TIỂU NGUYỆT


LAO XAO NỖI NHỚ
 
        Mùa thu đang về phải không Hân, sao mình thấy trời như trong xanh hơn, những dãi mây trắng như loãng ra trôi nhẹ bềnh bồng; mầu nắng nhuộn chút vàng hanh trải rộng trên dòng sông trước nhà thêm xa vắng, mênh mông? Nụ tầm xuân thuở nào sao vẫn xanh biếc trong góc khuất trái tim mình, có phải là nỗi nhớ niềm thương của một thời mộng mơ, mông muội hay là mình đang hoang tưởng mông lung? Ừ nhỉ! Cái bệnh hoang tưởng, mộng mơ của mình không bao giờ trừ hết được, Hân ạ! Dù bạn đã ra đi không còn trên thế gian này nữa, nhưng mình luôn thấy bạn thật gần gũi như thuở nào hai đứa còn bên nhau.
        Có những nỗi đau dù bao lâu, có khi cả một đời người cũng không thể lành lặn được. Có những nỗi nhớ dù cố quên đi vẫn không thể xóa nhòa. Nước dưới sông vẫn lặng lẽ chảy. Mây trên trời vẫn nhởn nhơ bay. Dòng đời cứ trôi nhịp nhàng, không chờ không đợi. Chúng ta được sinh ra, lớn lên rồi trở về với cát bụi, Hân ạ! Cậu đi trước rồi cũng tới lượt mình thôi.
        Có thể Hân hỏi mình: - Vậy rồi chúng ta sẽ được gì, mất gì? Mình xin trả lời rằng, được là được nhìn, được thấy, được nghe biết, được học hỏi, nói chung là được làm người; mà được làm người là phải sống làm sao ngửa mặt không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với đất. Phải là người thiện lương, chân thật, dù người ta có phản bội mình, thù oán mình, thì mình cũng đừng thù ghét lại, nên học cách tha thứ. Hân cười mình ư? Thì cứ cười đi. Mình đang học cách tha thứ, dù lòng mình đau đớn lắm, nhưng mình tin, mình sẽ làm được. Hân lại hỏi mình: - Người ta khoe hạnh phúc của họ hằng ngày, nào vợ đẹp, con ngoan (dù không phải con của họ), liệu cậu có ray rứt không? - người ta có hạnh phúc thì họ khoe, vợ con người ta xinh đẹp, ngoan hiền thì họ “tung hô” thôi; nhưng Hân nghĩ coi, cuối cùng thì được gì? Bởi đó chỉ là cái giả, là ảo tưởng thôi, nếu là người hiểu biết, thông đạt lý lẽ, thì sẽ không làm vậy. Hân nên hiểu rằng, thiếu cái gì thì khoe cái ấy, nếu có rồi thì không cần khoe khoan. Vậy thì hà cớ chi mà không tha thứ cho người ta, phải không Hân của mình?
        Còn bạn hỏi mình mất gì ư? Mình nghĩ, mình mất cơ hội được thỏa những ước mơ, nhưng rồi mình nghĩ lại, mình không mất gì cả. Những khổ đau mà mình gặp phải là hành trang cho mình sống và trải nghiệm, được chưa nè!
        Anh ơi! Em với Hân thường nói chuyện với nhau như vậy, hai đứa chơi thân nhau từ nhỏ, nên dù Hân có ra đi, bạn ấy vẫn còn đấy, trong ký ức, trong hoài niệm, trong lòng em, anh ạ!. Em kể cho anh nghe, cũng là nói với anh những suy nghĩ, ước mơ trong em. Em ngồi đây, nhìn ra dòng sông trước nhà, trông như thoáng thấy anh. Anh là mây, là khói, là khoảng không im lặng, là ánh sao trời hay hạt bụi trong cõi vô thường này mà lao xao nỗi nhớ trong em? Anh đến, đi, lẩn khuất vào mênh mông vô tận; nhưng dù anh có là gì, vẫn luôn hiện hữu trong em. Anh về rộn rã niềm vui. Anh đi trời đất bùi ngùi tiễn đưa. Cỏ cây muộn giấc ngủ vừa. Bâng khuâng giọt nắng vàng thưa bên đường…
        Một chiếc lá trên cây bàng trước sân nhà chợt rơi xuống sau cơn gió thổi nhẹ. Chiếc lá nhẹ nhàng lượn theo chiều gió rồi chạm xuống đất. Tự nhiên em cảm thấy buồn. Một nỗi buồn không tên, vô cớ len nhẹ rồi mỗi lúc một dâng đầy. Anh có thấy không, rõ ràng mùa thu đang về đây mà. Lòng em lại man mác theo cơn gió chiều lay lắt. Em chợt nhớ mùa thu của các thi sĩ, nhạc sĩ dễ thương đến nao lòng - Em nghe chăng mùa thu. Lá thu rơi xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô (Lưu Trọng Lư). Phải vậy không anh? Anh có thấy, có hình dung được một buổi chiều thu nào đó, ta cầm tay nhau ngơ ngác như con nai vàng kia, cùng dẫm lên những chiếc lá thu khô âm vang xào xạc như Lưu Trọng Lư đã nói không? Ôi! Thơ mộng và lãng mạn quá anh nhỉ!
        “Mong sao nỗi buồn tan mất.
        Cho an vui bước vào ngày.
        Hồn nhiên như mầu cây lá.
        Yêu thương về đậu trên tay.
 
        Dường như trong từng tia nắng.
        Có dáng hình của khói sương?.
        Lung linh tơ trời một dãi,
        Chạm vào tận đáy vô thường.
 
        Ta về nhặt mảnh trăng xưa,
        Rớt trên đầu ghềnh cuối bãi.
        Lênh đênh một thời hoang dại,
        Xanh xao một mảnh trăng gầy!”.
        Mảnh trăng xưa vẫn uyên nguyên, dịu dàng, sáng soi khắp cõi nhân gian và ánh trăng ấy huyễn hoặc, chơi vơi trong cõi lòng em; có thể nào đã xanh xao, gầy guộc? Không. Em không cam tâm. Ánh trăng xưa vẫn tròn đầy, viên mãn, khoan hòa, yêu thương, dù đã đi qua bão tố, dâu bể cuộc đời. Nó trong sáng đễn độ ta có thể nhìn thấy rõ từng tế bào bên trong nó, có thể nhìn thấy từng nhịp đập trái tim nó phập phồng, anh ạ! Xưa em yêu trăng. Nay vẫn yêu trăng như vậy, không đổi dời. Dường như em là trăng và trăng cũng là em!
        Tôi mơ hồ nhớ anh, chuyện trò cùng anh, dù tôi biết, anh là không thật, có thể là bóng mây cuối trời xa vợi. Tôi mơ hồ thấy anh cùng tôi đứng trên tầng hai, ngắm nhìn dòng người ngược xuôi, xuôi ngược trên chiếc cầu Bình Tân bắc ngang dòng sông Tắc. Tôi mơ hồ thấy anh nở nụ cười hiền lành, chỉ tay vào dòng người xuôi ngược ấy, thì thầm bên tôi: “Em thấy không, dưới sông nước chảy, trên cầu người chảy. Mỗi người là một phần tử, tạo thành một dòng “sông người”, tất bật, hối hả vì cuộc mưu sinh”. Đúng vậy! Vì cuộc mưu sinh anh ạ! Hôm nay, một mình tôi đứng nhìn dòng người cuộn chảy, đều đặn, nhịp nhàng. Tôi nhìn mãi, nhìn mãi cho đến khuya, chỉ còn dăm chiếc xe rải rác, chiếc cầu vắng vẻ, buồn hiu. Vậy là dòng sông người cũng có lúc tạm ngừng chảy ư?!
        Trên sông vài chiếc thuyền đánh cá, bủa lưới ghẹ đập bì bõm giữa đêm thanh vắng. Ánh đèn điện trên cầu và đèn điện dọc bờ kè sáng rỡ vẫn không thể che được ánh sáng dịu dàng của nàng trăng. Dãi lụa vàng trên sông, sóng sánh, lung linh, huyền ảo; làm tôi có cảm giác như mình đang ở trong một giấc mơ, giữa một đêm trăng nào xa lơ, lạ hoắc. À không! Tôi nhớ ra rồi, giống đêm trăng thuở nào chúng tôi kéo rớ, chèo thuyền. Những đêm trăng như vậy làm tôi không thể ngủ được, đi ra, đi vào, ngắm nhìn rồi mộng mơ. Tôi mơ một lúc nào đó sẽ vớt được mảnh trăng rơi huyễn hoặc dưới sông, nhưng sẽ chỉ là mơ, bởi ánh trăng sẽ vỡ vụn, tròng trành, không thể nào vớt được.
        Một tiếng gà gáy khan bên kia sông vọng lại làm đêm càng hoang liêu hơn. Nỗi nhớ trong tôi lại lao xao, mộng mị. Có thể nào đêm chưa tan mà ngày lại tới, ngày chưa tàn mà đêm đã vội buông? Có thể nào mây đã trôi xa sẽ có ngày trở lại, nước đã trôi xuôi rồi còn trở lại bến sông? Người đã đi rồi như dòng nước kia không bao giờ trở lại, thì thôi xin tiễn chân người về với thảo nguyên xanh mượt, mênh mông. Xin chúc cho chân cứng đá mềm, mọi ước mong được toàn vẹn, tốt đẹp.
       Cây bàng trước sân lớn lên thấy rõ. Những chiếc lá như căng ra, to hơn, thẫm mầu hơn. Mới tám năm (từ ngày phá đi gốc Phượng, vì nhà bên cạnh sợ rễ đâm vào nhà) mà như lâu lắm vậy. Là chiếc dù che nắng những chiều êm tôi ngồi hóng mát, thư giãn. Là bóng ngã cho những ngư dân ngồi nghỉ chờ giờ kéo lưới. Chiếc lá hai mặt, hai màu khác nhau, mà một lòng che mưa, che nắng không đổi dời, ôi thương quý làm sao! Mùa thu đang về đậu trên chiếc lá “xanh nâu”, đậu trên hàng liễu rũ bên bờ kè, đậu trên dòng sông, ươm nắng vàng dịu ngọt. Tôi nghe ngọn gió heo may se se, ngai ngái một mùa thu quyến rũ, mộng mơ. Thu mênh mông. Thu xa vắng. Và ca khúc “Thu Sầu” của nhạc sĩ Lam Phương (một ca khúc mà tôi yêu thích) vang lên trong ký ức tôi “Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ. Trời chiều man mác buồn nát con tim. Lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên. Kỷ niệm êm đềm còn in trên giấy…”.
        Kỷ niệm êm đềm in đậm trong trái tim tôi!
 
        Bên dòng sông Tắc
       


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt