Một Chữ Tình Trong
“CHÚT NẮNG CHO HOA HỒNG”
Của Nguyễn Ngọc Hưng
Tập thơ “CHÚT NẮNG CHO HOA HỒNG” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, gồm 56 bài thơ, như 56 bông hoa, long lanh, tươi mới trong niềm khát vọng yêu thương hiến dâng cho đời sống.
Sách dày 163 trang, Cẩm Dung trình bày, Nhà xuất bản Văn Học - 2015. Đây là tác phẩm thứ tám của Nguyễn Ngọc Hưng, sau tập thơ “Bài Ca Con Dế Lửa” (Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn - 2012) được rất nhiều bạn đọc yêu thích; (nếu không tính bảy tập thơ dành cho thiếu nhi).
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng sinh ngày 20 tháng 4 năm 1960. Quê ở Hành Thịnh - Nghĩa Hành - Quảng Ngãi. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn khóa 2 (1979 - 1983). nhưng đã bị bệnh từ cuối năm 1982, nên không thể tiếp tục con đường sư phạm đã chọn. Sau bao tháng năm miệt mài với thơ - Nguyễn Ngọc Hưng là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Hiện ông đang sống ở thị trấn Chợ Chùa, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.
Nguyễn Ngọc Hưng chọn “nghề thầy” làm con đường lập thân vào đời, bên cạnh niềm đam mê văn chương đã xanh mầm từ thuở; nhưng ông không được toại nguyện với “nghề thầy” vì cơn bạo bệnh bất ngờ. Ông chỉ còn lại một nửa. Chính vì nỗi bất hạnh to lớn ảnh hương cả một đời người, nên trong thơ ông canh cánh “một chữ tình” son sắc, nồng nàn; thao thiết những ước mơ, niềm trăn trở, và bàng bạc bao khát vọng thầm kín.
Dù mang bạo bệnh, dù sống trong cô độc, quạnh quẽ, nhưng những trang thơ ông luôn hướng tới một cuộc sống vui, hy vọng; hiến dâng những ước vọng tươi đẹp cho đời, để làm niềm tin, niềm an ủi như đã được “hồi sinh” từ trong tận cùng nỗi khổ đau. Ông đã thấy, đã hiểu được ngọn ngành của cuộc vô thường, khổ đau của kiếp nhân sinh, tất cả chỉ là tạm bợ, đến đi trong luân hồi triền miên mà thôi.
Giọng thơ ông điềm tĩnh mà hào sảng:
“Đã đau đã khóc đã buồn
Đã quay quắt bão đã cuồng nộ giông
Đã đầy rẫy đã rỗng không
Đã trần trụi hết đã thông thống rồi
Về thôi, chuộc lại chỗ ngồi
Chia cùng lũ bạn viên xôi vích chè
Tha hồ chim hót tai nghe
Thỏa thuê hoa bướm đây nè mắt xem”
(Về Lại Tuổi Hoa Niên – trang 100).
Nhà thơ “Về Lại Tuổi Hoa Niên”, cái tuổi hồn nhiên, thơ ngây của những bận hái hoa, bắt bướm; “chia cùng lũ bạn viên xôi vích chè”, nghe chim hót thỏa thuê. Tác giả như sống lại, nghe lại, chơi lại những trò chơi dân dã của một thời đã yêu thương, gắn bó. Sự “quay lại”, trở về với kỷ niệm, với hồi ức trong thơ ông, chính là nhịp thở:
“Mau về nghịch tóc nhỏ em
Mà vui giai điệu “ứ thèm anh đâu”
Hò trâu lá mít cụng đầu
Chơi trò chú rể cô dâu í à”.
(Về Lại Tuổi Hoa Niên – trang 100)
Nhà thơ đã “hồn nhiên sống trọn tháng ngày hoa niên!” ấy, để tâm hồn rung lên từng cung bậc cảm xúc, với giai điệu vui, buồn, nhí nhảnh, sâu lắng, rất gợi cảm . Ôi! có gì đẹp hơn, đáng trân quý hơn tuổi “hoa niên” ngây thơ, trong sáng? Nguyễn Ngọc Hưng đã đưa người đọc trở về tuổi thơ của mình trong niềm cảm xúc dạt dào, sống động. Tôi như thấy tuổi thơ mình giữa làng quê xa xưa đầy bóng tre xanh réo gọi. Những trò chơi u quạ, đá kiện, ô quan, bắt nẻ chấp chới trong tâm thức tôi. Tiếng cười giỡn, đùa vui cùng chạy theo cánh diều trong những chiều lộng gió trên cánh đồng trơ gốc rạ như vọng về từ cõi nào xa lắc; và tôi chợt nhớ vô cùng, muốn trở về thăm lại quê xưa, dù giờ đây đã đổi khác, kẻ còn, người mất.
Và tác giả đã như rũ sạch tất cả, sống thật trọn vẹn cùng tuổi thơ đầy yêu thương, an ủi.
“Tuổi thơ chong chóng quay không mỏi
Thôi gió trời cho chạy gió người
Con diều giấy mỏng mang mơ ước
Lên với mây lành với nắng tươi”.
(Tìm Dấu Xưa – trang 44).
Nhớ tuổi thơ, là nhớ quê nhà. Quê nhà cất giữ bao tình cảm, bao ước mơ, nên tình quê trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng thấm đẫm một chữ tình da diết, pha chút ray rứt, ngậm ngùi về một “cố hương xanh” vời vợi. “Một làn khói khẽ nồng qua giấc ngủ, chiếc lá rơi cũng thon thót giật mình”. Phải chăng nhà thơ đã quá nhạy cảm với thân phận mình, nên mỗi chiếc lá rơi, cũng làm nhà thơ “thon thót” giật mình, rồi một làn khói nhẹ vương cũng gây cảm xúc khôn nguôi? Khi phải rời xa nơi thấm nghĩa đẫm tình ấy, nhà thơ luôn day dứt, đau đáu trong lòng về chốn quê xưa:
“Có thể cố tình cất kỹ rồi quên
Hay vô ý dọc đường rơi rớt lại
Hạt kỷ niệm qua mưa dầu nắng dãi
Xanh mọc lên từ những phía không ngờ.
(Vời Vợi Cố Hương Xanh - trang 10).
Nhà thơ luôn giấu kỹ, ấp ủ trong lòng, qua bao tháng năm mưa dầm nắng dãi, mà tình cảm ấy vẫn luôn xanh ngát, để thương nhớ lớn lên:
“Nhiễm tận xương từ quê thói đất lề
Khác mắt khác môi khóc cười không khác
Rớt ngang trời một đơn côi tiếng vạc
Nghe sóng lòng cuộn trăm thiết nghìn tha”.
(Vời Vợi Cố Hương Xanh – trang 11).
Tác giả đã nhớ vô vàn lởi ru của mẹ, nhớ mùa hạn hán, mùa nước nổi, nhớ đụn rơm, “thương bờ dâu xanh rút ruột nuôi làng”. Nhớ từng chút vặt vãnh, tầm thường, như cái cuốc, lưỡi liềm, củ khoai, gốc rạ; để rồi nuôi ước mơ, hy vọng về một tương lai tươi sáng, hạnh phúc, no đủ, trên quê hương thân yêu.
“Giáp hạt nào cũng bạc mặt vì lo
Nên lời hứa chân trời luôn nóng bỏng
Người đi xa mang theo ngàn hy vọng
Về một tương lai hạnh phúc đủ đầy”
(Chiếc Mỏ Neo – trang 13)
Trải qua bao dâu bể, chuyển biến của đời sống, đôi khi tác giả cũng cảm thấy rã rời, mệt mỏi, “một chút bạc tiền cũng không giữ nổi, giấc mộng công hầu lọt kẽ rơi rơi”. Có lần, ông đã tự trách mình mãi nghịch, mãi rong chơi thuở ấu thời, rồi tự dằn vặt, chua xót; ngẫm lại câu “cá không ăn muối cá ươn”. Ông thành tâm đón nhận những trách hờn của mẹ, nhưng mẹ bao dung không hề trách mắng, mà đã ôm ông vào lòng với tình yêu thương vô bờ. Phải chăng, đây là lời “nhắn gởi’ chân tình cho mỗi chúng ta?
“Con về đây, con về với quê hương
Về với mẹ, với mái nghèo rơm rạ
Thành tâm nhận lửa trách hờn xỉ vả
Lại bất ngờ được tắm suối yêu thương!”.
(Về Với Mẹ - trang 33).
Chỉ qua bốn câu thơ, người đọc đã cảm nhận được một tình mẹ cao cả, thiêng liêng biết bao! Trở về với mẹ, là trở về với yêu thương, trở về tắm trong suối nguồn bao dung biển cả; tâm hồn ta sẽ được yên bình trong vòng tay che chở, trong niềm cảm thông, khoan thứ bao la của mẹ.
Sống mãi cô đơn trong đời thường, và cả trong tâm hồn, khi tuổi thanh xuân đang dạt dào sức sống và ước mơ - nhà thơ đôi bận cũng cảm thấy một chút đắng cay, một chút hẩm hiu cho số phận bạc bẽo của mình - một chút thôi, chỉ đủ để rung lên cung bậc nhẹ nhàng, để vươn tới niềm hy vọng, dù mong manh, mơ hồ!. Và mẹ luôn là nguồn an ủi lớn nhất để Nguyễn Ngọc Hưng chuyển hóa bất hạnh, khổ đau thành niềm an lạc, niềm tin yêu, để ông vẫn làm việc cần mẫn, như con tằm rút ruột nhã tơ mỗi ngày.
Những vần thơ chí thiết về mẹ của Nguyễn Ngọc Hưng, luôn làm người đọc cảm thấy rưng rức, nao lòng. Cho dù mẹ đã đi xa, nhưng trong lòng nhà thơ, hình bóng mẹ mãi còn in dấu, dù ông chỉ “còn một hơi thở nhỏ” bên đời:
“Mẹ ơi mẹ, còn một hơi thở nhỏ
Là trong con hình bóng mẹ mãi còn
Cho dẫu thường niên không thường chiếu lệ
Nén hương lòng vẫn thơm đẫm nước non!”.
(Nén Hương Lòng – trang 37).
Xin hãy lắng nghe tiếng vọng của nhà thơ trong “Ngày của Cha” (*) - ông đã khóc cha, thương nhớ cha, nghẹn ngào đến đau đớn:
“Cha ơi, cha ơi...
Muốn gọi mãi mà cổ con nghẹn đắng
Nào có mấy xa chưa một viếng mộ người!
(Ngày Của Cha, Sám Hối - trang 41)
Hơn 30 năm (1983 - 2018) Nguyễn Ngọc Hưng nằm một chỗ vì bạo bệnh, là ba mươi mấy năm ông sống gắn bó với thơ. Thơ như hơi thở cần thiết cho sự sống của ông, bởi thơ là phần “hồn” để ông duy trì sự sống. Sống để viết, để hiến dâng, có ích cho đời; dù xác thân đang khô héo từng ngày, đang cố ghìm ông xuống.
Bên cạnh hai đấng sinh thành, hình ảnh người chị nghĩa tình đã dang tay đùm bọc ông trong lúc khốn khó, bệnh đau, cô quạnh. Chị đã “thắt lưng buộc bụng”, “nhường cơm sẻ áo”, đỡ đần, giặt giũ, chăm sóc cho ông không chút ngại ngần. Ông đã ví người chị nghĩa tình ấy, hơn cả nàng Châu Long ngày xưa:
“Nhìn em baby còi cọc
Chắc không ít bận khóc thầm
Mỗi lần thấy em ái ngại
Chị cười: chú cứ yên tâm!
Chăm chút miếng ăn giấc ngủ
Đỡ đần giặt giũ vệ sinh
Gặp khi trái trời trở gió
Em rên chị cũng giật mình”.
(Hơn Cả Châu Long - trang 42- 43).
Ngày được tin bạn mất, nhà thơ khóc bạn, bằng những vần thơ chia sẻ sâu đậm triết lý sống uyên thâm của đạo Phật “hữu sinh, hữu diệt” trong cuộc vô thường, như: “Nước bốc lên trời”, rồi lại “mưa rơi xuống đất”. Tất cả đều quay theo định luật luân hồi muôn thuở - “khi bạn đã đến đây, đã tận tình hiến dâng cho Chân Thiện Mỹ cõi đời này với tất cả tâm hồn sáng trong, tha thiết, thì chẳng có gì phải u uất u trầm vướng bận lúc ra đi”. Phải chăng, đó cũng là lời tâm sự cho chính mình?.
“Bạn tôi ơi, sinh ký tử quy
Vạn tượng sum la đều có hạn kỳ
Nước bốc lên trời mưa rơi xuống đất
Từ Lão Tử, Khổng Khâu đến nhất đại tôn sư vạn đại
Thánh Hiền Chúa Phật
Hữu diệt hữu sinh có đến có đi (hề) ắt có lúc về!
(Nước Bốc Lên Trời Mưa Rơi Xuống Đất – trang 89).
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng còn bàng bạc một tình yêu chân chính, trong sáng, của ước mơ, của hoài bão, của sự hiến dâng, rất thâm sâu:
“Kết quả tình yêu của đất với trời
Ấy là cỏ non một màu rất thực
Ngày một nắng đêm ngàn sao thao thức
Luôn giữ gìn cho cỏ hết mình xanh”.
(Cỏ Lập Xuân - trang 58).
Ước vọng sự “thủy chung” của tình yêu lớn lao như đất với trời, như “cỏ non một mầu rất thực”, trải mình khắp mọi nơi, từ công viên, nghĩa trang, đến từng con đường quê biên biếc cỏ, là một sự so sánh đầy sáng tạo, mới lạ. Thảm cỏ xanh mượt mà như thay màu áo mới, duyên dáng thanh xuân, mê mải biếc trên khắp lối; “dù ai đó không về theo cánh én, cỏ vẫn thủy chung một sắc mong chờ”. Tác giả đã đưa từ “cỏ” đến “tình”, một chữ “tình” cho chính mình, với niềm ước mơ, khao khát.
“Về với anh em hỡi, về với anh
Hương đã chín mùa cỏ thơm đã nụ
Tan mộng mị chập chờn sau giấc ngủ
Xuân đến rồi, khao khát mặt trời lên.
Nhỡ mai đời rơi tận đáy lãng quên
Ai còn nhớ tuổi xưa ràng rịt cỏ
Xin gởi chút hương lên đầu ngọn gió
Cho đất trời xanh lại thuở Lập Xuân!”.
(Cỏ Lập Xuân – trang 59).
Niềm mơ ước đó mãi mãi nằm trong khát vọng, nhưng là niềm an ủi, niềm vui cho nhà thơ sống còn và sáng tác. Có hôm, Nguyễn Ngọc Hưng đã nhớ thương người con gái nào đó (có thể là người trong “mộng” hay trong hoài niệm?). Ông đã tâm sự trong bài thơ “Muộn Đò”, như chia sẻ nỗi niềm cùng bạn đọc những xót xa, lỡ làng của người “muộn đò”; “không còn kịp chuyến đò ngang”, để:
“Bơi mình tôi lội mình tôi
Biết ai chia sẻ lở bồi đục trong?”.
(Muộn Đò – trang 62).
Và nhà thơ chỉ thoáng ngậm ngùi khi nhận biết được rằng:
“Không cùng củi lửa tro than
Đành gom hương nhớ thả làn gió bay
Đò ngang muộn chuyến cuối ngày
Biết là sông hẹp đêm nay... rất dài...”.
(Muộn Đò – trang 63).
Tác giả đành gom hương nhớ thả theo làn gió trôi về cuối trời xa lắc, hướng tới niềm tin, mở lòng đón nhận:
“Một chút dỗi hờn một chút bâng khuâng
Phố núi hoa chen em tìm ai trên ấy
Tay đan tay
Môi chạm môi
Run rẩy cộng vào run rẩy
Còn chỗ cho anh thoảng khói sương mờ?”.
(Thông Vẫn Đỏ Bên Trời - trang 67).
Tác giả đã gieo “chút nắng cho hoa hồng” để thổi hy vọng vào đời sống:
“Bất chợt chiều nay chim khách rộn ràng kêu
Mặc định em về trước sân dù không ai gõ cửa
Giọt nắng đầu đông bỗng rực lên màu lửa
Nhảy nhót đong đưa như múa ca hong sưởi đóa nhung hồng!”
(Chút Nắng Cho Hoa Hồng - trang 75).
Kinh qua thực tế đời sống lắm ưu phiền, nhiều khổ đau, cuối cùng, tác giả đã tự dặn, tự tỉnh giác - nghiệp mình mình tự giải, cái gì trôi được thì cứ thả cho trôi, điều chi buông được, tức thời buông ngay. Buồn, vui, họa hay phúc trên cõi đời này chỉ là nhân quả luân hồi vay trả, trả vay mà thôi. Trong nỗi bất hạnh cùng cực, ông đã hiểu rõ cuộc đời vô thường, như sông kia hết lở lại bồi, để giữ tâm an tịnh, an vui đón nhận tất cả, bằng lòng với tất cả:
“Xanh cây vàng gỗ đen than
Đỏ tươi trong lửa lửa tàn xám tro
Sắc không không sắc diễn trò
Mỉm cười xả hết phiền lo nhẹ lòng!”.
(Tự Dặn – trang 111).
“Chút Nắng Cho Hoa Hồng” đã để lại trong lòng người đọc một chút ngậm ngùi, một niềm thương cảm sâu lắng, cùng sự kính phục một tâm hồn thơ đã vượt lên số phận; hiến dâng thật trọn vẹn tâm huyết cho đời, bằng tất cả niềm tin và mơ ước, qua từng hơi thở - như chút nắng cho hoa hồng thêm tươi sắc, rạng ngời.
11/2018