TIỂU NGUYỆT
MẢNH TRĂNG XƯA VẪN SÁNG
Truyện ngắn
Học hết lớp nhất ở trường làng, Thu Nguyệt được trúng tuyển trong kỳ thi chuyển lên lớp đệ thất trường huyện; nàng phải ở trọ nhà một người bà con dưới phố huyện, chiều thứ bảy mới về nhà. Nàng làm quen với Như Nguyệt - người bạn trùng tên chung lớp, ngồi kế bên. Nhà Như Nguyệt cách trường khoảng chừng mười lăm, hai mươi phút đi bộ; mỗi ngày Như Nguyệt đều ghé lại rủ nàng cùng đến lớp. Đôi bạn trở nên thân thiết, thường học chung với nhau ngoài giờ; Như Nguyệt thường giúp nàng giải những bài toán khó, bù lại nàng hướng dẫn bạn những bài luận văn, giảng văn thầy cho về nhà soạn.
Thỉnh thoảng nàng rủ Như Nguyệt về nhà mình chơi trong những chiều thứ bảy, hay ngày lễ được nghỉ học. Đôi bạn cùng nhau leo lên ngọn đồi phía sau nhà, hái những chùm Dú dẻ chín vàng ươm thơm lựng, những trái Chiêm chiêm đỏ tươi vừa ngọt, vừa chát. Sau những buổi rong chơi như thế, nàng thường ghi lại những cảm xúc thơ trẻ, hồn nhiên vào một quyển vở, để giữ lại kỷ niệm một thời áo trắng; được người bạn nhỏ khen “lớn lên cậu có thể trở thành nhà văn” với lòng ngưỡng mộ, cảm mến chân tình.
Hai đứa vẫn học chung lớp, vẫn được ngồi kế bên những năm liên tiếp; tình bạn càng gần gũi, thắm thiết, gắn bó nhau hơn. Thu Nguyệt ngày càng học giỏi môn văn, những bài luận văn của nàng luôn được thầy đọc mẫu trước lớp, với lời ngợi khen, khiến cả lớp ganh tỵ. Ngược lại, bài toán nào khó mấy Như Nguyệt cũng giải được; bạn bè trong lớp luôn gọi đôi bạn là “Song Nguyệt”, như một lời khen tặng đặc biệt.
Lân học lớn hơn “Song Nguyệt” một lớp, nhà ở cuối xóm, qua khỏi khúc cua đường ray xe lửa một đoạn. Thường ngày, anh hay đi tắt ngang qua khu xưởng cưa cho gần, thỉnh thoảng đi học về, anh đi theo đường lớn cùng bạn, để có dịp chuyện trò với hai người bạn nhỏ “Song Nguyệt” mà anh quí mến. Lân thường được khen thưởng trước toàn trường mỗi tháng, nên được học sinh cả trường biết đến. Cha Lân mất sớm, mẹ anh dù vất vả vẫn mong muốn hai anh em Lân học hành đến nơi, đến chốn; nên anh cố gắng học để không phụ lòng mẹ. Ngoài giờ đến trường, anh phụ giúp mẹ mang máy bơm nước vào ruộng, vãi bón phân, nhổ cỏ, để mẹ có thời gian buôn bán ngoài chợ thêm thu nhập cho gia đình.
Biết “Song Nguyệt” là đôi bạn thân, lại học giỏi, anh tỏ ra rất quí mến - nhất là cả hai vừa xinh đẹp vừa nhu mì. Như Nguyệt là người cùng làng với Lân, biết rõ gia cảnh của anh nên nàng rất quí Lân. Lớn lên, Như Nguyệt càng cảm thấy tình cảm ấy dường như sâu đậm hơn, có khi thoáng chút xao xuyến, bâng khuâng khi nghĩ đến anh.
Như Nguyệt thường nhắc tên anh, nói về anh, chia sẻ tình cảm của mình với Thu Nguyệt không chút ngại ngần, e dè. Thu Nguyệt ủng hộ bạn hết lòng, mong bạn có được niềm vui, niềm an ủi trong cuộc sống đang còn nhiều khó khăn. Phần Lân, dường như anh chỉ chú tâm vào việc học, chuẩn bị ngày đêm cho kỳ thi tú tài “định mệnh” của tuổi trẻ sắp tới, cho dù anh rất mến hai cô bạn “Song Nguyệt” hồn nhiên, dễ thương này. Anh nghĩ “Mình phải bước chân vào đại học thay vì tập tễnh vào Thủ Đức!”. Kết quả không phụ người có chí, quyết tâm như Lân: anh đã đậu hạng Bình kỳ thi tú tài toàn phần, và trúng tuyển thủ khoa vào trường Đại học Sư phạm, chuyên ngành toán.
Tháng 10 năm 1971, vừa khai giảng năm học mới chưa được bao lâu - một ngày chủ nhật về thăm nhà, sáng thứ hai Thu Nguyệt không còn đến lớp nữa. Cả lớp, ai cũng lo lắng, thắc mắc vì có bao giờ Thu Nguyệt bỏ buổi học nào, dù trời mưa gió? Như Nguyệt nóng lòng vì trông ngóng tin bạn. Sau giờ học, nàng đạp xe về quê Thu Nguyệt để tìm hiểu, nếu có khó khăn gì cần chia sẻ, thì nàng sẽ luôn sẵn lòng. Mẹ Thu Nguyệt - bà Năm Thiệt, đón nàng ở ngõ, gương mặt còn bơ phờ, hốt hoảng. Bà kể lại mọi việc đêm hôm chủ nhật cho nàng nghe, với giọng khàn đục, vì đã khóc nhiều trước đó. Thu Nguyệt cùng với nhỏ Hồng xóm trước, và Hùng con bà Năm gần nhà Thu Nguyệt, đã được đưa lên núi vào đêm ấy. Như Nguyệt bàng hoàng như vừa qua một cơn mơ, nghẹn ngào không biết phải nói gì với bà. Bà đã chịu cảnh góa bụa từ năm ba nươi hai tuổi, khi sinh Thu Nguyệt chưa tròn tuổi. Thu Nguyệt là niềm vui, niềm an ủi còn lại cho cuộc đời bà gian truân, cô độc. Nàng chỉ biết rằng, từ đây hai đứa khó mà được gặp lại nhau khi cuộc chiến ngày càng dữ dội, thù hận lan dần đến mỗi xóm làng, phố chợ. Thu Nguyệt nhắm nghiền đôi mắt một thoáng - chỉ biết cầu nguyện cho bạn luôn được mạnh giỏi, may mắn, giữa núi rừng trùng điệp xa xôi.
Như Nguyệt đến lớp, cứ luôn nghĩ có bạn đang ngồi bên cạnh; sự tưởng nhớ da diết, ngậm ngùi ấy đã theo nàng vào những giấc ngủ. Nàng nhớ những chiều hai đứa rong chơi trên đồi phía sau nhà bạn, vui làm sao với những chùm Dú dẻ chín thơm bạn nhường cho nàng, những trái ổi thơm lựng bọc trong áo hai đứa hái trộm nhà bà Hai xóm trước. Nàng như nghe mùi thơm còn ngây ngất trong mơ, tiếng cười dòn tan của hai đứa ngày nào như vang vọng mãi. Và nhất là những đêm trăng, ôi sao mà nhớ! Tiếng cười của Thu Nguyệt dòn dã, náo nức khi phát hiện vầng trăng đang đi theo hai đứa lên rẫy sắn năm nào. Con đường đêm trăng ấy dường như rộng hơn, đẹp hơn thường ngày, ánh trăng soi rõ lối đi một mầu vàng dịu mát, óng ả.
-Như Nguyệt ơi! Cậu có thấy trăng đi theo mình không vậy?
Như Nguyệt cười theo bạn:
-Thôi đi bạn của tui, trăng đứng yên một chỗ soi đường cho mình thì mới sáng như vậy chớ.
Hai đứa chạy dưới trăng, cười rộn rã dưới trăng, háo hức với trăng - trăng và người rượt đuổi nhau ngày ấy; trăng bám theo sát hai đứa, như sợ đôi bạn không thấy rõ đường, hay sợ đôi bạn chạy trốn mình mà đuổi sát chân? Nhớ lại sự ngây thơ, hồn nhiên ngày ấy, Như Nguỵệt cảm thấy đôi mắt nàng cay cay, không kềm nổi từng giọt nước mắt chực trào ra. Tiếng Thu Nguyệt văng vẳng vọng về từ xa xăm: “Trăng chạy theo kìa, mình chạy nhanh nó chạy nhanh, mình chậm nó cũng chậm ha ha ha…vui nhỉ!”.
* * *
Nghỉ tết, Lân về thăm nhà, hay tin Thu Nguyệt đi xa, anh chạnh lòng, thương tiếc bâng quơ. Không biết Thu Nguyệt mong manh như thế có đủ sức khỏe để vượt suối băng ngàn, có hợp với khí hậu nặng nề, u ám nơi rừng núi xa xôi kia không?
Thời gian vẫn lặng lẽ, dần trôi, đã gần đến ngày bế giảng, phải xa thầy cô, chia tay bạn bè, trường lớp -Như Nguyệt chuẩn bị một bài viết cho tờ báo trường khi kỳ thi đệ nhị cá nguyệt vừa kết thúc. Cô nghĩ về Thu Nguyệt, ước gì có bạn cùng tham gia tờ báo thì vui biết chừng nào. Sự mơ tưởng, ước ao của nàng như được thấu hiểu - một buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, Như Nguyệt ra trước sân ngồi hóng mát; thì một người phụ nữ khoảng ba mươi tuổi mang đến cho cô một bức thư với lời nhắn “Nếu em có gì muốn nhắn gởi, thì sáng chủ nhật này chị sẽ trở lại nhận”, Như Nguyệt cảm ơn rồi hẹn chị ta sáng chủ nhật sẽ gặp lại. Cầm bức thư trên tay, cô thắc thỏm, hồi hộp, giác quan thứ sáu như mách bảo cho cô biết là thư của Thu Nguyệt. Cô vội vã mở thư. Nét chữ quen thuộc của Thu Nguyệt trước mắt. Cô xúc động đọc thư, những con chữ nhòe dần qua màn nước mắt:
“Như Nguyệt thân thương!
Nơi mình ở, ngày như ngắn lại, đêm dài mênh mông, muỗi vo ve như khúc nhạc buồn, thiệt buồn. Mình nhớ bạn. Nhớ chiếc răng khễnh ngộ nghĩnh mỗi lần bạn cười như có duyên hơn, nhớ cái hộc bàn hai đứa hay đưa tay vào giành nhau miếng cốc, miếng xoài trong giờ học. Nhớ cánh phượng đỏ rực dưới nắng, im lìm chờ bọn học trò trở lại sau ba tháng hè. Ôi, mình nhớ đủ thứ!
Nơi mình ở leo lét ánh sao trời, mờ mờ cùng cái lạnh của núi rừng âm u, của ngàn cây thi nhau hít thở. Sương đêm dày đặc khắp núi rừng, mình cảm thấy cô độc, lạc loài giữa đêm hoang lạnh. Chúng ta đã lạc nhau, nhưng không bao giờ mất nhau, Nguyệt nhỉ! Bởi hai ta cùng là “mảnh trăng”, vẫn sáng trên bầu trời dù núi rừng, phố thị, hay quê nhà ruộng lúa, nương khoai.
Màu trăng ở đây, có vẻ gì khác lạ với trăng phố huyện; trăng ở đây rực rỡ, bàng bạc, huyền bí hơn. Trăng lạnh lùng sáng soi từng ngàn cây, từng khe đá; trăng dát vàng mênh mông những hạt sương đêm đọng trên từng phiến lá, ngọn cây. Nhìn trăng ở đây, mình nhớ trăng quê nhà da diết; nhớ đêm trăng năm nào hai đứa cùng trăng rượt đuổi nhau; ngày ấy, sao mà ngây ngô, dễ thương đến phát khóc. Nguyệt ơi! Mảnh trăng ngày ấy êm ái, trong sáng một màu tươi thắm, bao la, dịu dàng đến ngây ngất, phải không bạn? Mình nghĩ rằng, “mảnh trăng”năm nào đã rượt đuổi chúng ta, sẽ sáng mãi theo tình bạn bền chặt của chúng ta một mầu vàng tươi vui như ngày nào.
Cho mình gởi lời thăm anh Lân, mình mong anh ấy đạt được những gì anh mơ ước. Anh là người hiền lành, thương người; mình mong bạn và anh cùng bước chung đường về phía trước.”.
Nàng dừng lại, đưa tay lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Nàng nhớ ngày lên thăm nhà Thu Nguyệt để tìm biết vì sao bạn nghỉ học, Mẹ Thu Nguyệt đã run run đưa cho nàng đọc quyển nhật ký của con gái. Nàng nghẹn ngào, khi biết được Thu Nguyệt thầm yêu Lân thắm thiết, nhưng nén tình cảm riêng, để vun đắp cho nàng và Lân. Như Nguyệt cúi xuống đọc tiếp...
“Như Nguyệt thân thương!
Hình như hè đang về phải không bạn? Ở đây, không có ngày tháng, chỉ thấy mai nở khắp núi rừng, mình biết đã sang xuân; nghe tiếng ve kêu, phượng nở mình biết hè đang đến. Mình nhớ mỗi mùa xuân về, hai đứa cùng nhau đi chùa lễ Phật, cùng nhau thăm viếng thầy cô, bạn bè, thích ơi là thích. Nguyệt ơi! Mình nhớ trường ta thường tổ chức cắm trại, văn nghệ, bích báo kết thúc năm học, chia tay nhau nghỉ hè, năm nay có như thường lệ không Nguyệt? Ước gì mình có mặt để viết một bài, mình sẽ viết “Mùa chia tay nhung nhớ” thắm tươi như “Mảnh trăng xưa” vẫn sáng trên bầu trời bao la...
Cho mình gởi lời thăm thầy cô và các bạn, mình chúc các bạn có một kỳ nghỉ hè như ý, an vui. Chào bạn!
Thu Nguyệt”
Như Nguyệt gấp lá thư lại, ép vào một quyền sách; cảm thấy nao nao, xao xuyến trong lòng. Nàng như vừa trải qua cơn mơ, tuy ngắn ngủi mà ngậm ngùi, chua xót. Hình ảnh Thu Nguyệt, với mái tóc dài đen mượt, với đôi mắt to tròn lấp lánh, như chiếu sáng trong nàng. Thu Nguyệt như tan hòa trong cô, gần gũi, như đưa tay là chạm vào được. Nàng chới với cùng nỗi nhớ mông lung; nhớ lần hai đứa đi tập hát chuẩn bị đêm văn nghệ mùa Trung thu về; ngang qua nhà ông Bảy vào nhổ trộm mấy củ sắn nước vừa đi vừa lột vỏ ăn, thì bị rượt chạy trối chết. Như Nguyệt đưa tay chùi giọt nước mắt vừa lăn trên má, cô thầm thì: “Thu Nguyệt ơi! Trăng thu trong lòng mình, muôn đời vẫn sáng một mầu thắm tươi, êm ái, bạn ạ!”.
***
Sau năm 1975 - tháng 10 năm 1976, Thu Nguyệt trở về, nước da trắng xanh như vừa trải qua cơn bệnh nặng kéo dài. Bà Năm Thiệt chạy ào ra ngõ, ôm chầm lấy đôi vai mỏng manh của Thu Nguyệt; nước mắt chảy ròng, lòng xốn xang, quặn thắt. Thật lâu, Bà Năm thút thít:
-Con ơi! Mẹ cứ ngỡ là sẽ không bao giờ được gặp lại con nữa - giọng bà run rẩy, con có còn đi xa mẹ nữa không?
Thu Nguyệt vỗ vỗ vào lưng mẹ, nghẹn ngào:
-Mẹ ơi! Từ nay con sẽ không bao giờ đi đâu nữa cả, con sẽ ở nhà chăm sóc mẹ. Con nhớ mẹ, đau đớn vô cùng, muốn về thăm, nhưng không thể nào ra đi được. Con xin lỗi.
-Con không xa mẹ nữa phải không?
-Dạ! Bây giờ con là thương binh loại 1, mẹ ạ,
Bà Năm Thiệt òa khóc lớn hơn:
-Tội cho núm ruột của tui! Con bị sao mà là thương binh hả con?
Thu Nguyệt mỉm cười, giọng an ủi:
-Dạ! Con bị mảnh đạn ghim vào người, không thể lấy ra hết được; mỗi khi trời trở, đau nhức dữ dội, không làm được gì; nhưng không sao mẹ ơi, con còn trở về gặp mẹ là diễm phúc lắm rồi, những người bạn trên ấy của con có người không trở về nữa kìa.
Bà Năm mếu máo:
-Gặp lại con là mẹ vui rồi, không sao, không sao; mẹ không còn sống được bao lâu nữa.
Thu Nguyệt thăm hỏi những người bà con trong làng, trong dòng họ; có người bỏ phố về quê làm ruộng, người mất, người còn. Nàng kể cho mẹ nghe nỗi buồn, nỗi nhớ nhà khi sống giữa núi rừng bạt ngàn; lúc nào cũng đau đáu nhìn về quê nhà, làng xóm, thương nhớ mẹ một thân lầm lũi.
Bà Năm thúc giục Thu Nguyệt vào giường nằm nghỉ cho khỏe, nắm tay con - bóp nhẹ:
-Mẹ đi nấu mâm cơm cúng cha con, mừng con trở về sum họp. Con chờ mẹ nhé!
Thu Nguyệt cười với mẹ:
-Xin tuân lịnh!
Bà Năm vui vẻ xách giỏ, đon đả đi thẳng ra chợ, Thu Nguyệt không đi nằm, thả bước dạo quanh vườn. Nàng bước từng bước chậm rãi, nhìn xuống sân vườn như tìm kiếm những kỷ niệm ngày nào; những quả xoài non đung đưa, những chùm mận chín đỏ, những trái keo vàng mơ gọi mời... Nàng mỉm cười, chợt nghe cay cay khóe mắt - tuổi thơ như tràn về quanh đây, chỗ này ngồi bắt nẻ, chơi ô quan, chỗ nọ... chỗ kia... Nàng đưa tay quẹt khóe mắt, lau khô giọt nước mắt vui sướng đang chực rơi trên má. Nàng chép miệng, mới đó mà như chuyện cổ tích - thật xưa, cũng thật gần.
Thu Nguyệt đứng sau vườn nhìn lên ngọn đồi, những nương sắn, rẫy bắp xanh xanh, thẳng tắp, thay những bụi Dú dẻ, Chiêm chiêm, cây cối um tùm ngày xưa; tất cả như đang reo vui trong nắng sớm. Hình ảnh Lân như từ trên cao đang nhìn xuống, mỉm cười với nàng - vẫn ánh mắt dịu hiền, ấm áp, đã từng theo nàng những tháng năm qua. Nàng nghe như dòng máu nóng đang chảy rần rật khắp cơ thể; dù luôn biết rõ bản thân mình không có đủ sức khỏe để níu giữ bất cứ một điều gì chắc chắn, huống hồ là tình yêu và hạnh phúc. Thu Nguyệt nghĩ đến bạn, mong ước Như Nguyệt sẽ là người xứng đáng với tình yêu của anh.
Sau buổi dạy, trên đường về nhà, Lân ngang qua xóm Nhơn để thăm một phụ huynh, chợt nhớ Thu Nguyệt, anh ghé lại nhà để thăm mẹ nàng, và hỏi thêm tin nàng sau ngày kết thúc chiến tranh. Dựng chiếc xe đạp ngoài sân, nhìn ra phia sau, bất ngờ anh thấy nàng ngồi dưới gốc xoài to ở vườn sau, đang ngơ ngẩn nhìn lên vòm trời cao. Anh không tin ở mắt mình, đưa tay dụi mắt, mở to đôi mắt nhìn thật kỹ. Đúng là Thu Nguyệt ngày xưa với mái tóc dài mượt mà dễ nhớ. Anh bước ra chỗ nàng đang ngồi. Thu Nguyệt giật mình ngước lên, thấy anh đang bước về phía mình. Nàng thì thầm: “Người đâu mà linh dễ sợ, mới nghĩ đã thấy mặt!”.
-Chào Thu Nguyệt! Em về khi nào vậy?
Thu Nguyệt lúng túng:
-Dạ! Em chào anh! Em mới về sáng nay. Anh dạy ở đây à?
-Không, anh dạy trường Trần Hưng Đạo về ngang qua đây, ghé vào thăm mẹ em và hỏi thăm tin em vậy mà, không ngờ gặp được em luôn, thật có nhân duyên nhỉ!
Thu Nguyệt vồn vã:
-Dạ, mời anh vào nhà uống tách trà! Cảm ơn anh đã ghé thăm.
Lân theo chân Thu Nguyệt vào nhà, nàng rót trà mời anh. Thăm hỏi nhau đủ chuyện. Thời gian xa nhau không dài, chỉ hơn bốn năm thôi - nhưng cuộc biển dâu như hằng thế kỷ. Trong tiếng bom đạn, sự sống của con người được tính trong từng giây phút. Nàng kể cho anh nghe mảnh đạn còn lại trong người đã làm nàng đau đớn thế nào, và khó mà khỏe mạnh như trước. Nàng nói về Như Nguyệt - người bạn nhỏ thân thiết như hai chị em mà nàng luôn nhớ, luôn trân quí; nàng kể anh nghe cả những kỷ niệm của hai đứa lúc còn thơ, những lần bị rượt đuổi vì trộm ổi, trộm sắn của người láng giềng. Nàng say sưa kể lại với niềm vui sướng, tự hào, được chia sẻ những kỷ niệm tuổi thơ đầy cảm xúc của nàng và Như Nguyệt cho Lân. Sau cùng, nàng nói thêm - Như Nguyệt không những là người bạn, mà còn là người chị em hơn ruột thịt của mình, muốn Lân quan tâm.
Trước khi Lân ra về, Thu Nguyệt nói với anh như lời dặn dò:
-Anh Lân à! Em rất yêu quí anh, em muốn anh và Như Nguyệt cùng đi về phía trước; bởi vì hạnh phúc của hai người, cũng là hạnh phúc của em.
Anh đưa tay, nắm chặt bắt tay nàng:
- Cảm ơn em đã có tấm lòng như thế, em gắng giữ gìn sức khỏe. Chúng ta sẽ mãi mãi là những người bạn tốt. Có dịp, anh sẽ rủ Như Nguyệt cùng đến thăm em.
***
Như Nguyệt vội vàng, vừa bước vào sân, đã nói thật lớn:
-Thu Nguyệt ơi! Cậu về rồi hở? Cậu đâu rồi? Trời ơi! Mừng quá! Mới nghe bà Năm má con Hồng nói, mình lật đật đạp xe lên liền nè.
Vừa nói cô vừa chạy xộc vào nhà. Thu Nguyệt đang ở nhà sau, nghe tiếng bạn lật đật chạy lên. Hai đứa ôm chầm lấy nhau, niềm vui dâng trào nước mắt. Thu Nguyệt kéo bạn ra ngoài hiên ngồi hóng gió cho mát. Chiều xuống vội, những tia nắng cuối ngày lóe lên ánh vàng, rồi chìm dần sau ngọn đồi phía trước. Cả hai ngồi nhìn nhau, im lặng - như ngắm lại dĩ vãng. Bà Năm Thiệt mang nải chuối Dạ hương vừa chín tới ra cho hai đứa.
Bà cười vui vẻ:
- Cái miệng con nhỏ này lúc nào cũng nghe tiếng trước khi thấy người. Chuối đây, hai đứa ăn cho vui, từ từ rồi nói, không chạy mất đâu mà sợ.
Như Nguyệt chợt cười dòn dã:
-Dạ! Con cảm ơn mẹ! Cái miệng con sinh ra trước nên vậy đó, mẹ ngồi chơi với chúng con.
Bà Thiệt lắc đầu:
- Hai đứa chơi đi, tao đi nằm, ngồi nghe chúng mày cà kê một hồi cho tao chóng mặt chết à - nói xong, bà quay đi xuống nhà dưới.
Như Nguyệt nói theo:
-Con sẽ làm mẹ chóng mặt, đau đầu thường xuyên, mẹ ơi! Hai đứa con còn nhiều chuyện để nói lắm.
Thu Nguyệt cầm tay bạn, bóp nhẹ:
- Anh Lân là một người tốt, mình mong hai người sẽ mãi mãi bên nhau.
Như Nguyệt xúc động - nhìn bạn trìu mến:
- Cảm ơn cậu!
Mặt trăng vừa lên cao phía cánh đồng, ánh sáng dịu dàng rọi khắp sân vườn một mầu vàng óng ả; dường như mảnh trăng hôm nay trong sáng hơn, tươi mát hơn mảnh ánh trăng xưa ngày nào.
05/2018