TIỂU NGUYỆT

 

“CÒN THƯƠNG CHIẾC LÁ”,
Mang Nặng Một Chữ Tình

 

“Còn Thương Chiếc Lá” là tập thơ đầu tay của nhà thơ Triều Hạnh, tranh bìa và hai phụ bản màu của danh họa Đinh Cường, họa sĩ Nguyễn Sông Ba trình bày. Sách dày 114 trang - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 2018.
Nhà thơ Triều Hạnh tên thật là Phan Thị Thạnh, sinh năm 1951. Quê quán Xuân Hòa - Hòa Kiến - Tuy Hòa - Phú Yên. Chị đã có thơ đăng trên một số Tạp chí, Tuần báo tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam từ những năm 1968. Sau năm 1975, thơ đăng trên một số Tập san và in chung vào một số Tuyển tập.
Trong nhiều thập niên sống gắn bó với thơ, ở vào tuổi trên 60, chị đã chia sẻ cùng bạn đọc “Còn Thương Chiếc Lá” mang nặng một chữ tình, thủy chung, đôn hậu; ghi dấu một đời thơ năm mươi năm, bên cạnh cuộc sống bề bộn lo toan, dâu bể.
Dưới ánh nhìn nhạy cảm, với tâm hồn an tịnh, từ những cái tưởng là bình thường, như tàu chuối, nọc trầu, hàng cau, bóng dừa..., thậm chí đến “chiếc lá” nhỏ nhoi, đơn giản, cũng làm tâm hồn nhà thơ bâng khuâng, xao xuyến. Và “chiếc lá” đó, là chiếc lá xanh, sớm lìa cành, khi những chiếc lá úa vàng còn run rẩy trên cành chờ ngày trở về với đất. Tác giả đã ví chiếc lá như người em yêu thương đã sớm lìa xa cõi đời khi còn quá trẻ, là một sự cảm nhận, so sánh mới lạ.
Có nỗi đau nào lớn hơn khi phải vĩnh viễn lìa xa những người thân yêu? Tôi nghe rưng rức trong lòng, khi nhớ đến hình ảnh tiễn đưa hai người em trai của tôi ngày nào như hiện về; và tôi hiểu nỗi lòng tác giả đau đớn thế nào với cảnh sinh ly tử biệt ấy:
“Nến hồng ngọn hắt hiu đưa
Thắp lên chút nắng giữa mưa chập chùng
Thương em chiếc lá trinh trung
Tan vào cát bụi mông lung chốn này
Nằm đây với gió ngàn cây
Trùng trùng giông tố bủa vây mộ phần...”.
(Còn Thương Chiếc Lá - trang 109).

Xuân Hòa - một vùng quê với những vườn dâu, tơ tằm dệt vải; với cánh đồng lúa chín trải vàng thơm thơm mùi rạ mới. Mùi hương ấy luôn làm tôi xao xuyến, nhớ nghĩ về những tháng năm khi còn ở quê nhà; để tôi nhớ vô cùng những đêm trăng mấy chị em tôi cùng đạp lúa trên sân. Vui nhiều, mà cực khổ cũng nhiều. Chúng tôi vừa đạp lúa, vừa kể chuyện đời xưa, làm niềm vui, vơi bớt nỗi nhọc nhằn, cơ cực. Những đống rơm thơm mùi rạ mới giũ bỏ ra, chúng tôi nằm lăn nghỉ trên đó mỗi khi mỏi lưng; và tôi như thấy chính mình trong những vần thơ:
“Bao giờ anh về thăm Sơn Thọ,
Xuân Hòa? Xưa nước độc rễ cau...
Nuôi em lớn cũng làng quê đó
Mẹ bao năm còm cõi vườn dâu...

Đồng lúa chín trải vàng bát ngát
Mùi rạ thơm từng nẻo quanh co
Nghe trỗi dậy tình quê dào dạt
Anh chưa về... hay có chút đắn đo?”.
(Tình Quê - trang 32).

Không biết “người anh” mà tác giả mời có về thăm quê không, nhưng tôi nghĩ, có lẽ anh ấy có về, nếu không thì thật là uổng.
Trải qua bao thăng trầm, nhà thơ lại trở về quê cũ sống cùng Nội; “lập lại vườn xưa, khơi giếng nước, thả đàn cá nhỏ dưới ao bơi.” Cuộc sống thôn quê tuy vất vả, nhưng cho ta sự an bình, thanh thản tâm hồn. Và sự trở về của tác giả, đất quê như reo vui, đón mừng người con đi xa bấy lâu, nay trở về. Niềm vui nho nhỏ thôi, mà dội vang ký ức:
“Cháu về Nội bớt buồn cô độc
Bữa cơm sớm tối dọn ngoài hiên
Luống cà ra trái, xoài sai nụ
Chim chóc reo vui rộn đất hiền”.
(Ngày Trở Về - trang 14).

Trong nỗi cô quạnh, đôi khi nhà thơ ao ước được gặp lại cha mẹ từ cõi xa, nhưng sự hoài mong đó vẫn im lìm trong mơ tưởng; chỉ sáng lên nén hương lòng tưởng nhớ, thăm viếng mà thôi:
“Thắp nén hương lòng viếng mẹ cha
Giữa “thành phố lạnh” vắng người qua
Con lần đọc lại đôi dòng chữ
Ước mẹ cha về tự cõi xa...”.
(Viếng Mẹ Cha - trang 39).

Lại nhớ, lại khóc thương cha một đời vất vả, lo cho con từng chiếc áo lúc xuân về, từng thang thuốc mỗi khi cảm lạnh. Cha ra đi khi con tuổi còn đi học, chưa đáp đền chút ơn dưỡng dục sinh thành. Bây giờ, nhìn lại mình tóc đã nhuốm bạc, tự nhủ với lòng, làm sao trả được ơn mẹ cha? Sự ghi nhớ ơn nghĩa, là tấm gương phản ảnh nhân cách của một con người. Ở đây, nhà thơ đã có một tình cảm tri ân cao độ khi bộc bạch “trăm nghìn năm nữa ba là đuốc/ Soi sáng tâm con mọi bước đường”:
“Khi con đau bệnh ba thang thuốc
Ngày tết tay ba chọn áo quần
Trăm nghìn năm nữa... ba là đuốc
Soi sáng tâm con mọi bước đường.

Ba đi con tuổi còn ăn học
Chưa đáp đền ba được tấc công
Bây giờ con đã hai màu tóc
Biết trả ơn sao nhẹ cõi lòng?!”.
(Thương Ba - trang 41).

Ngang qua lối rẽ tình cờ nghe tiếng hát của ai đó giống mẹ mình ngày trước - tác giả cũng chạnh lòng, bồi hồi nhớ tưởng:
“Bài ca dao tôi thuộc từ tấm bé
Mẹ thường hát ru lúc ở quê nhà
Nay bỗng tình cờ lối rẽ ngang qua
Nghe ai hát giống mẹ tôi ngày trước

...Tổ ấm bầy chim tụ về muôn ngả
Buổi tan trường rộn rã bước chân quen
Ống quần xanh dấu bùn đất ố hoen
Nhưng ước vọng dâng tràn trên giấy mực”.
(Ai Về Bờ Đắp - trang 77-79).

Triều Hạnh yêu nghề dạy học, “yêu biết bao ánh mắt trẻ thơ hiền”, và luôn nuôi hy vọng một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn cho những em học trò thôn quê, nghèo khó. Đó là một tấm lòng nặng tình.
Từ những trái “khổ qua”, “ớt hiểm”, nhỏ nhoi, lẩn khuất đâu đó quanh vườn, cũng làm nhà thơ dạt dào cảm xúc. Với trái khổ qua, người chê đắng, kẻ khen ngon. Với trái ớt hiểm, cay xé lòng, sao cũng có người ưa, kẻ thích. Trong cái đắng, cái cay, vẫn có cái cần cho đời sống là vậy.
“Người chê đắng, kẻ khen ngon
Còn ưa trái đắng, ta còn đắng cay...
Cùng ai chia sớt gánh đầy
Khổ qua sao lại khổ lây tới người!”.
(Khổ Qua - trang 84).
“Nhìn thôi, chưa nếm biết cay
Theo ai gắn bó tự ngày còn thơ
Phận hoa hèn đứng bụi bờ
Ngọt nồng chưa rõ đã thừa mứa cay!”.
(Ớt Hiểm - trang 85).

Dù đứng ở bụi bờ, nhưng trong mỗi bữa ăn, ai cũng cần có ớt. Ăn cơm mà không có chén mắm ớt, mất ngon.
Vượt hơn trăm cây số, len lỏi vào tận Krông Păk, ngập tràn nắng gió để thăm người thầy cũ đã từng dạy dỗ mình thuở xưa. Tác giả thương thầy, nói không biết bao nhiêu điều, vậy mà cảm thấy như chưa hết nỗi niềm.
“Krông Păk buổi trưa này
Ban Mê hiện cuối trùng vây núi đồi
Xuống xe trong ngực bồi hồi
Ai trông như dáng thầy ngồi... từ lâu?
...Chia tay phố núi chiều mưa
Thương thầy. Thương lắm, lời chưa cạn lời...”.
(Thăm Thầy - trang 48)
.
Chia sẻ, gởi gắm tâm sự cùng người em gái lấy chồng xa bằng những vần thơ dạt dào yêu thương, chí tình:
“Dặn dò em nơi xứ lạ
Gắng luôn hiền dịu nết na
Cảnh mình con côi mẹ góa
Gắng ngoan ở với người ta...”.
(Khuyên Em - trang 93).

Ai cũng đã từng có những “khúc hát ru” thuở nằm nôi, đó là những khúc ca dao mượt mà, sẽ theo ta cùng năm tháng vào đời. Mỗi khi nhớ nghĩ lại, ta thấy lòng xao xuyến, bâng khuâng. Và những câu ca dao ấy sẽ là khúc hát ru cho các con như một chuỗi xoay vòng liên hồi của tình thương nặng nghĩa. Nhà thơ đã hát ru con bằng những vần thơ da diết, bùi ngùi ấy...
“À ơi!...
Ru con: Hãy ngủ, con thơ!
Ru con ru tận bến bờ chưa thôi
Ru con vãn buổi chợ đời
Con còn chưa rõ khúc nôi mẹ hiền...”.
(Khúc Hát Ru - trang 92).

Trong bài “Tết Một Thời”, tôi như thấy “một thời” thuở ấy của tuổi xuân tôi tràn về đâu đây. Áo quần mới “rực màu bông” như đồng phục. Nhà nào cũng sắp hàng chờ mua vải ở cửa hàng mua bán, ra đường ai cũng như ai, rực một màu, vậy mà mừng, mà vui; bởi chỉ có vậy, biết sao được. Và còn nữa, trẻ em đứa nào cũng mong chờ được đốt pháo, đốt cho vui ba ngày tết đón mừng xuân, rồi trở lại cái không khí tĩnh mịch, buồn hiu ở chốn quê xa:
“Áo mới cho con toàn vải rẻ
Tung tăng mừng: Áo rực màu bông
Con hãy an phần như ba mẹ
Vui tết bằng hoa tay ba trồng.

Chuối trổ muộn ngày chưng chẳng đủ
Thịt phần con trẻ Đội quên chia
Con lu con vện tha hồ ngủ
Trộm chẳng màng thăm cửa bỏ khuya”.
(Tết Một Thời - trang 70).

Tình yêu muôn đời là đề tài cho thi ca, âm nhạc, cho đời sống của con người trên hành tinh nầy. Dủ chỉ một chút trách hờn người lỗi hẹn, lòng cảm thấy cô đơn giữa phố đông người, cũng là cung bậc của tình yêu, của đời sống!. Có đôi khi, tác giả mơ nhốt được “cánh chim ngang trời”, để khỏi chờ, khỏi đợi; bởi:
“Chờ anh bóng ngả xế chiều
Ngoài kia đường phố dập dìu người qua
Anh còn dặm bước nơi xa
Hay đang tránh giọt mưa sa giữa trời?...

... Có anh đời hé môi cười
Vắng anh trời đất chuyển lời tang thương
Hỏi người trọn kiếp tơ vương
Có còn nguyên vẹn tình thương hôm nào?”.
(Lỗi Hẹn - trang 26).

Trong cô đơn, trong niềm hy vọng, nhà thơ đã gởi đến người yêu dấu những vần thơ đầy yêu thương, nhung nhớ; “chép sầu kín cả trang thơ lạnh, gói cả chiều phai gởi đến anh”. Sự son sắt của tấm chân tình dành người yêu dấu, rất hồn nhiên, trong sáng:
“Em vẫn là em. Em của anh
Đơn sơ áo trắng mộng trong lành
Giữ lòng chung thủy bao năm tháng
Để nhận ra màu tóc cứ xanh”.
(Em Của Anh - trang 17).

Mượn hình ảnh “con chim nhỏ” để nói lên nỗi lòng mình, khi người yêu dấu đã lìa xa mình vĩnh viễn. Nỗi đớn đau tràn ngập trong trái tim đơn côi, lẻ bạn - những vần thơ đã bậc ra như tiếng khóc, chua xót.
Chim rời chiếc tổ xinh
Bay cùng trời cuối đất
Nhặt cuộc tình đã mất
Giấu trong chiều tàn phai

Vạt nắng hồng ban mai
Sẽ là chưa đủ ấm
Xuôi về đâu nghìn dặm
Để lạc loài tiếng ca”.
(Lẻ Bạn - trang 58).

Trong nỗi tuyệt vọng cùng cực, nhà thơ chưa tin sự chia ly ấy là có thật, vẫn cứ mơ hoài những tháng ngày bên nhau; như cố níu kéo niềm hạnh phúc đã vuột khỏi tầm tay. Sự giải bày tình cảm này, làm người đọc càng thấy rõ hơn niềm cô đơn ngút ngàn cùng thương nhớ đang sôi nỗi trong lòng nhà thơ lúc bấy giờ:
“Chạm vào nhau, nụ hôn xa
Níu theo anh chút ánh tà dương thôi
Trải bao ngọt đắng xẻ đôi
Đêm nao chung đỉnh trăng soi bóng hình

...Sử tình ta chóng tàn phai
Câu thơ giờ đã gãy hai nửa rồi
Dẫu đi hết kiếp luân hồi
Vẫn chưa tin thật anh rời xa em”.
(Chưa Tin Là Thật - trang 75-76).

Nhưng thực tế đã vậy - người yêu dấu đã mù xa, càng khiến nhà thơ bàng hoàng, đau xót hơn. Tác giả đành vịn vào những kỷ niệm cũ, để gượng dậy - làm niềm tin để sống, và tiếp bước:
“Anh yêu, trời cứ như quên sáng
Bóng lẻ vờn bên bếp lửa hồng
Dấu tình ta mãi là vô hạn
Ủ ấm lòng nhau giữa giá băng...”.
(Anh Đi - trang 105).

Nhìn “Vạt Cỏ Còn Xanh”, thấy sự vô thường nhanh chóng của kiếp nhân sinh, lại rưng rức nhớ, mới hôm nào hai đứa cùng ngồi bên dòng kênh chờ kéo những nhả vó. Trăng sáng vằng vặc trên cao, gió rót về từ đồng sâu mát rượi. Mới hôm nào hai ta có đôi, mà bây giờ nghìn trùng xa cách.
Nhà thơ thảng thốt gọi:
“Anh ơi, vạt cỏ
Vẫn còn mới tinh
Chiều em qua đó
Thả trôi bóng mình”.
(Vạt Cỏ Còn Xanh - trang 50).

Rồi lang thang một mình giữa biển chiều, thấy lòng trống vắng, hắt hiu. Trách hờn người yêu dấu đã tệ bạc ra đi, để lại bao nhớ thương, ngậm ngùi cho người ở lại. Lời than thở cùng với biển chiều nỗi lòng mình “Uống chưa vơi chén rượu mời/ Men tình để lụy một thời thanh xuân” thật ray rức, ngậm ngùi:
“Tơ duyên lỗi nhịp cơ cầu
Bỏ mình em với nông sâu cuộc đời
Uống chưa vơi chén rượu mời
Men tình để lụy một thời thanh xuân

Tắt dần vạc nắng sau lưng
Tàn cơn mộng cũ, lòng rưng rưng buồn
Đợi nhau từ cõi vô thường
Hồn phiêu bạc ở cuối đường nhân sinh”.
(Biển Chiều - trang 73-74).

“Còn Thương Chiếc Lá” mãi mãi để lại trong lòng người đọc nỗi buồn thương man mác, một chút ngậm ngùi, thương cảm về cuộc bể dâu, vô thường chia ly của đời sống - nhất là một chữ tình son sắt thủy chung để lại, rất đáng trân quý!

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt