TIỂU NGUYỆT
Người Thầy Trong Tôi
Tùy bút
Tình cờ tôi đã gặp anh trong buổi ra mắt tác phẩm “Đường trở về” của thầy Thiện Đạo tại cà phê Đồng Dao - thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Anh làm người dẫn chương trình hôm ấy. Tôi chẳng biết gì về anh chỉ nhớ anh đã từng qua trường tôi nói chuyện cùng nhà văn Minh Quân. Ngày ấy tôi bé quá chẳng biết gì, lũ học trò chúng tôi ngồi bên dưới tê cả tay chân, nói thật tôi chẳng nhớ anh đã nói gì, làm gì ngoài cái tên ấn tượng của anh. Tôi cứ nghĩ Mang Viên Long là bút hiệu thôi, anh còn có cái tên khác. Thoắt một cái đã hơn 40 năm, hôm nay tự nhiên anh xuất hiện. Rất tiếc hôm ấy không dùng máy khuếch âm nên tiếng nói anh hơi nhỏ tôi nghe không rõ, nhưng vẫn nghe được cái giọng sao giống người quê tôi. Cái giọng chân chất thiệt thà xứ “nẫu” của chúng tôi, cái tiếng nói mà dù đi đâu xa mấy chục năm tôi vẫn muốn giữ, mọi người hay đùa gọi đó là “gốc rạ”.
Hôm ấy, tôi không quen anh nên chưa có dịp tiếp xúc. Không biết ai giới thiệu mà anh lại mời tôi ngâm bài thơ, tôi chỉ cười chào ngồi yên không dám bước lên. Anh lại nói: “lên ngâm góp vui đi”. Hôm đó tôi đang bệnh vừa bớt, hơi mệt, nghe nói thầy Thiện Đạo giới thiệu tác phẩm mới, nên muốn tham dự để vừa gặp lại bạn, vừa thăm thầy cho vui, nhân ngày cuối năm. Tôi cười bước lên, Ngô Thái Long đưa tôi tập san “Nhớ Về Một Ngôi Trường” nói: “Chị ngâm bài “Ngôi Trường Nắng” giới thiệu trường mình luôn”. Thế là tay ôm tập san bước lên trên, cúi chào tất cả mọi người, tôi giới thiệu… Chưa nói được gì thì bạn Ngô Thái Long cướp mất lời giới thiệu của tôi về “Ngôi Trường Nắng”. Tôi nói nữa có thừa chăng? Thế nên tôi im luôn. Giọng tôi hơi xúc động khi nhắc đến ngôi trường thân yêu luôn hằn sâu trong ký ức, có đoạn tôi hơi nghẹn, không biết mọi người có nhận ra hay không, nhưng tôi đã thưa do bị bệnh, nên tiếng nhỏ làm mọi người nghe không rõ. Chị Tuyết khen “Hay quá Nguyệt ơi! Rất tiếc không có máy hổ trợ để rõ hơn”. Tôi vui vì góp phần làm mọi người vui và được nhắc về ngôi trường Bồ Đề Hiếu Xương thân yêu tôi đã từng học.
Sau đó mọi người chụp hình lưu niệm. Tôi cùng chen vô, dù có người tôi chẳng quen, chụp rất nhiều… Khi ra về, tôi gặp chị Triều Hạnh trước cửa cùng thầy Huiền Ân. Chị nói: “Có phải Tiểu Nguyệt không?” Tôi cười chào chị và cố tìm trong đầu xem chị là ai nhưng không nhớ ra. Chị nói thấy tôi trên face book, và biết là em kết nghĩa của vợ chồng anh Đặng Châu Long. Chị nhắc đến chuyến đi Bình Định vừa rồi nên tôi như sực nhớ hôm nay có thầy Mang Viên Long. Tôi liền nghĩ đến tập san Quán Văn, có lẽ chị là người viết bài cho tập san. Tôi ngẩn ngẩn ngơ ngơ trông buồn cười lắm, thấy vậy Thầy Huiền Ân cười quay sang tôi và nói: “Chị Triều Hạnh, ngày xưa về trường mình cùng cô Minh Quân đấy!”. Tôi “dạ” và dù cố moi trong ký ức tôi vẫn chẳng nhớ gì cả.
Chia tay mọi người, tôi về. Tôi rất vui vì đã được tham dự buổi gặp gỡ hôm ấy. Tôi về lại Nha Trang lên face book tìm hiểu. Tôi làm quen với chị Triều Hạnh và gởi lời xin lỗi vì đã không nhận ra chị hôm ấy. Tôi làm quen với anh và biết anh là người Bình Định, thảo nào tiếng nói giống quê tôi. Tôi liên tưởng đến câu ca dao: “Anh về Bình Định thăm cha, Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em.” Ba tỉnh này có tiếng nói na ná nhau… Sau đó anh gởi tặng tôi quyển sách “Truyện Tập Truyện Ngắn” Tập 2 của anh. Tôi đọc rất chăm chú và biết được anh ít nhiều qua tác phẩm. Tiếng nói anh nghe hiền lành chân chất, giọng cười ròn tan nghe rất vui, như chẳng vướng chút phiền muộn, nó trong veo… Tôi thấy vui vui khi quen biết anh. Hằng ngày tôi cũng như mọi người được anh mời trà và cà phê mỗi sáng, dù rằng là trên mạng nhưng tôi vui lắm. Mỗi lần anh đi đâu xa không lên bài ở Fb là thấy thiếu thiếu cái gì đó, hóa ra tôi ghiền cà phê mỗi sáng mất rồi.
Tôi vẫn nghĩ Mang Viên Long là bút hiệu, cho đến khi tôi đọc Quán Văn số 36, chủ đề “Bình Định Nỗi Nhớ”. Bài “Phác họa chân dung Mang Viên Long” của nhà thơ Luân Hoán, tôi mới biết đó là tên thật và biết thêm một chút về tiểu sử của anh.
“ Mất cha trong bụng mẹ
Mất mẹ sau tám năm
Hạt giống của trời đất
Vẫn vươn mình thong dong
Không chỉ là bút hiệu
Tên khai sinh đàng hoàng
Ôm dòng họ rất lạ
Trôi ấm theo thời gian
Ra đời năm bốn bốn
Âm lịch nhằm giáp thân
Đất An Nhơn Bình Định
Nở thêm một loại bông….”
Anh đã phải chịu nỗi đau mồ côi từ bé, vậy mà vượt qua bất hạnh, lớn lên trong gian khổ, để dâng hiến cho đời những tác phẩm tuyệt vời. Tôi chưa đọc hết những tác phẩm của anh, nhưng như những gì tôi biết là văn anh mộc mạc, giản dị dễ đi vào lòng người. Tôi ôm tập truyện ngắn của anh đọc ngấu nghiến bỏ cả cơm trưa, nó lôi cuốn, cứ muốn biết truyện tiếp theo là gì và thế là đọc tiếp bỏ cơm thôi. Lúc nào trong lòng tôi anh cũng là người Thầy giỏi giang mọi thứ… Ghép hình trên face cũng giỏi, thơ cũng hay, mà văn cũng rất tài hoa; hòa lẫn với cái giọng chân chất, tiếng cười trong veo, làm tôi ngưỡng mộ anh. Tôi luôn gọi anh bằng Thầy, nhưng anh không cho và nói: “Em là học trò của anh Trần Huiền Ân (…) là bạn anh - anh có dạy em đâu mà gọi là Thầy? Anh cảm thấy hơi…kỳ kỳ!”. Thế là anh nhận tôi làm em - văn - nghệ, như vợ chồng anh Đặng Châu Long vậy.
Anh là nhà văn đã thành danh trước năm 1975. Những chuyện tình dở dang, tan vỡ trong tác phẩm của anh khiến tôi nao lòng; thường có ý nghĩ không biết trong cuộc sống thật, anh có được hạnh phúc hay bị đổ vỡ? Tôi cũng võ vẽ tập viết văn, câu cú luộm thuộm dài dòng dù cố cách mấy cũng không gọn gàng được; vậy mà anh chỉ đọc qua, góp ý đôi chỗ, đã nghe mượt mà trôi chảy rồi. Có người anh - văn - nghệ giỏi giang tuyệt vời như thế tôi hãnh diện lắm, và viết được bài nào, cũng chia sẻ cho anh - nhờ anh góp ý, có lẽ cũng làm mất thời gian làm việc của anh. Tôi lo ngại làm phiền anh, nhưng anh rất vui vẻ giúp tôi. Qua câu chuyện, anh hướng dẫn tôi viết tùy bút, tạp bút phải như thế nào; viết truyện ngắn phải viết làm sao để bài viết có một hướng đi, được nhiều người đồng cảm, chấp nhận! Tôi cảm thấy, như nụ cười luôn nở sẵn trên môi anh, và luôn chia sẻ tình yêu thương với tất cả mọi người; trong lòng tôi anh luôn là vị Thầy mà tôi kính yêu.
Lần tôi về quê được vợ chồng người anh mời ghé nhà chơi, tôi gặp lại anh ở đó, anh là Thầy của chị thời tiểu học. Lớn tuổi và đường xa mà anh vẫn thường xuyên vào thăm nhóm học trò cũ thật tình nghĩa. Nhìn anh hiền lành làm sao ấy! Từ giọng nói tiếng cười nghe chân chất thiệt thà. Anh luôn vui vẻ và hình như không có gì làm anh buồn lòng được, có thể anh đã ngộ ra cuộc sống vô thường này hay anh đã quá khổ đau để không còn có thể buồn được nữa? Nhóm học trò cũ ngày xưa của anh rất dễ thương, họ yêu quí anh vô cùng, tôi càng ngưỡng mộ anh hơn. Nếu ngày ấy anh về Phú Hiệp dạy học, có lẽ tôi đã là học trò anh mấy mươi năm rồi còn gì. Nhìn mấy thầy trò cười đùa hồn nhiên, tôi cùng hòa theo như trò của thầy vậy.
Hằng ngày mỗi lần mở máy lướt face là thấy anh mời trà, cà phê buổi sáng; cây cảnh bonsai ở đâu mà anh tặng mọi người hằng ngày trông hào phóng lắm, cây nào cũng đẹp. Không chỉ chào buổi sáng, mà buổi chiều, buổi tối anh cũng chào, nghe lời chào mãi như thế tôi thấy vui và như món ăn tinh thần mọi người dành cho nhau trong cuộc sống tạm mà đầy dẫy khổ đau này.
Tôi rất quí anh - luôn yêu mến, và trong lòng tôi, anh là vị Thầy thân thương giàu lòng nhân ái.
Tháng 05.2016