TIỂU NGUYỆT


Một Ngày Dài Một Đời Người
(Truyện Dài)

 
CHƯƠNG BA
 
TÌNH QUÊ CHUNG MỘT TẤC LÒNG
 
Kim Trâm thức dậy sớm, gánh gánh rau muống chạy ra chợ bỏ sỉ cho những người bán rau ngoài chợ rồi vội vã về nhà, thì vừa nghe tiếng kẻng của đội sản xuất Hợp Tác Xã vang lên. Tiếng kẻng báo giờ như hồi chuông thúc giục báo ngày mới lao khổ. Chị quen dần với hồi kẻng khô khan, nặng nề ấy. Nhớ những ngày đầu, hễ mỗi lần nghe tiếng kẻng, chị hồi hộp, lo sợ; bởi chị phải bắt đầu cuộc sống xa lạ - tất cả đều xa lạ, không như tiếng kẻng trường học êm đềm, trong trẻo, reo vui ngày nào. Chị bỏ đôi gióng vào chái bếp rồi khoát vội chiếc áo dài tay vừa đi vừa nói với bà Chín:
- Mẹ cho giùm cháu ăn, con đi làm chớ trễ rồi.
- Để đấy mẹ lo cho. Ăn chén cơm nguội rồi đi làm còn cơm mà con.
- Dạ! Trễ rồi mẹ, người ta đánh kẻng rồi mình ra trễ họ nói.
Bà Chín thở dài:
- Tội nghiệp con tui. Một mình đầu tắt mặt tối, bữa nào cũng bỏ ăn sáng, còn sức đâu mà làm nữa con ơi!
- Dạ không sao đâu mẹ. Con quen rồi.
Kim Trâm đến trường Bình Dân (nơi tập trung đi làm) thì thấy bà con xã viên tập trung gần đủ chờ ông Hào - đội trưởng đội 2, dẫn đi làm. Ông Hào hiền lành, làm nghề sửa xe đạp, trước là lính “nghĩa quân ma” ở xã, được bà con tín nhiệm, gần gũi.
Một lát ông Hào tới tay cầm quyển sổ ghi chép. Ông nói:
- Bà con tới đông đủ chưa? Tui đọc tên, ai có mặt giơ tay nói “có” để tui ghi công, ai có mặt mà không lên tiếng mất công ráng chịu đó nghen.
Mọi người cười “ồ” khi nghe bà Hưởng nói:
- Không sao. Ông mà ghi thiếu tên tui là tui xách gói qua nhà ông nằm chờ đòi, thử ai thiệt hơn ai là biết liền.
Ông Hào cũng không vừa đáp trả:
- Thì bà cứ mang gói qua mà chờ, tui mừng nữa là khác.
Mọi người cười rộ lên như ong vỡ tổ.
Ông Hào đọc tên, ghi công điểm rồi dẫn xã viên ra đồng. Bà con xã viên rất mến ông Hào bởi ông vui tính lại bênh vực quyền lợi cho xã viên, luôn giúp đỡ những xã viên neo đơn, khó khăn. Ông luôn ứng lúa đầu mùa cho bà con thiếu ăn. Nhiều lúc ông ngó lơ, khi thấy ai đó hốt lúa giấu trong nón, trong thau, coi như ông không thấy.
Chồng bà Hưởng chết năm 1968, thấy ông Hào sống đơn chiếc, chất phác, (vợ đã bỏ theo người khác sau 1975) nên đem lòng yêu thương; nhưng ông Hào e ngại, sợ hai đứa con ông buồn. Ra đồng mọi người hay nói đùa, ghép đôi ông với bà Hưởng; ai cũng cười vui cho quên hết mệt nhọc.
Mấy hôm nay cả đội lo cấy mấy đám ruộng “rộc”, vì ngập nước không gieo sạ được. Đàn ông lớp đi nhổ mạ, lớp gánh về cho phụ nữ cấy. Kim Trâm từ nhỏ chỉ lo ăn học rồi may vá, việc đồng áng có cha mẹ lo; nay phải ra đồng khom lưng cả ngày, chị thấy cái lưng như muốn còng xuống. Thấy chị không biết cấy, lơ ngơ; mấy cô, dì trong đội thấy thương liền tập cho chị cấy lúa. Họ chỉ rất nhiệt tình “Đứa nào không biết cấy, thì phải tập cấy. Mỗi đứa đi “hai con” thôi, không “năm con” như mấy dì đâu. Tụi con xuống lối đi trước, đứa nào đi không kịp tao “nhốt” ráng chịu à!”. Thế là Trâm cùng những ai chưa biết cấy xuống lối đi trước; chỉ hai con mạ thôi mà luôn bị các cô, dì rượt chạy không kịp. Nhưng rồi được một, hai buổi là ai cũng cấy kịp, không bị “nhốt” ở giữa lại nữa.
Sau một ngày quần quật ngoài ruộng, buổi tối nằm xuống Trâm nghe hai chân mỏi rã rời, cái lưng đau riêm âm ỉ không nằm yên với một tư thế nào. Những ngày đầu làm gì chị cũng thấy mỏi, thấy đau. Dặm lúa chị kêu đau lưng nhất; làm cỏ đau lưng nhất; làm cái gì cũng đau nhất, không có gì đau nhì. Nhưng rồi chị cũng phải quen, thích nghi dần việc gì cũng có mặt, từ nhổ cỏ, dặm lúa, cấy lúa, cắt lúa; ai cũng khen chị kiên nhẫn, giỏi giang, sáng trí.
Mỗi ngày đi làm được tính mười điểm. Hết vụ cộng dồn công điểm lại, rồi bình quân tổng sản lượng chia cho tổng số điểm của toàn xã viên trong hợp tác xã mà tính cho từng hộ. Nhà nào cũng có hai, ba lao động chính; còn nhà chị chỉ mỗi mình chị, nên chị ráng đi làm dù mỏi mệt, đau nhức không dám nghỉ để có công điểm, tới mùa may ra có ít hột lúa ăn giáp hạt.
Để kiếm thêm thu nhập chị nuôi mười mấy con gà lấy trứng cho con ăn; và trong chuồng lúc nào cũng có hai con heo để bán gom tiền đi thăm nuôi anh. Chị còn trồng đám rau muống trong vườn để có rau ăn hằng ngày, kiếm tiền mắm muối, lại làm thức ăn cho heo. Chiều tối sau khi cơm nước xong, chị phải tát nước cho rau rồi mới đi ngủ. Thằng Toàn chờ mẹ lâu quá có khi ngủ quên rồi chị mới tát nước xong.
Những ngày mùa chị tất bật hơn, ứng lúa gánh về một mình còn phải phơi, sàng sảy, giê lúa nữa. Làm cả ngày vậy mà đến tối nằm xuống chị khó lòng ngủ yên được; bởi luôn thương chồng, nhớ con và những lo toan trăn trở cho ngày mai. Hình ảnh bé Uyên luôn chập chờn trong giấc ngủ chị, nhiều đêm đang ngủ chị hét lớn: “Uyên ơi! Uyên ơi!”, làm bà Chín giật mình, đau đớn chạy qua lay gọi cho chị tỉnh giấc.
Sức khỏe bà Chín ngày càng yếu đi, đôi mắt bà càng mờ hơn. Những ngày rằm, mùng một bà luôn về chùa đọc kinh cầu nguyện cho con trai mau trở về, cháu nội được tìm thấy. Sự hy vọng đã giúp bà có thêm sức sống, niềm tin để chờ đợi và vượt qua bệnh tật sống cùng con cháu, trong những ngày tháng tối tăm, gian khổ.
Buổi tối được tạm yên, mẹ con bà Chín thường ngồi trước hiên đón gió nồm, chờ trăng lên nói chuyện chơi một chút rồi mới đi ngủ.
Tiếng “ông Hai a lô” vọng từ ngoài đường lớn dần vào con đường trước mặt nhà. Giọng ông rõ to:
- A lô, a lô! Bà con trong đội sáng mai đúng bảy giờ tập trung về Hợp tác xã mua bán để mua dầu lửa. Mỗi hộ được hai lít, mang chai, lọ theo mà đựng. A lô, a lô!
Bà Chín thở dài:
- Trước kia muốn mua bao nhiêu thì mua, bây giờ chờ mỏi cổ cả mấy tháng mỗi hộ được hai lít.
Kim Trâm cười nhẹ:
- Phải sắp hàng chờ cả buổi mới được hai lít đó mẹ à!
- Khổ phải chịu chứ biết sao giờ con? Người ta cho mua bao nhiêu hay bấy nhiêu, còn hơn không có.
Tiếng bà Dư vọng vào từ ngõ:
- Ông Hai A lô ơi! Hai lít mà làm gì hả ông? Ít ra phải năm lít chớ! Đã hai, ba tháng mới được mua mà ông.
Tiếng Ông Hai khàn khàn:
- Thì bà con tiết kiệm chứ biết sao giờ. Thông báo đưa xuống đội, tui đi a lô cho mọi người hay để mang chai lọ đủ đựng thôi. Thôi tui đi nghen bà Dư - giọng ông Hai lại gắng cất cao, “A lô! A lô! Bà con trong đội sáng mai đúng bảy giờ tập trung về hợp tác xã mua bán để mua dầu lửa. Mỗi hộ hai lít, mang chai lọ theo mà đựng. A lô, a lô!”.
Bà Dư từ ngõ lửng thửng vào, vừa đi vừa lầm bầm:
- Hai, ba tháng mà cho mua có hai lít, thiệt là! - Mới tới sân, bà đã gọi lớn, giọng rổn rảng, chị Chín đâu rồi? ăn tô cháo lươn cho mát bụng rồi ngủ chị ơi.
Bà Chín ngồi trên chiếc chõng tre ngoài hiên, cười hiền:
- Tui đây chớ đâu bà Dư. Người ta bán mấy lít thì mình mua mấy lít, biết sao giờ. Lươn ở đâu mà nấu cháo ngon vậy bà Dư?
Bà Dư đặt tô cháo trên chiếc kệ nhỏ, gọi Trâm:
- Trâm! mày lấy cho má mày cái muỗng cho bả ăn tô cháo. Lươn thằng Khải đặt ống trúm được mấy con đó chị, ăn đi rồi ngủ cho khỏe - bà chép miệng, thì họ bán bao nhiêu mình mua bấy nhiêu chứ sao chị. Nhưng mà tui nói vậy để ổng nói lại ý kiến của bà con, ở trển xét lại chớ. Không điện đuốc gì ráo trọi, mỗi chút dầu để thắp, mà thiếu lên thiếu xuống.
- Thôi kệ, được bao nhiêu hay bấy nhiêu - bà dặn Trâm, lấy thêm cái chén mẹ múc cho thằng Toàn ăn với nghen con. Tội nghiệp thằng nhỏ, cả ngày không có chút gì ngon để ăn.
Kim Trâm “dạ”, vội xuống lấy chén muỗng mang lên cho mẹ.
Bà Dư nhìn Trâm, giọng thương xót:
- Hổm nay thằng Tư có thư về không cháu? - quay qua bà Chín, đêm hôm tui mơ thấy nó về chị Chín ơi! Chắc nó sắp về rồi đó.
Bà Chín vồn vã:
- Bà mơ sao hả bà Dư? Nói lại tui nghe coi.
- Thì tui thấy nó về chớ sao. Nó ốm và đen hơn trước kia nhiều, nhưng tôi cũng nhận ra nó; gần bốn năm rồi còn gì, phải không chị Chín?
Kim Trâm giọng xa vắng:
- Dạ, cháu mới đi thăm tháng trước, nghe ảnh nói gần tết có đợt xét cho về, hổng biết ảnh có được xét không? Gần bốn năm rồi đó bác Dư. Hơn một ngàn bốn trăm ngày…
- Nhanh thật. Mới đấy mà muốn bốn năm rồi, chắc nó sắp về đấy cháu, nó có làm gì tàn ác đâu?. Tội nghiệp! - bà Dư nói rồi đứng dậy, thôi tui về nghen chị Chín, bác về nghen Trâm.
Trâm “dạ”, rồi lấy chén cháo từ bà Chín đút cho con trai ăn. Chị nói với bà Chín:
- Sáng mai con gánh rau muống ra chợ rồi vô hợp tác xã mua bán mua dầu lửa xong mới về, nghen mẹ!
- Ừ! Mẹ biết rồi. Nhà mình cũng hết dầu lửa gần cả tuần nay, may mà họ bán đúng lúc không thì nhà cửa tối thui hoài.
Tiếng “ông Hai a lô” nhỏ dần, nhỏ dần ở xóm trước.
***
Nắng chiều hanh vàng chiếu xuống đường ray xe lửa nằm im lìm buồn hiu hắt. Anh Tư xuống tàu vai mang cái túi xách đựng ít vật dụng lỉnh kỉnh bước vội ra cửa ga, cắm cúi về nhà. Như chợt nhớ, anh đi chậm rãi dảo mắt nhìn ngắm làng quê đã cách xa bao năm trời. Anh thấy mọi thứ dường như không có gì thay đổi. Cũng con đường cũ, nhà cửa hai bên đường như xưa nhưng sao anh thấy vắng vẻ, lặng yên - nhuốm không khí buồn buồn, nặng nề, ảm đạm. Từ ga xe lửa về nhà chưa đầy một cây số mà anh thấy xa, xa lắm. Bước chân anh có lúc lửng thửng, lạc lõng giữa quê nhà thân yêu như đi trên con đường nào xa lạ; mặc dù chính con đường này anh đã đi qua nơi đây không biết bao nhiêu lần. Đôi lúc anh ngần ngại ngẩng lên, vì sợ bắt gặp những ánh nhìn thân quen cũ. Nghĩ đến lúc gặp lại mẹ già, vợ con, anh chợt thấy lòng bồi hồi, rưng rưng bao nỗi niềm vui buồn lẫn lộn. Được trở về bên những người thân yêu là niềm ước mơ lớn nhất của anh, trong những tháng năm lận đận ở núi rừng hay gian lao trong trại cải tạo. Quê nhà hai tiếng thân thương đang trở lại trên từng bước chân anh.
Qua khỏi cầu Bi nhìn về cái xóm nhỏ phía trước xanh xanh lũy tre làng, những mái ngói đỏ thấp thoáng; lòng anh bỗng rộn ràng, hồi hộp giục anh bước nhanh hơn để được nhìn thấy vợ con, mẹ già đang ngong ngóng chờ đợi anh trở về. Kia là dốc Dòi nơi ghi dấu tuổi thơ anh, những buổi chiều cùng đám bạn tuổi thơ quay chong chóng. Anh mỉm cười nhớ nghĩ. Xưa kia mỗi lần đi học về tới dốc Dòi, anh chạy một hơi là tới nhà. Hôm nay anh cũng muốn chạy thật nhanh như thời tuổi nhỏ, để được gặp lại những người thân yêu. Vậy mà anh lại không chạy dù rất muốn, chỉ soãi bước nhanh những bước rộn rã.
Anh Tư bước vào sân, nhìn thấy con trai đang chơi nhảy lò cò, gọi lớn - giọng reo vui:
- Toàn ơi! Lại đây với ba.
Toàn đang chơi thấy người lạ gọi mình bằng con, xưng ba sợ quá, liền chạy vào nhà núp, la lớn:
- Nội ơi! Có ông nào vào nhà mình.
Anh Tư nhìn dõi theo đôi mắt đỏ hoe, vẫy tay gọi Toàn, giọng run run:
- Đừng sợ con ơi. Ba đây mà.
Toàn mở đôi mắt tròn xoe, ngạc nhiên:
- Ba nào? Con đâu có ba.
Anh Tư lại gần, giọng thân thiện:
- Sao con không có ba chứ. Ba có việc đi xa lâu nay giờ trở về với con nè. Mẹ và nội con đâu rồi?
Cậu bé nhìn anh Tư lạ lẫm, dò xét:
- Có thiệt là ba của con không vậy? Mẹ con đang tát nước rau muống. Nội con mới thấy đó mà đâu mất rồi con cũng không biết nữa.
Anh Tư rơm rớm nước mắt:
- Thiệt mà. Ba là ba của con đây, Toàn - Anh vui vẻ nói tiếp, con là con của má Trâm, con của ba Tư. Còn nội của con là bà Chín. Thấy chưa? Ba nói đúng rồi đó.
- Ừ hen. Ông nói đúng tên hết trơn hà. Nhưng mà ba đi đâu mà tới giờ mới chịu về, bỏ mẹ con con?
Anh Tư kéo Toàn vào lòng vuốt nhẹ lên đầu, giọng thương cảm:
- Ba đi làm ăn ở xa, nhớ con lắm mà về không được.
Toàn thắc mắc:
- Ba đi làm ăn “học tập” hở ba? Con nghe nói ba học tập, con biết rồi. Vậy giờ ba về, còn có đi làm ăn “học tập” nữa không vậy?
Anh Tư ôm hôn con trai, thở dài:
- Ba về luôn, không làm ăn “học tập” gì nữa hết, ở nhà chơi với con thôi.
Toàn reo lên, mừng rỡ:
- Thiệt hở ba? Ba không làm ăn “học tập” nữa ở nhà luôn. Ôi vui quá! Để con chạy lên nói cho má biết.
Nói xong cậu bé vụt chạy ra vườn sau, miệng la lớn vui vẻ:
- Má ơi! Ba về rồi. Ba nói không đi làm ăn “học tập” nữa, ở nhà luôn. Má ơi! Má ơi!
Kim Trâm nghe tiếng con trai gọi mình, liền nói lớn:
- Gì đó con trai. Má đang tát nước gần xong rồi. Con chờ chút nghen.
Toàn vừa chạy tới giếng, thở hổn hển:
- Con nói là ba về rồi. Từ nay ba không đi làm ăn “học tập” nữa, ở nhà luôn.
Kim Trâm giật mình đang kéo chiếc “cần vọt” xuống giếng, liền thả tay; chiếc cần vọt vụt vọt mạnh lên chút xíu nữa là trúng đầu chị. Chị quay lại thấy chồng tới gần sát bên mình. Mặt chị tái mét, sững sờ nhìn anh chăm chăm cố bình tĩnh, nhưng giọng vẫn run run:
- Anh đã về.
Anh Tư bước lại ôm chị vào lòng, siết chặt.
Giọng thì thầm:
- Anh đã về, em vui rồi!
Kim Trâm run rẩy trong vòng tay chồng, nước mắt lăn dài trên má. Chị thầm nghĩ, “vậy là từ nay mình không còn đơn chiếc, không phải một mình lo toan mọi thứ nữa; không còn phải đi xa năm, sáu trăm cây số để thăm anh mỗi quý. Từ nay, mình sẽ có anh bên cạnh để san sẻ những nỗi vui buồn, sẽ có anh cùng nhau tìm kiếm con gái rồi”.
Nhớ đến Uyên chị bỗng bật khóc giọng tức tưởi, nghẹn ngào:
- Chúng ta sẽ cùng nhau tìm lại bé Uyên, anh nhé! - Trâm thở dài, em xin lỗi anh vì đã để lạc mất con gái.
Anh vẫn ôm chị trong đôi tay, xúc động:
- Anh sẽ đi tìm con, em yên tâm. Chúng ta sẽ tìm thấy bé Uyên thôi em.
Anh Tư đưa tay kéo bé Toàn lại gần, ôm cả hai mẹ con vào lòng. Anh cười mà đôi mắt đỏ hoe, tay vuốt đầu cậu bé, miệng luôn nói: “Thương quá! Thương quá!”.
Bà Chín sang nhà bà Dư về, không thấy cháu đâu, lẩm nhẩm “Thằng nhỏ mới đó chạy đâu mất rồi”, rồi gọi lớn:
- Toàn ơi! Cháu chạy đi đâu rồi? Toàn ơi!
Nghe tiếng bà gọi, cậu bé vùng ra vụt chạy về, vừa chạy vừa la lớn, vui vẻ:
- Con đây nội ơi! Ba con về rồi nội ơi! Ba con về rồi.
Anh Tư cầm tay vợ, giục:
- Mình về thôi em. Gần đủ nước chưa? Để đấy, lát nữa anh tát cho.
- Dạ đủ nước rồi anh. Thôi mình về cho mẹ mừng.
Hai vợ chồng anh Tư quay về nhà.
Toàn chạy về tới nhà, sà vào lòng bà, rối rít:
- Nội ơi, ba con về rồi. Ba con về rồi.
Bà Chín cười, bẹo má cháu:
- Ba về rồi đâu, cún con của bà? Thiệt hông đó?
Bà Chín nói vừa dứt câu bỗng thấy con trai cùng con dâu từ ngoài vườn bước vào. Bà sửng sốt nhìn con. Con bà đã trở về bằng xương bằng thịt, chứ không phải mơ màng. Giọng bà run run “Tư đó hở con?” rồi sụt sùi khóc, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo. Bà nghĩ từ đây bà có chết cũng an lòng rồi. Con bà đã trở về, đã trở về.
Anh Tư chạy lại ôm mẹ, cười mà hai giòng nước mắt ứa ra: “Con đây mẹ. Thằng Tư của mẹ đã về rồi đây. Từ nay mẹ yên tâm nhé! Mọi việc có con rồi”. Bà Chín ôm con thút thít: “Con tui đã về. Con về thiệt rồi”.
Bà Chín vừa mừng vừa tủi, nói với con dâu:
- Sáng mai làm con gà, sửa mâm cơm cúng ông bà mừng thằng Tư về nghen con. Con về mời mẹ và các em con, nhớ mời bà Dư và bà con quanh nhà mình nữa.
Kim Trâm cười vui vẻ:
- Dạ! Con biết rồi mẹ.
Buổi tối, sau khi ăn cơm xong, hai vợ chồng anh Tư xin phép mẹ qua thăm nhà mẹ vợ. Bà Hải vui mừng thấy người con rể đã về. Từ đây con gái bà đỡ vất vả, có bờ vai để tựa những lúc buồn đau, mỏi mệt, khó khăn. Kim Lan và thằng Cuội - em trai, em gái của Kim Trâm, mừng vui vô cùng; chúng nghĩ có anh là có chỗ dựa vững chắc, thay cho người cha đã ra đi hai năm trước.
Bữa cơm cúng ông bà mừng anh Tư trở về có đầy đủ người thân trong gia đình, có bà Dư, ông Hào, ông Thọ, cô Hưởng, cô Trang quanh nhà thật vui vẻ; ai cũng mừng cho gia đình bà Chín đã qua rồi những chia ly, buồn khổ dù chưa tìm được bé Uyên. Riêng Kim Trâm luôn nghĩ, con mình vẫn đâu đó trên cõi đời này đang đợi chị. Niềm tin sẽ tìm được con luôn thôi thúc chị kiếm tìm và chị tin tưởng từ nay có anh cùng tìm, sẽ gặp được Uyên thôi.
Sau đó theo quyết định chung sẽ chia ruộng cho từng hộ tự chăm sóc theo nhân khẩu. Gia đình bà Chín được nhận ba sào ruộng, tự làm và nộp thuế nông nghiệp có phần thong thả hơn, không phải ngày nào cũng ra đồng theo tiếng kẻng thúc giục, như trước nữa.
Bà Chín ngày càng già yếu, tuổi già thường hay “đổ bệnh”, mỗi lúc trái gió trở trời là đau nhức như chiếc máy đo thời tiết vậy. Nhiều lúc bà nói đùa với bà Dư rằng: “Có ai mua cái máy thời tiết này, bán quách cho rồi, để nhức mỏi không chịu được, bà Dư à!”. Bà Dư cười với bà: “Ai dại gì mua, cho không cũng hổng nhận nữa mà đòi bán”. Rồi hai bà cùng cười “bộ máy cơ thể của mình đã hết hạn sử dụng, hoạt động bảy mươi năm, rệu rạo hết rồi. Chắc sắp thành phế liệu”.
Anh Tư trở về, mọi việc đồng áng, bâm bang, gieo sạ anh đều gánh vác; anh còn làm giúp cho nhà vợ mỗi khi vãi phân bón ruộng, phun thuốc trừ sâu. Kim Trâm đỡ tay rảnh rang may vá, lo nuôi con heo, con gà và gánh rau ra chợ bán. Làm nhiều như vậy nhưng gia đình anh chị luôn thiếu trước hụt sau, bữa cơm thường đạm bạc, chỉ chút tôm cá nhỏ với rau củ trong vườn. Tiền kiếm được anh chị còn lo thuốc thang chăm sóc mẹ và lo đi tìm kiếm bé Uyên. Anh Tư rất đau lòng mỗi khi thấy Trâm nhìn một bé gái trạc tuổi Uyên thầm thì cùng anh: “con bé Uyên chắc cũng lớn như vậy rồi, anh à!”.
Dầu trước mắt còn ngổn ngang trăm bề, nhưng vợ chồng anh Tư được thỏa nguyện với ước mơ, sống cùng nhau giữa làng quê yên ả, thanh bình không còn nghe tiếng bom đạn nữa. Hạnh phúc đơn giản là vậy, nhưng vẫn còn là nỗi khổ cho bao gia đình sau cuộc chiến.
Kim Trâm vì quá thương nhớ bé Uyên nên sức khỏe có phần suy giảm. Chị dự định tháng ba này sẽ bán cặp heo, đưa anh trở lại liên tỉnh lộ bảy tìm kiếm con và sẽ chỉ cho anh thấy tận mắt nơi bé Uyên đã bị lạc mất.
Một ngày tháng ba đang đến khi loa đài đã không ngớt réo rắc, nhắc nhở những chiến công về Mùa Xuân lịch sử ấy; thì hai vợ chồng anh Tư, chị Trâm lên đường trở lại liên tỉnh lộ bảy tìm con.
Hai vợ chồng anh Tư tìm vào sâu trong xóm - nơi bé Uyên đã lạc, hỏi thăm bà con sống nơi đây về bé Uyên nhưng chẳng nhận được tin mới nào cả. Họ cho biết, cũng có nhiều người tìm kiếm người thân như anh chị, nhưng không ai tìm được. Kim Trâm thẫn thờ như người mất hồn, đôi mắt ngơ ngác, buồn bã, dáo dác nhìn ngó mọi phía như Uyên đang lẩn trốn đâu đây. Hình ảnh bé Uyên với giọng mệt lã “Mẹ ơi! Con đói, con mệt” năm nào vọng về khiến Trâm đau xé lòng. Giọt máu, khúc ruột yêu thương nay đang lưu lạc nơi đâu?
Kim Trâm đưa chồng đến tảng đá lớn bên chiếc cầu năm nào, nơi lần cuối mẹ con chị bên nhau. Chị chỉ cho anh kia là bãi sông chị đã xuống uống nước; và chị đã ngất trên tảng đá lớn này, khi chị tỉnh lại thì không thấy bé Uyên. Chị đã ôm con trai gào thét, tìm kiếm, mong rằng bé Uyên chạy lạc đâu đây nghe thấy mà trở lại với chị nhưng vô vọng. Nhờ may mắn tình cờ chị về nhà được, bởi lòng tốt của một phi công trực thăng nhìn thấy sà xuống cứu chị.
Kim Trâm bỗng thấy mình như sống lại những giây phút đau thương, hãi hùng ngày ấy, tự nhiên bấn loạn, rã rời. Chị nhìn quanh như thấy rõ thấp thoáng những bóng người chạy loạn khóc la gọi nhau í ới, hỗn loạn. Rồi chị thấy mình rơi nhanh vào khoảng không vô tận, sâu thẳm, chới với. Trâm ngã người trên tảng đá.
Anh Tư ôm chị vỗ về, an ủi:
- Mình về thôi em trời gần tối rồi. Chúng ta sẽ trở lại tìm con sau, em nhé!
Anh Tư đỡ Trâm ngồi dậy, choàng vai vợ bước dần trở lại con đường lớn. Bóng dáng bé Uyên như chấp chới trong anh - “Ba ơi! Con yêu ba nhất”. Anh cười: “Còn má con?”. Bé Uyên ôm cổ anh, cười giòn dã: “Yêu má nhất luôn”. Anh bẹo má con: “Con gái cưng của ba!”.
Anh như nghe thấy tiếng cười của Uyên vang lên hạnh phúc vọng về giữa trời chiều hoang vắng, buồn bã.

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt