TIỂU NGUYỆT


Một Ngày Dài Một Đời Người
 
CHƯƠNG NĂM
NHỮNG NĂM THÁNG THA HƯƠNG
 
Gia đình anh Tư và một số gia đình cùng đi vừa xuống sân bay đã được toán người đại diện trong chương trình HO (Humanitarian Operation) đón tiếp đưa về định cư ở bang Menphis. Anh chị Tư được hướng dẫn làm các thủ tục về nhà ở, trợ cấp, và các khoản chi phí cần thiết để ổn định cuộc sống mới nơi đây.
Anh Tư thấy mình lạc lõng giữa muôn người xa lạ, khác màu da, khác tiếng nói, thời tiết, thời gian, chưa nói đến các phong tục, tập quán của người bản xứ. Mọi thứ đều lạ lẫm, ngay với vài gia đình người Việt cùng đi đến định cư ở đây. Dù có sự chuẩn bị trước nhưng anh vẫn lo lắng, bồn chồn với bao buồn vui, lo toan lẩn lộn. Đối diện trước một cuộc sống, hoàn cảnh hoàn toàn mới, anh biết mình phải mạnh mẽ, xông xáo hơn, vượt qua những khó khăn trước mắt; để là chỗ dựa vững chắc cho vợ con, cho tương lai lâu dài về sau. Tất cả đều phải làm lại từ đầu để thích nghi dần với cuộc sống còn nhiều gian lao, thử thách phía trước.
Trong thời gian đầu được nhận tiền trợ cấp, anh chị ghi tên xin học tiếng Anh, là cửa ngõ hòa nhập dần với cộng đồng. Anh nghĩ, mình phải có một việc làm ổn định để nuôi sống bản thân, gia đình và còn bao nhiêu khoảng phải chi phí khác.
Sau gần nửa năm chuyên cần, cặm cụi, anh chị đã tạm quan hệ được với bên ngoài, nói được, nghe và hiểu được một số vấn đề thông thường cần thiết trong giao tiếp hằng ngày bằng ngôn ngữ của họ, anh Tư quyết định tìm việc làm.
Cả tuần lễ, mười ngày anh đi xin việc mà chưa nơi nào thông báo, gọi đến. Có nơi xem đơn ghi nhận đã có đến xin việc, mà công ty chưa cần, để lúc anh cần xin trợ cấp tiếp tục sẽ bổ túc hồ sơ. Nhìn anh vất vả, lo lắng hết đến gõ cửa nơi này, chỗ nọ, chị càng thương anh hơn. Chị nghĩ, mình cũng sẽ tìm một việc gì đó thích hợp để làm, kiếm thêm thu nhập mới đủ chi phí cho cả nhà những nhu cầu không thể thiếu, dù là phương tiện di chuyển.
Mấy hôm nay da anh khô rát, nổi đầy hột đỏ lại rất ngứa nên anh đến y tế khám bệnh. Ở đây gia đình anh được khám bệnh, phát thuốc miễn phí không phải tốn tiền. Anh làm quen với một người đàn ông cũng đi khám bệnh ở chỗ anh, anh ấy cho biết, trước kia khi mới đến đây anh ấy cũng bị như anh, sau một thời gian rồi hết. Anh ấy nói do mình chưa thích nghi với khí hậu, thời tiết, lâu rồi quen, qua mùa lạnh sẽ hết ngứa thôi. Anh cũng nghĩ sẽ chóng khỏi như lời anh ấy nói.
Được người quen giới thiệu, anh Tư đến xin làm bốc vác cho hãng xe tải chuyên chở hàng xuất khẩu. Trước khi đưa Tư đến giới thiệu cùng người chủ xe mà anh đang làm, người bạn hỏi anh có chịu khổ được không. Anh chỉ cười, trả lời ngắn gọn: “Chấp nhận tất cả bạn ạ!” Nhưng chỉ sau một tuần với việc khuân vác quá nặng nhọc, anh không thể khuân nổi một kiện hàng nặng đến 80 ký như mọi người nên xin nghỉ.
Cuối cùng rồi anh cũng tìm được việc. Anh Tư được hãng sản xuất giầy thể thao Adiddas nhận vào làm. Kim Trâm dậy sớm nấu bữa cơm sáng và dỡ bữa trưa cho anh, chiều anh mới về. Ngày nào cũng như ngày nào, ăn sáng xong anh mang theo cơm trưa vội vàng đến trạm xe buýt cho kịp giờ. Được làm việc, được nhận tiền lương anh Tư rất vui; anh nghĩ vậy là mình đã có việc làm, đã phần nào ổn định cuộc sống dù bao khó khăn còn phía trước phải lo toan. Thẻ lĩnh lương như tờ bảo chứng để có thể mua sắm những gì cần thiết ở bất cứ cửa hàng nào. Anh thường nghĩ, sự nghèo đói không gõ cửa nhà những con người siêng năng, cần mẫn.
Theo lời giới thiệu, hướng dẫn của bạn Kim Trâm ghi tên xin học lớp “cách nuôi và chăm sóc trẻ”. Nhìn vào những đôi mắt hồn nhiên, trong sáng của trẻ em là chị thấy thương, thấy yêu thích. Chị nghĩ, “chăm sóc trẻ” là một việc làm hợp với khả năng, hơn nữa chị lại yêu thích; nên quyết định chọn nghề này vừa để có việc làm vừa hợp với sở thích.
Sau hơn ba tháng Kim Trâm được cấp giấy chứng nhận “Chăm sóc trẻ”. Chị xin làm cho một gia đình người Việt cần người nuôi giữ hai đứa con sinh đôi của họ. Hằng ngày chị chăm sóc hai đứa bé trai hai tuổi không dễ dàng gì, nhưng với tấm lòng yêu trẻ, chị yêu thương các bé như con của mình nên được gia đình họ quý mến, lâu dần coi chị như người thân.
Một hôm có người bạn của Hương (mẹ của hai đứa bé) dắt một bé gái trạc sáu tuổi đến thăm chơi. Kim Trâm bỗng sững sờ nhìn cô bé không chớp mắt. Mắt chị hoa lên những mầu sắc xanh, đỏ, tím, vàng như nhảy múa trước mắt chị, rồi chị thấy Uyên đang mỉm cười nhìn chị. Chị bỗng gọi lớn: “Uyên ơi! Con ơi!” rồi chạy lại cầm tay con bé.
Người bạn của Hương cầm tay con gái kéo lui lại, giọng hoảng hốt:
- Chị sao vậy? Sao vậy? Uyên nào ở đây?
Kim Trâm bàng hoàng:
- Uyên! Con tôi.
Hương chạy lại cầm tay chị lay mạnh:
- Chị Trâm! Bình tĩnh lại đi chị. Chị sao vậy?
Kim Trâm đưa tay dụi vào mắt rồi mở mắt ra nhìn mọi người. Chị tỉnh dần, giọng xúc động:
- Xin lỗi. xin lỗi mọi người. Nhìn con bé tôi chợt nhớ con gái đầu của tôi.
Người bạn của Hương hiểu, có lẽ con gái chị đã chết nên thấy con bé liền nhớ đến con chị. Giọng chị chùng xuống:
- Tôi hiểu rồi. Chị không có lỗi. Chị nhớ con. Thôi, chị đừng buồn nữa.
Hương an ủi:
- Uyên là con gái chị? - Hương thở dài, cháu nó đã vắn số, do cái số cả chị à. Chị đừng buồn lo nữa
Kim Trâm bỗng hoảng hốt:
- Uyên của tôi không chết, nó bị thất lạc đâu đó chưa tìm ra mà thôi. Uyên không chết mà. Không chết.
Hương giật mình:
- Xin lỗi chị.
Kim Trâm chao đảo đứng không muốn vững. Hương vội chạy đến cầm tay chị: “Chị ơi! Em biết chị rất đau khổ nhưng chị bình tâm lại đi. Tất cả rồi sẽ qua thôi, chị”. Kim Trâm úp mặt vào đôi bàn tay thổn thức giây lâu. Trâm kể lại cuộc chạy loạn vào tháng ba năm ấy chị đã lạc mất bé Uyên trên đường tìm về quê trên con đường liên tỉnh số Bảy. Nỗi ám ảnh ấy đã theo chị đến tận bây giờ, đôi khi tràn vào trong những giấc mơ.
Hiểu rõ chị, Hương càng quý mến chị hơn. Biết chị là một thợ may giỏi cô muốn giúp chị nhận may gia công quần áo của hãng may gia đình cô để có thu nhập cao hơn.
Kim Trâm phải theo học lớp cắt may công nghiệp hàng xuất khẩu để lấy bằng, rồi mới được nhận áo quần đã cắt sẵn về nhà ráp hoàn thiện. Chị nghĩ, ở xứ sở này muốn làm việc gì cũng đều phải đi học, có cái giấy chứng nhận rồi mới xin được làm việc, kể cũng hay. Người thợ sẽ có thêm một ít kinh nghiệm, kiến thức cho đảm bảo công việc chứ không thể làm sơ sài cho có.
Nhận cái bằng là một thợ may giỏi, lành nghề, Kim Trâm cảm thấy vui và xúc động lắm. Khả năng, tay nghề của chị đã được nhìn nhận rõ ràng.Trước kia, chị học nghề rồi nhận may quần áo bao nhiêu năm, có bao giờ chị nghĩ sẽ có ngày mình có cái bằng này đâu. Những tháng đầu Kim Trâm nhận vải cắt sẵn về nhà may, ráp một mình. Chị làm từ sáng đến tối mịt. Chị nghĩ, phải cố gắng làm khi còn có thể để có tiền nâng cao đời sống ngày càng có nhiều nhu cầu và dành dụm gởi về giúp đỡ, chia sẻ cho người thân. Khi công việc đã tiến triển thuận lợi, chị mua thêm máy, nhận những người quen đang cần xin việc vào làm. Người lặt chỉ, làm khuy, kết nút, người ráp áo quần; cơ sở may của chị phát triển dần, lớn hơn; có đến mười mấy máy hoạt động cả ngày, có ca còn làm thêm vào ban đêm.
Phần anh Tư đi làm về buổi tối còn phụ kết nút, lặt chỉ, giúp vợ. Thời gian sau, nhìn thấy công việc của Kim Trâm nhiều quá, phải tất bật quản lý xưởng, giao hàng; anh Tư xin nghỉ làm ở hãng giầy thể thao về nhà giúp đỡ chị. Anh thay chị quản lý, đi nhận vải, giao hàng để chị có thời gian may và nghỉ ngơi. Trong ba năm, anh chị tiết kiệm mua được xe, thanh toán tiền nhà mua trả góp, còn lo chi trả tiền học phí cho Toàn vào đại học và gởi về giúp mẹ cùng người thân còn khó khăn ở quê hằng tháng hay mỗi khi có yêu cầu.
Chị rất sợ mùa đông đến, nó mang theo cái lạnh buốt xương dầu mang mấy lớp áo dày chị vẫn thấy lạnh cóng. Ngồi làm việc trong căn phòng có máy sưởi ấm, nhưng chị vẫn thấy lạnh run người. Chị chợt nhớ đến những chiếc bánh xèo nóng hổi thơm thơm mùi bột gạo mới, mùi mỡ hành, mùi tôm mẹ chị đã đúc vào những ngày mưa thuở nào. Rồi chị ước ao được ăn bánh xèo từ tay mẹ đúc trong cái giá lạnh này chắc là ngon lắm. Chị cố gắng vượt qua cái lạnh, chiến thắng sự mỏi mệt, nhớ thương, cặm cụi làm việc; để chờ một ngày trở về tìm kiếm đứa con gái, thăm lại bà con.
Xưởng may của Kim Trâm lớn dần lên, bấy giờ anh chị chỉ lo quản lý, hướng dẫn, kiểm tra hơn hai mươi công nhân làm việc, rồi đi giao hàng, nhận vải. Nhiều buổi tối, sau khi xong một ngày làm việc, chị nghe ê ẩm trong từng khớp xương, trong từng thớ thịt. Chị cảm nhận tuổi già đã đến, chuỗi thời gian còn lại ngắn dần mà việc tìm con gái chưa có một chút tin tức, hy vọng gì. Công việc cứ dồn đuổi, cuốn chị trôi theo không có thời gian để nhớ nghĩ, băn khoăn nữa. Đôi lúc chị cảm thấy như có lỗi với lời ước nguyện sẽ tìm kiếm con gái; rồi im lặng trong nỗi nhớ thương con bùng cháy mãnh liệt hơn trong lòng.
Đã hơn tám năm đến định cư ở xứ người, cuộc sống gia đình anh chị đã ổn định, con trai đã tốt nghiệp đại học. Kim Trâm không mơ ước gì hơn là được trở về thăm lại quê xưa, thăm lại những dấu yêu một thời tuổi trẻ, hồn nhiên, những khổ đau một thời nhọc nhằn trên cánh đồng hợp tác, một thời đã xa, xa lắm rồi nhưng luôn khắc ghi sâu đậm trong tâm hồn chị không bao giờ phai mờ. Trở về! Nỗi mong đợi “trở về” luôn thúc giục chị như lời réo gọi tha thiết nhất. Trở về tìm lại đứa con gái thương yêu, bé bỏng lưu lạc. Trở về thăm lại con đường cũ năm xưa, nơi đã ghi dấu bao nỗi đau thương của một thời thanh xuân.
Kim Trâm đã mua vé máy bay cho chuyến trở về quê hương đầu tiên sau tám năm biền biệt.
***
Đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Bà Trâm có cảm giác như đã chạm vào “đất quê” dù còn hơn năm trăm cây số nữa mới đến làng quê của bà. Bà thấy lòng xao xuyến bâng quơ, nhớ nghĩ. Không biết bây giờ quê mình ra sao, bà con quanh xóm có còn ở chỗ cũ, hay đã tản mát đi nơi khác? Cuộc sống quê mình có được ổn định hơn ngày cũ không? Bao nhiêu nỗi nhớ thương cứ xôn xao trong lòng làm bà bâng khuâng, xúc động.
Bà Trâm không muốn báo trước với mẹ và các em ngày về, bà muốn có sự bất ngờ cho tất cả với niềm vui được gặp mẹ, gặp chị em và bà con láng giềng. Bà muốn về quê bằng xe lửa để được nhìn thấy quê hương trên từng tấc đất, được sống lại những năm tháng cũ; như ngày xưa bà đã từng đi thăm nuôi anh, trên những chuyến tàu chợ chật ních người.
Nhìn ánh nắng ban mai chiếu rọi vào khung cửa sổ của chiếc tàu TN1đang chạy nhanh về phía trước, bà Trâm thấy lòng mình thật ấm áp. Từng khắc thời gian trôi qua là từng khắc quãng đường trở về được thu ngắn lại và cũng từng khắc lòng bà trầm lắng “Quê Nhà” trong từng hơi thở. Ngôi làng quê rợp bóng tre xanh chấp chới trong lòng bà với bao nỗi niềm xa vắng về một thời cắp sách đã qua. Ở đó có mẹ cha, có anh chị em, có niềm vui, nỗi buồn, có những tháng ngày cơ cực, buồn đau lẫn hạnh phúc. Bà Trâm nhắm mắt hít thở nhẹ nhàng bầu không khí quê hương, lắng nghe tiếng lòng mình lao xao, người rung nhẹ theo tiếng “xình xịch” của đoàn tàu rầm rập, lao nhanh.
Bà Trâm đã thật sự bước từng bước trên con đường trở về quê xưa. Bà thoáng bàng hoàng khi nhìn thấy làng quê nay không còn một bóng tre nào; thay vào đó, là những lò gạch ngui ngút khói. Con dốc “Dòi” ngày nào, bà cùng lũ bạn trẻ thơ trong xóm thường ngồi quay chong chóng nay đã nâng cao, không còn chút dấu vết gì của con dốc cũ; bà phải đi qua, đi lại nhiều lần mới nhận biết được. Bà con trong làng nhiều người đã chuyển nhà ra sống ngoài xóm Chợ. Những gia đình có người lớn tuổi ở lại thủy chung với ngôi làng. Tất cả đều thay đổi. Bà cảm thấy nao nao trong lòng, cay sè đôi mắt.
Nhìn thấy bà Trâm, cả nhà mừng vui đến nghẹn ngào rơi nước mắt. Người mẹ tuổi đã trên 80 được gặp lại con như trong giấc mơ, mừng tủi òa lên khóc. Bà nghĩ, có thể bà không còn dịp nào gặp được con nữa, nay con bà đã trở về, bà nghĩ chết cũng an lòng rồi.
Bà Trâm ôm chầm vai mẹ:
- Mẹ ơi! Từ nay con sẽ thường xuyên về thăm mẹ. Mẹ đừng lo buồn, hãy vui mà an dưỡng tuổi già, mẹ nhé!
- Được gặp con mẹ có nhắm mắt cũng an lòng - bà Hải nói trong tiếng khóc, hai đứa em con đã lập gia đình hết rồi, mẹ không còn gì phải lo nữa - vừa dứt lời, bà bỗng khóc lớn hơn.
Bà Trâm khóc theo mẹ:
- Dạ! Con sẽ giúp cho các em có cuộc sống tốt hơn. Mẹ yên tâm nha! - Quay sang Cuội, chị cảm ơn các em đã thay chị chăm lo cho mẹ. Em coi thu xếp, mấy chị em mình lên tỉnh lộ Bảy tìm kiếm, hỏi thăm thử có tin tức gì mới của bé Uyên không em nhé. Chị nóng ruột quá!
Cuội cười:
- Mẹ là mẹ của em, em chăm sóc, cảm ơn gì chị Hai. Chị tính khi nào mình đi tìm cháu?
- Em thuê cho chị chiếc bảy chỗ, hai ngày nữa chị em mình đi.
- Dạ chị!
Kim Lan đi làm về ghé lại thăm mẹ, nhìn thấy chị gái thật bất ngờ. Cô reo vui: “Chị Hai!” rồi chạy lại ôm chầm lấy chị gái của mình. Bà Trâm cười mà nước mắt rưng rưng. Niềm vui gặp lại mẹ và các em làm bà như tươi tỉnh, trẻ ra. Bà nhớ lại lúc còn sống ở Pleiku, mỗi lần về thăm nhà, được sống trong tình gia đình ấm áp như hôm nay, bà cảm thấy thật ấm lòng, hạnh phúc.
Kim Lan kể cho chị gái nghe bà con nơi đây ai mất, ai còn, có người đi nơi khác làm ăn lâu lâu mới về thăm lại. Giờ đây cuộc sống của bà con có khá hơn, nhưng ngôi làng không còn êm đềm như xưa nữa, nhìn đâu cũng thấy gạch ngói. Nghĩ mà thương cái làng quê hiền lành, êm đềm thuở ấy. Đâu rồi con đường làng, với lũy tre xanh nghiêng bóng mát? Tất cả đều trơ trụi, khô khốc với những làn khói xám đen ngui ngút bay lên trời cao.
Kim Lan đưa tay chỉ lên trời ngậm ngùi:
- Chị nhìn kìa! Khói mù trời đấy thấy không?. Cả ngày nghe tiếng “rè rè” của máy cắt gạch, cắt ngói, hít thở khói các lò gạch nung bốc lên, không còn bầu không khí trong lành khi xưa là em tiếc. Nghĩ mà thương cái làng quê hiền lành của mình quá, chị à. Vì cái ăn mà không ai nghĩ đến hậu quả.
Bà Trâm liếc nhìn lên bầu trời u ám gật đầu, giọng ngậm ngùi:
- Tiếc thật, em nhỉ! Nhưng thay vào đó bà con mình có cuộc sống khá hơn, cũng tạm vui rồi.
- Em nghĩ, nếu tập trung làm gạch ngói một khu nào đó cho riêng biệt, khỏi ảnh hưởng đến môi trường thì tốt hơn, phải không chị?
Bà Trâm đồng tình:
- Đúng vậy rồi. Chắc tương lai phải vậy thôi, em.
Bà Trâm đi quanh xóm thăm hỏi bà con, gởi biếu họ chai dầu, gói kẹo, ai cũng mừng cho gia đình bà được sống làm ăn yên ổn nơi xứ người. Bà Dư đã qua đời hai năm sau một cơn đau tim đột ngột. Bà Trâm thắp cho người bác láng giềng tốt bụng, thân quý nén hương - người từng là bạn thân của mẹ chồng bà, từng chia sẻ cùng gia đình bà chén chè, tô cháo, ngày nào. Bà Trâm cảm thấy ngậm ngùi, nhớ thương người bác hiền lành, chân chất, và cầu cho bà được an vui trong cõi tịnh lạc, vĩnh hằng.
Bước đi trên con đường làng quen thuộc sao bà cảm thấy lạ lẫm như lần đầu đi trên con đường này. Phải rồi, con đường đã hẹp lại trơ trọi phơi mình trong nắng chiều trông xơ xác, nhẫn nhục cùng mưa nắng, không còn lũy tre làng rợp bóng mát reo vui trong gió nữa. Bà thấy lòng bồi hồi khi ngang qua “Lò Rèn” của ông Năm, nơi bà đã cùng lũ bạn tuổi thơ trong xóm rong chơi hái chiêm chiêm, dú dẻ những trưa hè nắng gắt thuở nào. Tất cả bày ra trước mắt, gợi nhớ trong bà những hoài niệm dấu yêu, xưa cũ đến nao lòng. Bà cảm thấy buồn man mác, bởi nơi đây, bây giờ là một xưởng làm gạch ngói ngổn ngang không còn là khu vườn đầy hoa lá quyến rũ như xưa nữa.
Qua hai ngày đi vòng quanh thăm hỏi, chuyện vãn với bà con trong xóm, bà Trâm cùng các em trở lại con đường Bảy. Trong cái nắng tươi mới của buổi sáng, bến sông dưới chân cầu bớt đi vẻ hoang vu, hiu quạnh hơn xưa. Quang cảnh hiện ra yên ắng đến bất ngờ. Cũng tại nơi đây, bến sông ấy, tảng đá ấy, đã chứng kiến sự chia ly của mẹ con bà; nhưng chỉ có sự im lặng trả lời thay cho những thắc thỏm của bà Trâm. Chiến tranh, bom đạn, hận thù đã từng đi qua nơi này chăng?. Mỗi lần đến đây, bà Trâm như sống lại giây phút hãi hùng của những ngày tháng ba năm ấy, tưởng chừng như có ai cấu xé ruột gan. Bà vẫn đến ngồi trên tảng đá năm xưa để nhắc nhở mình phải tìm kiếm cho bằng được đứa con gái thương yêu đã lạc mất.
Bà Trâm cùng các em tìm vào một nhà trọ nghỉ lại hai ngày, rong vào các làng quanh vùng hỏi thăm, nhắc lại mấy ngày lịch sử tháng ba năm nào cùng bà con quanh đây, mong có chút tin tức gì về Uyên. Tất cả đều nằm trong yên lặng, khiến bà buồn đau, lung lạc; nhưng rồi lình cảm của người mẹ nhắc nhở, con gái bà vẫn đang chờ bà tìm đón ở đâu đó; hy vọng lại bừng lên, thắp sáng niềm tin mạnh mẽ hơn, rồi sẽ tìm được Uyên trong một ngày nào đó, cho dù bao lâu đi nữa.
Qua hai ngày tìm kiếm bà Trâm cùng các em trở về nhà, hy vọng lần sau trở lại sẽ tìm ra manh mối về Uyên. Bà Trâm luôn day dứt, xót ruột về việc tìm kiếm con gái, đã thắp hương hằng đêm cầu nguyện Trời Phật, ông bà, cha mẹ phù hộ, chỉ đường cho bà được gặp lại con.
Trước khi rời quê hương trở lại Mỹ, bà Trâm một mình trở lại con lộ Bảy lần nữa với bao hy vọng, niềm tin. Bà đi vào từng xóm nhỏ dọc đường như muốn lục tung từng ngõ ngách, soi tìm con gái bà đang trốn ở đâu; nhưng vẫn không có chút tin gì về Uyên cả. Một buổi sáng trước khi về lại nhà, bà trở lại bến sông ngồi trên tảng đá, lặng nghe tiếng rì rào của ngàn cây nhớ nghĩ, nặng trĩu nỗi buồn lo. Bà nghe tiếng gọi “Mẹ ơi! Con đói. Con mệt” của con gái vọng về từ chốn nào xa lắc vang lên trong gió. Bà hoảng hốt gọi lớn giọng thảng thốt “Uyên ơi! Con ơi! Mẹ đây” rồi gục đầu vào lòng đôi bàn tay khóc. Những giọt nước mắt mặn chát lặng lẽ tuôn tràn trên đôi má bà. Không biết ở nơi chốn xa xôi nào đó Uyên có nghe thấy tiếng gọi quặn lòng từ người mẹ khổ đau?.
Một hồi chuông không biết từ hướng nào vang lên trong gió sớm như đánh thức sự yên tĩnh của núi đồi hoang vu, đánh thức cơn mê hoảng loạn của người mẹ bất hạnh đang sửng sờ, đau đớn. Từng tiếng chuông ngân vang, dìu dặt, như rót vào lòng bà từng giọt nước dịu mát, trong lành khiến bà cảm thấy lắng dịu nỗi ưu phiền. Bà nghe lòng thư thái dần như vừa trải qua một cơn mộng dữ.
Bà Trâm chợt muốn thắp nén hương liền theo tiếng chuông thăm hỏi mọi người tìm đến thăm ngôi chùa quê. Ngôi chùa Khải Tâm nhỏ nhắn nằm trên một ngọn đồi thoai thoải đầy cây xanh bao bọc, trông khép nép, hiền lành, tĩnh mịch. Bà bước dần lên đồi, có cảm giác như đang đi vào một thế giới khác. Thế giới của tình thương yêu, thanh vắng, an bình. Thế giới của từ bi, thoát tục, an vui. Bà hít thở từng hơi nhẹ nhàng, thả từng bước, từng bước giữa những cơn gió sớm mát dịu; có cảm giác như được trở về ngôi nhà kỷ niệm xưa mà bà đã quên lãng.
Nắng reo vui theo bước chân bà chậm rải, nhắc bà nhớ nghĩ về ngôi chùa bà đã từng thọ giới quy y năm xưa. Ngôi chùa cũng nhỏ nhắn như ngôi chùa Khải Tâm này. Đó là ngôi chùa làng nơi bà đã sinh ra và lớn lên. Bà nhớ ngày ấy, đứa em trai nhỏ của bà mất. Đêm nào bà cũng không ngủ được cứ thắc thỏm nhớ thương, chợp mắt được một chút là mộng mị, dữ dằn khiến cha mẹ bà lo lắng. Nhiều đêm bà thấy những người mặt mày đỏ lòm, dữ tợn, tay cầm gươm giáo đi vào, đi ra nhà bà. Có đêm bà hoảng sợ muốn la lớn, nhưng cả người bà như bị dán vào giường không nhúc nhích được, bà cứ ú ớ không la nổi. Một người bạn của cha bà khuyên nên cho bà quy y để khỏi bị ma quỷ quấy phá. Bà quy y năm mười sáu tuổi, khi ấy bà mới học lớp chín. Theo lời khuyên dạy của bổn sư, mỗi đêm trước khi đi ngủ, bà ngồi xếp bằng trên giường chắp tay niệm Phật một hồi rồi nằm xuống. Từ đó bà không còn có những giấc mộng ám ảnh như trước nữa.
Bà bước vào chánh điện chắp tay quỳ xuống lâm râm cầu nguyện. Bà ngước nhìn những tượng Phật trên cao, thấy ánh hào quang chiếu sáng, đôi mắt nhân từ của Đức Phật như mỉm cười nhìn bà. Bà nghĩ, có lẽ Ngài đã nghe, hiểu được nỗi lòng của người mẹ mất con như bà?
Bà Trâm mở ví lấy tiền bỏ vào thùng “Phước sương” rồi khẽ khàng bước ra bên ngoài.
Một người đàn bà luống tuổi (khoảng gần bảy mươi) quét dọn sân trước, bước dần lại chỗ bà Trâm, giọng nhỏ nhẹ:
- Chào cô. Mời cô vào uống tách nước.
Bà Trâm cúi chào lại, tươi cười:
- Dạ chào cô. Cháu ở xa tới đây có chút việc, nhân tiện ghé thăm chùa. Cô ở đây đã lâu chưa?
- Dạ cô cứ gọi tui là cô Hai. Nhà tui ở dưới đồi, tui lên ở đây luôn cũng được mấy năm rồi đó cô, từ khi sư bà mất. Trước kia tui chạy lên chạy xuống giúp sư bà thôi.
- Sư bà viên tịch được bao lâu rồi cô Hai? Ở đây vắng vẻ quá cô nhỉ!
Cô Hai dẫn bà Trâm vào gian nhà khách, rót ly nước mời:
- Mời cô. Sư bà mất được ba năm rồi. Tui lên ở đây luôn với sư cô Diệu Nhân cho vui và giúp sư cô những việc trong chùa.
Một sư cô nhỏ nhắn trong chiếc áo nhật bình màu lam từ phía nhà sau đi ra. Thấy bà Trâm đang ngồi với cô Hai liền bước lại. Bà Trâm vội đứng lên chắp tay “A Di Đà Phật” cúi chào. Sư cô Diệu Nhân mỉm cười chắp tay chào lại bà Trâm “A Di Đà Phật”, giọng nhỏ nhẹ:
- Dạ! Chào cô. Cô thăm chùa sớm nhỉ!
- Dạ! Tui ở xa có việc phải đến đây ghé thăm chùa, thưa cô. Ở đây đạo hữu về chùa đông không cô?
- Dạ! Cũng vài chục người thôi. Vùng này dân thưa thớt, ít khi có khách vãng lai.
Hỏi thăm, nói chuyện với sư cô Diệu Nhân được một lát bà Trâm xin phép ra về. Bà Trâm thầm nguyện trong long lần sau về sẽ trở lại đường Bảy tìm Uyên, ghé thăm sư cô, thăm chùa lần nữa. Sư cô tiễn bà Trâm ra khỏi cổng, Bà Trâm cảm thấy nhẹ nhàng, an vui hơn bao giờ hết không còn cảm giác lo lắng, nặng trĩu như trước.
Sau một tháng về thăm quê, bà Trâm trở về Mỹ. Ngồi trên chiếc máy bay của hãng hàng không Airline American năm nào, bà cảm thấy như đang bồng bềnh theo những đám mây trôi lơ lửng trên bầu trời.
Quê hương ở phía dưới kia như những chấm nhỏ rồi mờ dần ở lại phía sau.
Tiểu Nguyệt

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt