TIỂU NGUYỆT


HOA HỌC TRÒ
Truyện ngắn

Nghĩa chạy xe trên con đường lát sỏi dẫn vào nhà Thanh, lòng anh rộn ràng niềm vui vì sắp gặp lại những người bạn thân yêu thuở còn đi học. Con đường dẫn vào xóm có phần lầy lội sau cơn mưa đêm qua, anh hạ bớt tay ga, chậm rãi trên đoạn đường rất trơn. Đứng trước cổng nhà Thanh với bao háo hức, tiếng cười nói của các bạn vang vang làm lòng anh rộn rã. Dựng xe, anh bước vào, Thanh reo lên:
- Nghĩa! Sao ông trễ quá vậy? Mọi người đến nãy giờ chuẩn bị gần xong hết rồi giờ mới đến, lát nữa phạt ông rửa chén đấy!
Nghĩa cười hồn nhiên, bắt tay chào từng bạn, anh vui vẻ:
- Được thôi! Lát nữa mình đảm nhiệm việc rửa chén hi hi.
- Nhớ nha! Rửa không sạch là chết với tui. Tiếng nhỏ Hân từ dưới bếp vọng lên.
Nghĩa cười, chạy xuống chào các bạn nữ, anh vui vẻ:
- Chào các bạn! Lâu quá mới gặp lại, trông các nàng vẫn xinh đẹp như xưa.
Mọi người như sống trở lại thời xa xưa ấy, cười nói hồn nhiên, thật vui vẻ. Những nụ cười giòn tan trong veo, những lời nói đùa làm mọi người cười phá lên từng hồi, không khí càng sôi động, tưng bừng.
Gặp lại Vân, anh có phần bất ngờ và bối rối, bên người bạn gái cùng lớp năm nào đã làm lòng anh xao xuyến. Cô bạn nước da ngâm đen, có mái tóc dài với đôi mắt sâu thẳm, đã cuốn hút anh ngay từ ngày anh mới chuyển trường về. Nhà ở quê xa nên anh phải trọ học gần trường; anh thường đến lớp sớm để có thể ngắm nhìn Vân nhí nhảnh đến trường trong chiếc áo dài trắng mỗi sáng. Không biết tự lúc nào, anh luôn cảm thấy nhớ nhớ thương thương cô bạn nhỏ này.
Ngày ấy các bạn thường rủ nhau về quê chơi, mỗi lần như thế anh luôn nhận đèo Vân trên xe mình. Vân vô tư không hay biết gì đến tình cảm anh giành cho nàng nên vẫn hồn nhiên nhìn anh như bao bạn khác. Nghĩa vui nhất là lần đưa Vân cùng các bạn về nhà chơi, anh hái dừa đãi bạn. Tình yêu anh giành cho Vân ngày càng thắm thiết hơn, anh thường lảng vảng trên con đường trước nhà Vân mỗi tối. Nhìn Vân ngồi học bài anh rất muốn vào chơi nhưng sợ ba Vân nên không dám. Anh nhớ những ngày cuối năm ấy, cả lớp đến trường không học hành gì cả cứ nôm nớp lo sợ. Hôm ấy tình cờ anh nhìn thấy Vân đang ngồi một mình bên cái hồ nước nhỏ trước phòng, tay cầm cành hoa phượng đỏ tươi; Nghĩa liều lĩnh bước lại bên nàng:
- Sao ngồi một mình buồn thế Vân?
Vân ngước nhìn anh cười:
- Mình lo lắm, nhìn đoàn người di tản dưới kia, không biết khi nào tới lượt mình.
Anh xin phép được ngồi chơi cùng nàng một lát, Vân vui vẻ, cười. Nghĩa muốn bày tỏ tình cảm thương yêu Vân bấy lâu, nhưng không thể mở miệng được; anh ngại nàng từ chối. Anh thấp thỏm đợi chờ mới có cơ hội được ngồi cùng nhau, chỉ hai đứa. Đắn đo mãi, cuối cùng anh nghĩ sẽ ngỏ lời qua một bức thư, sẽ thuận tiện, dễ dàng hơn; nên cả hai chỉ nói đủ thứ chuyện về sở thích, về những bản nhạc, những bài thơ yêu thích. Anh đã có dịp biết thêm đôi điều về Vân. Nàng rất có năng khiếu và yêu thơ văn, thích ca hát, thích trồng hoa. Trong khu vườn nhà, những buổi chiều được thư thả, Vân đã trồng đủ loài hoa, từ hoa Mười giờ, hoa Hồng, cho đến giàn hoa Giấy. Nghĩa chăm chú nhìn khóm hoa Cánh Bướm hồng, vàng, trông mong manh, xinh xắn trước hiên nhà. Hai bình dây Trường Sanh với những chiếc lá xanh um vắt trên cửa sổ, tô điểm cho khung cửa có một nét gì vừa nên thơ, vừa tươi mát. Trước sân là gốc Phượng già đang trổ hoa đỏ rực, dưới sắc nắng hè chói chang. Giậu Hoàng Lan leo kín hàng rào hoa vàng rực rỡ. Vân say sưa kể: “Mình rất yêu hoa, thích nhìn những cánh hoa trong nắng sớm, đẹp vô cùng, nhất là khi còn những giọt sương đêm đọng trên lá, trên hoa” - nàng giơ cành Phượng đang cầm đưa lên ngắm. “Mình rất thích hoa Phượng, cánh hoa đỏ rực quyến rủ khi hè về, nó cũng biết buồn như lũ học trò chúng mình vậy. Sau này, mình sẽ nhớ các bạn, nhớ tuổi học trò, cái tuổi hồn nhiên, thơ mộng, trong sáng; bởi đó là hành trang theo mình suốt cuộc đời. phải không Nghĩa?”. Anh mỉm cười, chỉ gật đầu, ánh mắt không rời khuôn mặt thơ ngây, dịu dàng của nàng. Vân lại nói - như chưa bao giờ nàng được nói, với nụ cười mãn nguyện biết bao: “Nghĩa biết không, mình ép rất nhiều cánh hoa Phượng trong vở. Khi hoa khô mình xếp dần vào một cái hộp gỗ, để kỷ niệm, mình có cả một hộp lớn rồi đó!”. Nghĩa biết Vân là người rất nhạy cảm, anh muốn Vân tặng mình cành Phượng trên tay, sẽ giữ làm kỷ niệm buổi chiều đầu tiên được bên Vân, nhưng cứ ngại ngần. Anh lấy hết sự bình tĩnh, nói lớn: “Vân tặng mình cành Phượng này nhé! Mình sẽ ép khô, giữ lại, để nhớ về người bạn mình yêu quí!”. Vân cười, hồn nhiên - và trao cành hoa cho Nghĩa. Anh cảm thấy bàng hoàng, rất hạnh phúc, bởi việc đã đến với anh nhanh chóng, đơn giản là vậy, sao anh cứ mãi băn khoăn?
Cánh Phượng ngày ấy và hình bóng nàng luôn trong tim anh, nhưng rồi như một định mệnh, sau ngày ba mươi tháng tư năm ấy anh không còn gặp lại Vân nữa. Hôm nay, đứng trước mặt Vân, anh cảm thấy luống cuống:
- Vân vẫn vậy, không thay đổi gì cả, lại có phần xinh hơn xưa.
Vân cười, nhìn Nghĩa -Cảm ơn. Nghĩa có phần hơi khắc khổ dù rằng anh thành công trong cuộc sống. Anh bận bịu với công việc hằng ngày không có cơ hội gặp gỡ bạn bè nhiều. Nghĩa đưa tay nắm lấy tay Vân trong cái bắt tay xã giao, anh nắm chặt tay Vân trong tay mình hồi lâu. Đã bốn mươi năm gặp lại nhau, anh nhìn Vân trìu mến như được trở về bốn mươi năm trước dù tiếng cười đùa của các bạn vẫn râm ran:
- Gặp lại Vân mình thấy bối rối vô cùng!
Vân cười hồn nhiên nhìn vào mắt anh, như tìm kiếm hình ảnh mấy mươi năm trước:
- Sao lại bối rối? Chuyện mấy mươi năm rồi. Nghĩa vẫn vậy không khác gì cả?
Nghĩa cười buồn, nói nhỏ như chỉ mình Vân nghe:
- Mình chưa bao giờ quên những kỷ niệm thời còn di học!
Các bạn cùng cụng ly, cười đùa vui vẻ. Cũng vẫn những trò nghịch ngợm thuở xưa, cũng vẫn những giọng cười nghiêng ngửa nói đủ thứ chuyện trên đời. Nghĩa uống mấy ly mà trông như đã muốn say, anh cười cười:
- Mình hát tặng mọi người bài “Hai mươi bốn giờ phép” nè!
Và anh hát, giọng ngọt ngào xúc động. Anh hát với niềm cảm xúc trào dâng, mọi người im lặng lắng nghe. Anh nhìn lướt mọi người, rồi nhìn Vân “Từ xa tôi về phép, hai mươi bốn giờ tìm người thương trong người thương...” (*). Mọi người cười chen vô:
-Ông hát tặng ai vậy?
Anh chỉ cười và cứ hát, tiếng hát trầm buồn như của người lính về phép thăm người yêu. “Thời gian còn lại, anh cho em tất cả em ơi...” (*). Cuối cùng khi dứt lời, bạn bè vỗ tay khen hay, Vân cũng chung vui bằng tiếng cười dòn trong trẻo.
Vân nhớ lại những kỷ niệm xưa - chúng tràn về như cơn lũ. Những ngày cuối cùng năm ấy, Vân và các bạn cùng nhau đi quyên góp, và ủy lạo cho những người dân di tản từ Pleiku, Phú Bổn về tập trung ở sân vận động. Vân cùng các bạn trong trường chia nhóm vào từng nhà dân để xin thức ăn, đồ uống, chăn màng, thuốc men - những ngày ấy vui thì nhiều và buồn cũng không ít. Nhìn cảnh cơ cực thiếu thốn, mất người thân, nỗi lo sợ hãi hùng khi chạy loạn, ai cũng nao lòng, rưng rưng nước mắt. Nghĩa và Vân cùng nhóm, dưới cái nắng đầu hạ, mồ hôi tuôn ướt đẫm trên áo, nhưng các bạn vẫn vui vẻ, hăng hái. Nghĩa hay giúp Vân những khi nàng mệt, có lúc chạy kiếm chai nước hay đưa cho nàng viên kẹo. Một tình cảm thơ ngây của tuổi mới lớn, nhưng đôi khi cũng làm nàng thấy lòng bâng khuâng, xao xuyến. Đã bốn mươi năm rồi nàng không gặp lại Nghĩa. Hôm nay tình cờ gặp nhau, anh vẫn nụ cười hiền, vui vẻ, hòa đồng.
Thiện bỗng đứng lên, nhìn Nghĩa - hỏi:
- Hồi ấy ông mê nhỏ Vân à? Sao tụi mình không biết gì hết trơn vậy ta?
Thanh cười to:
-Chỉ tao với thằng Tùng biết thôi, cả lớp chẳng ai biết cả ha ha ha. Chuyện mấy mươi năm giờ mới kể…cho vui!
Vân cười, nụ cười như cảm thông với niềm vui chung của các bạn.
Vân nhìn Nghĩa:
-Chắc tại không nợ nên thế! Không “duyên nợ” thì chỉ là kỷ niêm một thời để vui mà thôi!
Nghĩa cười buồn:
- Chắc là vậy.
Mọi người cùng cười, cùng vui, cùng nói, cùng trêu ghẹo nhau. Cười cho đã rồi cả nhóm đề nghị Vân hát góp vui một bài. Vân loay hoay không biết hát bài gì, bài nào cũng thuộc một đoạn, chỉ có “Anh còn nợ em” của Anh Bằng là bài ruột nên Vân quyết định hát bài này. Giọng hát Vân vút cao lẫn với tiếng gõ nhịp nhàng của các bạn nghe vui vui, cả bọn cùng nhẩm hát theo như bài hợp ca vậy. Khi Vân hát hết bài tiếng vỗ tay cùng tiếng cười rào rào:
-Vân hát để “đòi nợ” ai vậy?
Vân không trả lời bạn, nhắc lại chuyện cũ - như lời tâm sự:
-Mình cùng gia đình vào Nha Trang hôm trước, hôm sau chạy trở về liền. Mình lên trường nhưng không thấy bóng dáng ai cả, trường đã đóng cửa chỉ còn bác Minh loay hoay với mớ sổ sách. Mình chào bác hỏi thăm mọi người, bác ấy bảo: “Còn ai nữa con ơi! Chạy hết rồi! Sao con trở về chi, trở vô lại đi kẻo bị kẹt á!”. Mình ngắm nhìn hàng Phượng khi xưa bọn mình từng bị phạt phải tưới nước cả tuần ấy, nhớ không? Tự nhiên mình thấy Phượng lớn ghê! Mình nói thầm như chia tay với nó, ít bữa mình về. Phượng đung đưa trước gió không biết được nỗi lòng của mình, lúc đó mình buồn lắm. Nhìn sân trường lần cuối rồi lửng thửng ra về. Sáng hôm sau mình vô lại Nha Trang sau khi nghe Ba mình ca một bài nẫu cả ruột.
Không khí đang sôi động bỗng chùng xuống, phảng phất ngày ấy với cái buồn man mác. Không ai nói với ai lời nào, tất cả như trở về ngôi trường thân yêu ấy với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, hạnh phúc. Những buổi sinh hoạt văn nghệ, bích báo. Những lần cắm trại với bao câu hò, tiếng hát. Những trận đòn vì nghịch ngợm chơi trong giờ học, sao nghe thương quá! Nỗi nhớ dâng tràn! Nhớ đủ thứ... cái bảng đen, nhớ thầy, nhớ cả cái roi. Nhớ những táng bàng che mát cho cả bọn những giờ ra chơi đàn đúm ngồi ăn kẹo, ăn ổi chua. Nhớ làm sao!
Nghe Vân nhắc đến hàng Phượng ở sân trường ngày ấy, Nghĩa chợt nhớ cành hoa Phượng ngày nào đã xin của Vân. Nghĩa nhìn Vân:
-Vân còn nhớ cành phượng ngày ấy không?
Vân cười:
-Mình nhớ chứ sao quên.
Nghĩa tâm sự:
-Dù đang học làm thơ, mình cũng đã mày mò viết được bài thơ về hoa Phượng.
Tiếng Tùng la lên:
- Đọc đi Nghĩa ơi!
Nghĩa đọc, giọng xúc động:
“Hoa Phượng chiều nay thương nhớ ai?
Thoảng nghe trong gió tiếng thở dài.
Rưng rưng cánh mỏng vờn trong nắng,
Phượng hỡi! Chiều nay thương nhớ ai?
Áo trắng chiều nao gió tung bay,
Tóc huyền buông xỏa xuống đôi vai.
Tung tăng em bước chân chim sáo
Dáng nhỏ hồn nhiên những gót hài.
Thuở ấy lòng tôi hay ngẩn ngơ
Xinh xinh cánh Phượng hái bao giờ
Ép vào trang vở thầm thương nhớ...
Đêm về thao thức tập làm thơ!
Mới đó mà đã bốn mươi năm,
Cánh Phượng trong tôi vẫn gọi thầm.
Hỡi màu áo trắng xa xưa ấy
Và những bâng khuâng sắc Phượng hồng...”
Ngoài kia nắng đã bắt đầu úa vàng rớt trên hàng dâm bụt trước sân. Chiều về! Nắng chiều sắp tắt, các bạn chia tay ra về với bao niềm vui; ai cũng cười nói rôm rả. Một ngày được sum họp sau hơn 40 năm xa cách, lận đận, đã đem tất cả như gần lại nhau hơn, thương quý nhau hơn. Ra trước sân nhà, Thanh đã ghi lại vài tấm hình để cùng lưu niệm. Kẻ uốn qua, người ẽo lại, cười thật vui, như thời mười sáu. Thanh bắt tay từng bạn với niềm vui chưa bao giờ có, đứng tần ngần giữa sân nhìn theo mọi người lần lượt lên xe ra về.
(*) Bài hát “Hai mươi bốn giờ phép” của Trúc Phương
Tháng 11.2016
  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt