TIỂU NGUYỆT
Một Nhánh Mai Rừng Chiều Cuối Năm
Một Nhánh Mai Rừng Chiều Cuối Năm
Truyện ngắn
Lâm nhận được tiền từ người chủ thầu xây dựng, liền vội vã lên sân ga Nha Trang, vào mua chiếc vé “Nha Trang - Tuy Hòa”, thì được biết chuyến tàu TN2 còn mười lăm phút nữa sẽ từ Sài Gòn ra tới. Anh thở phào nhẹ nhõm, vậy là mình cũng kịp chuyến tàu chiều cuối năm, trở về cùng gia đình, sau gần hai tháng đi làm. Anh lại mua một ổ bánh mì, của cô bé bày bán trước cửa ga, vào phòng đợi ngồi ăn cho đỡ lòng. Anh thấy đói bụng, nhưng ăn chẳng biết ngon, có lẽ vì quá lo lắng sợ không kịp giờ tàu chăng?. Lòng anh vui và rộn rã hơn, khi nghe tiếng còi tàu đang chuẩn bị vào sân ga; và anh nghĩ, chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi, là anh có thể về đến nhà, gặp vợ con, để đón giao thừa, cùng những người thân yêu của mình.
Cổng số một đã mở, tiếng mời hành khách vào sân ga từ chiếc loa vang lên, anh mang túi quần áo lên vai, vào ga, theo đoàn người hối hả; ai cũng vội vội, vàng vàng, nôn nóng được trở về cho kịp ngày, giờ - ngày cuối cùng của năm, để đón một năm mới đầy niềm tin và hy vọng. Tàu đến. Anh lên tàu, đến số ghế của mình, thở phào, trút hết những lo âu, ngã lưng nhắm mắt. Anh hít thở đều đặn, những rung cảm yêu thương, dạt dào, nhớ nghĩ về người vợ hiền lành, đôn hậu, con cái, và hai đứa cháu ngoan ngoãn, xinh xắn, mà một đời anh yêu thương, hy vọng sẽ trưởng thành tốt đẹp.
Những dòng suy nghĩ rời rạc, mỗi lúc một nhiều hơn, niềm thương nhớ vợ con nhiều, nhiều lắm. Nhìn ánh nắng chiều chiếu rọi vào khoang cửa sổ, anh thấy lòng thật ấm áp. Từng phút trôi qua, là từng phút quãng đường được thu ngắn lại, và cũng từng phút sự chờ đợi, khát khao, gặp vợ con, càng thôi thúc trong anh. Không gì vui bằng, được mang tiền mình làm được, về cho vợ con, sắm sửa chút gì cho ngày Tết, mặc dù mình về muộn. Biết làm sao được, có một việc làm trong thời buổi khó khăn nầy, có dễ gì; anh đã phải chịu đựng, chờ đợi, từ hai, ba hôm nay, mới nhận được tiền công. Người ta hẹn, và hẹn, mình chờ, thì cứ chờ. Sự kiên nhẫn của anh đã thành công, anh đã nhận được tiền; đó là công sức, mồ hôi của anh đã bỏ ra, gần hai tháng nay mà. Anh mỉm cười cảm thấy một chút bâng khuâng, xao xuyến, nghĩ mình chiến thắng được sự tự ái, dẹp bỏ được cái gọi là “bản ngã”, mà trước kia anh khó mà vượt qua được. Tiếng lòng anh lao xao, người rung theo tiếng “xình xịch” của con tàu đang rầm rập lao nhanh.
Tàu đã qua hầm đèo Cả. Hình ảnh ruộng đồng, nhà cửa, qua khung cửa sổ của con tàu, làm anh thấy như về đến ngôi nhà thân yêu của mình rồi. Anh nghe ngọn gió nồm mát dịu thổi nhẹ vào lòng, như đang thổi trên đồng lúa reo vui, xanh thắm, nặng tình, thủy chung, mỗi năm hai vụ không thay đổi, bên ngoài kia.
Tàu đã về đến ga Tuy Hòa. Lâm xuống tàu vội vàng, mang túi xách trên vai, bước nhanh về phía vườn hoa “Diên Hồng”. Hoa bày ngổn ngang đủ loại, đủ mầu sắc, rực rỡ. Mọi năm, đến giờ nầy, là hoa còn ít lắm; người nào mua trễ là không còn hoa đẹp. Tiếng gọi mời mua hoa thật nhiệt tình của những người bán hoa, người mua thì cứ lượn vòng, xem tới xem lui, hết hàng nầy, hàng khác. Có lẽ, họ thấy hoa còn nhiều, chờ cuối giờ, phải bán rẻ chăng? Lâm thấy lòng chua xót, thương cho người nông dân trồng hoa, vất vả; mồ hôi, công sức đổ ra, họ muốn mang “cái đẹp” đến mọi nhà, để đổi lấy một ít tiền trang trải cuộc sống; may mắn bán được, có tiền sắm sửa Tết chu đáo; chẳng may đến gần Giao Thừa mà còn hoa, họ phải đổ hết, chỉ mang chậu về nhà, để sang năm trồng tiếp! Cuộc sống của người nông dân là vậy!
Ngang qua một người đàn ông trạc tuổi anh đang đứng cùng mấy chục nhánh mai rừng, mặt bần thần, lo lắng vì hoa còn quá nhiều. Có lẽ, anh ấy cũng nôn nóng, muốn bán cho nhanh hết để còn trở về nhà, khiến anh thương cảm cho những số phận cơ cực, nghèo khó; đã nghèo là phải khó rồi. Lâm chợt nhớ những năm còn trong trại cải tạo - ngày nối ngày, đêm tiếp đêm, có biết chi là Tết; nhìn thấy mai nở vàng đồi núi, mới biết là mùa xuân đang về. “Thấy mai nở khắp núi rừng xa tít, anh giật mình mới biết đã sang xuân. Trong Giao Thừa không có gì đón Tết, anh thở dài khói thuốc cũng bâng khuâng…” - lời thơ của một bạn cùng đội; đó cũng là lời tự tình đầy chua xót và thương đau, của một thời, không thể nào quên!
Lâm bước lại chỗ người đàn ông bán mai rừng, muốn mua một nhánh về chưng ở phòng khách; trước là để nhớ lại kỷ niệm cũ, sau là đón chào một mùa xuân mới đang về (một cành mai nhỏ cũng là xuân).
Người đàn ông bán mai, nở nụ cười tươi chào đón anh, giọng niềm nỡ:
- Anh chọn một nhánh mai rừng đi anh! Mai rừng vùng Thạch Thành đó!
Lâm nhìn lên gương mặt rám nắng của người bán hoa, thân mật:
- Anh ở Thạch Thành à? Xưa kia tui cũng có thời gian ở đó - giọng đăm chiêu, xa vắng, đâu hơn ba mươi năm rồi. Ôi thời gian!
Người bán hoa, cởi mở:
- Anh học tập ở đấy à?
- Thì cũng như mọi người thôi, tui vượt biên bị bắt, ở hơn hai năm rồi về.
Người bán hoa vui như gặp lại người quen, hớn hở:
- Anh ở đội nào?
- Đội xây!
Người bán hoa nhìn chằm chằm vào Lâm, cố lục trong trí nhớ khô cạn dần trong chiếc đầu nhỏ bé của mình, chợt sửng sốt, nhớ ra nét thân quen của người bạn chung trại thuở nào, reo lên mừng rỡ:
- “Lâm Ròm” phải không? Tao, “Ba Đui” đây! Trời ơi! Mấy chục năm rồi chứ ít gì. Hiện giờ mầy ở đâu?
Lâm nhìn sững người bán hoa đang ríu rít, dồn dập hỏi thăm mình, và anh đã nhận ra người bạn chung đội chuyên gánh nước cùng mình ngày nào, giọng xúc động:
- Lâm Ròm đây. Cảm ơn mầy còn nhận ra tao. Đứa nào đứa nấy “già chát” rồi, thời gian đã bào mòn tất cả, khó mà nhận ra nhau.
Lâm ôm chầm lấy Thông - người bạn có tên gọi thân mật của láng trại đặt cho là “Ba Đui”. Anh có giọng hát hay, truyền cảm; đôi mắt cận nặng, mỗi lần nhìn ai, cứ ngước mắt nheo nheo, hỏi tới hỏi lui, nên có cái tên nầy. Hai người bạn mấy mươi năm mới gặp nhau, vui vô kể. Người nào cũng tranh nhau hỏi, muốn biết bạn mình hiện thế nào, làm gì, cuộc sống có ổn định, con cái ra sao?. Bao nhiêu kỷ niệm cũ cứ tràn về, lai láng; cả hai như trẻ lại, sống lại những kỷ niệm yêu thương giữa vùng đồi núi xa vắng, thuở nào.
Lâm nhìn bạn rưng rưng, giọng xúc động:
- Tao ra trại trước, hình như mầy có tên về đợt sau thì phải? Cũng như bao người, mình không dễ dàng gì kiếm được miếng cơm. Mình làm tất cả, mọi việc, cả làm thuê, bốc vác, có lúc lên rừng tìm trầm, đãi vàng; có lúc xuống biển theo người bạn đi câu. Cả cái “Hòn Cồ” tao đã dẫm nát, vàng đâu không thấy, chỉ thấy da vàng như nghệ vì sốt rét liên miên. Có người bạn thường nói “Dân đãi vàng, mặt vàng như nghệ” là vậy. Thật buồn cười, phải không mầy?
Thông buồn buồn:
- Ai mà chẳng vậy! Tao ra trại ở lại khu Mai Liên luôn, vì tao không có chỗ nào để về. Lấy người vợ ở ngoài làng, một thời gian sau xin chuyển về nhà bà già vợ, vì bà đã yếu. Bà chỉ có một cô con gái là vợ mình, Ông mất, bà ở vậy nuôi con, không đi bước nữa. Mỗi năm, sắp đến Tết, tao vào vùng núi cũ, chặt mai rừng về bán, kiếm ít tiền cho bà xã sắm Tết, năm nay “ê sắc ế” mầy ạ!
Lâm ngậm ngùi:
- Tao cũng có hơn gì đâu. Dù đau nhức liên miên mỗi khi trời trở, cũng gắng theo người ta đi làm thợ xây kiếm tiền, mà chờ cả chục ngày nay, chủ thầu mới trả tiền đây nè. Nghĩ cũng “mắc cười” mầy hén! Tự nhiên mình có cái nghề nầy. Hồi đó mình cứ đi gánh nước, thơ thẩn thôi, vậy mà làm cũng “ngon” à nghen!
Hai người bạn trao đổi thông tin, số điện thoại nhau, và hẹn sẽ đến thăm gia đình của nhau trong dịp Xuân nầy. Thông chọn tặng bạn nhánh mai rừng đẹp nhất làm quà xuân. Lâm cầm nhánh mai một cách trân quý, gởi ít tiền “lì xì” cho các cháu, Thông từ chối mãi không được, nhận để bạn vui.
Hai ông già xấp xỉ bảy mươi, nhìn ánh nắng chiều cuối năm vàng hiu hắt, trong lòng vui vẻ, hân hoan vì cuộc hạnh ngộ nầy.
***
Lâm ôm nhánh mai rừng bước vào sân, con Mực nằm trước cửa chạy ra vẫy đuôi mừng rỡ, nhào lên người anh kêu “ẳng ẳng”. Anh xoa đầu nó, vui vẻ:
- Mực! Im nào. Từ từ nào!
Nghe tiếng Lâm, bé Trang chạy ra, mừng rỡ:
- A! Ông Nội về! Cháu chào ông!
- Ông chào cháu! Có nhớ ông không nào?
Bé Trang trả lời ông “Dạ cháu nhớ ông nội nhiều”, rồi vụt chạy vào nhà, gọi ríu rít:
- Bà ơi! Ông về rồi!
Nghe tiếng hai ông cháu, bà Lâm từ bếp vội bước lên nhà, ông cũng vừa vào cửa. Lâm đưa nhánh mai rừng cho vợ, hôn lên gương mặt mừng vui của bà, giọng thì thầm:
- Tặng em một nhánh mai rừng, chiều cuối năm!
Tiểu Nguyệt
6/2021