều nào Hữu cũng cõng thằng Nhân chạy qua sân chùa Long Quang, bởi nó mê con nhỏ Lý, có đôi mắt sáng, đen tròn, và nhất là mái tóc “ổ cu” ngồ ngộ. Mẹ con của nhỏ Lý tản cư, ở nhờ phía sau chùa (cùng dì Linh, người bà con đang ở đây, coi ngó quét dọn tưới cây cho chùa); bởi cả làng đã bỏ đi hết, không thể sống ở vùng “xôi đậu” được nữa, ngày ngày phải nghe tiếng súng đạn cứ cheo chéo, ầm ì, phải xuống hầm, phải chạy trốn.
Cô bé nhỏ người, nước da trắng, môi hay mím chặt, nhưng khi nhoẻn miệng cười trông xinh xắn, như thiên thần có đôi cánh mà Hữu rất thích trong truyện cổ tích. Cậu hay mang quà cho cô bé, khi thì củ khoai, khi cục đường đen, khi trái chuối chín; để nhìn cô bé ăn, nhìn cô bé cười, với cái “đồng tiền” lúm trên má xinh xắn. Hữu thích nhất là mái tóc “ổ cu” của cô bé, trông nó ngồ ngộ, xinh xinh, tung lên như cái đuôi gà, mỗi khi nhảy dây. Sợi dây thun dài thiệt dài của cậu (món quà dì Út tặng khi cậu về thăm ngoại hôm Tết), là vật bất ly thân, khó ai được đụng vào; vậy mà với nhỏ Lý, cậu không tiếc gì hết, ngày nào cũng mang qua sân chùa, cột quay cho cô bé nhảy; để nhìn cái đuôi gà tung bay chấp chới, rồi mỉm cười, rồi yêu quý.
Hữu cõng em trên vai, bước vào phía sân sau, đã thấy nhỏ Lý ngồi chơi dưới gốc Đa già, vội chạy lại xòe nắm tay có cục đường đen, cười tít mắt:
- Của em nè!
Nhỏ Lý cười thật tươi:
- Bữa nào anh cũng cho em hết, anh có ăn chưa?
Hữu bỏ thằng Nhân xuống, hất hất cái đầu, mỉm cười:
- Anh ăn rồi. Nhà anh nhiều lắm. Em thích, ngày nào anh cũng mang cho em.
Cô bé nhìn Hữu cười, lộ hai cái lỗ trống hoác của chiếc răng cửa vừa mới thay, đưa tay nhận cục đường từ tay cậu bé, cắn một miếng, hít hà:
- Ngon quá! Ăn “lã xăng” luôn!
Hữu ngơ ngác, không biết cô bé muốn nói gì, cậu ngập ngừng:
- Em nói gì? Lã… lã.. xăng? Lã… xăng!
Cô bé cắn một miếng nữa, chắp chắp cái miệng, cười hồn nhiên:
- Thiệt là ngon! Ăn lã xăng luôn! Đã thiệt nghen!
Nhìn cô bé chắp hít khen ngon, cậu như đã hiểu ra lã xăng mà cô bé muốn nói là gì. cậu bỗng cười lớn:
- Ừ! Em cứ ăn lã xăng đi. Còn nhiều lắm.
Cả hai cùng cười trong ánh nắng xế chiều hanh hao, có chút gió nồm thổi từ biển mát rượi. Nụ cười hồn nhiên, tinh khôi, như tình cảm của hai đứa trẻ giữa sân chùa vắng lặng; luôn là nỗi nhớ, nỗi ray rứt về sau, trong tâm hồn của cả hai. Dường như trong ai cũng in đậm hình ảnh của nhau - “mối tình thánh thiện”, ngây thơ mà da diết, hồn nhiên mà sâu đậm, không phai phôi, dù trải qua bao dâu bể, thăng trầm, giông tố. Nụ cười hiền, mái tóc ổ cu (chung quanh cạo sạch, chỉ chừa một mảng tóc trên giữa đỉnh đầu), cái hít hà “lã xăng”, cái lúm đồng tiền xinh xinh, đi vào trong giấc ngủ của cậu bé Hữu, lúc chập chờn, lúc rõ nét; để cậu yêu vô cùng cái đuôi gà chấp chới ấy, như dành riêng cho chính mình.
Cả hai lớn tự bao giờ không ai biết. Cái “đuôi gà ổ cu” luôn in đậm trong người con trai mới lớn, dù mái tóc cô bé đã để dài mượt mà, như một kỷ vật trân quý. Chiến tranh đã tạm lắng xuống. Mọi người tản cư lần lượt về lại làng xưa. Dù không muốn, nhưng Hữu đành chia tay người con gái mà anh gọi là “tình đầu”, dù chưa một lời ngỏ ý yêu thương.
Thời gian cứ trôi qua, theo dòng đời lặng lẽ. Người con trai bấy giờ là một thiếu niên, bước vào tuổi lớn. Anh dong dỏng cao, đôi mắt sâu lắng, với cái nhìn hơi “đăm chiêu, xa xăm”, cái nhìn của người “già dặn” trước tuổi. Hình ảnh cô bé năm nào, với nụ cười hồn nhiên, luôn nằm sâu trong góc khuất trái tim anh, chỉ mình anh nhìn ngắm, chỉ mình anh yêu thương.
Mới đó mà Hữu đã vào Trung học đệ nhị cấp (cấp 3 ngày nay). Ngày một buổi đạp xe xuống trường Huyện, một buổi phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng, (thường thì anh mang máy ra ruộng chạy nước), anh rất thích công việc nầy; có thể ngồi trong lùm chuối, bên cái giếng mát rượi, nhìn ngắm những đám mây nhởn nhơ trên bầu trời trong xanh, hoặc nhìn những sóng lúa nhấp nhô, rì rào theo làn gió, để tập làm thơ và suy tư. Thơ của anh hồn nhiên, giản dị như con người của anh vậy. Tâm hồn anh rung cảm theo áng mây bay, theo làn gió thoảng, theo khói lam chiều của bà mẹ quê chân chất; và cái đuôi gà ổ cu thường chập chờn tung bay theo bước nhảy năm nào, trong những lúc suy tư, trầm lắng.
Chiều nay, đi học về, vừa đạp xe ngang qua ngôi chùa, anh nghe tiếng dì Linh đang tưới nước, gọi với theo:
- Này Hữu! Cháu nghe tin gì chưa?
Anh dừng xe, hỏi vọng vào:
- Dạ! Nghe gì hở dì Linh?
Dì Linh ngoắc tay, gọi Hữu. Anh vội dắt xe vào sân chùa, lại bên dì cúi đầu chào, giọng thắc mắc:
- Có gì hở dì Linh?
Dì Linh, giọng trầm xuống, thật nhỏ:
- Đêm hôm kia, “mấy ổng” về đưa con Lý đi lên núi rồi.
Hữu nghe đầu mình như có gì cứ ù ù bên trong, giọng thảng thốt:
- Thiệt hở dì? Mà sao…, ngập ngừng, mà sao… lại phải lên núi?
- Dì báo cho cháu biết vậy thôi. Cháu về đi. Đừng thắc mắc!
Hữu bàng hoàng, một lúc sau mới bình tĩnh lại. Anh hiểu lờ mờ, vậy là từ đây, Lý sẽ không bao giờ trở lại sân chùa nầy nữa, và sẽ không bao giờ còn có thể gặp anh được nữa. Bất chợt nước mắt anh ứa ra. Anh thấy đôi mắt đen tròn, long lanh như hai viên bi của Lý, qua khe cửa năm nào thấp thoáng ở trước mắt. Đôi mắt ngấn lệ, nhắm lại, mở ra, mỗi lần cái cán chổi của cha anh hạ xuống, nhấc lên, trên chiếc mông bè bè, non nớt của anh; làm anh xấu hổ, mắc cỡ đến cả tuần không dám gặp cô bé.
Cũng tại con cá Ồ trụng quá hấp dẫn, khiến anh không thể nào cưỡng nổi. Mùi thơm cứ phưng phức, cái bụng thì đói, làm sao mà “lơ” cho được. Anh cố nhịn, nhưng không thể nào nhịn được, liền dòm vào chiếc gióng mẹ anh treo chỗ bếp. Một con cá Ồ trụng, để trong cái tô, tươi rói, còn nguyên cả lớp phấn trắng trên da, trông hấp dẫn làm sao. Anh nhìn qua, nhìn lại, không thấy ai, có lẽ mẹ anh đã ra vườn hái rau, hay quanh quẩn làm việc gì đó không có trong nhà. Anh cố cưỡng lại mùi thơm hấp dẫn của cá, cưỡng lại sự thèm thuồng đang mỗi lúc một lớn dần trong anh. Anh đi xuống, rồi lại đi lên, đôi mắt luôn liếc vào chiếc gióng. Anh bước thật khẽ khàng lại bên chiếc gióng, đưa tay nhón một chút đưa vào miệng, hít hà: “Trời! sao mà ngon dữ không biết!”. Rồi anh “nhón” chút nữa, chút nữa, vẫn còn thèm, vẫn còn thấy ngon, cho đến khi con cá Ồ trụng chỉ còn cái xương. Anh giật mình, lo sợ, thầm nghĩ: “Kỳ nầy, chắc bị đòn như không”, liền nghĩ đến việc làm sao giấu nhẹm đi, coi như mèo ăn vụng, chắc không sao. Anh nhớ có lần thấy lon sữa đặc mẹ mua cho cha khi ông bị bệnh, để trên bồ lúa. Anh đi qua, đi lại, nghĩ thầm, hút một miếng thôi, chắc cha không biết đâu; nhưng một miếng, rồi hai, ba miếng, cho đến khi hộp sữa hết sạch, anh giật mình hoảng sợ. Nghĩ tới nghĩ lui, liền đem đổ ít nước vào lon sữa, đặt lại chỗ cũ, rồi cho nó ngã xuống, như vô tình. Cha anh về thấy vậy, không biết cha có biết anh ăn vụng không, nhưng tiếc hùi hụi, cho là hộp sửa bị đổ. Anh nghĩ, lần ấy qua, lần nầy chắc cũng qua, liền hất ngã cái tô nghiêng lại, coi như bị mèo ăn vụng, rồi đi ra nhà sau.
Trưa mẹ dọn cơm, vào bưng tô cá chỉ còn cái xương, liền hỏi lớn:
- Đứa nào ăn vụng con cá rồi?
Anh nhanh nhảu:
- Dạ! Mèo ăn vụng đó má!
- Sao mầy biết mèo ăn vụng?
- Dạ! nãy con nghe tiếng con mèo kêu.
Cha anh đưa tay ngoắc anh lại, biểu anh đưa tay cho ông xem, ngửi tay, ngửi miệng anh, rồi ra lệnh:
- Lại nằm sấp xuống phản cho cha:
Sẵn cán chổi, ông vung lên, đập xuống, miệng hét lên: “Mèo ăn nè! Mèo đen đầu nầy nè! Cho chừa cái tật ăn vụng”. Mỗi cán chổi đập xuống là mỗi lần anh hít hà: “Hu hu đau quá! Đau quá! Hu hu”. Cha cứ giận, đập cán chổi, anh cứ khóc hu hu đau quá. Bỗng anh nhìn thấy đôi mắt cô bé đen tròn nấp ngoài cửa, cứ nhắm lại, mở ra, rung lên theo làn roi của cha anh. Anh mắc cỡ quá, cắn chặt răng cố nằm im, không giật mình, rung lên như nãy giờ nữa, không dám la lên nữa, dù đau thấu xương.
Đôi mắt đen tròn ấy bỗng nhòa lần, nhòa lần rồi mất hẳn, chỉ còn mình anh giữa buổi chiều vàng vọt, trong sân chùa vắng lặng. Anh lầm lũi dắt chiếc xe đạp ra cổng đạp về nhà, trong nỗi buồn mỗi lúc một nhiều hơn.
***
Thời gian lặng lẽ trôi qua, mọi kỷ niệm về cô bé Lý cũng đã ngủ yên, Hữu dốc hết sức vào việc học, để chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài mà anh mơ ước. Một buổi sáng, vừa qua khỏi khúc cua để ra đường lớn đến trường, Hữu gặp chú Ba Hân ở xóm trên, vừa thấy anh, chú Ba liền đưa tay chặn anh lại, giọng thật nhỏ:
- Nói nghe nầy. Tao vừa ở trên ngã ba xóm Gò về. Con Lý chết rồi, đang nằm ở trển. Chính mắt tao thấy rõ ràng.
Hữu nhìn chú Ba chằm chằm, như không tin lời chú nói, ngơ ngác:
- Chú nói gì? Ai chết? Vì sao?
Chú Ba Hân nói lớn, giọng rõ ràng:
- Con Lý, con bà Lê lúc trước tản cư ở chùa đó. Nó chết rồi, nằm chỗ ngã ba, đường vô xóm Gò á. Không tin mầy chạy lên đó mà coi.
Hữu sững người, hỏi lại chú Ba Hân lần nữa, không tin đó là sự thật. Anh nghe nghèn nghẹn ở cổ, như có gì chặn ngang, làm anh khó thở. Toàn thân anh như lửa đốt, cứ rung lên bần bật, nỗi đau mỗi lúc một lớn dần. Anh vội đạp xe, đạp hết sức có thể, đi thật nhanh về phía xóm Gò, để nhìn tận mắt những gì chú Ba nói. Anh cố hết sức đạp, mà vẫn thấy chiếc xe như nhích từng chút một, thật chậm chạp; thầm mong những lời chú Ba nói chỉ là một sự nhầm lẫn mà thôi.
Nhưng không nhầm, anh đã nhìn tận mắt, thật rõ ràng, người con gái có mái tóc dài, nước da trắng, (dù đã nhợt nhạt), đang nằm lõa lồ giữa ngã A ba đường vô xóm Gò - gương mặt ấy, vầng trán, chiếc mũi thẳng ấy, không thể lầm lẫn được. Anh nghe trái tim mình thắt lại, mỗi lúc một nghẹn ngào, chua xót; thương em vì chết mà còn phải khổ sở, không có mảnh áo che thân. Người ta đã lột bỏ hết quần áo của em, có phải vì em có tội? hay em đã làm việc người ta không thích em làm? Lần đầu tiên anh nhìn thấy một người con gái lõa lồ, trần trụi!
Hình ảnh cô bé năm nào thơ ngây, hồn nhiên cứ xói trong anh, làm anh chới với, hụt hẫng. Rồi, như chợt nhận ra, mình phải làm gì đấy cho em. Anh nhìn trước nhìn sau, thấy một cây chuối nằm dưới bờ ruộng, vội nhảy xuống mang lên, lột từng bẹ tủ cho em và cả người bạn nằm bên cạnh của em.
Cánh đồng lúa xanh mượt, đang rì rào trong làn gió sớm, như đang hát ru em vào giấc thiên thu, mịt mù xa cách. Những đám mây nhởn nhơ trên bầu trời xanh trong, cứ trôi, trôi về tận chân trời xa; đâu có hay biết rằng trong lòng người con trai đang thổn thức, hát ru người con gái anh thương vào giấc miên trường, xa xăm dịu vợi. Anh bất lực đưa hai tay ôm ngực, nhìn lên trời cao, chới với, cố níu kéo cái giây phút cuối cùng nầy, như sợ nó vụt mất, tan vào cõi hư vô, mông mênh.
Anh cúi xuống gương mặt trắng xanh, đưa tay luồn lên mái tóc em. Đúng rồi. Vết sẹo mà anh đã thấy từ hồi còn mái tóc ổ cu, anh có hỏi, và em đã trả lời do bị té rách một đường lúc nhỏ. Thương em vô cùng. Thương mái tóc ổ cu lẫn vết sẹo. Thương cô bé Lý. Thương người con gái mà anh luôn nghĩ là mối tình đầu, dù chưa một lần dám ngỏ.
Anh cởi chiếc quần tây xanh đang mặc, mặc vào cho em. Cúi xuống vuốt mắt em lần cúi: “Vĩnh biệt em! Cô bé có mái tóc ổ cu!”.
Tiểu Nguyệt
Những ngày cuối tháng 2.2021