TIỂU NGUYỆT
Còn Mãi Nỗi Tiếc Thương
Tùy bút
Còn Mãi Nỗi Tiếc Thương
Tùy bút
Đã hai năm rồi, kể từ ngày anh ra đi - lúc nào tôi cũng cảm thấy ray rứt, nuối tiếc, vì đã không vào thắp tiễn anh nén hương trước lúc anh vĩnh viễn đi xa. Hôm nay, trong lần vào Sài Gòn khám bệnh định kỳ, tôi được anh Đặng Châu Long báo tin ngày giỗ đầu anh, và vợ anh - chị Tùng Vân, có gởi lời mời đến anh chị em Quán Văn.
Tôi đang thăm người bạn ở Mỹ Tho, vội đón chuyến xe cuối trong đêm chạy về Sài Gòn. Cả đêm hôm đó trong tôi cứ nôn nao, miên man với hình ảnh anh trong những lần gặp gỡ. Khuôn mặt hiền từ, lúc nào cũng đượm buồn, dầu anh gắng cười vẫn không thể khỏa lấp được.Thấp thoáng hình ảnh anh với những giọt nước mắt trong lần gặp đầu tiên bên giòng sông Tắc. Lần nào tôi cũng thấy anh khóc, anh khóc trông dễ thương làm sao! Lần thứ nhất, anh khóc vì sung sướng, khi biết rằng bài thơ Năm Mới của mình đã được Phan Ni Tấn phổ nhạc mấy mươi năm mà anh không hề biết. Lần thứ hai, anh khóc cũng vì bài ca này. Tôi hát cho anh nghe, khi anh đã mang trọng bệnh. Không biết lần gặp này, anh có còn nước mắt để khóc nữa hay không mà trong tôi rưng rưng nghẹn ngào. Lần này, có lẽ anh không khóc, mà chính tôi lại khóc thay anh.
Buổi sáng hôm ấy, tôi và anh Đặng Châu Long ngồi ở quán cà phê gần nhà của anh để chờ những anh chị Quán Văn đến. Nhìn ly cà phê nhỏ từng giọt, tôi nghe như lời tình buồn của anh đang nhỏ xuống: ” Anh đi rồi còn ai vuốt tóc? Lời tình thơm sách vở học trò. Tóc em xanh trùng dương sóng lượn, anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng…” Trùng dương đã vẫy gọi anh trở về và chúng tôi cũng sẽ lần lượt như thế phải không anh?
Các anh chị Quán Văn đã đến, tất cả chúng tôi cùng vào nhà. Chị Tùng Vân mời chúng tôi đi thăm mộ anh cùng gia đình. Bước lên chiếc xe ca bốn lăm chỗ ngồi, tôi chọn ngay dãy thứ hai, bên cửa sổ để dễ nhìn ngắm. Tôi đang đi dần đến nơi anh đang yên nghỉ. Các anh chị Quán Văn rất thân tình và vui tính, họ thật hồn nhiên, dẫu có người tóc đã điểm bạc.Tôi cảm thấy thật ấm áp, cùng vui theo những lời ví von thật dễ thương của họ. Sau hai giờ rời Sài Gòn, chúng tôi đã đến Bình Dương.
Xe chạy dần vào cổng nghĩa trang Hoa Viên. Tôi rất ngạc nhiên trước quang cảnh xanh tươi, không nghĩ đây là nghĩa trang, mà là một khu an dưỡng - khu nghỉ dưỡng của những linh hồn đã ngàn năm rời xa cõi tạm. “Đại lộ Vĩnh Hằng” - cái tên nghe tang thương nhưng yên bình. Tôi như lạc vào cõi sống của những người đã chết.
Tôi thắp nhang, chắp tay trước mộ anh, với đầu óc trống rỗng. Anh đấy ư? Một Chu Trầm Nguyên Minh lúc nào cũng buồn buồn đấy ư? Sao anh không nói gì? Tôi đã đến thăm anh rồi đây! Tôi đến để nghe anh nói. Tôi thoáng nghĩ, anh đang ở đây, sát bên tôi thôi. Anh đã thấy tôi - người em gái thân tình văn nghệ ngày nào. Tôi biết anh sẽ rất vui và đang gắng ngăn nước mắt, (cũng như tôi, đang cố ngăn lòng lệ tiếc thương). Khóc đi anh! Khóc vì hạnh phúc được bạn bè yêu mến đến thăm. Khóc đi anh. Anh hãy nói rằng, anh cũng rất nhớ chúng tôi, và tôi biết đó là điều anh muốn nói, bởi tôi nghe tiếng anh thì thầm như thế trong gió ngàn. Còn tôi, tôi muốn nói với anh rằng: “Anh hãy thảnh thơi an vui vì anh đã sống một đời sống có ích, đã đem lại an ủi, niềm vui cho tất cả” .
Tôi đưa tay vuốt những khuôn nhạc được khắt in trên mộ anh - “Lời tình buồn”, như đang sống lại trong tôi những kỷ niệm với bạn văn một thời.” Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng? Cổ em cao tay mười ngón thiên thần...”. Tôi lại như nghe được cả tiếng anh nói cười bên giòng sông Tắc khi ghé thăm gia đình tôi ở Nha Trang.
Anh Minh Tâm thân mến! Ngoài kia nắng đã lên, nắng reo vui trên khắp nẻo đường. Mây vẫn trôi; gió không ngừng thổi. Anh có nghe chăng tiếng vi vu của những ngọn cây cao đang ru anh ngủ? Một màu xanh mát mẻ xung quanh anh thật yên bình. Tôi muốn cất cao giọng hát bài ca năm nào anh đã yêu cầu tôi hát cho anh nghe, mà sao môi cứ mím chặt môi, tôi sợ mình bật ra tiếng khóc.
Chúng tôi tạm biệt anh ra về. Xe dừng lại nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Phạm Duy - mọi người cùng nhau xuống viếng mộ, và thắp cho Người nén hương thương tiếc. Tôi đưa tay vịn bức tượng của Người mà tôi từng ngưỡng mộ với những ca khúc tôi yêu thích. Phạm Duy đã yên nghỉ cùng con trai Duy Quang, hai ngôi mộ bên nhau - một nhạc sĩ, một ca sĩ, đã để lại cho đời những ca khúc âm vang mãi trong lòng người.
Tôi tự nguyện rằng, có một ngày nào sẽ ghé thăm anh - tôi sẽ hát trong sự hân hoan lắng nghe của anh, tình khúc mà anh đã tha thiết : “Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng, cổ em cao tay mười ngón thiên thần… Anh đi rồi còn ai tình tự, Đêm đầy trời tiếc nhớ bơ vơ, phút yêu em dấu lần quá khứ, nụ hôn đầu rụng xuống hư vô. Anh đi rồi. Anh đi rồi”.
Tháng 4/2016