LÊ VĂN THIỆN Và
Những “CHUYỆN ĐỜI” Quanh Ta
Tiểu Luận
“CHUYỆN ĐỜI” là tập truyện ngắn thứ 3 trong 9 tập truyện đã được xuất bản của nhà văn Lê Văn Thiện, tính từ tập truyện ngắn đầu tay “Một Cách Buồn Phiền” do cơ sở tạp chí Văn Sài Gòn ấn hành (1969) đến tập truyện “Đẹp Và Ảo”, nhà Xuất bản Hội Nhà Văn (2016).
“Chuyện Đời” gồm 11 truyện ngắn; sách dày 169 trang, do Hội VHNT Khánh Hòa ấn hành năm 2004. Nhà văn Lê Văn Thiện sinh năm 1947, tại thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh. tình Khánh Hòa. Ông tham gia sinh hoạt văn học rất sớm, truyện ngắn đầu tiên của ông được đăng trên tạp chí Văn năm 1965 lúc mười tám tuổi! Ông còn có các bút danh khác là Văn Tánh, Văn Lệ Thiên. Ông mất sau cơn đau tim vào ngày 30.7.2018, tại quê nhà, hưởng thọ 71 tuổi.
Với văn phong trong sáng, giản dị, chân tình - nhà văn Lê Văn Thiện đã luôn gợi cho người đọc cảm giác gần gũi, nhẹ nhàng, trong niềm cảm thông, chia sẻ với những “chuyện đời” tưởng bình thường, nhưng không tầm thường, đang diễn ra quanh mình trong đời sống nhiều hệ lụy, gian khó, với ước mong cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, đáng sống hơn.
Đọc truyện “Đêm Lang Thang”, tôi có cảm giác những cảnh đời ở đấy - một ngoại ô vùng biển, giống hệt vùng ven biển ở quê mình. Nhiều hộ khổ nghèo, nhờ vào nuôi tôm, buôn bán đất đìa, trở nên giàu có; nhưng cũng có nhiều người trở nên trắng tay vì đìa, vì tôm, phải bán ruộng đất, xe cộ, trâu bò. Người trúng đậm, mua xe cộ, xây nhà cao, cửa rộng; người thất bại, điêu đứng vì nợ nần, phập phồng, lo sợ, có người gia đình phải ly tán, có người tự vẫn. Những cảnh đời thường lận đận, bon chen, lao đao ở ven biển quê ông trong giao thời cũng là cảnh tượng chung cho những cảnh đời quanh ta thưở ấy. Tâm sự, cảm nhận, cùng nỗi băn khoăn, trăn trở của họ, cũng chính của nhiều người quanh ta.
Như Sáu Tải trong “Đêm Lang Thang”, đã “lang thang” suốt trong đêm, suy gẫm cuộc đời mình. Từ chỗ khá giả, trong chớp mắt Sáu Tải trắng tay, bị vợ xem thường, khinh rẻ, rồi đâm ra nản chí, thất vọng. Câu nói của người xưa: “Ông Thời đi khỏi, thằng Giỏi cũng thua”, nên dù ông đã nỗ lực, cố gắng vươn lên, nhưng đều thất bại, bởi chẳng phải sự kiên tâm nào cũng sẽ đạt được như ý của mình. Từ việc nuôi tôm, người ta thì có vụ trúng, vụ thua; còn ông, vụ nào cũng mất trắng, không bể đìa cũng bị đốm trắng. Hết vốn, ông không chịu thua cuộc, ông bán tám sào đất thổ cư tốt nhất, dốc hết tiền cùng người bạn nối khố là Tuấn Tú đi buôn trầm: “Qua hai năm, được tám chuyến êm ả, trót lọt, lời không to, nhưng nếu so với làm nông thì vẫn lợi hơn nhiều lần. Đến chuyến thứ chín “sự cố” xuất hiện. Tuấn Tú vớ phải hàng giả, bay đứt phân nửa vốn. Choáng váng. Rồi tiếp đến, họa mới theo sau họa cũ, băng anh vấp phải cú lừa đảo lớn. Gã đại lý quen biết ở Sài Gòn trở mặt, hất hai mươi bạn hàng ruột, ôm hàng chục tỉ đồng vù qua Thái Lan” (Đêm Lang Thang - trang 148).
Sáu Tải lang thang trong nỗi buồn mỗi lúc một lớn lên. Thấm thía, đau đớn, không chỉ bởi thất bại của mình, mà còn vì xung quanh mình thiên hạ thành công, thắng lợi. Ông mặc cảm thua thiệt, tuyệt vọng, đi về hướng đường xe lửa, rồi ngồi xuống trên đường ray. Tiếng còi tàu từ xa, rồi lại gần, đường ray rung rền, ánh đèn đầu máy nhô ra. Trong lòng ông, nỗi đau đớn thất vọng như tê cứng, ông suy nghĩ rồi tự hỏi mình: “Tự tử, một giải pháp, một cách chọn lựa. Tự chọn cho mình cái chết, là một thái độ sống. Như thế tốt hay không? Ngu dại hay khôn ngoan?”. (Đêm Lang Thang - trang 150).
Nhưng rồi, ông thức tỉnh, tự nhủ: không được, như thế là bạc nhược, yếu hèn. “Tình cảnh của anh chưa phải là bệnh nan y hết thuốc chữa. Phải có trách nhiệm với con, ta chưa làm được gì cho chúng. Còn trẻ, ta không đầu hàng số phận một cách dễ dàng. Con người chỉ sống có một lần. Sông có khúc, người có lúc. Nên kiên trì năng động chịu khó hơn nữa. Vừa qua ta làm ăn trầy trật, gặp toàn xui rủi với thua lỗ. Đau buồn, buồn đến thối ruột, gầy mòn, nhưng ta chưa buông xuôi, chưa hề nghĩ đến chuyện phải chết”. (Đêm Lang Thang - trang 151). Đoàn tàu rầm rập lao đến, tiếng động ù tai, đèn sáng rực. Sáu Tải vội đứng lên, nhảy vọt ra xa, chạy thêm mười bước mới yên tâm quay lại; nhìn vào chiếc đường ray đen sì, vẫn còn rung rin rít, bởi đoàn tàu vừa qua, suýt nữa nghiến chết mình, với nỗi hoảng sợ khủng khiếp.
Tôi nghĩ, còn có nhiều Sáu Tải như thế trong đời sống quanh ta. Nhà văn đã thổi luồn “ý chí” mạnh mẽ vào nhân vật với giọng văn giản dị, chơn phác, đi thẳng vào lòng người đọc, mà không chút triết lý hoa mỹ, như một bài học, một kinh nghiệm đáng giá cho những ai có cùng cảnh ngộ sa cơ thất thế trong đời.
Có bao nhiêu cảnh đời đã diễn ra trong “Chuyện Đời” của Lê Văn Thiện? Đó cũng là những câu chuyện bình thường bắt gặp hằng ngày bên đời sống. Có người mới hôm qua còn cười cười, nói nói, hôm nay đã nghe bị đột quỵ, bị tai nạn. Có người nợ nần phải bỏ xứ ra đi cũng vì “huê, hụi”. Có người buôn bán có tiền ra, tiền vào, khắm khá, nghĩ rằng mình giỏi, mình nhạy bén dễ gì mắc lừa ai; lại bị mắc lừa cả tiền lẫn tình, đến nỗi tuyệt vọng phải tìm đến cái chết, như Mận trong “Một Đời Bay Nhảy”: “Mất tiền, tiếc lắm, nhưng còn đau ở chỗ bỗng nhiên ngu muội, để bị mắc lừa! Giỏi mấy, mình cũng là đàn bà! Chị khóc. “Tất cả những xui xẻo này đều do tao sơ suất, chỉ mất cảnh giác một lần đã chẳng còn kịp sửa chữa. Thì ra trên đời này vẫn có kẻ cao tay hơn ta!”. Chị nói như đay nghiến mình. “Hơn bốn năm, bao nhiêu tiền của, sức lực, phút chốc bốc thành hơi. Đau đớn nhất là thua đứa không đáng thua!”. (Một Đời Bay Nhảy – trang 58). Vô thường!.
Những chuyện “bất ngờ” như thế xảy ra hằng ngày, không ai có thể lường trước được. Đấy là thực tế của đời phức tạp, nhiêu khê, cũng là một bài học; để chúng ta có thái độ tỉnh giác, bình tĩnh tìm cách xử lý, đắn đo suy nghĩ một cách chính xác, đúng đắn hơn trước mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, để tránh bớt đi mọi phiền não, thất bại.
Có một “Tình Quê” nằm “xa khuất” trong lòng những người dân quê xa xứ, để họ luôn nhớ nghĩ, khắc khoải muốn trở về. Đó cũng là “Tình Quê xa khuất” trong lòng của Duy Ninh - một người nghiện ma túy khiến cơ thể suy nhược, người xanh xao gầy ốm, cha anh phải đưa anh về một làng quê xa, để có cơ hội hồi phục sức khỏe, được hít thở không khí trong lành, xa cách hẳn phố xá với đám bạn bè xám xịt. Bởi vì “làng quê còn có một mặt khác, trong sáng, đậm đà đáng yêu. Dân làng hiền hòa, chất phác. Họ ít nói, và nói chuyện có vẻ ngập ngừng, thiếu mạch lạc. Không thấy họ to tiếng cãi nhau. Không có những vụ gian lận, trộm cắp. Không thấy cảnh thanh niên đàn đúm nhậu nhẹt rồi quậy phá, đánh đấm nhau ngoài đường. Trong việc làm ăn họ thường dùng hình thức vần công, đổi công, giúp nhau qua lại, ít thuê mướn. Khi nhà có đám tiệc, hiếu hỉ, những người cùng xóm tự động đến góp mặt, góp tay, chẳng cần mời mọc”. (Tình Quê Xa Khuất - trang 83).
Và Duy Ninh đã dần yêu mến làng quê nơi anh đã nương náu, như yêu Son - người con gái đánh xe ngựa, con ông Mới ở làng này. Cuộc sống của người dân quê vốn nghĩa tình, giản dị, chơn phác, nên đã cảm hóa được tâm hồn anh - một con người nghiện ngập, thất chí, mang đến cho anh nguồn sinh khí mới, chính anh tự tìm thấy. Hết gạo, hết mắm, chạy qua hàng xóm mượn nhờ; có củ khoai, chén chè đều san sẻ cho nhau; đau bệnh, giỗ kỵ cũng đến phụ giúp, đỡ đần; không như người ở vài thành phố lớn, nhà ai, nấy biết, ở cả năm nhiều khi không biết mặt hàng xóm mình là ai, như thế nào.
Và Duy Ninh yêu biết bao những người dân quê ấy, cuộc sống yêu thương chan hòa ấy, đã làm thay đổi con người anh; để anh sống một cuộc sống lành mạnh, có ý nghĩa, và anh đã có một tình quê sâu đậm, nằm sâu khuất trong lòng, như chính quê mình.
Lại đến với truyện “Cơn Gió Mát”, người đọc thấy rõ, mọi việc đổi thay thật bất ngờ - Thức, một người hiền lành, xưa nay không biết đánh đấm là gì (dù chỉ là đánh giặc giả cùng trẻ con). Thế mà, trong một bữa nhậu với mấy người bạn cùng xóm, anh hăng hái nhảy vào cuộc tranh cãi lẩn thẩn, về một đề tài vô bổ, không đâu vào đâu. Và trong một phút thiếu kiềm chế, Thức đã đập chai vào đầu đối phương, khiến anh ta ngã lăn bất tỉnh, đưa vào cấp cứu ở bệnh viện. Anh ta bị chấn thương sọ não, mất trí, và Thức bị truy tố, phải nhận bảy năm tù.
Thật bất ngờ - “Nếu hỏi Thức: “xưa nay có điều gì bạn chưa hề nghĩ đến?. Anh sẽ đáp, ấy là “có một ngày mình phải vào tù”. (Cơn Gió Mát - trang 39). Bất ngờ hơn nữa là Xuân Hà - người yêu của Thức. “Anh từng đọc nhiều sách, tiếp xúc nhiều hạng người trong xã hội, thừa hiểu thế nào là tình đời, lòng người. Chỉ có một điều khiến Thức không yên, là Xuân Hà. Nàng cũng im lặng, biệt tăm... “ai quên mình cũng được, được tuốt, nhưng Xuân Hà, không ngờ, vô lý biết chừng nào”. (Cơn Gió Mát - trang 40 - 41).
Nhưng có những người gặp gỡ tình cờ đi qua trong đời, tưởng đã đi vào quên lãng, không bao giờ nghĩ tới, nhớ tới; lại là người cho Thức ấm áp đến không ngờ như Hiền Chi. Những ngày ở trong tù, chỉ có Hiền Chi là người duy nhất đến thăm Thức; và anh ví, đó như “cơn gió mát” thổi vào cuộc đời chật hẹp, gian khó của anh, cho anh thêm sức mạnh, ý chí để có thể vượt qua.
Qua truyện ngắn “Mờ Ảo Thời Thơ Dại”, người đọc nhận thấy, sự thông minh, thấu đáo, tinh tế của nhân vật Huy, từ khi anh còn là một học sinh lớp đệ ngũ. Anh có thể thấy một cái gì đó sâu xa hơn khi nhìn ra ngoài khơi, không chỉ là biển, núi mờ mờ, đèn thuyền đánh cá. Nhìn lên bầu trời cao, không những thấy trăng, mây, sao như người bạn nhỏ bên cạnh; anh đã hồn nhiên trả lời người bạn nhỏ sâu sắc hơn, thâm thúy hơn: “Các món đó quen cả! Mai này, trăm năm, ngàn năm nữa, khi tới nằm đây nhìn lên trời người sau cũng sẽ thấy những “ông bạn” đó”. (Mờ Ảo Thời Thơ Dại - trang 106). Và khi nhìn thấy một “nàng vịt lộn” dẫn “bạn trai” vào vườn dương, người bạn nhỏ nghĩ, nói rằng: -“Kỳ cục. Có chút gì đó lãng đãng, một chút bùi ngùi”. Còn anh: “Còn tao, lúc đầu tao thấy nó vừa buồn cười, vừa xót xa. Về sau tao lại nghĩ, đó là hình ảnh minh họa cho những điều người ta viết trong sách, một minh họa sậm màu. Nó cũng là sự hỗn mang của trần thế, sự phi lý của kiếp người”. (Mờ Ảo Thời Thơ Dại - trang 107). Huy nhìn đời với đôi mắt tinh tế, nhạy cảm; mà một cậu học trò, bằng trang tuổi, không hề nhận ra - đó là sự hỗn loạn của cõi trần, sự phi lý của kiếp người đầy hệ lụy!. Lê Văn Thiện đã rất thành công khi xây dựng nhân vật Huy có một “tính cách” khác thường, đặc biệt - cậu ta “thấy” những gì mà người thường không thấy được, không nghĩ ra, dù ở tuổi trưởng thành, để cuối cùng Huy đã xuất gia, vào chùa tu học - đây là một “hệ quả” rất tự nhiên, rất tế nhị, mà tác giả muốn chia sẻ? Huy đã tự nguyện với ý thức vững chãi của mình, không hề bị lôi cuốn bởi điều gì khác; trong lúc ai cũng đinh ninh rằng, Huy tốt nghiệp sư phạm, đi dạy, nào ngờ, anh lại khoác áo thầy tu trong một ngôi chùa ở Vũng Tàu. Và ở đây, chúng ta còn nhận ra một điều: Có lẽ, anh đã có nhân duyên sâu dày với Phật từ nhiều kiếp trước, được dẫn dắt, mở cho anh có cái nhìn thật sắc bén với đời sống, thấy được sự khổ đau của kiếp nhân sinh, sự vô thường, dâu bể trong cuộc đời này. Và anh đã có sự chọn lựa thích hợp cho mình!. Anh đã xuất gia, thành một thầy tu, cầu giải thoát, vượt khỏi bể khổ trầm luân, trở về với Như lai, tự tánh muôn thưở của chính mình. “Suốt buổi tôi dõi theo anh ở giữa tốp tu sĩ đông đúc, đi đững chậm rãi, nét mặt trang nghiêm, kín bưng. Tôi tự hỏi, anh thông minh, có mắt quan sát tinh bén, hiểu đời thấu đáo, vậy anh nhìn thấy gì ở cuộc sống mà anh đi tu? Có phải anh nghĩ rằng tu có thể làm con người thoát khỏi lớp vỏ hèn mọn nhỏ nhoi, là một trong các điều to tát, như ngày xưa anh nói...”. (Mờ Ảo Thời Thơ Dại - trang 108).
Trong truyện “Bất Ngờ” - Xuân Phương, một cô bé mới lớn, ở quê lên phố giúp việc cho một quán cơm của người bà con, kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi các em, khi ba Phương là trụ cột gia đình vừa mất một năm trước. Công việc chính là rửa chén bát và mang cơm đến nhà cho khách ăn cơm tháng. Phương có cái nhìn, lối nghĩ trong sáng, chơn chất của đứa trẻ, của người nông dân thực thà. “Thoạt nhìn dễ tưởng cô bé khờ dại, quê mùa, nhưng khi nghe em tâm sự sẽ thấy em nhìn đời rất chăm chú, suy nghĩ đánh giá về mình và những người xung quanh khá kỹ, tinh tế” (Bất Ngờ - trang 157). Trong cái đầu nhỏ bé ấy, đầy ắp những dự tính nóng bỏng, ý tưởng sắc bén như người lớn. Ước mơ sẽ xây lại căn nhà cho mẹ, sẽ không lấy chồng để làm nuôi các em ăn học nên người. “Cháu muốn trở thành chiếc xe xúc, để ũi, hất đổ mọi vật chướng ngại trên đường đời! Cháu dự định, ước mơ nhiều thứ, nhưng cái điều quan trọng: làm thế nào để có nhiều tiền, thì cháu chưa nghĩ ra!”. (Bất Ngờ - trang 158).
Và ước mơ của cô bé đã khiến một khách ăn cơm tháng động lòng, muốn giúp đỡ gia đình cô gái nghèo nhiều nghị lực, giàu ước mơ nhưng còn lúng túng trong việc tìm đường thoát ra khỏi ngõ hẹp. Ông giới thiệu Xuân Phương đến làm việc với người em ruột của ông, chủ một vựa rau quả lớn tại phường 2. Làm ở đó tuy vất vả, vì phải có mặt suốt ngày đêm, nhưng bù lại được bảo đảm lâu dài, lương cao, và quan trọng hơn hết là sau vài năm ông sẽ xoay xở để Phương có một sạp hàng riêng cho mình. Ông không vợ, không con, thương những người hoạn nạn, bần hàn, nhưng dĩ nhiên không thể giúp cho tất cả. Ông nói: “Với năng lực của mình, tôi muốn làm một cái gì đó, một công việc từ thiện nho nhỏ, để lấy phước. Xưa nay chỉ khấn vái, cầu cúng suông, thấy như có vẻ thiêu thiếu”. (Bất Ngờ - trang 169).
Ông đã bị người chủ tiệm cơm nơi Phương làm việc, chửi như tát nước; kết tội rằng ông đã quyến rũ con nít, dụ gái vị thành niên, đòi tố cáo với công an.
Với giọng văn trong sáng, giản dị, tác giả đã đưa người đọc đến với sự “bất ngờ” đầy nhân bản, để người đọc thấy được rằng: một người sống bằng tâm thiện, chơn chất, ước mơ trong sáng, luôn được chở che, giúp đỡ từ mọi người chung quanh mình.
“CHUYỆN ĐỜI” của Lê Văn Thiện, là những “bức tranh” mộc mạc, chân phác, được chọn lọc tinh tế - là những câu chuyện bình thường mà không tầm tbường, không chút cường điệu, huênh hoang, như con người của chính ông, nhưng gây được nhiều cảm xúc sâu đậm cho người đọc!
11/2018