TIỂU NGUYỆT

 
Một Ngày Dài Một Đời Người
Chương 6

 
NƯƠNG THEO CHIỀU GIÓ
 
Sau một tháng về thăm quê, bà Trâm trở lại với công việc ở cơ sở may cùng chồng quản lý, trông nom, chỉ dẫn các thợ may ráp quần áo, giao hàng, nhận vải. Ông Tư sức khỏe có phần suy yếu thường hay có những cơn ho bất chợt, sau kéo dài lâu hơn, nhất là vào những ngày đông lạnh lẽo. Ông đã được khám chữa miễn phí, ổn định một thời gian rồi bệnh âm thầm trở lại.
Nhiều lần nhìn chồng ho rũ rượi, bà Trâm xót ruột, lo lắng:
- Anh nghỉ ngơi đi, mọi việc để đấy em lo cho. Anh lo làm không có thời gian tịnh dưỡng sẽ không bớt được đâu. Hay anh đi du lịch nơi nào khí hậu thích hợp một thời gian nhé?
- Không sao đâu em, anh làm được mà, một mình em lo sao xuể.
Bà Trâm thoáng nhìn anh - giọng dứt khoát:
- Không được. Anh phải nghỉ ngơi uống thuốc, tịnh dưỡng khi nào khỏi bệnh thì mới trở lại công việc. Em lo được hết, không sao.
Ông Tư nghĩ thương vợ, người hết lòng yêu thương lo lắng cho ông, luôn sát cánh cùng ông trong mọi khó khăn, gian khổ. Chính nhờ nỗi cảm thông, chia sẻ, an ủi của bà Trâm, ông mới vững vàng như ngày hôm nay nơi đất khách quê người. Ông nghỉ ngơi uống thuốc đều đặn, làm theo lời bác sĩ dặn; ông tin rằng mình nghỉ ít lâu khỏe hẳn rồi làm việc lại, có lẽ sẽ tốt và lâu dài hơn. Ông vẫn nhận phần đi giao hàng, nhận vải để vợ có thời gian kiểm tra hàng và những việc linh tinh khác hằng ngày trong xưởng.
Suốt ngày bao nhiêu là việc, hết việc này đến việc khác, bà Trâm ráng làm, không thấy mỏi mệt gì; nhưng đêm về nằm xuống, cả người bà ê ẩm, đau nhức, các khớp xương như muốn rệu rạo. Bà trằn trọc khó mà chợp được mắt. Nẳm yên, bà nhớ thương Uyên không biết sống chết thế nào, ở đâu và đang làm gì; khiến bà càng đau đớn, rối bời. Nhiều đêm bà mơ thấy Uyên gọi bà khản cả tiếng, bà choàng vùng dậy hốt hoảng chạy ra ngoài như người mất hồn; khiến ông Tư lo lắng, sợ bà bấn loạn sanh bệnh nhớ quên thất thường thì khổ.
Toàn đã tốt nghiệp đại học y khoa, được nhận làm ở một bệnh viện thuộc tiểu bang Vỉrginia, cách nhà hằng ngàn cây số, thật lâu mới về thăm nhà khiến bà Trâm càng nhớ nghĩ về Uyên hơn. Nhiều khi nhìn thấy những cô gái trạc tuổi Uyên, bà thương nhớ nhủ thầm “Uyên chắc bằng tuổi cô gái này”; rồi tưởng tượng trong đầu, Uyên của bà đẹp, thùy mị, dịu dàng, rồi tự mỉm cười một mình. Cái hạnh phúc mong manh ấy, chỉ thoáng chốc, nhưng làm dịu mát tâm hồn bà, như vừa uống một liều thần dược.
Bên cạnh nỗi thương nhớ Uyên, bà Trâm luôn nhớ nghĩ về ngôi chùa Khải Tâm nhỏ nhắn, nằm nép mình giữa rừng cây trên ngọn đồi ở quê nhà, mà có lần bà ghé thăm thắp hương, cầu nguyện. Người sư cô vui tính, nhân từ, nhưng mong manh như muốn cuốn theo làn gió thổi. Được gặp, nhìn thấy từ xa là đã sanh lòng quý mến. Ở vóc dáng sư cô Diệu Nhân như toát ra sự bình yên, khiến người đối diện thấy lòng mình thật an vui. Ngôi chùa Khải Tâm cùng sư cô Diệu Nhân thường thấp thoáng trong những giấc ngủ chập chờn của bà Trâm.
Công việc cứ cuốn bà Trâm theo, không có chút thời gian thảnh thơi; nhưng bà nghĩ, bây giờ còn sức khỏe, ráng cố gắng làm, phải dành dụm một số vốn kha khá để có cơ hội giúp đỡ bà con, làm những gì mình yêu thích. Bà Trâm thường gởi tiền về quê nhà giúp cho những bà con gặp cảnh khó khăn, đau yếu, hay mỗi dịp Tết đến. Dịp Tết bà Trâm thường gởi tặng một trăm phần quà, mỗi phần khoảng hai, ba chục ký gạo, một lít dầu ăn, một thùng mì, vài hộp kẹo, bánh mứt. Bà chỉ mong, chia vui với bà con còn khó khăn ở quê xa - một nỗi mong chờ mỗi lần xuân về.
Ở quê, người mẹ già luôn bồn chồn, nhớ thương vợ chồng con gái, đang sinh sống ở xứ người. Mấy hôm nay bà Hải thấy trong người không được khỏe, hơi thở nặng nhọc, khò khè, có lúc mệt muốn đứt hơi làm Kim Lan và Cuội lo lắng, vội đưa bà đi viện.
Bà Hải nói với Kim Lan:
- Má có bệnh gì đâu mà đi viện. Tuổi già ai cũng mệt vậy thôi. Má muốn nằm ở nhà thoải mái hơn vào bệnh viện, nghe cái mùi thuốc sát trùng là má thấy mệt thêm hà. Với lại má nằm đấy bỏ nhà, bỏ cửa, làm sao?.
- Má cứ nằm ở đấy, có chuyện gì còn có bác sĩ theo dõi, ít bữa khỏe rồi về, tụi con mới yên tâm. Chị Trâm cũng đã đôi lần căn dặn con vậy.
Cuội cười:
- Má yên tâm đi, nhà cửa có con lo, không ai “rinh” cái nhà mất đâu mà lo bỏ nhà, bỏ cửa.
Bà Hải bỗng tức cười khi nghe Cuội nói. Bà mắng yêu:
- Cái thằng!
Bà Hải nằm viện được tuần lễ khỏe dần lại xin xuất viện về nhà. Bà nhớ vợ chồng con gái và cháu Toàn vô cùng, mong muốn được gặp con cháu. Bà nói với Kim Lan:
- Anh chị Hai mày hổm rày ra sao? Nói nó về chơi, má thấy nhớ quá!
Kim Lan cười với bà:
- Ảnh chỉ ở bên đó xa lơ vậy mà má nói như sát bên, muốn kêu về lúc nào thì kêu sao?
- Thì về chơi một tháng rồi qua làm như lần trước vậy, có sao đâu.
Kim Lan giải thích:
- Muốn về chơi phải thu xếp công việc trước cho đâu vào đó rồi mới về, chứ má tưởng dễ sao! Làm lụng suốt ngày đêm mới sống nổi ở xứ người, chớ đâu phải ngồi không mà có, má!
- Thì nói nó thu xếp rồi về - bà bỗng chép miệng, mấy hôm nay sao nhớ tụi nó dữ không biết, biết tụi nó có sao không nữa?
Kim Lan trấn an:
- Sao trăng gì mà má lo, ảnh chỉ làm không kể ngày đêm ở bên đó; còn thằng Toàn đi làm rồi khó mà nghỉ lắm. Bộ má tưởng muốn nghỉ là nghỉ sao? Nó đuổi mất việc liền á.
- Nói thì nói vậy thôi chớ! Nó về được thì mừng. Được gặp con cái, tuổi già đỡ buồn, đỡ nhớ chút.
- Được rồi. Để con nói chị Hai thu xếp về chơi, hai người chắc về một thôi, còn phải có người trông nom cơ sở may nữa.
Mặc dù nói vậy cho mẹ vui chứ Kim Lan không nói gì với chị, sợ chị lo lắng, để khi nào chị về được thì về. Bà Hải nghe Kim Lan nói cứ ngóng chừng, thắc thỏm. Vài hôm là bà hỏi, “nó nói sao con, có về được không?”. Lần nào Kim Lan cũng nói: “Chị Hai nói còn đặt mua vé máy bay, hứa ít bữa sẽ về”. Vậy là bà nằm yên chờ đợi.
Một buổi chiều khi đang ăn cơm, bà Hải kêu mêt, vội vào nằm. Bà nghe nhói đau ở chỗ trái tim rồi bỗng thấy trời đất như quay cuồng, chao đảo. Bà hốt hoảng gọi lớn:
- Cuội ơi! Cuội ơi!
Cuội vội chạy vào phòng, nghe bà nói “Mệt quá! Con ơi!” rồi nằm im thiêm thiếp. Cuội lo sợ gọi xe đưa bà vào viện cấp cứu. Xe vừa chạy vào cổng bệnh viện, bà đã tắt thở tự lúc nào. Cuội gọi lớn:
- Má ơi! Má sao vậy? Sao vậy?
Các bác sĩ phòng trực cấp cứu đã được mời đến, một người đặt bàn tay lên ngực bà Hải, lạnh lùng lắc đầu: “Mẹ anh đã chết rồi”. Cuội vật vã, khóc tức tưởi, tiếc là đã đưa mẹ đi cấp cứu trễ, phải chi đi viện kịp thời, có lẽ mẹ anh không ra đi nhanh như thế này.
Kim Lan và Cuội vội điện thoại cho chị Hai. Kim Lan cả Cuội luôn tiếc rằng, đã không nghe lời mẹ, gọi chị về thăm sớm. Đó là điều khiến hai chị em ray rứt, đau buồn khi bà nhắm mắt mà chưa được gặp lại Trâm.
Bà Trâm về đến quê, thì mẹ bà đã được chôn cất xong xuôi gần tuần lễ rồi. Khi nghe Kim Lan nói lại lời di nguyện của mẹ là muốn được gặp lại bà, khiến bà đau đớn. Bà cứ đứng sửng im trước bàn thờ có di ảnh mẹ, còn đặt giữa nhà, khóc nức nở, gọi mẹ thảng thốt.
Bà Trâm tự nguyện ăn chay trong bốn mươi chín ngày mẹ mất, để thanh tịnh nguyện cầu cho mẹ được an vui về cõi Phật. Bà mời quý thầy về tụng kinh mỗi thất cho mẹ. Hằng đêm, bà quỳ trước bàn thờ của mẹ thành tâm đọc Kinh A Di Đà và chú Đại Bi, nguyện cầu cho mẹ được siêu thoát.
Như mọi lần trở về trước, bà Trâm đi vòng quanh xóm thăm hỏi bà con trong làng, biếu họ lọ dầu, hộp kẹo. Những bà con neo đơn, nghèo khổ, bà còn cho tiền và gạo nữa, giúp đỡ phần nào cho họ qua cơn túng thiếu, khó khăn. Nhìn niềm vui trên nét mặt mọi người, bà cảm thấy lòng cũng nhẹ nhàng, an vui phần nào.
Cúng ba tuần hai mốt ngày cho mẹ xong, bà Trâm cùng hai em trở lại con lộ Bảy mong tìm chút manh mối nào về Uyên. Cũng để nhớ ngày xa con trên con đường mòn hiểm trở ngày nào, để được “nhìn lại” bóng dáng Uyên lần cuối dù là trong tâm tưởng. Trở lại con lộ Bảy lần này, bà Trâm nuôi nhiều hy vọng, bà nghĩ sẽ có sự phù hộ, dẫn đường của mẹ bà.
Bà Trâm vào nhà trọ hôm trước nghỉ lại hai ngày, cùng các em vào từng nhà rải rác dọc theo đường Bảy dò hỏi, tìm kiếm. Bà không bỏ sót một ngôi nhà nào, như muốn lục tung từng ngõ ngách, bụi bờ tìm cho bằng được đứa con gái đã lạc mất năm nào. Đôi chân bà run run, bước đi của bà xiêu vẹo mỗi khi bước ra từ một ngôi nhà nào đó, không có một chút tin tức về Uyên; nhưng rồi bà lại bừng lên niềm hy vọng tiếp bước vào một ngôi nhà khác, với niềm tin mãnh liệt rằng sẽ có manh mối, để tìm lại con.
Nhìn con lộ Bảy hiu quạnh, thăm thẳm. Con đường đất ngày xưa uốn lượn theo những ngọn đồi, đôi khi ôm dài theo mé bờ sông hay băng ngang những con suối cạn. Có những đoạn đường đã sụp lở vì bị mưa xoi mòn hay cây cối chắn ngang lối đi. Những chiếc cầu chính trên con lộ này lâu ngày không sửa chữa, tu bổ, hư hao, gãy đổ. Hàng trăm ngàn người và vô số chiếc xe đủ loại, đủ cỡ, ngay cả những chiếc xe tăng nặng nề cũng bò đi qua.
Bà Trâm bỗng rùng mình nhớ lại hình ảnh cuộc chạy loạn năm nào. Con đường lộ hiểm trở, đổ nát này đã thành một con lộ kinh hoàng - dòng sông của xác người và máu. Những cái chết kiệt lực vì đói, khát, thời tiết ngày nóng đêm lạnh của những trận mưa pháo rót vào đoàn người không ngừng nghỉ.
Từng lớp người chật cứng va vào nhau, người chạy xuôi, kẻ chạy ngược, hối hả, thất thần. Tiếng súng nổ từng tràng liên thanh, tiếng đạn pháo ầm ì, tiếng người gọi nhau í ới thật hãi hùng. Bà đi dần về bến sông mong những hình ảnh đau lòng kia biến mất để bà được một chút bình yên.
Bà trở lại bến sông ngồi nơi tảng đá phía dưới chân cầu nhìn dòng nước chảy. Dòng sông vẫn lặng lẽ chở nặng phù sa xuôi về biển; bà chợt ví thân phận kiếp người như những cánh lục bình, nhánh cây bồng bềnh trôi xuôi, không biết sẽ về đâu?
Bà lắng lòng nghe tiếng vi vu của mây ngàn, gió núi. Bà chợt nghe tiếng động cơ trực thăng vọng lại từ chốn nào xa lắc; rồi hoảng hốt khi nghe tiếng Uyên gọi “Mẹ ơi! Con đói. Con mệt”. Và hình ảnh Sư cô Diệu Nhân dịu dàng nhìn bà mỉm cười khi nói chuyện với bà vụt thoáng qua trong trí nhớ khiến bà bình tâm. Bà nghĩ trước khi trở về nhà, phải đến chùa thăm sư cô nặng lòng yêu thương chia sẻ, và thắp nén hương cầu nguyện cho mẹ.
Bà Trâm đứng dậy đi về phía ngọn đồi sau lưng xóm.
Bà Trâm bước từng bước lên ngọn đồi, một cơn gió thoảng qua như xoa dịu nỗi đau làm bà thấy tươi tỉnh, không còn âu lo như trước. Ngôi chùa Khải Tâm, nép mình khiêm nhượng bên vườn cây xanh tốt. Bà Trâm thấy lòng bình yên, lao xao một cảm xúc mới mẻ, an lành.
Cô Hai từ nhà sau đi ra, nhìn thấy bà Trâm vội bước lại, giọng vui vẻ:
- Chào cô! Cô lại lên đây có việc, ghé thăm chùa?
Bà Trâm tươi cười, chào đáp:
- Dạ! tôi lại có việc lên đây ghé thăm chùa, thắp nén hương cho mẹ tôi vừa mất. Xin phép cô tôi vào lễ Phật.
- Dạ! Mời cô - cô Hai đon đả bước, mở toang đôi cánh cửa chánh điện.
Cô Hai đưa bà Trâm vào chánh điện, đốt nén hương đưa cho bà Trâm, đánh một hồi chuông. Bà Trâm quỳ trước tượng Phật dâng hương, chắp tay nguyện cầu. Lòng bà phơi phới niềm tin, hy vọng sẽ tìm gặp được con gái trong một ngày không xa. Bà thấy thanh thản, nhẹ nhàng mọi vướng bận, âu lo tự nhiên biến mất tự lúc nào bà cũng không biết nữa. Bà có cảm giác thật mới mẻ, một niềm vui không tên len lỏi vào lòng bà mỗi lúc một dâng tràn.
Bà Trâm bước ra ngoài đi một vòng vãng cảnh chùa, rồi lại ngồi chơi với cô Hai ở nhà sau. Cô Hai vui vẻ rót ly nước suối, mời:
- Mời cô uống ly nước cho mát.
- Dạ! Cảm ơn cô Hai.
Ngồi chơi một lúc bà Trâm không thấy bóng sư cô Diệu Nhân quanh chùa, liền hỏi:
- Sư cô Diệu Nhân đâu sao không thấy hở cô Hai?
- Dạ, sư cô đi lo việc Phật sự chắc cũng sắp về rồi đó cô.
Bà Trâm góp chuyện:
- Trông sư cô ốm yếu quá phải không cô Hai?
Cô Hai cười vui:
- Sư cô từ hồi nào đến giờ vậy đó cô, trông xanh xao như vậy chứ mạnh mẽ lắm đó. Một mình sư cô gánh vác bao nhiêu là việc, lại sống một cuộc sống tự túc kham khổ, thiếu thốn. Tội nghiệp. Sư cô thường cười nói với đạo hữu, nhà chùa câu “thúc liễm thân tâm, tam thời bất túc” - đi tu chứ đi an dưỡng, nghỉ mát đâu mà cho mập?
Bà Trâm hỏi thăm:
- Sư cô là người vùng này hay ở đâu chuyển đến vậy cô Hai?
Cô Hai - giọng chân tình:
- Sư cô là con gái của vợ chồng ông Hà, người vùng này. Vợ chồng ông Hà hiếm muộn, mãi đến hai mươi năm sau mới có được sư cô, đó cô.
- Vậy chỉ có một mình sư cô, mà ông bà vẫn cho con đi tu à? Hay quá cô Hai nhỉ!
Cô Hai sụt sùi:
- Nói thiệt vơi cô chuyện đau lòng lắm tui không muốn nhắc lại đâu, nhưng thấy cô hiền lành, dễ mến tôi vui miệng kể lại, sợ sư cô hay được không vui đâu.
Bà Trâm tò mò:
- Đau lòng như thế nào? Cô Hai kể đi, nếu giúp được gì tui sẽ giúp. Không sao, sư cô không hay biết, la rầy gì dâu?
Cô Hai ngập ngừng:
- Một buổi sáng năm 1982, vợ chồng ông Hà lên đồi hoang phát dọn rẫy để trồng mì, trồng bắp. Ông bà đã bị mìn nổ chết tại chỗ, thật thương tâm.
Bà Trâm xúc động:
- Tội nghiệp. Sư cô lúc đó được bao nhiêu tuổi?
- Dạ! Được mười ba tuổi thôi cô.
- Sư cô còn nhỏ vậy, ai lo chôn cất ông bà Hà?
Cô Hai kể tiếp:
- Dạ! Nhà nghèo lắm cô ơi! Bà con quanh vùng góp mua cho cái “rương” và lo chôn cất chớ ai vô. Sư bà đến làm lễ cầu siêu cho hai vợ chồng, thấy cô bé dễ thương, hiền lành, sống côi cút thương tình xin mang về chùa nuôi cho ăn học.
- Thương quá hen. Mới tuổi đầu mà phải chịu cảnh tang tóc, chia ly sớm như vậy. Thật tội.
Cô Hai nói tiếp:
- Cả đồi núi, khu rừng này biết bao nhiêu là bom đạn còn sót lại. Thuở ấy thường hay bị nổ mìn như vậy lắm cô ơi. Tội nghiệp. Sư cô thông minh, học giỏi, được sư bà thương cho đi học miết, hết phổ thông rồi vào Trung cấp Phật học. Sau khi sư bà mất, di nguyện sư cô phải về chùa tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp của Người. Ở đây.
Bà Trâm nghe chuyện nhà của sư cô lòng thương cảm, muốn giúp sư cô một việc gì đó, nhưng không biết phải như thế nào. Bà nói ý nguyện của mình cho cô Hai nghe, cô Hai cười hiền lành, bảo:
- Tui nghe sư cô thường ước muốn nếu có tiền sẽ xây dựng một “Quan Âm Các” ở khoảng sân rộng kia, để bà con quanh vùng được hưởng sự an lành; những linh hồn đã chết quanh đây nương vào đó mà được giải thoát, nhưng chưa làm được vì tốn kém lắm cô.
Bà Trâm mừng rỡ:
- Cảm ơn cô Hai đã chỉ dẫn, tôi sẽ lo mọi chi phí để sư cô Diệu Nhân xây dựng Quan Âm Các. Cầu mong bà con nơi đây được hưởng phước lành của Mẹ Quan Âm cứu khổ, cứu nạn; và mọi oan hồn vất vưởng quanh đây được siêu thoát.
Cô Hai cảm động:
- Cảm ơn tấm lòng của cô. Cô sẽ được chư Phật độ trì, tất cả đều được thuận duyên như ý.
Bà Trâm nghe lòng mình thật an vui khi khởi tâm làm một công việc tốt cần thiết cho bà con vùng xa còn nhiều khó khăn. Bà còn muốn làm một việc thiết thực hơn nữa, là gởi cho nhà chùa một số tiền - trước hết là mua gạo, phân phát cho bà con neo đơn, nghèo khổ nơi đây; sau đó nhà chùa còn sử dụng vào những việc cần thiết.
Bà Trâm ngồi chơi với cô Hai được một lúc thì sư cô Diệu Nhân về. Sư cô rất vui được gặp lại bà Trâm, dù gặp bà chỉ một lần, bây giờ mới gặp lại.
Sư cô Diệu Nhân vui vẻ:
- Mô Phật. Chào cô! Hôm nay cô có việc phải qua đây?,
Bà Trâm nhìn sư cô trong chiếc áo màu lam dịu dàng, thuần hậu. Nghe câu chuyện về đời tư của sư cô, bà Trâm càng thương mến sư cô hơn. Bà đứng dậy cười thật tươi, chào:
- Dạ chào sư cô Diệu Nhân. Tôi có việc ngang qua đây ghé thăm chùa. Lâu nay sư cô có khỏe không?
- Mô Phật! Tôi vẫn khỏe. Cảm ơn cô - sư cô Diệu Nhân mỉm cười, còn cô có khỏe không? Xin phép được hỏi, cô người ở vùng nào ạ?
Bà Trâm thân thiện:
- Thưa cô, tôi vẫn bình thường cô à. Tôi người làng Hòa Hiệp, cách đây chưa được trăm cây số; nhưng tôi đang định cư ở nước ngoài mới về thăm quê, thưa cô!
Sư cô có phần ngạc nhiên, nhưng rồi vui vẻ đáp:
- Cô mới về thăm quê? Khi nào thì qua lại?
- Mẹ tôi vừa mất, tôi về chịu tang, chỉ một tháng thôi cô, không ở lâu được, vì công việc cần phải có mặt. Còn nửa tháng nữa là đi rồi.
- Vậy à? Chúc cô qua bên đó bình an, mạnh giỏi nghen.
Bà Trâm thưa với sư cô Diệu Nhân về việc bà muốn cúng dường xây dựng Quan Âm Các và một số tiền để làm từ thiện cho bà con quanh vùng còn khó khăn, nghèo khổ. Sư cô Diệu Nhân rất vui vì có duyên lành được gặp một người giàu lòng nhân ái muốn giúp đỡ, chia sẻ cùng những người nghèo khổ. Sư cô có cảm nhận bà Trâm là một người đàn bà rất đặc biệt mà cô chưa từng gặp; khiến cô vừa gặp đã cảm thấy quyến luyến, mến thương - một tình cảm mới mẻ mà chính cô cũng không hiểu nổi.
Sư cô Diệu Nhân muốn mời bà Trâm ăn cùng cô bữa cơm chiều đạm bạc vừa tỏ lòng quý mến, vừa muốn tìm hiểu người phụ nữ đặc biệt này. Sư cô nhìn lên gương mặt phúc hậu của bà Trâm - một nét đẹp quý phái, đoan trang, cô càng quý trọng bà nhiều hơn.
Sư cô giọng nhỏ nhẹ:
- Mô Phật! Mời cô cùng ăn bữa cơm chiều tương rau đạm bạc rồi về. Cô nhé!
Bà Trâm rất vui, nở nụ cười hiền lành, đáp:
- Cảm ơn sư cô. Được ăn cơm cùng sư cô tôi hân hạnh lắm ạ.
- Mô Phật!
Cô Hai dọn cơm ra bàn, mọi người cùng ngồi xuống. Sư cô Diệu Nhân bới chén cơm đưa cho bà Trâm. Giọng lễ phép:
- Mời cô!
Bà Trâm đưa hai tay đỡ chén cơm, cảm ơn sư cô rồi mời cô Hai cùng sư cô ăn cơm. Bữa cơm chỉ có bát canh rau trồng trong vườn nấu với nấm, món đậu kho, rau lang luộc chấm với nước tương tự làm; vậy mà bà Trâm cảm thấy rất ngon, chưa bao giờ bà thấy bữa cơm chay nào ngon miệng như hôm nay. Bà Trâm cứ xuýt xoa khen làm sư cô và cô Hai vui lắm. Bữa cơm hôm nay sẽ luôn là một kỷ niệm khó quên của cả ba người.
Ăn cơm xong bà Trâm xin địa chỉ và số điện thoại của sư cô Diệu Nhân để liên lạc gởi tiền, rồi xin phép ra về.
Tiễn bà Trâm ra khỏi cửa chùa, sư cô Diệu Nhân nhìn theo bóng bà Trâm xuống đồi cho đến khi khuất hẳn.
Nắng chiều chỉ còn vương vãi trên những ngọn cây cao vài vệt sáng, vàng vọt. Hoàng hôn bắt đầu buông nhanh - một màu đỏ ửng phía chân trời xa rồi tím sẫm dần.
Sư cô Diệu Nhân quay lại bước vào sân chùa hít thở nhẹ nhàng, nghĩ đến thời kinh công phu buổi tối thường ngày.
Tiểu Nguyệt

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt