TIỂU NGUYỆT
Giấc Mơ Một Đời Người
Truyện Ngắn
Giấc Mơ Một Đời Người
Truyện Ngắn
Ánh nắng ấm áp chan hòa khắp nơi, những khóm hoa vạn thọ vàng ươm trước sân, chỉ còn hơn tuần nữa là tới tết. Chị Nga ôm những gói quà đặt trên bàn trước hiên nhà. Chị rất vui khi làm công việc này; công việc mà năm nào chị cũng thực hiện, mang niềm vui cho bà con neo đơn, nghèo khó trong con xóm lao động nơi gia đình chị đang trú ngụ. Chị Nga sốt sắng, vận động mấy chị em trong nhà góp tiền, mua quà, rồi mang đi biếu cho các hộ nghèo trong xóm để họ có chút niềm vui đón tết. Chị Nga nghĩ, niềm vui của họ cũng là niềm vui của mình, dù mỗi phần quà của chị ít ỏi không đáng là bao so với của người khác. Nga lại nghĩ thêm, những gói quà nhỏ nhoi của chị em chị, người thân của chị, còn chuyên chở thêm tình thương yêu, nỗi cảm thông đến với họ. Chị sắp ngay ngắn những gói quà, dặn dò em gái:
-Lát nữa, em phụ chị phát quà. Năm nay chị có thêm chục gói, để những người xóm dưới có đến thì mình gởi cho họ, chứ năm ngoái phát xong, xóm dưới có người hay tìm đến, không có gì cho thấy tội quá.
Ngân – em gái chị cười, nói:
-Chị chu đáo quá! Có chị tụi em mới biết làm việc này, em thấy vui như mình cũng nhận quà vậy chị à!
Thi – em trai út của chị, cười - nói theo:
-Thì chị cũng nhận mà không vui sao được. Người ta nhận quà còn chị nhận niềm vui vì lòng từ tâm, phải không chị Nga?
Chị Nga cười theo hai người em, ánh mắt chị ánh lên rạng rỡ:
-Các em phải biết yêu thương mọi người, ăn nhín một chút để san sẻ cho người khó khăn; đó là niềm vui, niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng làm được. Khi mình từ bỏ thân này ra đi có người còn nhớ đến mình, thương mình. Đó là điều ta còn lại. Chị rất hạnh phúc khi thấy hai em mỗi ngày một trưởng thành, lớn lên – Chị Nga cười thật tươi – lớn lên cả thể xác lẫn tâm hồn.
Ba chị em nhìn nhau, mùa xuân như reo vui trong lòng họ. Những khúc ca xuân quanh xóm vang lên rộn ràng, bà con lần lượt kéo đến nhà chị. Chị Nga cùng hai em đón tiếp, miệng nở nụ cười thân thiện:
-Con chào bác! Quà của bác đây ạ! Chúc bác đón tết vui nhé!
-Cảm ơn các cháu! Tấm lòng các cháu thật quí hóa, bà chúc các cháu luôn mạnh khỏe, vui vẻ.
Chị em chị Nga niềm nỡ đón bà con tới nhận quà như chờ đón người thân của mình ở xa về. Những gói quà được những bàn tay gầy gò, xanh xao, lam lũ mang đi dần cùng niềm vui chớm nở; không khí buổi sáng nơi hiên nhà chị Nga thật nhộn nhịp, rộn ràng. Chị Nga như nghe tiếng chim đang ca hót trong lòng, mùa xuân như đang về sát mái hiên nhà, chỉ cần mở cửa ra là mùa xuân ùa vào hoan hỷ.
Nắng xuân chan hòa đất trời, không khí tết tràn ngập nhà nhà.
Tiếng gọi nhau í ới của các cô các chị rủ nhau đổ bánh Thuẫn, bánh kẹp; rủ nhau đi chợ tết, chợ hoa. Bà con thường nhìn thấy chị Nga cười giơ cái răng khểnh ngồ ngộ, ai cũng khen chị dễ thương. Có người lại để ý, khen chị thật biết cách ăn mặc, bộ nào mặc vào cũng đẹp, cũng duyên dáng cả, dầu các bộ áo quần của chị đều được may ở các quán may tuềnh toàng trong xóm. Ở chị như luôn toát ra sự dịu dàng, nhân ái khiến ai nhìn cũng yêu mến.
Chị Nga còn có cái tên ở nhà nữa là “Muếch”. Bạn bè không ai hiểu gì về cái tên này, ai hỏi chị chỉ cười; có lẽ do tính cách của chị từ hồi bé mà mọi người trong nhà đặt cho chị cái tên lạ lùng này chăng? Chị có đôi mắt to đen tròn, mái tóc màu hơi nâu giống như người nước ngoài, lúc nào cũng thắt “rết” hai bên trông ngồ ngộ. Chị rất mạnh mẽ, dứt khoát, điều gì không thích là không làm dù ai có nói gì chị cũng không lay chuyển. Thuở còn đi học, có nhiều chàng mê chị lắm, nhưng chị chỉ lo học, ngoài ra không để ý đến ai. Chị xinh xắn trong chiếc áo dài trắng ngày ngày đến trường rồi về nhà, rồi học, rồi ăn, rồi ngủ, bạn bè có rủ đi chơi chẳng bao giờ chị tham gia.
Chị Nga thường ngồi trầm ngâm một mình, hay lặng nhìn xa xăm. Chị ít giao tiếp với bạn bè; dù vậy, chị luôn cởi mở, vui vẻ mỗi khi gặp ai. Nhiều người thắc mắc sao chị xinh đẹp, lịch lãm, tấm lòng đôn hậu thế mà chẳng có chồng con gì. Chị cười, bảo rằng tui chẳng nợ nần ai nên không phải trả, mấy người lấy vợ lấy chồng là đang trả nợ nhau thôi, có gì mà thắc mắc. Có lẽ tình yêu đã khép lại với chị kể từ khi “người ấy” của chị không còn nữa, chị đã nguyện với lòng ở vậy để lời thề nguyền tròn vẹn chăng?
Anh đã đến với chị tình cờ như một cơn gió, thổi yêu thương vào cuộc đời chị rồi cuốn trôi về chân trời nào xa thẳm, để lại trong chị nỗi nhớ, nỗi bàng hoàng, đớn đau. Tình yêu chị giành cho anh mãi như thuở ban đầu, như ngày chị gặp anh trên chuyến xe năm ấy. Chuyến xe mà chị gọi là “Chuyến xe định mệnh” đã đưa hai người đến với nhau.
Ngày ấy, anh là sinh viên đại học sư phạm mới ra trường, đang trên đường ra Tuy Hòa nhận nhiệm sở; chị vào Nha Trang thăm người Dì trên đường về nhà. Một cuộc gặp gỡ tình cờ như có sợi dây mầu nhiệm đã gắn kết hai người với nhau. Xe lên gần đỉnh đèo thì chết máy, mọi người xuống xe ngồi chờ giữa buổi trưa nắng gắt. Chị chui vào bụi cây ven đường ngồi che mát, anh bước vào phía trong chỗ chị đang ngồi, anh cười làm quen:
-Cho phép anh ngồi phía trong nhé, cô bé?
Chị nhìn anh cười ngượng ngùng:
-Anh muốn ngồi đâu là tùy anh, sao lại xin phép?
Anh mỉm cười:
-Ngồi bên một cô bé xinh đẹp thế này là niềm hạnh phúc, sao lại không xin phép chớ?
-Vậy thì cho phép đó, ngồi đi. Chị nghĩ đơn giản - tự nhiên bên rừng giữa đèo có người hỏi xin một chỗ ngồi, lẽ nào lại không cho, hóa ra mình nhỏ mọn lắm sao.
Anh cười lớn:
-Cô bé hay thật, vậy cho anh làm bạn được không? Lẽ nào nhỏ mọn không cho anh làm bạn?
Chị cười khúc khích:
-Để coi người ta thể hiện chân thành thế nào đã – Chị cười hồn nhiên, rồi mới “duyệt”, lỡ nhầm người không tốt thì sao?
-Người đây tốt chính hiệu - anh cười hiền, có nhãn mát đàng hoàng, đừng lo - nói xong, anh rút ví lục lấy thẻ căn cước đưa chị xem.
Chị Nga liếc mắt nhìn vào vừa thấy tên anh là Hồ Văn Phụng. Chị cười xua tay:
-Không dám! Không dám! Nhìn căn cước thôi, sao biết được ai tốt ai xấu.
- Không sao đâu, anh người tốt thiệt mà - giọng anh cởi mở, chân thành.
Nghe giọng anh thiệt thà, chân chất, chị có cảm tình và thấy vui vui. Chị nhìn anh cười:
-Cứ tin là vậy đi, anh là sinh viên về thăm nhà à?
-Nhà anh ở Nha Trang, anh đang ra Tuy Hòa nhận nhiệm sở. Anh ra sớm mấy ngày tìm nhà trọ, nhà em ở đâu?
Chị không trả lời anh, hỏi tiếp:
-Anh học sư phạm à?
-Vâng! Được không cô bé?
Chị cười tủm tỉm:
-Sao lại hỏi người ta được không, thưa thầy?
Anh cười lớn:
-Anh không dám làm thầy em đâu, sợ chết!
-Sao lại sợ?
-Sợ vỡ tim mất thôi, có cô học trò xinh như thế không vỡ tim mới lạ!
Chị Nga cười khanh khách:
-Tim anh dễ vỡ thế kia à? Nghe anh nói vui chưa kìa.
Anh cười theo chị:
-Nghe em cười tim anh muốn rụng luôn chớ vỡ gì nữa. Nãy giờ chưa biết tên em.
-Tên em xấu quắt à, không đẹp như loài chim Phụng của anh đâu.
-A! Biết tên anh rồi hả? Lanh dễ sợ! Em tên gì, ở đâu? Nói anh biết đi!
-Có duyên sẽ gặp lại hi hi.
Xe đã sửa xong, mọi người lên xe. Anh chưa kịp biết tên chị, theo như lời chị nói “Có duyên sẽ gặp lại”. Anh mĩm cười nói khẽ “có duyên sẽ gặp lại”, anh tin thế.
***
Khai giảng năm học mới, chị Nga chuẩn bị cho năm học cuối thời trung học rất chu đáo. Chị chia thời khóa biểu để học không dám lơ là như mọi năm; chị quyết tâm phải thi đậu. Chị muốn làm một cô giáo dịu hiền, ngày ngày được đến trường, đến lớp chỉ dạy cho các em học sinh thơ ngây đáng yêu; niềm mơ ước này chị ấp ủ từ lâu. Chị được thầy giáo hướng dẫn và các bạn bầu làm lớp phó học tập, hằng ngày chị lên văn phòng nhận sổ đầu bài và cuối giờ mang lên trả lại.
Một buổi sáng, chị Nga lên nhận sổ đầu bài mang về lớp. Vừa bước vào văn phòng, chị giật mình quay ngoắt lại khi thấy anh đang ngồi trên chiếc bàn uống nước giành cho quí thầy cô, nhưng anh đã thấy chị, mừng rỡ reo lên:
-A! Chào cô bé! Đúng là có duyên nên gặp lại em.
Chị Nga lựng khựng quay vào cúi chào, rồi bước lại lấy sổ đầu bài ôm trên tay. Chị e thẹn nhìn anh:
-Anh dạy trường này à?
-Vâng! Anh dạy ở đây, còn em? Lớp mấy? – Anh vừa nói vừa nhìn vào bảng tên trên ngực áo chị - Anh biết rồi, 12A1 Tố Nga.
Chị Nga ngượng ngùng ôm sổ đầu bài che ngực áo rồi vụt chạy ra khỏi văn phòng về lớp. Chị hồi hộp, thẹn thùng; chị không hiểu vì sao mình lại có cảm giác này. Cảm giác lạ lùng chị chưa hề gặp, lòng chị bâng khuâng, rung động nhẹ nhàng. Chị hít thở thật sâu cho lòng lắng xuống, bình tĩnh vào lớp. Chị lẩm nhẩm “có duyên thì gặp lại”, “duyên gì đây? Sao mình hồi hộp thế kia?”. Trong suốt buổi học, chị thẩn thờ, ngơ ngác, không tập trung nghe lời giảng bài của cô giáo. Tan học, chị ôm cặp lửng thửng về nhà; chị bước mà hồn để tận đâu đâu, trông thẩn thờ như đi trong mộng. Tới đầu ngả ba, chị rẽ trái. Nhìn lại phía sau chị giật mình, anh bước sau chị tự lúc nào chị chẳng hay. Chân chị run run, vội vã đi nhanh như muốn chạy. Anh nói:
-Cho anh đi chung đường nhé! Anh sẽ bảo vệ cô bé nếu có cướp xông vào – anh bước nhanh hơn, kịp sánh vai cùng chị - Anh sẽ không để ai ăn hiếp em.
Chị Nga giọng run rẩy:
-Cướp gì chứ! Anh đừng có theo em.
-Anh có theo cô bé đâu, tại chung đường về đấy chứ!
Chị Nga bước nhanh hơn:
-Anh đừng có nói xạo, nhà trọ anh ở đâu mà chung đường về.
-Ừ! Thì... anh ngập ngừng – thì ở ... tới nhà em rồi mới đến nhà trọ anh. Em yên tâm, anh không làm gì em đâu.
-Thiệt không đó? Nói dối là không tốt đâu nghen.
-Nói dối không hại ai đâu có sao, nhưng mà anh không nói dối; bữa nào anh sẽ chuyển nhà trọ đến sát nhà em luôn đấy.
Chị Nga phì cười:
-Khu này làm gì có nhà trọ mà chuyển.
-Không có nhà trọ thì anh xin ở nhờ nhà ai đó, hay anh xin ba má em cho anh ở ké, được không?
Chị Nga hoảng hốt:
-Anh đừng có giỡn à nhen! Em không thích có người lạ ở trong nhà.
-Trước lạ sau quen, hay anh nhận dạy kèm cho...
Không chờ anh nói hết câu, chị Nga nghiêm mặt:
-Dạy kèm gì chứ, có ai cần người dạy kèm đâu. Thôi anh đừng theo em nữa, mọi người nhìn kỳ lắm.
-Em không thấy là chúng ta có duyên sao cô bé? Như em đã nói “Có duyên sẽ gặp lại” đó! Nhất định là duyên số rồi.
Chị Nga hốt hoảng:
-Duyên gì chứ? Ai biết?
Chị Nga rảo bước, đến cổng nhà chị lật đật bước vào như sợ anh theo vào. Bước vào trong, chị lấy tay đè lên ngực thở mạnh. Chị đưa mắt liếc ra ngoài, thấy anh đứng nhìn vào cười tủm tỉm. Chị vùng vằng xuống nhà dưới.
Anh đứng đối diện trước cổng nhà chị hồi lâu, rút gói thuốc trong túi lấy một điếu đưa lên môi, châm lửa hút. Anh nhìn như gắng thu giữ hình ảnh căn nhà ngói đỏ ba gian có vườn hoa chung quanh của Nga. Anh quăng điếu thuốc hút dở rồi quay bước.
Chị đã quen biết anh như thế đó, rồi yêu anh với mối tình đầu trong sáng. Bao nhiêu ước mơ, hoài bão về tương lai; tình yêu đầu đời rót vào tim những giọt mật ngọt ngào, thắm đậm. Những bức thư tình đầy yêu thương của tuổi học trò; tình yêu như giọt sương mai mát dịu, ngọt ngào, tưới tẫm cho tuổi thanh xuân của chị thêm hương sắc.
Chị đã đậu tú tài và nộp đơn thi sư phạm. Chị ước mơ về tương lai tươi đẹp, hằng ngày cả hai sẽ cùng đến lớp; chiều về cùng nhau đón hoàng hôn khi nắng chiều đang tắt. Chị vẽ khoảng trời riêng cho hai người với niềm tin, niềm hy vọng của một cuộc sống bình thường, chia sẻ vui buồn bên nhau cho đến cuối đời.
Mơ ước là thế, nhưng chị vào học sư phạm chưa được bao lâu thì sau biến cố lịch sử mùa xuân năm 1975 - Phụng không còn nữa. Trong những ngày chộn rộn ấy anh đã làm gì, chạy đi đâu? Đã yên nằm đâu đó trên tổ quốc này hay đã đến bên kia bờ đại dương để nghìn trùng xa cách? Chị đau đớn đợi chờ, hy vọng dù mong manh một ngày nào đó anh xuất hiện, nhưng anh vẫn biền biệt. Có thể người chị yêu đã nằm xuống đâu đây, sát bên chị; cho nên chị không muốn rời xa để đi đâu. Chị sống với niềm tin người yêu chị sẽ nhìn thấy chị hằng ngày. Có thể một ngày nào đó, anh sẽ đứng trước mặt chị tươi cười như lúc hai người mới gặp nhau; chị cứ chờ, sợ anh về không gặp được chị nữa
***
Dù rất đau buồn nhưng chị gắng gạt nỗi đau, quyết tâm học tiếp để thực hiện ước mơ. Chị phải là một cô giáo không chỉ là ước mơ của riêng chị, mà còn là của cả anh; chị muốn hoàn thành tâm nguyện của cả người chị yêu. Chị nổ lực học tập trong hoàn cảnh rất khó khăn. Sau khi ra trường chị xin về dạy ở một ngôi trường gần nhà. Hằng ngày chị có cảm giác anh luôn bên chị đến lớp với bầy học sinh vô tư. Chị luôn thấy anh thấp thoáng trong những giấc mơ, cùng chị nói lời yêu thương như ngày xưa. Tình yêu chị giành cho anh như ngày cũ, cho nên bao năm qua rồi chị vẫn không mở lòng ra với ai, dù có lắm người yêu thương, muốn xây dựng hạnh phúc với chị.
Chị Nga dồn hết tình thương cho những đứa cháu gọi bằng Dì, bằng Cô - chị nhận nuôi hết đứa này rồi đứa khác. Chị coi chúng như những đứa con mình rứt ruột sinh ra, luôn lo lắng chăm sóc và dạy dỗ. Nhiều lúc, chị cảm thấy ấm lòng; dù không lập gia đình, nhưng chị đang có một đàn con luôn thương yêu chị như mẹ bên cạnh cuộc đời.
Đã mấy mươi năm trôi qua, chị vẫn mãi hy vọng một ngày nào đó anh sẽ trở về, dù ai cũng nói với Chị rằng anh đã không còn trên thế gian này nữa. Nhưng không, với chị anh vẫn sống, vẫn tồn tại trong trái tim Yêu thương như thuở nào gặp nhau bên đèo hay lần đầu thẹn thuồng đi bên nhau sau giờ tan học. Người xưa với chị vẫn còn đấy (dù là trong những giấc mơ); chị vẫn cảm thấy xao xuyến hạnh phúc với những gì mình có được; bởi bóng người xưa mãi mãi tràn ngập trong từng hơi thở của chị.
***
Một buổi sáng trời thu trong xanh, gió hiu hiu mát dịu; chị Nga đang quét dọn trước sân nhà như mọi ngày, chợt nghe tiếng reo vui của bọn trẻ, chị dừng tay quay nhìn ra ngoài, thấy bọn trẻ đang ríu rít bu quanh bên chiếc xe hơi sáng bóng vừa dừng lại phía bên kia đường. Một người đàn ông trạc sáu lăm, sáu bảy; ăn mặc lịch lãm, vây quanh ông ta là lũ trẻ trong xóm. Người đàn ông cúi xuống nắm tay một đứa, hỏi thăm gì đó, lũ trẻ hí hửng dắt tay ông ta băng qua đường, đến trước cổng nhà chị Nga:
-Kia, nhà bà Nga đấy!
Ông ta cười, vỗ tay lên đầu vài đứa đứng gần:
-Ông cảm ơn các cháu.
Ông ta dè dặt bước vào sân, chị Nga dừng chổi, ngước nhìn - ánh nhìn lạ lẫm, lo lắng:
-Xin lỗi! Anh tìm ai ạ?
Ông ta gật đầu chào:
-Xin lỗi! Chị có phải là chị Trần Thị Tố Nga không ạ?
-Dạ! Tôi là Tố Nga.- Giọng chị bàng hoàng, mà có chuyện gì vậy anh? Mời anh vào nhà.
Chị đưa ông ta vào nhà mà trong lòng dấy lên bao nhiêu là thắc mắc. Chị lo lắng về một điều gì đó rất mơ hồ - có thể là tin vui, cũng có thể là tin buồn. Chị rót ly nước, gắng giữ điềm tĩnh - nhìn ông, mỉm cười:
-Mời anh uống nước, không biết anh tìm tôi có việc gì?
Người đàn ông trầm ngâm, dường như để đắn đo, suy nghĩ giây lâu. Ông thấy như cả quá khứ đang hiện về trước mặt, nhất là những lời mà người bạn thân của ông đã trăn trối trước khi nhắm mắt “Sau này, nếu cậu được về nước, nhất định phải tìm gặp cho bằng được người yêu của mình đấy, phải tận tay đưa cho cô ấy tập thơ mình đã viết. Phải nói với cô ấy rằng hãy an vui mà sống, lúc nào mình cũng ở bên cạnh. Hãy gởi lời xin lỗi của mình đến cô ấy vì mình đã thất hứa, không cùng cô ấy đi hết quãng đường dài như đã từng mơ ước. Cậu nhớ nhé!”.
Chợt ông ngước lên – giọng nói to, rõ:
-Xin được giới thiệu với chị: Tôi là Hùng, bạn cùng học chung sư phạm với Phụng. Hiện tôi đang ở Úc, lần về nước cách đây mười năm, tôi tìm chị theo lời Phụng đã chỉ dẫn, nhưng chị đã chuyển nhà, không gặp được. Thời gian ít quá nên tôi đã không thể tìm gặp chị được. Lần này, tôi quyết tâm tìm cho được chị để trao cho chị kỷ vật nầy của Phụng. May mắn lần này tôi gặp.
Ông ta lấy trong túi xách ra một tập thơ bao bìa cẩn thận, vuốt tay lên tập thơ thật trang trọng. Giọng ông xúc động:
-Đây là những bài thơ Phụng đã viết cho chị trong những ngày tha phương nơi đất khách. Phụng đã gom lại và nắn nót chép bằng tay để khi nào gặp lại sẽ tặng chị; nhưng bạn tôi mệnh iểu đã từ bỏ cõi đời sau một tuần cấp cứu trong bệnh viện vì cơn đau cuối cùng của bệnh ung thư phổi đã kéo dài mấy năm. Chị hãy nhận lấy, và coi như anh ấy đã trở về - như vừa chợt nhớ, ông nói - trong tập thơ có một phong thư mà Phụng đã dán kín - tôi không hề mở, dù đã mấy mươi năm.
Chị Nga bàng hoàng như vừa trải qua cơn ác mộng, tay chị run run đón nhận tập thơ “Như một giấc mơ”. Nước mắt rưng rưng rồi tuôn xuống má, chị mím môi nén chặt, nhưng không kềm giữ được tiếng nấc nghẹn ngào. Hình ảnh anh như hiện lên, sống lại trước mặt, nói cười thâm tình, hồn nhiên, dễ dãi.
Chị nhớ làm sao hình ảnh buổi chiều hai đứa leo lên Nhạn Tháp, anh cầm tay chị leo lên từng bậc, chị hát cho anh nghe bài ca “Chiều Qua Tuy Hòa” của Nguyễn Đức Quang mà anh rất yêu thích. Hình ảnh anh theo chị từ trường về đến nhà năm nào, anh trêu chọc chị đã khiến chị phải đỏ mặt, dỗi hờn. Bao nhiêu quá khứ của một thời thương yêu thơ mộng hiện về, rõ như trước mắt - chị nghẹn ngào ngước nhìn ông ta với đôi mắt còn ngấn lệ, đỏ hoe:
-Cảm ơn anh! Bao năm qua tôi nghĩ rằng anh ấy vẫn còn đâu đó, chưa bao giờ tôi nghĩ ảnh đã bỏ tôi mà ra đi như thế này. Tôi vẫn chờ, dù không biết chút tin tức về ảnh. Tôi đã hy vọng một ngày nào đó ảnh sẽ xuất hiện trước mặt tôi - chị khóc nấc lên, hôm nay anh ấy đã trở về rồi.
-Chị đừng quá đau buồn. Trong những ngày chung sống với Phụng, tôi đã nghe Phụng kể rất nhiều về chị. Tôi biết đấy là mối tình đầu sâu sắc, và tôi trân quí mối tình của hai người. Hầu như ngày nào Phụng cũng viết cho chị sau một ngày làm việc. Phụng đã ra đi vào ngày rằm tháng bảy năm tám mươi lăm, đúng ngày lễ Vu Lan; Tôi nghĩ Phụng được an vui nơi mình đến khi ra đi vào ngày này.
Chị Nga chua xót:
-Tôi đã học tiếp và sau khi ra trường xin về dạy ở đây - quê nội. Gia đình tôi đã chuyển hết về quê sau khi chính quyền mới tiếp quản, nếu không sẽ bị đưa đi kinh tế mới. Bây giờ tôi đã nghỉ hưu rồi anh ạ.
Nghe tiếng xe máy dừng trước ngõ, chưa kịp vào sân đã nghe tiếng nói cười vọng vào:
-Mẹ Nga ơi! Hồng về rồi đây, nhớ mẹ không chịu được. Kỳ này về ăn tết tha hồ mà mẹ con hàn huyên đấy nhé!
Hồng bước vào, thấy có người lạ trong lòng nổi lên bao thắc mắc; có thể người mà mẹ Nga chờ bấy lâu nay đã về hay sao - Hồng cười vui vẻ:
-Con chào bác! Bác là bác Phụng phải không ạ?
Chị Nga ngỡ ngàng khi nghe Hồng nói thế, chị cười gượng:
-Xin lỗi anh! Đây là con gái em, con lên xe mấy giờ mà bây giờ mới về tới?
-Dạ! Xe khởi hành 8g tối hôm qua, giờ đến là đúng rồi.
Ông Hùng nhìn Hồng cười:
-Cháu rất mau mắn và dễ thương, bác là bạn của bác Phụng. Cảm ơn cháu – quay sang chị Nga anh cười - Con bé thật dễ thương.
Chị Nga cười - ứa nước mắt:
-Tôi ở vậy, không chồng con gì. Đây là Hồng - con gái của em gái tôi. Tôi nuôi nó nên gọi là mẹ riết rồi như mẹ nó luôn. Lúc nào tôi cũng nghĩ một ngày nào đó anh Phụng sẽ trở về.
Hồng cười, tiu nghỉu:
-Con xuống nhà má Lệ chút nghen, mẹ và bác nói chuyện, con xin lỗi.
-Ừ! Con xuống dưới đó chiều về lại đây mẹ nói chuyện.
Hồng cười “Dạ” rồi chạy ra ngoài. Ông Hùng trầm ngâm:
- Cuộc đời là một cuốn tiểu thuyết dài mà phải không chị?
Ông Hùng đăm chiêu hồi lâu rồi kể: “ Trong những ngày chộn rộn ấy, tôi ghé lại Nha Trang tìm Phụng. Sau đó Phụng theo tôi chạy về Phan Thiết – nhà tôi ở Phan Thiết - Phụng theo gia đình tôi rời Việt Nam. Phụng không muốn đi, nhưng tôi khuyên Phụng nên đi theo gia đình tôi. Phụng có kể tôi nghe, ngày đó anh ấy có ghé lại nhà chị trước khi về Nha Trang, nhưng không có ai, nhà đóng cửa. Phụng dặn dò tôi phải tận tay đưa tập thơ cho chị với lời xin lỗi đã không cùng chị đi tới tương lai, như từng hứa vói chị. Ôi! Do cái “duyên số” cả chị ạ! Làm sao mà ai biết trước được ngày mai? Chúng ta như những con cá trong chậu.
Chị Nga tâm sự:
-Ngày ấy, gia đình tôi đã chạy vào nhà người Dì ở Nha Trang; nửa tháng sau mới về lại quê nhà. Tôi nghe anh kể, mà thương anh ấy vô cùng, anh ấy đã tìm tôi trước khi đi mà không gặp! Ôi! Cũng là cái duyên chưa đủ thôi.
Nắng mai reo vui trên hàng tre trước ngõ, một ngày mới bắt đầu. Chị Nga uể oải đứng dậy chào, tiễn đưa ông Hùng ra ngõ.
Trở vào nhà, ngồi lặng yên bên tập thơ giây lâu bất chợt chị nâng tập thơ ngang mắt, cúi xuống hôn lên giòng chữ “NHƯ MỘT GIẤC MƠ” mầu vàng óng. Chị lật trang đầu tiên, hai hàng nước mắt rớt xuống nhòe ướt; những con chữ nhảy múa trước mặt. Chị cúi đầu như thắp nén hương tưởng niệm. Chị thầm thì: “Như một giấc mơ”- giấc mơ dài một đời người!
05/2017