TIỂU NGUYỆT


Một Buổi Sáng Thăm Vườn Hoa
Tùy Bút

 
     Nhìn lên bầu trời trong xanh, ngọn gió sớm mai thoảng đưa mát dịu - tôi cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng, sau một đêm dài ngon giấc. Tôi chợt vui, lòng yên bình, êm ả, như những tháng ngày xa xưa giữa quê nhà thanh bình đang tràn về réo gọi. Bất giác, tôi hát khe khẽ mấy câu trong bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của Trịnh Công Sơn mà tôi đã yêu thích từ lâu; thả bước ra thăm khu vườn trước sân nhà trong niềm an vui, hạnh phúc; như vừa chọn được cho mình “một niềm vui” trong ngày mới. Tôi bước lên những ngọn cỏ còn ươn ướt sau cơn mưa nhẹ tối hôm qua, nghe êm ái, mát lạnh dưới chân.
     Khu vườn như bừng sáng hơn, tươi thắm hơn, hoa lá, cỏ cây, xanh hơn trong nắng sớm đầu ngày. Tôi ngang qua khóm hoa Cánh bướm vàng rực, rung rinh trong gió mai, vừa hít thở không khí trong lành, vừa bước đi trong xao xuyến. Tôi dừng lại trước những chậu Hồng cuối vườn. Những cánh hồng trắng, hồng đỏ còn long lanh vài giọt sương trông lấp lánh như những hạt kim cương, phản ánh nhiều mầu - đẹp đến nao lòng.
     Tôi bâng khuâng theo dòng suy nghĩ về ý nghĩa của mỗi loại hoa hồng: Hoa Hồng đỏ biểu trưng cho tình yêu lãng mạn, nồng cháy; hoa Hồng trắng, ẩn nghĩa cho danh dự, sự tôn kính, thường được dùng để tưởng nhớ người yêu dấu đã ra đi; hoa Hồng nhung, để tỏ lòng biết ơn, cảm kích - nhưng cho dù mỗi loại hồng mang mỗi biểu tượng khác nhau, tôi đều cảm thấy chúng rất đẹp, rất quyến rũ mỗi khi nhìn ngắm; bởi tất cả đã cho ta cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, tạm lắng quên bao nỗi phiền muộn.
     Tôi đưa tay nâng đóa hồng trắng lên ngắm nhìn giây lâu, như thấy tình yêu chan chứa tan hòa trong cái mầu trắng tinh khiết, sáng trong ấy; rồi liên tưởng đến đóa hồng trắng, mà tôi đã cài lên áo người tôi yêu trong mùa Vu Lan hôm nào, làm tôi nhớ anh da diết. Anh đã không còn mẹ để yêu thương, để chăm sóc, từ khi còn rất nhỏ. Có niềm vui nào lấp nổi sự thiếu vắng tình mẹ trong cuộc đời này?.
     Nhìn những đóa hồng đang rung rinh như reo vui, mời gọi trong gió sớm, tôi chợt nhớ đến bài thơ bốn câu “Cầm Chân Em, Cầm Chân Hoa” (1) của nhà thơ Yến Lan.
    Tôi ngâm khe khẽ:
     “Em đến xin hồng, hồng chớm nụ
     Hôm nay hồng nở bóng em xa”
     Một sớm mai, nàng đến thăm nhà thơ, ngỏ lời xin một đóa hồng trong vườn - cũng là một lời “tỏ tình” rất kín đáo - nhưng tiếc thay, những đóa hồng trong vườn, mới vừa chớm nụ. Sự “bày tỏ” lòng mình của nàng lúc này, như đang thiết tha đón đợi một tình yêu từ nhà thơ. Chúng ta có thể nghĩ, “hồng chưa nở” (chớm nụ) - nghĩa là tình vừa chớm, chưa đủ duyên, thì làm sao có được đóa hoa Hồng viên mãn, trọn vẹn, để nhà thơ trao tặng?
     Rồi, hôm nay - hồng lại nở tươi thắm, thì bóng nàng đã khuất xa vời vợi nơi phương trời nào. Chúng ta như nghe được một nỗi nuối tiếc, như tiếng thở dài nhẹ nhàng. Sự cam phận, đành lòng của nhà thơ, cho người đọc thấy rằng; trong đời sống - nhất là trong tình yêu, không phải mình muốn là có, là được! Tất cả đều phải “đủ duyên” mới thành tựu. Sự nở, sự tàn ấy phải chịu theo định luật thiên nhiên từ muôn đời, theo sự sinh trưởng của loài hoa; nếu như người con gái kia, đến đúng lúc hoa nở, thì ắt đã được sở hữu đóa hoa hồng tươi thắm mà nàng muốn xin, muốn có, từ tay nhà thơ trao gởi rồi! Một tình yêu có thể sẽ bắt đầu xanh mầm trong hai tâm hồn.
     Tôi bâng khuâng theo dòng miên man ấy, và nghĩ rằng: Có duyên, thì dù cách xa nghìn trùng thăm thẳm, cũng sẽ có ngày tương ngộ, gặp nhau -“hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, như một sự sắp xếp, an bài mầu nhiệm. Chẳng hạn, có thể mình không muốn đi, không muốn đến một nơi đó, nhưng cũng sẽ có người kéo ta đến, buộc ta phải đi, để gặp gỡ, như một định số - như một nhân duyên từ kiếp trước vậy. Còn không duyên (vô duyên), thì dù có ở sát bên, cũng khó mà gặp nhau, hiểu nhau, thương nhau được. - “vô duyên đối diện bất tương phùng” là vậy!
          Tôi thích nhất là hai câu cuối:
     “Cầm chân bữa trước em không ở
     Giờ biết làm sao cầm được hoa?”
     Như vọng lại một lời than thở, một tiếng thở dài - một sự nuối tiếc thầm kín, sâu lắng, vì đã không cầm giữ được, cả “chân em” và “chân hoa”. Em thì không thể nấn ná đợi chờ; hoa thì không “nở vội” mà sẽ thong dong nở, rồi sẽ nhởn nhơ tàn theo quy luật cùa loài hoa, của đất trời. Đã không “đủ duyên” rồi thì có cầm “cái gì” được đâu? Chân em, em cũng không thể ở lại - chân hoa càng không thể. Duyên chưa đủ, thì dù có “cầm giữ” cũng chỉ là ảo vọng mà thôi.
      Chỉ có bốn câu, hai mươi tám chữ thôi, mà nhà thơ đã giải bày được sự đến, sự đi trong cõi vô thường trong cuộc đời này; đồng thời phác họa ra một cuộc gặp gỡ lãng mạn, thơ mộng của đôi “tài tử - giai nhân”  thật ấn tượng, cảm động!
     Tiếng chim Yến ríu rít, rộn ràng phát ra từ ngôi nhà bên kia đường, đã làm ngưng dòng suy nghĩ lan man của tôi. Tôi cắt vội mấy cành hoa hồng, rồi trở vào nhà, chuẩn bị cho một ngày mới bên những trang viết đang chờ sẵn.
    
                                                                                      10/2018


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt