TIỂU NGUYỆT


"Đất Thở" Ngát Hương Quê

 

Cuối tháng 8 - 2017 tôi nhận được tập thơ “Đất Thở” của nhà thơ Nguyễn An Đình gởi tặng qua đường bưu điện. Tôi rất vui khi biết thêm anh là người đã đọc và viết “Những chiều mưa dông đọc Khúc Hát Yêu Thương của Tiểu Nguyệt” gởi tặng tôi với một bút hiệu khác là Nguyễn Câu Mục. 
“Đất Thở” là tập thơ thứ hai, sau tập Suối Tạnh - 1972 (Nhà xuất bản Trung Quán - Sài Gòn). Tập thơ “Đất Thở” gồm 144 bài thơ đủ thể loại, sách dày 183 trang; tranh bìa một của danh họa Đinh Cường, tranh bìa bốn của Nhà thơ Phạm Mạnh Hiên, và gồm 4 phụ bản màu, tranh của các họa sĩ: Đinh Cường - Nguyễn Trọng Khôi - Từ Văn Minh và Nguyễn Sông Ba, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành - 2015.
Nhà thơ Nguyễn An Đình người làng An Ngãi - thị xã An Nhơn - một làng quê ngoại ô, chuyên sống nghề nông, của dãi đất miền Trung đầy nắng gió, gian khổ. Sống gắn bó bên ruộng vườn, bên lũy tre làng, bên sông nước quê nhà qua bao thăng trầm, nên thơ ông thấm đẫm tình người, tình đất, hồn nhiên, mộc mạc, chân tình như chính con người ông vậy.
Phải là một người có tâm hồn an tịnh, trong sáng, vượt trên những cám dỗ, bon chen, quyến rũ tầm thường của lợi danh, mới “nghe thấy” và chia sẻ được tiếng “Đất thở ngát hương quê” nồng nàn, sâu lắng như thế. 
Điều ghi nhận đầu tiên của tôi khi đọc “Đất Thở” là những tâm tình của tác giả trao gởi rất dễ đồng cảm vì dường như người đọc luôn thấy gần gũi với đời sống, bóng dáng làng quê, bóng dáng của chính mình ẩn hiện, bàng bạc trong những vần thơ chơn phác ấy. Những con cá rô, tiếng cuốc kêu, giàn bầu, giàn bí, canh rau tập tàn, mắm cua đồng, (…). rất thân quen, và gợi nhớ xa xôi về một dĩ vãng đã từng đi qua đời mình. Không cần những mỹ từ nghe rổn rảng mà trống rỗng - nhà thơ thoảng nghe “hương đêm thơm mùi rạ”, cái mùi “quê mùa”, nhưng không quê mùa chút nào, bởi vì nó dễ thương, réo gọi đến nao lòng trong mỗi chúng ta. Cái mùi thơm thơm “đặc trưng” này, đã luôn theo tôi, ám ảnh tôi cùng năm tháng; để tôi nhớ da diết quê xưa. Tôi nhớ những rộn ràng của ngày mùa thuở nào; rồi những gốc rạ, cột rơm đẫm mùi lúa mới, luôn đọng trong tôi một tình yêu quê chan chứa; để thúc giục tôi mong ước trở về, thăm lại. 
Và tôi đã bắt gặp tuổi thơ mình với “cánh diều” trong những chiều trên đồng lộng gió. “Có chiều, diều bông thả. Cùng vút cao trên đồng” trong “Đất Thắm”. Và sự đồng cảm dâng cao, khi tôi bắt gặp cảnh tình nầy:
“Em đốt lửa giữa cánh đồng khô rạ
Anh sát sinh vài con cá rô đìa
Ngồi nhấm nháp cho đã mồ đã mả
Mây núi này bay qua chóp núi kia”
(Ăn Cá Nướng Uống Rượu Giữa Đồng – trang 58)

Ngày ấy, chúng tôi - những đứa trẻ miền quê cũng thường tác nước bắt cá nướng giữa đồng như thế; nhưng có lẽ tâm trạng của chúng tôi khác với nhà thơ. Chúng tôi thì hồn nhiên, vui vẻ, khi có được món ăn dân dã làm niềm vui; còn nhà thơ, nhấm nháp món ăn ấy “cho đã mồ, đã mả”, trong nỗi cô đơn đến tận cùng; để nhìn mây núi này bay qua chóp núi kia, cho vơi nỗi buồn, nỗi hiu quạnh.
Mặc dù cuộc sống ở quê đầy gian nan, cam khổ, nhưng nhà thơ luôn trân quý, nuôi dưỡng tình quê thiêng liêng trong tâm hồn. Cho nên, dù có bôn ba nơi đất khách, ông luôn nhớ về quê nhà với “Cổng Hoa Đồng” ở đầu làng, nhớ tiếng “Dế Gáy”, “Nghe Bờ Tre Nghiến”; đó như là liều thuốc nhiệm mầu, để ông vượt qua nỗi buồn, nỗi gian khổ trong cuộc sống tha phương.
Bên khối tình quê trĩu nặng, nhà thơ cảm thương người vợ sớm hôm tần tảo, thân cò lặn lội, cam chịu long đong, thương ông “thầy thợ lỡ mùa”, giúp ông “bươn chải dặm dài”, lo cho đàn con dại. Lắng nghe nhà thơ tâm sự:
“Đời ta trôi nổi bềnh bồng
Nên không kham nổi gánh gồng trên vai
Để em bươn chải dặm dài
Thân cò lặn lội tàn phai má hồng”
(Tặng Hiền Thê – trang 38)

Dù vất vả phải “đi gặt mướn xa”, ông vẫn không quên nhớ về người vợ ở quê nhà đang canh cánh dõi theo.
“Chiều nay cay mắt khói rơm
Mà như tưởng nhớ nồi cơm em giần
Mấy trăng ruộng gặt xa dần
Quê nhà mờ mịt bần thần nhớ em.
(Đi Gặt Mướn Xa – trang 83)

Trong một buổi “chiều mênh mông”, nhà thơ chợt nhớ đến người cha thân yêu, đã xa khuất. Ông thương cha một đời khổ nhọc, dầm mưa dãi nắng, chẳng ngại gian nan, nuôi nấng đàn con nên người. Nhà thơ đã khóc cha: 
“Thương cha nay đã muộn
Ơn xóm quê thuở nào
Bữa mắm cua rau muống
Quanh năm vẫn ngọt ngào.
(Chiều Mênh Mông - trang 74)

Một trưa hè, bỗng “nghe tiếng cuốc kêu nhớ mẹ” - người mẹ đã đi xa, sơn khê biền biệt. Tiếng cuốc kêu, như tiếng than trong bữa trưa nắng đổ, khiến ông cứ ngỡ mẹ còn đang còng lưng trên ruộng ngày nào. Ông nhớ tiếng “ngoáy trầu” của mẹ, nhớ bát “cháo hến” mẹ nấu. Nỗi nhớ sâu thẳm từ những điều ta tưởng là vụn vặt, nhưng với tác giả là cả một trời yêu thương. Lời thơ bật ra như tiếng khóc, não nùng, xa vắng.
“Cuốc kêu giục nắng ban trưa
Mẹ còn nhổ cỏ vẫn chưa thấy về
Bây giờ biền biệt sơn khê
Chợt nghe cuốc gọi tứ bề quạnh hiu”
(Nghe Cuốc Kêu Nhớ Mẹ - trang 43)

Và:
“Sáng nay sông nước dâng cao
Mẹ ơi! Vắng lặng đi vào lòng con”.
(Cháo Hến – trang 33)

Bàng bạc trong “Đất Thở”, người đọc còn bắt gặp những hơi thở nồng ấm của “hương bằng hữu”. Những người bạn một thời gắn bó, sẻ chia, luôn tìm thăm nhau, dù chuyện áo cơm khốn khó “hình như thương mến nhau lâu lắm, nên mãi tìm nhau ở kiếp này”. Gặp nhau, mừng rỡ, uống chén rượu suông, cũng đã hạnh phúc lắm rồi; có cần chi của ngon, vật lạ, mâm cao, cỗ đầy. 
“Quê nhà trăng cứ thẩn thơ buồn
Gặp gỡ nhau mừng rượu cụng suông
Nhắp chi dăm chén the đầu lưỡi
Thà uống be đầy say quắp luôn”.
(Bài Ca Kéo Nhá – trang 94)

Đêm cuối năm, dù bao nhiêu là việc phải làm để đón năm mới; nhà thơ cũng đã tìm đến thăm người bạn cũ, nhưng bạn hiền vẫn còn lưu lạc phương xa, đêm cuối cùng của năm vẫn chưa được trở về sum họp.
“Quê nhà xuân đã dần sang
Người còn lưu lạc quan san chưa về
Trông lên truông cỏ ơ hờ
Trời đêm sương lạnh trắng bờ nhớ thương”.
(Đêm Cuối Năm Tìm Thăm Bạn – trang 113)

Nhà thơ chợt thấy cô đơn trĩu nặng, buồn bã đến rã rời: 
“Bao đêm buồn bã rã rời
Nhìn lên chỉ thấy một trời hư vô
Ta chào cỏ cháy đồng khô
Ta chào muôn vạn khối cô đơn về!”.
(Cô Đơn – trang 7)

Lời “chào” của kẻ an nhiên ôm trọn nỗi bất hạnh vào lòng, không trốn tránh; dù nỗi buồn cứ dâng trào, nhỏ vào lòng từng giọt, từng giọt thấm đẫm.
“Mở ách trâu gặm cỏ
Ngồi nhìn mây trên đồng
Cùng con chuồn chuồn đỏ
Bay giữa chiều mênh mông”.
(Mở Ách – trang 75)

Bao đêm dài thao thức cùng nỗi cô đơn ấy, ánh trăng soi chiếu như vô tình chạm vào trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn nhà thơ, rung lên cung bậc thương đau vang dội cho mãi đến ngàn sau:
“Thức trắng suốt đêm thâu
Sương rơi thấm mái đầu
Một vùng trăng soi chiếu
Tay chạm vào ngàn sau”.
(Vô Đề 3 – trang 99)

Có nỗi cô đơn nào lớn hơn khi bên mình là khoảng không vắng lặng, với chiếc bóng cô độc? Nghe tiếng gió lộng cũng cảm thấy nhói đau, thấy chiều về như thê lương rực tím quanh mình:
“Nghe gió vỗ đau chiều rực tím
Vang rền đâu tận chốn điêu linh
Bên kia bờ bến còn xa lắm
Chiều xế rung rinh chiếc bóng mình”.
(Chiếc Bóng – trang 139)

Trong cảnh túng quẩn, nhìn quanh mình chẳng còn có gì đáng giá ngoài “ba vồng đất khô” mà cha đã để lại. Nhà thơ nghĩ “ngông” một chút, mong chờ có kẻ đến nài huyệt quan, để ông bán. Đọc bài thơ “Bán Huyệt Mả” tôi bỗng thấy lành lạnh trong người - giọng thơ vừa bi thương, vừa hài hước, đau đớn tận cùng. 
“Trăm năm bóng cứ ngã dài
Con mong chờ kẻ đến nài huyệt quan
Từ khi thu trút lên ngàn
Con nằm ngửa miệng uống tàn trăng đêm”
(Bán Huyệt Mả - trang 72)

“Đất Thở” đã tỏa ngát hương, dâng hiến cho đời sự an bình, chan hòa một tình quê, tình người thao thiết khôn nguôi, từ một tâm hồn “quê mùa” rộng mở!

Những ngày đầu tháng 11/2018

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt