TIỂU NGUYỆT

 
Một Ngày Trên Cao Nguyên
 
Oanh đi bộ thể dục trên con đường chung quanh là những rẫy cà phê nở hoa trắng muốt, thoang thoảng hương thơm. Buổi sớm, trời cao nguyên sương mù trắng đục, Oanh nhịp nhàng nhẹ bước trong sương. Đôi mắt Oanh nhìn về phía trước, chỉ thấy sương là sương mù mịt, đi miết vẫn cà phê chập chùng đồi núi. Oanh cảm thấy lạnh, cái lạnh ngai ngái của núi đồi cao nguyên thật dễ chịu. Cô kéo cao cổ áo che hơi lạnh phả vào người. Đồi cà phê qua màn sương đã làm Oanh nhớ đến người bạn thuở còn trong đội văn nghệ ở quê, đã mang gùi hái chè múa trong những đêm biểu diễn; người bạn ấy đã ra đi hơn ba mươi năm rồi, vậy mà hôm nay Oanh bổng thấy hiện về như trước mặt. Tiên – tên người bạn, mang gùi nhảy theo tiếng nhạc “Bình minh lên mang theo tia nắng, ối a có con chim kìa có con hót vang đón chào. Chào bình minh, ới chào bình minh bừng lên nhân thế....Nhanh tay chị, nhanh tay em, hái khéo tay chị hái khéo tay em, và ta ca lên nước ta giàu đẹp ối a giàu đẹp”.(*). Oanh thở dài, thương cảm người bạn vắn số đã một thời ca hát cùng nhau, một thời chia vui sẻ buồn cùng nhau, và cô lại lâm râm cầu mong cho bạn ấy sớm được an vui nơi cõi vĩnh hằng.
 
Niềm thương cảm ấy dần tan khi Oanh nhận thấy vẻ đẹp của đất trời. Chưa bao giờ Oanh nghĩ mình có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi đồi cao nguyên trong buổi sáng mù sương thế này. Đẹp tuyệt vời! Oanh hạnh phúc thả hồn bay khắp núi rừng, lòng ngây ngất với hương thơm thoang thoảng của hoa cà phê. Oanh bước đều, bước đều. Gặp ai trên đường Oanh cũng mỉm cười chào họ buổi sáng như đã từng thân quen, trong Oanh niềm vui như vỡ òa khi được đi trong bức tranh tuyệt đẹp thế này.
 
Oanh bước lại gốc cà phê sát bên đường ngắm nhìn cho kỹ, hái một cành hoa đưa lên môi. Cánh hoa trắng thơm dịu làm Oanh thấy dễ chịu, sảng khoái. Oanh bước tiếp những bước đều đặn, hai tay đung đưa hồn nhiên; hít thật sâu hơi lạnh vào buồng phổi rồi thở ra nhẹ nhàng. Một cơn gió nhẹ thoáng qua, hoa lá cà phê rung lên xào xạc; Oanh nghe như bản hòa tấu khúc nhạc trời, làm Oanh hưng phấn muốn hát lên một khúc tình ca nào đó. Một khúc tình ca của Trịnh Công Sơn chẳng hạn: “Để gió cuốn đi”. Oanh rất thích bản nhạc này, những lúc vui, buồn Oanh đều nghêu ngao “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi. Gió cuốn đi cho mây qua giòng sông, ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông...”. Lời bài hát rất sâu sắc thâm thúy, cho nên Oanh cứ thế mà say sưa cả ngày dù đang làm bất cứ việc gì.
 
Oanh chẳng thấy ông mặt trời đâu cả, có lẽ mặt trời còn muốn núp trong màn sương mỏng đục giăng giăng núi đồi; chỉ thấy trời sáng lên một chút rồi sáng thêm chút nữa. Màn sương như dãn ra chừa chỗ cho ông mặt trời làm việc; ông uống dần những mảng sương mỏng, để rồi sương biến mất dần, mất dần. Cả núi đồi bừng lên ánh sáng, những giọt nắng ban mai rớt xuống nhẹ nhàng trên những tán lá cà phê còn long lanh những giọt sương đêm. Một màu vàng rực rỡ của những tia nắng mà ông mặt trời vừa gieo xuống. Một ngày mới bắt đầu.
 
Lúc bấy giờ Oanh hướng mắt, hướng lòng dõi theo ông mặt trời bước dần lên phía trên cao, ông mỉm cười chào nhân gian một ngày mới. Nụ cười ông thật rạng rỡ, thật sinh động, đã làm cho cả cõi nhân sinh này khởi động nhịp nhàng. Ông ung dung cứ thế mà lên cao, lên cao; mọi người tất bật ra đường tìm cuộc mưu sinh. Giòng người tất tả trên đường ngược xuôi, xuôi ngược; ai vào việc nấy như một cỗ máy, như một giòng sông cuồn cuộn chảy.
 
Oanh giật mình khi thấy trước mặt là dãy phố. Oanh đã ra khỏi những rẫy cà phê tự lúc nào, như vừa thoát ra khỏi cơn mơ trở về với đời sống. Những hàng quán cà phê, cháo lòng, bún, phở v v... bày hai bên đường đón chào ngày mới. Oanh ngỡ mình vừa bước ra thế giới khác, thế giới của áo cơm. Oanh hít thở thật sâu, mỉm cười đón ngày mới như bao nhiêu người khác.
 
Oanh quay gót bước trở về con đường cũ, con đường mà Oanh vừa đi qua. Những rẫy cà phê nằm phơi mình trong nắng sớm đón Oanh trở lại. Ông mặt trời đã đánh thức tất cả, từ vạn vật đến con người; mọi cái đều lao vào ngày mới như một định luật để tồn tại. Oanh khoan khoái dang tay hít thở và thầm nghĩ rằng “Hạnh phúc biết bao khi ta còn hít thở được, còn hát ca được”. Thế rồi, Oanh an nhiên trở về với bao công việc đang chờ phía trước.
 
Oanh bước vào phòng con gái, “Thiên thần bé nhỏ” đang nằm cuộn trong chiếc khăn say sưa ngủ. Cô mỉm cười hạnh phúc. Bé như một thiên thần đáng yêu cuộn trong chăn nằm bên mẹ, cô rón rén ôm mớ tã, áo, khăn của mẹ con bé bước ra ngoài. Hai tay Oanh vò tã lót của bé trong thau xà phòng đầy bọt, nghĩ đến sự phát triển nòi giống, đời sống của loài người. Kỳ diệu thay!
 
Một thiên thần bé nhỏ chào đời trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, ông bà, giòng họ. Đấng tạo hóa thật diệu kỳ! Từ một cái bào thai, sau chín tháng mười ngày trở thành một sinh linh bé nhỏ; nằm ngo ngoe dễ thương, để rồi biết cười, biết khóc; dần dần biết đủ thứ, thật tuyệt vời. Oanh mơ một ngày nào đó, cô sẽ nắm tay bé cùng đi dạo trên con đường đầy những rẫy cà phê; sẽ cùng bé hát lên bài ca mình yêu thích, cùng hít thở cái lạnh của núi đồi cao nguyên. Oanh lại mơ hai bà cháu cùng dạo trên bãi biển của thành phố nơi cô đang sống, cùng đùa giỡn sóng, cùng xây nhà trên cát; để rồi hai bà cháu sẽ cười ngất, ôm giữ ngôi nhà cát vừa xây xong khi bị con sóng vỗ bờ cuốn trôi ra biển cả. Oanh mơ sẽ dắt tay bé đưa đến lớp, đến trường và bé sẽ là con ngoan trò giỏi; khi lớn lên bé sẽ là một công dân có ích cho xã hội. Oanh mơ đủ thứ. Oanh tất bật vừa giặt đồ, vừa chụm lửa nấu nồi lá chè vằng cho con gái. Oanh hạnh phúc vì được giúp cháu, giúp con, vì biết rằng mình vẫn còn có ích.
 
Oanh ra vườn hái mớ lá về nấu nồi nước xông cho con gái, nào lá ổi, lá chanh, lá sả, lá bạc hà v v... Công việc chăm sóc người sinh đẻ không đơn giản chút nào, hết giặt tã lót, lại bỏ lửa hơ mặt, rồi nấu nước xông, rồi hơ cho bé, rồi đủ thứ... Oanh bồng bé ra ngoài nhìn ngắm. Bé nhắm mắt ngủ say đôi khi mỉm cười trông hồn nhiên, dễ thương vô cùng. Oanh cười trò chuyện với cháu bé, cô nói ngọng, nói nghịu bé vẫn thở đều trong giấc ngủ say. Thế rồi cô vẽ không biết bao nhiêu là hình ảnh về bé trong tương lai, cô hạnh phúc mỉm cười một mình và hát khe khẽ với những lời ru xưa kia cô thường nghe bà hát.
 
Đêm đến! Trời cao nguyên chiều xuống rất nhanh; mới thấy mặt trời còn đó lại sụp tối lúc nào chẳng hay. Những rẫy cà phê chung quanh nhà chìm trong màn đêm tối mịt chỉ loáng thoáng ánh sao trời. Sương xuống nhanh và dày đặc, ngồi bên ngoài chỉ một chút đã thấm ướt. Tiếng kêu của loài côn trùng rả rích nghe buồn não lòng. Nhà nhà đã lên đèn, nhà này cách nhà kia khá xa nên ánh sáng hắt ra từ những căn nhà trông le lói, buồn bã. Oanh thấy mình như lạc lõng giữa đêm cao nguyên mù sương lạnh lẽo. Cô kéo mền trùm kín đầu vẫn thấy lạnh, cái lạnh rét buốt không quen đã làm cô thao thức. Ngày xưa khi còn ở quê, mỗi khi mùa mưa về cô ngồi trên giường bỏ âu lửa dưới chân không thể nào ra ngoài được; thế nên cô không thể nào ngủ được giữa cái lạnh của núi rừng đầy sương. Oanh trằn trọc, cô đơn, buồn nhớ. Oanh nghĩ, vượt qua núi đồi cà phê, tận cuối cùng phía trước là thành phố biển xinh đẹp, quanh năm hiền hòa sóng vỗ. Nơi ấy, có căn nhà thân yêu của cô với cây liễu buông rũ trước sân; có giòng sông lấp lánh ánh sao trời hay vàng óng như dãi lụa mỗi mùa trăng về. Mới ngày nào, gia đình cô chuyển về nơi ấy; vất vả biết bao, nhưng cũng hạnh phúc biết bao. Mới ngày nào các con của cô vừa chân ướt chân ráo bước về thành phố biển, đứa nào cũng ngơ ngơ, ngáo ngáo. Mới ngày nào cô đùa với con gái “Con mang cá bố kéo xuống chợ bán nhé!”; con gái cô thản nhiên trả lời “Sao mẹ không biểu anh Hai, anh Ba mà biểu con”. Mới ngày nào, mới ngày nào... Không biết bao nhiêu điều muốn nói; vậy mà giờ đây con gái cô đã làm mẹ rồi. Tất cả đang thay đổi.
 
Oanh cay cả mắt nhớ về căn nhà “đêm trăng soi, ngày nắng dọi” khi cô chuyển từ Vũng Rô về lại Phú Lâm. Ngày ngày mấy mẹ con cô cùng bớp cơm ủ, chụm lửa nồi rượu; vậy mà chủ nhật nào cả nhà cũng đèo nhau trên hai chiếc xe đạp cọc cạch vượt mười cây số về thăm quê nội. Mấy mẹ con hăng hái đạp vừa giỡn vừa cười, về chỉ ngắm lũy tre làng và thăm người chị gái đã một thời gian khổ với nhau. Chiều về ngược gió, phải nằm rạp người xuống mới nhích nổi; vậy mà vui, mà thích; chủ nhật nào không đi là nhớ không chịu được. Lũy tre làng nơi cô sinh ra đã ghi dấu bao kỷ niệm, cô đã khôn lớn lên từ đấy; cho nên cô luôn nhớ, luôn muốn về thăm dù đi bất cứ nơi đâu.
 
Rừng núi chập chùng làm Oanh nhớ đến con đường lên xuống từ ngả ba đèo Cả đến Vũng Rô, khi cô sống giữa đèo quanh năm lộng gió. Hai bên là những rẫy bạch đàn phủ xanh đồi núi, con đường khúc khuỷu, lở lói. Lên hết con dốc là mệt thở hết ra hơi; vậy mà các con cô ngày ngày vượt dốc để đến trường. Ngày ấy, khổ cũng lắm và vui cũng nhiều lắm. Giữa đèo heo hút không điện, không nước vậy mà cũng trôi qua, các con cô cũng học hành, cũng lớn lên từ đấy. Chiều chiều về nhà còn đi hái củi, xách nước từ dưới suối sâu phụ giúp bố mẹ. Con đường năm xưa giờ đã tráng nhựa láng bóng, nhưng nỗi khó khăn, vất vả khi lên xuống trên con đường ngày ấy luôn là nỗi nhớ trong cô.
 
Đêm cao nguyên tĩnh mịch, yên ắng, lạnh lẽo. Oanh trăn trở khó chợp mắt trong nỗi nhớ cồn cào về những nơi chốn cô đã từng lưu dấu. Oanh kéo chăn trùm kín đầu, nhắm mắt và đếm từ một đến trăm trong im lặng của bóng đêm. Cô thầm cảm ơn núi rừng cao nguyên đã bao dung, chở che cho mẹ con cô, và bà con lưu lạc bốn phương tìm về nương náu.
05/2017
  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt