TIỂU NGUYỆT
Một Ngày Dài Một Đời Người
Chương 7
Chương 7
CHUNG NIỀM MƠ ƯỚC
Sư cô Diệu Nhân tụng xong hồi kinh công phu buổi tối, thong thả bước ra trước sân vươn vai, hít thở bầu không khí đêm dịu mát của đồi núi tĩnh mịch. Trăng mười sáu vằng vặc, chênh chếch hướng đông trên cao, tỏa ánh vàng soi rọi từng vòm cây, kẽ lá như len lỏi vào tâm hồn cô, mang theo luồn gió trong lành. Một cảm giác an nhiên, hoan hỉ tràn ngập trong lòng cô, khi cô chợt nghĩ đến “Quan Âm Các” sẽ được xây dựng nay mai trước khoảng sân rộng này; và cũng là nơi để quý đạo hữu hướng về, như một chỗ dựa an ổn cho người dân vùng đồi núi còn nhiều khó khăn, nghèo khổ.
Cô Hai từ nhà sau bước ra, giọng nhỏ nhẹ:
- Thưa sư cô! Khi chiều sư cô lên rẫy, có cô Lành ở xóm Chợ đến nhờ sư cô đọc kinh hộ niệm cho mẹ cô ấy sắp ra đi. Vậy tối nay sư cô có đến nhà cô Lành không?
Sư cô Diệu Nhân hỏi lại - giọng dịu dàng:
- Sao cô Hai không nói sớm?
- Dạ! Tui để sư cô trì kinh tối xong đã.
Sư cô Diệu Nhân vội vã quay vào trong gọi cô Út - cô gái trạc mười hai tuổi vừa được sư cô nhận vào tu học ở chùa mấy tháng nay, con của một gia đình nghèo đông con ở xóm dưới cùng đi. Sư cô Diệu Nhân khoát cái túi vải mang lên vai, cùng cô Út dắt chiếc xe đạp ra sân.
Sư cô quay lại dặn cô Hai:
- Tôi và cô Út qua xóm Chợ chưa biết khi nào về. Người ta có việc cần mình giúp phải đi ngay không thì chậm trễ. Cô Hai nghỉ trước đi nhé!
- Dạ! Sư cô đi cẩn thận, đường sá lở lói hết coi chớ sụp ổ gà, ban đêm khó thấy đường mà tránh cô à!.
Sư cô Diệu Nhân cười khẽ:
- Trăng mười sáu mà cô Hai, sáng lắm, không sao đâu. Cô Hai nghỉ trước đi đừng chờ tôi kẻo mất ngủ, bệnh đó.
- Sư cô đi nhé!
Sư cô Diệu Nhân và cô Út xuống đồi.
Cô Hai nhìn theo sư cô Diệu Nhân đạp xe chở học trò xuống đồi dưới ánh trăng vàng nhạt, mờ ảo; lòng nghĩ thương sư cô, hễ ai nhờ việc gì bất kể ngày đêm, đều mang túi xách lên vai, đạp xe đến ngay không chút ngần ngại. Lúc nào cô Hai cũng thấy sư cô vui vẻ, tươi cười dù lên rẫy cuốc cỏ, trỉa đậu, trỉa bắp hay băng đèo, lội suối đến tận vùng xa khi có người cần giúp. Mùa lên, thu được ít đậu, ít bắp, ít lúa, nghe ai không có gạo ăn cũng san sẻ, sớt chia. Bữa ăn của sư cô thường chỉ rau củ tự trồng, tự ủ lấy nước tương, tự làm đậu miếng mà dùng, ít khi mua gì ở ngoài chợ. Nhiều kh, cô Hai thấy sư cô xanh xao, gầy yếu, gợi ý với sư cô mua ít thuốc bổ uống cho có sức mà làm việc; nhưng sư cô chỉ mỉm cười trả lời - được làm Phật sự, được hít thở bầu không khí trong lành là liều thuốc bổ mầu nhiệm nhất đối với cô rồi.
Tháng trước có vợ chồng ông Nam, trước kia ở đây nay sống ở Đắc Lắc về thăm quê cúng dường chùa Khải Tâm hai chục triệu đồng. Sư cô để lại vài triệu để chi phí mua hương đèn, trái cây cúng Phật; còn bao nhiêu sư cô mua gạo phân phát cho bà con nghèo khổ quanh vùng. Cô Hai thấy vậy liền can ngăn: “Tiền này vợ chồng ông Nam cúng cho chùa để sư cô làm Phật sự. Sao sư cô phân chia hết đi?”. Sư cô thản nhiên trả lời: “Nhiều người còn nghèo khó cần giúp đỡ, chia sẻ nhau hạt gạo, bát cơm, cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ cũng là một việc Phật sự cần làm đó cô à!”. Cô Hai nghe sư cô nói vậy liền hiểu ra, việc làm nào mang lại niềm vui, giảm bớt khổ cho người khác đều là cần thiết cho người con Phật.
Mỗi mùa đông về, sư cô Diệu Nhân thường hay bị cảm lạnh, trở chứng ho kéo dài. Những cơn nóng lạnh hành hạ sư cô ngày càng xanh xao, gầy yếu; nhưng sư cô gắng vượt qua hết mùa đông, thời tiết ấm áp là bệnh lui giảm. Thấy cô Hai lo lắng cho sức khỏe của mình, sư cô thường nói đùa: “Đó chỉ là căn bệnh “thời tiết” thôi không đáng ngại, lo cho cô Hai ấy, tuổi già sức yếu, chứ tuổi trẻ như tôi có gì mà lo đâu”. Cô Hai thường chỉ lắc đầu thương cảm, lo cho sức khỏe của sư cô không đủ để gánh vác Phật sự lâu dài mà thôi, khi biết sư cô chỉ lo cho người khác, không bao giờ sư cô lo gì cho bản thân mình ngay cả bệnh đau.
Nói về cô Út. Mấy tháng trước sư cô đến nhà bà Hạnh - mẹ của An, để tụng kinh hộ niệm, giúp bà lo ma chay cho chồng vừa mới mất ở xóm dưới. Sư cô thấy bà có những năm đứa con, mà đứa nào tuổi cũng còn khờ dại, chưa có đứa con nào phụ giúp được gì trong công việc làm để kiếm sống. Bà Hạnh muốn cho bớt một đứa nếu có người nhận nuôi, chứ một mình bà không thể nào nuôi nổi cả năm đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Sư cô nhìn thấy bé An hiền lành, đáng thương liền nói với bà Hạnh muốn nhận nuôi bé An. Bà Hạnh mừng rỡ, liền cho con gái theo sư cô Diệu Nhân về chùa, để sư cô nuôi dạy và cho đi học. Sư cô Diệu Nhân thường gọi bé An là cô Út - tên thân mật thường gọi hằng ngày.
Cô Hai nhìn theo hai thầy trò của sư cô Diệu Nhân cho đến khi không còn nhìn thấy được nữa mới trở vào. Ngang qua khoảng sân rộng, cô Hai đứng lại ngắm nhìn lần nữa, chỗ mà sư cô dự định sẽ xây Quan Âm Các. Cô Hai nghĩ trong lòng, Quan Âm Các mà xây chỗ này thì rất thích hợp và chắc đẹp lắm. Cô Hai nhớ nghĩ lại trước đây, sư cô Diệu Nhân thường đi một vòng quanh chùa sau hồi kinh công phu khuya và tối, rồi đứng trước sân trầm ngâm một hồi lâu. Nhiều lần cô Hai thấy vậy, liền hỏi:
- Dường như sư cô có điều gì suy nghĩ?
Sư cô Diệu Nhân vui vẻ:
- Tôi có ước nguyện sẽ xây dựng một “Quan Âm Các” ở chỗ này cô à. Mẹ Quan Âm đứng trên một hồ sen, tay cầm bình Cam lồ tưới cho vùng này được an lành, người dân nơi đây được cứu khổ, cứu nạn; không biết khi nào thì nguyện ước có đủ duyên?
Cô Hai đồng tình:
- Tui cũng có ước mong như sư cô. Thành tâm thì duyên lành đưa đẩy sẽ xây dựng được thôi cô.
- Tôi cũng nghĩ như vậy.
Cô Hai cảm thấy vui mừng khi biết rằng duyên lành đã đến, đưa đẩy bà Trâm đến đây cúng dường cho sư cô Diệu Nhân xây dựng Quan Âm Các như ước nguyện bấy lâu. Rồi một ngày không xa, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng một Quan Âm Các sáng ngời ánh hào quang, ban sự an lành cho bà con quanh vùng núi đồi hẻo lánh, nghèo khó này.
***
Sau một tháng giữ đúng lời hứa, bà Trâm liên lạc gởi tiền về cho sư cô Diệu Nhân xây dựng Quan Âm Các. Sư cô Diệu Nhân thuận theo duyên lành, lo đi đặt tượng Mẹ Quan Âm, gọi thợ xây một cái hồ để trồng sen. Sư cô tất bật chạy tới chạy lui chỉ dẫn cho thợ làm theo ý của mình vừa lo việc ruộng rẫy; sư cô ốm yếu lại càng ốm yếu hơn, trông sư cô như cái bóng thoắt đi, thoắt về nhanh nhẹn, linh hoạt. Dường như niềm hoan hỷ về sự thành tựu Quan Âm Các đã thêm sức mạnh cho Sư cô mỗi ngày.
Hơn mười ngày hồ sen phía trước, nơi đặt tượng đã xây xong. Sư cô cùng một số Phật tử lấy bùn từ một cái đầm cách chùa gần cây số mang về bỏ vào trong hồ, rồi trồng hai loại sen hồng và trắng. Tượng Mẹ Quan Âm đã được chọn ở cửa hàng “Tranh Tượng, Pháp Khí” thành phố , chờ ngày tốt cung thỉnh về, đặt lên hồ đã xây bệ sen sẵn. Sư cô dự định mùng một tháng bảy sẽ làm lễ khánh thành “Quan Âm Các”.
Sư cô Diệu Nhân gởi giấy mời đến quý Chư tôn đức, quý Phật tử, đạo hữu các chùa trong xã đến dự lễ khánh thành vào ngày đầu tháng bảy. Sư cô không quên mời bà Trâm, người có tâm thành cúng dường xây dựng Quan Âm Các. Nhận được tin vui bà Trâm hứa sẽ về Việt Nam, có mặt đúng trong ngày vui cùng sư cô Diệu Nhân và quý đạo hữu, Phật tử chùa Khải Tâm.
Tượng Quan Âm đã được chở về an vị trước ngày lễ khánh thành nửa tháng. Buổi tối, sau khi tụng kinh xong, sư cô Diệu Nhân ra trước sân ngắm nhìn tượng mẹ Quan Âm lòng bồi hồi xúc động. Uớc nguyện bấy lâu nay đã thành hiện thực. Sư cô cảm nhận đôi mắt của Ngài thật hiền lành, bao dung, chứa cả biển tình thương bao la vô bờ bến, với mười hai lời đại nguyện. Ánh mắt ấy như sưởi ấm, chia sẻ, chở che những cuộc đời côi cút, lạnh lẽo, bất hạnh, truân chuyên như sư cô. Trong niềm xúc động mênh mang của niềm hỷ lạc, sư cô Diệu Nhân chợt nghĩ về mẹ mình - một người mẹ đã xa thật xa chỉ còn trong trí nhớ mơ hồ, như chiếc bóng bị sương mù vây phủ. Có lúc cô thấy thấp thoáng mẹ hiện về trong một tối mùa đông lạnh lẽo hay một sáng đẹp trời nào đó, cùng đùa vui với cô. Cô cười thật to, hạnh phúc như vỡ òa, nhưng rồi chợt thức giấc, tiếc cái giây phút hạnh phúc ngọt ngào ấy trôi qua nhanh và ước được gặp mẹ lần nữa, dù là trong giấc mơ.
Cô Hai từ nhà sau đi ra, lại bên sư cô, giọng nhẹ nhàng:
- Sư cô vào nằm nghỉ cho khỏe, cả ngày bao nhiêu là việc, đứng ngoài trời sương xuống lạnh dễ bị cảm lắm.
Sư cô Diệu Nhân giật mình, đưa tay lau nhanh khóe mắt, quay lại, mỉm cười:
- Cảm ơn cô Hai! Tôi chiêm ngưỡng pho tượng Quan Âm một chút rồi vào liền.
Nhìn thấy sư cô Diệu Nhân lau nước mắt, cô Hai - giọng xúc động:
- Tui biết sư cô đang nhớ cha mẹ, một người con hiếu thảo như sư cô nhớ người sinh thành ra mình là điều đương nhiên rồi; nhưng cô phải nghĩ đến sức khỏe, đến những việc cần làm đừng u buồn quá sẽ bị bệnh đó. Mẹ sư cô đã ra đi từ lâu lắm rồi, xin cô đừng ưu phiền nữa. Sư cô vào nghỉ đi nhé! Còn phải lo nhiều việc trước ngày khánh thành nữa đấy.
- Dạ! Tôi hiểu rồi. Cảm ơn cô Hai đã quan tâm nhắc nhở. Tôi coi cô Hai như mẹ tôi vậy, cô Hai vui là tôi vui. Cô Hai cũng giữ sức khỏe để còn lo giúp tôi nữa đấy nghen.
- Dạ! Tui cũng vậy sư cô à! Cô mà bệnh là tui lo lắm đó.
Sư cô Diệu Nhân vui vẻ:
- Cô Hai thấy “Quan Âm Các” đẹp không? - nói rồi, sư cô tự trả lời, mầu nhiệm lắm phải không cô Hai? Tôi rất vui vì ước nguyện được như ý. Khải Tâm thật có duyên lành phải không cô?
Cô Hai cười thật tươi:
- Phải nói là sư cô rất có duyên với bà Trâm thì đúng hơn. Một người phụ nữ nhân hậu, giàu tình thương, ở đời này khó có người như vậy lắm.
Sư cô Diệu Nhân đồng tình:
- Tôi cũng nghĩ như cô Hai vậy. Tôi rất quý trọng bà Trâm. Bà hứa chắc là sẽ về đúng ngày, cô Hai à!
- Bà Trâm về thì vui quá phải không cô? Thôi, sư cô vào nghỉ đi nhé! Tối nay sương xuống nhiều quá, sương đã thấm lạnh rồi coi chừng chớ bị cảm đó.
- Bà ấy về, tôi rất vui.
Sư cô Diệu Nhân cùng cô Hai vào nhà sau. Cô Út lo quét dọn, giăng mùng giúp cho thầy, rồi vui vẻ đi vào phòng riêng của mình.
***
Bà Trâm đã không về dự lễ khánh thành Quan Âm Các như đã hứa với sư cô Diệu Nhân khi nhận được lời mời. Trước ngày tổ chức chào đón Chư tôn đức hội về chùa, sư cô Diệu Nhân bồn chồn lo lắng về sự chậm trễ của bà Trâm, mà cô không hề hiểu lý do. Sư cô thẩn thờ hết trông ra cổng chùa, lại kêu cô Út đạp xe đi dọc theo con lộ Bảy dò hỏi. Sau vài lần hỏi thăm tin tức về bà Trâm mà sư cô Diệu Nhân im lặng không trả lời, cô Hai cũng luôn thấp thỏm trông chờ. Niềm vui của sư cô Diệu Nhân và cô Hai chừng như chùng xuống về sự vắng mặt bất ngờ của bà Trâm. Buổi tối, trong thời kinh, sư cô Diệu Nhân cũng đã nguyện cầu an lành cho bà Trâm.
Buổi lễ khánh thành Quan Âm Các chùa Khải Tâm đã được Chư tôn đức tăng ni, Phật tử hoan hỷ đến tham dự cầu nguyện vào sáng ngày Mồng Một rất đông. Quang cảnh ngọn đồi giữa rừng cây yên tĩnh hằng ngày như bừng sáng, reo vui khác thường. Nhưng sự thiếu vắng bà Trâm không sao làm vơi nỗi buồn lo của sư cô Diệu Nhân và mọi người quanh chùa.
Hơn một tuần lễ sau ngày khánh thành Quan Âm Các, ông Tư - chồng bà Trâm, mới được xuất viện về nhà. Bà Trâm vội thu xếp mọi việc chăm sóc ông Tư để trở về quê thăm chùa Khải Tâm và Quan Âm Các dù đã quá trễ. Bà luôn cảm thấy ray rứt vì sai hẹn, có lỗi với sư cô Diệu Nhân, cô Hai nhân ngày vui trọng đại mà tất cả đã mong chờ.
Bà Trâm đoan đả bước vào cổng chùa, đã nghe tiếng cô Hai vang lên từ góc sân:
- Bà Trâm, bà Trâm về rồi sư cô ơi!
Sư cô Diệu Nhân từ chánh điện bước vội ra:
- Chào cô! Cô mới về? Cô có việc gì không an vậy?
Bà Trâm cúi nhìn mấy khóm hoa trong hàng chậu kiểng trưng bày dọc lối đi hôm làm lễ. Giọng bà trầm buồn:
- Xin lỗi sư cô!
- Cô về thăm được là vui rồi! Cô không có lỗi gì đâu - sư cô Diệu Nhân ngập ngừng, nhưng cô đang có chuyện gì?
- Chồng tôi phải nhập viện cấp cứu, nằm lại gần mười hôm. Hơn một năm nay, ông ấy thường bị bất tỉnh như vậy.
- Hôm nay đã khỏe hẳn chưa mà cô về?
- Mô Phật! Đã ổn định rồi cô ạ. Tôi xin phép đến thắp hương Quan Âm Các, thưa cô!
- Mô Phật. Mời cô!
Bà Trâm đứng im, sửng sờ nhìn pho tượng Quan Âm cao, lặng lẽ trên đài sen mầu hồng, cảm thấy như bà đã gặp được ở đâu đó rồi. Phân vân giây lâu, bà Trâm cúi rút ba nén nhang thắp hương, chắp tay trước Mẹ Quan Âm lâm râm cầu nguyện. Bà có cảm giác ánh hào quang của mẹ Quan Âm như phủ xuống người bà, làm toàn thân bà rúng động. Bà tiếp nhận nguồn năng lượng từ đầu, rồi lan dần đến khắp cơ thể; cảm thấy lòng mình thật an tĩnh, hạnh phúc. Bà nghĩ, mẹ Quan Âm đã cảm thấu nỗi niềm trong lòng bà, và niềm tin tưởng sẽ tìm được Uyên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mẹ Quan Âm cứu khổ, cứu nạn sẽ dẫn dắt cho bà được gặp Uyên, gia đình sum họp. Đó là điều tâm nguyện lớn nhất của bà trong cuộc đời này.
Trong bữa cơm trưa nơi hiên chùa, bên cạnh sư cô Diệu Nhân, bà Trâm, cô Hai, còn có cô Út. Sư cô Diệu Nhân vui vẻ giới thiệu với bà Trâm về cô Út.
- Đây là cô Út mới về chùa được năm, sáu tháng đó cô.
Bà Trâm cười tươi:
- Mô Phật! Có thêm người cho vui chứ một mình sư cô và cô Hai tôi thấy đơn chiếc quá!
Út bẻn lẽn cười, liếc nhìn bà Trâm với vẻ ngượng ngùng nhưng thân thiện. Bà Trâm cho biết, bà sẽ ở lại chùa thăm chơi hai hôm, trước khi đi có việc như thường lệ.
Mấy hôm nay trời trở lạnh, sư cô Diệu Nhân bỗng thấy hơi khó thở, trong đầu đau riêm, chao đảo nhưng cố gượng bình tĩnh, vui vẻ với bà Trâm:
- Mô Phật. Có cô Út cũng vui đó cô. Cảm ơn cô nhiều lắm, đã giúp cho chùa và bà con nơi đây niềm vui ước nguyện, có được Quan Âm Các.
Bà Trâm khiêm tốn:
- Mô Phật! Tôi phải cảm ơn sư cô thì đúng hơn. Nhờ có sư cô tôi mới có được một việc làm có ý nghĩa.
Sư cô mỉm cười, giọng nhẹ nhàng:
- Mô Phật. Cầu chư Phật độ trì cho cô và gia đình được khỏe mạnh, an vui.
Buổi tối, sau thời kinh cầu nguyện cho gia quyến bà Trâm, sư cô cảm thấy trong người nóng hầm hập, vội uống liều thuốc cảm. Một lát cô thấy khỏe dần và ngủ quên một giấc. Gần sáng thân nhiệt của sư cô lại tăng cao đột ngột, cô cảm thấy buồn nôn, người mỏi rũ rượi không ngồi dậy được. Bà Trâm vội gọi xe đưa sư cô nhập viện và đi theo bên cạnh sư cô Diệu Nhân. Bà Trâm nơm nớp lo lắng cho bệnh tình của sư cô, vốn đã mong manh, gầy yếu lại trải qua bao bất hạnh.
Nhìn sư cô Diệu Nhân nằm im thiêm thiếp, đôi mắt khép kín đang chờ đợi sự sống theo từng giọt nước nhỏ xuống từ bình serum treo lủng lẳng ở đầu giường; bà bỗng thấy lòng mình đau nhói, nguyện ở lại chăm sóc sư cô cho đến ngày xuất viện. Bà Trâm nhúng khăn vào nước ấm lau mặt, tay chân cho sư cô giảm sốt suốt ngày. Bà đút cho sư cô từng muỗng sữa, muỗng cháo, tự tay bà pha, bà nấu.
Sư cô Diệu Nhân cảm thấy mình rơi tự do vào khoảng không vô tận. Cô chới với, vùng vẫy, nhưng càng vùng vẫy cô thấy mình như rơi nhanh hơn làm cô hoảng hốt, sợ hãi. Và rồi cô cảm thấy có một bàn tay mềm mại xoa dịu vào người cô. Một cảm giác dễ chịu, mát mẻ lan rộng khắp cơ thể. Sư cô tỉnh dần, mở choàng đôi mắt ngạc nhiên nhìn thấy bà Trâm đang ngồi cạnh giường nhúng khăn vào nước ấm lau cho cô. Sư cô thoáng nghĩ, bàn tay của bà Trâm sao mà êm ái, nhẹ nhàng; và cô thấy lòng rưng rưng, tưởng nhớ đến người mẹ đã mất thuở nào xa lắc. Người mẹ mà suốt đời này không bao giờ phôi pha cái giây phút cuối cùng ấy, khiến cô đau đớn nhớ mãi.
Sư cô Diệu Nhân cầm bàn tay của bà Trâm, giọng chùng thấp:
- Mô Phật! Cảm ơn cô! Cô như người mẹ thứ hai của tôi vậy.
Thấy sư cô Diệu Nhân đã tỉnh, gương mặt trở nên tươi sáng, bà Trâm mừng rỡ:
- Mô Phật! Sư cô đã tỉnh rồi? Cảm ơn chư Phật đã độ trì.
- Cô cũng nằm xuống nghỉ một lát đi, vất vả cho cô quá!
Bà Trâm vui vẻ:
-S Sư cô tỉnh lại là tôi mừng lắm rồi, tôi không sao đâu, thưa cô!
Bà Trâm nhìn sư cô Diệu Nhân lòng lưu luyến không muốn xa rời. Bà nghĩ đến Uyên, biết đâu ở nơi chốn nào đó, con gái bà cũng được người giúp đỡ, yêu thương như bà đang chăm sóc, yêu thương sư cô Diệu Nhân ở nơi đây. Bà Trâm mỉm cười lòng tràn đầy niềm vui, bừng sáng thêm niềm hy vọng trong những ngày tháng tới.
Bệnh viện về đêm trông yên tĩnh, mênh mông.
Bên dòng sông Tắc
Tiểu Nguyệt